17/01/2024 - 08:10 PM - 325 lượt xem
Tóm tắt: Đại hội XIII (2021) của Đảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện tầm nhìn, khát vọng của Đảng và dân tộc nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng và cơ đồ, vị thế, uy tín của đất nước hiện nay là cơ sở khẳng định: Đảng và dân tộc Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Từ khoá: Khát vọng phát triển đất nước; phồn vinh, hạnh phúc
Quang cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
1. Khơi dậy khát vọng giành độc lập, giải phóng dân tộc - cội nguồn những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, đặc biệt là thời kỳ vận động tiến tới Cách mạng Tháng Tám (1939-1945), đứng trước nguy cơ tồn vong của dân tộc dưới sự cai trị của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, Đảng đã khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”1.
Khi thời cơ cách mạng chín muồi, lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ rõ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”2. Khát vọng giành độc lập mà Hồ Chí Minh thắp lên chính là ngọn cờ quy tụ sức mạnh vô song của toàn dân tộc. Tiếp đó, Đại hội đại biểu quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17-8-1945, biểu thị sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể dân tộc đối với chủ trương giành độc lập của Đảng. Ngay sau Đại hội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”3. Thực hiện lời kêu gọi của Người, nhân dân đã đồng tâm hiệp lực nhất tề đứng lên giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Người khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”4. Quyết tâm của Hồ Chí Minh đã thức tỉnh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là ánh sáng soi đường cho nhân dân quyết tâm chiến đấu để giải phóng dân tộc. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, nhân dân ta bước vào thời kỳ cách mạng mới, cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong đó, nhiệm vụ thiêng liêng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuy phải đối mặt với khó khăn, gian khổ nhưng với quyết tâm: “Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”5 và với niềm tin sắt đá “... dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”6, dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và tay sai. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trở thành lẽ sống, phương châm hành động của mỗi người Việt Nam, nhờ vậy, đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước triệu người như một sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Sự đồng lòng của cả dân tộc đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất, kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm của sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta; mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH.
Như vậy, khát vọng giành độc lập và giải phóng dân tộc mà Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu lên đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và cũng là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân Việt Nam. Do đó, đã khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Cội nguồn của những thắng lợi đó là do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy sức mạnh và lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô cùng vĩ đại, bởi: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”7 và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”8. Có thể nói, “ý Đảng hợp với lòng dân”; đồng thời, biết khơi dậy ý thức tự tôn, tự cường và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
2. Thành tựu 35 năm đổi mới - cơ sở, nền tảng để hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử:
Trong thời kỳ đổi mới, tăng trưởng kinh tế bình quân 6, 6%/năm; năm 2019 GDP tăng 27,24 lần so với năm 1991, đạt mức hơn 262 tỷ USD và đạt hơn 343 tỷ USD vào năm 20209, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực Đông Nam Á10. Nhờ đó, chỉ số xếp hạng về quy mô GDP cũng được cải thiện rõ rệt, từ vị trí thứ 76 thế giới (1995) lên thứ 47 (2018) và thứ 40 (2020) (tính theo USD)11. Theo ghi nhận của các tổ chức quốc tế, năm 1995, GDP đầu người của Việt Nam đạt 358,7 USD, đứng thứ 175/195 quốc gia; GDP quốc gia đạt 26,4 tỉ USD. Sau 25 năm (1995-2020), thu nhập đầu người của Việt Nam đã cao gấp 9,75 lần, tăng 54 hạng (từ 175 lên 121, vượt qua Philippin trong khối ASEAN) về quy mô nền kinh tế lớn gấp 12,9 lần, vượt qua 21 quốc gia (trong ASEAN là Singapore và Malaysia). Như vậy, Việt Nam đã làm được kỳ tích, đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về quy mô và thu nhập bình quân trên đầu người, tăng 21 hạng về quy mô nền kinh tế và tăng 54 hạng về thu nhập đầu người trên bảng xếp hạng các quốc gia12.
Khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ. Trong 5 năm (2015-2019), đã có hơn 601,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng bình quân 13,1%/năm). Vốn đăng ký bình quân tăng từ 6,35 tỷ đồng/doanh nghiệp (2015) lên 16,6 tỷ đồng/doanh nghiệp (năm 2020)13. Số doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng qua các năm, từ 279,4 nghìn doanh nghiệp (2010) lên khoảng 700 nghìn doanh nghiệp (2019), trong đó, số lượng doanh nghiệp dân doanh trong nước chiếm gần 97%. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn được hình thành và phát triển như: Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô; Vinamilk, TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm; Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần thép Pomina...
Kim ngạch xuất nhập khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, số vốn đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 202014. Chính sách mở cửa cho FDI và thương mại của Việt Nam đã giúp đẩy mạnh việc Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu. Việc tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt kết quả tích cực, nhất là trong công tác giáo dục phổ cập và xóa mù chữ. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ thông giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (2015) lên khoảng 65% (2020). Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng. Đến cuối năm 2019, đã có 525 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 4,4 tỷ USD; 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học15.
Sự nghiệp xây dựng văn hóa và phát triển con người được chú trọng. Quan điểm của Đảng là: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”16, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời, trong xây dựng và phát triển văn hóa, quan trọng nhất là phát triển con người; xây dựng văn hóa vì sự phát triển con người toàn diện. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh; 137 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 164 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.498 di tích quốc gia; 107 di tích quốc gia đặc biệt; 168 bảo tàng thường xuyên lưu giữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật17.
An sinh xã hội và phúc lợi xã hội ngày càng được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 53% (1993) xuống còn 24,4% (2005) và 3% (2020). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 63% (2010) lên trên 90,85% (2020). Năm 2020, chỉ số HID xếp 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 63 tuổi (1990) lên 73,7 tuổi (2020). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 159 USD (1985) lên 2.779 (2020)18.
Quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường. Thành tựu quan trọng nhất là đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh quốc gia; củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên; trang thiết bị, vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao được đầu tư nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang.
Quan hệ đối ngoại mở rộng, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN (7-1995), ASEM (7-1995), APEC (11-1998) và WTO (1-2007). Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ đầu tư với 70 nước và vùng lãnh thổ19. Việt Nam đã ký kết gần 100 hiệp định thương mại song phương, tham gia đàm phán ký kết 16 FTA, 13 FTA đã có hiệu lực, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Bên cạnh đó, Việt Nam mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)... Trên bình diện đa phương, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò chủ chốt tại các tổ chức và diễn đàn, đặc biệt là Liên Hợp quốc, ASEAN. Tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như: Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (1997), ASEAN (1998, 2010, 2020), ASEM (2005), APEC (2006, 2019)...
Cùng với những thành tựu đó, Việt Nam còn những tiềm năng lớn như đang ở thời kỳ dân số vàng. Bên cạnh đó, có khoảng hơn 5 triệu người Việt Nam tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hàng trăm nghìn kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, tài chính; 3.000 doanh nghiệp của kiều bào từ Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nga, Pháp, Séc, Hà Lan,... đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố với số vốn 4 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước 10 năm qua lên tới 112 tỷ USD20.
Nhờ những thành tựu đạt được, vị thế của Đảng được nâng cao trên trường quốc tế. Các đảng, các nước, không phân biệt hệ thống chính trị, khuynh hướng chính trị, nhận thức rất rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mong muốn củng cố và mở rộng quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính21. Bên cạnh đó, uy tín của đất nước được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sức mạnh tổng hợp của Việt Nam ngày càng tăng:Về sức mạnh kinh tế, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của WEF, Việt Nam lần đầu xếp 67/141 nền kinh tế. Theo Báo cáo “Doing Bussiness 219” của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp 69/190 nền kinh tế.
Ngân hàng Thế giới dự báo về tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% vào năm 2030. Trong cuốn sách Cường quốc trong tương lai của chính khách Nhật Bản Hamada Kazuyuki, xuất bản năm 2019, dự báo: năm 2026, Việt Nam sẽ có sự phát triển nhảy vọt thành cường quốc kinh tế số; năm 2030, GDP của Việt Nam đạt 10.000 USD; năm 2048, Việt Nam lọt vào top 20 thế giới về quy mô kinh tế. Về sức mạnh quân sự, an ninh quốc gia, chuyên gia quốc tế đánh giá quân đội Việt Nam là một trong những lực lượng quân sự giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng quân sự thế giới của trang Global Firepower năm 2020, Việt Nam đứng 22/138 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, riêng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Indonesia22.
3. Một số vấn đề đáng chú ý nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, cơ đồ, vị thế cũng như uy tín của Đảng và đất nước tạo dựng được sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới là bằng chứng sinh động chứng tỏ rằng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bởi lẽ, khơi dậy và phát huy ý thức tự tôn, tự cường dân tộc, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp để đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam trở thành nước phát triển thì toàn Đảng, toàn dân phải tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, là tổ chức khởi xướng và lãnh đạo nên Đảng phải kiên quyết, kiên trì mục tiêu, không nao núng trước những khó khăn, thử thách; phát huy bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống đoàn kết, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kế thừa và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cách mạng mới; chú trọng nêu gương của những người đứng đầu, giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm minh kỷ cương, kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, công khai minh bạch; nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết.
Thứ hai, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt dân tộc, giai cấp, người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Phát huy vai trò là trung tâm, là chủ thể của nhân dân trong công cuộc đổi mới. Khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước và sức mạnh của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân; phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển như là động lực và nguồn lực để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Giáo dục sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Thứ ba, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải mở rộng quan hệ với tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - giáo dục, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là 5 nước Thường trực Bảo an Liên Hợp quốc, các nước lớn, các nước ASEAN, châu Á- Thái Bình Dương, liên minh châu Âu... Qua đó, tranh thủ vốn, khoa học kỹ thuật - công nghệ và kinh nghiệm của các quốc gia, dân tộc, đặc biệt là những thành tựu tiên tiến về phát triển kinh tế số. Đó chính là nguồn ngoại lực quan trọng kết hợp với nội lực của đất nước để tạo ra sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Thứ tư, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, phủ định mục tiêu phát triển đất nước của các thế lực thù địch. Nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ cách mạng mới. Tích cực tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu phát triển đất nước. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thấm nhuần nhận thức về tầm nhìn và mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước; từ đó, lan tỏa đến mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc thực hiện mục tiêu đó. Qua đó, đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, phủ định con đường và mục tiêu xây dựng đất nước cường thịnh, văn minh.
Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng và cơ đồ, vị thế, uy tín của đất nước hiện nay, cùng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân sẽ phát huy cao độ nội lực dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 12/2021
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 113
2. Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2016, T. 2, tr. 225
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.3, tr. 596
4. Sđd, T. 6, tr. 579
5. Sđd, T. 10, tr. 359-360
6, 7. Sđd, T. 15, tr. XIV, 280
8. Sđd, T. 13, tr. 120
9. Số liệu về quy mô GDP năm 2020 được đánh giá lại. Theo Đại hội XIII của Đảng đánh giá thì GDP của Việt Nam đạt 271,2 tỷ USD
10. IMF: Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020, ngày 13-10-2020
11. Báo Nhân dân điện tử: https://nhandan.vn/nhan-dinh/hoi-thao-danh-gia-kinh-te-viet-nam-nam-2020-trien-vong-nam-2021-640414/, online 31-3-2021
12. Xem: Đỗ Cao Bảo - thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, “Chúng ta có quyền lạc quan về một kỳ tích Việt Nam”, bài trả lời phỏng vấn trên báo Dân trí điện tử, ngày 19-3-2021
13. Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/baocao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2020/
14. Dẫn theo https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-737210.html
15. Bộ Giáo dục và Đào tạo: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7005, online 16/10/2020
16. Xem https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-76kltw-ngay-462020-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-thuc-hien-nghi-quyet-so-33-nqtw-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-6470
17. Số liệu tổng hợp từ Cổng thông tin điện tử Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
18. Theo tính toán lại của Tổng cục Thống kê là 3.521 USD
19, 20, 21, 22. Xem: Nguyễn Viết Thông: Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt nam sau 75 năm giành độc lập, đặc biệt sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới.