Tóm tắt: Trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc thực hiện an sinh xã hội vì con người và quyền con người. Thực hiện an sinh xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống an sinh xã hội từng bước được hoàn thiện cả về phương pháp tiếp cận và thiết kế chính sách, pháp luật nên đã đạt được những thành tựu rất cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng đó, việc thực hiện an sinh xã hội vẫn còn một số hạn chế, thách thức. Trước tình hình đó, để xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội hướng đến bao phủ toàn dân và hoạt động hiệu quả, Đảng đặt ra những vấn đề cấp thiết và có biện pháp thực hiện thiết thực nhằm thực hiện công bằng xã hội, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, tạo sự đồng thuận xã hội.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh và định hướng xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc thực hiện an sinh xã hội vì con người và quyền con người. “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”1. Đầu năm 1946, khi trả lời báo chí nước ngoài, Người bày tỏ tâm nguyện: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”2.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng về chính sách xã hội và an sinh xã hội được Đảng phát triển và tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên cụm từ “An sinh xã hội” được chính thức sử dụng trong Văn kiện Đại hội IX (4-2001): “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Đặc biệt, dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển hệ thống an sinh xã hội ở nước ta là Nghị quyết số 15-NQ/TW (1-6-2012) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” với chủ trương đổi mới mô hình an sinh xã hội theo hướng xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. 
Hệ thống an sinh xã hội từng bước được hoàn thiện cả về phương pháp tiếp cận và thiết kế chính sách, pháp luật. Điều 34 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”3; Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”4. Hệ thống luật pháp và chính sách về an sinh xã hội, bao gồm Bộ luật Lao động, các luật chuyên ngành5 và hơn 140 văn bản chính sách/chương trình được xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành. Các chính sách an sinh xã hội đang dần tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân, đồng thời phù hợp với xu thế chung của quốc tế.
Hiện Việt Nam đã xây dựng được hệ thống an sinh xã hội tương đối toàn diện và đa dạng, ngày càng mở rộng về diện đối tượng, hiệu quả được nâng cao để thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân với 4 nhóm chính sách. Đó là, nhóm chính sách hỗ trợ việc làm và giảm nghèo: hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có được việc làm tốt, thu nhập đảm bảo và giảm nghèo bền vững; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội: hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già...thông qua tham gia bảo hiểm xã hội để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên; nhóm chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm các chế độ trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất và nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông.
 
2. Thành tựu an sinh xã hội sau hơn 30 năm đổi mới
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện ở những điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cơ hội việc làm và giảm nghèo bền vững cho người dân. Chính phủ đã ban hành các chính sách cấp đất sản xuất, tín dụng ưu đãi hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động bị mất việc làm, người lao động có đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng, người có thu nhập thấp, người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác để phát triển sản xuất kinh doanh; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học văn hóa, phát triển trình độ chuyên môn kỹ thuật để tham gia thị trường lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ người dân tiếp cận việc làm. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động cao (trên 76%), tỷ lệ thất nghiệp thấp (dưới 3%) và giảm nghèo nhanh (tỷ lệ hộ nghèo từ 58% vào những năm 1990 đã giảm còn 5,35% vào năm 2018).
Thứ hai, mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Nếu như trước đây, đối tượng bảo hiểm xã hội chỉ bó hẹp trong phạm vi công nhân, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang thì hiện nay được mở rộng đến người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ năm 2008 để mọi người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng có cơ hội tham gia (từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng ngân sách nhà nước). Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng đến người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Đến hết năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội (bắt buộc và tự nguyện) đạt 14,63 triệu người so với 9,5 triệu người năm 2010; hơn 12,54 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với chưa đến 6 triệu người tham gia vào năm 2009.
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là những người thuộc diện chính sách xã hội như: người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người cao tuổi... đều tham gia bảo hiểm y tế (đạt 100%). Năm 2018, đã có 82,38 triệu người tham bảo hiểm y tế, chiếm 87,5% dân số cả nước.
Thứ ba, hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (mất mùa, thiên tai, đói nghèo,...) thông qua các khoản trợ giúp bằng tiền mặt hoặc hiện vật từ ngân sách nhà nước. Chính sách trợ giúp xã hội được sửa đổi, chuyển từ quan điểm nhân đạo sang hướng tiếp cận dựa trên quyền, lấy con người là trung tâm, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu quả và thân thiện trong tiếp cận. Diện đối tượng thụ hưởng được mở rộng; mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế.
Trợ giúp xã hội thường xuyên thực hiện trợ cấp hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2,9 triệu người năm 2018, so với chưa đến 1,5 triệu người năm 2010. Hiện cả nước có 10 địa phương tự cân đối được ngân sách đã nâng mức chuẩn trợ cấp cao hơn mức chuẩn quy định của Nhà nước (270.000 đồng/người/tháng)6, 59 tỉnh/thành đã thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng qua bưu điện.
Các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đã có bước phát triển nhất định, cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội. Cả nước hiện có 418 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập) nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41 nghìn người.
Thứ tư, tăng đáng kể cơ hội tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin. Hệ thống y tế cơ sở đã phát triển đến tất cả các xã trong cả nước; y tế thôn bản cũng được chú trọng. Hiện có 62/63 tỉnh, thành đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 63/63 tỉnh, thành đạt phổ cập giáo dục cho học sinh cấp tiểu học. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đã tăng từ 80% năm 2012 lên 88,2% cuối năm 2017; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế cũng tăng từ 38,7% lên 49,8% trong cùng thời kỳ.
Trong lĩnh vực thông tin, Chính phủ đã thực hiện cấp 18 loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Kênh VTV5 (truyền hình tiếng dân tộc) sản xuất và phát sóng hầu hết các ngày trong tuần, gồm 22 thứ tiếng dân tộc thiểu số. Mạng điện thoại di động phủ sóng khắp địa bàn miền núi; có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống7.
Thứ năm, Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, nổi bật là công tác giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn và bình đẳng giới. Thành tựu trong đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào nỗ lực phát triển con người Việt Nam cả về kinh tế, giáo dục và sức khỏe, vì hạnh phúc của người dân. Báo cáo phát triển con người của UNDP cho thấy chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam ngày càng tiến bộ và đến nay được xếp vào “nhóm nước có thứ hạng trên” trong nhóm nước có mức phát triển con người trung bình. Về điểm số HDI, Việt Nam tăng từ 0,475 năm 1990 lên 0,694 năm 2017. Về xếp hạng, từ xếp thứ 128/187 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2010, đã tăng lên thứ 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2017.
 
3. Hoàn thiện chiến lược đảm bảo an sinh xã hội toàn dân
Bên cạnh những thành tựu quan trọng, việc thực hiện an sinh xã hội vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và thách thức: mục tiêu tích hợp chính sách thực hiện còn chậm, hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện chính sách vẫn còn chồng chéo, do nhiều cơ quan ban hành và thường xuyên sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho quá trình thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo còn hình thức, một số tiêu chí xác định đối tượng còn chưa rõ ràng; mức độ bao phủ chưa cao, đối tượng còn hẹp, còn bất bình đẳng giữa các đối tượng thụ hưởng. Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp do các giải pháp mở rộng đối tượng chưa thật sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức. Quỹ Bảo hiểm xã hội chưa bền vững, quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; mức hỗ trợ còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu; chưa thực sự động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của tư nhân và các tổ chức xã hội; một số đối tượng thụ hưởng còn ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng tham gia của người dân, doanh nghiệp và các đối tác xã hội. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ nghèo tập trung cao ở nhóm dân tộc thiểu số.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm trên 10% tổng dân số vào năm 2011. Dự báo đến năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) tác động tích cực đến việc thúc đẩy nhanh hơn tốc độ dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; từ việc làm có năng suất thấp sang việc làm có năng suất cao nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất việc làm đối với nhiều người lao động trong những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử... Ngoài ra, các nguy cơ bất ổn truyền thống và phi truyền thống từ bên ngoài như: khủng hoảng kinh tế-tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng trên thế giới, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí... đang diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp, tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân.
Để xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội hướng đến bao phủ toàn dân và hoạt động hiệu quả, giai đoạn tới cần chú trọng:
Một là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật pháp về an sinh xã hội, các luật/pháp lệnh có liên quan như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng,... Xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan theo hướng mở đối tượng tham gia, tăng mức thụ hưởng gắn với trách nhiệm của đối tượng; đa dạng hóa các phương thức thực hiện chính sách an sinh xã hội theo hướng đa tầng, có sự hỗ trợ lẫn nhau, đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho mọi thành viên trong xã hội đảm bảo phát triển kinh tế cùng với công bằng và tiến bộ xã hội, phát triển bao trùm không để ai bị bỏ lại phía sau. Rà soát các chính sách tiến tới hợp nhất các chính sách an sinh xã hội theo nguyên tắc thu gọn đầu mối, lồng ghép khi thiết kế và tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp cho địa phương, cơ sở trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Hai là, tiếp tục chuyển đổi quản lý xã hội theo mô hình hành chính truyền thống sang quản lý tiêu chuẩn xã hội dựa trên quyền của người dân và các chỉ số kết quả đầu ra. Xây dựng bộ chỉ số tiêu chuẩn xã hội tối thiểu và chỉ số hạnh phúc theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để làm thước đo trong thực hiện an sinh xã hội. Cải cách quản trị hệ thống an sinh xã hội, tăng cường phối hợp xây dựng chính sách giữa các bộ, ngành; tránh tình trạng chồng chéo; các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung vào việc hoạch định, xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước, không làm thay công việc của doanh nghiệp, cơ sở cung cấp dịch vụ.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý. Nghiên cứu gắn kết, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội. Ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào quá trình xây dựng, cập nhật và chia sẻ thông tin nhằm tối đa hóa lợi ích của hệ thống cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.
Bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ xã hội có chất lượng; mở rộng mạng lưới và khả năng đáp ứng của dịch vụ phù hợp với khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng khác nhau. Hình thành hệ thống dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội theo hướng chuyên nghiệp hóa, phát triển các dịch vụ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và các dịch vụ trợ giúp xã hội khác.
Bốn là, đa dạng hóa nguồn lực, đồng thời thực hiện lồng ghép để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho thực hiện chính sách an sinh xã hội. Một mặt tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho vùng có tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; đồng thời huy động các nguồn lực khác trong xã hội và quốc tế để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong đó, cần tập trung nguồn lực cho các vùng khó khăn, không bao cấp cho các địa phương có khả năng vươn lên phát triển kinh tế-xã hội.
Năm là, tiếp tục đổi mới công tác giám sát từ các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp). Tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ xã hội. Đẩy mạnh công tác thể chế hóa quyền tham gia của các tổ chức xã hội, tăng cường các nghiên cứu, đánh giá độc lập về quá trình thực hiện chính sách và kết quả thực hiện.
Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, tăng trưởng kinh tế phải tiến hành song song với tiến bộ và công bằng xã hội trong quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu sống của con người và vì mục tiêu phát triển con người. Mục đích cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thực hiện tốt an sinh xã hội chính là bảo đảm phân phối hiệu quả những thành quả của tăng trưởng kinh tế theo hướng công bằng xã hội, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, tạo sự đồng thuận xã hội và là hiện thân của phát triển bao trùm và bền vững.
 
 
 
 
 
 
 
 
__________________
1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 1, 187
3, 4. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2014, tr. 21, 28
5. Một số luật tiêu biểu, gồm: Bộ luật Lao động (Luật số 10/2012/QH13), Luật Việc làm (Luật số 38/2013/QH13), Luật Bảo hiểm xã hội (Luật số 58/2014/QH13), Luật Bảo hiểm y tế (Luật số 46/2014/QH13), Luật Người cao tuổi (Luật số 39/2009/QH12), Luật Người khuyết tật (Luật số 51/2010/QH12), Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13)
6. Cụ thể: Hà Giang (320.000đ), Quảng Ninh (350.000đ), Hà Nội (350.000đ), Đà Nẵng (405.000đ), Bình Dương (340.000đ), Đồng Nai (300.000đ), thành phố Hồ Chí Minh (380.000đ), Khánh Hòa (300.000đ), Bà Rịa-Vũng Tàu (320.000đ), Vĩnh Phúc (1/3 mức lương cơ sở theo từng thời kỳ)
7. Theo Ủy ban Dân tộc.

ĐÀO NGỌC DUNG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội