Tóm tắt: Thanh Hoá là một tỉnh lớn, đất rộng, người đông, có cả vùng biển, vùng đồng bằng, trung du, miền núi và vùng biên giới giáp với nước bạn Lào. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa là của hậu phương lớn miền Bắc, có nhiều thuận lợi trong xây dựng phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp về an ninh, trật tự do sự chống phá của các thế lực phản động, nhất là hoạt động, cưỡng ép di cư, gián điệp, biệt kích của Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam gây ra. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng về giữ vững tình hình an ninh, chính trị, chống cưỡng ép di cư, gián điệp, biệt kích, bảo đảm an ninh, trật tự, trong giai đoạn 1954- 1975, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò của khối đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh đấu tranh chống cưỡng ép di cư và gián điệp, phản động, biệt kích xâm nhập, bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng địa phương và chi viện cho tiền tuyến miền Nam, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Từ khóa: Thanh Hóa; chống cưỡng ép di cư, gián điệp, biệt kích; 1954-1975
1. Đấu tranh chống cưỡng ép di cư và gián điệp, phản động, biệt kích xâm nhập (1954-1960)
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bọn phản động, nhất là bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa đẩy mạnh hoạt động dụ dỗ, cưỡng bức giáo dân di cư vào Nam với nhiều thủ đoạn khác nhau. Tại tỉnh Thanh Hóa, để cưỡng ép giáo dân di cư, bọn phản động đã rào nhà thờ, tập trung giáo dân ở Nga Sơn kéo ra Phát Diệm để đi Hải Phòng lên tàu vào Nam. Ở các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc chúng lôi kéo nhiều giáo dân rời bỏ làng xóm. Ở Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống,… bọn phản động ra sức lừa bịp, lôi kéo, cưỡng ép giáo dân vào Nam. Ở Ba Làng, huyện Tĩnh Gia, chúng sử dụng những kẻ phản động trà trộn trong hàng ngũ linh mục, chức sắc tôn giáo, lập trung tâm chỉ đạo di cư.
Trước tình hình đó, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phân tích, đánh giá tình hình, đề ra những biện pháp sắc bén, tổ chức lực lượng đấu tranh, cử các đoàn cán bộ về các điểm nóng để tuyên truyền vận động nhân dân ở lại quê hương.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các đoàn cán bộ chính trị, quân sự đã được đưa về các vùng công giáo tập trung, vạch rõ âm mưu lừa bịp của bọn phản động; tuyên truyền chính sách tự do tín ngưỡng, nêu cao vai trò của các linh mục tiến bộ, vận động đồng bào ở lại quê hương; giúp đỡ những người gặp khó khăn sản xuất chống đói; đồng thời kiên quyết trấn áp bọn phản động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng. Tại Tĩnh Gia, bọn phản động đã lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng ép 2.000 giáo dân từ Thượng Chiểu về Ba Làng chống lại chính quyền. Lực lượng vũ trang tỉnh đã trấn áp bọn phản động trong nhà thờ Ba Làng, kết quả có 451 tên côn đồ và những kẻ cầm đầu phải đầu hàng1. Tỉnh ủy chỉ đạo việc giải thích chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhân dân, nhất là đồng bào theo đạo, kết hợp với tỉnh Ninh Bình vận động hơn 4.119 giáo dân Nga Sơn tập trung tại Phát Diệm chờ di cư vào Nam, quay về quê cũ làm ăn2.
Tại miền Tây Thanh Hóa, lợi dụng địa hình hiểm trở, bọn phản động đã kích động thù hằn dân tộc, tuyên truyền, dọa nạt đồng bào, khống chế cán bộ và nhân dân, cưỡng ép nhân dân di cư sang Lào gây tình hình phức tạp ở địa bàn biên giới. Hơn 1.000 người đã bị chúng lừa gạt sang Lào3. Nhiều người đã chết vì đói rét và bệnh tật. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang phối hợp với chính quyền địa phương, đồng thời kết hợp với tỉnh Hủa Phăn của Lào, tổ chức giáo dục, thuyết phục đồng bào Mông không di cư sang Lào. Với cách làm này, đa số bà con đã quay về bản của mình.
Tại huyện Quan Hóa, Lang Chánh, lợi dụng khó khăn về kinh tế và sự lạc hậu của nhân dân địa phương, bọn lang đạo, thổ ty phản động đã uy hiếp, gây hoang mang trong quần chúng, chống phá cách mạng. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã tăng cường cán bộ, phối hợp cùng các ngành, tổ chức phát động quần chúng vạch trần âm mưu của các thế lực phản động bên ngoài, đồng thời thuyết phục vận động các gia đình có người thân đi theo phỉ trở về nhà, giao nộp vũ khí cho chính quyền cách mạng.
Năm 1958, đế quốc Mỹ trắng trợn can thiệp vào nội bộ Lào. Lực lượng phản động ở Lào thừa cơ tổ chức phá hoại cơ sở cách mạng ở khu vực Hủa Phăn giáp với tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam. Lợi dụng tình hình đó, Vi Văn Sếnh, một tên phản động ở địa phương đã liên lạc với bọn phản động ở Lào, âm mưu tập hợp bọn lang đạo, thổ phỉ âm mưu gây bạo loạn ở xã Quảng Chiểu. Chúng dự định tổ chức lực lượng đánh chiếm đồn công an biên phòng số 39, tước vũ khí của dân quân, du kích trong xã, xóa bỏ chính quyền nhân dân, lập khu tự trị người Thái4, sau đó sẽ phối hợp với lực lượng phản động ở Lào đánh chiếm vùng cao và tiến tới chiếm toàn bộ huyện Quan Hóa. Được quần chúng nhân dân giúp đỡ, đêm 22-11-1958, lực lượng bộ đội phối hợp với công an Thanh Hóa đã tổ chức bao vây bắt gọn đầu sỏ trong khi chúng đang bàn kế hoạch bạo loạn.
Ngày 13-7-1959, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị 31/CT-TU “về tăng cường công tác phòng thủ trị an, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hành động của địch”. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã kịp thời phát hiện, trấn áp, ngăn chặn gián điệp, biệt kích xâm nhập. Qua rà soát đã phát hiện 5.130 đối tượng, trục xuất một số đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tính chung trong 3 năm (1958-1960), trên mặt trận chống gián điệp, phản cách mạng, quân và dân Thanh Hóa đã trấn áp 246 tội phạm gồm: 20 gián điệp, 52 phản động, 42 tên chống phá chính sách, 6 tên thả tờ rơi phản động5.
Những kết quả trên mặt trận chống cưỡng ép di cư và gián điệp, phản động, biệt kích xâm nhập trong những năm 1954-1960 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã góp phần giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, nhân dân yên tâm, phấn khởi tập trung xây dựng lại quê hương sau chiến tranh.
2. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống gián điệp, phản động, biệt kích (1961-1965)
Trong những năm 1961-1965, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh tâm lý, tung gián điệp, biệt kích cấu kết với các thế lực phản động đội lốt tôn giáo hòng phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc.
Ngày 5-1-1962, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 24/CT-TU “về tăng cường công tác chống gián điệp, biệt kích và bảo vệ trật tự trị an”6. Thực hiện chỉ thị này, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống gián điệp, phản động, biệt kích ở các địa bàn quan trọng, tập trung tại các xã ven biển, biên giới, khu vực kinh tế, quốc phòng, các trục giao thông chính. Trong quá trình đó, công an Thanh Hóa đã đón bắt 13 tên gián điệp nước ngoài xâm nhập hoạt động tình báo7. Tháng 5-1962, máy bay Mỹ thả một toán biệt kích xuống Pù Khao, chờ bắt liên lạc với phản động nằm vùng. Ngày 13 - 6 -1962, lực lượng công an tỉnh kết hợp với bộ đội biên phòng và các đơn vị bộ đội chủ lực, dân quân du kích của các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa tiến hành truy lùng toán biệt kích trong địa bàn rừng núi hiểm trở của tỉnh. Đầu tháng 9-1962, nhân dân xã Nam Động (huyện Quan Hóa) phát hiện dấu vết của bọn biệt kích từ Lào vượt sông sang Việt Nam. Ngày 29 - 9 -1962, lực lượng vũ trang Thanh Hóa tổ chức tiêu diệt 1 tên biệt kích ở đồi San xã Hiền Kiệt (Quan Hóa), bắt sống 1 tên khác; ngày 18 - 10 - 1962, tiếp tục bắt gọn 3 tên biệt kích còn lại tại Kim Đàn (biên giới Việt - Lào)8. Ở miền xuôi, quân dân địa phương bắt gọn một toán biệt kích 4 tên tại mỏ đá Quan Sơn huyện Nông Cống.
Cùng với việc chống gián điệp, biệt kích, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, được sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng công an đã đập tan tổ chức phản động của Lường Mạnh Huân. Tháng 8-1961, Lường Mạnh Huân đã tập hợp những tên phản động, thổ phỉ và những phần tử xấu thành lập cái gọi là “Đảng cách mạng quốc gia Việt Nam” nhằm mục đích lật đổ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tổ chức này phát triển nhanh ở các vùng đồng bào các dân tộc ít người và vùng công giáo, trong đó tại 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc. Chúng tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, mua chuộc, cưỡng ép, tha hóa cán bộ có chức, có quyền; cấu kết với Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam để xin vũ khí, phương tiện chiến tranh. Dựa vào nhân dân, lực lượng công an đã nắm được âm mưu, thủ đoạn hành động của chúng, trong thời gian ngắn đã phát hiện toàn bộ hệ thống tổ chức của chúng ở các huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Yên Định, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc. Ngày 25 - 12 - 1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng công an Thanh Hóa phá án, bắt gọn 109 tên. Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xét xử vụ án và tuyên phạt Lường Mạnh Huân mức án cao nhất-tử hình, 25 tên tòng phạm nguy hiểm lĩnh án tù giam từ 3 đến 20 năm9.
Cũng trong thời gian này, lực lượng công an trong tỉnh đã đập tan tổ chức “Hội tràng hạt Mân Côi”. Đây là một tổ chức phản động lợi dụng tôn giáo lập ra tại Nga Sơn, từ đầu năm 1960, nhằm thực hiện âm mưu: củng cố lực lượng, củng cố đức tin, đón chờ “Bắc tiến của Mỹ và tay sai ở miền Nam để phối hợp lật đổ chính quyền. “Hội tràng hạt Mân Côi” đã phát triển ở 4 xã: Nga Liên, Nga Thái, Nga Phú, Nga Điền (Nga Sơn) và ở một số vùng công giáo thuộc các huyện Hà Trung, Yên Định, Quảng Xương, Tĩnh Gia,… với tổng số 159 hội viên, riêng Nga Sơn có 86 tên. Sau khi điều tra, nắm bắt thông tin, Công an Thanh Hóa lập chuyên án N-111. Ngày 26 - 6 - 1962, đã phá án thắng lợi, bắt 20 tên, trong đó đa số là bọn đầu sỏ. Tổ chức “Hội tràng hạt Mân Côi” phản động bị tan rã10. An ninh chính trị, trật tự xã hội ở các vùng trong tỉnh được giữ vững.
Vào cuối tháng 7-1964, Mỹ tăng cường hoạt động khiêu khích miền Bắc, đặc biệt là ở khu IV. Đêm 30-7-1964, hai tàu biệt kích của quân đội Sài Gòn bí mật vào phá hoại đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) và Hòn Ngư (Nghệ An). Sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5-8-1964, Mỹ cho 40 máy bay chiến đấu từ tàu sân bay Hạm đội 7 bất ngờ tấn công một số điểm ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh, trong đó có Thanh Hóa. Cùng với tăng cường chiến tranh phá hoại bằng không quân, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam tăng cường các hoạt động gián điệp biệt kích, chiến tranh tâm lý, vây bắt ngư dân đánh cá trên biển để khai thác, thu thập tin tức tình báo. Trong đó, khi bắt được ngư dân, chúng thu giấy tờ, tiền bạc, quần áo, tìm hiểu đặc điểm, độ nông sâu ở một số cửa lạch và ven biển Thanh Hóa. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã lập kế hoạch, tổ chức tuyên truyền vạch rõ âm mưu địch, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho quần chúng. Tỉnh Thanh Hóa tổ chức lại các đội tàu thuyền đánh cá, lựa chọn những người có tư tưởng, lập trường vững vàng, kiên định, bố trí đảng viên, đoàn viên thanh niên thành từng tổ ra khơi đánh cá, tạo thành những trung đội, tiểu đội dân quân mạnh trên biển.
3. Chủ động, linh hoạt đấu tranh phòng chống gián điệp, phản động, biệt kích (1965-1972)
Từ tháng 3-1965, Mỹ đã leo thang mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”; tăng cường dùng không quân hải quân đánh phá ra miền Bắc, Mỹ liên tục cho máy bay trinh sát các tuyến đường giao thông chiến lược, các khu vực quân sự, kinh tế ở phía Bắc; tăng cường chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý, kích động bọn phản động gây rối, gây bạo loạn nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, uy hiếp tinh thần kháng chiến của quân và dân Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết HNTƯ 11 khóa III (1965), với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong bất cứ tình huống nào, Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo các ngành, các cấp, các lực lượng trong tỉnh tích cực củng cố thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ngày 9-10-1966, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 11/NQ/TU “về chống địch dùng bộ binh tập kích ven biển”. Thực hiện Nghị quyết này, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã triển khai nhiều phương án tác chiến, truy lùng, vây bắt gián điệp, biệt kích trong các tình huống khác nhau; xây dựng tuyến phòng thủ ven biển vững chắc; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, thự hiện các phương án chống địch dùng bộ binh tập kích ven biển. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã triệt phá được nhiều tổ chức phản động, biệt kính xâm nhập và gián điệp được cài cắm trên địa bàn tỉnh. Năm 1967, bắt Lưu Dĩ Hằng gián điệp của nước ngoài được cài cắm, làm việc tại Ty Thủy Lợi Thanh Hóa. Tháng 12-1968, phá tan tổ chức phản động “Bạch Sĩ Đảng” tại huyện Vĩnh Lộc và Yên Định.
Những thắng lợi trên của quân và dân Thanh Hóa góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đẩy lùi ý chí xâm lược và buộc chúng phải giữ thế phòng ngự trên chiến trường miền Nam, xuống thang chiến tranh ở miền Bắc.
Từ tháng 4-1968, đế quốc Mỹ ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, nhưng vẫn tiếp tục tung gián điệp, biệt kích ra miền Bắc. Cơ quan tình báo CIA và đặc ủy tình báo Sài Gòn phối hợp thực hiện tình báo song phương Việt-Mỹ (lúc đầu là kế hoạch Bình Minh sau đổi thành Hải Yến), khai thác, mua chuộc, khống chế cán bộ, bộ đội của ta bị bắt ở các chiến trường để tuyển chọn, huấn luyện làm gián điệp rồi tung trở lại miền Bắc hoạt động (phương thức P86).
Đấu tranh chống âm mưu và hoạt động gián điệp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong giai đoạn này, lực lượng công an phối hợp với lực lượng quân sự tỉnh Thanh Hóa nắm tình hình số bộ đội đào ngũ về địa phương, mở đợt tấn công chính trị vào số đối tượng nghi vấn, tiến hành đấu tranh chuyên án làm rõ một số vụ gián điệp ẩn nấp hoạt động theo phương thức P86.
Năm 1970, lực lượng công an phối hợp với bộ đội tỉnh phá tan tổ chức phản động mang tên “Đảng chân lý” ở thị xã Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, thu toàn bộ tài liệu gồm cương lĩnh, điều lệ, bản hiệu triệu, cờ, con dấu và vũ khí. Vụ án được đưa ra xét xử kịp thời. Tiếp đó, ngày 13-12-1971, phá tan tổ chức phản động “Phục Quốc Đồng Minh Hội” tại huyện Thường Xuân do Trần Kiều Gan cầm đầu11.
Năm 1972, đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại lần thứ 2 đối với miền Bắc và tiếp tục tung gián điệp, biệt kích ra miền Bắc, bắt cóc ngư dân trên biển, thực hiện chiến tranh tâm lý.
Ngày 10-4-1972, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 03/CT-TU chỉ đạo các địa phương, các ngành trong tỉnh khẩn trương chuyển hướng mọi hoạt động cho phù hợp với thời chiến và khắc phục hậu quả do địch đánh phá. Về công tác an ninh, trật tự, chỉ thị nhấn mạnh: “Phải làm tốt công tác phòng không nhân dân, nhất là các vùng trọng điểm… tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, chống chiến tranh tâm lý và đấu tranh với bọn phản động nội địa” 12.
Lực lượng vũ trang tỉnh mở chiến dịch chống chiến tranh tâm lý của địch, tổ chức phát động quần chúng thu gom hàng nghìn tờ truyền đơn, hàng triệu đồng tiền Việt Nam giả, hàng tấn quần áo và đồ dùng các loại, nhiều đài tâm lý chiến của địch... Với cách làm đó, quân dân Thanh Hóa đã đánh bại chiến tranh tâm lý, tung gián điệp, biệt kích vào đất liền, bắt cóc ngư dân trên biển của Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
4. Đấu tranh phòng chống gián điệp, phản động, biệt kích (1973-1975)
Tháng 1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, theo Hiệp định, Mỹ và các nước phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam. Tuy nhiên, về thực chất, Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam, cơ quan tình báo Mỹ - CIA tiếp tục chuẩn bị các quân bài chính trị, tuyển chọn và huấn luyện các điệp viên mới… hình thành đội quân ngầm chống phá cách mạng Việt Nam. Tại miền Bắc, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam vẫn tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của nhân dân hai miền là: Tăng cường đoàn kết, luôn luôn đề cao cảnh giác, ra sức phấn đấu để củng cố những thắng lợi đã giành được; giữ vững hòa bình lâu dài, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.
Quán triệt yêu cầu trên, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chuẩn bị kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp cả công khai và bí mật nhằm chống gián điệp trà trộn trong những người bị địch bắt trao trả, trong các đoàn tham quan, du lịch, các đoàn rà phá bom mìn. Đồng thời có phương án chống chiến tranh tâm lý của địch. Trong đó, công tác đấu tranh chống gián điệp hoạt động theo phương thức P68, T27, công an phối hợp với quân đội tiến hành rà soát điều tra nghiên cứu, trinh sát thận trọng, nắm tình hình, kiểm soát chặt những những phần tử nghi vấn và có biện pháp xử lý kiên quyết, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Những chiến công trên mặt trận chống gián điệp, phản động, biệt kích xâm nhập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã góp phần ổn định an ninh, chính trị, đảm bảo an toàn, tính mạng và của cải cho nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh hoàn thành thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh chống cưỡng ép di cư và gián điệp, phản động, biệt kích xâm nhập. Những thành tích xuất sắc đó đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng của cải của nhân dân, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, bảo vệ miền Bắc XHCN và chi viện cho miền Nam, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
Ngày nhận bài: 11-4-2024; Ngày thẩm định, đánh giá: 20-10-2024; Ngày duyệt đăng: 20-11-2024