Tóm tắt: Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực. Bên cạnh đó là hệ thống phong phú và đa dạng các loại hình di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khảo cổ… được xếp hạng di sản cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong quá trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy giá trị của các di sản văn hóa được xác định là nguồn lực đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2010-2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, tạo ra sự phát triển bền vững của đô thị di sản, đạt nhiều kết quả quan trọng và để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị.

Từ khóa: Thừa Thiên Huế; di sản văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị

1. Chủ trương và chính sách của tỉnh

Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế của một vùng đất có nhiều di sản văn hóa có giá trị, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, đề án cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Năm 2010, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV xác định: “Xây dựng trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam, với trọng tâm là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, nhất là hai di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”1.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, tỉnh đã tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. Đời sống văn hoá của nhân dân ngày càng phong phú; nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, văn hoá Huế được phát huy2.

Ngày 13-5-2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND “Triển khai thực hiện Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 7 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020” nhằm phát huy tối đa các lợi thế và tiềm năng, tạo sự hấp dẫn cho khách tham quan du lịch. Ngày 24-6-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2015/QĐ-UBND “về việc phê duyệt Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” nhằm đề ra các quy định cụ thể về việc đầu tư kinh phí cho việc đầu tư tôn tạo, kinh doanh nhà vườn trên địa bàn tỉnh, hướng đến bảo tồn giá trị di sản với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan...

Đến năm 2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XV xác định mục tiêu tổng quát hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh… Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch. Đại hội nêu rõ: Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế”3.

Ngày 10-12-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với quan điểm: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh...”4. Ngay sau đó, ngày 3-1-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 136-KH/TU “Quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cũng trong năm 2020, Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xác định  “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Để đạt được mục tiêu đó, Đại hội đề ra các nhiệm vụ cụ thể, trong đó lĩnh vực văn hóa tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần phải “Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế”5. Thực hiện chủ trương của Nghị quyết Đại hội, nhiều chương trình, đề án, cuộc vận động được triển khai có hiệu quả, hướng đến mục tiêu xây dựng Huế trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”...

Thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15, ngày 13-11-2021 của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế”, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo triệt để vận dụng những cơ chế, chính sách đặc thù của Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế. Chính phủ thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế (Nghị định số 84/2022/NĐ-CP, ngày 20-10-2022), cơ chế đặc thù này có thể huy động các nguồn lực từ ngân sách qua sự hỗ trợ của các địa phương, từ các cá nhân, tổ chức… cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. UBND tỉnh và ngành văn hóa cũng đã xây dựng nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ cho phát triển di sản văn hóa như: Hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế với tổng kinh phí thực hiện khoảng 268 tỷ đồng đến năm 20306; Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh7; quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung chủ yếu như hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng ngoài công lập; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ quảng bá hình ảnh.

Bên cạnh đó, để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, tỉnh đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu các di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng tiêu biểu. Di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, công sở ra khỏi khu vực Kinh thành; di dời dân cư sinh sống trên Thượng Thành thuộc Kinh thành Huế; đầu tư hạ tầng phát triển du lịch di sản; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế gắn với xây dựng môi trường văn hóa, thân thiện mến khách; nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về giá trị văn hóa, di sản; xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hóa…

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” đặc sắc của khu vực và cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường được đầu tư khôi phục, phát huy giá trị để hướng đến mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

2. Những kết quả đạt được

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, trong giai đoạn 2010-2024, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Thứ nhất, bảo tồn và phát huy giá trị nhiều loại hình di sản văn hóa

Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế riêng có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đến nay, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều di sản văn hóa được UNESCO xếp hạng nhất trên cả nước, trong đó riêng Huế có các di sản: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Bản đúc nổi trên cửu đỉnh,… Bên cạnh đó còn có các di sản chung với các địa phương khác: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ. Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản UNESCO trên địa bàn tỉnh, công tác quy hoạch, trùng tu các di tích này được quan tâm, hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là những di tích kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế như: Ngọ Môn, Cung Trường Sanh, Cung Diên Thọ, Lầu Tứ Phương Vô Sự, Điện Thái Hòa, Điện Kiến Trung. Bên cạnh đó, ngành văn hóa Huế cũng đã phối hợp với Đà Nẵng thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan. Đặc biệt, từ năm 2019, dự án di dời dân cư sinh sống trên Thượng Thành thuộc Kinh thành Huế được thực hiện, góp phần vào quá trình hồi sinh diện mạo bề thế của Quần thể di tích Cố đô Huế.

 Những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 112 Mai Thúc Loan và khu di tích Dương Nỗ); Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Khu di tích về danh tướng Nguyễn Tri Phương, di tích tháp Chăm Phú Diên, chùa chiền, đình làng, nhà thờ họ… cũng được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị trên nhiều phương diện khác nhau. Năm 2023, thành phố Huế đã đầu tư 26 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 4 đình làng (đình Dương Xuân Hạ, đình Kim Long, đình Xuân Hòa, đình An Cựu) trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, hệ thống các bảo tàng công lập, ngoài công lập cũng được quan tâm khai thác, phát huy, làm phong phú thêm các điểm đến cho du khách khi đến với Huế.

Là kinh đô, nơi hội tụ hàng trăm món ăn đặc sắc từ cung đình đến dân gian, hiện nay, Huế có gần 1.700 món ăn, với ba dòng ẩm thực chính: ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay. Hiện nay, đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” đang được thực hiện, góp phần nâng cao vị thế của ẩm thực Huế, trở thành nguồn lực văn hóa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung, phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế nói riêng. Áo dài truyền thống Huế từng bước được khôi phục và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị loại hình trang phục cổ này trong đời sống đương đại. Năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị áo dài truyền thống Huế. Năm 2024, ngành văn hóa Huế cũng đã đệ trình hồ sơ “Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời hướng tới đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương đang lưu giữ các đô thị cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, thương mại như: phố cổ Bao Vinh, phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh, từng là nơi giao thương, buôn bán tấp nập một thời; nơi tập trung những ngôi nhà cổ có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế còn là địa phương có hệ thống các dinh, phủ của những ông hoàng, bà chúa dưới triều Nguyễn và hệ thống đình làng, chùa đạo Phật, nhà thờ của người Ấn Độ… Chính quyền tỉnh và thành phố Huế cũng đã có cơ chế, chính sách cùng với những đề án cụ thể để từng bước phục hồi, phát huy giá trị của khu phố cổ Bao Vinh, Gia Hội - Chợ Dinh, góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình du lịch trên địa bàn thành phố Huế. Để phát huy di sản “thành phố vườn”, với hàng trăm ngôi nhà vườn, phủ đệ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, đề án cụ thể về trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị của nhà vườn Huế. Giai đoạn 2015-2020, đã có hơn 50 ngôi nhà vườn trên địa bàn tỉnh được trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động xã hội hóa.

Đến cuối năm 2023, nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng, lễ hội văn hóa đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng thành công. Tỉnh đã tổ chức thành công các kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế, góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, gồm: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô. Trong đó, Ca Huế là một trong những loại hình di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc trong nhiều năm với nhiều loại hình khác nhau như ca Huế thính phòng, ca Huế trên sông Hương… Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca Huế đã nhận được sự đồng hành ủng hộ của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Từ năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện Đề án “Festival bốn mùa” dựa trên các sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian của cộng đồng. Đề án “Festival bốn mùa” gồm các chuỗi hoạt động lễ hội trải dài trong năm nhằm tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù, khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh, thu hút du khách, phát triển kinh tế, xã hội, từng bước đưa Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Bên cạnh “Festival bốn mùa”, hằng năm, ở Huế có hàng trăm lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng, như: lễ hội Điện Hòn Chén, hội vật làng Sình, lễ hội Cầu ngư ở các làng biển, hội bài chòi, hội đua ghe mùa Xuân… bên cạnh đó là không ít lễ hội gắn liền với đời sống sinh kế của người dân các vùng miền được tổ chức thường niên.

Từng là kinh đô của nhà Nguyễn trong suốt thời gian dài, Huế là nơi quy tụ đông đảo thợ thủ công giỏi trên cả nước. Di sản nghề thủ công là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của nhân dân. Từ năm 2005, nhằm phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức “Festival nghề truyền thống”. Qua 9 lần tổ chức, đã góp phần khôi phục nhiều nghề thủ công thất truyền, giới thiệu, quảng bá di sản nghề thủ công xứ Huế, bảo tồn tinh hoa nghề truyền thống, hình thành được nhiều sản phẩm quà lưu niệm cho khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương8. Hiện nay, nhiều nghề và làng nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã từng bước được bảo tồn, khôi phục và đã trở thành những điểm tham quan không thể thiếu trên bản đồ du lịch làng nghề Huế như: làng gốm Phước Tích, làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, làng đan lát Bao La, làng làm hoa giấy Thanh Tiên, làng làm tranh Sình, đúc đồng Phường Đúc, dệt Dèng A Lưới… Bên cạnh đó, nhiều thợ thủ công lành nghề được tôn vinh, phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 41 nghệ nhân được phong tặng các danh hiệu: nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân cấp tỉnh.

Thứ hai, làm tốt công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Huế đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước

Từ năm 2010 đến nay, công tác quảng bá, giới thiệu về hệ thống di sản văn hóa Huế, các điểm tham quan du lịch di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế được Đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm, tích cực triển khai nhằm thu hút khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Thông qua nhiều hình thức, nội dung quảng bá khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, sự kiện hội nghị, hội thảo, hội chợ, giao lưu trao đổi hợp tác, tọa đàm,... nhiều di sản văn hóa Huế đã được giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, nhờ đó, số lượng khách du lịch đến Huế ngày một tăng lên, thời gian lưu trú cũng lâu hơn trước đây9.

Từ năm 2017, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã triển khai “Xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh”, từng bước triển khai du lịch thông minh như: thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, số hóa di sản, vé điện tử, thẻ du lịch thông minh… Từ cuối năm 2018, đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” từng bước được triển khai thực hiện, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế. Ngành du lịch của tỉnh phối hợp với các đối tác thực hiện số hóa 3D một số món ẩm thực của Huế và xây dựng một số video clip, thu ghi âm lại phần trình diễn, hướng dẫn các món ẩm thực của các nghệ nhân… nhằm giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa ẩm thực của địa phương đến với công chúng trong và ngoài nước.

Kể từ khi Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực làm tốt công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Huế nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương, trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế, xã hội góp phần gia tăng thu nhập về kinh tế cũng như sự thụ hưởng các giá trị văn hóa cho người dân.

Thứ ba, quan tâm, chăm lo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa

Xác định vai trò quan trọng của vấn đề con người trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, các ngành trong tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng thực hiện. Qua đó, đội ngũ cán bộ làm công tác trong ngành văn hóa được củng cố, tăng cường. Đến nay tổng số cán bộ, chuyên viên, viên chức ngành văn hóa trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao là 120 người. Nhiều cán bộ ngành văn hóa được đưa đi đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo từ Trung ương đến địa phương. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng đã cử cán bộ đi đào tạo sau đại học và chuyên sâu về nghiệp vụ, tham gia các khóa học dành cho chuyên viên, chuyên viên chính, góp phần từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý hành chính cũng như chuyên môn về văn hóa của địa phương.

Thứ tư, quan tâm, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cũng như những đề án cụ thể hỗ trợ sự phát triển cho các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, chính quyền tỉnh tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa. Tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế, xã hội; đổi mới cơ chế quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa Huế.

Xác định tiềm năng, thế mạnh sẵn có, hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên những lợi thế nổi trội và mang bản sắc riêng như: Khai thác thế mạnh của loại hình du lịch di sản văn hóa; tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để sáng tạo, hình thành nên nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng từ những nghề và làng nghề thủ công nổi tiếng; đa dạng các loại hình nghệ thuật biểu diễn; từng bước hình thành kinh đô ẩm thực; hỗ trợ phục hồi và phát triển nghề may thêu, đặc biệt là may thêu áo dài, trang phục cổ; hỗ trợ  xây dựng, hình thành nên những phim trường, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Từ năm 2010 đến nay, nhiều làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Huế đã trở thành những điểm đến du lịch, quà tặng lưu niệm không thể thiếu đối với du khách, như làng gốm Phước Tích, làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, làng đan đệm bàng Phò Trạch và các sản phẩm như nón, túi xách từ cây cỏ bàng, làng đan lát Bao La… Một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như áo dài, nón lá, hạt sen… cũng dần được quan tâm, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trở thành sản phẩm văn hóa và dần tiến tới phát triển thành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, các ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, bảo tàng… cũng được quan tâm hỗ trợ các nguồn lực, trong đó, một số bảo tàng tư nhân như: bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, bảo tàng Nguyễn Chí Thanh, bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham, bảo tàng Gốm cổ sông Hương… được hỗ trợ các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng và đã trở thành những địa chỉ văn hóa, du lịch thu hút đông đảo khách tham quan khi đến Huế.

3. Một số kinh nghiệm

Thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã để lại một số kinh nghiệm có giá trị:

Một là, xác định vai trò quan trọng của các nguồn lực văn hóa và xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững

Từ sau Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định tầm quan trọng của một “vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc…”; Huế cũng từng là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước một thời gian dài. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giá trị con người tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, xác định rõ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh của một vùng đất lịch sử, văn hóa. Việc xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của các loại hình di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng đã mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hai là, phát triển đi đôi với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa

Từ những nhận thức khoa học, đúng đắn, trong những năm 2010-2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội, nhất là gắn kết hiệu quả, hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch văn hóa. Bên cạnh việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, để văn hóa trở thành một ngành công nghiệp, công tác bảo tồn di sản, tu bổ di tích văn hóa, lịch sử cũng được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, đầu tư nguồn lực tương xứng. Qua đó, địa phương vừa có thể bảo vệ một cách tốt nhất những di sản văn hóa, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch.

Ba là, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa, du lịch; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước

Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thường không thể tách rời với hoạt động khai thác du lịch, đặc biệt là du lịch di sản văn hóa. Do đó, trong những năm 2010-2024, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở các điểm di sản văn hóa, đặc biệt là những nơi có hoạt động khai thác du lịch, trong đó, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch trọng điểm của địa phương. Xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng internet không dây miễn phí tại các khu di sản văn hóa, bảo tàng, nhà trưng bày, các điểm du lịch văn hóa. Đặc biệt, hoạt động số hóa di sản văn hóa đã được Thừa Thiên Huế thực hiện từ rất sớm, mang lại nhiều kết quả, góp phần đưa di sản đến đông đảo du khách, kể cả những du khách không có điều kiện đến tận nơi để tham quan, thưởng lãm.

Là một trong những điểm đến về du lịch di sản văn hóa, là thành phố xanh quốc gia đầu tiên của Việt Nam được nhiều du khách quốc tế biết đến, Đảng bộ, chính quyền Thừa Thiên Huế không ngừng đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hệ thống di sản văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quảng bá di sản là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả cao, khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đa dạng…11. Đến nay, đô thị Huế được đánh giá là một trong những thành phố đi đầu với tiêu chí xanh, sạch, thông minh trên cả nước.

Bốn là, từng bước nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa

Đảng bộ, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý ngành văn hóa. Bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa của tỉnh được kiện toàn, phát triển, đội ngũ cán bộ được nâng cao cả về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu quản lý về văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Bộ máy quản lý về văn hóa, di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế khá đa dạng, đơn vị cấp tỉnh là Sở Văn hóa và Thể thao, cơ quan chuyên môn tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh về lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, địa phương còn có Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế là đơn vị sự nghiệp có chức năng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị quần thế di tích cố đô Huế và cảnh quan môi trường xung quanh di tích.

Năm là, chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa

Xác định nguồn nhân lực ngành văn hóa đóng vai trò then chốt trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, hằng năm, tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về văn hóa; lồng ghép các nội dung ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành văn hóa. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các chủ nhân sở hữu di sản văn hóa, nghệ nhân thủ công sáng tạo nên các sản phẩm văn hóa… tham gia các lớp tập huấn đào tạo nâng cao tay nghề, quyền sở hữu. Bên cạnh đó, ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm cho ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong bối cảnh mới.

Huế là địa danh hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về các nguồn lực di sản văn hóa, từ di sản văn hóa cung đình đến các giá trị văn hóa dân gian đa dạng. Trong giai đoạn 2010-2024, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, hiệu quả góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Những kinh nghiệm đúc kết được trong giai đoạn 2010-2024 chính là cơ sở để Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh phát triển thế mạnh nguồn lực di sản văn hóa, tiếp tục dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

 

Ngày nhận: 5-8-2024; ngày thẩm định, đánh giá:18-8-2024; ngày duyệt đăng: 31-8-2024

1, 2. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015, Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, 9-2010, tr. 21, 22

 

3. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Báo cáo số 391-BC/TU, ngày 15-10-2015 “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khoá XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV”,  tr. 4

4. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Nghi-quyet-54-NQ-TW-2019-xay-dung-va-phat-trien-tinh-Thua-Thien-Hue-432695.aspx

5. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Báo cáo số 601-BC/TU, ngày 6-10-2020 Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI”

6. Xem: HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế: Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND, ngày 7-12-2020 “Về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”

7. HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế: Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND, ngày 7-12-2020 “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên đại bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”

8. Theo thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, doanh thu từ du lịch của tỉnh trong năm 2023 đạt 194 tỷ, tăng 25% so với dự kiến ban đầu. Trong đó, ước tính khoảng 300.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động lễ hội “Festival nghề truyền thống” Huế. Doanh thu từ các hoạt động của không gian làng nghề và lễ hội ẩm thực tại “Festival nghề truyền thống” Huế 2023 ước đạt 20 tỷ đồng

9. Chỉ riêng đối với các điểm di tích Huế, lượng khách du lịch tăng nhanh từ 1,5 triệu lượt khách (năm 2015) lên 3,5 triệu lượt khách (năm 2019), nguồn thu từ phí tham quan di tích tăng nhanh từ 150 tỷ đồng (năm 2015) lên 381 tỷ đồng (năm 2019). Nguồn: Nguyễn Văn Phúc: “Du lịch di sản văn hóa - sản phẩm trọng tâm, chủ lực góp phần phát triển du lịch Thừa Thiên Huế bền vững”, Hội thảo: “Phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thành phố Huế, 6-2022, tr. 83

10. Xem: UBND Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao: “Báo cáo tình hình thực hiện công tác phát triển nguồn nhân lực năm 2023, kế hoạch năm 2024”, 2023

11. Năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 339/KH-UBND, ngày 30-10-2021 “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.