Trung thành với C. Mác, Ph. Ănghen, ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, V.I. Lênin đã vận dụng tư tưởng của các ông vào xây dựng, củng cố Đảng và chính quyền Xô viết. Đặc biệt Người đã sớm phát hiện và đấu tranh chống căn bệnh quan liêu, cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả đang nảy nở trong bộ máy chính quyền non trẻ.
Từ khoá: Lênin; Cách mạng Tháng Mười Nga, bộ máy chính quyền
Ảnh tư liệu minh hoạ
1. V.I.Lênin vận dụng và phát triển lý luận của C.Mác vào xây dựng, củng cố bộ máy của Đảng Cộng sản sau Cách mạng Tháng Mười Nga
C.Mác và Ph. Ăngghen cho rằng: trong chế độ TBCN, giai cấp vô sản không có gì khác ngoài lao động của mình. Do vậy trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giai cấp vô sản không có sức mạnh nào khác ngoài sức mạnh của tổ chức. Muốn vậy toàn thể giai cấp phải tổ chức nên đội tiền phong chính trị, chiến đấu của mình và tuân theo sự lãnh đạo của đội ngũ tiền phong chiến đấu ấy, đó là Đảng. Đến lượt mình, Đảng của giai cấp công nhân cũng phải thống nhất chặt chẽ từ trên xuống dưới cả về tư tưởng và tổ chức. Nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện yêu cầu này đối với Đảng Công nhân dân chủ.
Ph.Ăngghen đã đấu tranh để bảo vệ quan điểm các đảng của giai cấp công nhân phải có kỷ luật và toàn đảng phải tuân theo kỷ luật chung. Trong cuộc đấu tranh chung của giai cấp công nhân ở các nước thì các đảng ở mỗi nước phải tuân theo ý chí chung của tổ chức quốc tế của mình. Đó là yêu cầu Ph.Ăngghen đặt ra khi thành lập Quốc tế II (1889).
Kế thừa các tư tưởng này, V.I.Lênin đấu tranh mạnh mẽ trong Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga và sau này là Đảng Bônsêvich để củng cố sức mạnh của Đảng. V.I.Lênin khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là sự tổ chức”1.
Ngay từ năm 1904, nguyên tắc tập trung dân chủ với tư cách là nguyên tắc cơ bản của tổ chức và hoạt động của đảng mácxít chân chính được V.I.Lênin khẳng định trong tác phẩm “Một bước tiến - hai bước lùi”. Theo đó, mỗi đảng viên phải đứng trong một tổ chức đảng cụ thể và chịu sự kiểm soát của tổ chức đảng; Mỗi tổ chức đảng được thành lập ở đơn vị cơ sở, có ban chấp hành do các đảng viên bầu nên; Tổ chức đảng cấp dưới tuân theo tổ chức đảng cấp trên, và tuân theo Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) do Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng bầu ra; BCHTƯ lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, nguyên tắc trên được kiểm nghiệm trong quá trình lãnh đạo đất nước chống sự can thiệp của các nước đế quốc cấu kết với các lực lượng thù địch trong nước.
Tại Đại hội VI của Đảng (1917), BCHTƯ Đảng Công nhân dân chủ-xã hội Nga (phái Bônsêvich) đã tuyên bố phái đối lập thiểu số trong Đảng (Dinoviep và Camenep) phải tuân theo mọi nghị quyết của BCHTƯ, hoặc phải rời khỏi Đảng. Cũng như vậy, V.I.Lênin phê phán mạnh mẽ và đòi kỷ luật Trốtxki vì không chấp hành nghị quyết của BCHTƯ Đảng về việc ký kết hòa ước với Đức nhằm chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Đức, bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ.
Đại hội VII của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội năm 1918 đã đổi tên thành Đảng Cộng sản (b) Nga. Sau đó, tại Đại hội VIII (3-1919), Đảng ra Nghị quyết về tổ chức của Đảng. Tổ chức đảng gồm 3 cấp: thấp nhất là các chi bộ được tổ chức ở nhà máy, xí nghiệp, địa bàn khu phố. Nhiều chi bộ hợp thành đảng bộ như Đảng bộ Mátxcơva, Đảng bộ Pêtrôgrat…Các đảng bộ bầu ra BCHTƯ.
Từ Đại hội VIII (1919), BCHTƯ Đảng Cộng sản (b) Nga lập ra Bộ Chính trị và Bộ Tổ chức với tư cách là cơ quan thường trực của BCHTƯ.
Tại Đại hội IX toàn Nga của Đảng (9-1920), V.I.Lênin yêu cầu thành lập Ban Kiểm tra do Đại hội Đảng bầu ra, song song với BCHTƯ để “thu nhận đơn khiếu tố, xem xét các đơn đó và trao đổi với Ban Chấp hành Trung ương, trong trường hợp cần thiết thì họp liên tịch với Ban Chấp hành Trung ương hoặc chuyển vấn đề cho Đại hội đảng giải quyết”. Đảng quyết định lập Ban Bí thư như một cơ quan điều hành của Đảng.
Để lãnh đạo chính quyền, những ủy viên của BCHTƯ Đảng Bônsêvich được phân công nắm giữ các chức vụ nhà nước quan trọng nhất, đặc biệt là các bộ, sức mạnh của Chính phủ như Quốc phòng, An ninh. Đích thân V.I.Lênin là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dân ủy (tức là Thủ tướng Chính phủ).
Trong Xô viết toàn Nga, do có nhiều thành phần chính trị, xã hội đa dạng, Đảng đã lập ra Đảng đoàn và coi là nòng cốt để lãnh đạo Xô viết.
Ở các địa phương (tỉnh, vùng…), người đứng đầu cấp ủy Đảng Bônsêvich cũng đồng thời là người đứng đầu Xô viết địa phương. Điều này giúp cho ý chí của Đảng ngay lập tức biến thành hành động của chính quyền.
V.I.Lênin cũng yêu cầu tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng trong Hồng quân và Hải quân thông qua sự lãnh đạo của BCHTƯ với tổ chức đảng trong các lực lượng này. Trong thời kỳ nội chiến, ở các đơn vị Hồng quân thực hiện chế độ Chính ủy là một giải pháp bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội.
Đối với công đoàn, V.I.Lênin yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua Đảng đoàn trong công đoàn, mặt khác yêu cầu bảo đảm vai trò, tính chất độc lập của tổ chức công đoàn, không biến nó thành công cụ thuần túy của Đảng trong quan hệ với giai cấp công nhân.
Trong những năm đầu của chính quyền Xô viết, V.I.Lênin rất quan tâm tới công tác thanh niên. Người coi đây là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng, là tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong thực hiện các chương trình hành động cách mạng của Đảng. Điều quan trọng nhất để lãnh đạo thanh niên và Đoàn Thanh niên là lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên.
V.I.Lênin cũng quan tâm tới phong trào phụ nữ, song trong điều kiện nước Nga những năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga chưa thành lập được tổ chức của phụ nữ toàn Nga. Tình hình cũng như vậy với giai cấp nông dân.
Những năm sau này, đặc biệt tại Đại hội X của Đảng (3-1921), V.I.Lênin kiên quyết đấu tranh cho sự thống nhất của Đảng, yêu cầu phải giải tán ngay những nhóm đối lập trong đảng nhân danh các nhóm “tập trung dân chủ”, nhóm “đối lập công nhân”, thực chất là những nhóm có tính chất bè phái. Trong trường hợp các thành viên các nhóm không chấp nhận thì khai trừ khỏi Đảng.
Tại Đại hội XI của Đảng (4-1922), những vấn đề về tăng cường sự thống nhất trong Đảng, chuyển trọng tâm công tác của Đảng sang lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP)…lại được nhắc lại gay gắt hơn. Tại Đại hội, V.I.Lênin phê phán và bác bỏ quan điểm phân tách quyền giữa Bộ Chính trị và Bộ Tổ chức (Ban Tổ chức) mà theo ý kiến đó, Bộ Chính trị phụ trách đường lối, còn Bộ Tổ chức phụ trách con người.
Trong điều kiện hòa bình, xây dựng đất nước, V.I.Lênin yêu cầu tăng cường số lượng các ủy viên của BCHTƯ có thể lên trên 100 người để xứng đáng là cơ quan tối cao của Đảng, đồng thời để bồi dưỡng công tác lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ đông đảo hơn.
V.I.Lênin cũng yêu cầu tăng cường vai trò của công tác kiểm tra thực hiện các nghị quyết của Đảng nên đề nghị tăng số lượng và thẩm quyền của ủy viên Ban Kiểm tra (từ 75 đến 100 người). Theo ý kiến của V.I.Lênin, BCHTƯ đã soạn thảo luận cương đề cập việc nâng số ủy viên BCHTƯ từ 27 lên 40 người trình Đại hội XII.
Tuy nhiên, ngay trong thời đầu xây dựng CNXH, những biểu hiện tiêu cực như tính trì trệ, không biết cách làm việc khoa học… của các cơ quan đảng đã xuất hiện. Vì vậy, từ những năm này, V.I.Lênin đã nhiều lần đề cập tới việc sáp nhập cơ quan Kiểm tra của Đảng với cơ quan Thanh tra của Chính phủ (Bộ Dân ủy Thanh tra công nông) để tăng cường tính hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và xã hội cũng như hiệu lực của cơ quan nhà nước.
V.I.Lênin cho rằng phải tăng cường công tác giáo dục CNCS trong các tầng lớp nhân dân, trước hết cho đội ngũ giáo viên. Do vậy, đầu năm 1923, BCHTƯ Đảng Cộng sản Nga đã lập ra Ban Tuyên truyền cổ động.
Như vậy, từ những năm 1920 trở đi, đồng thời với việc củng cố tổ chức đảng ở các cấp, nhất là củng cố BCHTƯ, lần lượt lập ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức ra Đảng đoàn trong Xô viết toàn Nga, trong công đoàn, trong Hồng quân, thì bộ máy tham mưu, giúp việc của BCHTƯ Đảng Cộng sản (b) Nga cũng dần được tổ chức chính quy hơn với sự hình thành các cơ quan như: Ban Kiểm tra, Bộ Tổ chức, Ban Tuyên truyền cổ động.
2. V.I.Lênin vận dụng và phát triển lý luận của C.Mác vào tổ chức bộ máy chính quyền Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười Nga
Lý luận về nhà nước được C.Mác, Ph.Ăngghen trình bày trong các tác phẩm như “Chống Đuy rinh”, “Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước”. Trong đó, các ông chủ yếu bàn về những vấn đề mang tính triết học, như nguồn gốc và sự ra đời của nhà nước, bản chất giai cấp của nhà nước.
Sau này khi tổng kết kinh nghiệm của Công xã Pari, trong tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, C.Mác và Ph.Ăngghen có điều kiện phân tích cụ thể hơn về hình thức nhà nước của giai cấp vô sản. Theo đó, các ông ca ngợi Công xã Pari như hình thức nhà nước thích hợp của giai cấp công nhân, một hình thức vừa chuyên chính, vừa dân chủ rất cao so với nhà nước dân chủ đại nghị tư sản bắt đầu thịnh hành ở các nước châu Âu. Công xã Pari là một chính quyền vừa lập pháp, vừa hành pháp phù hợp với thời đại chuyên chính của giai cấp công nhân.
V.I.Lênin là người phát triển các quan điểm duy vật của C.Mác, Ph.Ăngghen gắn với bối cảnh của nước Nga. Ngay từ năm 1914, trong khi phê phán nhà nước chuyên chế Nga Hoàng và ý định ban hành Hiến pháp của Sa Hoàng, V.I.Lênin đã phê phán các hình thức nhà nước dân chủ tư sản. Theo V.I.Lênin, dù nhà nước tư sản dưới hình thức tổng thống hay nghị viện, có tam quyền phân lập thành nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau thì bản chất đều là quyền lực chính trị của giai cấp tư sản. Người dân chỉ có một chút quyền trong một bộ phận của nhánh lập pháp tức là hạ viện mà thôi.
Năm 1917, trong bối cảnh cách mạng vô sản đang đến gần, V.I.Lênin một lần nữa khẳng định lại những vấn đề cơ bản của lý luận nhà nước khi khẳng định sự ưu việt và cần thiết của hình thức chính quyền Xô viết trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”.
Sau thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, những vấn đề về hình thức nhà nước, tổ chức nhà nước lại được V.I.Lênin giải đáp trong “Dàn bài đề cương về Quốc hội lập hiến”. Quan điểm của Người là: “Nước cộng hòa có Quốc hội lập hiến cao hơn nước Cộng hòa có tiền nghị viện (ám chỉ Chính phủ lâm thời sau Cách mạng Tháng 2-1917-TG). Nước Cộng hòa Xô viết cao hơn nước cộng hòa có Quốc hội lập hiến (ý nói chính quyền Xôviết của công nhân, nông dân và binh lính đang tồn tại sau Cách mạng Tháng Mười Nga tốt hơn chính quyền có Quốc hội lập hiến kiểu dân chủ tư sản. Nước cộng hòa toàn xã hội chủ nghĩa cao hơn nước cộng hòa Xô viết. Xã hội cộng sản chủ nghĩa cao hơn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa”2.
Trong thực tế, ngay sau khi giành thắng lợi, Đại hội các Xô viết toàn Nga đã ra Nghị quyết về việc lập ra Chính phủ lâm thời lấy tên là Hội đồng Bộ trưởng dân ủy với thành phần gồm: V.I.Lênin là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dân ủy và 13 bộ trưởng (trong đó riêng Bộ Quân sự và Thủy quân có Ủy ban lãnh đạo gồm 3 người). Chính phủ sẽ chịu sự giám sát của Ban Chấp hành Xô viết toàn Nga và có thể bãi miễn các bộ trưởng3.
Nghị quyết cũng đề cập tới việc triệu tập Quốc hội lập hiến. Cuộc bầu cử vào Quốc hội lập hiến đã được tiến hành trong tháng 11-1917, tức là 1 tháng sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Hai tháng sau (1-1918) đã khai mạc Quốc hội lập hiến, song trong Quốc hội lập hiến gồm nhiều thành phần đại biểu tư sản, địa chủ…. không chấp nhận thảo luận “Tuyên ngôn” mà BCHTƯ các Xôviết toàn Nga đã thông qua. Theo quan điểm của V.I.Lênin, đây là việc không chấp nhận quyền lực của công nhân, nông dân, binh lính nên Đại hội Xô viết toàn Nga đã ra Nghị quyết giải tán Quốc hội này vào ngày 7-1-1918, nghĩa là chỉ 2 ngày sau khi ra mắt.
Từ đây chính quyền ở Nga chỉ thuộc về Ban Chấp hành Xô viết toàn Nga (coi như Ủy ban Thường trực của Quốc hội) và Hội đồng Bộ trưởng dân ủy là Chính phủ do Xô viết lập nên.
Chế độ làm việc của Xô viết là chế độ Đại hội thường kỳ hoặc bất thường. Bên cạnh việc bầu ra Hội đồng Bộ trưởng dân ủy, Xô viết còn bầu ra Tòa án là cơ quan xét xử.
Do nhu cầu tăng cường việc kiểm tra thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, tháng 3-1920, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản (b) Nga ra chỉ thị “giao trách nhiệm cho Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương các Xôviết toàn Nga và Ban Kiểm tra nhà nước” về việc củng cố cơ quan thanh tra. Đó chính là chủ trương thành lập Bộ Dân ủy thanh tra công nông trên cơ sở thống nhất các cơ quan thanh tra ở các cấp Trung ương và địa phương.
Xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng đất nước một cách có kế hoạch, đặc biệt là nhằm thực hiện chiến lược điện khí hóa toàn Nga, Hội đồng Bộ trưởng dân ủy từ năm 1921 đã có thêm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Theo yêu cầu của đất nước trong thời kỳ khó khăn, phải tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, V.I.Lênin còn lập ra một số Hội đồng, chẳng hạn Hội đồng Quốc phòng và Lao động, Hội đồng Kinh tế.
Theo quan điểm của V.I.Lênin, khi đã có chính quyền, thì bộ máy nhà nước phải đáp ứng những nhiệm vụ kinh tế và chính trị của Đảng, Nhà nước. Bộ máy phải thiết thực, mềm dẻo, gọn nhẹ nhưng phải mạnh: “Phải duy trì tính cứng rắn của bộ máy, nhưng bộ máy phục vụ chính trị… chứ không phải chính trị phục vụ bộ máy”4.
V.I.Lênin nhận thấy căn bệnh nguy hiểm đối với Nhà nước là bệnh quan liêu, giấy tờ. Do vậy, vấn đề cần thiết để tăng hiệu quả của bộ máy là chế độ trách nhiệm cá nhân, là tăng cường kiểm tra, tinh giản bộ máy, biên chế. V.I.Lênin nói: “chúng ta có 18 bộ dân ủy, trong đó có ít nhất 15 bộ quá kém; không thể tìm đâu ra các vị bộ trưởng dân ủy tốt… do đó phải chú ý giảm bớt các ban của Hội đồng Bộ trưởng dân ủy, Hội đồng Lao động và Quốc phòng, để cho các Hội đồng ấy nhận rõ và làm tròn nhiệm vụ của chính mình, chứ đừng phân tán sức lực của họ vào số ban nhiều vô hạn”5.
Năm 1923, V.I.Lênin viết: “Nhiệm vụ cấp thiết chủ yếu nhất trong lúc này, và cũng vẫn còn là nhiệm vụ quan trọng trong những năm sắp tới, là không ngừng tinh giản bộ máy Xô viết và giảm bớt chi phí của nó bằng cách giảm nhẹ biên chế, cải tiến tổ chức, xóa bỏ tác phong lề mề hành chính, bệnh quan liêu và giảm bớt các khoản chi tiêu phi sản xuất”6.
Theo đề nghị của V.I.Lênin, Đại hội XII Đảng Cộng sản (b) Nga đã ra Nghị quyết “Về những nhiệm vụ của Bộ Dân ủy thanh tra công nông và Ban Kiểm tra Trung ương”, theo đó thành lập cơ quan hợp nhất Ban Kiểm tra Trung ương với Bộ Dân ủy thanh tra công nông7.
Mặt khác, V.I.Lênin cũng nhận thấy hạn chế lớn nhất của bộ máy nhà nước Xô viết là trình độ học vấn, văn hóa của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên. Do vậy, Người đặt ra nhiệm vụ cho tất cả đảng viên và nhân viên của bộ máy nhà nước Xô viết là phải học, học nữa, học mãi.
Như vậy, có thể thấy trong thời gian 5 năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga, bên cạnh những nỗ lực trong xây dựng và củng cố Đảng Cộng sản, thiết lập cách thức lãnh đạo hữu hiệu của Đảng, V.I.Lênin đã dành rất nhiều tâm sức vào việc xây dựng bộ máy nhà nước Xô viết. Một mặt, Người đặc biệt quan tâm việc duy trì tổ chức và hoạt động của Xô viết, đặc biệt là Ban Chấp hành Xô viết như cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mặt khác V.I.Lênin chỉ đạo củng cố, xây dựng các cơ quan thực hiện chức năng tổ chức và quản lý xã hội mang tính chuyên môn như các bộ, tổng cục, cục… thuộc Hội đồng Bộ trưởng dân ủy (Chính phủ).
Chỉ trong 5 năm, V.I.Lênin đã phát hiện ra những căn bệnh mà bộ máy nhà nước Xô viết nhiễm phải là bệnh quan liêu, trì trệ, giấy tờ, thiếu khoa học, thiếu hiệu quả. V.I.Lênin đã thấy những khuyết điểm, bất cập của Nhà nước cả về phương diện tổ chức bộ máy, thể chế (bao gồm thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm) và con người. Người đã cố gắng cùng với Đảng đấu tranh khắc phục những căn bệnh đó, nhưng những cố gắng chưa đem đến kết quả mong muốn thì V.I.Lênin đã qua đời.
Những tư tưởng và thực tiễn xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của V.I.Lênin là những tiền đề để Đảng Cộng sản Liên Xô sau này củng cố Nhà nước Liên bang Xô viết, để lại nhiều bài học quan trọng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày nay.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 11-2017
1. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1979, T. 8, tr. 490
2, 3. Xem Sđd, T. 35, tr. 520, 31
4. Sđd, T. 43, tr. 447
5, 6, 7. Sđd, T. 45, tr. 138, 359, 435.