Tóm tắt: Trần Đại Nghĩa (13-9-1913 – 9-8-1997) tên thật là Phạm Quang Lễ, một nhà trí thức lớn của Việt Nam. Với hoài bão phụng sự Tổ quốc, năm 1946, ông sẵn sàng từ bỏ công việc có thu nhập cao ở Pháp, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tổ quốc phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông đã có những đóng góp quan trọng, góp phần vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam. Ông là một tấm gương sáng về lòng yêu nước.
Từ khóa: Trần Đại Nghĩa, sản xuất vũ khí, kháng chiến.
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (thứ ba, từ phải sang) cùng cán bộ quân giới
xem một số loại vũ khí do một nhà máy quốc phòng chế tạo. Ảnh tư liệu
1. Từ bỏ công việc có thu nhập cao ở Pháp để trở về Tổ quốc phục vụ kháng chiến
Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913 tại làng Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông được sinh ra trong gia đình nghèo, có truyền thống yêu nước và hiếu học. Ngày 5-9-1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học. Tại Pháp, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường Đại học Cầu đường Paris, một trường đại học lớn của nước Pháp. Ngoài ra, ông còn nghe giảng ở các trường đại học danh tiếng khác như Trường Đại học Sorbonne, Đại học Mỏ, Đại học Bách khoa, Đại học Điện, Học viện Kỹ thuật hàng không… Do đó, ông đã thi lấy bằng Cử nhân khoa học ở Trường Đại học Sorbonne, bằng kỹ sư cầu đường ở Trường Cầu cống Quốc gia, bằng kỹ sư điện tại Trường Đại học điện và bằng kỹ sư hàng không tại Học viện Kỹ thuật Hàng không1… Năm 1942, Phạm Quang Lễ sang Đức làm việc cho Nhà máy chế tạo máy bay Halle và Viện Nghiên cứu vũ khí; sau đó, trở lại Paris làm cho Công ty Sud Avion. Trong suốt quá trình học tập và làm việc ở Pháp và Đức, Phạm Quang Lễ đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu về chế tạo vũ khí, trong đó ông đã “thu thập được hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí và thuốc nổ, phần lớn là các tài liệu mật”2.
Trong chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946), kỹ sư Phạm Quang Lễ được tham gia tháp tùng Người trong các cuộc gặp gỡ, làm việc với bà con kiều bào. Những ngày được ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Quang Lễ có điều kiện trình bày với Người nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học quân sự. Theo hồi tưởng của Nguyễn Văn Đạo, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về nguyện vọng của mình, Phạm Quang Lễ đã trả lời: “Dạ thưa, nguyện vọng cao nhất của cháu là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”3. Dù biết điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, máy móc thiết bị chế tạo vũ khí vô cùng thiếu thốn, nhưng Phạm Quang Lễ tin tưởng sẽ làm được vì ông có 11 năm chuẩn bị ở bên Pháp4. Việc được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi cuộc đời Phạm Quang Lễ. Sau này, ông vẫn thường nói: “Khi gặp Bác Hồ, chí hướng của tôi như con suối nhỏ gặp dòng sông đổ ra biển cả”5.
Ngày 8-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi Phạm Quang Lễ đến, cho biết Hội nghị Hội nghị Fontainebleau không thành công, “Bác về nước, chú về chuẩn bị về cùng Bác, hai ngày nữa ta lên đường”6. Thấy vậy, Phạm Quang Lễ rất mừng vì ý định trở về quê hương để cống hiến cho đất nước nay đã trở thành hiện thực.
Mong muốn được trở về Việt Nam phụng sự đất nước, Phạm Quang Lễ đã bỏ qua công việc với mức lương mỗi tháng 5.500 francs (tương đương 22 lượng vàng thời điểm năm 1946)7, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về Việt Nam phục vụ đất nước trong điều kiện cuộc kháng chiến còn rất nhiều gian nguy. Sau này, ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), Trần Đại Nghĩa đã ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Nhiệm vụ của Bác giao cho chúng tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành. Từ nay đến hàng nghìn năm sau chúng tôi xin bàn giao lại nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ” và nhắn nhủ: “Tuổi trẻ phải có hoài bão lớn. Hãy cố gắng giữ gìn và phát triển đất nước. Đó là mong mỏi của cả đời tôi”8.
2. Chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Là người có nhiều kiến thức về chế tạo vũ khí, khi về nước, Phạm Quang Lễ đã cùng các cộng sự của mình ngày đêm nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, tiêu biểu như:
Chế tạo thành công súng Bazooka
Sau khi về nước, ngày 27-10-1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ lên Xưởng Quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo súng chống xe tăng, dựa theo mẫu súng Bazooka của Mỹ với hai viên đạn dự trữ do Tạ Quang Bửu cung cấp. Công việc mới bắt đầu, Phạm Quang Lễ nhận được điện của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu gọi về Hà Nội gấp để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 5-12-1946, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao Phạm Quang Lễ giữ chức Cục trưởng Cục Quân giới, với nhiệm vụ sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến. Để giữ bí mật và bảo vệ gia đình Phạm Quang Lễ ở miền Nam, Người đặt tên bí danh cho ông là Trần Đại Nghĩa9. Từ đó, cái tên Trần Đại Nghĩa gắn với cuộc đời Phạm Quang Lễ và ông đã có những đóng góp quan trọng, xứng đáng với tên gọi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho.
Chế tạo Bazooka theo mẫu sẵn có của Mỹ là một việc làm khó, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của mình tìm mọi cách khắc phục khó khăn, ngày đêm say mê nghiên cứu khoa học để chế tạo ra các loại vũ khí phục vụ kháng chiến. Theo hồi tưởng của Nguyễn Văn Đạo: “Anh Nghĩa phải làm việc trong những điều kiện rất thiếu thốn và nguy hiểm. Căn buồng của anh ở và làm việc chỉ nhỏ độ 10m2, trong đó bày một chiếc bàn to, một giường sắt cá nhân, hai cái ghế. Dưới gầm giường chứa đầy thuốc nổ, các bao tải đựng thuốc nổ meelinit và thuốc nổ toolit. Dưới gầm bàn làm việc của anh Nghĩa là mấy bao tải thuốc con bài. Góc buồng là một thùng thuốc nổ đen. Trên mặt bàn làm việc là chiếc đèn dầu hỏa, đạn Bazooka đã nhồi, mồi nổ, hạt nổ… Anh Nghĩa lại thường xuyên hút thuốc lá mỗi khi suy nghĩ, tính toán. Rõ ràng là tai họa có thể ập xuống bất kỳ lúc nào”10. Vì là công việc khó nên việc chế tạo súng Bazooka phải làm đi làm lại nhiều lần, chỉ một sai sót nhỏ sẽ phải trả giá bằng xương máu của cán bộ nghiên cứu trong quá trình thử nghiệm và chiến sĩ nơi trận mạc...
Với những nỗ lực to lớn, đến cuối tháng 2-1947, tại Xưởng Quân giới Giang Tiên, dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của Trần Đại Nghĩa, các cán bộ, chiến sĩ quân giới đã sản xuất thành công súng Bazooka với sức mạnh xuyên thủng 75cm tường thành gạch xây, tương đương với sức nổ của đạn Bazooka do Mỹ chế tạo. Súng bazooka do Việt Nam chế tạo có ưu điểm nhẹ, có thể vác vai, bắn không giật, có sức công phá lớn, giúp bộ đội tăng cường sức mạnh hỏa lực, tiêu diệt xe tăng, tàu chiến, đồn bốt kiên cố của kẻ thù. Ngày 3-3-1947, súng Bazooka vừa xuất xưởng đã bắn cháy hai xe tăng của thực dân Pháp tại Sơn Lộ, Yên Sở, Quốc Oai (Hà Đông), góp phần bẻ gãy cuộc tấn công của quân Pháp ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Đông - Sơn Tây)11. Việc xuất hiện loại vũ khí mới đã gây cho địch hoang mang, còn quân đội, nhân dân ta ngày càng phấn khởi và tin tưởng vào chiến thắng12.
Dưới sự chỉ đạo của Trần Đại Nghĩa, Xưởng Quân giới tiếp tục sản xuất hàng loạt súng Bazooka với tính năng, tác dụng ngày càng cao. Trước kia, súng Bazooka chỉ được sử dụng tập trung đánh các loại xe tăng, thiết giáp của địch, sau đó, được dùng để bắn ô tô, lô cốt và thay thế lựu đạn ở những nơi đối phương tập trung đông. Sau một thời gian nghiên cứu hoàn thiện, tháng 4-1947, súng đạn Bazooka đã được chế tạo ổn định với kết quả tốt13. Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông (1947), súng Bazooka được sử dụng để bắn chìm tàu chiến Pháp ngược dòng sông Lô lên Việt Bắc. Ngày 12-10-1947, tại Bình Ca (Tuyên Quang), bộ đội đã sử dụng súng Bazooka bắn trúng tàu LCVP (tàu đổ bộ loại nhỏ khoảng 11m, trọng tải tối đa 15 tấn). Tàu địch bốc cháy, sau đó chạy lên phía trước khoảng 1km thì chìm dần xuống dòng sông Lô. Đây là chiến công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận sông Lô, mở đầu cho những chiến thắng liên tiếp trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 194714.
Chế tạo thành công súng và đạn không giật (SKZ)
Sau năm 1947, để phục vụ chiến lược đánh lâu dài với ta, thực dân Pháp cho xây dựng hệ thống đồn bốt công sự ngày càng kiên cố. Trong khi đó, chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, nhất là việc bộ đội ta bị thương vong nhiều khi dùng bộc phá cỡ lớn, hoặc mìn lõm cỡ lớn để đánh địch cố thủ trong các lô cốt bê tông cốt thép. Điểm hạn chế của súng Bazooka là bắn cách xa 100m thì sức phá sẽ kém và không đủ sức phá vỡ công sự. Để đánh bại kẻ thù, chúng ta phải có thêm nhiều loại vũ khí mới với tính tiện dụng và sát thương cao hơn.
Trước tình hình trên, Bộ Tổng chỉ huy giao cho Cục Quân giới tập trung nghiên cứu sản xuất loại vũ khí mới đảm bảo các yêu cầu như nhẹ hơn Bazooka, sản xuất nhanh hơn với số lượng lớn hơn và có sức công phá lớn để phá lô cốt, công sự của địch; đồng thời, đáp ứng yêu cầu chiến thuật đánh công kiên cũng như trình độ tác chiến ngày càng cao của bộ đội… Đáp ứng yêu cầu trên, Trần Đại Nghĩa cùng Nha Nghiên cứu kỹ thuật đã ngày đêm miệt mài nghiên cứu và luôn nghĩ đến một loại súng thật nhẹ, có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang đại bác. Lúc đầu, có người gợi ý làm Bazooka cỡ lớn, chuyển đường kính từ 60mm lên 90mm. Song, do nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật nên Nha Nghiên cứu kỹ thuật quyết định chuyển sang phương án làm súng không giật (SKZ) - một loại vũ khí hiện đại và xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản (1945). Nhưng công nghệ chế tạo ra nó như thế nào, cách thức ra sao chỉ những người sáng chế Mỹ mới biết.
Để chế tạo súng không giật, với ý thức trách nhiệm và lòng say mê nghiên cứu khoa học, Trần Đại Nghĩa phải chế tạo lặp đi lặp lại nhiều lần. Đến tháng 5-1949, Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của mình (Nguyễn Trinh Tiếp, Hoàng Đình Phu, Bùi Minh Tiêu, Phạm Đồng Điện, Nguyễn Văn Hường,…), đã chế tạo thành công súng, đạn không giật SKZ. SKZ được tổ chức bắn thử lần cuối ở cự ly 100 m tại Thành cổ Tuyên Quang với kết quả đạn nổ tốt, “có sức công phá lớn hơn, xuyên thủng xe tăng, lô cốt dày từ 0,6m đến 1m - nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược”15. Cục Quân giới gửi thiết kế, giao nhiệm vụ và hướng dẫn xưởng TĐ 97 thuộc Vụ Quân giới Liên khu sản xuất SKZ 60mm. Sau đó, Trần Đại Nghĩa cùng Nha Nghiên cứu kỹ thuật chế tạo SKZ 51mm, 81mm, 120mm, 175mm và tăng tầm bắn xa hơn, đạt tới 1.000 m, dùng hai loại đạn nổ phá thường và đạn xuyên... Súng, đạn SKZ đã được trang bị cho bộ đội đã phát huy hiệu quả lớn trong các chiến dịch, hạn chế thương vong cho bộ đội và đã làm quân Pháp hoảng sợ.
Sự ra đời của súng, đạn SKZ là một kỳ tích, một thành công vĩ đại của ngành Quân giới Việt Nam, trong đó, có sự đóng góp to lớn của Trần Đại Nghĩa. Đánh giá về súng SKZ do Trần Đại Nghĩa và ngành Quân giới Việt Nam sản xuất, tác giả Bernard B. Fall trong tác phẩm Street Without Joy, trang 273 viết: “Súng không giật đáng sợ của Việt Minh đã xuất hiện với tầm bắn rất gần vào các phương tiện cơ giới hạng nhẹ”16. Đến năm 1963, trong cuốn “Chiến tranh Đông Dương” xuất bản tại Paris, tác giả Lucien Bodart nhấn mạnh: “… cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60 cm là những quả đạn SKZ 8 kg mà người Việt chế tạo trong các hang núi… chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được lô cốt của chúng tôi… Họ đã đưa các khẩu SKZ lên đây và trong suốt 4 giờ liền họ đã giáng những cú sấm sét xuống khu nhà ngủ. Xung quanh chúng tôi tất cả đều sụp đổ…”17.
Sáng chế thành công “đạn bay”
Súng SKZ đã đáp ứng được yêu cầu rất lớn của chiến trường, nhưng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng cam go, quyết liệt. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là cần phải có nhiều loại vũ khó hiện đại hơn có sức công phá lớn để đánh đòn chí mạng vào những cụm, cứ điểm địch đồn trú. Đáp ứng yêu cầu đó, Trần Đại Nghĩa đã nhiều lần nghiên cứu các loại bom bay mang bí số VI, V2 của Đức nhưng chưa giải mã được bí mật về các loại vũ khí này. Ông không hề nản chí, tiếp tục nghiên cứu chế tạo một loại vũ khí mới có “uy lực, sấm sét” tiêu diệt kẻ thù.
Dựa trên thực địa chiến trường, Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu phương án tối ưu sản xuất thuốc đẩy quả bom bay nhanh nhất, sức công phá sấm sét nhất. Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng ông đã chế tạo thành công vũ khí mới với tên gọi “đạn bay”, trong đó có loại nặng 30kg có thể đánh phá các mục tiêu ở cách xa 4km. Sau đó, đạn bay được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt, gây cho địch nhiều tổn thất và hoang mang. Về uy lực của đạn bay, một hàng binh Pháp đã cho rằng: Ngay cả lính cảm tử của đội quân lê dương cũng có nhiều kẻ muốn chạy sang hàng ngũ Việt Minh để tránh được thảm cảnh gây ra bởi một loại vũ khí mới rất khủng khiếp, chẳng kém gì so với bom V1, V2 thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai18.
Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Đại Nghĩa với tư cách là một lãnh đạo, một nhà khoa học, đã cùng với các đồng chí của mình đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí như Bazooka, súng không giật (SKZ), đạn bay... góp phần quan trọng vào việc tăng cường hỏa lực của bộ binh, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội chủ động đối phó với kẻ thù, giảm thiểu thương vong cho bộ đội và nhân dân. Ngưỡng mộ tài năng, đức độ của một nhà khoa học quân sự tài ba, giới khoa học quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè đã mệnh danh Giáo sư Trần Đại Nghĩa là “Ông Vua vũ khí”19.
Sau khi kết túc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1956, Chính phủ thành lập Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được giao cho trọng trách Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Đến năm 1975, Chính phủ thành lập Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - cơ quan nghiên cứu khoa học lớn nhất của Việt Nam, ông tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ làm Viện trưởng. Trên cương vị đứng đầu cơ quan nghiên cứu khoa học cả nước, ông đã cùng với đội ngũ cán bộ khoa học của Viện tập trung nghiên cứu, phát triển nhiều ngành khoa học, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng khi mới 35 tuổi (1948), được tặng Huân chương Quân công hạng Ba (1948); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1952); Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh (1952). Năm 1996, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và cộng sự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về “Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)”…
Ngày nhận bài 3/11/2023; ngày thẩm định 15/12/2023; ngày duyệt đăng 20/12/2023
1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 19. Nguyễn Văn Đạo: Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 98, 100, 131, 133, 132, 133, 156, 139, 18, 21, 144.
5. Dương Trung Quốc, Nguyễn Bích Hằng: Trí thức Việt Nam xưa và nay, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006
11. Bộ Quốc phòng: Lịch sử ngành kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.60.
13. Xem: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 53.
14. Dẫn theo: Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang: Chiến thắng Bình Ca, http:--tuyenquang.edu.vn-tin-tuc-su-kien-tu-lieu-dia-phuong-thu-do-kha-ng-chie-n-02.-chien-thang-binh-ca.html.
15 Xem Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
16. Bernard B. Fall: Street Without Joy. P.237, “... and the feared Viet-Minh SKZ recoilless cannon oppened up at minimum range upon the "soft" vehicles...”, http:--www.trandainghia.net.
17, 18. Dẫn theo: “Ông vua” vũ khí Việt Nam Trần Đại Nghĩa”, http:--www.dantri.com.vn-Sukien-phongsu-Ong- vua-vu-khi-Viet-Nam-Tran-Dai-Nghia 3-2007-12-210729.vip.