Tóm tắt: Kể từ năm 1945 đến nay, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn đấu tranh để giành, giữ, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc và xây dựng đất nước. Trong suốt quá trình đó, đứng vững trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bài viết điểm qua một số kết quả hoạt động ngoại giao của Việt Nam kể từ khi giành được độc lập đến nay.

Từ khóa: Ngoại giao Việt Nam; một số kết quả; 1945-2024

1. Ngoại giao phục vụ mục tiêu giữ vững chính quyền cách mạng (9-1945 - 12-1946)

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong bối cảnh các cường quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới II đang tập trung vào việc phân chia ảnh hưởng. Ở trong nước, chính quyền cách mạng non trẻ, tiếp quản nền kinh tế, xã hội vốn bị bóc lột đến kiệt quệ, lại gặp thiên tai tàn phá…, khó khăn chồng chất khó khăn. Nguy hiểm nhất là trong khi cách mạng Việt Nam vẫn chưa giành được địa vị trên trường quốc tế, các thế lực thù trong, giặc ngoài cấu kết với nhau âm mưu tiêu diệt chính quyền cách mạng, phá hoại thành quả nhân dân mới giành được.

Trước vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, điều quan trọng lúc này là phải "làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết"1. Trung ương Đảng khẳng định: “Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập. Ý chí của ta lúc này là dân chủ, hòa bình”2, muốn vậy nhiệm vụ cấp thiết là phải "củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân"3.

Để đạt được mục tiêu này, nền ngoại giao non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững độc lập nước nhà, giúp cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo. Với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trên nguyên tắc “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu”, Việt Nam đã thực hiện sách lược ngoại giao khôn khéo, chủ động “phân hóa kẻ thù, tránh cho cách mạng ở tình thế cùng lúc phải đối đầu với nhiều quân đội nước ngoài.

Ngoại giao đi đầu vận động các nước công nhận nền hòa bình và độc lập của Việt Nam. Kiên trì lập trường ngoại giao theo nguyên tắc "bình đẳng và tương trợ", đề cao thế hợp pháp của chính quyền cách mạng, tranh thủ những yếu tố thuận lợi của tình hình quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhằm duy trì nền hòa bình. Đặc biệt, ta triệt để khai thác cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh về quyền độc lập, tự quyết và bình đẳng giữa các dân tộc.

Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, trực tiếp đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện hàng loạt giao thiệp ngoại giao qua thư, công hàm với Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc và người đứng đầu chính phủ các nước lớn như: Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc7… để thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bày tỏ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới"; đồng thời, thông qua hoạt động của Hội Việt - Mỹ làm "lợi khí tuyên truyền quốc tế"8, tranh thủ sự ủng hộ của các nước cho cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao đã trở thành vũ khí sắc bén, linh hoạt, sáng tạo, chèo chống đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo, bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ, giữ vững thành quả cách mạng, phục vụ kháng chiến, kiến quốc, đặt nền tảng quan hệ với các nước và tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế về sau.

2. Ngoại giao phục vụ mục tiêu chống xâm lược, kháng chiến thắng lợi, thống nhất đất nước (1946 – 1975)

Sau Chiến tranh thế giới II, dưới sự dẫn dắt của Liên Xô, hệ thống các nước XHCN ra đời và ngày càng có ảnh hưởng tới phong trào cách mạng thế giới - chỗ dựa quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến của Việt Nam. Cuộc đối đầu Đông - Tây dẫn tới thế giới phân liệt, đưa Đông Dương trở thành một bộ phận trong cuộc chiến tranh lạnh, nơi đối đầu của hai phe. Các thế lực thực dân, đế quốc quyết áp đặt sự thống trị đối với Việt Nam. Với ý chí "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”9, nhân dân Việt Nam buộc phải bước vào cuộc kháng chiến chống với hai kẻ thù mạnh là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa, ngoại giao trở thành một mặt trận chiến lược, tiếp tục đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, thực hiện thống nhất đất nước.

Ngoại giao tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế phục vụ kháng chiến. Với tinh thần “trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”10, ngay sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (12-1946), cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; công tác ngoại giao Việt Nam góp phần thực hiện nhiệm vụ phá thế bao vây, nỗ lực mở đường ra thế giới. Mở đầu bằng việc xúc tiến đặt quan hệ với Thái Lan và Miến Điện, từng bước thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhờ đó, ngay trong những năm đầu kháng chiến “lần đầu tiên cây mác xung kích được đưa ra khỏi đội hình chiến đấu của trung đoàn chủ lực”11, là điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang Việt Nam kháng chiến, giành thắng lợi Điện Biên Phủ (1954).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, mặc dù Liên Xô và Trung Quốc có những mối bất hòa, song trên nền tảng chủ trương đoàn kết quốc tế trong sáng, ngoại giao Việt Nam đã khéo léo, hạn chế những tác động tiêu cực từ sự rạn nứt trong phe các nước XHCN, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam đã khơi dậy được lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình, huy động thành công mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam, trong đó có phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ. Sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ta, góp phần quan trọng, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ngoại giao trên bàn đàm phán, góp phần kết thúc chiến tranh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với những chiến thắng trên chiến trường, Việt Nam đã tham gia hội nghị quốc tế bàn về vấn đề Đông Dương tại Genève. Sau hơn 2 tháng đàm phán, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi.

 Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi điều kiện đến, Việt Nam chủ động thực hiện phương sách “vừa đánh, vừa đàm” với Mỹ tại Hội nghị Paris. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị, 2 đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (về sau là Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, liên tiếp đưa ra lập trường và các giải pháp hòa bình12 trước công luận, giáng đòn nặng nề, đặt đối phương luôn ở thế bị động, bất ngờ. Trải qua hơn 4 năm, 8 tháng, với gần 250 phiên họp, tháng 1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam đã được kí kết, buộc Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam, chấm dứt hoạt động chiến tranh, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Đó là điều kiện vô cùng quan trọng dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

3. Ngoại giao phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong công cuộc đổi mới

Đại hội Đảng VI (1986) của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có công tác đối ngoại. Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa VI) (5-1988) “Về Nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” nhận định, tình trạng kinh tế yếu kém, tình thế bị bao vây, cấm vận là nguy cơ lớn đối với an ninh, độc lập dân tộc. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách là phải chủ động chuyển từ trạng thái đối đầu sang vừa đấu tranh vừa hợp tác, cùng tồn tại hòa bình; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm thất bại âm mưu cô lập ta về kinh tế và chính trị, nhằm tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, ngoại giao tiếp tục đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, cùng những giải pháp đột phá trong quan hệ quốc tế, đấu tranh đưa đất nước thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế; đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngoại giao đóng vai trò quan trọng phá thế bao vây, cấm vận. Để giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước lớn và các nước láng giềng, cuối những năm 1980, ngoại giao Việt Nam tập trung giải quyết vấn đề Campuchia nhằm giải tỏa trạng thái nghi kỵ, làm cơ sở đi đến bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh tiếp xúc với Mỹ để sớm bình thường hoá quan giữa hệ hai nước. Kết quả tháng 2-1994, Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Tháng 7-1995, Mỹ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ ngoại giao, tạo đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Đặc biệt, việc Việt Nam gia nhập ASEAN là bước đi chiến lược mang lại lợi ích rất lớn, góp phần quan trọng cho sự ổn định và phát triển của khu vực và Việt Nam. Cũng trong năm 1995, Việt Nam ký Hiệp định khung hợp tác với Cộng đồng châu Âu. Trong thời gian ngắn, Việt Nam cùng lúc thực hiện thành công ba sự kiện đối ngoại lớn, các sự kiện này có tính cộng hưởng chính thức chấm dứt tình trạng Việt Nam bị bao vây, cấm vận, mở ra giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế.

Ngoại giao tích cực tháo gỡ rào cản, tạo môi trường hòa bình và cơ hội phát triển đất nước. Cùng với những giải pháp chính trị, ngoại giao, việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, đã thể hiện tư duy rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế, giúp từng bước mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại với cả các nước ngoài khối XHCN xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế như: IMF, World Bank đã sớm bình thường hoá và thiết lập quan hệ với Việt Nam; Việt Nam lần lượt gia nhập một loạt các cơ chế đa phương quan trọng như: Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) (1996), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) (1998), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (2007), làm cầu nối để Việt Nam bước vào sân chơi kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, với sự hiểu biết về các quốc gia cùng mạng lưới quan hệ với các chính giới, tài giới, ngoại giao đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ các biện pháp, bước đi chiến lược, từng bước tháo gỡ các rào cản về chính trị, tạo điều kiện để Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như: Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)... Đồng thời, ngoại giao luôn đi đầu, đưa ra sáng kiến, để mở đường cho các bộ, ngành, địa phương từng bước thâm nhập và mở rộng hoạt động ra bên ngoài; tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong thúc đẩy hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng.., góp phần tạo ra những động lực to lớn để phát triển đất nước.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước và các tổ chức quốc tế quan trọng nhất, nâng cấp quan hệ và tạo mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 33 nước, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Kết quả đó là nỗ lực rất lớn của ngoại giao nhằm nâng cao lòng tin chính trị trong quan hệ quốc tế, góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trải qua gần 80 năm (1945-2024) với nhiều giai đoạn cách mạng có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, ngoại giao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (14-12-2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Mục tiêu bao trùm của công tác đối ngoại thời kỳ mới là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Ngày nhận bài: 21-5-2024; ngày thẩm định: 19-6-2024; ngày duyệt đăng: 28-6-2024

1, 2, 3, 4, 6, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, NxbCTQG, H, 2000, T.8, tr. 27, 437, 26-27, 6, 6, 339

 

5. Ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 06-/3-/1946 và sau đó là Tạm ước ngày 14-9-1946

 

 

7. Các thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi: mật điện cho I.V.Stalin ngày 22-/9-/1945; ngoại trưởng Hoa Kỳ ngày 22-10-1945 về việc nền độc lập của Việt Nam cần sự công nhận của Liên Hợp quốc; gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 18-/1-/1946 về việc đề nghị Mỹ cùng Liên Hợp quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam; điện gửi Tổng thống Harry Truman ngày 28-2-1946 đề nghị giúp đỡ bảo vệ nền độc lập của Việt Nam trước sự xâm lược của người Pháp

9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H, 2011, T. 4, tr. 534

10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T. 6, tr. 311

11. Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H, 1999, tr. 14-15

12. Giải pháp 10 điểm (ngày 8-5-1969 của đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Giải pháp “Tám điểm - nói rõ thêm” (ngày 17-9-1970) của đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam; Tuyên bố 3 điểm (ngày 10-12-1970) của đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về ngừng bắn và yêu cầu quân Mỹ rút khỏi miền Nam; Sáng kiến hòa bình 9 điểm (ngày 26-6-1971), trong cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ - Kissinger, phía Việt Nam đưa ra tập trung vào việc đòi Mỹ thay Nguyễn Văn Thiệu; “Sáng kiến mới gồm 7 điểm, nhằm giải quyết hòa bình vấn đề miền Nam Việt Nam” (ngày 1-7-1971) là đề nghị quan trọng thứ hai (sau đề nghị 10 điểm tháng 5-/1969) tại đàm phán được dư luận rộng rãi đồng tình và chính giới Mỹ quan tâm, hai sáng kiến này có cùng nội dung là đòi Mỹ định thời hạn rút hết quân và lập ở Sài Gòn một chính quyền không có Thiệu; “Hai điểm nói rõ thêm” (ngày 2-2-1972) của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Giải pháp 7 điểm ngày (1-7-1971) đòi rút quân Mỹ, thành lập ở miền Nam một Chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần.