24/07/2023 - 11:41 PM - 1.165 lượt xem
Tóm tắt: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là người có nhân cách sống cao đẹp, tấm gương sáng về lòng yêu nước. Sau khi từ quan, cụ Nguyễn Sinh Sắc chuyển vào các tỉnh phương Nam sinh sống, quá trình di chuyển đi qua nhiều địa phương, trong đó nhiều lần đến và lưu lại tỉnh Bến Tre. Trên cơ sở những tài liệu đã được công bố, tác giả bước đầu dựng lại những tháng ngày cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hoạt động ở Bến Tre để góp bàn cùng bạn đọc.
Từ khóa: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; hoạt động và ảnh hưởng; tỉnh Bến Tre
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh năm 1862, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Năm 1901, cụ Nguyễn Sinh Sắc thi đậu Phó bảng và làm quan dưới chế độ thực dân, phong kiến. Năm 1910, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bỏ chức Tri huyện Bình Khê (Bình Định), đi nhiều nơi để trải nghiệm cuộc sống, với trí thức của một nhà nho, ông hiểu rằng: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, (Quan trường là nô lệ trong đám nô lệ, càng nô lệ hơn). Cụ Phó bảng đi nhiều nơi, kết giao với những người yêu nước trên vùng đất Nam Bộ.
Đến Bến Tre, tại chùa Tiên Linh1 (nay thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), Cụ được nhà sư Khánh Hòa, che chở, giúp đỡ, “hai cụ vừa đàm đạo việc nước, việc lo cho dân. Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc vừa mở lớp dạy chữ Nho vừa xem mạch trị bệnh cho dân nghèo2.
Hòa thượng Thích Giác Mãn, trụ trì chùa Tuyên Linh sau này, cho biết: “Năm 1920, Tổ sư có tiếp đón một vị khách ngoài Bắc vào đi cùng với ông Vũ Hoành. Tăng chúng trong chùa không biết vị khách đó là ai, nhưng được ngài Khánh Hòa tiếp đãi rất trọng thị, sau này mới biết đó là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong thời gian lưu lại chùa, cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hòa thượng Khánh Hòa rất hợp ý, trở thành bạn tâm giao”3.
Về sự kiện này, Tạp chí Phật học duy tâm, năm 1935, cho rằng: “Cụ Sắc đã gợi ý sáng tỏ cho cụ Khánh Hòa phải tổ chức, có tổ chức mới có cơ sở để làm việc, để tạo thế mạnh và hoàng đạo, phải tổ chức thành hội Phật giáo. Bấy lâu cụ Khánh Hòa có ý đó, giờ đây được cụ Sắc làm sáng tỏ hẳn lên và cụ Sắc trở thành một lý thuyết gia cho cụ Khánh Hòa”4. Cuộc gặp gỡ giữa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và nhà sư Khánh Hòa tại chùa Tiên Linh thời gian này là sự tâm giao giữa một nhà nho yêu nước với bậc chân tu ưu thời mẫn thế trong cảnh nước mất nhà tan. Cuộc gặp gỡ này có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của Phật giáo ở tỉnh Bến Tre những năm về sau.
Cuối năm 1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng với một vị cao tăng của chùa Từ Đàm (Huế) trở lại chùa Tiên Linh5. Tại đây, được sự bảo trợ của nhà sư Khánh Hòa, cụ Sắc đã mở lớp dạy học cho phật tử. Bên cạnh đó, Cụ còn bắt mạch, bốc thuốc cho đồng bào nghèo quanh vùng. Tuy nhiên, được khoảng một tuần thì các ông rời đi. Mặc dù thời gian lưu lại chùa không lâu nhưng cũng đủ cho cụ Phó bảng và sư Khánh Hòa trở thành đôi bạn tâm giao về Phật pháp và thấu hiểu nỗi lòng về thời cuộc.
Đầu năm 1927, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng Trần Hữu Chương (biệt danh là Tú Chương, sau đổi tên thành Ngô Văn Chương), trở lại chùa Tiên Linh để gây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp bồi dưỡng thanh niên, kể cả những người trong tổ chức Thanh niên Cao vọng Đảng của Nguyễn An Ninh và Thiên Địa Hội trước đây. Riêng cụ Sắc thì tiếp tục công việc thường làm là dạy chữ Nho, bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho đồng bào nghèo. Về sự kiện này, nhà sư Thành Lệ (lúc đó học trò sư Khánh Hòa) cho biết: “khi đến chùa Tiên Linh, Trần Hữu Chương lo mở lớp dạy học làm điều kiện phát triển Đảng Tân Việt. Còn cụ Phó bảng và nhà sư Khánh Hòa, cùng các nhà sư khác bàn bạc đạo sự trong liêu, chỉ ra ngoài vào sáng sớm hoặc chiều tối”6. Ông Tú Chương ở chùa Tiên Linh đã tổ chức được 2 lớp học với hơn 70 học sinh. Trong quá trình dạy học, ông Tú Chương còn truyền bá tin chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười Nga và dạy vẽ cờ búa liềm, giải thích thế nào là nô lệ, là nhục mất nước v.v..”7. Như vậy, lớp học bên ngoài dạy chữ Pháp - Việt nhưng thực chất bên trong truyền bá tư tưởng yêu nước, chống Pháp cho thanh niên địa phương. Ngoài ra, trong thời gian này, cụ Nguyễn Sinh Sắc có về chùa Vĩnh Bửu ở chợ Thơm (nay thuộc xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc), chùa Oai Linh (nay thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam), qua Ba Tri viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu, mộ cụ Võ Trường Toản và liên hệ với Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn (Mười Mẫn), Lê Văn Phát (Hương Lễ Đẩu). Trong đó, Lê Văn Phát được Cụ trực tiếp giới thiệu với Phan Trọng Bình và chính Phan Trọng Bình giới thiệu để kết nạp Lê Văn Phát vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Hơn nữa, Cụ còn đến tỉnh lị gặp chí sĩ Nguyễn Quyền, một yếu nhân của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp an trí ở đây để đàm đạo việc nước, việc đời.
Trong năm 1927, được nhân dân báo tin bộ máy cai trị ở địa phương nghi ngờ trong chùa Tiên Linh có người lạ mặt đang ẩn náu, nhà sư Khánh Hòa đã mướn ghe hầu7, nửa đêm đưa cụ Phó bảng đi theo rạch Tân Hương ra sông Cổ Chiên về Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Trước khi rời chùa Tiên Linh, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tặng sư Khánh Hòa câu đối:
“Như thị Như Lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ quy Phật pháp.
Trí vi Trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào trí thức thượng thiên lai”
Tạm dịch:
Giống như Như Lai, đã xuất thế khai thông, nhưng vẫn hướng dẫn tín đồ mê muội quay về chánh pháp.
Bậc Trí như trí giả, hiện thân này thuyết pháp hô hào người trí thức như từ cõi trên trôi xuống
Nội dung câu đối thể hiện tinh thần cổ xúy công cuộc chấn hưng Phật giáo, và kêu gọi đội ngũ trí thức dấn thân phục vụ nhân sinh, phục vụ đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm.
Trong những năm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hoạt động ở các tỉnh Nam Bộ, nhiều lần đến và lưu lại tỉnh Bến Tre, phần lớn thời gian hoạt động ở đây, gắn liền với chùa Tiên Linh và nhà sư Khánh Hòa. Ngoài việc dạy học, bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân, Cụ còn liên hệ với những thanh niên yêu nước tiến bộ để tuyên truyền, vận động tinh thần yêu nước. Những hoạt động tuyên truyền và tư tưởng yêu nước, thương dân của cụ Phó bảng trong thời gian ở Bến Tre đã góp phần thu hút nhiều thanh niên, tăng, ni, phật tử yêu nước tham gia cách mạng.
Nhân dân Bến Tre luôn tưởng nhớ công lao và khắc sâu hình ảnh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Năm 2019, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay, mai sau và lưu giữ những dấu ấn của cụ Phó bảng đối với nhân dân Bến Tre, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho xây dựng Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khuôn viên Di tích quốc gia chùa Tuyên Linh với tổng diện tích hơn 9.000m2. Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày giỗ của Cụ (27-11-1929 - 27-11-2020), tỉnh Bến Tre đã long trọng khánh thành Khu lưu niệm. Hàng năm, vào những dịp lễ, Tết, hàng trăm người đã đến tham quan Chùa và Khu lưu niệm.
1. Chùa “Tiên Linh” sau đổi là chùa “Tuyên Linh”.
2, 7. Ban Thường vụ Đảng ủy xã Minh Đức: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Đức, Nxb Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 18, 19
3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre, Nxb. Công an nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr. 65.
4. Xem Nguyễn Hữu Hiếu (Biên khảo): Nguyễn Sinh Huy chân dung một nhà Nho, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.225.
5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đồng Tháp, 1990, tr.229.
6. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre, Nxb. Công an nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr. 316