Tóm tắt: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng ở Nam Đông Dương, để ngăn cản cuộc hành quân Átlăng nhằm đánh chiếm, bình định vùng tự do Liên khu V của quân Pháp, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu quyết định lựa chọn Tây Nguyên là một trong những hướng tấn công của quân ta trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu V, quân và dân Tây Nguyên đã chiến đấu mưu trí và kiên cường, chủ động tấn công quân Pháp trên toàn vùng, tiêu biểu là chiến dịch đánh quân Pháp ở Bắc Tây Nguyên và phát triển chiến tranh du kích rộng khắp vùng, buộc quân Pháp phải điều lực lượng đi đối phó, góp phần làm cho kế hoạch H. Navarre của Pháp bị đảo lộn. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, quân và dân Tây Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “chia lửa” với cả nước, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Từ khóa: Tây Nguyên; Điện Biên Phủ; Đông Dương; Đông - Xuân 1953 -1954

1. Âm mưu của Pháp và chủ trương của Đảng trong Đông-Xuân 1953-1954

Những cố gắng cao nhất của quân Pháp ở Đông Dương

Với mong muốn cứu vãn nền hòa bình cho Đông Dương, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đàm phán và nhượng bộ với thực dân Pháp. Nhưng mùa Đông năm 1946, quân Pháp vẫn kiên quyết mở rộng cuộc tấn công quân sự ra toàn lãnh thổ Việt Nam, hòng bình định và đặt lại ách cai trị của họ ở Đông Dương. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, quân Pháp đã mất thế chủ động, bị thiệt hại nặng nề và sa lầy trên chiến trường Đông Dương.

Trong khi đó, lực lượng kháng chiến của quân và dân Việt Nam, từ tình thế khó khăn, bị động, đã nhanh chóng phát triển, giành được thế chủ động, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Tây Nguyên, Liên Khu V, vùng Cao-Bắc-Lạng và các khu vực ở đồng bằng Bắc Bộ… Đến đầu năm 1953, quân ta đã kiểm soát được 2/3 lãnh thổ1.

Để tìm lối thoát cho quân đội Pháp, ngày 7-5-1953, được sự đồng thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp đã cử tướng H. Navarre2 sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Cả Pháp và Mỹ đều kỳ vọng, với tài năng và bề dày kinh nghiệm thực chiến, H. Navarre có thể chuyển bại thành thắng, giúp xoay chuyển cục diện ở Đông Dương theo hướng có lợi cho quân Pháp.

Sau khi nghiên cứu tình hình chiến trường, ngày 24-7-1953, H. Navarre đưa ra kế hoạch quân sự mang tên H. Navarre, dự kiến triển khai trong vòng 18 tháng, chia làm hai giai: Giai đoạn 1, trong Đông - Xuân (1953-1954), giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc vĩ tuyến 18, tránh đối đầu với quân chủ lực của ta; đồng thời tiến hành tấn công chiến lược bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương, chủ yếu là mở Chiến dịch Átlăng, nhằm xóa bỏ vùng tự do Liên khu V; Giai đoạn 2, Thu - Đông năm 1954 đưa quân ra miền Bắc, tấn công chiến lược và giành thắng lợi quyết định trên chiến trường chính, buộc quân ta phải đàm phán theo hướng có lợi cho Pháp3.

Để triển khai kế hoạch H. Navarre, Chính phủ Pháp yêu cầu Hoa Kỳ tăng thêm viện trợ lên gấp 2 lần (chiếm 73% chi phí chiến tranh), đồng thời, tăng cường 12 tiểu đoàn lính Âu-Phi tinh nhuệ sang Đông Dương. Với sự hậu thuẫn của Chính phủ Pháp và Mĩ, H. Navarre đã tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động mạnh gồm 44/84 tiểu đoàn có mặt ở Đông Dương. Ngoài ra, quân Pháp còn tăng bắt lính ở những vùng do họ chiếm đóng, tạo thành một lực lượng hùng mạnh để quyết chiến với quân ta. Với quy mô và tính chất đó, kế hoạch H. Navarre là đợt tập trung binh lực lớn nhất của quân Pháp ở Đông Dương. Do vậy, dù đã giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường, nhưng xét về tình thế chung quân Pháp cũng gặp không ít khó khăn.

Mặt trận Tây Nguyên trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam

Trước âm mưu và hành động của quân Pháp, tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn về nhiệm vụ quân sự trong Đông - Xuân 1953-1954. Hội nghị nhận định: “Kế hoạch Nava có thể gây cho ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó có nhiều mâu thuẫn và có nhược điểm lớn”4. Từ đó, Hội nghị đề ra phương châm: “chỉ sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong khi đó đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ”5.

Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tổng tham mưu đã triển khai kế hoạch tác chiến theo bốn hướng: Tây Bắc và Thượng Lào; đồng bằng Bắc Bộ; Trung, Hạ Lào và phát triển sang Campuchia; Tây Nguyên (khu V), hướng chính là Tây Bắc.

Cụ thể hóa kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu, tháng 11-1953, Tổng quân ủy hướng dẫn: “Trong Đông - Xuân này, Liên khu 5 cần phải tập trung lực lượng tiến công lên Tây Nguyên, phát triển lên Tây Nguyên phải coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất; nhiệm vụ củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai”6.

Như vậy, trong kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 thì Tây Nguyên là một trong bốn hướng tấn công phối hợp với mặt trận chính là Tây Bắc (sau này là Điện Biên Phủ) nhằm phân tán lực lượng địch, phối hợp với Điện Biên Phủ, quyết tâm đánh bại kế hoạch H. Navarre của Pháp.

2. Những trận đối đầu quyết liệt của quân và dân Tây Nguyên phối hợp với chiến trường cả nước và mặt trận chính Điện Biên Phủ

Chiến dịch Bắc Tây Nguyên

Trong khi quân ta đang triển khai kế hoạch tác chiến, ngày 20-1-1954, H. Navarre đã huy động 30 tiểu đoàn cơ động (GM) mở cuộc hành binh Átlăng tiến vào Tuy Hòa (Phú Yên) bắt đầu kế hoạch bình định, xóa bỏ vùng tự do Liên khu V.

Trước hành động quân sự của Pháp, Khu ủy Khu V quyết định mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên với phương châm: chỉ sử dụng bộ đội địa phương, du kích và một bộ phận nhỏ quân chủ lực để đối phó với quân Pháp, bảo vệ hậu phương, còn đại bộ phận quân chủ lực tập trung tiến công ở hướng chính phía Đông Bắc Kon Tum, hướng phối hợp trên Đường 197. Mục tiêu của chiến dịch là kiểm soát được thị xã Kon Tum và một số vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Tây Nguyên; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; buộc H. Navarre phải dừng cuộc hành quân Átlăng, phân tán lực lượng lên ứng cứu Tây Nguyên, vừa giữ vững vùng tự do Liên khu V, vừa góp phần để chiến trường chính có điều kiện chuẩn bị tốt hơn cho các trận quyết chiến chiến lược.

Theo kế hoạch tác chiến, quân ta tổ chức tiến công địch theo hai hướng: Hướng chính Bắc Kon Tum, sử dụng 2 Trung đoàn 108 và 803, Tiểu đoàn 30, Liên đội đặc công, cùng lực lượng địa phương Liên khu V; Hướng phụ trên Đường 19 - An Khê, sử dụng lực lượng địa phương được tăng cường một đại đội của Trung đoàn 803 thực hành tiến công tiêu diệt các cứ điểm nhỏ, cắt giao thông, chuẩn bị chiến trường cho những hoạt động sau của chiến dịch.

Để chủ động trong việc chỉ đạo chiến dịch, Liên Khu ủy V quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Chánh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu - Người vừa mới ra Việt Bắc dự và nhận nhiệm vụ tại Hội nghị Bộ Chính trị (9-1953) trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Chiến dịch Bắc Tây Nguyên diễn ra từ ngày 27-1-1954 đến ngày 17-2-1954, bắt đầu từ hướng Kon Tum. Qua 20 ngày đêm chiến đấu, cả hai hướng tấn công của ta đã giành thắng lợi to lớn, tiêu biểu là Chiến thắng Măng Đen, Măng Bút (28-1-1954), phá vỡ hệ thống phòng ngự của quân Pháp, giải phóng thị xã Kon Tum, quét sạch quân của Pháp ở Bắc Tây Nguyên, tiến xuống phía Nam, sát Đường 19.

Chiến thắng Bắc Tây Nguyên, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, chiếm giữ những vị trí quan trọng ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, cắt đứt liên lạc giữa Pleiku với Bình Định của quân Pháp. Lo sợ mất địa bàn trọng yếu Tây Nguyên, H. Navarre buộc phải ra lệnh dừng cuộc hành quân Átlăng, tấn công vào đồng bằng Liên Khu V, vội vã điều động 11 tiểu đoàn ở Nam Bộ và Bình - Trị - Thiên lên tăng cường cho Tây Nguyên, tổ chức hai tập đoàn cứ điểm An Khê và Pleiku để đối phó với quân ta8.

Ngay sau chiến thắng Kon Tum, Trung ương Đảng đã gửi điện cho quân và dân Tây Nguyên, nêu rõ: “Liên Khu 5 đã thành công vượt mức. Cần liên tục chiến đấu, khuyếch trương thắng lợi, phối hợp với toàn quốc. Ra sức tranh thủ củng cố vùng giải phóng, tranh thủ phát triển vào Nam với phương châm: đánh địch đằng trước kết hợp chiến tranh du kích vùng địch hậu. Liên tục chiến đấu trong một thời gian dài để khoét sâu nhược điểm của địch. Tác chiến kết hợp với xây dựng, tiêu diệt kết hợp với củng cố địa phương”9. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư cho bộ đội nêu rõ: “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi to lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa Xuân này trên chiến trường toàn quốc”10.

Cuộc tấn công cứ điểm Pleiku và cứ điểm trên Đường 19 - An Khê

 Ngay sau Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Đảng ủy chiến dịch đã họp và nhận định: Sau khi rút khỏi thị xã Kon Tum, quân Pháp đã đưa một phần lực lượng từ đồng bằng lên để củng cố và tổ chức lại hệ thống phòng thủ ở Tây Nguyên. Chúng bố trí lực lượng thành hai khối lớn ở thị xã Pleiku và trên Đường 19 - An Khê (mỗi nơi 9 tiểu đoàn). Từ đó, Hội nghị nêu quyết tâm: Tổ chức một đợt tiến công ngắn nhưng thật mạnh vào thị xã Pleiku và Đường 19, kìm giữ lực lượng địch, không để cho chúng rút đi chi viện cho chiến trường khác; bổ sung và tổ chức thêm lực lượng mới, tăng lực lượng cơ động tấn công địch; nhanh chóng ổn định vùng mới giải phóng, sẵn sàng đánh địch lấn chiếm lại. Tăng cường chỉ đạo chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu ở vùng tự do11.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Mặt trận, ngày 16-2-1954, quân ta mở đợt tấn công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài thị xã Pleiku; ngày 19-2-1954, tập kích diệt 2 đại đội địch ở Đắk Đoa; cùng thời điểm này, quân ta đã phục kích 2 tiểu đoàn địch tại Nam Biển Hồ, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Ngoài ra, bộ đội ta còn pháo kích và tổ chức luồn sâu đánh nhiều mục tiêu cơ quan, kho tàng của Pháp ở ngay trung tâm thị xã Pleiku. Ở phía Nam Đường 19, quân ta diệt đồn Đắk Bớt, tiến công quân ngụy ở trung tâm thị trấn Cheo Reo,...

Trong khi H. Navarre đang lúng túng, ngày 25-3-1954, bộ đội ta tiếp tục tập kích lần thứ 2 vào thị xã Pleiku, đánh vào các kho tàng, trại lính của Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Dù đang rơi vào thế bị động trên chiến trường Tây Nguyên, nhưng H. Navarre vẫn chủ quan cho rằng, cuộc tiến công Đông - Xuân 1953-1954 của quân ta đã kết thúc, chủ lực của ta trên chiến trường chính hết khả năng đánh lớn, nên ngày 12-3-1954, H. Navarre đã ra lệnh cho các đơn vị tiến hành bước 2 của cuộc hành quân Átlăng, tấn công đánh chiếm tỉnh Bình Định và điều binh đoàn cơ động dù từ Hà Nội vào Quy Nhơn để hỗ trợ. Nhưng ngay hôm sau, ngày 13-3-1954, bộ đội ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bị bất ngờ và để mất phân khu Bắc sau 5 ngày chiến đấu, ngày 16-3-1954, H. Navarre phải gấp rút điều động binh đoàn cơ động dù mới vào Quy Nhơn quay trở ra hỗ trợ cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, phối hợp tiến công địch trên khắp địa bàn Tây Nguyên

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, các địa phương vùng Tây Nguyên luôn tích cực xây dựng lực lượng, tổ chức chiến tranh du kích phối hợp tiêu diệt địch.

Từ một vùng du kích nhỏ ở Bắc Tây Nguyên, đến năm 1953 đã mở rộng ra toàn vùng, hình thành những mảng lớn có sự liên kết với nhau: Ở phía Bắc phát triển từ Đắk Tô đến Đắk Pet, Đắk Lây (Kon Tum), dọc hai bên Đường 14, nối liền với vùng du kích Hạ Lào; phía Đông Bắc phát triển từ Đăk Pơ (Gia Lai) nối liên lạc với các lực lượng vũ trang tuyên truyền đang hoạt động ở Cămpuchia; ở phía Nam, hình thành khu tam giác Cheo Reo - Buôn Hồ - M’Đrắk (Đắk Lắk), mở rộng đến Đường 14, nối liên lạc được với vùng du kích Đắk Pơk ở Gia Lai; ở Lâm Đồng, quân ta giữ vững các khu căn cứ Anh Dũng, Là Ba, mở rộng các cơ sở du kích dọc Đường 20, Đường 11 trong vùng đồng bào Mạ và vùng đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc Đà Lạt.

Phối hợp với quân chủ lực, các vùng du kích của ta liên tục tấn công địch, tiêu biểu như: Vụ nổi dậy của 6.000 dân ở Đắk Pơk phá tan khu dồn dân, giải phóng 23 làng; phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân hai bên Đường 19 bao vây, bứt rút 4 cứ điểm Đắk Bung, Tô Văng, Đắk Ven, Tung Bung và giải tán ổ vũ trang phản động ở Đắk Rong; Cuộc tập kích tiêu diệt cứ điểm Matê của bộ đội địa phương và du kích tỉnh Đắk Lắk ngày 18-1-1954 đã phá hủy 24 kho quân trang của Pháp dự trữ cho Chiến dịch Átlăng; trận tập kích các đồn La Giày, Gia Bát, Tánh Linh trong đêm ngày 6, rạng ngày 7-4-1954 của Trung đoàn 812 và lực lượng vũ trang Lâm Đồng....

Ngoài việc tiến công địch, quân và dân Tây Nguyên còn tạo ra một hậu phương vững chắc, huy động sức người, sức của to lớn không chỉ cho mặt trận Tây Nguyên, mà còn phục vụ cho Liên khu V và cả vùng Hạ Lào... Đánh giá về những đóng góp này, Nguyễn Minh Châu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96, người trực tiếp chỉ huy trận phục kích ở cầu Đắk Pơ khẳng định: “Hàng chục vạn dân công xếp lại việc quê hương sắp bị địch chiếm đóng, liên tục kéo ra tiền tuyến phục vụ bộ đội, tải lương, tiếp tế đạn dược, vũ khí, vận chuyển thương binh.... Hàng vạn thanh niên xung phong ưu tú đã theo sát bộ đội phục vụ chiến đấu và khi cần thiết đã nhập ngũ ngay tại chiến trường. Chính đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đóng góp rất lớn trực tiếp vào việc đánh bại quân Pháp trên chiến trường Tây Nguyên”12.

Được Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu chọn là một trong bốn hướng tấn công trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, mặc dù còn nhiều khó khăn và bị quân Pháp tập trung lực lượng đánh phá, song nhờ biết vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng và tinh thần chiến đấu quật cường, quân và dân Tây Nguyên đã giáng cho quân Pháp những đòn chí tử, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch chiếm đóng vùng tự do Liên khu V. Cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với quân và dân cả nước, nhất là chiến trường Điện Biên Phủ đánh bại hoàn toàn kế hoạch quân sự H. Navarre, buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Gèneve, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

 

Ngày nhận bài: 2-4-2024; ngày thẩm định: 24-7-2024; ngày duyệt đăng: 30-7-2024

1. PGS. Lê Mậu Hãn (chủ biên): Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, H, 1999, T. III, tr. 112

2. Hăngri Nava (1898-1983), trong Chiến tranh thế giới II, là chỉ huy Sư đoàn Constantine ở Angerie (Bắc Phi). Trước khi sang Đông Dương, ông đang là vị tướng 4 sao, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương (NATO)”

3. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-19754 - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 127

4, 6, 8, 9. Viện Lịch sử Đảng, Hội đồng biên soạn lịch sử Nam Trung Bộ kháng chiến: Nam Trung Bộ kháng chiến 1945 - 1975, H, 1992, tr. 209, 210, 215, 215

5, 7. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 192, 199

10, 11. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945 - 2005), Nxb CTQG H, 2006, tr. 175, 177

12. Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 96: Chiến thắng Đường 19 An Khê - Đắk Pơ, Liên khu V trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954,, Nxb QĐND, H, 2004, tr. 17.