Tóm tắt: Giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế (HNQT) có mối quan hệ biện chứng. Độc lập, tự chủ là cơ sở, điều kiện, tiền đề để chủ động, tích cực HNQT. Và HNQT góp phần tăng cường khả năng giữ vững độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc. Để tận dụng tác động tích cực của mối quan hệ biện chứng này, cần chủ động, tích cực HNQT; phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; chủ động xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; quán triệt tốt phương châm bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc khi hội nhập.

Từ khoá: Độc lập dân tộc; chủ động hội nhập quốc tế

1. Tiếp tục tinh thần Đại hội XI (2011), Đại hội XII (2016) của Đảng yêu cầu quán triệt và xử lý tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Trong đó, có mối quan hệ “giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”1. Cụ thể hóa quan điểm này, Đại hội XII đề ra nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực HNQT. Bởi lẽ, giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực HNQT có mối quan hệ biện chứng, tác động, ảnh hưởng, qua lại lẫn nhau, điều này thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, độc lập, tự chủ là cơ sở, điều kiện, tiền đề để chủ động, tích cực HNQT. Bởi lẽ, một là, độc lập, tự chủ không phải là biệt lập, biệt phái hay cô lập với thế giới. Trong thời đại ngày nay, độc lập, tự chủ không đứng ngoài HNQT. Độc lập, tự chủ thể hiện chủ quyền, quyền tự quyết, tự lựa chọn con đường phát triển, tự quyết định mô hình phát triển,... của dân tộc, quốc gia. Tự chủ là năng lực thực hiện chủ quyền, tức là thực hiện quyền tự quyết dân tộc trên thực tế. Độc lập, tự chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... Do đó, không có độc lập, tự chủ thì không thể nói tới HNQT chứ chưa nói tới chủ động, tích cực HNQT. Bởi lẽ, khi đó việc HNQT của dân tộc, quốc gia sẽ bị quy định bởi các lực lượng, thế lực bên ngoài, bởi các nhân tố tự phát bên ngoài. Hai là, độc lập, tự chủ là nhân tố đóng vai trò quyết định trong mối quan hệ với chủ động, tích cực HNQT. Bởi lẽ, tác động của HNQT theo xu hướng nào, bước đi của quá trình HNQT nhanh hay chậm, cách thức HNQT chủ động hay bị động, HNQT hiệu quả hay không hiệu quả,... phụ thuộc cơ bản vào việc giữ vững độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc. Có độc lập, tự chủ thì mới độc lập, tự chủ trong việc tự quyết định lộ trình, bước đi, cách thức, nội dung, biện pháp, đối tác, lĩnh vực,... HNQT. Qua 30 năm đổi mới, đường lối độc lập, tự chủ của Đảng đã định hướng đúng cho tiến trình hội nhập từ việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, xác định lộ trình hội nhập phù hợp... Ban đầu chúng ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, sau đó cùng với hội nhập kinh tế, đã từng bước hội nhập toàn diện vào khu vực và quốc tế. Do vậy, quan hệ đối ngoại của nước ta được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tạo ra thế và lực mới của đất nước. Quan điểm và chính sách kiên trì độc lập, tự chủ của Đảng luôn được cụ thể hóa, bổ sung và phát triển theo sự chuyển biến của tình hình trong nước và quốc tế. Điều đó đã mở đường cho quá trình HNQT của Việt Nam ngày càng sâu rộng, phục vụ thiết thực và hiệu quả cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường XHCN. Ba là, có độc lập, tự chủ thì mới độc lập, tự chủ trong lựa chọn, đề xuất các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu hạn chế tác động tiêu cực, phát huy tác động tích cực trong quá trình HNQT. Có độc lập, tự chủ thì mới độc lập, tự chủ trong phân tích, xử lý thông tin để có những giải pháp thiết thực, đồng bộ, hữu hiệu trước sự thay đổi mau lẹ của tình hình thế giới và khu vực. Có như vậy mới chủ động, tích cực trong HNQT được. Bốn là, độc lập, tự chủ là cơ sở để tận dụng nhiều cơ hội to lớn, đồng thời hạn chế tối đa những thách thức gay gắt, nhất là đối với những nước vừa, nhỏ, đang phát triển như Việt Nam do quá trình toàn cầu hóa gây ra. Để thích ứng với tiến trình toàn cầu hóa, để tận dụng được những cơ hội vàng do toàn cầu hóa đem lại, để đủ sức ngăn ngừa và khắc phục những thách thức do toàn cầu hóa gây ra thì các quốc gia phải chủ động, độc lập, tự chủ và nỗ lực cùng nhau hợp tác không phân biệt giàu nghèo, to nhỏ. Sự hợp tác đó phải trên tinh thần bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế. Các quốc gia, dân tộc chủ động HNQT trên cơ sở độc lập, tự chủ thì mới có hiệu quả. Có vậy thì nước ta và các nước khác mới bổ sung, hỗ trợ được cho nhau về tài nguyên, kỹ thuật, công nghệ, thị trường, nhân lực, vốn… sẽ thúc đẩy trực tiếp phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở đó chúng ta mới phát triển được kinh tế-xã hội và giữ vững được độc lập, tự chủ. Điều này lại tác động tích cực trở lại tới chủ động HNQT. Năm là, độc lập, tự chủ sẽ là cơ sở, điều kiện để nước ta chủ động phát huy được lợi thế so sánh của mình trong quá trình HNQT nhằm từng bước phát triển. Chẳng hạn, chúng ta có lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, may mặc, giày da,... Chúng ta chỉ có thể xuất khẩu được những mặt hàng có lợi thế so sánh này khi hội nhập đầy đủ và sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Nhưng nếu không độc lập, tự chủ thì lợi thế so sánh trong hội nhập sẽ bị các nước lớn o ép theo ý họ. Có độc lập, tự chủ thì mới cân đối được, làm chủ được quan hệ giữa xuất khẩu và nhập khẩu, tránh nhập siêu quá giới hạn cho phép của nền kinh tế. Chúng ta mới thúc đẩy cho kinh tế du lịch phát triển, lôi cuốn, kêu gọi được khách quốc tế đến tham quan, du lịch, làm ăn tại nước ta. Đây cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Chẳng hạn, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2-2017 ước đạt 1.199.421 lượt, tăng 19,1% so với tháng 1-2017 và tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 2 tháng năm 2017 ước đạt 2.206.659 lượt khách, tăng 33,0% so với cùng kỳ năm 20162. Điều này không chỉ gia tăng mối quan hệ về văn hóa, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc mà còn góp phần trực tiếp tăng trưởng kinh tế-tạo tiền đề vật chất cho giữ vững độc lập, tự chủ và HNQT.

Thứ hai, HNQT góp phần tăng cường khả năng giữ vững độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc. Bởi lẽ, một là, HNQT sẽ tạo ra những cơ hội, tiền đề cho chúng ta giữ vững độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Thực tiễn 30 năm mở cửa, hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý hiệu quả của Nhà nước, HNQT đã trở thành một trong các nguồn lực quan trọng để chúng ta củng cố độc lập, tự chủ. Chủ động, tích cực HNQT vừa là một giải pháp vừa là một động lực để giữ vững độc lập, tự chủ. Bởi lẽ, muốn phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững độc lập, tự chủ, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng HNQT nói chung. Hai là, HNQT tạo ra những cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở đó giữ vững độc lập, tự chủ. Để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững độc lập, tự chủ chúng ta phải phát huy cao độ nội lực, xem đó là nhân tố quyết định đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, cũng phải coi trọng huy động các nguồn lực bên ngoài, thông qua hội nhập và hợp tác quốc tế. Chính HNQT cho chúng ta những điều kiện để tận dụng được lợi thế của các nguồn lực bên ngoài như nguồn lực vốn, nguồn lực kỹ thuật, nguồn lực kinh nghiệm quản lý,... Thời đại ngày nay là thời đại toàn cầu hóa, cùng với những tác động tiêu cực là những cơ hội mở rộng thị trường, hàng rào thuế quan ngày càng thu hẹp, làm cho các luồng chuyển giao vốn vượt ra khỏi biên giới quốc gia, dân tộc, tạo ra nhiều hình thức đầu tư, hợp tác sản xuất,... Tất cả những thuận lợi này cũng như các nguồn lực bên ngoài này chỉ được phát huy có hiệu quả thông qua nội lực. Do vậy, phải chủ động, tích cực trong HNQT. Từ đó, chúng ta mới chủ động trong lựa chọn tiếp thu các nguồn lực bên ngoài một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, có thể ngăn ngừa, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực do HNQT gây ra. Ba là, chủ động, tích cực HNQT giúp chúng ta thực hiện thành công CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Trên cơ sở này có điều kiện giữ vững độc lập, tự chủ. Muốn vậy, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác cần tranh thủ các cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra. Chính quá trình toàn cầu hóa đang làm thay đổi phân công lao động trong từng khu vực và trên toàn thế giới. Chúng ta có thể tận dụng sự tái phân công lao động này để phát huy mặt mạnh và lợi thế so sánh cho phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sẽ cho chúng ta những cơ hội để rút ngắn quá trình này. Bởi lẽ, hội nhập kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa, sẽ có cơ hội tiếp nhận và ứng dụng nhanh chóng những thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến. Đồng chí Võ Văn Kiệt, ngay từ năm 1990 phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới,  tại Đavốt Thụy Sỹ, đã khẳng định: “... với những kinh nghiệm đúc kết được, với những thử thách đã vượt qua, chúng tôi đã nhận thức được sự cần thiết của sự hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế như là một nhân tố quyết định cho việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa đất nước”3. Nhờ HNQT mà các dòng đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào sẽ tăng nhanh. Đây là một cơ hội cho nước ta có điều kiện tăng trưởng kinh tế, rút ngắn thời gian phát triển và giữ vững được độc lập, tự chủ. Trong năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24,372 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay. Trong năm 2017, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 9,812 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,522 tỷ USD, chiếm 10,1%. Ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 367 triệu USD, chiếm 2,4%; các ngành còn lại đạt 3.480 triệu USD, chiếm 22,9%. Cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới năm 2016, trong đó Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 2,464 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nam. Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2017, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 5.518,6 triệu USD, chiếm 36,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản4. Rõ ràng, điều này chỉ có được thông qua HNQT. Chủ động, tích cực HNQT không chỉ tạo ra cơ hội cho các dòng vốn nước ngoài chảy vào đầu tư ở trong nước, mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội thử sức cạnh tranh, nâng cao trình độ quản lý, chuyển giao khoa học, công nghệ,... Qua đó mà các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển. Đây là một trong những điều kiện rất quan trọng cho nước ta phát triển kinh tế-xã hội, để trên cơ sở đó giữ vững độc lập, tự chủ. Bốn là, chủ động, tích cực HNQT sẽ tạo ra cơ hội, môi trường hòa bình, ổn định để chúng ta phát triển đất nước. Là một dân tộc trải qua nhiều năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam rất hiểu vai trò của môi trường hòa bình ổn định để chấn hưng đất nước. Hiện nay đang nổi lên nhiều vấn đề an ninh đáng lo ngại như chủ nghĩa khủng bố, xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc, chủ nghĩa ly khai, nguy cơ bất ổn chính trị,... Những vấn đề này đang đe dọa trực tiếp đến độc lập, tự chủ của từng quốc gia. Đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng có hiệu quả trên cơ sở hợp tác giữa các nước, giữa các khu vực cũng như toàn thể thế giới. Muốn vậy, các nước phải cùng nhau hợp tác. HNQT trong điều kiện toàn cầu hóa sẽ góp phần thúc đẩy quá trình giao lưu hợp tác văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, làm cho các quốc gia, dân tộc hiểu biết lẫn nhau, trên cơ sở đó ngày càng xích lại gần nhau và qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, hợp tác, phát triển cũng như giữ vững độc lập, tự chủ. Chính vì vậy, HNQT được coi là một hướng của công tác đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước. HNQT sẽ góp phần trực tiếp giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc. Năm là, chủ động, tích cực HNQT sẽ giúp chúng ta hội nhập đầy đủ, rộng hơn vào các thể chế kinh tế thế giới và thể chế kinh tế khu vực, như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB),... Trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giữ vững độc lập, tự chủ. Bởi lẽ, các thể chế kinh tế thế giới và khu vực đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia cũng như khu vực và toàn cầu. Để phát triển kinh tế, chúng ta không thể không HNQT để hội nhập đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế thế giới cũng như thể chế kinh tế khu vực. Đại hội XII (2016) của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không thể rơi vào thế bị động, đối đầu bất lợi”5. Sự tham gia vào các thể chế kinh tế toàn cầu cũng như các thể chế kinh tế khu vực sẽ tạo cơ hội cho nước ta được chia sẻ kinh nghiệm, vốn, chiến lược đầu tư phát triển, góp phần giảm thiểu rủi ro, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Sự tham gia vào các thể chế kinh tế toàn cầu cũng như khu vực sẽ tạo ra cơ hội nhiều hơn là thách thức cho phát triển đất nước. Sáu là, chủ động, tích cực HNQT còn tạo điều kiện, cơ hội cho chúng ta xuất khẩu lao động. Khi xuất khẩu được lao động, mặc dù có những tác động tiêu cực, nhưng chúng ta sẽ có cơ hội để nguồn lao động của ta được tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến từ những nước khác; tiếp thu được phong cách làm việc; phương thức tổ chức sản xuất của các nước bạn,... Điều này góp phần trực tiếp vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho CNH, HĐH đất nước, thực hiện đột phá về nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, xuất khẩu lao động còn tạo thêm công việc cho số lao động có tay nghề, giảm thiểu thất nghiệp, trên cơ sở đó giảm thiểu tệ nạn xã hội. Đồng thời, xuất khẩu lao động còn góp phần tăng thu nhập trực tiếp cho người lao động, tăng thu ngân sách cho quốc gia. Qua số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2016 là 54.131 lao động (19.792 lao động nữ), gồm các thị trường: Đài Loan: 29.292 lao động (10.210 lao động nữ); Nhật Bản: 15.662 lao động (7.137 lao động nữ); Hàn Quốc: 4.040 lao động (289 lao động nữ); Malaysia: 1.624 lao động (875 lao động nữ); Ả rập Xê út: 1.749 lao động (1.129 lao động nữ), Ma Cao: 161 lao động (128 lao động nữ) và các thị trường xuất khẩu lao động khác6. Tất cả những điều này trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. 

 

2. Để tận dụng tác động tích cực của mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực HNQT để phát triển đất nước, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, chủ động, tích cực HNQT. HNQT đang là xu thế khách quan của thời đại và cũng là yêu cầu khách quan của quá trình xây dựng CNXH và giữ vững độc lập, tự chủ. Chúng ta không thể trông chờ, ỷ lại, thụ động mà phải chủ động, tích cực hội nhập. Đó là, phải có bước đi, có lộ trình, có các giải pháp thích hợp cho từng bước đi, từng lộ trình cụ thể. Tránh nóng vội, chủ quan, nhưng cũng không được chần chừ, do dự. Phải thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đại hội XII đề ra: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”7. Chủ động, tích cực HNQT còn thể hiện ở chỗ, một mặt, chúng phải tích cực, chủ động hội nhập sâu hơn, đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế khu vực, các thể chế kinh tế toàn cầu và song phương. Mặt khác, phải thực hiện chủ trương HNQT có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Phải tính và lường trước được những nguy cơ, những thách thức do HNQT đặt ra. Không coi nhẹ bất cứ nguy cơ, thách thức nào. Nghĩa là phải độc lập, tự chủ trong HNQT.

Hai là, đối với hội nhập kinh tế phải vừa chủ động mở rộng thị trường quốc tế để phát huy lợi thế so sánh tăng cường xuất khẩu, phải vừa chủ động hoàn thiện và mở rộng thị trường trong nước để thu hút đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất,... của các nước tiên tiến. Thực hiện tốt phương châm mà Đại hội XII đề ra: “Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài,...”8.

Ba là, trong quá trình HNQT cần chủ động xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tăng cường tiềm lực và bảo đảm an ninh kinh tế đi đôi với củng cố an ninh, quốc phòng. Quán triệt tinh thần Đại hội XII: “Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể; kết hợp hiệu quả ngoại lực và nội lực; gắn hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”9. Đồng thời, trong quá trình HNQT phải phát huy cao độ nguồn lực trong nước, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Kết hợp chặt chẽ giữa nội lực và ngoại lực tạo thành nguồn lực tổng hợp cho phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững độc lập, tự chủ. Trong đó, lấy phát huy nguồn lực trong nước là có ý nghĩa quyết định, lấy tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài là có ý nghĩa quan trọng. Chỉ trên cơ sở phát huy cao độ nguồn lực trong nước, chúng ta mới có thể tranh thủ được và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài, mới làm cho ngoại lực trở thành nội lực.

Bốn là, khi chủ động, tích cực HNQT cần quán triệt tốt phương châm: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”10. Đồng thời, giữ vững nguyên tắc vừa hợp tác, vừa đấu tranh; vừa kiên quyết vừa mềm dẻo, đa phương, đa dạng hóa hợp tác kinh tế. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có cơ sở để bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế nói riêng, HNQT nói chung. Đồng thời, còn có cơ sở để giữ vững độc lập, tự chủ và sự hài hòa, cân bằng trong quan hệ quốc tế, tránh được sự phụ thuộc một chiều vào một hay vài đối tác. Điều này cũng tránh được sự độc quyền kinh doanh của các doanh nghiệp hay tập đoàn nào đó đang kinh doanh trong nước. Tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh cho tất cả các doanh nghiệp.

Như vậy, đối với Việt Nam hiện nay, HNQT trong bối cảnh toàn cầu hóa đã trở thành xu thế khách quan. Vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực HNQT để tranh thủ, tận dụng, khai thác tối đa những lợi thế, những cơ hội thuận lợi, đồng thời có thể ngăn ngừa, khắc phục và vượt qua những thách thức, nguy cơ, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng CNXH, giữ vững độc lập, tự chủ. Với những ưu thế mà chúng ta vừa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ vừa chủ động, tích cực HNQT, được coi như một giải pháp và động lực phát triển CNXH Việt Nam cũng như giữ vững nền độc lập, tự chủ của đất nước.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 5/2017

1, 5, 7, 8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 80, 154-155, 79, 87-88, 111, 153

2. Xem http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/cat/12

3. Võ Văn Kiệt: Đổi mới bản lĩnh và sáng tạo, Nxb QĐND, H, 2006, tr. 82-83

4. Xem http://vov.vn/kinh-te/fdi-vao-viet-nam-nam-2016-luong-von-giam-giai-ngan-tang-ky-luc-581565.vov

6. Xem http://xuatkhaulaodongnhat.vn/tin-tuc/xuat-khau-lao-dong-nua-dau-nam-2016.html.