Tóm tắt: Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) do V.I.Lênin sáng lập. Ra đời và hoạt động gần một phần tư thế kỷ (từ tháng 3-1919 đến tháng 5-1943), Quốc tế Cộng sản lãnh đạo phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc phát triển lên một giai đoạn mới. Đối với cách mạng Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có những ảnh hưởng lớn và đóng góp quan trọng.
Từ khóa: Quốc tế Cộng sản; cách mạng Việt Nam
Khác với Quốc tế I và Quốc tế II chỉ có các nước châu Âu và châu Mỹ tham gia, Quốc tế Cộng sản (QTCS) không chỉ là tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân các nước TBCN phát triển mà còn đại biểu cho lợi ích của nhân dân bị áp bức ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Để thống nhất phương Tây vô sản với phương Đông bị áp bức, QTCS đề ra khẩu hiệu chiến lược: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”. Trong suốt thời gian tồn tại, QTCS thực sự là một tổ chức cách mạng quốc tế rộng lớn, “là một Đảng Cộng sản thế giới”1, đạt được những thành tựu to lớn đối với cách mạng thế giới: Bảo vệ, phát triển và gắn chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân trên phạm vi toàn thế giới; chỉ đạo việc thành lập Đảng kiểu mới và đào tạo đội ngũ cán bộ trung thành với lý tưởng cách mạng cho nhiều nước; xác định đường lối chiến lược, sách lược cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc trong từng giai đoạn cụ thể; góp phần bảo vệ nền hòa bình thế giới và nền văn minh nhân loại.
Đối với cách mạng Việt Nam, QTCS đã có ảnh hưởng tích cực và những đóng góp vô cùng quan trọng.
1. Đường lối chính trị của Quốc tế Cộng sản tác động quyết định đến việc lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc
Coi việc chỉ đạo, giúp đỡ cách mạng thuộc địa là một trọng tâm trong sự nghiệp hoạt động của mình, QTCS đã thông qua Cương lĩnh, Tuyên ngôn gửi những người vô sản toàn thế giới tại Đại hội I (3-1919); Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa; Những điều kiện kết nạp vào QTCS tại Đại hội II (tháng 7, 8-1920); bổ sung khẩu hiệu của C.Mác và Ph.Ăngghen đề ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” bằng khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!” tại Đại hội I các dân tộc Phương Đông (9-1920).
Sau khi đọc tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, qua báo chí của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu các văn kiện nêu trên của QTCS. Trong đó, điều kiện thứ 8 trong 21 điều kiện kết nạp vào QTCS quy định: “Về vấn đề thuộc địa và dân tộc bị áp bức, thì các đảng trong các nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa và áp bức các dân tộc khác, phải có một đường lối đặc biệt rõ ràng minh bạch. Đảng nào muốn gia nhập Quốc tế III đều phải thẳng tay vạch mặt những thủ đoạn xảo trá của bọn đế quốc “nước mình” trong các thuộc địa, ủng hộ trên thực tế-chứ không phải bằng lời nói-mọi phong trào giải phóng ở thuộc địa; đòi hỏi phải trục xuất bọn đế quốc nước mình ra khỏi các thuộc địa ấy; gây trong lòng công nhân nước mình thái độ anh em chân thành với nhân dân lao động các nước thuộc địa và các dân tộc bị áp bức; và tiến hành tuyên truyền trong quân đội nước mình chống mọi sự áp bức các dân tộc thuộc địa”2. Qua đó, niềm tin vững chắc của Nguyễn Ái Quốc vào V.I.Lênin và QTCS càng được củng cố. Người đã nhận thức được muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải đi theo con đường của V.I.Lênin, của QTCS đề ra là con đường cách mạng vô sản.
Việc Nguyễn Ái Quốc tìm đến được chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn con đường cứu nước dưới ánh sáng đường lối chính trị của QTCS và hoàn toàn đi theo con đường của QTCS đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của Người và tác động đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam được chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng để đi tới thắng lợi cuối cùng là độc lập dân tộc và CNXH.
Được QTCS tạo điều kiện, Nguyễn Ái Quốc đã đến Liên Xô học tập và làm việc trong những năm 1923-1924, 1927, 1934-1938. Nhờ hoạt động trong môi trường thực tiễn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện tiếp thu tận gốc chủ nghĩa Mác-Lênin, hoàn chỉnh những tư tưởng chính trị của mình, hình thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc là người xây dựng mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản khác, và là người vượt trội trong những nhà cách mạng đương thời về nhận định xu thế vận động của lịch sử, xác định nhiệm vụ cách mạng chủ yếu trong từng giai đoạn, đánh giá lực lượng cách mạng, sách lược mặt trận..., mà lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của các quan điểm đó.
2. Quốc tế Cộng sản với quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Để giải phóng các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa, V.I.Lênin nhiều lần nhấn mạnh việc thành lập đảng cộng sản ở các nước này, và đó cũng chính là nhiệm vụ của QTCS. Các trung tâm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin được thành lập. Trung tâm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Vlađivôxtốc có nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Trung Quốc, Đông Dương và Singapore. QTCS chỉ thị cho các đảng cộng sản dịch, in ấn các tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin và chuyển về Việt Nam. Các Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Đức, đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp, Liên Xô đã in và gửi sang Việt Nam hàng nghìn bản in các tác phẩm của chủ nghĩa Mác-Lênin, các văn kiện, báo chí của QTCS. Đây là nguồn tài liệu mácxít rất quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Một trong những điều kiện để thành lập đảng cộng sản là phải có đội ngũ cán bộ, hạt nhân của phong trào. Họ là những người nắm được lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và biết vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước mình. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội V QTCS, từ năm 1925, người Việt Nam sang Liên Xô học theo hai con đường: từ Pháp và Trung Quốc tới, được học tại Trường Đại học Phương Đông, Trường Quốc tế Lênin, Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Cho đến cuối những năm 30 thế kỷ XX, QTCS đã đào tạo cho Việt Nam hơn 60 cán bộ. Riêng Trường Đại học Phương Đông, tính đến năm 1935 đã có 47 người Việt Nam tốt nghiệp, trong số đó có 40 người từ Pháp và 7 người từ Trung Quốc đến3. Những cán bộ được QTCS đào tạo thực sự là những hạt giống đỏ của cách mạng.
Được sự giúp đỡ có hiệu quả của QTCS và các đảng cộng sản, sự hoạt động không mệt mỏi của Nguyễn Ái Quốc và những người cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được truyền bá vào Việt Nam, dẫn đến bước nhảy vọt về chất trong phong trào cách mạng.
Theo dõi sát tình hình, khi đã có đủ điều kiện, ngày 27-10-1929, QTCS gửi cho những người cộng sản Đông Dương tài liệu về việc thành lập một đảng cộng sản ở Đông Dương: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”4. Trong bản tài liệu, QTCS chỉ ra những nguyên tắc cơ bản và biện pháp xây dựng đảng Mác-Lênin và hướng dẫn cách tiến hành hợp nhất các phần tử cộng sản thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên, do bí mật gửi qua đường liên lạc của Đảng Cộng sản Pháp nên mãi đến tháng 2-1930, bản tài liệu mới được chuyển tới Sài Gòn, chuyển cho Xứ ủy Nam Kỳ.
Tuy chưa nhận được chỉ thị của QTCS, nhưng với tư cách là đại diện của QTCS, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm tất yếu của quá trình vận động của phong trào cách mạng Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới I, là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Sự kiện vĩ đại này gắn liền với công lao của Nguyễn Ái Quốc, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đại diện xuất sắc của QTCS. Đồng thời, không tách khỏi sự giúp đỡ tận tình, sự chỉ đạo chặt chẽ và kịp thời của QTCS trong việc chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập Đảng.
3. Quốc tế Cộng sản góp phần khôi phục phong trào cách mạng thời kỳ tạm thoái trào (1932-1935)
Vừa mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo trực tiếp một phong trào cách mạng rộng lớn trong cả nước. Đó là cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh. Trong điều kiện vừa mới ra đời, Đảng không tránh khỏi mắc một số sai lầm “tả” khuynh và hữu khuynh. Sự lãnh đạo của một số cấp ủy địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của phong trào. Thời cơ giành chính quyền chưa xuất hiện. Đế quốc Pháp thực hiện khủng bố trắng. Từ giữa năm 1931, phong trào tạm thời thoái trào. Cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn.
Trước tình hình đó, QTCS và các tổ chức quần chúng của QTCS đã theo dõi sát sao, liên tục gửi thư cho Đảng Cộng sản Đông Dương, biểu dương tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân, thường xuyên chỉ đạo, uốn nắn kịp thời những vấn đề về chiến lược, sách lược, đồng thời, phê bình những hạn chế, thiếu sót, những biểu hiện “tả” khuynh cần khắc phục, hướng dẫn những kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh và động viên những người cộng sản phải phấn đấu đưa phong trào tiến lên, coi thất bại trước mắt chỉ là tạm thời, cần tin tưởng vào thắng lợi ngày mai. Báo chí của QTCS đăng hàng loạt bài giá trị về cao trào cách mạng 1930-1931, lên án thực dân Pháp khủng bố trắng. Những cán bộ đã học xong Trường Đại học Phương Đông được QTCS gấp rút bố trí về nước hoạt động. Các chiến sĩ cách mạng trung kiên trở về Tổ quốc, dũng cảm, mưu trí, khôn khéo thâm nhập vào quần chúng, chắp nối lại các cơ sở, gây dựng lại phong trào. QTCS còn phát động trong công nhân và nhân dân lao động thế giới một phong trào ủng hộ cách mạng Đông Dương, chống khủng bố trắng, đòi ân xá tù chính trị, đồng thời, chỉ thị cho các phân bộ đẩy mạnh những hoạt động thiết thực để giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương.
Thực hiện chỉ thị của QTCS, các Đảng Cộng sản tuỳ vào điều kiện lịch sử cụ thể của mình, đã có những hoạt động phong phú để giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương về tinh thần, vật chất, kinh nghiệm đấu tranh, cung cấp sách báo mácxít. Đảng Cộng sản Pháp thực hiện chiến dịch tuyên truyền liên tục trên báo chí, tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ cách mạng Đông Dương, chống khủng bố trắng, đòi ân xá tù chính trị kết hợp với những cuộc điều tra tại Đông Dương, những cuộc đấu tranh của các nghị sĩ cộng sản Pháp và thắng lợi to lớn của Mặt trận nhân dân Pháp, đã đưa đến kết quả là hàng ngàn chiến sĩ cách mạng được thoát khỏi nhà tù đế quốc và trở lại hoạt động.
Được sự giúp đỡ trực tiếp của Ban Phương Đông, tháng 6-1932, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thông qua Chương trình hành động-bản Cương lĩnh hành động của Đảng trong hoàn cảnh tạm thời thoái trào nhằm khẳng định lại những nhiệm vụ cơ bản trong Luận cương chánh trị tháng 10-1930, đồng thời, đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong tình hình mới. Chương trình hành động là kim chỉ nam cho các đảng bộ về lý thuyết, tổ chức và thực hành. Bản Chương trình ra đời đã kịp thời củng cố lại phong trào, động viên toàn Đảng và các tổ chức quần chúng tiếp tục tiến lên thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.
Để kiện toàn ban lãnh đạo của Đảng, thực hiện quyết định của QTCS, tháng 3-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập, do Lê Hồng Phong đứng đầu. Ban có nhiệm vụ: Liên lạc giữa Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương với QTCS và các đảng cộng sản; tập hợp và đào tạo cán bộ; xuất bản Tạp chí Bônsơvích, cơ quan lý luận của Trung ương Đảng. Trong thực tế, Ban Chỉ huy ở ngoài làm nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của QTCS.
Sự quan tâm của QTCS không chỉ đối với phong trào cách mạng Việt Nam, mà còn đối với sinh mệnh của lãnh tụ Đảng Nguyễn Ái Quốc một cách kịp thời và có hiệu quả. QTCS lên án mạnh mẽ những hành động phi pháp, những thủ đoạn đê hèn của đế quốc Anh, Pháp, yêu cầu tất cả các tổ chức chống CNĐQ trên thế giới đấu tranh chống việc giao Nguyễn Ái Quốc cho Pháp và đòi trả tự do cho Người. QTCS thông qua Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế Cứu tế công nhân của Pháp, các tổ chức xã hội của Anh để ra sức vận động, tích cực tìm mọi phương cách đưa Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà tù đế quốc Anh. QTCS còn bí mật nhờ đến Luật sư Lôdơby ở Hồng Kông và Luật sư Nôen Prít ở Luân Đôn để giúp đỡ bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc.
Đến cuối năm 1934, hầu hết các cơ sở đảng được tổ chức lại. Đảng Cộng sản Đông Dương và cách mạng Việt Nam vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất. Có được thành tích như vậy trong một thời gian ngắn là nhờ đảng viên, quần chúng nhân dân chiến đấu dũng cảm, Đảng lãnh đạo đúng đắn, QTCS đã chỉ đạo và nỗ lực giúp đỡ theo nhiều hướng với nhiều hình thức phong phú, và sự giúp đỡ của các đảng cộng sản-các phân bộ của QTCS.
Tháng 3-1935, Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Đại hội I. Đại hội khẳng định: “Đảng Cộng sản Đông Dương mà thành lập, phát triển và củng cố là đều do Quốc tế Cộng sản hết sức giúp đỡ và chỉ đạo về đường lý thuyết và thực hành. Cũng nhờ có vai trò chỉ đạo ấy mà Đảng chúng tôi đã khôi phục được hệ thống khắp toàn Đông Dương và khai cuộc đại biểu Đại hội lần thứ nhất này”5.
4. Ảnh hưởng của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đối với tiến trình cách mạng Việt Nam (1935-1945)
Trong bối cảnh tình hình quốc tế căng thẳng, chiến tranh thế giới ngày càng đến gần, Đại hội VII của QTCS họp từ ngày 25-7 đến ngày 21-8-1935. Đại hội nhận định, phân tích tình hình thế giới và đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho phong trào cách mạng thế giới. Báo cáo chính trị của Đại hội nhận định, kẻ thù trước mắt của nhân dân thế giới lúc này không phải là CNTB hay CNĐQ mà là chủ nghĩa phát xít. Do đó, Đại hội xác định nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân lúc này chưa phải là đấu tranh để đánh đổ toàn bộ CNTB, thiết lập chuyên chính vô sản, xây dựng CNXH, mà là đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít như vấn đề sống còn của phong trào công nhân, đấu tranh chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, hòa bình và bảo vệ Liên Xô. Để thực hiện những mục tiêu chiến lược trên, nhiệm vụ đối với tất cả các đảng cộng sản trong bối cảnh lịch sử mới là thành lập Mặt trận công nhân thống nhất và Mặt trận nhân dân rộng rãi chống phát xít6. Chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng thế giới bằng sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và vận dụng sách lược trong giai đoạn cách mạng mới, QTCS mở ra con đường đấu tranh thích hợp cho tất cả các đảng cộng sản.
Đối với cách mạng thuộc địa, Đại hội VII của QTCS đã khắc phục những hạn chế về lý luận tồn tại từ Đại hội I đến trước Đại hội VII. Đó là:
- Phủ nhận quan điểm sự nghiệp giải phóng các thuộc địa chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở các cuộc cách mạng vô sản (hoặc trong mối quan hệ với các cuộc cách mạng XHCN) ở các nước đế quốc, khắc phục hạn chế cho rằng cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản, Đại hội khẳng định cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản.
- Đặt nhiệm vụ chống đế quốc lên hàng đầu vì độc lập dân tộc, Đại hội khắc phục hạn chế cho rằng nhiệm vụ phản đế và phản phong phải đồng thời tiến hành song song, ngang hàng nhau, thậm chí có thời kỳ nhấn mạnh đấu tranh giai cấp lên hàng đầu.
- Phê phán gay gắt quan điểm cho rằng tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc mang tính chất hoàn toàn thân đế quốc và đòi hỏi những người cộng sản phải tấn công chống các tổ chức tư sản dân tộc-một quan điểm “tả” khuynh trong việc đánh giá giai cấp tư sản dân tộc ở Đại hội VI, Đại hội khẳng định việc thành lập Mặt trận thống nhất chống đế quốc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc như hình thức đoàn kết tất cả các lực lượng giải phóng dân tộc, tất cả những ai có khả năng chống CNĐQ, trong đó có tư sản dân tộc, hợp tác với các tổ chức quần chúng cách mạng trên cơ sở cùng chung chương trình chống CNĐQ.
- Đại hội chủ trương các đảng cộng sản phải tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Những người cộng sản ở chính quốc có nhiệm vụ phải làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc.
Sự điều chỉnh, hoàn thiện đường lối cách mạng thuộc địa của QTCS có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng giải phóng dân tộc nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.
Trên cơ sở những văn kiện Đại hội VII của QTCS, những người cộng sản Việt Nam đánh giá đúng đắn những thay đổi của tình hình quốc tế, trong nước và xác định phương hướng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể, hình thức hoạt động, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới. Thấm nhuần tinh thần Nghị quyết Đại hội VII của QTCS, lại được Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo cụ thể về chiến lược và sách lược, sau khi dự Đại hội trở về, Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư, người đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành QTCS khóa VII, đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, họp tháng 7-1936, tại Thượng Hải. Vận dụng Nghị quyết Đại hội VII của QTCS, căn cứ vào tình hình cụ thể của cách mạng trong nước và trên thế giới, Hội nghị xác định đường lối, phương pháp tổ chức và đấu tranh trong thời kỳ cách mạng mới, mở đầu thời kỳ cao trào Mặt trận dân chủ (1936-1939).
Từ sau Đại hội VII, mối quan hệ giữa QTCS với Đảng Cộng sản và cách mạng Việt Nam do nguyên nhân khách quan yếu dần và từ năm 1940 mối quan hệ thực tế không còn nữa. Nhưng những người cộng sản Việt Nam được trang bị lý luận, đường lối của QTCS đã đưa cuộc đấu tranh đi đúng hướng. Các HNTƯ, đặc biệt là HNTƯ 8, tháng 5-1941, do Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện của QTCS triệu tập và chủ trì, đã hoàn chỉnh sâu sắc đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Điều đó chứng tỏ Đảng vận dụng những Nghị quyết Đại hội VII của QTCS một cách sáng tạo, làm phong phú thêm kho tàng lý luận cách mạng ở thuộc địa. HNTƯ 8, tháng 5-1941 đánh dấu một bước tiến mới về lý luận cách mạng và có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn chặt với đường lối cách mạng triệt để của QTCS về vấn đề dân tộc, đường lối dân tộc và thuộc địa.
Do những yếu tố khách quan và chủ quan, QTCS không tránh khỏi những hạn chế về lý luận cũng như trong thực tiễn, ảnh hưởng tới hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhưng những đóng góp của QTCS đối với cách mạng Việt Nam là to lớn và quan trọng. Từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam Quốc tế”7. Lịch sử đã chứng minh đúng như vậy.
Bài đăng trên Tapj chí Lịch sử Đảng (in) số 3/2019
1, 7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 310, 312
2. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2005, T. 41 tr. 252
3. Xem A.A.Xôcôlốp: Quốc tế Cộng sản và Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1999, tr. 139-140
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 1, tr. 614
5. Sđd, T. 5, tr. 175
6. Xem Viện Mác-Lênin, Viện Lịch sử Đảng Cộng sản Bungary: G. Đimitơrốp-Nhà cách mạng, lý luận nổi tiếng, Nxb Chính trị, Mátxcơva, 1982, tr. 131-133.