Tóm tắt: Theo cố giáo sư Trần Văn Giàu “Tân An đi đầu trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ” và sự thật là như thế. Qua nghiên cứu các công trình đã được công bố, còn một số nội dung chưa thống nhất như: Ai là người tham gia hội nghị lần hai và nhận lệnh khởi nghĩa thí điểm từ Xứ uỷ? Ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An? Tỉnh uỷ Tân An phát động khởi nghĩa khi nhận được lệnh của Xứ uỷ chưa? Bài viết đưa ra những sự kiện chưa thống nhất để các nhà nghiên cứu và bạn đọc cùng luận bàn, trao đổi.
Từ khoá: Cách mạng Tháng Tám; Tân An; vấn đề cần thống nhất; năm 1945
Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận - trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945
là nơi giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên
Sau khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Xứ ủy Tiền Phong tổ chức Hội nghị mở rộng ở Chợ Đệm để bàn việc phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ. Đại đa số các đồng chí tham gia Hội nghị đồng ý khởi nghĩa nếu không sẽ bỏ lỡ thời cơ; tuy nhiên, một số đại biểu chưa thống nhất chủ trương này, vì quân Nhật ở Sài Gòn còn mạnh, khởi nghĩa chưa chắc thành công, mà thành công cũng khó giữ nổi chính quyền khi quân Đồng minh tiến vào. Do bất đồng quan điểm, nên các đại biểu dự cuộc họp tranh luận kéo dài đến sáng ngày 17-8-1945 vẫn không ấn định được thời gian Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ. Cuộc họp có một số quyết định trung dung: Giữ vững và tăng cường tổ chức, sẵn sàng khởi nghĩa; công tác chuẩn bị khởi nghĩa phải tiếp tục xúc tiến; khi có tin Hà Nội khởi nghĩa thì Sài Gòn phải lập tức khởi nghĩa.
Ngày 20-8-1945, Xứ ủy Tiền Phong nhận được tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi. Tối cùng ngày và sáng ngày 21-8, Xứ ủy Tiền Phong tổ chức cuộc Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Chợ Đệm (tỉnh Chợ Lớn) lần hai. Tuy nhiên, tại Hội nghị, vẫn có ý kiến cho rằng không nên khởi nghĩa vào lúc này vì so sánh lực lượng giữa ta và Nhật ở ngoài Bắc khác trong Nam; rút kinh nghiệm ở Hà Nội quân Nhật đàn áp khởi nghĩa ở Sài Gòn. Hội nghị quyết định chọn tỉnh Tân An là địa phương khởi nghĩa thí điểm. Trong khoảng thời gian này, cuộc khởi nghĩa ở Tân An diễn ra nhanh chóng thắng lợi, quân Nhật không có hành động kháng cự nào.
Qua nghiên cứu cho thấy xung quanh sự kiện này còn có những ý kiến khác nhau về đại biểu tỉnh Tân An tham dự Hội nghị (mở rộng) lần thứ hai Xứ ủy Tiền Phong và thời gian nổ ra cuộc khởi nghĩa
1. Về đại biểu tỉnh Tân An tham gia Hội nghị Chợ Đệm (mở rộng) lần thứ hai Xứ uỷ Tiền Phong
Qua nghiên cứu các tài liệu hiện có thì thấy có sự khác khác nhau về đại biểu tỉnh Tân An tham dự hội nghị (mở rộng) lần hai vào đêm 20, sáng 21-8-1945 như sau:
Thứ nhất, Hội nghị có sự tham dự của hai đại biểu là Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân. Theo Hồi ký của Trần Văn Giàu và một số bài viết đã công bố ghi nhận:
“Hai tỉnh ủy viên Tân An, thành viên hội nghị Chợ Đệm, anh Trọng, Anh Xuân lãnh mạng, đạp xe về Tân An xế chiều ngày 21 nội ngày 22 và tối hôm đó huy động lực lượng làm khởi nghĩa thành công, nhanh gọn1”.
“Đại biểu tỉnh Long An lên tiếng: Các anh Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân xin được trở về địa phương làm cuộc khởi nghĩa thí điểm ở Long An trước, ngay đêm nay2”.
“Các đồng chí lãnh đạo Tân An: Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân xin có đêm 21, ngày 22 để truyền lệnh, tập hợp lực lượng và đêm 22 khởi nghĩa ở thị xã, rồi toàn tỉnh3”.
Thứ hai, Hội nghị chỉ có một đại biểu là Nguyễn Văn Hoằng tham gia. Một số sách địa phương, ngành và một số bài viết đã công bố cho rằng:
“Khoảng 15 giờ, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng từ Hội nghị Xứ ủy ở Chợ Đệm đi xe đạp bánh đặc về đến tỉnh lỵ mang theo khẩu lệnh của Bí thư Xứ ủy “cho Tân An khởi nghĩa thí điểm” vào ngày 23. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã thành công ngoài dự kiến”4.
Như vậy, qua những tài liệu đã công bố nêu trên cho thấy chưa có sự thống nhất về đại biểu tỉnh Tân An tham gia hội nghị lần hai do Xứ uỷ Tiền Phong triệu tập ở Chợ Đệm.
Qua nghiên cứu, so sánh đối chiếu tư liệu, đặc biệt là tư liệu do các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa ở tỉnh Tân An năm 1945 ghi lại như sau:
Theo đồng chí Chín Trọng (Nguyễn Văn Trọng) kể lại: “Người báo tin hơ hãi cho Thổ dậy ở Gò Công, đang vào Tầm Vu. Tôi nghĩ ở Gò Công làm gì có Thổ. Phải chăng đây là âm mưu điều lính rời khỏi thị xã để chúng phỏng tay trên ta? Tôi được biết có tổ chức của tên Giao cũng đang hoạt động để cướp chánh quyền với sự giúp đỡ của Nhựt Bổn. Vì vậy tôi đi tìm ngay đồng chí Lê Minh Xuân tại nhà thuốc. Lúc bấy giờ đồng chí Ba Hoằng đi họp ở Sài Gòn, các đồng chí khác bận công tác ở các huyện5”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, lúc này là liên lạc cho tỉnh uỷ Tân An: “Đến nhà thuốc Minh Xuân Đường, tôi gặp đồng chí Hà Tây Giang, được biết Tỉnh ủy đã quyết định cướp chính quyền vì có sự biến đặc biệt: mới rồi, 2 xe nhà binh chở đầy người chạy vòng xuống bến đò Chú Tiết, quan hệ với mấy chiếc tàu Nhật đang đậu ở đó; kết hợp với tin “giặc thổ dậy”, Tỉnh ủy lúc đó chỉ có đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân đã bàn và nhận định những người này là Cao đài thân Nhật, tin “thổ dậy” khả năng do họ tung ra nhằm buộc cơ lính của tỉnh buộc phải cơ động đối phó, từ đó họ sẽ phỗng tay trên cướp chánh quyền trước ta. Do đó, hai đồng chí quyết định phải giành chính quyền ngay, nếu không chánh quyền về tay họ ta sẽ không lường hết khó khăn. Hơn nữa Xứ ủy đang họp, đồng chí Ba Hoằng Xứ ủy viên phụ trách Tân An lại cũng đang ở chợ Đệm, ta không thể chờ đợi6”.
Đầu năm 1946, đồng chí Hoằng còn nhắc lại chuyện này với một đồng chí trong Thường vụ Tỉnh uỷ Tân An: “Tôi đi họp vắng, ở nhà các anh làm kiểu này may mà thành công, nếu thất bại, xảy ra điều bất lợi thì biết ăn nói sao với Xứ ủy7”.
Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An ghi: “Ở tỉnh lỵ Tân An, gần trưa ngày 21-8-1945 khi đồng chí Ba Hoằng chưa về đến thì bỗng có tin đàng Thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán và chớp thời cơ hành động. Các đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân xông vào trại lính bảo an giữa lúc binh lính đang tập trung đông đủ do tên quản Vinh chỉ huy8”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh cho biết: đồng chí Trần Văn Giàu kể lại: “chính đồng chí Hoằng lúc về có mang theo Chỉ thị của Xứ uỷ cho Tân An khởi nghĩa thí điểm nhằm thăm dò thái độ Nhật, trước khi “bấm nút” cho Sài Gòn và Nam Kỳ tổng khởi nghĩa9”.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An cũng viết: “Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ uỷ về chỉ đạo khởi nghĩa thí điểm tại tỉnh Tân An10”.
Từ các thông tin trên, chúng ta có thể thấy rằng:
Hội nghị Xứ ủy Tiền Phong Hội nghị mở rộng lần thứ nhất (đêm 16 rạng sáng 17-8-1945) có hai đại biểu tỉnh Tân An tham gia là đồng chí Nguyễn Văn Trọng (Bí thư tỉnh uỷ Tân An) và đồng chí Lê Minh Xuân (Uỷ viên thường trực tỉnh uỷ). Sau đó hai đồng chí về lại tỉnh và triển khai nội dung hội nghị lần này cho Tỉnh uỷ và gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa khi có lệnh của Xứ uỷ.
Chính vì vậy, Hội nghị Xứ ủy Tiền Phong mở rộng lần thứ hai (đêm 20 đến sáng 21-8-1945), đồng chí Nguyễn Văn Hoằng (Xứ uỷ viên, phụ trách tỉnh Tân An) dự. Còn hai đồng chí Xuân và Trọng ở lại địa phương tiếp tục chỉ đạo cách mạng. Từ đó, chúng ta có thể nhận định rằng, Hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai do đồng chí Nguyễn Văn Hoằng (Xứ uỷ viên, phụ trách tỉnh Tân An) tham dự và là người trực tiếp nhận mệnh lệnh của Xứ uỷ giao cho Tỉnh uỷ Tân An khởi nghĩa thí điểm vào ngày 23-8-1945 chứ không phải hai đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân. Qua đây, chúng ta cũng biết rõ thêm: Tỉnh uỷ Tân An phát động khởi nghĩa khi lệnh của Xứ uỷ Tiền Phong (giao cho đồng chí Hoằng) chưa về đến địa phương. Do đó, đại biểu tham dự hội nghị mở rộng ở Chợ Đệm lần hai do Xứ uỷ Tiền phong tổ chức không tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Tân An.
2. Về ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An năm 1945
Hiện nay, các công trình đã được công bố viết về ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An năm 1945 không thống nhất, có tài liệu ghi ngày 21-8; có tài liệu nghi ngày 22-8 và có tài liệu ghi ngày 23-8
Thứ nhất, về Tân An khởi nghĩa ngày 21-8
Sách Địa chí Long An viết: “Trong khi chờ đợi giờ hành động theo kế hoạch, thì trưa 21-8, một sự kiện bất ngờ xảy ra: một tổ chức phản động thân Nhật do tên Giao cầm đầu định phỏng tay trên, cướp chính quyền trước ta với sự giúp đỡ của Nhật, bằng cách dùng mưu mẹo điều lực lượng lính “bảo an” ra khỏi thị xã. Trước tình hình khẩn cấp đó, tỉnh ủy quyết định phải chớp lấy thời cơ, mạnh dạn hành động ngay. Các đồng chí Nguyễn Văn Trọng, bí thư tỉnh ủy, và Năm Xuân tức Lê Minh Xuân, ủy viên Thường vụ, bèn tương kế tựu kế đưa lực lượng xông vào trại lính “bảo an”, ra lệnh bọn này đầu hàng và tước khí giới, chiếm toàn bộ kho súng hơn 140 khẩu11”.
Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000) viết: “Ở tỉnh lỵ Tân An, gần trưa ngày 21-8-1945 khi đồng chí Ba Hoằng chưa về đến thì bỗng có tin đàng Thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán và chớp thời cơ hành động. Các đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân xông vào trại lính bảo an giữa lúc binh lính đang tập trung đông đủ do tên quản Vinh chỉ huy. Hai đồng chí tuyên bố: Kể từ giờ phút này, Chính phủ Việt Minh nắm quyền, các anh phải đầu hàng!12”.
Sách Lịch sử phong trào công nhân lao động và công đoàn tỉnh Long An (1921-1995) viết: “Lệnh khởi nghĩa chưa về đến nơi, nhưng do thời cơ đặc biệt xuất hiện tại chỗ nên xế trưa 21-8-1945, hai đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy (Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân) và đồng chí Hà Tây Giang xông vào trại lính gạc (garde-civil-local) ra lệnh bắt chúng đầu hàng và giao nộp vũ khí13”.
Sách Vùng đất Nam Bộ - tập V viết: “Trong khi chờ đợi giờ hành động theo kế hoạch, thì trưa 21-8, một tổ chức thân Nhật định cướp chính quyền trước với sự giúp đỡ của quân Nhật, bằng cách điều lực lượng bảo an ra khỏi thị xã. Trước tình hình khẩn cấp đó, Tỉnh ủy quyết định chớp lấy thời cơ, mạnh dạn hành động ngay. Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân bèn “tương kế, tựu kể” đưa lực lượng Thanh niên Tiền phong xông vào trại lính bảo an, buộc chúng đầu hàng và giao nộp khí giới. Ta chiếm toàn bộ kho súng hơn 140 khẩu14”.
Sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954) viết: “Tân An được Xứ ủy chọn làm thí điểm khởi nghĩa để thăm dò thái độ phản ứng của quân Nhật nên Tân An giành chính quyền sớm hơn Sài Gòn và các tỉnh khác ở Nam Bộ. Chiều 21-8-1945, cuộc khởi nghĩa nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi15”.
Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập II cũng viết: “Sau đó, các cuộc khởi nghĩa nổ ra đồng loạt mang tính dây chuyền, thành công nhanh chóng tại các tỉnh lị: Thanh Hoá, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Sơn Tây (20 - 8); Yên Bái, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Tân An (21 - 8); Cao Bằng, Hưng Yên, Kiến An (22 - 8); Hải Phòng, Hà Đông, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Bạc Liêu, Thừa Thiên Huế (23 - 8)”16.
Thứ hai, về Tân An khởi nghĩa ngày 22-8
Sách Cách mạng tháng Tám 1945 toàn cảnh viết: “Do những kết quả đấu tranh trong thời kì tiền khởi nghĩa, Tân An được Xứ uỷ chọn là nơi làm thí điểm giành chính quyền ở Nam Kỳ để thăm dò thái độ và phản ứng của Nhật. Ngày 22.8.1945, cuộc khởi nghĩa nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi nhờ công tác binh vận tốt”17.
Sách Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX viết: “Sau ngày 19-8, các cuộc khởi nghĩa nổ ra đồng loạt, mang tính dây chuyền, thành công nhanh chóng tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên (ngày 20-8); Sơn Tây, Yên Bái, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận (ngày 21-8); Cao Bằng, Hưng Yên, Kiến An, Tân An (ngày 22-8)18”.
Sách Cách mạng tháng Tám 1945, những sự kiện lịch sử viết: “Là một tỉnh có cơ sở Đảng vững mạnh, lực lượng chuẩn bị sẵn sàng nên Tân An được Xứ ủy Nam Kỳ chọn làm nơi thí điểm giành chính quyền đầu tiên trước khi tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Ngày 22-8-1945, cuộc khởi nghĩa bùng nổ và nhanh chóng giành thắng lợi. Nhờ công tác binh vận tốt nên trong quá trình khởi nghĩa ta không gặp phải sự phản kháng nào”19.
Phan Văn Hoàng trong bài “Vai trò của Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ” đã viết: “Ông Giàu đề nghị: lấy tỉnh Tân An (quê hương của ông) làm thí điểm, nếu Tân An khởi nghĩa thành công thì Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh của Nam Bộ khởi nghĩa tiếp theo. Hội nghị đồng ý. Đêm 22-8, Tân An khởi nghĩa thành công”20.
Dương Văn Huề trong bài “Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ-nét riêng trong bối cảnh chung của lịch sử dân tộc” đã viết: “Ngày 22-8-1945 Tổ chức Thanh niên Tiền phong ở Nam Kỳ ra quyết nghị đứng trong mặt trận Việt Minh, cùng ngày Thanh niên Tiền phong và các lực lượng cách mạng nổi dậy giành chính quyền ở Tân An, ngày 23-8 giành chính quyền ở Bạc Liêu”21.
Trung Dũng trong bài “Tân An – Thí điểm khởi nghĩa tháng Tám thành công ở Nam Bộ” đã viết: “Tân An được chọn làm thí điểm của Nam Bộ và Xứ ủy quy định ngày khởi nghĩa là 23-8-1945. Nhưng có chuyện đột xuất: quá trưa ngày 22-8-1945, một tin cấp báo: người Khmer nổi dậy ở Gò Công, nhưng Gò Công làm gì có người Khmer?.... Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 22-8-1945, toàn bộ chính quyền tỉnh, quận Châu Thành và xã Bình Lập (thị xã Tân An ngày nay) đã về tay nhân dân”22.
Võ Văn Thật trong bài “Xứ uỷ Nam Kỳ trong cuộc vận động tiến tới cách mạng tháng Tám ở Nam kỳ (1940-1945)” viết: “Để có cơ sở cho việc quyết định giành chính quyền, Xứ ủy cho khởi nghĩa thí điểm ở Tân An. Ngày 22/8/1945, lực lượng Thanh niên Tiền Phong đóng vai trò xung kích đã nổi dậy giành chính quyền ở Tân An thành công”23.
Sách Cách mạng tháng Tám 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định viết: “Đêm 22-8-1945, cuộc khởi nghĩa thí điểm ở Tân An nổ ra, các đội xung kích vũ trang Tân An đã nhanh chóng tiến chiếm các cơ quan của chính quyền Pháp ở thị xã và các quận, huyện. Sáng sớm ngày 23-8-1945 cuộc khởi nghĩa ở Tân An đã kết thúc thành công rất nhanh, gọn”24.
Sách Năm 1945 những sự kiện lịch sử trọng đại viết: “Trong ngày 22 tháng 8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trọng và ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Lê Minh Xuân trực tiếp chỉ huy lực lượng đến tước vũ khí của lính bảo an tỉnh, thu hơn 140 súng. Thanh niên Tiền phong thiết lập trật tự chung toàn thị xã. Tên tỉnh trưởng Thạch trên đường từ Sài Gòn về bị ta đón lõng và bắt giam”25.
Tỉnh uỷ Bình Dương trong bài: “Những cống hiến nổi bật của đồng chí Trần Văn Giàu trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam Kỳ” viết: “Hay tin Hà Nội khởi nghĩa thành công ngày 19/8, đồng chí tiếp tục triệu tập Hội nghị Xứ ủy (lần thứ hai) vào sáng 21/8 tại Chợ Đệm và đề nghị lấy tỉnh Tân An làm thí điểm, nếu Tân An khởi nghĩa thành công thì Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh của Nam Kỳ khởi nghĩa tiếp theo. Hội nghị đồng ý. Đêm 22/8, Tân An khởi nghĩa thành công. Sáng 23/8, Hội nghị Xứ ủy (lần thứ ba) họp tại Chợ Đệm nhanh chóng đi đến quyết định: Sài Gòn - Chợ Lớn khởi nghĩa trong đêm 24/8 và mít tinh tuần hành sáng hôm sau”26.
Vũ Quang Đạo trong bài:“Mấy suy nghĩ về dấu ấn Trần Văn Giàu trên lĩnh vực quân sự” viết: “Ngày sáng 21 tháng 8, được tin Hà Nội khởi nghĩa thành công, Xứ ủy Tiền phong họp lại nhưng vẫn chưa thống nhất được, vì vẫn có ý kiến e rằng quân Nhật không giữ thái độ trung lập mà sẽ đàn áp. Chính vì vậy, để có thực tiễn kiểm chứng thái độ quân Nhật, Trần Văn Giàu đề nghị giao Tỉnh ủy Tân An, một địa phương sát gần ngay Sài Gòn tổ chức khởi nghĩa. Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 8, Tân An khởi nghĩa thành công, quân Nhật không có phản ứng gì”27.
Thứ ba, về Tân An khởi nghĩa ngày 23-8
Ngô Chơn Tuệ, Phan Văn Cả trong bài: “Ảnh hưởng của cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 đối với cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ” viết: “Do vậy Hội nghị mở rộng lần II này, theo đề nghị của Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu lấy tỉnh Tân An làm thí điểm để khởi nghĩa trước vì còn lo ngại quẫn Nhật ở Nam Kỳ còn đông lắm. Ngày 23- 8- 1945, khởi nghĩa thành công ở Tân An, Bạc Liêu và Huế”28.
Sách Những sự kiện Lịch sử Đảng, tập 1 (1920-1945) viết: “Ngày khởi nghĩa của các thành phố, tỉnh lỵ: 23 tháng 8: Huế, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Tân An, Bạc Liêu”29.
Theo sách Lịch sử cách mạng tháng Tám: “Bảng kê những tỉnh và thành phố khởi nghĩa giành chính quyền trong những ngày tháng 8-1945”: Tân An, ngày khởi nghĩa ở Thị xã: 23-8”30.
3. Một số nhận xét
Thông qua khảo cứu và phân tích đối chiếu đánh giá thông tin từ nguồn tư liệu trên chúng ta có thể đưa ra một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng (Xứ uỷ viên, phụ trách tỉnh Tân An) là người tham gia hội nghị Chợ Đệm lần hai diễn ra vào tối 20 rạng 21-8-1945 và là người trực tiếp nhận lệnh khởi nghĩa thí điểm của Xứ uỷ Tiền Phong mang về tỉnh Tân An.
Thứ hai, do thời cơ khởi nghĩa đến nhanh hơn dự tính của Xứ uỷ Tiền Phong nên tỉnh uỷ Tân An đã chớp thời cơ quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền khi chưa nhận được lệnh khởi nghĩa thí điểm của Xứ uỷ Tiền Phong.
Thứ ba, thời gian phát động khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An là ngày 21-8-1945.
Cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ năm 1945. Qua nghiên cứu này, chúng ta hiểu biết thêm sự chủ động, sáng tạo của Tỉnh uỷ Tân An trong việc chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền khi chưa nhận được sự chỉ đạo của cấp trên. Sự quyết đoán, sáng tạo đó của Tỉnh uỷ Tân An cũng đã góp phần vào thành công nhanh chóng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ và cả nước.
Ngày nhận bài 9/7/2023; ngày thẩm định 28/8/2023; ngày duyệt đăng 30/8/2023
1. Trần Văn Giàu: “Mấy đặc điểm của cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn Nam Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6 (283) 1995, tr. 9
2. Xem: Phạm Hồng Việt: “Quá trình đi đến thắng lợi của cách mạng tháng 8-1945 ở Sài Gòn-Nam Kỳ từ sau cuộc khởi nghĩa cuối năm 1940” in trong Hội thảo cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2010, tr. 101
3. Xem Trần Văn Giàu: “Hội nghị Chợ Đệm tháng 8-1945-Ba lần họp xứ uỷ Nam Bộ” in trong Mùa thu rồi ngày hăm ba, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 343
4. Đỗ Thanh Bình: “Tân An đi đầu cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ”. in trong Hội thảo cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2010, tr. 341
5. Xem: Chín Trọng (Nguyễn Văn Trọng): “Tân An – Những ngày tháng Tám năm 1945” in trong Mùa thu nhớ lại và dấn bước”, Ban KHXH Thành uỷ TP HCM, 1991, tr. 75
6, 7, 9. Xem: Nguyễn Văn Huỳnh: “Tân An trong cuộc tổng khởi nghĩa” in trong Theo con đường sáng”, Nxb Long An, 1991, tr. 251, 254, 254
8, 10, 12. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Nxb CTQG, H, 2005, tr. 137, 137, 137-138
11. Thạch Phương – Lưu Quang Tuyến (chủ biên): Địa chí Long An, Nxb Long An, 1989, tr. 252
13. Liên đoàn Lao động tỉnh Long An: Lịch sử phong trào công nhân lao động và công đoàn tỉnh Long An (1921-1995). Nxb Lao Động, H, tr. 66
14. Đoàn Minh Huấn - Nguyễn Ngọc Hà (đồng chủ biên): Vùng đất Nam Bộ - tập V, Nxb CTQG - ST, H, 2017, tr. 515
15. Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954), Nxb CTQG, H, 2010, tr. 160
16. Xem: Đinh Xuân Lâm (chủ biên): Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb Giáo dục, H, 2020, tr. 368
17. Phan Ngọc Liên (chủ biên): Cách mạng tháng Tám 1945 toàn cảnh, Nxb Từ điển bách khoa, H, 2005, tr.390.
18. Trịnh Nhu, Trần Trọng Thơ: Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2020, tr. 337
19. Viện sử học: Cách mạng tháng Tám 1945, những sự kiện lịch sử, Nxb KHXH, H, 2010, tr. 347
20. Phan Văn Hoàng: “Vai trò của Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ” in trong Hội thảo cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2010, tr. 234
21. Dương Văn Huề. “Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ-nét riêng trong bối cảnh chung của lịch sử dân tộc”, in trong Hội thảo cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2010, tr. 422-423.
22. Trung Dũng: “Tân An – Thí điểm khởi nghĩa tháng Tám thành công ở Nam Bộ”, in trong Mùa thu rồi ngày hăm ba. Nxb CTQG, H, 1995, tr. 354-355.
23. Võ Văn Thật: “Xứ uỷ Nam Kỳ trong cuộc vận động tiến tới cách mạng tháng Tám ở Nam kỳ (1940-1945)”, Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, Số 76 (04/2021), tr. 47.
24. Phạm Ngọc Bích (chủ biên): Cách mạng tháng Tám 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2008, tr.114
25. Đặng Việt Thuỷ - Đặng Thành Trung: Năm 1945 những sự kiện lịch sử trọng đại. Nxb QĐND, H, 2010, tr. 152
26. Tỉnh uỷ Bình Dương: “Những cống hiến nổi bật của đồng chí Trần Văn Giàu trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam Kỳ” in trong Đồng chí Trần Văn Giàu nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học, dấu ấn một nhân cách. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2017, tr. 55.
27. Vũ Quang Đạo: “Mấy suy nghĩ về dấu ấn Trần Văn Giàu trên lĩnh vực quân sự”, in trong Đồng chí Trần Văn Giàu nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học, dấu ấn một nhân cách. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2017, tr. tr. 158
28. Ngô Chơn Tuệ, Phan Văn Cả: “Ảnh hưởng của cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 đối với cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ” in trong Hội thảo cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2010, tr. 134
29. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương: Những sự kiện Lịch sử Đảng, tập 1 (1920-1945), Nxb ST, H, 1976. tr. 650
30. Văn Tạo – Thành Thế Vỹ - Nguyễn Công Bình: Lịch sử cách mạng tháng Tám, Nxb Sử học, H, 1960. tr. 142