Tóm tắt: Tháng 5-1959, Đảng quyết định thành lập Đoàn 559, mở con đường bí mật xuyên dãy Trường Sơn để bảo đảm yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường mang tên Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn đóng vai trò to lớn, chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi.
Từ khóa: Đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn; Đoàn 559; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
1. Sự ra đời của đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn
Tháng 1-1959, HNTƯ15 khoá II xác định con đường cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang1… Thực hiện Nghị quyết HNTƯ 15, ngày 19-5-1959, đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ mở đường giao thông quân sự vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn2. Vì vậy, mà con đường được mang tên đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn (đường 559). Đồng chí Võ Bẩm được giao nhiệm vụ tổ chức và phụ trách Đoàn 559, mở đường vận chuyển vũ khí và những hàng hoá cần thiết, đưa đón cán bộ, bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam.
Sau một thời gian nghiên cứu tình hình chiến trường, từngf bước mở đường, Đoàn công tác đã tổ chức đưa được vũ khí, lương thực, thực phẩm và nhiều quân trang, quân dụng chi viện cho mặt trận. Làng Ho, rồi Phong Nha (Quảng Bình) nơi tập kết hàng nghìn chiếc xe đạp thồ là nơi xuất phát của các đoàn gùi thồ đó. Việc đưa xe cơ giới vào vận chuyển từng đoạn cũng được Đoàn 559 thực hiện sau khi sửa lại con đường từ Bản Đông đến Mường Noòng (Nam đường số 9). Bên cạnh đó, Đoàn còn sử dụng 4 chiếc ô tô là chiến lợi phẩm sau chiến dịch Tà Khống, phà vượt sông Xê Băng Hiên được ghép bằng tre nứa và thùng phuy xăng.
Khi yêu cầu về vũ khí và hậu cần của cuộc chiến tranh tăng lên, phương tiện vận chuyển bằng xe đạp và gùi, thồ không thể đáp ứng nhu cầu bức bách của chiến trường, Trung ương Đảng đã giao cho Bộ Quốc phòng nghiên cứu khẩn trương mở đường và đảm bảo giao thông cho xe cơ giới. Đây là nhiệm vụ rất lớn và nặng nề có tính chiến lược. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng được giao nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559. Hàng nghìn cán bộ công nhân viên với nhiều trang thiết bị cơ giới cấp tốc hành quân vào Trường Sơn với mục tiêu phải mở cho được một con đường có quy mô lớn cho xe cơ giới chạy, nhằm chi viện lớn cho chiến trường miền Nam.
Từ năm 1967, các đơn vị làm nhiệm vụ đã vận dụng nghệ thuật quân sự vào vận tải. Nhờ vậy, tuyến chi viện Trường Sơn đã từng bước hoàn thành xuất sắc ba nhiệm vụ: Vận tải chiến lược, cơ động bộ đội; Đánh địch trên không và mặt đất; Xây dựng căn cứ chiến lược cho chiến trường ba nước Đông Dương. Cùng với đó, các lực lượng chiến đấu còn phối hợp với Lào tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, xây dựng các cơ sở cách mạng ở Trung, Hạ Lào.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, phát huy mọi kinh nghiệm và sáng tạo, chuyển hướng mọi mặt hoạt động trên toàn tuyến sát với tình hình, nhiệm vụ mới. Trên cơ sở đó, tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn được phát triển nhanh chóng, toàn diện, quy mô lớn trên tất cả các hướng từ Bắc vào Nam, cả Đông và Tây Trường Sơn.
Đến năm 1974, các tuyến đường mòn trên dãy Trường Sơn đã hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc; một căn cứ hậu cần chiến lược, là cơ sở hạ tầng bảo đảm chi viện liên tục sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, chuẩn bị điều kiện tốt cho đòn tiến công chiến lược khi thời cơ đến.
Với ý chí quyết tâm đánh bại các loại hình chiến tranh ngăn chặn của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, bảo đảm tuyến chi viện chiến lược thông suốt tới các chiến trường, suốt 16 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển (1959-1975), Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn cùng với lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, bằng mọi phương tiện, từ thô sơ đến hiện đại đã làm nên tuyến đường liên hoàn, vững chắc với tổng chiều dài lên tới gần 17.000 km (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000 km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400 km3; đường thủy trên các sông Xê Băng Hiêng, Xê Công, Mê Kông,... thả hàng hóa theo dòng chảy hoặc vận chuyển hai chiều bằng canô, thuyền gắn máy… Nhờ vậy, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam qua đường Hồ Chí Minh -đường Trường Sơn ngày càng tăng.
Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ do sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù, song bộ đội Trường Sơn vẫn không ngừng lớn mạnh; tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn vẫn vươn xa, trở thành “mạch máu” giao thông quan trọng, hoàn thành nhiệm vụ chi viện to lớn về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc XHCN cho tiền tuyến lớn miền Nam. Sự hình thành và phát triển của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
2. Đường Hồ Chí Minh – Đường Trường Sơn, nơi hội tụ sức mạnh tổng hợp của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Đế quốc Mỹ đã sử dụng mọi lực lượng, mọi biện pháp để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chúng tập trung lực lượng và phương tiện đánh phá liên tục tất cả các mục tiêu của ta trên tuyến vận tải chiến lược, đường mòn trên dãy Trường Sơn. Mỹ sử dụng không quân, kể cả “pháo đài bay B.52”, lùng sục, tìm đánh các căn cứ, kho tàng, bãi đậu xe, trạm kỹ thuật, sở chỉ huy các đơn vị của ta… Trong đêm tối, địch sử dụng máy bay AC.130 “túc trực” trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến; hầu hết các đoàn xe vận tải của ta đều bị chúng phát hiện và tấn công. Để dễ phát hiện mục tiêu, địch ném bom phát quang, rải chất độc hóa học, hủy diệt các thảm cây xanh; sử dụng các phương tiện kỹ thuật điện tử như “cây nhiệt đới”, “người gác đường cần mẫn”; chúng còn gây mưa nhân tạo để cản trở các đoàn xe di chuyển.
Trong những năm từ 1963 đến năm 1973, kể từ khi ta tổ chức vận tải cơ giới đến khi Hiệp định Paris được ký kết, không quân Mỹ đã sử dụng 733.000 lượt/chiếc máy bay, đánh phá tuyến đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn, với 152.000 trận, ném xuống các tuyến đường này gần 4 triệu tấn bom đạn, vượt xa số bom đạn phe phát xít sử dụng trong Chiến tranh thế giới II4.
Trên bộ, địch huy động lục quân, từ những đội biệt kích, thám báo cho đến các binh đoàn cơ động của Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân ngụy Lào mở các cuộc hành quân càn quét, đánh vào các căn cứ, cơ sở của ta. Tính từ năm 1959 đến năm 1975, địch đã mở 120 cuộc hành quân càn quét, nống lấn và tung 1.235 vụ biệt kích vào phá hoại tuyến đường mòn trên dãy Trường Sơn5. Đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Để đối phó với những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù, Bộ Chính trị và
Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo tổ chức và sử dụng các lực lượng trên tuyến đường
Trường Sơn phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn của cuộc chiến tranh; từ tổ chức mở đường, tổ chức vận chuyển đến tổ chức đánh địch. Nhờ đó, những con đường mòn len lỏi giữa rừng sâu, núi cao đã được phát triển thành một hệ thống cầu đường mà địch gọi là một “trận đồ bát quái” với 5 trục dọc và nhiều trục ngang vào từng chiến trường. Cũng trên con đường này đã ra đời những sư đoàn vận tải ô tô đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ đội vận tải Trường Sơn đã sáng tạo ra một kiểu “chiến dịch vận tải”, được thực hiện bằng việc tổ chức vận chuyển quy mô lớn kết hợp với những trận đánh chống địch ngăn chặn theo một kế hoạch thống nhất, dưới sự chỉ huy thống nhất nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đã định.
Ở đường mòn trên dãy Trường Sơn, hoạt động chiến đấu luôn gắn liền với hoạt động vận chuyển và vận chuyển không thể tách rời hoạt động chiến đấu. Cùng với việc chống trả sự đánh phá của địch, với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, bộ đội Trường Sơn còn phải đối phó với thời tiết khắc nghiệt, với những khó khăn, trở ngại do mưa lũ gây ra. Những trận mưa rừng Trường Sơn có thể gây lũ lụt làm hư hỏng tới 70-80% công sự, phá hủy hệ thống cầu đường, gây ách tắc trên toàn tuyến.
Mặc dù địch bắn phá ác liệt và điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy song tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vận chuyển ngày càng nhiều vũ khí và các mặt hàng quân sự thiết yếu cho các chiến trường. Nếu như trong 5 năm đầu (1959 - 1964) mới chỉ vận chuyển tới Khu V, thì từ năm 1966 đã bắt đầu chuyển tới Tây Nguyên và Nam Bộ, không chỉ đáp ứng yêu cầu tác chiến chiến dịch mà kể cả tiến công chiến lược. Chỉ riêng 7 tháng mùa khô 1967 - 1968, toàn tuyến đã vận chuyển được 63.024 tấn; giao cho các chiến trường và bảo đảm vật chất cho bộ đội hành quân đạt 31.054 tấn6; bắn rơi 330 máy bay các loại, diệt 1.275 tên địch7. Mùa khô 1971 - 1972, tuyến đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn giao cho các chiến trường và bảo đảm hành quân tổng cộng 64.785 tấn hàng, đạt 145% chỉ tiêu kế hoạch; đó là chưa kể 15.483 tấn khai thác tại chỗ ở Đông Bắc Campuchia. Cùng với thắng lợi của lực lượng vận tải, các lực lượng phòng không bắn rơi 194 máy bay các loại; lực lượng bộ binh liên tục phối hợp chiến đấu, giữ vững các vị trí trong mùa mưa, tiêu diệt 1.924 tên địch8, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng, mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang chiến lược. Trong hơn 2 năm chuẩn bị và vận chuyển bảo đảm cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tuyến chi viện chiến lược đã giao cho các chiến trường 413.450 tấn vũ khí và hàng hóa các loại9, trong đó có cả vũ khí hạng nặng như xe tăng... Tính chung trong 16 năm, tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển 1.349.060 tấn vũ khí và hàng hóa10 chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những chiến công của các lực lượng trên đường Hồ Chí Minh, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là minh chứng cụ thể của sự chỉ đạo sát sao và tài thao lược, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Để từng bước xây dựng, mở rộng, phát triển tuyến đường chiến lược Trường Sơn, chi viện tối đa sức người, sức của cho các chiến trường đánh thắng quân xâm lược và tay sai, Đảng đã phát huy tới mức cao nhất sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp tạo đà cho thắng lợi cuối cùng. Hàng nghìn cán bộ trung cao cấp, nhân viên kỹ thuật, phục vụ của các quân chủng, binh chủng và bộ, ngành được Đảng và Nhà nước điều động vào tuyến đường mòn trên dãy Trường Sơn. Hàng vạn thanh niên xung phong, vào thời điểm đầu năm 1974, lên đến 120.000 người11đã hăng hái cùng các đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Trong suốt 16 năm (1959-1975), các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để có được những thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng ngàn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch12. Lớp lớp bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để mở đường, thông tuyến, giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh.
Từ chủ trương đúng đắn đến sự chỉ đạo sáng suốt và tài tình của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định sự ra đời, hình thành và phát triển thắng lợi của đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn. Việc thực hiện thắng lợi quyết định này là một thành công kiệt xuất trong
lãnh đạo chiến tranh của Đảng, là biểu hiện của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam, là con đường thể hiện sức mạnh to lớn của khối hiệp đồng chiến đấu quân dân, giữa bộ đội, lực lượng vận tải quân sự với hàng vạn cán bộ, công nhân và lực lượng thanh niên xung phong, là sức mạnh của tình đoàn kết Việt - Lào - Campuchia ba nước Đông Dương, là một trong những biểu tượng đặc trưng và sâu sắc nhất của tình đoàn kết Bắc – Nam, Nam – Bắc một nhà.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn, đường 559, nơi bồi đắp và tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, nơi hội tụ sức mạnh tổng hợp to lớn, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con đường vận tải chiến lược, trở thành con đường huyền thoại của thế kỷ XX, một hướng chiến trường lớn của cách mạng ba nước Đông Dương, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi tới thắng lợi hoàn toàn.