Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, báo chí truyền thông đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình quản lý tòa soạn đến tổ chức sản xuất sản phẩm và phát hành. Việc xây dựng nền báo chí, truyền thông Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại để làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo, đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội và hòa mình với dòng chảy chung của báo chí thế giới đã và đang trở thành nhu cầu cấp thiết và không thể thiếu của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, truyền thông.
1. Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang là lực lượng tiên phong, đi đầu trong các mặt hoạt động truyền thông, đặc biệt là tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngay từ những ngày đầu của cách mạng Việt Nam, báo chí truyền thông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, dẫn dắt và định hướng phát triển. Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, và là người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc với các quan điểm: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”1; “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”2. Đây có thể nói là tiền đề để báo chí cách mạng Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ kể từ khi ra đời năm 1925 đến nay. Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết với nhiều bút danh khác nhau và được đăng ở nhiều tờ báo trong và ngoài nước với nhiều thứ tiếng, đa dạng chủ đề. Bên cạnh đó, Người còn có nhiều hoạt động liên quan đến “nghề báo” như tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, biên tập... đã tạo nên một thực tiễn phong phú, đa dạng và tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng - một di sản đồ sộ, to lớn cho các thế hệ sau. Người khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”3; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”4. Người yêu cầu, người làm báo chí “cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” và “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 8-12-19585.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là định hướng sâu sắc cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí truyền thông và các thế hệ nhà báo Việt Nam giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, vận dụng tư tưởng của Người, Đảng tiếp tục lãnh đạo báo chí phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Đại hội VI (1986) của Đảng nhấn mạnh “báo chí và các phương tiện thông tin khác phải bảo đảm tính chân thực, nâng cao chất lượng, tăng cường tính quần chúng và tính chiến đấu, khắc phục tình trạng giản đơn, đơn điệu, hời hợt, sáo rỗng, một chiều”6. Đến năm 1991, Đại hội VII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển sự nghiệp thông tin, báo chí, xuất bản theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin và nâng cao kiến thức văn hóa của nhân dân. Tăng đầu tư phương tiện phát thanh, truyền hình, đưa thông tin đến mọi vùng của đất nước, đến phần lớn các gia đình, nhất là ở nông thôn và miền núi”7.
Trước sự bùng nổ thông tin do mạng Internet toàn cầu8 đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí trên phạm vi toàn thế giới, Đại hội VIII (1996) của Đảng xác định: “Sớm hoạch định một chiến lược quốc gia về thông tin; coi trọng việc nâng cao chất lượng thông tin đại chúng, tính chân thật, tính chiến đấu và tính đa dạng của thông tin”9. Đại hội IX (2001) của Đảng đề ra chủ trương: “Phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng”, đồng thời “khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí, xuất bản”10. Đại hội XI (2011) của Đảng tiếp tục xác định: “Phát triển hệ thống thông tin đại chúng”11; “Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới báo chí, xuất bản trong cả nước theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại”12; “Phát triển và mở rộng việc sử dụng internet, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh”13. Đại hội XII (2016) của Đảng tiếp tục nhấn mạnh cần phải: “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lí báo chí, xuất bản; thực hiện “Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả”14. Đặc biệt là Đại hội XIII (2021) của Đảng, quan điểm phát triển báo chí cách mạng của Đảng sâu sát hơn. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; “Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”; “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”15.
Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng hiệu quả nền báo chí cách mạng Việt Nam như Luật Báo chí 2016; Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025... nhằm thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước về báo chí, xuất bản, hướng tới một hệ thống báo chí thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả và tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để hoạt động báo chí, xuất bản phát triển.
Từ chủ trương và các chính sách, biện pháp thực hiện nêu trên, đến nay, báo chí, truyền thông của Việt Nam là một hệ thống mang tầm khu vực và quốc tế, thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân với nhiều loại hình, nhiều cấp, nhiều cơ quan và được phát hành bằng nhiều thứ tiếng với những chức năng, nhiệm vụ đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng.
2. Ngày nay, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó dự báo. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những tác động nhanh chóng và mạnh mẽ lên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong đó, chuyển đổi số với các nền tảng công nghệ như trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn đã mở ra những cơ hội to lớn cho các cơ quan báo chí truyền thông nhưng cũng đi kèm với những thách thức, rủi ro chưa có tiền lệ. Trước những thời cơ và thách thức mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch như Nghị quyết số 50/NQ-CP “Về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15-6-2020, phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31-3-2022, phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là những tiền đề để các cơ quan báo chí truyền thông của Việt Nam thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Triển khai thực hiện những chủ trương, biện pháp nêu trên, báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2022, về cơ cấu, số lượng các cơ quan báo chí (bao gồm cả báo chí in và điện tử), cả nước có 815 cơ quan báo chí, trong đó có 138 báo và 677 tạp chí, trong đó có 29 cơ quan báo chí chỉ thực hiện loại hình điện tử. Bên cạnh đó, cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình với 2 đài truyền hình quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài phát thanh truyền hình địa phương; 1 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng riêng với 79 kênh phát thanh; 198 kênh truyền hình. Về nhân lực, cả nước có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ16. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí nước ta đã và đang từng bước phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông thế giới, đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều lại hình, nhiều phương tiện, có định hướng và từng bước tăng diện bao phủ cả trong nước và quốc tế, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới17.
Nhằm đẩy mạnh phát triển báo chí Việt Nam trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ngày 6-4-2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của chiến lược là: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”18. Thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông là sự thay đổi tổng thể và toàn diện của cơ quan báo chí truyền thông, của nhà báo về phương thức làm việc, mô hình tổ chức tòa soạn và phương thức tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông.
Chuyển đổi số trong báo chí truyền thông là hoạt động phát triển báo chí truyền thông theo hướng đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và đóng vai trò trung tâm trong định hướng thông tin và định hướng dư luận xã hội trong tình hình mới, trong đó thể hiện qua một số vấn đề chính sau đây.
Một là, đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện. Trong báo chí truyền thông, công nghệ truyền thông số tạo ra một cơ hội cho các cơ quan báo chí truyền thông ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức, sản xuất, phát hành các sản phẩm báo chí, truyền thông tới công chúng. Theo đó, công nghệ đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện trên cơ sở áp dụng đa nền tảng trong công nghệ thông tin để các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông tổ chức hoạt động báo chí, truyền thông hiệu quả mà ít phụ thuộc vào các công nghệ. Thông qua báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện, công chúng có thể tiếp cận tới thông tin thông qua nhiều nền tảng kỹ thuật số khác nhau như: truyền thông đại chúng, truyền thông internet, mạng xã hội và truyền thông xã hội... Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hầu hết dựa vào các nền tảng khác nhau để hỗ trợ các hoạt động của cơ quan báo chí, truyền thông khai thác tối đa tài nguyên của mình nhằm phục vụ công chúng một cách hiệu quả nhất. Khi internet phát triển và tác động mạnh mẽ tới các cơ quan báo chí, truyền thông thì có nhiều nghiên cứu về xu thế của báo chí đa nền tảng dựa trên các hành vi của công chúng. Ban đầu, website được ưu tiên (web-first), sau đó là nội dung số (digital first) để chỉ một chiến lược số cho tòa soạn cụ thể. Gần đây thiết bị di động lại được ưu tiên (mobile first) cũng như ưu tiên phát thông tin tới mạng xã hội (social first) với mục tiêu sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông hướng tới việc phù hợp với thiết bị di động, phù hợp với sự nhanh nhạy của truyền thông xã hội và mạng xã hội. Khi sử dụng công nghệ đa nền tảng, thông tin tự tìm đến công chúng thay vì công chúng phải tìm đến thông tin. Chỉ cần sử dụng một thiết bị công nghệ số, công chúng có thể thỏa mãn nhu cầu của bản thân từ tiếp nhận thông tin đến giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân. Bên cạnh đó, công nghệ đa nền tảng cũng giúp các cơ quan báo chí, truyền thông triển khai các nội dung có hình thức thể hiện phù hợp hơn với các thiết bị mà công chúng đang sử dụng. Do đặc thù của mỗi nền tảng mà nội dung và hình thức trình bày cần khác nhau, ví dụ việc hiển thị nội dung trên Facebook, Youtube... sẽ khác nhau khi sử dụng các thiết bị khác nhau. Chính vì thế, cơ quan báo chí, truyền thông sẽ phải thay đổi cách viết, cách trình bày, hình thức thể hiện... để đáp ứng và phù hợp với công chúng.
Hai là, ứng dụng trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và dữ liệu lớn (big data). Trong thời gian qua, ứng dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn vào hoạt động báo chí truyền thông đã và đang mang lại các ích lợi cho các cơ quan báo chí truyền thông, nhưng cũng còn đó các hệ lụy và tác động không tốt cho các cơ quan, báo chí truyền thông cũng như các cơ quan quản lý nhà nước và sự tiếp nhận của công chúng bởi khác với con người, nếu sử dụng không phù hợp, thì AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng tốt các hệ thống ứng dụng AI, mỗi cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông cần làm chủ công nghệ, chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, dữ liệu lớn cũng giúp cho các cơ quan báo chí truyền thông thực hiện hiệu quả chức năng minh bạch thông tin, thông qua dữ liệu lớn, cơ quan báo chí truyền thông có thể tập hợp, phân tích, đánh giá và truy xuất, tìm hiểu mối liên hệ giữa vô vàn dòng chảy thông tin, đặc biệt thông tin trên không gian mạng, có thể trích xuất những giá trị mới từ tư liệu cũng như tổ chức sản xuất, sáng tạo các sản phẩm báo chí truyền thông.
Ba là, phát triển nội dung số, trong đó ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nội dung số và nâng cao chất lượng trải nghiệm của công chúng. Theo đó, công chúng được tiếp cận thông tin trên môi trường số mọi lúc mọi nơi và không bị hạn chế về không gian, thời gian hay vị trí địa lý. Dưới tác động của công nghệ, công nghiệp nội dung số đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị trí tuệ cao và là phương tiện để hiện thực hóa xã hội thông tin và xã hội tri thức. Đồng thời nội dung số cũng cho phép sáng tạo và thể hiện các sản phẩm báo chí truyền thông trên các nền tảng khác nhau để tạo sự tương tác với đa dạng công chúng, đồng thời phân phối và triển khai nội dung nhanh hơn, rộng hơn và chính xác hơn theo nhu cầu của độc giả.
Bốn là, tổ chức tòa soạn theo hướng hội tụ công nghệ và nội dung. Hội tụ công nghệ và nội dung hướng tới việc tập trung cách thức quản lý, cách thức tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông và sự kết hợp các phương tiện truyền thông nhằm cung cấp một nền tảng thống nhất tại cơ quan báo chí truyền thông từ chức năng, phương thức phát hành, quyền sở hữu, hình thái tổ chức... Hội tụ công nghệ và nội dung là hệ quả của sự ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí truyền thông nhằm thống nhất về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để cung cấp tiện ích tốt nhất cho công chúng và độc giả. Hội tụ công nghệ và nội dung cho phép các cơ quan báo chí truyền thông xây dựng một nền tảng công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số nhằm giúp các cơ quan báo chí truyền thông nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số.
Năm là, vấn đề cá nhân hóa và tùy biến các sản phẩm báo chí truyền thông. Khi báo chí truyền thông dựa trên internet và công nghệ số, công chúng có khả năng tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn đến các dòng thông tin, xóa nhòa “biên giới” trong môi trường truyền thông. Ranh giới về địa lý, hành chính quốc gia trên không gian mạng bị “xóa mờ”, quá trình thông tin và tiếp nhận thông tin của công chúng được thực hiện liên tục, thông qua quy mô rộng lớn. Việc thông tin tự tìm đến với công chúng làm cho vấn đề cá nhân hóa và tùy biến để đáp ứng cho nhu cầu của từng công chúng ngày càng hiện hữu. Nhu cầu của công chúng đối với sản phẩm báo chí truyền thông theo yêu cầu, cá nhân hóa giao diện, cá nhân hóa cách tiếp cận thông tin đã tạo ra sân chơi mới cho các phương tiện báo chí truyền thông.
3. Với vai trò là đội quân xung kích, là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn của mình dưới tác động của chuyển đổi số. Sự chuyển dịch của các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam trong dòng chảy chung của báo chí thế giới dưới tác động của chuyển đổi số đã, đang dần hình thành xu thế báo chí công nghệ. Trong đó, các cơ quan báo chí truyền thông cần xác định rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả và sự tồn tại của cơ quan báo chí truyền thông. Chuyển đổi số trong cơ quan báo chí cần được bắt đầu trên tất cả các mặt hoạt động của cơ quan báo chí truyền thông. Không có một mẫu số chung cho các cơ quan báo chí truyền thông nhưng chuyển đổi số trong cơ quan báo chí truyền thông là sự chuyển đổi từ mô hình tổ chức tòa soạn, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông hay chuyển đổi về tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo cho tới tư duy của phóng viên trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật và công nghệ.
Ngày nay, công nghệ số đã và đang có tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của loài người. Công nghệ số tạo nên nền tảng cho sự bình đẳng giữa các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường, tiếp cận công chúng. Trong bối cảnh này, tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều phải nhanh chóng bắt nhịp kết nối số, ứng dụng công nghệ thông tin để hòa nhập kịp thời với sự chuyển đổi và không rơi vào tình trạng tụt hậu, bị loại khỏi thị trường và mất dần năng lực cạnh tranh. Việc ứng dụng công nghệ truyền thông số trong báo chí, truyền thông đã ngày một phổ biến. Công nghệ truyền thông số đang làm cho các cơ quan báo chí, doanh nghiệp truyền thông phải thay đổi theo hướng hiện đại như phát triển các loại hình báo chí mới, các phương tiện truyền thông mới.
Việc ứng dụng công nghệ truyền thông số trong báo chí, truyền thông ở Việt Nam hiện nay đang trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh của kỷ nguyên số, báo chí, truyền thông đang dần dịch chuyển để bắt kịp xu thế phát triển của báo chí, truyền thông thế giới. Trong xu thế đó, các vấn đề của báo chí, truyền thông với nền tảng là hạ tầng của kỹ thuật và công nghệ truyền thông và nền tảng của IoT và AI đang thể hiện vai trò của nó. Với môi trường truyền thông số, xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông, thời đại của IoT và AI. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chuyển đổi số, cách làm báo đã hoàn toàn thay đổi so với môi trường truyền thống. Chuyển đổi số đã mang lại xu thế của sự hội tụ về công nghệ, xuất bản theo yêu cầu của người dùng và các nền tảng báo chí mới đã ra đời nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Báo chí, truyền thông Việt Nam đang dần chuyển dịch để bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên báo chí 4.0.
Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và dẫn dắt. Trải qua các giai đoạn lịch sử, dưới sự chỉ dẫn của Người và sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc ta trong đấu tranh giành độc lập, kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, nắm bắt được xu thế phát triển công nghệ của thời đại, Đảng đã sớm đề ra được chủ trương và các giải pháp phát triển báo chí truyền thông theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 6/2023
1. Xem: Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb CTQG, H, 2013, tr. 46
2. Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, Nxb CTQG, H, 2004, tr. 366
3, 4, 5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 13, tr. 463, 466, 466
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, T. 47, tr. 463-464
7. Sđd, 2007, T. 51, tr. 110
8. Ngày 19-11-1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2015, T. 55, tr. 392
10. Sđd, 2016, T. 60, tr. 204
11, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 225, 226, 226
14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 229
15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. 1, tr. 146
16. Xem: Nguyễn Thu Trang: “Phát huy vai trò của cơ quan quản lý báo chí trong chỉ đạo, định hướng cơ quan thông tin, báo chí tham gia truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL”, https://cspl.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=138441, ngày cập nhập: 7-7-2022
17. Chính sách, pháp luật thông tin và truyền thông, https://cspl.mic.gov.vn/
18. Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 6-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.