Tóm tắt: Ngày 28-5-1955, Ban Bí thư Trung ương ra Nghị quyết số 16-NQ/TW thành lập Đảng uỷ Khu Vĩnh Linh ngang hàng với đảng ủy cấp tỉnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, địa bàn Khu Vĩnh Linh đã phải hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ. Với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời” của tuyến đầu của hậu phương miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Khu Vĩnh Linh, quân và dân trên đại bàn đã anh dũng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ và làm tốt nghĩa vụ hậu phương đối với miền Nam; đóng góp sức người, sức của, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị (1972).
Từ khóa: Khu Vĩnh Linh; chiến tranh phá hoại; chi viện sức người, sức của; giải phóng Quảng Trị
1. Chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1968)
Nhằm làm lung lay ý chí chống xâm lược Mỹ của quân dân miền Bắc nói chung và quân dân Khu Vĩnh Linh nói riêng; đồng thời, ngăn chặn sự chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 -1968). Tại địa bàn Vĩnh Linh, ngày 8-2-1965, Mỹ huy động 82 lần chiếc máy bay phản lực (F4H, AD6), chia làm 14 tốp đánh phá nhiều địa điểm: doanh trại Sư đoàn 241, xí nghiệp chế biến chè hương Bến Hải, xưởng gỗ Lê Thế Hiếu, Trường cấp III, Đài Anh hùng liệt sĩ… giết hại nhiều chiến sĩ và người dân. Tiếp đó, ngày 2-3-1965, không quân Mỹ bắt đầu tiến hành “Chiến dịch Sấm Rền” trên phạm vi toàn miền Bắc. Riêng ở Vĩnh Linh, từ tháng 3 đến tháng 6-1965, máy bay Mỹ đã 615 lần đánh phá vào nhiều vị trí: thị trấn Hồ Xá, nông trường Quyết Thắng, Bến Quan… và các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch; đảo Cồn Cỏ cũng bị tàu biệt kích Mỹ bắn pháo 26 lần. Từ chỗ ném bom có trọng điểm, đến cuối tháng 12-1965, Mỹ cho máy bay ném bom vào các khu dân cư, trường học. Thị trấn Hồ Xá và xã miền núi Hướng Lập bị ném bom hủy diệt. Trong những năm 1965-1967, máy bay Mỹ xâm phạm địa bàn Khu Vĩnh Linh 5.415 lần, ném bom 666 lần, pháo kích từ Hạm đội 7 và từ phía nam ra 40 lần; năm 1966, máy bay Mỹ xâm phạm 12.949 lần, ném bom 5.245 lần; năm 1967, bình quân mỗi tháng, máy bay Mỹ xâm phạm Khu Vĩnh Linh 3.238 lần, bắn phá 1.362 lần, làm 2.519 người chết, 1.940 người bị thương1.
Ngoài chiến thuật bổ nhào, từ tháng 6-1966, Mỹ còn áp dụng chiến thuật ném bom tọa độ. Mỹ đẩy mạnh các hoạt động do thám, nhất là ở vùng rừng núi phía Tây. Từ năm 1965, Mỹ liên tục đánh phá đảo Cồn Cỏ bằng không quân và hải quân; ngăn chặn việc tiếp tế nước ngọt, lương thực, vũ khí, nhu yếu phẩm từ đất liền ra đảo. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Mỹ đã huy động 60.000 lượt máy bay (gần 4.000 lượt máy bay B52) dội xuống Khu Vĩnh Linh 560.000 tấn bom; bắn 727.000 quả đại bác. Bình quân mỗi km2 phải hứng chịu 600 tấn bom và 800 quả đại bác2.
Trước hành động leo thang chiến tranh của Mỹ, Hội nghị Đảng ủy Khu Vĩnh Linh ngày 13-2-1965 ra Nghị quyết nêu rõ: “Phải khẩn trương kiểm tra lại các phương án tác chiến của các lực lượng vũ trang, bán vũ trang, bổ sung kịp thời những chỗ thiếu sót nhằm tăng cường tổ chức, vũ khí, đảm bảo đánh thắng địch trong mọi tình huống”3. Đối với đảo Cồn Cỏ, Thường vụ Khu ủy Vĩnh Linh họp ngày 3-6-1965, nêu yêu cầu phải đảm bảo việc tiếp tế, “quyết tâm giữ đảo đến cùng”4.
Tiếp đó, ngày 2-8-1966, Thường vụ Đảng ủy Khu Vĩnh Linh ra Nghị quyết số 15 về chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đối với đảo Cồn Cỏ, Nghị quyết nhấn mạnh: “Quán triệt hơn nữa quyết tâm của Trung ương, tăng cường sức chiến đấu và chi viện của đất liền để bất luận trong tình huống nào cũng quyết tâm giữ được đảo”5.
Thực hiện chủ trương “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”, hệ thống hầm hào ở Vĩnh Linh được xây dựng và được gia cố vững chắc. Mạng lưới giao thông hào, hầm trú ẩn, trận địa máy bay được xây dựng và bố trí khoa học. Từ năm 1965-1968, quân dân Vĩnh Linh làm được 91.840 căn hầm6, 2.098 km giao thông hào7. Hệ thống 70 làng hầm với 114 địa đạo được bố trí rộng khắp trên 15 xã, thị trấn, tiêu biểu là địa đạo Vịnh Mốc8. Quân và dân Vĩnh Linh còn chuẩn bị các phương án đánh địch đổ bộ, tập kích.
Nhận thức rõ tính chất ác liệt của chiến tranh phá hoại, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh chủ động đề xuất và được Trung ương đồng ý cho thực hiện Kế hoạch 8 (K.8), sơ tán khoảng 3 vạn cháu nhỏ ở Vĩnh Linh (từ 7-15 tuổi) ra Thái Bình, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa... Đợt I của kế hoạch này bắt đầu tiến hành từ năm 1966. Đến ngày 10-10-1967, gần 3 vạn cháu của Vĩnh Linh và hai huyện Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị) được sơ tán đến những nơi an toàn. Kế hoạch này không chỉ giúp tránh được tổn thất, bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài, mà còn giảm bớt nguồn cung chi viện nhiều mặt từ Trung ương; trẻ em sơ tán được nuôi dạy tốt; những người ở lại yên tâm chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển đã có 72 người chết (59 học sinh, 6 giáo viên, 2 cán bộ khu vực, 1 lái xe, 3 người hướng dẫn)9.
Với khẩu hiệu “Còn đất liền, còn đảo!”, tháng 5-1965, đoàn thuyền đầu tiên, gồm 11 chiếc đã rời Vịnh Mốc tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Con đường biển tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ đã trở thành “con đường máu”, do sự đánh phá ác liệt của đối phương. Phương tiện tiếp tế cho đảo chủ yếu là thuyền nan của ngư dân, có sự yểm trợ bởi các trận địa pháo đặt tại một số điểm cao ở Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thái. Những con người trên những thuyền tiếp tế này thực sự là những cảm tử quân, họ đã hy sinh trong quá trình chiến đấu, bảo vệ đảo. Tính đến ngày 27-12-1965, quân dân Vĩnh Linh đã bắn rơi, bắn cháy hàng chục máy bay, bắn chìm, bắn cháy 6 tàu chiến địch10.
Từ giữa tháng 2-1966, quân Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt. Đầu tháng 7-1966, máy bay Mỹ đã đánh vào đất liền 106 lần, 368 lần vào đảo Cồn Cỏ. Song, quân Mỹ không thực hiện được âm mưu chiếm đảo Cồn Cỏ, ngay cả việc bao vây, cô lập đảo cũng bất thành.
Ngày 3-5-1968, trên đảo Cồn Cỏ, lực lượng phòng không của ta đã bắn rơi 4 máy bay. Ngày 5-8-1968, trên đất liền Vĩnh Linh, quân và dân ta bắn rơi 2 máy bay F411. Riêng đảo Cồn Cỏ, trong suốt 1.440 ngày đêm, quân dân trên đảo đã tổ chức 841 trận đánh, bắn rơi 48 máy bay, bắn cháy, bắn chìm 17 tàu chiến12. Nhờ thành tích đặc biệt trên, ngày 10-8-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng quân và dân Vĩnh Linh hai câu thơ:
“Đánh cho giặc Mỹ tan tành,
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”13.
Vĩnh Linh đã “có công lớn chiến đấu, phục vụ tiền tuyến, sản xuất và giữ vững địa bàn đầu cầu giới tuyến”14. Quân và dân đảo Cồn Cỏ cũng vinh dự được Quốc hội, Chính phủ 2 lần tuyên dương Đơn vị Anh hùng, được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và hạng Ba; 3 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Nhiều cán bộ, chiến sĩ như: Thái Văn A, Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang, Cao Tất Đắc, Bùi Hạnh… được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn khu vực Vĩnh Linh (ngày 8-2-1969), đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chiến công về mọi mặt của Vĩnh Linh là nguồn cổ vũ và động viên rất lớn đối với đồng bào miền Nam, đặc biệt là đối với đồng bào Trị Thiên, chiến sĩ, cán bộ mặt trận Khe Sanh và Đường 9 anh hùng. Thắng lợi và thành tích rực rỡ của Vĩnh Linh trên cả ba mặt chiến đấu, sản xuất và tổ chức đời sống là tấm gương sáng cho quân và dân miền Bắc ra sức thi đua chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”15.
2. Quân và dân Vĩnh Linh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972
Sau thất bại của cuộc hành quân “Lam Sơn - 719”, quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa - ngụy tiếp tục tăng cường lực lượng, củng cố địa bàn Trị - Thiên, biến nơi đây thành khu vực phòng thủ mạnh nhất của Việt Nam Cộng hòa. Đầu tháng 3-1972, Quân ủy Trung ương họp bàn triển khai kế hoạch tác chiến. Lúc này, chiến trường Trị - Thiên là hướng phối hợp (hướng tiến công chính là chiến trường Đông Nam Bộ và Bắc Tây Nguyên). Tuy nhiên, do thực tiễn có nhiều biến đổi, Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn chiến trường Trị - Thiên làm hướng tiến công chiến lược. Điều này vừa bảo đảm yếu tố bất ngờ vừa đảm bảo yếu tố hậu cần cho một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày16.
Ngày 15-3-1972, tại Bãi Hà (Vĩnh Hà), Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên đã họp bàn triển khai kế hoạch tác chiến. Đối với lực lượng vũ trang Khu Vĩnh Linh, Tiểu đoàn 47 - Tiểu đoàn bộ binh Vĩnh Linh sẽ phối hợp với một số đơn vị khác tấn công, bao vây Dốc Miếu, Quán Ngang, tiêu diệt căn cứ hải thuyền ở Nam Cửa Việt, hỗ trợ nhân dân vùng Gio Linh nổi dậy. Đây cũng chính là tiểu đoàn được giao nhiệm vụ chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm (từ ngày 28-6 đến ngày 16-9-1972). Ngoài Tiểu đoàn 47, Đảng ủy Khu Vĩnh Linh quyết định điều động dân quân du kích vào hoạt động dài hạn ở Gio Linh, Cam Lộ (đi chiến đấu ở B)17. Mỗi xã ở Vĩnh Linh vận động mỗi tổ phụ lão và các mẹ trồng riêng một đám rau, nuôi mỗi người một con gà cung cấp cho chiến trường Quảng Trị18.
Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận hàng vạn đồng bào Gio Linh và Cam Lộ sơ tán ra Khu Vĩnh Linh, ngày 27-3-1972, Thường vụ Đảng ủy Khu Vĩnh Linh họp bất thường ra Nghị quyết nêu rõ: “đặc biệt quan tâm và có trách nhiệm đầy đủ đối với bà con Gio Linh, Cam Lộ sơ tán ra khi chiến dịch thực sự đi đến giai đoạn quyết liệt. Bằng cách đào hầm giúp bà con, vận động bà con cùng đào hầm, ăn ở phân tán, quyết hạn chế tối đa mọi thiệt hại. Trường hợp xảy ra thương vong phải tích cực giúp đỡ mọi mặt…”19. Ban Chấp hành Đảng bộ Khu Vĩnh Linh xác định nhân dân Vĩnh Linh có “trách nhiệm đùm bọc, nuôi dưỡng đồng bào tỉnh nhà, giúp đỡ bà con về mọi mặt từ việc ăn, ở đến việc chăm sóc, động viên về mặt tình cảm, đau ốm…”20.
Tháng 3-1972, Cục vận tải Đoàn 559 và Đoàn vận tải Quân khu 4 đã cùng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tỉnh Quảng Bình, Khu Vĩnh Linh vận chuyển được 16.020 tấn hàng. Với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Trị thân yêu”, dân quân, dân công hỏa tuyến Khu Vĩnh Linh đã đóng góp 15 vạn ngày công phục vụ chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị21. Hàng ngàn dân công Vĩnh Linh ngày đêm gấp rút khôi phục Quốc lộ 1A, bắc cầu phao qua sông Bến Hải, chuẩn bị bến vượt cho xe pháo nặng của bộ đội chủ lực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Trị - Thiên, đón nhận và chăm sóc thương binh, cung cấp cho nhân dân Gio Linh, Cam Lộ các nhu cầu thiết yếu.
Đúng 11 giờ ngày 30-3-1972, quân ta bắt đầu tiến công địch tại Quảng Trị. Thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao, Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh phối hợp với bộ đội đặc công hải quân và dân quân du kích địa phương tiêu diệt địch ở các thôn ấp, chi khu, giải phóng quận lỵ Gio Linh, khu tập trung Bến Ngự, Mai Xá Thị, Xuân Khánh, Hà Thượng, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng các xã Gio Lễ, Gio Mỹ, khu tập trung Quán Ngang nổi dậy diệt ác, phá kìm. Đến ngày 2-4-1972, 3 huyện: Hướng Hóa, Cam Lộ và Gio Linh, với hơn 10 vạn dân được giải phóng. Vùng giải phóng Bắc Quảng Trị đã nối thông với hậu phương Vĩnh Linh.
Từ ngày 28-4 đến ngày 1-5-1972, quân ta giải phóng Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị. Lực lượng địch còn lại ở La Vang, Tân Điền, Mỹ Chánh bỏ chạy qua địa phận Thừa Thiên. Tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên được giải phóng hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, cùng thắng lợi của quân và dân tại các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… đã giáng đòn chí mạng vào quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.
Là địa phương chịu sự tàn phá nặng nề của Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968), mặc cho bom rơi, đạn nổ, nhân dân Vĩnh Linh vẫn kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Khu Vĩnh Linh cũng là địa phương đầu tiên của miền Bắc được Quốc hội và Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng (1967), 8 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.
Ngày nhận: 24-6-2024 ; ngày thẩm định, đánh giá: 28-8-2024; ngày duyệt đăng: 31-8-2024
1. Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình thiệt hại chiến tranh của các tỉnh phía Bắc từ 5-8-1964 đến 31-12-1967, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 393
2,4,5,8,12,19,21. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Linh: Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Linh, tập I (1930 - 1975), Nxb CTQG ST, H, 2020, tr. 298, 320-321, 295, 306-307, 329, 427, 426
3, 10, 11, 14, 15. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tập II (1954 - 1975), Nxb CTQG ST, H, 2022, tr. 252, 256, 267, 264, 268
6,7. Vũ Kỳ Lân, Nguyễn Sinh: Ký sự miền đất lửa, tuyển tập Hồ sơ Vĩ tuyến 17 (1954 - 1975), Nxb Lao động, H, 2011, tr. 163, 163.
9. Ban phụ trách Kế hoạch 8 Trung ương: Báo cáo thực hiện Kế hoạch 8, ngày 15-11-1967, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Hộp số 614, Hồ sơ số 14.730
13. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.15, tr. 482
16. Ngày 11-3-1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, hướng chủ yếu là chiến trường Trị - Thiên
17. Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh: Chỉ thị số 14 CT/UB ngày 24-4-1972 V/v điều động anh chị em dân quân du kích đi chiến đấu ở B, Phông Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh, Hộp số 599, Hồ sơ số 27, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Quảng Trị
18. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khu vực Vĩnh Linh: Thông tri số 12 VP/MT, ngày 3-3-1972 Về việc hướng dẫn thi hành Nghị quyết đại hội đại biểu nhân dân Vĩnh Linh đoàn kết chống Mỹ, cứu nước, số 12 VP/MT, ngày 3-3-1972, Phông Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh, Hộp số 599, Hồ sơ số 27, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Quảng Trị
20. Ban Chấp hành Đảng bộ Vĩnh Linh: Chỉ thị số 05/CT-TVĐU, ngày 1-4-1972 khẩn trương tăng cường hơn nữa công tác phục vụ tiền tuyến, sơ tán phòng không nhân dân và công tác bảo vệ trật tự trị an, Phông Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh, Hộp số 599, Hồ sơ số 27, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Quảng Trị.