Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhận những công việc đòi hỏi sự hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên, quan tâm, giáo dục, động viên thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Từ khoá: Vai trò lãnh đạo của Đảng; xây dựng đạo đức lối sống; thanh niên
1. Hồ Chí Minh từng nói: Một năm bắt đầu bằng mùa Xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của dân tộc. Thanh niên là nhóm xã hội - dân cư có sứ mệnh đón nhận sự “trao truyền” giá trị, bàn giao nhiệm vụ, ủy thác trách nhiệm, gửi gắm niềm tin của thế hệ đi trước. Để kế tục sự nghiệp của thế hệ đi trước, thanh niên cần được giáo dục, đào tạo, rèn luyện chu đáo, nghiêm túc. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”1.
Khi nói đến giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên, Hồ Chí Minh nêu những quan điểm về giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng và xây dựng lối sống mới có văn hóa. Người cho rằng văn hóa, đạo đức và lối sống có quan hệ mật thiết với nhau, lối sống là hệ quả trực tiếp của văn hóa, đạo đức. Gần 2 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 3-1947, Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới2, nêu rõ xây dựng đời sống mới thực sự là một cuộc cách mạng trong toàn dân, là một cuộc vận động lớn, nhằm đấu tranh chống lại cái cũ, lạc hậu để xây dựng cái mới, đời sống mới tiến bộ, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò quan trọng.
Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng lối sống mới là rất cần thiết và thanh niên ở vị trí nào, làm công tác nào cũng đều phải tham gia. Theo Người, dân tộc muốn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu đi lên một xã hội văn minh, tiên tiến, thì tất yếu phải xây dựng, sửa đổi những điều rất căn bản về đạo đức, lối sống văn hóa. Xây dựng lối sống mới được bắt đầu từ những điều cơ bản, đơn giản nhất, mà tất cả mọi người, trong đó có thanh niên phải thực hành, đó là, ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc theo lối sống mới; trong gia đình, trên thuận dưới hòa, ăn mặc chi tiêu tiết kiệm có kế hoạch; chấm dứt tục lệ cưới hỏi xa xỉ, lãng phí. Người yêu cầu mọi gia đình, đặc biệt thanh niên: “Cưới hỏi giỗ Tết nên đơn giản, tiết kiệm”3.
Theo Hồ Chí Minh muốn có đạo đức, lối sống văn hóa, phải đề cao việc học tập và rèn luyện; và nhiệm vụ chính của thanh niên là học tập. Người chỉ rõ: “Còn biết bao điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”4. Trong các trường học, cùng với học kiến thức, phải coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống: “Phải dạy thanh niên có ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ. Trong các trường học “phải trọng về môn tinh thần và đạo đức. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ, mà giáo dục thực dân để lại”5. Xây dựng lối sống mới cho thanh niên còn thể hiện trong xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người, đó là: lối sống đề cao tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại, đề cao tinh thần nhân đạo, nhân văn, coi trọng những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết, sống khiêm tốn, cầu thị, không tự cao tự đại, sống có lý có tình, biết ơn người đi trước.
2. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt thời kỳ đổi mới, Đảng luôn quan tâm đến thanh niên, giáo dục đào tạo thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên”, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa.
Đại hội VI (1986) - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, Đảng khẳng định: “Thanh niên là lớp người có sứ mệnh xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”6. Do đó cùng với giải quyết việc làm là nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa cho thanh niên. Nghị quyết Đại hội VI chỉ rõ: “Thanh niên phải được bảo đảm việc làm khi bước vào đời và được quan tâm giáo dục về nhân cách, bản lĩnh và lý tưởng theo phương châm “Sống, chiến đấu, lao động, và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”7.
Đầu năm 1991, cục diện chính trị thế giới biến động sâu sắc và phức tạp, tác động mạnh mẽ vào nước ta. Các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” truyền bá tư tưởng, văn hóa độc hại, lối sống vô đạo đức nhằm lôi kéo và làm hư hỏng thanh niên, âm mưu xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ XHCN. Trước tình hình đó, Đảng xác định phải đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thanh niên. Ngày 9-2-1991, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-TW Về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên. Nghị quyết khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên; những quan điểm cơ bản về công tác thanh niên và phương hướng, nội dung giải pháp chủ yếu của công tác thanh niên, giải pháp cho từng đối tượng: thanh niên công nhân, thanh niên nông dân, thanh niên trí thức, học sinh, sinh viên, thanh niên lao động và thợ thủ công, thanh niên các dân tộc thiểu số, thanh niên các dân tộc tôn giáo. Nghị quyết chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thanh niên, trong đó đặc biệt coi trọng chuẩn mực đạo đức: “bồi dưỡng lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức và lối sống lành mạnh cho tuổi trẻ”8.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng đề ra nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên ở mọi cấp, mọi ngành. Đại hội VIII (1996) của Đảng nhấn mạnh việc giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ về chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghề nghiệp, đạo đức, lối sống văn hóa; tạo môi trường xã hội lành mạnh, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội và văn hóa phẩm độc hại trong thanh niên; giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đại hội IX (2001) tiếp tục khẳng định thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng nêu rõ: “Đối với thế hệ trẻ, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa (TG-nhấn mạnh), sức khỏe, nghề nghiệp; giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo”9. Đại hội X (2006) của Đảng xác định: “Đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống (TG-nhấn mạnh); tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ... Khuyến khích thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm”10.
Đặc biệt, tháng 7-2008, tại HNTƯ 7 khóa X, Đảng đã ra nghị quyết chuyên đề Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết khẳng định một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo là đã xây dựng được một thế hệ thanh niên thời kỳ mới có tri thức, có đạo đức, lối sống văn hóa, có sức khỏe tốt và tư duy phát triển mới, tiếp nối được truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, nêu cao ý thức yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, sẵn sàng hy sinh, tình nguyện vì lợi ích cộng đồng, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quán triệt chủ trương của Đảng, ngày 11-9-2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQTƯ 7, khóa X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu: Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, có lối sống văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.
Đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp CNH, HĐH, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định vai trò lực lượng thanh niên, đào tạo bồi dưỡng thanh niên phát triển toàn diện, khuyến khích cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, có lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa. Tại Đại hội XI (2011), Đảng khẳng định: “Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ”11.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên trong thời kỳ hội nhập quốc tế, ngày 24-3-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 42-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2020. Đây là sự quan tâm của Đảng nhằm xây dựng thế hệ trẻ “vừa hồng vừa chuyên”, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên.
3. Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập, đa số thanh niên ý thức rõ trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, ra sức học tập, lao động, rèn luyện về mọi mặt, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, cống hiến sức trẻ vì quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về đạo đức, lối sống. Tình hình đó đòi hỏi tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác thanh niên. Có sự nhìn nhận đánh giá một cách khoa học, khách quan về thanh niên. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại lắng nghe tâm tư nguyện vọng của thanh niên, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến tư tưởng, đạo đức lối sống của thanh niên.
Hai là, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Tạo môi trường thực tiễn để tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Thông qua cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, có nhiều mô hình phong phú để giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng như viết “Nhật ký làm theo lời Bác”; “Sổ vàng học tập và làm theo lời Bác”, “Sổ tay tự rèn”, cuộc thi “Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi yêu đồng bào tôi”, khẩu hiệu hành động “Mỗi ngày một việc tốt vì nhân dân” để thanh niên rèn luyện đạo đức lối sống. Xây dựng các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa cho các đối tượng đoàn viên thanh niên gắn liền với chương trình rèn luyện đoàn viên và tuyên dương, biểu dương các điển hình. Tổ chức trao giải thưởng cho những điển hình tiêu biểu như: Giải thưởng Sao Tháng Giêng cho sinh viên; Giải thưởng Lý Tự Trọng cho học sinh; Giải thưởng Lương Định Của cho thanh niên nông thôn; Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi cho thanh niên công nhân; Giải thưởng Sao đỏ cho doanh nhân; Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; các giải thưởng cho thanh niên quân đội, thanh niên công an động viên khích lệ thanh niên rèn luyện, phấn đấu trưởng thành.
Ba là, giải quyết vấn đề việc làm góp phần hiệu quả trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống văn hóa cho thanh niên hiện nay. Các cấp ủy đảng tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan liên quan có các giải pháp để trang bị kiến thức về khoa học - công nghệ cho thanh niên và có chính sách khuyến khích, giúp đỡ thanh niên có ý tưởng phát triển và thành lập doanh nghiệp phát huy ý tưởng, sáng kiến trong cuộc sống; thu hút lao động để giải quyết tốt tình trạng thanh niên được đào tạo ra trường không có việc làm, từ đó đưa họ vào tổ chức để rèn luyện, giáo dục.
Bốn là, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp ủy và đảng viên các cấp, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để phát huy vai trò xung kích của thanh niên và tổ chức đoàn. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn Thanh niên; chú trọng đổi mới phương thức giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thanh niên qua mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.
Những giải pháp cơ bản đó là yếu tố quan trọng xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam, chủ nhân tương lai của dân tộc, thành lớp người kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của cha anh đi trước, góp phần xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 11/2015
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.15, tr. 622
2, 3, 4, 5. Sđd, T. 5, tr. 116, 118, 117, 120
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, T. 47, tr. 450, 450
8. Sđd, T. 50, tr. 540
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 126
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 120
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 243.