Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí MinhCông an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh HóaPhòng Tham mưu, Công an tỉnh Điện Biên
Tóm tắt: Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết tinh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân ta trên con đường đấu tranh, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Cùng với Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành, Công an nhân dân là lực lượng trọng yếu của Nhà nước cách mạng, đã có những đóng góp quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trên cơ sở phân tích làm rõ vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bài viết đã đi sâu làm rõ sự vận dụng những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng vào thực tiễn công tác bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay.
Từ khóa: Vai trò của lực lượng Công an; chiến thắng Điện Biên Phủ; bài học kinh nghiệm; an ninh, trật tự
Cách đây 70 năm, ngày 7-5-1954, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đưa cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công vang dội nhất, là “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc; đã động viên, phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc cho cuộc quyết chiến với kẻ thù xâm lược. Chiến thắng cũng đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam và đã để lại nhiều bài học quý, có giá trị chiến lược cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của Việt Nam nói riêng.
1. Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã được giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch: “Công tác bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an nhân dân”1. Đặc biệt, Chỉ thị ngày 20-2-1954 của Ban Bí thư Trung ương “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác công an” nêu rõ: “nếu ta không tăng cường đúng mức công tác công an thì sẽ không đối phó kịp với địch, không trấn áp được bọn phản động, không phục vụ kịp thời cho phong trào đấu tranh của nông dân và không làm tròn được nhiệm vụ bảo vệ hậu phương phục vụ tiền tuyến”2. Từ những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, xuất phát từ tình hình thực tiễn trong giai đoạn này, Bộ Công an3 đã thành lập “Ban Công an tiền phương” nằm trong Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương làm nhiệm vụ chỉ đạo và phối hợp công tác bảo vệ chiến dịch. Nhiệm vụ của Ban là bảo vệ các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, đường hành quân, nơi trú quân của bộ đội. Tại một số tỉnh thuộc Tây Bắc cũng thành lập Ban Công an tiền phương cấp tỉnh, trực tiếp làm công tác bảo vệ chiến dịch.
Cùng với Quân đội nhân dân và các lực lượng khác, lực lượng Công an nhân dân đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để trực tiếp tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở tất cả các lĩnh vực, địa bàn, từ hậu phương ra mặt trận.
Công tác bảo vệ chiến dịch là một cuộc chiến vô cùng khó khăn, gian khổ với nhiều nhiệm vụ cụ thể khác nhau. Lực lượng công an đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ tuyệt đối an toàn cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan đầu não kháng chiến và Bộ Chỉ huy chiến dịch; bảo vệ an toàn tuyệt đối các lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch, kho tàng, nơi đóng quân, chuyển quân và các tuyến đường từ hậu phương ra chiến trường Điện Biên Phủ.
Bảo vệ an toàn lực lượng dân công tham gia chiến dịch
Đội ngũ dân công được huy động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ theo từng đợt lên tới 26 vạn người, đặt ra cho công tác bảo vệ rất khó khăn, phức tạp. Lực lượng công an đã cùng chính quyền các địa phương tiến hành lựa chọn, xét duyệt những người đủ điều kiện tham gia lực lượng dân công. Trên cơ sở đó, bộ phận phụ trách dân công bố trí họ vào những công việc thích hợp. Dân công được phiên chế thành những đơn vị đại đội, trung đội, tiểu đội; những đảng viên, đoàn viên hoặc những người tích cực được lựa chọn làm hạt nhân lãnh đạo. Trong các đoàn dân công đều có cán bộ công an các huyện, xã đi cùng để làm công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn trong suốt chặng đường vận chuyển. Đội ngũ dân công được học tập kỷ luật chiến trường, nội dung công tác giữ gìn bí mật, phòng chống do thám của địch, quy định việc đi lại, giám định, tiếp xúc, cách ngụy trang che phòng nơi ở, điểm dừng chân nghỉ ngơi.
Lực lượng công an phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tốt công tác bảo vệ giao thông vận chuyển. Ở tất cả các tuyến đường quan trọng đều bố trí các trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại, các đội tuần tra vũ trang, kiểm soát, phát hiện người lạ mặt, kẻ gian, quản lý chặt chẽ hàng cơm, quán trọ dọc hai bên đường giao thông. Ở các trọng điểm giao thông ngã ba, ngã tư, cầu phà... Công an tổ chức các trạm báo động, điều hoà và phân tán phương tiện vận chuyển khi có máy bay địch đánh phá. Việc bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, lực lượng công an tiền phương phối hợp với bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội kiểm tra lựa chọn những người giữ kho có lý lịch trong sạch, phẩm chất chính trị và đạo đức tốt. Các đồn, trạm công an phối hợp với dân quân địa phương tuần tra canh gác kho tàng, phát hiện biệt kích hoặc phần tử xấu hoạt động phá hoại.
Bảo vệ an toàn các điểm đóng trú quân và các cuộc hành quân của bộ đội
Trong công tác bảo vệ lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch, công an phối hợp với bảo vệ quân đội xây dựng kế hoạch bảo vệ, tiến hành công tác thuần khiết nội bộ nhằm bảo đảm nguyên tắc “vũ khí nằm trong tay những người tin cậy”. Phong trào “Phòng gian, bảo mật” trong lực lượng vũ trang phát triển sâu rộng và có nội dung thiết thực như: không được tiết lộ bí mật địa điểm đóng quân, nơi tập kết, thời gian hành quân; không tiết lộ phiên hiệu đơn vị, người chỉ huy cho bất cứ ai. Công an tiền phương còn phối hợp chặt chẽ với công an địa phương có biện pháp điều chuyển những phần tử xấu, phần tử nghi vấn ra khỏi địa bàn những nơi bộ đội đi qua, nghỉ chân, đóng quân, kịp thời phát hiện những đối tượng hoạt động do thám chỉ điểm cho địch. Từ tháng 1 đến tháng 5-1954, công an các tỉnh Liên khu III, Liên khu IV, Khu Tây Bắc, Việt Bắc đã bắt hàng chục tên gián điệp chuyên theo dõi, thu thập tin tức về các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội ta lên Điện Biên Phủ.
Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công vào Him Lam, mở đầu chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Địch bất ngờ và bị động đối phó. Đến lúc này chứng tỏ công tác bảo vệ chiến dịch của ta đảm bảo tuyệt đối bí mật kế hoạch tác chiến, các hoạt động di chuyển quân sự, thời gian nổ súng. Có được điều đó một phần quan trọng là do phong trào quần chúng “phòng gian, bảo mật” với khẩu hiệu “ba không” sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở trên địa bàn dọc các tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận; các cơ sở hoạt động do thám gián điệp của Pháp bị vô hiệu hóa; công tác đấu tranh chống gián điệp, phản động và bảo vệ của lực lượng công an đạt kết quả tốt đã bưng tai bịt mắt cơ quan tình báo chiến lược Pháp và Phòng Nhì của Pháp. Quần chúng đã phát hiện nhiều toán gián điệp, biệt kích, chỉ điểm; tham gia ngụy trang kho tàng, bến bãi, nơi đóng quân, chuyển quân, đồng thời tích cực vận chuyển, trực tiếp bảo vệ hàng hóa ra chiến trường, làm cho quân Pháp hoàn toàn bất ngờ về khả năng vận tải của ta.
Nắm bắt tình hình địch và tổ chức trấn áp gián điệp, biệt kích, phản động
Thực hiện Kế hoạch Navarre, Pháp liên tiếp tung các toán gián điệp ra vùng hậu phương của ta, nhất là vùng trung du Bắc bộ, Liên khu IV và Tây Bắc. Từ ngày 7 đến ngày 15-12-1953, Hội nghị Công an toàn quốc họp và đề ra nhiệm vụ: “Phát động quần chúng trấn áp bọn gián điệp, phản động, biệt kích, thổ phỉ, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, công xưởng, cơ quan để củng cố khu giải phóng, củng cố căn cứ du kích”4. Được sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng và sự ủng hộ tích cực của quần chúng, lực lượng công an đã vây bắt hầu hết các toán gián điệp biệt kích do Pháp tung xuống điều tra phá hoại cầu cống, bến phà, đường giao thông, phương tiện vận chuyển; điều tra khám phá thành công nhiều vụ gián điệp ẩn nấp hoạt động điều tra về giao thông, chỉ điểm cho máy bay của Pháp ném bom bắn phá. Trong đó, lực lượng công an đã bắt toán gián điệp biệt kích GCMA gồm 4 tên nhảy dù xuống khu vực xã Mường Ó, Thuận Châu và toán khác gồm 6 biệt kích nhảy dù xuống Bản Nhạn (Sơn La) để điều tra, phát hiện các cuộc hành quân của bộ đội, ngăn chặn và phá hoại vận chuyển của ta trên đèo Pha Đin và bến phà Tạ Khoa. Đặc biệt, từ tháng 4-1953 đến tháng 5-1954, lực lượng phản gián đã phát hiện, lập chuyên án TN25 đấu tranh với toán gián điệp biệt kích gồm 4 tên, do Bôca - quan ba của Pháp chỉ huy. Đây là toán gián điệp, biệt kích hỗn hợp trực tiếp điều khiển hoạt động gián điệp ở khu vực Vĩnh Yên - Thái Nguyên nhằm điều tra các hoạt động quân sự, các cơ quan đầu não và sự chuyển quân của ta từ Việt Bắc lên Tây Bắc. Lực lượng Công an nhân dân đã bắt, khống chế, đấu tranh thu nhiều tin tức về tình hình của Pháp, đồng thời sử dụng toán gián điệp, biệt kích này để cung cấp những tin giả, đánh lạc hướng địch, phục vụ cho việc bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là chuyên án gián điệp, biệt kích đầu tiên bị lực lượng công an khống chế và sử dụng điện đài, cung cấp tin giả cho địch, mở đầu cho công tác đấu tranh chống gián điệp biệt kích bằng phương thức phản gián điện đài. Với việc đập tan âm mưu, hoạt động của cơ quan tình báo, gián điệp Pháp, lực lượng Công an đã góp phần “vô hiệu hóa tai mắt của địch”, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, lực lượng công an các tỉnh, thành phố tranh thủ những điều kiện thuận lợi đưa người vào hoạt động trong lòng địch để nắm tình hình. Cơ sở của Công an Hà Nội, Hải Phòng thâm nhập vào các tổ chức ngụy quân, ngụy quyền, qua đó đã nắm được nhiều tin tức về nội bộ địch, mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ, giữa các đảng phái phản động, những kế hoạch phòng thủ của địch ở Hải Phòng và Hòn Gai phục vụ tốt cho công tác đánh địch, bảo vệ lực lượng kháng chiến. Tại chiến trường khu V và Nam Bộ, công an các tỉnh đã bố trí lực lượng tham gia chống địch càn quét, phá tề, trừ gian ở các vùng địch chiếm đóng, phát động phong trào quần chúng “phòng gian, bảo mật”, phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương điều tra, truy bắt nhiều tên gián điệp, biệt kích, kịp thời khám phá các tổ chức nhen nhóm phản động ở vùng tự do và hậu phương căn cứ.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngày 7-5-1954, cứ điểm cuối cùng của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị đập tan, tướng D. Castries và toàn bộ Bộ tham mưu của Pháp ở Điện Biên Phủ phải kéo cờ trắng ra hàng. Bị thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp rút chạy khỏi 175 vị trí chiếm đóng. Các thành phố, thị xã như Việt Trì, Thái Bình, Phát Diệm, Bùi Chu, Nam Định, Phủ Lý,… lần lượt được giải phóng. Lực lượng công an cùng quân đội và các ngành vào chiếm lĩnh các thành phố, thị xã. Công an đã tiến hành truy lùng gián điệp, phản động, tiến hành khai thác những tên bị bắt, thu hồi vũ khí, chất nổ, tiến hành các biện pháp quản lý hành chính về trật tự xã hội, trấn áp những phần tử lưu manh trộm cắp, giữ gìn an ninh, trật tự vùng mới giải phóng. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
2. Một số bài học kinh nghiệm và sự vận dụng vào thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân hiện nay hiện nay
Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công an nhân dân được tôi luyện và trưởng thành về mọi mặt, lập nên những chiến công oanh liệt, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc và thủ đoạn hoạt động xảo quyệt của bọn gián điệp đế quốc và phản động tay sai, bảo vệ cuộc kháng chiến, bảo vệ Đảng, Chính phủ, bảo vệ hậu phương, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, đưa cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới. Những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là trên trận tuyến đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá.
Một là, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng đối với nhiệm vụ cách mạng
Xác định đây là yếu tố chính trị quan trọng hàng đầu, quyết định thắng lợi của chiến thắng Điện Biên Phủ, từ những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ các chiến dịch trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở chủ trương, đường lối đúng đắn, nắm bắt kịp thời thời cơ, biết chớp thời cơ, lực lượng Công an nhân dân đã phối hợp với lực lượng Quân đội và nhân dân phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, huy động sức mạnh tổng hợp tham gia bảo vệ vững chắc tình hình an ninh, trật tự vùng trọng yếu, “giữ vững bên trong”, bảo vệ tuyệt đối an toàn cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan đầu não kháng chiến và Bộ Chỉ huy chiến dịch để sẵn sàng đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong cuộc chiến lịch sử này, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xả thân quên mình, anh dũng hy sinh, bị thương, để lại một phần xương máu trên các nẻo đường của chiến dịch và mặt trận.
Từ bài học kinh nghiệm mang tính quyết định trên, trong mọi hoàn cảnh, yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công tác Công an là tất yếu khách quan trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, bảo đảm cho lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, phục vụ tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân giao phó.
Hai là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, của “thế trận lòng dân” để làm nên chiến thắng
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng Lao Động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua đường lối, chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân, đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân, nên đã động viên được sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương tích cực tham gia trận chiến Điện Biên Phủ. Sức người, sức của từ mọi nẻo hậu phương đổ vào chiến trường. Đặc biệt, thông qua các phong trào như “phòng gian, bảo mật”, “ba không”, lực lượng Công an nhân dân đã huy động được sức mạnh của toàn thể quần chúng nhân dân vào quá trình bảo vệ, phục vụ chiến dịch quân sự. Đây là minh chứng có sức thuyết phục nhất cho việc Đảng và lực lượng công an đã huy động và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Tất cả đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi to lớn đó là biểu hiện sinh động cho sự thành công của đường lối chiến tranh nhân dân, tự lực cánh sinh do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo. Sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Quán triệt tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”5, trong bối cảnh hiện nay, lực lượng Công an nhân dân cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp vận động quần chúng, làm tốt công tác dân vận, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đồng thời, phát huy cao độ tinh thần “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”. Bên cạnh đó, duy trì thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp giữa lực lượng công an với các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm xây dựng thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thế chủ động trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là những địa bàn chiến lược, trọng điểm, phức tạp.
Ba là, đề cao tinh thần sáng tạo, độc lập, tự chủ; kế thừa và phát triển bài học về tôn trọng thực tế, xác định đúng đường lối cách mạng, nắm vững quan điểm thực tiễn, kịp thời sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong hành động để đạt được mục đích cao nhất
Điều này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt và thực hiện xuất sắc quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”6. Quán triệt tinh thần đó, với tinh thần thực sự cầu thị, căn cứ vào thực tế chiến trường, Đảng ủy Mặt trận đã họp, thống nhất và đi tới quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh sang “đánh chắc, tiến chắc” thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ, tự cường của Đảng, cụ thể là của Đảng ủy Mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch. Bài học này được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá là “bài học sâu sắc nhất về lãnh đạo, chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Bài học đó đã góp phần giúp quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đang phát huy ý nghĩa và tác dụng trong bối cảnh hiện nay.
Bài học trên đặt ra cho lực lượng Công an phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các giải pháp nắm, dự báo, đánh giá sát, đúng tình hình an ninh, trật tự, từ đó tham mưu có hiệu quả với cấp uỷ, chính quyền địa phương huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng và củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân gắn với quốc phòng toàn dân trên toàn địa bàn. Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự phải có sự tập trung thống nhất cao, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Đồng thời, phát huy trách nhiệm nêu gương của cấp uỷ, thủ trưởng Công an các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước các quyết sách bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Bốn là, chú trọng tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang từng bước phát triển, vững mạnh về mọi mặt để đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang trong đấu tranh vũ trang, nên Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân từng bước phát triển lớn mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, về tổ chức lực lượng, đủ khả năng tổ chức các đợt hoạt động tác chiến, các chiến dịch tiến công trên nhiều hướng, điển hình là trong cuộc tiến công chiến lược Đông -Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp.
Vận dụng bài học trên, các cấp uỷ đảng, thủ trưởng cơ quan Công an các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là đối với cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu giải quyết ổn định những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, đủ về số lượng và chất lượng. Quan tâm xây dựng củng cố lực lượng Công an và các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh, trật tự.
Năm là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xây dựng nội lực vững mạnh; tăng cường đoàn kết, mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè quốc tế
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia, cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam còn nhận được sự động viên, sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của các nước anh em, bạn bè và nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tiêu biểu như Trung Quốc, Liên Xô, kể cả nhân dân Pháp. Sự giúp đỡ này đã góp phần quan trọng làm tăng thêm sức mạnh nội lực để chiến thắng kẻ thù, góp phần tạo nên thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam. Ngày nay trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mở ra những thời cơ mới, đồng thời cũng là những thách thức đối với Việt Nam, bài học này cần được tiếp tục phát huy, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển.
Ngày nhận bài: 27-4-2024 Ngày thẩm định: 22-5-2024 Ngày duyệt đăng: 25-5-2024
3. Tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 27 đến 29-8-1953, Thứ Bộ Công an được đổi thành Bộ Công an
4. Bộ Nội vụ, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân: Lịch sử xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Biên niên sự kiện, Tập 1 (1945 -1954), Nxb Công an Nhân dân, H, 2001, tr. 407
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTGG, H, 2011, T. 7, tr. 270