Tóm tắt: Phong trào đấu tranh đòi thành lập các nghiệp đoàn, ái hữu trong công nhân được phát triển mạnh vào giai đoạn 1936-1939, khi Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp ra đời đã ban bố nhiều đạo luật mang tính “nhân đạo”, “xã hội” trong chính sách cai trị thuộc địa nhằm mục đích khai thác bóc lột thuộc địa để giải quyết các vấn đề của mình. Dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, báo chí cách mạng Bắc Kỳ đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, định hướng, dẫn dắt phong trào đấu tranh đòi thi hành luật lao động và thành lập nghiệp đoàn, ái hữu trong công nhân.

1. Những yếu tố tác động đến phong trào đấu tranh thành lập các nghiệp đoàn, ái hữu trên báo chí cách mạng Bắc Kỳ (1936-1939)
Từ năm 1936 trở đi, khi Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp có ý định “nới lỏng” quyền tự do báo chí ở Đông Dương thì tự do báo chí trở thành một phong trào sôi động chưa từng có và đây là lần đầu tiên tiếng nói của những người lao động được công khai trên các diễn đàn báo chí. Kết quả của phong trào này là sự gia tăng về số lượng báo chí cả công khai và bí mật, cả hợp pháp và không hợp pháp trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ1. Bên cạnh số lượng các báo tăng lên một cách nhanh chóng, lực lượng những người làm báo cũng tăng lên về số lượng và chất lượng. Trong những năm 1936-1939, những nhà báo cách mạng như: Trường-Chinh, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Trần Đình Long, Khuất Duy Tiến, Hoàng Quốc Việt, Đặng Châu Tuệ… hầu hết được đào tạo ở trong nước hoặc ở Quảng Châu-Trung Quốc trong lớp huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và trực tiếp tham gia chỉ đạo và hoạt động báo chí theo khuynh hướng mác xít ở Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ mặt trận Dân chủ Đông Dương. Họ không phải là nhà báo chuyên nghiệp mà là những nhà hoạt động chính trị coi báo chí là một phương thức hoạt động, một vũ khí đấu tranh. Họ đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, nói tiếng nói của giai cấp công nhân. Trường-Chinh từng quan niệm: “Tác giả có ý chí kiên cường, tác phẩm có ý nghĩa chiến đấu” hay Trần Huy Liệu cáo biệt độc giả khi nghe tờ báo của ông làm chủ bút bị thực dân đóng cửa “viết xong bài này thì đành liệng cây bút xuống, không nói nữa, không viết nữa, chỉ chờ người ta đến khóa tay dẫn đi mà thôi”2. Theo Nguyễn Thành, số tờ báo và đội ngũ viết báo Bắc Kỳ đông gấp 4 lần ở Trung Kỳ3. Bên cạnh một số nhà báo cộng sản dày dặn kinh nghiệm, báo cách mạng Bắc Kỳ còn có một lớp thanh niên mới được giác ngộ cách mạng, có khả năng trở thành những nhà báo, đã được tập hợp lại, tăng cường cho đội ngũ nhà báo cách mạng ngày một đông đảo như: Trần Minh Tước, Đào Duy Kỳ, Như Phong, Học Phi…
Đến năm 1937, kinh tế Đông Dương chịu ảnh hưởng và khủng hoảng do kinh tế tư bản tiếp tục rơi vào khủng hoảng sau một thời gian phục hồi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhân dân phải đóng nhiều thứ thuế, ngày một nặng, phải gánh chịu mọi thủ đoạn vơ vét tàn nhẫn để một mặt góp vào ngân sách chuẩn bị chiến tranh ở Pháp, mặt khác chi phí cho những nhu cầu ở Đông Dương đang đòi hỏi không ngừng tăng lên, nhất là nhu cầu về quốc phòng. Công nhân bị sa thải, thất nghiệp ngày càng phổ biến, đã thế mặc dù thực dân Pháp đã ra những quy định về số giờ làm nhưng nó cũng không được thực hiện hoặc chủ các nhà máy đã tìm mọi cách trì hoãn hoặc thay đổi cách tính tiền công để không ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ đó là trả theo giờ. Theo báo Bạn dân: “Ngày 14-6-1937, độ 2.000 người thất nghiệp vừa đàn ông, đàn bà và con nít, kéo nhau đến tòa đốc lý xin việc, xin gạo. Những người thất nghiệp đã bị cảnh sát xua đuổi và không được giải quyết gì”4. Đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, chật vật.
Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra sách lược lập mặt trận dân chủ rộng rãi chống phát xít, chống chiến tranh bao gồm mọi lực lượng có thể để đoàn kết dưới khẩu hiệu “tự do dân chủ, cơm áo, hòa bình”. Giai cấp công nhân cùng với giai cấp nông dân, phải là lực lượng trụ cột vững chắc, lôi kéo và tập hợp được các lực lượng xã hội khác vào trong Mặt trận đó. Muốn hoàn thành được nhiệm vụ này, giai cấp công nhân phải đoàn kết trong những tổ chức quần chúng rộng rãi-các nghiệp đoàn, tổ chức theo lối công khai và bán công khai. Trong bức thư gửi các tổ chức của Đảng, Ban Trung ương đã chỉ đạo rõ: “Để thống nhất phong trào thợ thuyền trong các xứ, nơi mà công hội đỏ và công đoàn cải lương có lực lượng gần như nhau, tất cả các công đoàn ấy phải được thống nhất lại thành một tổ chức công đoàn thống nhất (như ở Pháp hoặc Tây Ban Nha)...
Để thực hiện đường lối của Đảng, cần phải thống nhất phong trào thợ thuyền, đó là điều cơ bản. Phải biết áp dụng các khả năng công khai và bán công khai để tổ chức công nhân thợ thuyền, phải sử dụng các hội ái hữu, các hội cứu tế... Cần phải sử dụng tất cả các hình thức tổ chức thuộc về nghiệp đoàn và nghề thủ công để thống nhất phong trào thợ thuyền. Chỉ có sự giúp đỡ từng bước của tổ chức này, khi giáo dục quần chúng mới có thể dẫn dắt đa số giai cấp thợ thuyền vào cuộc đấu tranh giai cấp. Chỉ có như vậy ảnh hưởng và các hình thức tổ chức của Đảng mới có thể được lan rộng trong giai cấp thợ thuyền”5.
Trong quá trình phong trào phát triển, khi thực dân Pháp hạn chế nghiệp đoàn, khuyến khích công nhân phát triển ái hữu, Đảng lại nhanh chóng điều chỉnh chỉ đạo để phong trào không bị chìm xuống: “Chúng ta phải dùng hết các hoàn cảnh công khai và bán công khai mà tổ chức ra các hội ái hữu, tương tế để đoàn kết công nhân và bênh vực quyền lợi cho họ. Tuy tên gọi là ái hữu, tương tế mà nội dung là công tác công hội là được”6.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, báo chí cách mạng nói chung và báo chí cách mạng ở Bắc Kỳ nói riêng đã nhanh chóng, kịp thời có những nội dung triển khai chủ trương của Đảng và định hướng phong trào quần chúng.
 
2. Cuộc đấu tranh thành lập các nghiệp đoàn, ái hữu trong công nhân trên các báo cách mạng ở Bắc Kỳ (1936-1939)
Đấu tranh thành lập nghiệp đoàn được thực hiện sôi nổi, quy mô trên các báo cách mạng ở Bắc Kỳ. Đầu tiên là các bài viết đấu tranh đòi tự do nghiệp đoàn, tiếp theo, khi thực dân Pháp đã đồng ý (về mặt danh nghĩa) thì báo chí đưa ra những hướng dẫn cụ thể về việc thành lập nghiệp đoàn, làm thế nào để phát huy được vai trò của nghiệp đoàn và kêu gọi công nhân tham gia. Khi phong trào đã đi vào thực tế, để khích lệ quần chúng, báo cách mạng ở Bắc Kỳ thường xuyên đưa những thông tin về việc thành lập và hoạt động của một số nghiệp đoàn tiêu biểu. Trước sự lớn mạnh của phong trào nghiệp đoàn, thực dân Pháp tìm cách ngăn cản phong trào nghiệp đoàn, hướng công nhân thành lập ái hữu. Được sự chỉ đạo của Đảng, các báo cách mạng Bắc Kỳ tiếp tục định hướng công nhân tham gia vào các ái hữu và đưa ra những định hướng để các ái hữu phát huy vai trò của mình. Sự phát triển của các ái hữu và những hoạt động thiết thực của nó đối với phong trào công nhân là minh chứng cho đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự thành công trong công tác vận động công nhân của báo chí cách mạng.
Ngay từ số báo ngày 15-7-1936, báo Hồn trẻ đã yêu cầu “Tự do nghiệp đoàn giữa những người lao động” lên hàng đầu trong những yêu cầu cơ bản nhất của công nhân. Trong phong trào Đông Dương đại hội, giai cấp công nhân tiếp tục giương cao yêu cầu “tự do nghiệp đoàn” đồng thời hăng hái lập các tổ chức dưới hình thức “Ủy ban hành động” hoạt động công khai trong khuôn khổ luật pháp thực dân cho phép. Trên thực tế, Ủy ban hành động của công nhân trong phong trào Đông Dương đại hội có nội dung hoạt động riêng như một ban trị sự nghiệp đoàn7.  Từ đó, các báo chí công khai của Đảng luôn nêu khẩu hiệu tự do nghiệp đoàn cho công nhân. Đặc biệt là trong các cuộc tiếp xúc với đặc phái viên của chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp J.Gôđa, các đại biểu công nhân đã trực tiếp nêu lên yêu cầu tự do nghiệp đoàn, khiến cho J.Gôđa cuối cùng phải tỏ thái độ rõ ràng: “Tôi tán thành tự do nghiệp đoàn”8.
Để động viên, hướng dẫn, huấn luyện công nhân thành lập nghiệp đoàn, báo Bạn dân đã đưa ra bài viết với tiêu đề: “Huấn luyện nghiệp đoàn”, trong đó giới thiệu từng bước để thành lập và phát triển nghiệp đoàn như: “Nghiệp đoàn mở mang trí thức cho lao động như thế nào” (báo Bạn dân, số 22, ngày 13-10-1937); “Muốn thành cái lợi khí đấu tranh của lao động, nghiệp đoàn cần phải có những điều kiện gì” (báo Bạn dân, số 25, ngày 3-11-1937; số 27, ngày 17-11-1937)... Để đi đến thành lập nghiệp đoàn,  được viết một cách tỉ mỉ, như báo Bạn dân, số 25, ngày 17-11-1937, chỉ rõ: “Cách lấy người vào nghiệp đoàn: trong khi thâu nạp hội viên mới vào nghiệp đoàn, điều kiện cốt yếu là người đó phải công nhận điều lệ của hội, nghĩa là phải tán thành mục đích của hội (cố nhiên cả mục đích tranh đấu) tuân theo chương trình, kỷ luật của hội.
Nghiệp đoàn là một cái tổ chức tranh đấu chống lại giai cấp tài chủ để đòi quyền lợi cho mình-bất kỳ người chủ kia là Tây, Tàu, An Nam hay Ấn Độ... Nghiệp đoàn phải thâu góp hết thẩy các phần tử, giai cấp, cùng quyền lợi với mình. Cho nên, hễ là thợ thuyền, có điều kiện cốt yếu nói trên, không phân biệt trai gái già trẻ, tôn giáo, nòi giống, đảng phái đều có thể vào nghiệp đoàn cả”.
Để quần chúng hiểu rõ bản chất thái độ của thực dân Pháp trong việc thành lập nghiệp đoàn của công nhân, báo cách mạng ở Bắc Kỳ thường xuyên có những bài viết như: Báo Bạn dân số 7, ngày 10-6-1937, viết: “Bên ngoài thái độ của chúng như làm ngơ nhưng kỳ thật ở trong chúng hết sức lo lắng và kiếm đủ cách để chẹn đường quần chúng không cho đi ngay đến nghiệp đoàn.
Bởi thế, chúng vạch ra một con đường ít nguy hiểm hơn để đưa giai cấp thợ thuyền vào đấy đó là hội tương tế”. Sau đó khi thấy được tính chất nguy hiểm của hội tương tế: “dần dần chính phủ thấy hội tương tế vẫn nguy hiểm, vì nó sẽ là một cái mầm tổ chức của thợ thuyền và lại sẽ làm cái tăm-lanh cho thợ thuyền nhảy đến nghiệp đoàn một cách nhanh chóng. Vì thế mà, gần đây, đối với việc lập hội tương tế chính phủ hết sức dè dặt”.
Đồng thời, bài viết cũng đưa ra những yêu cầu trực diện: “Trong lúc này, chúng tôi yêu cầu chính phủ ban bố ngay luật lập nghiệp đoàn ở Đông Dương đừng chờ đợi gì nữa… Hiện giờ tất cả quần chúng lao động đều tha thiết mong mỏi cái quyền tự do ấy: lập nghiệp đoàn”.
Trước phong trào đòi tự do nghiệp đoàn, Toàn quyền Đông Dương Brêviê thành lập Hội đồng nghiên cứu việc thi hành luật nghiệp đoàn ở Đông Dương, do Phó Toàn quyền làm chủ tịch: Hội đồng gồm: Giám đốc phòng kinh tế và hành chính phủ toàn quyền, Giám đốc nha liêm phóng Đông Dương, Chánh phòng thanh tra lao động phủ thống sứ, Chánh phòng thương mại, Chánh phòng canh nông, đại diện sở mỏ, Giám đốc nha tư pháp, Hoàng Trọng Phu đại diện địa chủ và quan lại, Lê Thăng đại biểu dân biểu. Trong Hội đồng không có một đại biểu nào của công nhân. Trước sự việc trên báo chí cách mạng Bắc Kỳ đã phản ứng gay gắt: “Kết cấu của hội đồng nói trên cũng đủ cho ta thấy sự bất lực và sự vô ích của nó”9. Sau đó, báo Bạn dân, số 10, ngày 1-7-1937, đã có bài kiến nghị thay đổi: “Còn một điều nữa là ý định của ủy ban chỉ thi hành luật lập nghiệp đoàn trong các ngành đại kỹ nghệ thôi. Chúng tôi chưa hiểu tại sao có sự rút hẹp ấy. Những người làm công trong các sở buôn lớn, các người đi ở, các người thủ công, các người làm thuê mướn ở thôn quê còn phải đợi đến bao giờ mới được hưởng luật nghiệp đoàn... chúng tôi yêu cầu rằng trong ủy ban đó phải có đại biểu của chúng tôi để bày tỏ rõ những hoàn cảnh mà chỉ có chúng tôi mới hiểu được và để bênh vực quyền lợi của chúng tôi mà chính quan lớn đã công nhận là chính đáng”.
Sau một thời gian đấu tranh đòi quyền tự do nghiệp đoàn đã đưa đến kết quả là chính quyền thực dân phải thừa nhận quyền tự do nghiệp đoàn của giai cấp công nhân. Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp phải đưa ra bản dự thảo luật nghiệp đoàn gồm 10 điểm gửi cho thực dân cầm quyền ở Đông Dương.
Tuy nhiên, khi phong trào phát triển mạnh, thực dân Pháp nhanh chóng thực hiện những biện pháp hạn chế thành lập các nghiệp đoàn. Trong bức thư mật gửi cho Toàn quyền Đông Dương Brêviê vào đầu năm 1937, Bộ trưởng thuộc địa Mutê viết: “Tôi không nghiêng về ý kiến cho rằng có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của những tổ chức chính trị đối với những người làm công đó bằng việc tổ chức thành những ái hữu và nghiệp đoàn chuyên nghiệp. Những đoàn thể này sẽ dần dần làm cho những người lao động thoát khỏi sự chi phối của bất cứ hành động chính trị hoặc tôn giáo nào và tất cả những hội kín nữa là những thứ mà dân chúng Viễn Đông rất ưa thích”10. Vào giữa năm 1937, thực dân Pháp ở nhiều nơi còn dùng những biện pháp mạnh tay, những tin tức này cũng thường xuyên được đăng trên các báo cách mạng ở Bắc Kỳ để cảnh tỉnh công nhân như: “Bàn việc lập nghiệp đoàn 60 người bị bắt”11… Khi chặn phong trào nghiệp đoàn, thực dân Pháp hé mở cánh cửa ái hữu, “theo con mắt của những người đương cuộc, ấy là phương pháp đâm lỗ một cho rút bớt nước đám ruộng tràn, làm cho quần chúng xao lãng mà không đòi nghiệp đoàn nữa” tức là đẩy quần chúng ra khỏi và khống chế họ12.
Để phong trào không bị chìm xuống và dập tắt trước những thủ đoạn của thực dân Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời ra chủ trương: “vấn đề không phải là tên gọi ái hữu hay nghiệp đoàn mà là ở nội dung hoạt động”13. Từ đó, trên các báo cách mạng ở Bắc Kỳ thường xuyên xuất hiện những bài viết kêu gọi công nhân gia nhập vào các tổ chức ái hữu như: “Mấy lời hiệu triệu của ban trị sự tạm thời của hội ái hữu thông phong”14; “Mấy lời hiệu triệu của ủy ban lâm thời hội ái hữu thợ may Đà thành”, trong đó kêu gọi: “Anh chị em hãy gia nhập vào hội cho đông, gia nhập ngay lúc này. Gia nhập cho đông vào hội ngay lúc này tức là sửa soạn cho hội một cơ sở vững chắc. Hỡi anh chị em đừng do dự nữa đời sống của chúng ta chỉ cải thiện khi nào chúng ta biết mạnh dạn quả quyết bước tới”15. Báo Bạn dân thường xuyên có tin kêu gọi công nhân tham gia vào các tổ chức nghiệp đoàn, ái hữu như: Trong “Lời kêu gọi anh chị em công nông Rạch Giá” đăng trên số 25 ngày 3-11-1937, viết:
“Hỡi tất cả anh em Chauffeurs!!!
Anh em! Thì giờ này không cần nói nhiều, anh em cũng nhận rằng: cần phải đoàn kết nhau lại, cần phải liên lạc mật thiết với nhau, mới có thể giúp nhau được, mới có thể bênh vực nhau được và mới có thế lực mà chống với những áp bức, đè đầu, đè cổ chúng ta. Sự đoàn kết, sự liên lạc là cần thiết của chúng ta”.
Cùng với việc kêu gọi công nhân, các báo còn thường xuyên đăng tin việc đi vào hoạt động của các tổ chức nghiệp đoàn, ái hữu ở các nước để khích lệ công nhân như: “Ái hữu sở địa chánh và bảo tồn điền trạch Quảng Nam đã được phép chính thức thành lập”16, hay “Viên chức đã được quyền lập nghiệp đoàn”17, “Hội ái hữu thợ cạo Hà Nội đã được giấy phép rồi”18. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, công nhân rầm rộ tổ chức các ái hữu theo ngành, nghề và theo xí nghiệp, địa phương như: ái hữu thợ dệt, ái hữu công nhân nhà máy tơ, ái hữu thợ nón, thợ mũ, thợ giày… Nhiều ái hữu có tới hàng trăm hội viên như: ái hữu thợ dệt Nam Định có trên 400 hội viên, ái hữu thủy thủ Hải Phòng có trên 200 người tham dự, ái hữu thợ nón Sài Gòn họp có trên 200 người tham dự…19. Ở Bắc Kỳ, phong trào ái hữu lên cao với số hội viên tăng lên nhanh chóng. Tháng 9-1937, Bắc Kỳ có 1.700 hội viên ái hữu thì đến tháng 2-1939 con số đó đã tăng lên 3.900 người. Chỉ tính riêng ở Hà Nội đã có 26 ái hữu của các ngành nghề20. Báo Dân chúng viết: “Phong trào ái hữu ở Bắc Kỳ ảnh hưởng tới trong Nam, ở Nam Kỳ từ thành thị đến thôn quê mấy tháng sau, ái hữu thợ thuyền, nông dân kế tiếp nhau thành lập như nấm”21. Từ công nhân, ái hữu còn phát triển ở hầu hết các tầng lớp lao động khác như nông dân, thợ thủ công, tiểu thương, công chức…
Các hội ái hữu ra đời không chỉ đoàn kết công nhân mà còn đại diện cho công nhân để đấu tranh đòi quyền lợi và bảo vệ họ, điển hình như hội lương hữu Ba Son22 đã đóng vai trò như một tổ chức nghiệp đoàn. Cuộc mít tinh ngày 1-5-1938, tại Hà Nội, đã thể hiện tính tổ chức, kỷ luật của các ái hữu. Trần Huy Liệu, người trực tiếp chỉ đạo trong ngày 1-5, viết: “Các đoàn thể quần chúng trước khi đến trường đấu xảo làm mít tinh đều tụ tập ở hội quán Ái hữu của mỗi ngành hay ở địa điểm nhất định. Hàng ngũ chỉnh tề, có người phụ trách từng nhóm, từng đoàn. Mỗi người đều đeo huy hiệu. Trên mũ cài những khẩu hiệu la liệt, vang lừng… các phố đều nổi dậy những cuộc biểu tình kéo đi như nước lũ về trường Đấu Xảo Hà Nội”23.
Sự phát triển của phong trào ái hữu cũng làm cho thực dân Pháp lo ngại, chính quyền thực dân tiếp tục đưa ra những biện pháp để khống chế sự phát triển của ái hữu như: quy định công nhân phải đủ 28 tuổi mới được tham gia ái hữu, hoặc có những nơi tư bản Pháp dùng những biện pháp mạnh tay hơn: sa thải những công nhân tham gia ái hữu. Chủ hãng ô tô buýt Sài Gòn đã sa thải một lúc 22 công nhân vì tham gia ái hữu; 200 gia đình công nhân vì tham gia ái hữu thợ dệt Nam Định buộc phải thôi việc và đuổi ra khỏi khu ở của nhà máy24… Càng về sau chính sách đàn áp phát xít càng được thi hành rộng rãi. Ngày 28-9-1939, Toàn quyền Đông Dương G.Catơru ra nghị định giải tán các hội nghiệp đoàn, ái hữu, tịch thu giấy tờ của các tổ chức đó thì phong trào công nhân dưới hình thức nghiệp đoàn, ái hữu đã chuyển sang hình thức đấu tranh khác.
Phong trào đấu tranh đòi thành lập nghiệp đoàn, ái hữu là một phong trào mang tính đặc thù của công nhân trong giai đoạn 1936-1939, thời kỳ Mặt trận bình dân Pháp có những chính sách tương đối nới lỏng đối với nhân dân thuộc địa trong đó có Việt Nam. Trong phong trào đó, báo chí cách mạng nói chung, đặc biệt là báo chí ở Bắc Kỳ đã phát huy vai trò của mình, góp phần vào sự phát triển của phong trào công nhân; đồng thời, báo chí cách mạng Bắc Kỳ khẳng định vai trò xung kích trong cuộc vận động dân chủ, dân sinh 1936-1939.
__________________
1. Tiêu biểu như các báo: Le TravailHà Thành thời báo, Bạn dân, Tin tức, Đời nay, Notre Voix, Hồn trẻ tập mới, Thời thế, Ngày mới
2. Nguyễn Thành: Hoạt động báo chí của đại  tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb LLCT, H, 2005, tr. 61
3. Xem Báo Thế giới số 3, ngày 15-10-1938
5, 6, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 6, tr. 87, 238, 241
4. Báo Bạn dân số 9, ngày 24-6-1937
7, 24. Xem Cao Văn Biền: “Phong trào ái hữu và nghiệp đoàn của công nhân thời kỳ 1936-1939”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 164 (1975), tr. 40, 45
8. Báo Nhành lúa, ngày 5-3-1937
9, 11. Báo Bạn dân, số 7, ngày 10-6-1937
10, 12, 19. Xem Cao Văn Biền: Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ 1936-1939, Nxb KHXH, H, 1979, tr. 294, 293, 295
14. Báo Tin tức, số 14, từ ngày 2 đến ngày 6-7-1938
15, 18. Báo Tin tức, số 20, ngày 27-7-1938
16. Báo Tin tức, số 18, ngày 19-7-1938
17. Báo Bạn dân, số 21, ngày 6-10-1937
20. Xem Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam (1860-1945), Nxb Lao động, H, 1974, tr. 154
21. Báo Dân chúng, số 21, ngày 1-10-1938
22. Báo cáo kết quả 2 năm của Hội (22-1-1939): xin tăng 5% lương cho công nhân làm 48 giờ, lập một ngạch lương tháng cho anh em làm công nhật, giảm giá thuốc cho công nhân, chế độ hưu trí, xây nhà ăn cho công nhân, đòi quyền lợi cho từng cá nhân cụ thể, gửi tiền ủng hộ dân bị lụt, gửi thư phản đối nhà cầm quyền không giải quyết nhu cầu chính đáng của công nhân hỏa xa
23. Viện sử học: Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb KHXH, H, 1991, tr. 207.

ThS TRẦN THỊ THANH HUYỀN
Viện sử học