Tóm tắt: Đấu tranh ngoại giao của Việt Nam để kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chủ yếu diễn ra ở Hội nghị Genève (Thụy Sĩ), một hội nghị quốc tế đa phương nhằm giải quyết vấn đề Đông Dương. Tại hội nghị này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia với tư cách là khách mời. Thỏa thuận đạt được ở Hội nghị không chỉ phản ánh kết quả của đấu tranh quân sự của Việt Nam, mà còn phụ thuộc vào ý đồ chiến lược của các bên tham gia đàm phán, dù họ không trực tiếp tham chiến. Trong trường hợp này, Đảng Lao động Việt Nam đã cố gắng tối đa, bao gồm cả việc kết hợp giữa đấu tranh tại hội nghị ở ngoài nước và lãnh đạo về tư tưởng ở trong nước từ giai đoạn chuẩn bị đàm phán, thực hiện đàm phán, ký kết hiệp định đến việc đấu tranh đòi thi hành những điều đã cam kết.

Từ khóa: Đảng lãnh đạo; đàm phán; ký kết; đấu tranh; Hiệp định Genève

1. Trước khi diễn ra Hội nghị Genève

Từ năm 1950, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ rất tin rằng việc để Đông Dương rơi vào tay cộng sản sẽ nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ của các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ đưa lý thuyết này vào một báo cáo năm 1952 về Đông Dương. Tháng 4 -1954, giữa lúc Quân đội nhân dân Việt Nam đang tiến công quân Pháp tại Điện Biên Phủ, Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower nói đó là nguyên tắc “domino đổ”. Chính vì thế, Hoa Kỳ ngày càng can thiệp và hỗ trợ hầu hết chiến phí để Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Liên Xô bắt đầu quan tâm hơn đến Đông Dương và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ đầu năm 1950. Thực hiện chương trình viện trợ cho Việt Nam năm 1953, thông qua Trung Quốc, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam các loại vũ khí: pháo cao xạ 37 ly, 76 ly, súng DSK,... góp phần quan trọng cho những thắng lợi quân sự của Việt Nam thời kỳ này. Liên Xô luôn muốn lôi kéo Pháp để giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Âu.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước viện trợ trực tiếp cho Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1950, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Quyền đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp quốc, cho tới trước ngày 25-10-1971, vẫn thuộc về Trung Hoa Dân quốc.

Trong cuộc tọa đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrey Yanuaryevich Vyshinsky, ngày 15-5-1953, Đại diện Thường trực của Pháp tại Hội đồng Bảo an Henri Hoppenot tuyên bố Pháp có thể sẽ ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia nhập Liên Hợp quốc nếu nước này ngừng giúp đỡ Việt Nam1.

Sau những thất bại về quân sự, giới cầm quyền Pháp nhận thấy không thể tiêu diệt được lực lượng Việt Minh và đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chiến tranh hao người tốn của ở Đông Dương trong danh dự. Pháp cử tướng H. Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân quân đội Pháp ở Đông Dương. Tháng 7-1953, Chính phủ Pháp thông qua Kế hoạch Navarre với mục đích “tạo ra một tình hình quân sự cho phép đưa ra một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” trong 18 tháng2.

Ngày 26-11-1953, trả lời nhà báo Thụy Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hoà bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó”. Việt Nam hoan nghênh những nước trung lập nào muốn cố gắng để xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thương lượng, nhưng "việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp"3.

Tín hiệu đàm phán để mang lại hòa bình trên đây là tích cực đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nhưng đồng thời cũng có thể làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam chủ quan. Ngày 27-12-1953, Ban Bí thư ra Thông tri “Về lời tuyên bố của Hồ Chủ tịch với nhà báo Thụy Điển”. Ban Bí thư giải thích: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói hoà bình chính vì vấn đề Việt Nam cũng như các vấn đề tranh chấp khác trên thế giới có thể giải quyết bằng cách thương lượng hòa bình. Nhưng nếu thực dân Pháp không nhận thương lượng hòa bình thì họ tự gỡ mặt nạ trước dư luận nhân dân nước Pháp và dư luận thế giới. Ban Bí thư nhắc lại lời căn dặn của Người: "Chúng ta tuyệt đối không nên có ảo tưởng rằng hoà bình sẽ đến một cách mau chóng và dễ dàng. Hoà bình cũng như độc lập phải đấu tranh gian khổ mới giành được. Hiện nay địch đang ra sức đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt - Miên - Lào bằng cách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Chúng chỉ chịu thương lượng hoà bình khi nào chúng bị ta tiêu diệt thật nhiều sinh lực và tự nhận thấy không thương lượng hòa bình không được"4.

Thời gian nổ súng tiến công quân Pháp ở Điện Biên Phủ phải trì hoãn nhiều lần: từ ngày 20-1-1954 chuyển sang ngày 25-1, rồi lại chuyển sang 26-1. Đến ngày 26-1 lại hoãn tiếp vì phải thay đổi cách đánh.

Ngày 18-2-1954, Hội nghị các Ngoại trưởng Liên Xô, Hoa Kỳ, Pháp và Anh họp tại Berlin ra thông báo đề nghị tổ chức một hội nghị tại Genève vào ngày 26-4-1954 nhằm đạt giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Vấn đề Đông Dương sẽ được thảo luận tại hội nghị bởi các đại diện của Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quốc gia liên quan. Thông cáo còn nêu: "Điều này được hiểu rằng việc mời tham gia hoặc tổ chức hội nghị nói trên sẽ không được coi là hàm ý sự công nhận ngoại giao trong bất kỳ trường hợp nào khi mà điều này còn chưa xảy ra”5.

Bốn ngày sau thông báo của cuộc họp các ngoại trưởng tứ cường nói trên, ngày 22-2-1954, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị "Ra sức phá tan mưu mô đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ". Chỉ thị yêu cầu các cấp bộ Đảng tập trung lực lượng, đánh thắng địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch hơn nữa, làm cho kế hoạch Navarre của Pháp - Mỹ thất bại hoàn toàn, khắc phục tư tưởng sai lầm như sợ Mỹ, đánh giá quá cao sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương; hoặc coi thường mà không tích cực chống lại và làm thất bại sự can thiệp đó; hoặc "mơ tưởng hoà bình, ỷ lại vào phong trào hoà bình thế giới, kém cố gắng, nhất là sau khi Hội nghị 4 ngoại trưởng ở Berlin đã công bố quyết định sẽ họp một cuộc Hội nghị vào tháng tư tới để tìm cách giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương"6.

Ngày 13-3-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiều ngày 7-5-1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm của Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

2. Trong thời gian diễn ra Hội nghị

Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đến Genève ngày 4-5-1954 bằng máy bay của hãng hàng không Liên Xô. Ra sân bay đón đoàn có Chu Ân Lai, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Tướng Nam Il, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên; Andrei A. Gromyko, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Liên Xô và các quan chức khác của Trung Quốc và Liên Xô. Ngay tại sân bay, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tuyên bố đoàn sẽ “đóng góp hết sức cho việc giải quyết vấn đề hòa bình ở Đông Dương”; khẳng định “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Hội nghị Genève là khôi phục hòa bình ở Đông Dương với việc công nhận các quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, Khmer (Campuchia) và Pathet Lào”7.

Tại phiên họp mở đầu ngày 8-5, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng tuyên bố từ nhiều năm nay nhân dân Khmer và Pathet Lào đã đoàn kết sát cánh cùng với nhân dân Việt Nam đấu tranh giành hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ và đã lập Chính phủ kháng chiến Khmer và Chính phủ kháng chiến Pathet Lào. Do đó, Phạm Văn Đồng đề nghị Hội nghị công nhận sự cần thiết mời đại biểu các Chính phủ kháng chiến Khmer và Chính phủ kháng chiến Pathét Lào. Đại diện Hoa Kỳ, Pháp, Vương quốc Campuchia phản đối. Đại diện CHND Trung Hoa, Liên Xô ủng hộ đề xuất của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa8.

Ngày 10-5-1954, Phạm Văn Đồng đề xuất một giải pháp tổng thể gồm 8 điểm, tóm tắt như sau:

1. Pháp công nhận chủ quyền, nền độc lập của nước Việt Nam, Khmer và Pathet Lào.

2. Ký một hiệp định về việc toàn bộ quân đội nước ngoài rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, Khmer và Pathet Lào.

3. Tổ chức tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam, Khmer và Lào để thành lập một chính phủ thống nhất tại mỗi nước.

4. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng xem xét vấn đề nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Liên hiệp Pháp.

5. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như chính phủ kháng chiến Khmer và Chính phủ kháng chiến Pathet Lào thừa nhận nước Pháp có quyền lợi kinh tế, văn hóa tại ba nước này.

6. Cam kết sẽ không khủng bố những người đã cộng tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.

7. Thực hiện trao đổi tù binh.

8. Trước khi thực hiện các biện pháp nêu trong 7 điểm trên, cần phải phải đình chỉ chiến sự ở Đông Dương và ký kết những hiệp định giữa nước Pháp và mỗi nước nói trên9.

Hội nghị đang họp thì ở Pháp, Chính phủ của Thủ tướng Joseph Lanien đổ. Ngày 17-6, Thủ tướng mới là Mendès France hứa trước Quốc hội Pháp sẽ nỗ lực "Trước ngày 20-7 đạt được giải pháp cho cuộc xung đột Đông Dương"10. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Genève nhận định “Việc này có ảnh hưởng tốt cho Hội nghị” 11.

Trong thời gian này, từ ngày 3 đến ngày 5-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chu Ân Lai gặp gỡ tại Liễu Châu, Trung Quốc, trao đổi ý kiến về tình hình tiến triển và các vấn đề khác liên quan đến Hội nghị Genève.

Tại Chiến khu Việt Bắc, từ ngày 15 đến 17-7 đã diễn ra HNTƯ 6 (mở rộng) để bàn về tình hình và nhiệm vụ mới. Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị nêu rõ: “Thế là từ ngày kháng chiến đến nay, thế ta ngày càng mạnh, thế địch ngày càng yếu. Nhưng chúng ta cần hết sức chú ý: thế mạnh và yếu ấy là tương đối, không phải tuyệt đối. Ta chớ chủ quan khinh địch. Thắng lợi của ta làm cho đế quốc Mỹ tỉnh dậy”. Về nhiệm vụ mới, Hồ Chí Minh cho rằng “Trước kia khẩu hiệu của ta là: "Kháng chiến đến cùng". Nay vì tình hình mới, ta cần nêu khẩu hiệu mới là "hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ” … Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức. Trước nói: đánh đuổi và tiêu diệt hết quân Pháp; nay đã nói chuyện, ta đã đòi và Pháp đã bằng lòng định kỳ rút quân. Trước kia ta không đếm xỉa đến Liên hiệp Pháp, nay ta nhận bàn việc tham gia Liên hiệp Pháp một cách bình đẳng và tự nguyện. Trước kia ta chủ trương tiêu diệt nguỵ quân, nguỵ quyền để thống nhất, bây giờ ta dùng chính sách khoan đãi, dùng cách toàn quốc tuyển cử để đi đến thực hiện thống nhất toàn quốc"12.

Nghị quyết HNTƯ 6 (mở rộng) hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Bộ Chính trị: dùng phương pháp thương lượng để lập lại hoà bình ở Đông Dương. Hội nghị quyết định về phương châm, sách lược đấu tranh trong giai đoạn mới là chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp, phấn đấu để thực hiện hoà bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, củng cố hoà bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc.

Ngày 20-7, các văn bản của Hội nghị Genève về Đông Dương được ký kết, bao gồm: Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Lào và Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Campuchia, các phụ bản và bản đồ về khu vực tập kết, chuyển quân, ranh giới quân sự tạm thời và khu phi quân sự; Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; Các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendes France.

Kết quả của Hội nghị chưa đạt yêu cầu so với đề xuất 8 điểm và các đề xuất khác của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá trình đấu tranh tại Hội nghị. Đó là sự xuất hiện phương án chia cắt đất nước và giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17, chứ không phải là vĩ tuyến 13 hay 16; Thời hạn tổng tuyển cử trên cả nước không phải là 6 tháng mà là 2 năm. Các lực lượng cách mạng Lào và lực lượng cách mạng Campuchia không được chấp nhận quyền đại diện tại Hội nghị, v.v..

Đại hội III (1960) của Đảng nhận định kết quả cuộc đấu tranh của Việt Nam tại Hội nghị Genève: "Việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam, và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước Việt Nam là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, hòa bình và dân chủ trên thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ"13.

3. Lãnh đạo đấu tranh đòi thi hành Hiệp định

Cảm nhận về những khó khăn trước mắt của đất nước, trong lời tuyên bố tại phiên họp bế mạc Hội nghị Genève, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng nêu rõ: "Chúng tôi đã bước được một bước lớn. Nhưng còn phải tiếp tục tiến lên… Hội nghị đã định ngày thực hiện thống nhất đất nước chúng tôi. Nền thống nhất ấy, chúng tôi sẽ thực hiện, chúng tôi sẽ giành được thống nhất cũng như chúng tôi đã giành được thắng lợi trong chiến tranh. Không một sức mạnh nào trên thế giới, dù ở trong nước hay ngoài nước, có thể làm chúng tôi đi chệch ra ngoài con đường tiến tới thống nhất bằng hòa bình và dân chủ"14.

Để thực hiện điều chỉnh khu vực đóng quân, tập kết, tiếp quản vùng mới giải phóng, Trung ương Đảng có những chỉ đạo cho các cấp bộ đảng về phương hướng, nội dung làm công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là công việc đã được Đảng chủ động đề ra trước khi Hiệp định được ký kết. Nghị quyết HNTƯ 6 (mở rộng) bước đầu xác định nội dung công tác chuẩn bị tiếp thu vùng mới giải phóng, chuyển dần trọng tâm công tác từ nông thôn đến thành thị nhưng quyết không được bỏ nông thôn. Cần chú ý học tập nhiều để quản lý và kiến thiết thành thị; học đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá và ngoại giao với bọn đế quốc, với các đảng phái phản động, với giai cấp tư sản thành thị15.

 Quá trình thi hành Hiệp định về ngừng bắn, chuyển quân, tập kết, tiếp quản các vùng giải phóng được thực hiện thành công. Ngày 13-5-1955, những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định của Việt Nam chuyển sang thời kỳ đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử, đồng thời chống âm mưu của đế quốc Mỹ trở lại gây chiến tranh ở Đông Dương.

Ngày 6-6-1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra “Tuyên bố về việc sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với nhà đương cục có thẩm quyền miền Nam Việt Nam bàn về vấn đề chuẩn bị tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam”16. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa "đã chuẩn bị để bắt đầu các cuộc đàm phán như vậy từ ngày 20-7-1955” 17. Tiếp đó, ngày 17-6-1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi thư cho hai Chủ tịch Hội nghị Genève 1954 yêu cầu phải có biện pháp để giải quyết vấn đề chính trị ở Việt Nam.

Ngày 20-7-1955, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng gửi công hàm đề nghị chính quyền hai bên gặp nhau tại một địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam do hai bên thỏa thuận để bàn về vấn đề tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Trong quá trình đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn Bộ Tư lệnh Pháp chứng kiến Chính phủ miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán với miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, Pháp không muốn can thiệp trở lại Việt Nam, ngày 20-6-1955, Bộ Tư lệnh Tối cao Pháp thông báo cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ủy ban Kiểm soát đình chiến quốc tế rằng họ không chịu trách nhiệm trong việc đưa miền Nam vào tham vấn với miền Bắc về các cuộc bầu cử nhằm thống nhất đất nước Việt Nam18.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục can thiệp ngày càng sâu vào tình hình miền Nam. Khi quân Pháp rút, các khoản viện trợ tài chính của Mỹ trước đây, từ ngày 1-1-1955 chuyển trực tiếp cho Lào, Campuchia và chính quyền miền Nam Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ công khai tuyên bố các khoản viện trợ này nhằm củng cố các chính quyền thân Mỹ ở Đông Dương để “chống lại mối đe dọa lật đổ và xâm lược của Cộng sản”19.

Ngày 20-1-1955, chính quyền Quốc gia Việt Nam chấp thuận cho Mỹ hỗ trợ Sài Gòn việc tổ chức và huấn luyện lực lượng vũ trang dưới sự chỉ đạo của Tướng Paul Ely, Tư lệnh Pháp. Sự can thiệp sâu của Mỹ vào tình hình miền Nam Việt Nam, đã tác động sâu sắc đến quá trình đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 16-7-1955, Ngô Đình Diệm từ chối hiệp thương, không cử người tham gia cuộc họp tham vấn giữa hai miền chuẩn bị cho tổng tuyển cử.

Ngày 9-8-1955, chính quyền Quốc gia Việt Nam tuyên bố chính thức khước từ đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với lý do họ không ký Hiệp định Genève nên không bị ràng buộc.

Ngày 23-10-1955, Ngô Đình Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý” phế truất Bảo Đại. Ba ngày sau, ngày 26-10-1955, Ngô Đình Diệm đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa do chính ông ta làm Tổng thống. Đây là nỗ lực của Ngô Đình Diệm nhằm thay thế Bảo Đại và từ chối tham dự tổng tuyển cử vào năm 1956 theo ủy thác của Hội nghị Genève.

Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, tại công hàm ngày 14-2-1956 gửi hai Chủ tịch Hội nghị Genève, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu triệu tập lại Hội nghị Genève về Đông Dương để bàn biện pháp bảo đảm thực hiện Hiệp định Genève năm 1954. Nhưng người Anh không đồng ý họp lại hội nghị này. Hai đồng chủ tịch Hội nghị Genève gửi thư cho hai miền Việt Nam kêu gọi tôn trọng các điều khoản quân sự; gửi thư cho Ủy ban Quốc tế yêu cầu tiếp tục cố gắng vì lợi ích chung trên cơ sở Hiệp định Genève nhằm thống nhất nước Việt Nam; gửi thư cho Chính phủ Pháp yêu cầu thuyết phục Chính phủ Sài Gòn.

Ngày 12-4-1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Christian Pineau, nêu rõ Pháp đã ký Hiệp định Genève nhân danh nước Pháp và Quốc gia Việt Nam, nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu Pháp thuyết phục Ngô Đình Diệm thi hành Hiệp định. Nhưng Pháp đã lấy được tù binh, rút quân và không muốn dính líu tiếp vào Đông Dương nên từ chối thuyết phục Sài Gòn thực hiện các bước hiệp thương, tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.

Ngày 11-5-1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Ngô Đình Diệm đề nghị hai miền hiệp thương tổng tuyển cử. Ngô Đình Diệm tiếp tục khước từ, đồng thời đẩy mạnh đàn áp những người kháng chiến cũ.

Quá trình Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định Genève về Đông Dương tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Lao động Việt Nam. Lần đầu tiên, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh, tuy có thắng lợi lớn về quân sự nhưng vẫn cần sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nên kết quả đấu tranh không đạt được yêu cầu mong muốn từ đầu. Quá trình lãnh đạo đấu tranh đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định Genève để lại những bài học quý giá cho cách mạng Việt Nam. 

 

Ngày nhận bài: 12-7-2024; ngày thẩm định: 27-7-2024; ngày duyệt đăng: 30-7-2024

1, 8, 9, 11, 14. Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954- Tuyển chọn văn kiện và tài liệu, Nxb Thông tin và Truyền thông, H, 2019, tr. 159, 240-248, 283, 791, 784

2. Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân, H, 1994, tr. 90

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 340-341

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 14, tr. 556

5. Historical Documents, Foreign Relations of the United States, 1952–1954, Germany and Austria, Volume VII, Part 1, Document 525https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1952-54v16/d247

6, 12, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 15, tr. 33, 168, 189-190

7. “Reds Welcome Vietminh Delegates to Geneva Talks”, The New York Times, May 5, 1954, p. 1,3

10. “Paris Speech by Mendes-France”, The New York Times, June 18, 1954, p.2

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 21, tr. 502.

16. Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-1955), Nxb CTQG, H, 2006, tr. 295

17. “North Vietnam Bids South Prepare Pol”, The New York Times, June 7, 1955, p. 1, 6

18. “Vietnam vote role declined by French”, The New York Times, June 21, 1955., p. 3

19. “Indochina aid now direct”, The New York Times, January 1, 1955, p. 4.