Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, khi các cánh quân tập trung đồng loạt tiến về giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị cũng đã chủ trương giải phóng toàn bộ các đảo trên quần đảo Trường Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ nhằm giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chủ trương này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc quyết tâm giành lại toàn bộ chủ quyền lãnh thổ trên đất liền cũng như các đảo và vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Từ khóa: Giải phóng các đảo; quần đảo Trường Sa; Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; tầm nhìn chiến lược của Đảng
1. Quần đảo Trường Sa có trên 100 đảo lớn nhỏ, bãi đá và bãi san hô ngầm, với diện tích khoảng 180.000 km2 ở giữa Biển Đông. Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thời điểm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi quân và dân ta tiến hành các chiến dịch lớn nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quần đảo Trường Sa chỉ 11 đảo có người. Trong đó, quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ 5 đảo gồm: Nam Yết, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn và Song Tử Tây. Đảo Nam Yết được đặt Sở chỉ huy trung tâm. Đối với đảo An Bang, lúc này, chính quyền Sài Gòn mới tiến hành cắm cột mốc chủ quyền nhưng chưa cử người đóng giữ. Tổng quân số của quân đội Việt Nam Cộng hòa khoảng 160 người thuộc Tiểu đoàn 371 địa phương quân Phước Tuy.
Từ tháng 10-1974, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân qua công tác địch tình đã đề xuất ý kiến giải phóng Trường Sa và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhất trí về mặt chủ trương. Tuy nhiên, do bận tập trung các mặt trận khác nên Đại tướng chưa chỉ đạo cụ thể.
Đến cuối năm 1974, Cục Tác chiến và Cục Quân báo đều nhận thấy sự suy yếu rõ rệt trên mọi hướng của chính quyền và quân đội Sài Gòn, trong đó có cả hướng biển. Tiếp tục theo dõi và nắm bắt tình hình, đến ngày 24-3-1975, sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, đồng chí Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục Tác chiến, đề đạt ý kiến với Bộ Tổng tham mưu: đây là thời điểm thuận lợi cho ta giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa đang chiếm giữ. Bộ Tổng Tham mưu thống nhất với ý kiến này và sau đó kiến nghị lên Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị.
Tại cuộc họp ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị đã đồng ý với kiến nghị của Quân ủy Trung ương và được ghi vào nghị quyết: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”1. Đây là chủ trương rất đúng đắn và sáng suốt của Đảng.
Ngày 30-3-1975, trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương gửi điện cho các đồng chí Võ Chí Công - Chính ủy Quân khu và đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5: “Thường vụ giao cho Khu ủy và Bộ Tư lệnh B12 nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo hiện do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Nam Sa3”4.
Ngày 2-4-1975, sau khi nghe đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh cánh quân phía Đông, báo cáo về thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị: “tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”5 vì vùng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và “theo thăm dò, triển vọng ở đây có dự trữ dầu lửa lớn. Với tầm nhìn chiến lược, có thể thấy biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ XXI”6.
Tiếp theo, 17 giờ 30 phút, ngày 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Mật điện số 990B/TK cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5: “Thực hiện kịp thời đánh chiếm các hòn đảo ở vùng Nam Hải, đặc biệt là các đảo Nam Sa. Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết”7.
Ngày 9-4-1975, Cục Quân báo phát hiện địch có biểu hiện rút quân khỏi các đảo trên Biển Đông, Quân ủy Trung ương điện “tối khẩn” cho các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Hoàng Hữu Thái - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đang ở Đà Nẵng: “Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi đảo Nam Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”8.
2. Lúc này, giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn và phức tạp. Tuy vậy, trước yêu cầu gấp rút, khẩn trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhanh chóng tổ chức lực lượng giải phóng các đảo gồm: Đội 1 - Trung đoàn đặc công 126 do Trung tá Mai Năng chỉ huy; một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn đặc công nước 471 (Quân khu 5) do đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy; Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 bộ binh (Quân khu 5), một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368 do Trung tá Nguyễn Thanh Thí và Thiếu tá, Chính ủy Trần Dược chỉ huy; các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 (Hải quân) vừa từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng do các đồng chí Nguyễn Xuân Thơm, Nguyễn Văn Đức, Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng. Các đơn vị này hợp thành Đoàn C75 với gần 300 sĩ quan và chiến sĩ do Trung tá Mai Năng chỉ huy.
Đúng 4 giờ ngày 11-4-1975, các tàu vận tải 673, 674, 675 chở Đoàn C75 bí mật rời quân cảng Đà Nẵng ra đánh chiếm các đảo ở quần đảo Trường Sa với phương châm tác chiến “bí mật, bất ngờ tấn công”. Trong quá trình di chuyển, các tàu của ta gặp máy bay địch trinh sát. Tuy nhiên, do cả ba tàu 673, 674, 675 đã cải trang thành tàu đánh cá nước ngoài nên không bị phát hiện và tấn công.
Khi máy bay trinh sát của quân đội Việt Nam Cộng hòa bay đi, Trung tá Mai Năng ra lệnh cho cả ba tàu nhắm hướng đảo Song Tử Tây thẳng tiến. Sau gần 3 ngày hành quân trên biển, Đoàn C75 cách đảo Song Tử Tây vài hải lý. Đồng chí Mai Năng lệnh cho các tàu thả neo, tiến hành trinh sát nắm tình hình. Ta nhận thấy, trong các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ, do có Sở chỉ huy nên đảo Nam Yết mạnh nhất với khoảng 50 binh sĩ. Đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa có khoảng 40 binh lính. Các đảo còn lại khoảng 20 lính. Vũ khí trang bị tương đối thô sơ gồm súng bộ binh, súng ĐKZ, súng cối, đại liên, trung liên…
Sau khi phân tích, đánh giá lực lượng địch, Đoàn C75 thống nhất đánh chiếm đảo Song Tử Tây trước nhằm làm bàn đạp tấn công các đảo còn lại và đánh giá phản ứng của đối phương. 19 giờ ngày 13-4-1975, các tàu di chuyển theo các hướng khác nhau, tàu 673 tiếp cận từ phía Đông, tàu 674 và 675 án ngữ ở phía Bắc và phía Nam cách đảo 15 hải lý để đề phòng tàu của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở phía Bắc xuống và hai tàu đang đóng ở đảo Nam Yết.
Vào hồi 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, sau 2 quả đạn B41 được bắn lên đảo, mở đầu trận đánh, các mũi đồng loạt tiến công vào các mục tiêu, công sự của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở trên đảo9. Do bị tấn công bất ngờ, quân trên đảo chống trả yếu ớt. “Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt 6 tên địch, số còn lại tháo chạy tán loạn. Thừa thắng, quân ta tiếp tục truy lùng và gọi hàng, bắt sống 33 tên còn lại trên đảo, thu toàn bộ vũ khí của chúng gồm 1 khẩu ĐKZ, 2 khẩu cối 61mm, 2 đại liên, 2 trung liên, 45 khẩu súng bộ binh và đạn dược”10. 5 giờ 15 phút, đảo Song Tử Tây được hoàn toàn giải phóng, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên đỉnh cột, trước bia chủ quyền của đảo.
Bị mất đảo Song Từ Tây, quân đội Việt Nam Cộng hòa điều hai tàu HQ16 và HQ 402 từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại đảo. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ lực lượng ta, mặt khác, lúc này, trên đất liền, tuyến phòng thủ Phan Rang bị vỡ nên lực lượng đi ứng cứu này của quân đội Việt Nam Cộng hòa hết sức địch hoang mang, dao động, không dám tấn công mà quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết.
Sau khi chiếm đảo Song Tử Tây, Bộ Tư lệnh tiền phương ở Đà Nẵng chỉ thị lực lượng canh phòng chặt chẽ, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bố trí lực lượng ở lại bảo vệ đảo. Các tàu chở hàng binh quân đội Việt Nam Cộng hòa và lực lượng còn lại về Đà Nẵng.
Trước những thắng lợi liên tiếp của ta trên bộ và trên biển, Bộ Tư lệnh tiền phương thống nhất phương án đánh chiếm các đảo còn lại với Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Ta sử dụng tàu 673 do đồng chí Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng chở ban chỉ huy chiến đấu và Phân đội 3; tàu 641 do đồng chí Trần Tú làm thuyền trưởng chở Phân đội 2 và Phân đội 4 thuộc Đội 1 Đoàn 126 do đồng chí Đỗ Viết Cường chỉ huy. Theo kế hoạch, tàu 673 chở quân ra giải phóng đảo Nam Yết, tàu 641 ra đảo Sơn Ca11. Chiều ngày 24-4-1975, hai tàu chở lực lượng chiến đấu tập kết hai vị trí khác nhau. Đêm ngày 24-4-1975, khi tàu 673 vào gần đảo Nam Yết thì phát hiện có một tàu khu trục của quân đội Việt Nam Cộng hòa địch đang hoạt động ở đó. Thấy không bảo đảm yếu tố bí mật nếu tiến hành đổ bộ lên đánh chiếm đảo, đồng chí Mai Năng cho tàu 673 quay về đảo Song Tử Tây chờ thời cơ.
2 giờ 30 phút ngày 25-4-1975, tàu 641 chở lực lượng đánh chiếm đổ bộ lên đảo Sơn Ca và nổ súng tấn công. Sau 30 phút chiến đấu, lực lượng đổ bộ Quân Giải phóng miền Nam hoàn toàn làm chủ đảo Sơn Ca. Toàn bộ quân trên đảo bị bắt, ta thu 2 máy vô tuyến điện, 4 máy điện thoại, 2 xuồng máy, 1 máy nổ, 40 phuy xăng và toàn bộ vũ khí, đạn dược của chúng12.
Lúc này, lực lượng của địch đóng trên các đảo còn lại hoang mang, dao động, mất tinh thần chiến đấu, đồng thời được lệnh rút ra tàu bảo vệ, chạy khỏi đảo. Chớp thời cơ này, Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ thị cho đồng chí Mai Năng đang trên tàu 673 ở Song Tử Tây lập tức giải phóng các đảo còn lại. 1 giờ 30 phút ngày 27-4-1975, tàu 673 chở lực lượng đánh chiếm rời đảo Sơn Ca hướng về đảo Nam Yết. 10 giờ 30 phút cùng ngày, tàu 673 đến đảo Nam Yết. Một bộ phận của Phân đội 3 nhanh chóng đổ bộ chiếm giữ đảo. 11 giờ 30 phút ngày 27-4-1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết. Sau khi chiếm đảo Nam Yết, tàu 673 tiếp tục đưa một bộ phận lực lượng đi chiếm đảo Sinh Tồn. 10 giờ 30 phút ngày 28-4-1975, do địch đã bỏ chạy nên ta làm chủ đảo Sinh Tồn. Ngày 29-4-1975, ta tiếp tục giải phóng đảo Trường Sa. Như vậy, sau gần 20 ngày chuẩn bị và chiến đấu, phát huy khí thế tiến công thần tốc, táo bạo, lực lượng được cử đi giải phóng đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giải phóng toàn bộ các đảo do Quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa - phần hải đảo thiêng liêng thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngay trong ngày 29-4-1975, đúng như dự báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một số tàu nước ngoài tiến vào gần đảo để thăm dò nhưng khi thấy cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên các đảo thì lùi ra xa. Đúng một ngày sau khi các đảo trên quần đảo Trường Sa được giải phóng, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi. Đất nước liền một dải từ Bắc đến Nam.
Việc giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa từ quân đội Việt Nam Cộng hòa trong thời điểm cuối tháng 4-1975 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là vùng biển, đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, vì vậy, phải giải phóng để thực hiện thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, các đảo trên quần đảo Trường Sa được giải phóng với sự hiện diện của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời ngăn chặn âm mưu chiếm đảo của một số quốc gia trong khu vực. Đồng thời, việc người Việt Nam liên tục có mặt trên những đảo này là chứng cứ pháp lý rất rõ ràng để chứng minh với cộng đồng quốc tế, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc giữ vững chủ quyền quần đảo Trường Sa có vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thắng lợi trên, trước hết, do Đảng đã đề ra chủ trương đúng đắn và kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược. Có thể thấy, giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa ngay từ đầu không nằm trong kế hoạch chiến lược của Đảng nhưng trước kiến nghị đúng đắn và phù hợp với tình hình của Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đã tiếp thu và kịp thời đưa vào chủ trương. Từ đó là cơ sở cho Quân ủy Trung ương thực hiện “sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu” này.
Đồng thời, không thể không nói đến vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh đã có những nhận định anh minh, sáng suốt và đưa ra chỉ đạo chính xác, phù hợp trong những thời điểm lịch sử quan trọng. Đại tướng là người đã thay mặt Quân ủy Trung ương trực tiếp kiến nghị Bộ Chính trị quan điểm giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa. Khi lực lượng đánh chiếm đã hành quân ra đảo, Đại tướng luôn theo dõi sát sao và chỉ đạo cụ thể, trên mặt trận Biển Đông hành động cũng phải: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Ngày 13-4-1975, khi lực lượng ta chuẩn bị đánh chiếm đảo đầu tiên - đảo Song Tử Tây, bằng linh cảm của mình, vị Tổng Tư lệnh đã điện cho đồng chí Chu Huy Mân dặn dò quyết tâm chiến lược: “Thời cơ cụ thể đánh chiếm là:
{C}a) {C}Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại.
{C}b) {C}Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận.
{C}c) {C}Khi tình hình chung của địch nguy khốn, nhất là tình hình địch ở trọng điểm, thì đánh chiếm ngay.
Hai thời cơ cụ thể trên do anh theo dõi và quyết định. Thời cơ cụ thể thứ ba tôi sẽ kịp thời báo anh khi xuất hiện”13.
Sau này, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công Mai Năng - người đã trực tiếp chỉ huy lực lượng đánh chiếm các đảo trên quần đảo Trường Sa năm 1975, nhận xét, nếu chúng ta đến Trường Sa chậm một vài ngày, thậm chí chỉ chậm một vài giờ khi quân đội Sài Gòn đã mất tinh thần chiến đấu, rệu rã vì nhận các tin tức thất trận trong đất liền, thì nước ngoài có thể tranh thủ cơ hội này chiếm lấy các đảo trên quần đảo Trường Sa. Trong thời khắc lịch sử ấy, bộ óc thiên tài của Đại tướng thật sáng suốt, kịp thời đưa ra những chỉ đạo rất trúng.
Ngoài ra, lực lượng tham gia giải phóng các đảo đã vượt qua những khó khăn, gian khổ. Thứ nhất, quần đảo Trường Sa quá rộng lớn, các đảo xa nhau, xa đất liền, hậu phương. Thứ hai, lực lượng đặc công trước đây chỉ quen đánh tàu, chưa có kinh nghiệm đánh chiếm căn cứ, cứ điểm, nhất là đảo ở biển, chưa từng đến các đảo, phương tiện hỗ trợ thiếu. Thứ ba, lực lượng hải quân của Quân đội Việt Nam Cộng hòa còn khá mạnh, khả năng tái chiếm cao. Trong quá trình chiến đấu, lực lượng đặc công hành động mưu trí, sáng tạo, quả cảm, quyết đoán. Mặc dù phương tiện, trang bị nhỏ và ít, lại chưa quen thuộc địa hình các đảo nhưng các chiến sĩ đã triển khai theo cách đánh của riêng mình và đạt hiệu quả cao: “trinh sát đến đâu đánh đến đó”, bí mật tiếp cận đảo, nhanh chóng đổ bộ vào thời điểm hình thái thủy văn thuận lợi, đánh chiếm mục tiêu một cách bất ngờ, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến chiếm đảo trước ta.
Trong thời điểm lịch sử quan trọng, tháng 4-1975, Đảng đã kịp thời đề ra chủ trương đúng đắn và sáng suốt, các lực lượng tham gia giải phóng đảo đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa. Tất cả đã thể hiện khát vọng thống nhất chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần tạo nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 một cách trọn vẹn. Hiện nay, tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước và hòa bình, ổn định của khu vực. Điều đó, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đề ra những chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình. Các lực lượng, trực tiếp là lực lượng vũ trang, phải xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trên biển, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các hành động của nước ngoài vi phạm vùng biển, đồng thời, không để nước ngoài tạo cớ xảy ra xung đột, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày nhận bài 15-2-2024; ngày thẩm định 18-4-2024; ngày duyệt đăng 22-4-2024
1, 4, 5, 6, 7, 8, 13. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, tr. 295, 299, 298, 300, 300, 301, 301-302
2. Quân khu V
3. Gọi theo cách gọi của chính quyền Việt Nam Cộng hòa
9, 10, 11, 12. Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2015), Nxb Quân đội nhân dân, H, 2015, tr. 341, 341, 343, 344.