Tóm tắt: Lương thực là nhu cầu thiết yếu của con người và là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia. Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực cho nhân dân. Trong những năm 2008-2023, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần vào việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Bài viết làm rõ chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực trong những năm 2008-2023; những kết quả đạt được và đề xuất một số vấn đề cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Từ khóa: Chủ trương của Đảng; phát triển nông nghiệp; an ninh lương thực; 2008-2023
1. Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng và toàn diện. Nông nghiệp liên tục phát triển với tốc độ khá, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực (ANLT) quốc gia, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới, đặc biệt là lúa gạo. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 5-8-2008, HNTƯ 7 khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Nghị quyết chỉ rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”1. Đặt vấn đề nông nghiệp trong tổng thể chiến lược đảm bảo ANLT, Nghị quyết nhấn mạnh: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài2.
Tiếp đó, ngày 5-8-2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 53-KL/TW “Về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp, nông thôn. Đây là khu vực chính trong sản xuất lương thực, thực phẩm, là yếu tố hàng đầu góp phần bảo đảm ANLT quốc gia, phát triển kinh tế và ổn định xã hội của đất nước. Kết luận của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ:
Quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả là cơ sở để bảo đảm vững chắc ANLT quốc gia; gắn sản xuất với các hình thức tổ chức phù hợp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, nâng cao dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn của nhân dân.
Phát huy lợi thế về cây lúa là chính và phát triển lương thực, thực phẩm thành các vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến, bảo quản theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường bền vững; cân đối hài hòa giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lương thực, thực phẩm.
Tổ chức tốt hệ thống mua, bán và dự trữ ở các vùng miền, tạo thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận dễ dàng về lương thực, thực phẩm với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
Kết luận đề ra mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: “Phải bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn 2 lần tốc độ tăng dân số. Chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn”3.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 29-7-2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW “Về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030: “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.
Sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa với kế hoạch chặt chẽ; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, bảo đảm thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, khoa học; nâng mức tiêu thụ lương thực; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 19% và thể nhẹ cân xuống dưới 10,5%; tỉ lệ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%”4.
Kết luận số 81-KL/TW không chỉ dừng lại ở việc đảm số lượng lương thực cần thiết, mà chất lượng lương thực được khẳng định là vấn đề thiết yếu, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, của Nhà nước về đảm bảo ANLT được ban hành. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23-12-2009 “Về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”, xác định: An ninh lương thực là vấn đề trọng đại của đất nước trước mắt cũng như lâu dài, đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số, chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất.
Đến năm 2012, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25-3-2021 “Về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, với mục tiêu chung là: “Đảm đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam”5. Mục tiêu cụ thể là: đến năm 2030 giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, với sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo.
Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, khí hậu cực đoan (hiện tượng El Nino, La Nina) gia tăng mạnh mẽ, ảnh hưởng tới sản xuất lương thực trên thế giới. Bên cạnh đó, một số cuộc xung đột giữa các quốc gia diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng tới việc vận chuyển ngũ cốc trên thế giới; thỏa thuận ngũ cốc biển Đen hết hiệu lực, một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo dẫn tới giá gạo có xu hướng tăng cao.
Trước tình hình trên, ngày 5-8-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg “Về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay”, nhằm đảm bảo vững chắc ANLT quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam.
Trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, vấn đề dự trữ cũng rất được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngày 28-12-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2091/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược phát triển Dự trữ quốc gia đến năm 2020”, với mục tiêu: “Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ động viên công nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực,…”. Với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của của Đảng, Nhà nước, chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đã bám sát các mục tiêu, định hướng, nguồn lực dự trữ quốc gia được quản lý và sử dụng kịp thời, hiệu quả, giai đoạn 2013-2023, “Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp lượng hàng hóa trị giá trên 20.500 tỷ đồng, trong đó xuất cấp khoảng 1.418.000 tấn gạo, trị giá khoảng 14.800 tỷ đồng (khoảng 538.000 tấn gạo để cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; 820.000 tấn gạo để hỗ trợ học sinh ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các dự án trồng rừng và xuất 60.000 tấn gạo để cứu trợ, viện trợ) cùng nhiều mặt hàng vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn khác; hàng quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, y tế”6.
Trước bối cảnh thị trường có biến động mạnh về lượng cung-cầu và giá lương thực tại thời điểm đang tổ chức mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia, ngày 18-8-2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có Văn bản số 1259/TCDT-KH “Yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch lương thực được giao năm 2023”. Theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực và dự báo, đánh giá những tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng mua gạo dự trữ quốc gia đã ký để chủ động có giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra.
Những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trên là cơ sở, nền tảng vững chắc đối với việc triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm vững chắc ANLT quốc gia.
2. Những kết quả đạt được
Trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, đặc biệt là nông dân, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và cung cấp lương thực, thực phẩm của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên các mặt.
Một là, nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Chủ trương của Đảng về hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, đã khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo ANLT quốc gia. Trong giai đoạn 2001-2008, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao, sản lượng các loại ngũ cốc tăng bình quân 3,7%/năm, cao hơn khoảng 3 lần tốc độ tăng dân số trong cùng thời kỳ, an ninh lương thực quốc gia đạt được những thành tựu quan trọng7. Giai đoạn 2009-2020, “sản xuất lương thực, thực phẩm liên tục phát triển; sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,45 triệu tấn, bình quân lương thực tăng từ 497 kg/người/năm lên trên 525 kg/người/năm; sản lượng thịt hơi các loại tăng 1,3 lần, sữa các loại tăng 3,36 lần, trứng tăng 2,13 lần; sản lượng thủy sản tăng 1,7 lần. Tình trạng thiếu dinh dưỡng đã giảm xuống còn 10,8% năm 2019; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là thu nhập của người dân nông thôn tăng 3,65 lần”8. Hệ thống lưu thông lương thực từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận lương thực. Cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước được thực hiện ngày càng hoàn thiện tại thị trường nội địa; bảo đảm ANLT trong nước cũng như xuất khẩu.
Hai là, Việt Nam trở thành nhóm nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.
Nhờ nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, Việt Nam đã từ một nước thiếu lương thực, phải nhập khẩu lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo. “Năm 2000, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3,5 triệu tấn, tăng hơn 26 lần so với năm 1986”9. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới, với tổng kim ngạch năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD tiếp cận đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỉ trọng gần 12% GDP10. Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường, nhưng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt được các kết quả nổi bật trong năm 2023, “giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt hơn 53 tỷ USD, khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”11.
Vai trò, uy tín của Việt Nam ngày càng khẳng định và thể hiện rõ nét đối với vấn đề ANLT và công cuộc chống đói nghèo toàn cầu. Đặc biệt trong giai đoạn biến động khủng hoảng kinh tế và tác động của đại dịch COVID-19 Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thế giới. Kết quả này có thể khẳng định: cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân, ngành nông nghiệp Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng, phản ứng linh hoạt trước những biến động của thị trường.
Ba là, Việt Nam là một trong những trụ cột giúp đỡ ngành nông nghiệp châu Phi.
Từ những chủ trương đúng đắn, khơi dậy tiềm năng của nhân dân, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam đã bảo đảm ANLT cho người dân trong nước, với những thành tựu, kinh nghiệm này, Việt Nam có điều kiện để tham gia đóng góp vào chương trình bảo đảm ANLT toàn cầu. Chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam đã có mặt ở các nước châu Phi, giúp đỡ nông dân trồng lúa, ngô, rau màu và nuôi cá dưới các hình thức hợp tác ba bên như: hợp tác JICA - châu Phi - Việt Nam, hợp tác FAO - châu Phi - Việt Nam, hợp tác IFAD - châu Phi - Việt Nam… Chính sự hỗ trợ thiết thực đến từ Việt Nam, năng suất cây trồng và chăn nuôi của một số nước châu Phi tăng trưởng tốt, góp phần đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân.
Sau Hội nghị lần thứ nhất về hợp tác Nam - Nam (tổ chức tại Buenos Aires, thủ đô Argentina, năm 1996) vấn đề kết nối giữa các nước đang phát triển ở châu Phi với đối tác tài chính toàn cầu được triển khai mạnh mẽ. Đây là diễn đàn trao đổi và chia sẻ các giải pháp hữu ích giữa Việt Nam và các quốc gia ở phía Nam châu Phi. Qua 27 năm (1996-2023), “Việt Nam đã hỗ trợ 12 nước châu Phi với nhiều ví dụ thành công ở Guinea, Namibia, Mozambique, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Congo… Các dự án nông nghiệp Việt Nam tham gia đã giúp tăng năng suất trồng lúa từ 2 - 4 lần”12, sự hỗ trợ từ Việt Nam đã góp phần giải quyết vấn đề ANLT trong khu vực.
Tháng 6-2023, tại Cộng hòa Sierra Leone, FAO và Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác Nam-Nam và Tam giác (SSTC), dự án này có ngân sách 5 triệu USD, được Qũy ủy thác đơn phương (UTF) thông qua. Theo thỏa thuận, “trong 4 năm thực hiện dự án, Việt Nam sẽ cung cấp cho Sierra Leone những kiến thức chuyên môn về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Các chuyên gia và kỹ thuật viên chuyên ngành lúa gạo, thủy lợi, nhân giống, cơ giới hóa và quản lý sau thu hoạch sẽ được triển khai đến các địa điểm khác nhau, bao gồm cả các trạm nghiên cứu. Ngoài ra, các sáng kiến xây dựng năng lực như tham quan học tập, đào tạo thực địa và đào tạo giảng viên sẽ được triển khai để trao quyền cho các bên liên quan tại địa phương”13.
Với phương châm “Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững”, xây dựng nền nông nghiệp xanh, ít phát thải, với mục tiêu năm 2050, mức phát thải ròng từ sản xuất nông nghiệp bằng “0”, bảo vệ môi trường, đảm bảo ANLT. Thực hiện công tác hỗ trợ và chuyển giao công nghệ, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến quản lý sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu tác động môi trường, giúp giảm phát thải khí nhà kính và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp.
Bên cạnh những thành tựu trên, vấn đề ANLT vẫn còn một số thách thức: Nhận thức về vai trò của nông nghiệp của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương còn xem nhẹ, tâm lý “trọng công”, “trọng thương” hơn “trọng nông” của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương. Quy hoạch tổng thể quỹ đất sử dụng đất nông nghiệp nhất là đất trồng lúa chưa tốt. Ở một số tỉnh, thành trong quá trình quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị còn manh mún, chưa có kế hoạch tổng thể nhằm khai thác tốt nguồn lực của đất đai đã làm cho diện tích đất nông nghiệp sụt giảm với tốc độ nhanh chóng. Lĩnh vực nông nghiệp chưa nhận được đầu tư xứng tầm, chưa có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh lương thực. Chưa có các dự án lớn, trọng điểm đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi. Sự yếu kém trong hệ thống phân tích, dẫn tới dự báo cung - cầu lương thực, điều hành sản xuất, dự trữ, xuất khẩu và giá cả chưa chính xác, kịp thời đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất và thu nhập của người nông dân. Hệ thống phân phối lúa gạo, cơ chế thu mua còn một số hạn chế, nhất là chưa được tổ chức chặt chẽ. Sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, đối với lĩnh vực nông. Tình hình thế giới có những biến đổi khó lường, bất ổn ở khắp các châu lục, dẫn tới sản lượng lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới ANLT khu vực và thế giới.
3. Một số vấn đề cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nội dung quan trọng trong việc đảm bảo ANLT, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nhất quán và quan tâm sâu sắc đối với vấn đề này. Vì vậy, việc đưa nghị quyết vào cuộc sống là điều kiện tiên quyết, quyết định sự thành công của công tác đảm bảo ANLT quốc gia và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và các cấp ủy, chính quyền về vị trí, tầm quan trọng của việc đảm bảo ANLT. Tạo sự chuyển biến về tâm lý của xã hội theo hướng “trọng nông” thay vì “trọng công” và “trọng thương” bằng các hoạt động như: vinh danh các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học, những gương nông dân điển hình, có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp; có những chương trình truyền thông báo chí chuyên biệt, tăng thời lượng phát sóng và tin bài về chủ đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Thứ hai, từ Trung ương đến cấp chính quyền địa phương cần rà soát, xây dựng chiến lược về quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp, đất sản xuất lương thực nói riêng, đặc biệt là đất trồng lúa; kiên quyết giữ ổn định diện tích đất nông nghiệp có lợi thế về sản xuất lương thực; tránh đầu tư cụm công nghiệp, đô thị tràn lan, thiếu quy hoạch tổng thể; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số điều khoản không phù hợp của các luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm bảo vệ diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích đất chuyên canh trồng lúa.
Thứ ba, quan tâm, đầu tư khoa học - công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, cần tập trung nghiên cứu chuyên sâu, có những bước đột phá trong lĩnh vực giống, cây trồng, sau thu hoạch và các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp; có chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực chuyên sâu về nông nghiệp để họ yên tâm để nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học, tạo bước đột phá năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Thứ tư, có những chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn, tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như chính sách tín dụng, thuế, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Thông qua các cơ chế ưu đãi thu hút được các dự án lớn từ nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ năm, có phương án cụ thể nhằm hạn chế ảnh hưởng tối đa của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp; tập huấn cho người nông dân thích ứng với những biến đổi không ngừng của khí hậu, của hiện tượng nước biển dâng. Nghiên cứu đánh giá đầy đủ, chính xác những kịch bản có thể xảy ra để từng bước xây dựng các công trình thủy lợi, nhà ở phù hợp nhằm giảm thiểu tác hại của nước biển dâng, lũ lụt và sự thiếu hụt về nguồn tưới tiêu, cần bảo vệ vững chắc vùng chuyên canh cây lương thực, thực phẩm.
Thứ sáu, xây dựng hệ thống và cơ chế thu mua lúa gạo có sự giám sát của Nhà nước nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nông dân, tránh tình trạng buông lỏng quản lý, hoạt động thu mua phụ thuộc chủ yếu vào thương lái; cần xây dựng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo trung hạn, dài hạn linh hoạt, phù hợp với diễn biến phức tạp của thế giới. Cung cầu trong nước và giá cả thị trường lúa gạo thế giới luôn có sự biến động khó lường, vì vậy Nhà nước cần tăng cường đầu tư để nâng cao khả năng dự báo về tình sản xuất và thị trương lương thực thế giới để có kế hoạch sản xuất, tích trữ linh hoạt, không dừng lại ở dự báo xuất khẩu, mà cần có cả những dự báo về nhập khẩu.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hợp tác với những quốc gia, các trung tâm nghiên cứu cây trồng, vật nuôi uy tín trên thế giới, nhằm chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; hợp tác với các nước có tiềm năng về sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm hỗ trợ họ phát triển sản xuất và góp phần đảm bảo ANLT thế giới; tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng và triển vọng; đồng thời, tiếp tục duy trì các thị trường tiêu thụ truyền thống, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; nghiên cứu giảm chi phí logistics trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Vấn đề ANLT luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, coi ANLT là nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo sự ổn định xã hội, phát triển bền vững, Đảng đã kịp thời đưa ra những chủ trương, biện pháp nhằm ứng phó hiệu quả đối với các rủi ro có thể xảy ra, nhất là trong điều kiện bất ổn thế giới, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Việt Nam, với vai trò là một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới, trong thời gian qua cũng có đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung về các thách thức về ANLT thế giới.
Ngày gửi: 29-7-2024; ngày thẩm định: 20-8-2024; ngày duyệt đăng: 30-9-2024
3. Bộ Chính trị: Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Ket-luan-53-KL-TW-De-an-An-ninh-luong-thuc-quoc-gia-den-nam-2020-146620.aspx, ngày truy cập 28-9-2024
6. Đức Minh: “Xây dựng nguồn lực dự trữ quốc gia có quy mô đủ mạnh, cơ cấu hợp lý”, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xay-dung-nguon-luc-du-tru-quoc-gia-co-quy-mo-du-manh-co-cau-hop-ly-149640.html, đăng ngày 29-4-2024
7. Chính phủ: Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23-12-2009 “Về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nghi-quyet-63-NQ-CP-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-quoc-gia-99280.aspx