Tóm tắt: Rạng sáng ngày 10-3-1975, các đơn vị Quân giải phóng miền Nam bất ngờ nổ súng tấn công thị xã Buôn Ma Thuột, giành thắng lợi quan trọng có tính bước ngoặt, mở ra thời cơ lớn tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bài viết tập trung phân tích làm rõ những lí do dẫn đến việc rút bỏ Tây Nguyên của Nguyễn Văn Thiệu và những hệ quả của nó dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn năm 1975.
Từ khóa: Rút bỏ Tây Nguyên; sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
1. Kế hoạch giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị và quyết định sai lầm của Nguyễn Văn Thiệu
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được các bên ký kết (27-1-1973), mở ra một thời kỳ mới thuận lợi đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Hiệp định là cơ sở pháp lý buộc Mỹ và các lực lượng Đồng minh của Mỹ cùng vũ khí, phương tiện chiến tranh phải rút hết khỏi miền Nam, trong khi đó các đơn vị chủ lực của miền Bắc hiện đang có mặt ở miền Nam vẫn ở lại miền Nam. Điều này tạo nên một tương quan lực lượng rất có lợi cho Quân giải phóng khi giờ đây chỉ phải đương đầu với chính quyền, quân đội Sài Gòn đang hoang mang, suy yếu, bị mất đi chỗ dựa chủ yếu là quân chiến đấu và viện trợ của Mỹ.
Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng-Tổng tư lệnh một mặt chủ trương đấu tranh đòi đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, mặt khác, chủ động xây dựng Kế hoạch tác chiến chiến lược để giải phóng miền Nam bằng hoạt động quân sự kết hợp với chính trị1. Kế hoạch này được bắt đầu xây dựng từ giữa năm 1973 và được thông qua tại Hội nghị Bộ Chính trị họp từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975. Đó là kế hoạch tác chiến chiến lược dự định thực hiện trong hai năm 1975-1976. Trong đó, Bộ Chính trị cũng dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”2.
Kế hoạch này càng được khẳng định sau thắng lợi của Chiến dịch Đường 14-Phước Long (6-1-1975), giải phóng tỉnh lỵ Phước Long, nơi chỉ cách Sài Gòn chừng 100km, nhưng Mỹ và quân đội Sài Gòn không có hành động phản ứng đủ mạnh để tái chiếm. Chuyên viên phân tích tin tức của Chi nhánh Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn là Frank Snepp vào thời điểm đó đưa ra nhận xét: “Về mặt tâm lý, mất Phước Bình (thị xã của tỉnh Phước Long) là một đòn đau đối với chính quyền Thiệu... Nhưng đau nhất là chưa bao giờ Hoa Kỳ tỏ ra thờ ơ như lúc này. Đối với Thiệu cũng như đối với Bắc Việt Nam, trận Phước Long là trận thăm dò chính sách của Mỹ”3.
Kế hoạch giải phóng miền Nam đã được chuẩn bị kỹ về lực lượng, vũ khí trang bị, vật chất đảm bảo như: lương thực, xăng dầu, làm đường, vận chuyển, thuốc men. Đặc biệt là xác định lấy địa bàn chiến lược Tây Nguyên làm chiến dịch mở màn cuộc Tổng tiến công, lấy trận đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột làm trận then chốt mở màn chiến dịch, trong đó vận dụng nghệ thuật nghi binh, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, tập trung lực lượng và cách đánh để đảm bảo giành thắng lợi4.
Rạng sáng 10-3-1975, từ nhiều hướng, các đơn vị lớn của Quân giải phóng đã bí mật vận động áp sát, bất ngờ nổ súng tiến công các mục tiêu ở ngoại vi và bên trong thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Đắk Lắk, là thị xã lớn nhất của Tây Nguyên. Đến trưa 11-3, các mục tiêu quan trọng trong thị xã Buôn Ma Thuột cơ bản bị Quân giải phóng đánh chiếm. Chính quyền, quân đội Sài Gòn đã trực tiếp lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 của chúng huy động lực lượng chủ yếu của Sư đoàn 23, phối hợp với không quân và pháo binh tổ chức phản kích tái chiếm thị xã nhiều lần nhưng không kết quả. Không những thế, hai thị xã Kon Tum và Pleiku tiếp tục bị Quân giải phóng bao vây, uy hiếp tiến công; một số đoạn trên Đường số 19, Đường số 21 bị cắt đứt.
Trước tình thế khẩn cấp đó, ngày 13-3, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu triệu tập gấp cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia, quyết định rút bỏ một số vị trí, địa bàn không quan trọng để tập trung bảo vệ những mục tiêu có tính chất sống còn5. Ngày 14-3, Nguyễn Văn Thiệu bay ra Cam Ranh cùng với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên, Trung tướng, Cố vấn của Tổng thống Đặng Văn Quang, triệu tập Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu II... họp đánh giá tình hình. Sau khi nhận thấy không còn khả năng tái chiếm Buôn Ma Thuột, lực lượng bố trí bị phân tán, vũ khí, hỏa lực, trang bị, cơ động không đảm bảo, các thị xã Kon Tum, Pleiku có nguy cơ bị đánh chiếm, các con đường chiến lược lên Tây Nguyên bị uy hiếp, khống chế, Nguyễn Văn Thiệu đã đi đến quyết định quan trọng nhưng vô cùng sai lầm, tai hại, mà hậu quả là đã làm sụp đổ nhanh chóng toàn bộ chế độ Việt Nam Cộng hòa được xây dựng từ 20 năm trước. Quyết định đó là: Rút bỏ Kon Tum, Pleiku, rút lực lượng về co cụm để phòng giữ các địa bàn chiến lược ở đồng bằng duyên hải miền Trung, bảo vệ Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh... với mục đích cuối cùng là tìm cách tái chiếm Buôn Ma Thuột. Ở địa bàn Quân khu I, dự kiến rút bỏ Quảng Trị để bảo vệ Huế; đưa Sư đoàn lính dù thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược về bảo vệ Sài Gòn; rút Sư đoàn thuỷ quân lục chiến về bảo vệ Đà Nẵng; trên địa bàn của Quân đoàn 3 sẽ rút quân khỏi An Lộc để tăng cường phòng thủ Vùng III chiến thuật. Đây là chủ trương tái phối trí lực lượng theo hướng “nhẹ ở trên, nặng ở dưới”. Cuộc rút lui khỏi địa bàn chiến lược Tây Nguyên được chuẩn bị vội vã, bí mật nhằm tạo bất ngờ. Hầu hết lực lượng sẽ rút theo con đường số 7B từ Pleiku đi qua Thuần Mẫn, thị trấn Hậu Bổn, thị xã Phú Bổn về Tuy Hòa, Phú Yên. Đây là một con đường cũ đã lâu không sử dụng, nay được khẩn trương sửa chữa, bắc cầu để phục vụ cho cuộc triệt thoái quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
2. Những lý do rút bỏ Tây Nguyên của Nguyễn Văn Thiệu.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có mấy lý do chủ yếu sau đây:
Một là, do hoàn toàn bị bất ngờ về đòn nghi binh hoàn hảo mang tính chiến dịch, chiến lược của Quân giải phóng. Quân đội Sài Gòn, tình báo Mỹ đều bị đánh lừa trước đòn “giương Đông, kích Tây” của ta. Sự chuẩn bị cho trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuột được tiến hành một cách bí mật tối đa cả về điều động lực lượng, phương tiện, vũ khí, đường sá vận động hành tiến... Quân đội Sài Gòn bị thu hút phần lớn lực lượng vào bảo vệ Kon Tum và Pleiku nên đã trở tay không kịp. Chuyên viên phân tích tình báo của CIA là Frank Snepp, thừa nhận: “Có một điểm quan trọng nhưng tôi không mò ra: tôi không dự kiến được cộng sản đánh vào nơi nào đầu tiên. Tuy có chú ý đến những cuộc chuyển quân không bình thường phía Tây và phía Bắc Buôn Ma Thuột nhưng tôi nghĩ không nên vội kết luận một cách bi quan. Đáng lẽ nói là sẽ có cuộc tiến công vào thị xã, tôi lại dự đoán rằng cộng sản chỉ có ý định bao vây nó và cắt đứt mọi đường giao thông trong vùng. Đó là một sai lầm lớn do sự dốt nát của tôi”6. Cũng như vậy, Bản “Tóm tắt tổng hợp tình báo hàng tuần từ ngày 9 đến ngày 15-3” của Phòng 2 (Phòng Tình báo), Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đệ trình Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên, viết: “Chiến dịch tiến công quy mô đầu năm 1975 của cộng sản đã khai diễn... Tại cao nguyên, địch (tức Quân giải phóng – tác giả bài viết chú thích) vẫn tiếp tục cố gắng thanh toán mặt trận Đắk Lắk. Với sự tăng cường của F.316 (F: sư đoàn) mới xâm nhập, F.320 đang có chiều hướng triển khai hoạt động xuống Cam Ranh, Khánh Hoà để ngăn chặn quân ta (Việt Nam Cộng hòa) giải vây. Trong khi đó thành phần F.968 và lực lượng còn lại của F.10 có thể gia tăng hoạt động trở lại trên mặt trận Tây Nam Plei Cu và Bắc Kon Tum để phá tan nỗ lực của ta”7.
Hai là, do đánh giá không đúng về khả năng to lớn, sự tập trung lực lượng áp đảo của Quân giải phóng trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột nói riêng, nên khi trận tiến công nổ ra, Buôn Ma Thuột nhanh chóng bị đánh chiếm, quân đội Sài Gòn không phản kích chiếm lại được do không bố trí đủ lực lượng cần thiết để bảo vệ thị xã quan trọng bậc nhất Tây Nguyên này. Khi Buôn Ma Thuột bị thất thủ, quân đội và chính quyền Sài Gòn mới nhận thấy rõ nguy cơ bị Quân giải phóng đe dọa tiến công và chiếm được toàn bộ địa bàn Tây Nguyên. Số lượng các đơn vị cấp sư đoàn của Quân giải phóng đang có mặt trên vùng đất chiến lược này vượt trội và áp đảo quân Sài Gòn. Lực lượng Quân giải phóng tham gia chiến dịch có năm sư đoàn bộ binh (10; 320A; 316; 968; 3); bốn trung đoàn bộ binh (25; 271; 95A; 95B); Trung đoàn đặc công 198 và hai tiểu đoàn đặc công (14; 27); Trung đoàn tăng-thiết giáp 273; hai trung đoàn pháo binh (40; 675); ba trung đoàn pháo phòng không (232; 234; 593); hai trung đoàn công binh; Trung đoàn thông tin số 29; trung đoàn ô tô vận tải cùng lực lượng vũ trang các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum. Quân giải phóng đã huy động các đơn vị của bốn sư đoàn (trừ Sư đoàn 968 làm nhiệm vụ nghi binh để kìm chân quân Sài Gòn ở Kon Tum và Pleiku) tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Trong khi đó, tổng số quân của Quân đội Sài Gòn đóng giữ Buôn Ma Thuột, gồm cả lực lượng chủ lực, quân địa phương và cảnh sát chỉ có gần 8.000 người8.
Ba là, do Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của Tây Nguyên, Trung Bộ, Nam Trung Bộ, một địa bàn được chính Nguyễn Văn Thiệu cho rằng nếu kiểm soát được Buôn Ma Thuột thì kiểm soát được cửa ngõ phía Tây vào Sài Gòn”. Do đánh giá sai khả năng và mục tiêu tiến công, cho rằng Buôn Ma Thuột không thể bị công phá, nên quân đội Sài Gòn đã không bố trí đầy đủ lực lượng để phòng giữ, vì thế, khi thị xã lớn nhất Tây Nguyên này bị bất ngờ tiến công và bị chiếm, điều đó đã tác động nghiêm trọng đến mức được ví như “đòn điểm huyệt”, khiến toàn bộ thế bố trí của quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên, rộng hơn là trên toàn lãnh thổ miền Nam, bị rung chuyển. Nguyễn Văn Thiệu nhận thức rõ sự nghiêm trọng của tình hình khi nhiều đơn vị của Quân đoàn 2 bị tiêu diệt, quân tăng viện từ Sài Gòn lên cho Tây Nguyên không có; hai thị xã Kon Tum, Pleiku bị chia cắt, cô lập, bao vây, các con đường chiến lược bị đe dọa cắt đứt. Mặc dù coi Buôn Ma Thuột là chìa khóa của Tây Nguyên, nhưng rốt cuộc, Nguyễn Văn Thiệu vẫn buộc phải quyết định rút bỏ Tây Nguyên với một hy vọng mơ hồ là sẽ tìm cách quay lại tái chiếm Buôn Ma Thuột, sau đó tái chiếm Kon Tum, Pleiku.
Bốn là, do viện trợ của Mỹ giảm sút mạnh, cam kết trợ giúp Việt Nam Cộng hòa của Quốc hội, Chính phủ, Quân đội Mỹ chủ yếu là lời hứa nên chính quyền Sài Gòn ngày càng mất niềm tin vào đồng minh Mỹ. Việc Nguyễn Văn Thiệu quyết định như vậy một phần là dựa trên thái độ và viện trợ của Mỹ. Tướng John Murray, Trưởng Cơ quan Tùy viên quân sự (DAO) trong Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, từ tháng 6-1974 đã điện báo cáo Bộ Quốc phòng Mỹ: “Nếu số tiền viện trợ giảm xuống dưới một tỉ đô la, thí dụ như chỉ còn 700 triệu thôi, thì Nam Việt Nam chỉ còn đủ khả năng bảo vệ một phần lãnh thổ thôi, nếu giảm xuống nữa thì có nghĩa là xóa tên nước Việt Nam Cộng hòa và cho nó vào sổ lãi, lỗ. Giải pháp duy nhất đối với chính phủ Nam Việt Nam chỉ còn là bám lấy Sài Gòn và vùng đồng bằng”9. Ngày 16-8-1974, trong buổi họp cuối cùng với các chỉ huy quân sự của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước khi về Mỹ (sau đó tướng Homer Smith thay vị trí của Murray), Trưởng Cơ quan DAO và các sĩ quan Mỹ đề nghị bỏ một số đất đai và thực hiện chiến thuật củng cố để tiết kiệm dự trữ10. Nguyễn Văn Thiệu cho rằng Mỹ đã không phản ứng mạnh khi Quân Sài Gòn bị mất tỉnh lỵ Phước Long rồi đến thị xã Buôn Ma Thuột, thì không có hy vọng gì sẽ trợ giúp sau này. Do thiếu viện trợ, quân đội Sài Gòn tuy lực lượng còn đông nhưng vũ khí, hỏa lực, trang bị, sức cơ động bị hạn chế, thiếu nghiêm trọng, phải chiến đấu theo kiểu “con nhà nghèo”, nên không đủ sức bảo vệ các mục tiêu, địa bàn quan trọng, chưa nói đến việc phải tung lực lượng phản kích để tái chiếm những vị trí đã mất.
Tờ báo Anh Tin điện hàng ngày đăng bài viết tiêu đề “Thái độ buông xuôi của Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng hòa”, có đoạn: “Trong năm 1974, Việt Nam Cộng hòa tiếp nhận 1,4 tỷ Mỹ kim quân viện nhưng con số này bị Quốc hội Mỹ cắt xuống còn 700 triệu trong năm 1975. Tính theo giá cả năm 1974, con số này tương đương với 400 triệu, và sự cắt giảm thật sự do đó là 1 tỷ Mỹ kim”11.
Từ thực tế này, Nguyễn Văn Thiệu cho rằng: “Việt Nam Cộng hòa cần mỗi năm trên 1,5 tỷ Mỹ kim mới giữ nổi lãnh thổ. Còn nếu như cắt xuống tới 700 triệu Mỹ kim, nghĩa là phân nửa viện trợ, thì quân đội Việt Nam Cộng hòa chỉ có khả năng giữ phân nửa lãnh thổ mà thôi”12. Nguyễn Văn Thiệu nhấn mạnh: cũng vì cắt đứt viện trợ kinh tế, nhất là viện trợ quân sự, đã làm giảm thiểu khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa đến 60%13. Đề cập đến việc rút bỏ Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thiệu thừa nhận: Trong hoàn cảnh như vậy, quân đội không thể làm được gì khác hơn là thay đổi chiến lược, bố trí lại lực lượng để giữ các vùng đất phì nhiêu, giàu tài nguyên. Nếu phải bỏ một số vùng rừng núi cho cộng sản để giữ lại lãnh địa màu mỡ, giàu khoáng sản gồm cả thềm lục địa và mỏ dầu mới vừa khoan được ngoài khơi, thì cũng chấp nhận14.
Năm là, đây không phải là quyết định bột phát nhất thời và không hoàn toàn của riêng Nguyễn Văn Thiệu. Đây là quyết định được suy tính kỹ căn cứ vào thực tế tình hình chiến trường, so sánh lực lượng hai bên và trực tiếp là tác động của việc thị xã Buôn Ma Thuột bị thất thủ đưa lại. Sau khi trực tiếp nắm tình hình chiến sự và chất vấn Tướng Phạm Văn Phú về khả năng tử thủ bảo vệ Tây Nguyên không có cơ may nào thực hiện được, Nguyễn Văn Thiệu mới đi đến quyết định như vậy. Miêu tả cuộc họp ở Cam Ranh ngày 14-3-1975, Frank Snepp viết: “Ông ta (tức Thiệu) đảo mắt nhìn quanh bàn họp xem có ai phản ứng gì không. Không có. Tất cả rất xu nịnh, đều đồng ý với ông ta. Ở bước ngoặt lịch sử của cuộc chiến tranh, ông ta cho tay vào túi, xoa cuống họng và trong tiếng thở dài, tuyên bố quyết định. Ông ta nói: Phải bỏ Pleiku và Kon Tum thôi. Cuộc rút lui chiến lược bắt đầu từ hai tỉnh ấy. Gian phòng yên lặng. Thiệu nói tiếp: Một cuộc rút lui như thế rất hợp lý và cần thiết, sẽ giải phóng được lực lượng để cứu Buôn Ma thuột. Chìa khóa mọi cái nằm ở Buôn Ma Thuột. Ngạc nhiên và lo sợ nhưng cộng tác viên của Thiệu không hề phản đối. Không có cả thảo luận. Cuối cùng, Thiệu còn ra lệnh cho mọi người phải giữ kín, không được nói cho ai biết kế hoạch mật này, nhất là không được nói với người Mỹ, họ có cơ hội để giúp ta, họ không làm, họ đã phản bội ta”15.
3. Những hệ quả từ quyết định rút bỏ Tây Nguyên
Hệ quả từ quyết định này trên thực tế nghiêm trọng đến mức vượt qua mọi tính toán của Nguyễn Văn Thiệu, cũng phần nào nằm ngoài dự kiến của ta, đã đưa tới việc Đảng nhận thức và nắm bắt được sự xuất hiện thời cơ chiến lược nên đã nhanh chóng, táo bạo quyết định chuyển từ kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, sang kế hoạch thời cơ giành chiến thắng chung cuộc ngay trong năm 197516. Hệ quả này thể hiện trên mấy điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, mặc dù biết rõ vị trí chiến lược của Tây Nguyên, nhưng Nguyễn Văn Thiệu và các quan chức, tướng lĩnh trong chính quyền và quân đội Sài Gòn cũng không thể lường định hết tác động sâu rộng và cực kỳ nghiêm trọng của quyết định rút bỏ Tây Nguyên đối với thế bố trí chiến lược trên toàn miền Nam. Quyết định này đã làm đảo lộn hoàn toàn thế trận giữa quân Việt Nam Cộng hòa với Quân giải phóng, đẩy quân Sài Gòn vào thế vô cùng bất lợi và cung cấp cơ hội chiến lược có ý nghĩa quyết định cho Quân giải phóng trong trận quyết đấu cuối cùng. Quyết định của Nguyễn Văn Thiệu đã trao cơ hội chiến thắng một cách rõ ràng cho Quân giải phóng.
Đánh giá về quyết định rút bỏ Tây Nguyên của Nguyễn Văn Thiệu, Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng: “Trận Buôn Ma Thuột hiểm và mạnh quá, tiếp đến trận đánh diệt quân viện Sư đoàn 23 ở phía Đông Buôn Ma Thuột nhanh và gọn quá làm cho địch hốt hoảng, rối loạn không những ở cấp sư đoàn, quân khu mà chính là động đến cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Từ sai lầm về chiến thuật, chiến dịch, bị ta đánh đau quá, địch đi đến sai lầm về chiến lược; chính quyền Sài Gòn hoảng hốt ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên đưa quân về đồng bằng hòng giữ lực lượng và giữ đất... Mà đã sai lầm về chiến lược rồi thì thất bại trong chiến tranh là điều chắc chắn, không sớm thì muộn”17.
Nhà sử học Mỹ George Herring, tác giả cuốn sách Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, nhận xét: “Sự sụp đổ này đến thật đột ngột... Quân giải phóng đã đánh Buôn Ma Thuột ngày 10-3 và chiếm được tỉnh lỵ chỉ trong hai ngày. Để kiểm soát được Tây Nguyên trước khi chấm dứt mùa khô, họ nhanh chóng chuyển quân theo hướng Bắc đánh vào Pleiku và Kon Tum. Thiệu lúc này đã kinh hoàng nên ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên, nhưng cũng không vạch ra kế hoạch rút quân và Quân giải phóng đã cắt mọi con đường quan trọng. Cuộc rút lui cuối cùng đã biến thành một cuộc tháo chạy... Cuộc rút bỏ Tây Nguyên đầy tai hại đã khiến Thiệu mất 6 tỉnh và ít nhất hai sư đoàn bộ binh cũng như mất cả lòng tin của cả quân đội và nhân dân, nó mở đường cho những tai họa còn lớn hơn ở các tỉnh ven biển của Nam Việt Nam”18.
Thứ hai, việc quyết định rút bỏ Tây Nguyên thể hiện sự suy yếu rõ ràng của quân đội, chính quyền Sài Gòn, báo hiệu một viễn cảnh vô cùng ảm đạm cho tương lai của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và những chỉ huy quân đội Sài Gòn ban đầu chủ trương chỉ rút các đơn vị chủ lực, không báo cho các lực lượng địa phương, dân vệ cùng gia đình binh lính, dân sự và các cơ quan thuộc cơ cấu hành chính tại Kon Tum, Pleiku biết và cũng không cho phép rút. Lý do đưa ra là những thành phần này bị buộc phải ở lại sẽ buộc phải chiến đấu với Quân giải phóng để tự bảo vệ, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho cuộc rút lui của quân chủ lực. Tuy nhiên, chủ trương đó không thể thực hiện được, bởi trên thực tế, những sĩ quan, binh sĩ quân đội Sài Gòn khi được lệnh rút, mặc dù quân lệnh là phải tuyệt đối giữ bí mật, nhưng họ không thể bỏ rơi người thân trong gia đình, không thể không thông báo về lý do rút chạy, nên tính bí mật của cuộc rút lui không còn. Hơn nữa, các lực lượng buộc phải ở lại cũng sẽ phản ứng trước chủ trương “bất công”, phân biệt đối xử của cấp chỉ huy và điều chắc chắn là họ cũng tìm cách tùy nghi di tản.
Đây là một thực tế mà Nguyễn Văn Thiệu không lường tính hết tác động và hậu quả, vì thế đã diễn ra một cuộc tháo chạy vô tổ chức, vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tâm lý rã ngũ, rã đám hoảng loạn lan tràn, mạnh ai nấy chạy diễn ra tại sân bay, bến xe và trên các con đường, đặc biệt là trên đường số 7B, nơi có hàng trăm nghìn binh lính và người dân chen chúc nhau nhích từng đoạn về phía đồng bằng ven biển.
Thứ ba, việc rút chạy đã tạo ra thời cơ chiến lược thực sự cho Quân giải phóng. Tuy không hoàn toàn bất ngờ trước sự rút chạy của quân đội Sài Gòn nhưng việc rút lui một cách vội vàng và không có kế hoạch cụ thể như vậy đã trở thành cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định chuyển cuộc tiến công thành cuộc Tổng tiến công trong Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, họp ngày 18-3-1975 nhằm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Qua trinh sát nắm tình hình quân Sài Gòn rút chạy và diễn biến chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cho rằng trên thực tế, quân đội Sài Gòn đã yếu hơn nhiều so với thời điểm trước khi diễn ra trận Buôn Ma Thuột. Một số đơn vị lính thủy đánh bộ, biệt động quân tiếp tục rút khỏi Quảng Trị, chuyển vào Đà Nẵng. Vì thế, trước mắt có thể mở cuộc tiến công sớm giải phóng thành phố Huế và hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho rằng: Diễn biến của chiến trường đi trước mọi phán đoán và dự kiến... Thời cơ lớn đã xuất hiện19 để Quân giải phóng tập trung lực lượng tranh thủ mở các chiến dịch lớn tiếp theo giải phóng thành phố Huế, Đà Nẵng, các tỉnh Nam Trung Bộ, cực Nam Trung Bộ, cuối cùng là giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn.
Thứ tư, việc các đơn vị quân đội Sài Gòn rút chạy xuống đồng bằng ven biển miền Trung, thực hiện co cụm chiến lược để đối phó, đã tạo nên điều kiện thuận lợi cho Quân giải phóng thực hiện chia cắt chiến lược thế bố trí chiến trường miền Nam, cô lập Quân khu I, Vùng I chiến thuật với Quân khu III, Vùng III chiến thuật của địch. Hậu quả tai hại của việc rút quân xuống các tỉnh ven biển miền Trung đã được chứng minh ngay sau đó.
Ngày 17-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho Đại tướng Văn Tiến Dũng, đề xuất: “Địch đang thực hiện co cụm chiến lược sớm hơn ta dự đoán. Trước sự phát triển tiến công của ta, sắp đến quá trình co cụm chiến lược sẽ tiếp tục. Phương hướng là tập trung ở Sài Gòn, Cam Ranh, có thể Đà Nẵng... Đây là thời cơ lớn”20. Vì thế, việc thành phố Huế, tiếp đến Đà Nẵng thất thủ trong một thời gian ngắn, mặc dù vẫn còn quân số đông, vũ khí trang bị lớn, đã cho thấy sự thất bại về chiến lược không thể đảo ngược được. Đến thời điểm này, nhiều đơn vị chính quy của Việt Nam Cộng hoà chỉ lo rút chạy, không còn ý chí tiếp tục chiến đấu bảo vệ các địa bàn trọng yếu. Cơn hoảng loạn tháo chạy từ một khu vực, đã lan rộng như đám cháy gặp gió to, không gì có thể ngăn cản được, đã dẫn đến kết cục quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn tan rã và sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn.
Vậy, quyết định rút bỏ Tây Nguyên được coi là sai lầm chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu và những quan chức, tướng lĩnh cao cấp nhất của chế độ Việt Nam Cộng hòa, liệu có thể tránh được không? Xin thưa rằng, quyết định này không thể tránh được, chỉ có điều sẽ được đưa ra sớm hay muộn mà thôi, bởi tất cả các yếu tố, tình hình lúc đó đều chống lại, đều bất lợi cho quân đội, chính quyền Sài Gòn, một khi chỗ dựa chủ yếu là Mỹ đã không còn, chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hoà. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt với người Mỹ.
Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã đi qua gần nửa thế kỷ, bài học ở những giai đoạn lịch sử, trên nhiều chiều cạnh, vẫn có giá trị tham khảo.
1, 8. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb CTQG-ST, H, 2013, T. 8, tr. 194, 249-266
2, 16, 19, 20. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Nxb CTQG, H, 2004, tr. 170, 226, 210, 211-212
3, 5, 6, 9, 10, 15. Frank Snepp: Cuộc tháo chạy tán loạn (nguyên bản tiếng Anh The dencent Interval)-Bản dịch tiếng Việt của Ngô Dư, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.97, 130, 123, 81-82, 85, 131-132
4, 17. Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân 1975, Nxb QĐND, H, 1976, tr. 57, 125
7, 14. Trần Mai Hạnh: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Nxb CTQG-ST, H, 2017, tr. 25, 29
11. The Daily Telegraph, 24-3-1975, Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 3810, tr.209
12, 13. Phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu ngày 4-4-1975, Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 31559
18. George Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ (Nguyên bản tiếng Anh The American’s longest war), Nxb CTQG, H 1998, tr. 341.
PGS, TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS HOÀNG THỊ MỸ HẠNH
Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên