Tóm tắt: An sinh xã hội là các chính sách, chương trình của Nhà nước hỗ trợ phúc lợi cho người dân. Ngày 10-6-2012, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”. Nghị quyết đã đưa ra những quan điểm, chủ trương của Đảng về an sinh xã hội mở đường cho việc thực hiện an sinh xã hội bước vào giai đoạn mới. Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh Bình Định đã quán triệt lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện thực hiện an sinh xã hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, những kinh nghiệm quý.
Từ khóa: Tỉnh Bình Định; an sinh xã hội; kết quả và kinh nghiệm; 2012 - 2022
1. Quan điểm, chủ trương của Đảng
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng quán triệt tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong các thời kỳ cách mạng. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội VI (1986) của Đảng đã đề cập đến chính sách xã hội, trong đó hàm chứa an sinh xã hội (ASXH). Tuy nhiên, phải đến Đại hội IX (2001) của Đảng, lần đầu tiên cụm từ “an sinh xã hội” mới được chính thức sử dụng trong Văn kiện Đại hội: “Giải quyết việc làm là một chính sách xã hội cơ bản… Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động thất nghiệp”2 và “Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hóa, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội”3. Đến Đại hội XI (2011) của Đảng đã xác định thực hiện ASXH là một chủ trương quan trọng trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Văn kiện đã dành mục 2 phần VII trong Báo cáo chính trị trình bày riêng về ASXH. Đại hội khẳng định nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn này phải bảo đảm ASXH ở tất cả các lĩnh vực trụ cột cơ bản của ASXH là: “Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống”4.
Cụ thể hóa chủ trương Đại hội XI của Đảng về ASXH, ngày 10-6-2012, BCH Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, HNTƯ khoá XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”. Đây là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển nhận thức trong quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề ASXH Việt Nam.
Nghị quyết 15-NQ/TW đề ra 5 quan điểm chỉ đạo thực hiện chính sách ASXH: “1) Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 2) Chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. 3) Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng. 4) Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Ðồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. 5) Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội”5. Mục tiêu tổng quát được xác định: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”6, Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể về thực hiện ASXH giai đoạn (2012-2022).
Nghị quyết số 15-NQ/TW khóa XI của Đảng tạo cơ sở chính trị để các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện ASXH một cách toàn diện trên tất cả các vấn đề của ASXH.
2. Kết quả thực hiện an sinh xã hội ở Bình Định và một số kinh nghiệm
Nghị quyết 15-NQ/TW khóa XI là cơ sở quan trọng để Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều biện pháp cụ thể như: xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn…
Ngay sau khi có Nghị quyết 15-NQ/TW của BCH Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh đánh giá chính sách ASXH và thực hiện chính sách ASXH giai đoạn 1991-2013 (Công văn số 870/UBND-VX ngày 12-3-2014 “về việc đánh giá chính sách ASXH và thực hiện chính sách ASXH”). Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Bình Định đã ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với chủ trương Đảng và điều kiện địa phương. Trong đó, trong những năm 2012-2022, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Đề án giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh qua giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.
Trong 10 năm (2012 - 2022), tỉnh Bình Định ban hành các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ người nghèo… các nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định; nghị quyết, quy định hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh…
Tính đến năm 2022, tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Đảng, việc thực hiện ASXH, tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực cụ thể:
Một là, về việc làm, giảm nghèo
Vấn đề giải quyết việc làm và giảm nghèo được cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh Bình Định quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, với các chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và các chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo thêm nhiều việc làm mới; đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm; lồng ghép mục tiêu giải quyết việc làm trong các chương trình, dự án của các ngành, đoàn thể, địa phương. Chính sách giảm nghèo cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo hoàn thiện theo hướng tăng cường hỗ trợ người nghèo nhằm giảm nghèo bền vững; tập trung giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, các xã nghèo, huyện nghèo; tăng cường công tác cải cách, đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo; nâng cao năng lực quản lý, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp chuẩn nghèo mới và điều kiện của tỉnh, như hỗ trợ về giáo dục, y tế, vay tín dụng ưu đãi, tiền điện, trợ giúp pháp lý cho người nghèo (chi trả trợ cấp 1 lần bình quân cho 43.878 lượt người/năm và chi trả trợ cấp, phụ cấp hằng tháng cho 37.808 lượt người/năm. Đến năm 2022, toàn tỉnh đang quản lý và thực hiện chế độ hằng tháng cho 33.354 người với kinh phí trên 54,418 tỷ đồng. Đề nghị thẩm định thông qua 65 hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng (12 hồ sơ liệt sĩ; 53 hồ sơ thương binh) và 2 hồ sơ liệt sĩ. 100% (211/211) Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Huy động các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị hỗ trợ xây mới 3.086 nhà ở và sửa chữa 750 nhà ở hộ gia đình người có công, với tổng kinh phí là 139,38 tỷ đồng; vận động xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh hơn 49,7 tỷ đồng. Bình quân hằng năm có 11.350 lượt người có công được điều dưỡng chăm sóc sức khỏe; mua Bảo hiểm y tế cho đối tượng người có công bình quân 31.400 người/năm với kinh phí gần 24 tỷ đồng…)7.
Hai là, về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp
Công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Bình Định triển khai thực hiện một cách quyết liệt, linh hoạt phù hợp với đặc điểm và điều kiện địa phương. Mở rộng đối tượng tham gia, điều chỉnh thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để tính hưởng trợ cấp theo hướng thuận lợi hơn cho người tham gia; giảm chế độ trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp bị ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; mở rộng đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ học nghề và tìm việc làm; bổ sung thêm chế độ “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động”… để khuyến khích người thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động. Theo đó, hằng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh đã giới thiệu việc làm mới cho khoảng 1.000 - 2.000 người.
Tỉnh triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ 3 huyện nghèo (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020. Trong giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh đã có 4.847 lao động đi làm việc ở nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan…; tạo việc làm mới cho 243.089 lao động, bình quân 27.010 người/năm, đạt 108,04% kế hoạch. Trong năm 2021, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 25.146 lao động, đạt 100,58% kế hoạch. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 3,43%, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,9%/năm theo tiêu chí mới, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (Nghị quyết của Chính phủ mỗi năm 1,5%; Nghị quyết HĐND tỉnh mỗi năm giảm 1,5% - 2%)8.
Ba là, về trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội
Việc thực hiện các chế độ trợ cấp xã hội cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo đầy đủ, đúng quy định. Công tác cứu trợ xã hội, thực hiện các chính sách đảm bảo ASXH được triển khai thực hiện kịp thời, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán hằng năm và việc cứu trợ thiệt hại do thiên tai, mất mùa, tai nạn rủi ro, dịch bệnh… đã góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân trong tỉnh. Toàn tỉnh quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 97.024 đối tượng; 620 đối tượng được quản lý nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 43.729 người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trong giai đoạn 2011 - 2020, đã huy động 1.654 học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục (trong đó cấp tiểu học có 1.178 học sinh, cấp trung học cơ sở có 287 học sinh, cấp trung học phổ thông có 189 học sinh) và 347 học sinh khuyết tật học tại Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn. Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật cho 1.677 trẻ em, xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp cho 521 trẻ)9.
Bốn là, về bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản
Lĩnh vực bảo đảm giáo dục tối thiểu, các mục tiêu cơ bản đảm bảo giáo dục tối thiểu theo Nghị quyết số 15-NQ/TW được thực hiện đạt kết quả. Cụ thể: Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ được chú trọng, chất lượng qua các năm được nâng lên. Đến năm 2022, 11/11 huyện, thị xã, thành phố, 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Trong toàn tỉnh luôn giữ vững và duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chủ trương xã hội hóa giáo dục tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Phong trào toàn dân chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng sâu rộng. Hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng, đã góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển biến tích cực, số lao động qua đào tạo nghề có việc làm đạt trên 75%; xã hội hóa dạy nghề từng bước phát triển, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hằng năm bình quân tăng 2%10.
Lĩnh vực bảo đảm y tế tối thiểu, các chính sách ưu đãi về y tế dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời như: Hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội, người dân vùng đặc biệt khó khăn... ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu với chất lượng ngày càng cao. Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường được quan tâm. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ; mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân ngày càng tăng, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, nâng cấp, mở rộng; đến nay, có 159/159 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có bác sỹ. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật về y tế tiếp tục được quan tâm. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao; thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị. Chuẩn bị tốt các điều kiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế được tăng cường; công tác giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được chú trọng. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ suất sinh giảm còn 13,7‰ (bình quân hàng năm giảm 0,12‰). Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 8,26%, trung bình giảm 0,84%/năm. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 8,5%, trung bình giảm 1,23%/năm. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,64%11.
Về bảo đảm nhà ở tối thiểu được cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm. Công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở đơn sơ luôn được các cấp ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Tỉnh đã hỗ trợ 6.173 hộ gia đình có công với cách mạng xây dựng nhà ở, trong đó: Số hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện là: 5.288 hộ (xây mới 2.701 hộ, sửa chữa 2.587 hộ), số hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ từ các nguồn vốn huy động khác là 885 hộ (xây mới 780 hộ, sửa chữa 105 hộ). Hỗ trợ cho 695 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Hỗ trợ cho)12.
Về bảo đảm nước sạch được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và hàng ngàn công trình cấp nước nhỏ lẻ phục vụ cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 89,3% năm 2012 lên 99% năm 2020; 100% tỷ lệ dân cư nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45,6% hộ sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia13.
Về bảo đảm thông tin truyền thông, công tác củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo được chính quyền các cấp quan tâm triển khai. Thực hiện “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”, tỉnh đã rà soát, hỗ trợ hơn 10.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng các điều kiện hỗ trợ đầu thu, tiếp tục xem truyền hình từ nguồn Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam14. Tính đến năm 2022, 100% huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn đã có đài truyền thanh, bảo đảm công tác thông tin tuyên truyền.
Năm là, triển khai và thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Bình Định là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai và thực hiện hỗ trợ cho hơn 580.455 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí hơn 884,586 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã bổ sung, ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 50 tỷ đồng để cho người lao động vay nhằm chuyển đổi việc làm, duy trì và mở rộng việc làm15.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 10 năm (2012-2022) thực hiện ASXH trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng còn có một số hạn chế như: Việc triển khai thực hiện một số chính sách đối với người có công với cách mạng có nơi chưa được thật tốt. Chất lượng đào tạo nghề ở một nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội. Một số hộ nghèo còn tâm lý ỷ lại, trông chờ; một bộ phận hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo. Đời sống của một bộ phận người lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn, thiếu thốn16.
Một số kinh nghiệm
Từ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI với những kết quả đạt được cũng như những hạn chế tồn tại, có thể đúc kết một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, để việc thực hiện ASXH có hiệu quả cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các của cấp uỷ Đảng, chính quyền; kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách… vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng và phù hợp với đặc điểm điều kiện địa phương. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Đặc biệt phát huy tốt hệ thống chính trị cấp cơ sở và nhân dân trong tổ chức thực hiện ASXH.
Thứ hai, trong thực hiện ASXH cần hết sức chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ASXH và chính sách của địa phương; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể và người dân trong thực hiện các ASXH.
Thứ ba, trong thực hiện ASXH cần chú trọng làm tốt việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nhà nước và của địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác xã hội hóa trong việc đảm bảo ASXH theo hướng mở rộng diện bao phủ toàn dân.
Trong 10 năm (2012-2022) thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của BCH Trung ương khoá XI về ASXH, tỉnh Bình Định đã được huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân trong và ngoài tỉnh vào giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách ở địa phương. Trong đó, đã chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công; thực hiện tốt việc xây dựng nhà cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở và chính sách lao động, việc làm, thu nhập cho người dân.
Ngày nhận: 19-8-2024 ; ngày thẩm định, đánh giá: 28- 8-2024; ngày duyệt đăng: 31-8-2024