18/06/2023 - 03:54 PM - 3.420 lượt xem
Cách đây 170 năm, C.Mác và Ph.Ăngghen đã kết thúc bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng khẩu hiệu mang tính cương lĩnh phản ánh chủ nghĩa quốc tế (CNQT) của giai cấp công nhân (GCCN): “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại !”. Thực tiễn cách mạng vô sản từ đó đến nay đã khẳng định CNQT của GCCN đã được thực tiễn kiểm nghiệm là nguyên tắc hoạt động đặc trưng nhất của những lực lượng cộng sản chân chính; là nguyên lý xuyên suốt lý luận và thực tiễn của CNXH khoa học.
Từ khóa: Chủ nghĩa quốc tế; giai cấp công nhân; Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
1 Chủ nghĩa quốc tế của GCCN, hay còn gọi là CNQT vô sản, là tình đoàn kết quốc tế; sự thống nhất về nhận thức, lập trường và hành động của GCCN toàn thế giới trong cuộc đấu tranh cách mạng vì những mục tiêu cao cả của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH; sự tôn trọng cương lĩnh, đường lối, chiến lược của mỗi đảng cộng sản và công nhân; trách nhiệm của mỗi đảng đó đối với công nhân, nhân dân lao động nước mình và công nhân, lao động các nước khác trên thế giới.
Chủ nghĩa quốc tế của GCCN là ý thức về sự thống nhất lợi ích giai cấp của những người vô sản trên toàn thế giới. Nó xuất phát trước hết từ địa vị kinh tế, xã hội của họ. C.Mác chỉ ra rằng công nghiệp lớn tạo ra ở khắp nơi những quan hệ như nhau giữa các giai cấp xã hội và do đó xoá bỏ tính chất riêng biệt của những dân tộc khác nhau. Và sau hết, trong khi giai cấp tư sản của mỗi dân tộc còn duy trì những lợi ích dân tộc riêng biệt thì công nghiệp lớn lại tạo ra một giai cấp cùng có những lợi ích như nhau trong tất cả các dân tộc, một giai cấp không còn tính riêng biệt dân tộc nữa.
Chủ nghĩa quốc tế của GCCN là sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong GCCN. Điều này là một hệ quả từ chính sự phát triển của CNTB: “sự thống trị của tư bản là có tính chất quốc tế, chính vì thế, cuộc đấu tranh của công nhân ở tất cả các nước để tự giải phóng chỉ có thể thành công được nếu công nhân cùng nhau đấu tranh chống lại tư bản quốc tế”1; đồng thời, “giai cấp vô sản chỉ có thể tồn tại trên quy mô của lịch sử thế giới, cũng như chủ nghĩa cộng sản, tức là hoạt động của giai cấp vô sản, hoàn toàn chỉ có thể tồn tại được với tư cách là một tồn tại “có tính lịch sử thế giới”2.
Chủ nghĩa quốc tế của GCCN là sự thống nhất về mục tiêu đấu tranh để GCCN trở thành đại biểu cho lợi ích toàn dân tộc và nhân loại. Ph.Ăngghen đã nhiều lần chỉ rõ: “cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã”3. Người còn cảnh báo trong Lời tựa cho lần xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng tiếng Ý năm 1893: “Không khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản, sự hợp tác hòa bình và tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới mục đích chung”4. Hơn nữa, C.Mác và Ph.Ăngghen còn nêu bật sự thống nhất giữa các mục tiêu giải phóng giai cấp và mục tiêu giải phóng xã hội: “Lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó hiện nay đã phát triển tới giai đoạn trong đó giai cấp bị bóc lột và bị áp bức tức là giai cấp vô sản, không còn có thể tự giải phóng khỏi ách của giai cấp bóc lột và áp bức mình, tức là giai cấp tư sản, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi mọi ách bóc lột áp bức, khỏi sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp”5.
Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin đã phát hiện ra sự gắn bó về lợi ích sống còn giữa GCCN và các dân tộc, từ đó V.I.Lênin đã phát triển khẩu hiệu hành động thành: Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Đối lập với thế giới cũ, cái thế giới của áp bức dân tộc, của sự phân tranh dân tộc hoặc của sự tách biệt giữa các dân tộc, công nhân đưa ra một thế giới mới, một thế giới trong đó những người lao động thuộc mọi dân tộc đoàn kết với nhau, trong đó không có chỗ cho bất cứ một đặc quyền đặc lợi nào, cũng như không có chỗ cho bất cứ một sự áp bức nào giữa người với người6.
2 Từ giữa thế kỷ XIX, dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ vô sản, GCCN và các lực lượng cách mạng đã áp dụng nhiều hình thức phong phú để thực hiện CNQT phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Nổi bật nhất, đó là sự ra đời và hoạt động của các tổ chức quốc tế của GCCN: Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I, 1864-1876); Quốc tế II (1989-1914) và Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III, 1919-1943).
Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) được thành lập ngày 28-9-1864 tại Luân đôn (Anh). Là một tổ chức bao gồm những đại biểu công nhân thuộc nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau, có mục đích rõ rệt là “đoàn kết tất cả các lực lượng chiến đấu của giai cấp vô sản châu Âu và châu Mỹ… Cương lĩnh của Quốc tế phải khá rộng để cho cả những hội công liên ở Anh, những môn đồ của Pruđông ở Pháp, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha lẫn phái Látxan ở Đức đều có thể chấp nhận được”7. Chính C.Mác là người đã soạn ra một cương lĩnh như vậy và ông đã thành công trong sách lược kiểu mẫu, đoàn kết thống nhất các đội ngũ vô sản cách mạng, đấu tranh thắng lợi chống lại các khuynh hướng bè phái. Điều lệ của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế nêu rõ: “Hội này được thành lập là để làm một trung tâm liên lạc và hợp tác giữa các đoàn thể công nhân hiện đang tồn tại ở các nước khác nhau và theo đuổi cùng một mục đích, tức là bảo vệ, phát triển và giải phóng hoàn toàn giai cấp công nhân”8. Với hơn 10 năm hoạt động, Hội Liên hiệp công nhân quốc tế đã tiến hành thắng lợi việc truyền bá CNCS khoa học vào phong trào công nhân, đấu tranh cho sự thống nhất GCCN về tư tưởng và tổ chức trên phạm vi quốc tế. Sau này, lãnh tụ V.I.Lênin đánh giá: “Quốc tế I sống mãi trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân tự giải phóng. Nó đã xây nền đắp móng cho lâu đài cộng hòa xã hội chủ nghĩa thế giới mà ngày nay chúng ta đang được vinh hạnh xây dựng”9.
Quốc tế II được thành lập tại Đại hội quốc tế của công nhân, tổ chức tại Pari (Pháp), ngày 14-7-1889, với sự tham dự của gần 400 đại biểu đến từ hơn 20 quốc gia châu Âu, châu Mỹ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ph.Ăngghen, Đại hội khẳng định: CNCS khoa học là nền tảng tư tưởng của phong trào công nhân XHCN; sự nghiệp giải phóng lao động chỉ có thể do giai cấp vô sản toàn thế giới lãnh đạo; giai cấp vô sản phải giành lấy chính quyền để thực hiện tước đoạt tư bản và biến tư liệu sản xuất thành tài sản xã hội… Trong những năm tiếp theo, Quốc tế II tổ chức thêm 3 kỳ đại hội: năm 1891 tại Brúcxen (Bỉ); năm 1893 tại Duyrích (Đức) và năm 1896 tại Luân đôn (Anh). Dưới sự chống phá của các lực lượng cơ hội, đặc biệt là từ khi Ph.Ăngghen mất (1895), Quốc tế II bị phân hóa, phân rã, phân liệt nặng nề và cuối cùng bị phá sản trước ngưỡng cửa của Chiến tranh thế giới I. Tuy nhiên, Quốc tế II có đóng góp rất quan trọng vào cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ, bổ sung, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác, đánh dấu thời kỳ chuẩn bị cơ sở để phong trào công nhân XHCN lan rộng trong quần chúng ở nhiều nước.
Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ra đời tại Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản, tổ chức từ ngày 2 đến ngày 6-3-1919, tại Thủ đô Mátxcơva (Nga) dưới sự chủ trì của lãnh tụ V.I.Lênin, với sự tham dự của 51 đại biểu đến từ 30 nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh trình bày những nguyên lý quan trọng nhất của chủ nghĩa Lênin về CNĐQ và lý luận cách mạng XHCN; đã bầu ra Ban Chấp hành gồm đại biểu của nhiều đảng cộng sản; thật sự trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào cộng sản và phong trào cách mạng trên thế giới.
Bám sát thực tiễn sôi động của phong trào cách mạng thế giới, các kỳ đại hội của Quốc tế Cộng sản đã xác định chiến lược, sách lược đấu tranh quan trọng, trong đó có đề cương về Mặt trận thống nhất công nhân, Mặt trận thống nhất chống đế quốc và phong kiến; Báo cáo 5 năm cách mạng Nga và triển vọng của cách mạng thế giới; chú trọng vấn đề dân tộc thuộc địa; nêu ra 3 loại hình cách mạng XHCN tương ứng với 3 loại nước; Cương lĩnh mặt trận chống nguy cơ của chủ nghĩa phát xít; nghị quyết thống nhất phong trào công đoàn thế giới… Trước bối cảnh ngặt nghèo của chiến tranh, ngày 15-5-1943, Ban Chấp hành đã ra nghị quyết giải tán Quốc tế Cộng sản, chấm dứt 24 năm hoạt động. Tất cả công lao to lớn của Quốc tế Cộng sản là nhằm thực hiện chuyên chính vô sản. Nếu như Quốc tế I đã đặt nền tảng cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản có tính chất quốc tế để thực hiện CNXH, Quốc tế II đã đánh dấu thời kỳ chuẩn bị cơ sở làm cho phong trào vô sản phát triển rộng rãi ở nhiều nước, thì Quốc tế Cộng sản đã kế thừa tất cả những thành quả đó, gạt bỏ mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, bắt đầu thực hiện chuyên chính vô sản với tính cách nhà nước của công-nông và nhân dân lao động.
Từ giữa thế kỷ XX, xuất hiện hàng loạt vấn đề mới, phức tạp đặt ra cho cuộc đấu tranh vì những mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH trên phạm vi thế giới. Cũng vào thời kỳ đó, nảy sinh nhiều rạn nứt, khủng hoảng về tư tưởng, lý luận, chính trị trong nội bộ hệ thống XHCN. Lợi dụng bối cảnh ấy, CNĐQ tăng cường công kích, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH. Các lực lượng cơ hội, xét lại cổ súy cho cùng tồn tại hòa bình, tuyệt đối hóa con đường cách mạng phi bạo lực, thủ tiêu đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai hệ thống.
Tháng 11-1957, đại diện của 12 đảng cộng sản, công nhân tổ chức Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân quốc tế tại Mátxcơva. Hội nghị ra Tuyên bố chung phân tích nội dung cơ bản của thời đại là sự quá độ từ CNTB lên CNXH; nêu lên những nguyên tắc quan hệ giữa các nước trong hệ thống XHCN-đó là CNQT XHCN; vạch ra một số quy luật chung bắt buộc đối với các nước tiến lên CNXH; nhấn mạnh nhiệm vụ giáo dục CNQT vô sản, ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa sô vanh nước lớn… Bản Tuyên bố này được đông đảo các đảng cộng sản, công nhân xem là văn bản chỉ đạo có tính chất cương lĩnh chung.
Theo nghị quyết của Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân quốc tế, tháng 9-1958, Tạp chí Những vấn đề của hòa bình và chủ nghĩa xã hội đã ra số đầu tiên, xuất bản bằng 34 ngôn ngữ, phát hành ở 145 nước trên thế giới. Tạp chí là diễn đàn thông tin, trao đổi kinh nghiệm; công cụ giáo dục lý luận cách mạng; vũ khí đấu tranh tư tưởng; không gian tập hợp lực lượng, phối hợp hành động, củng cố sự đoàn kết, thống nhất của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.
Những bước phát triển mạnh mẽ của hệ thống XHCN thế giới từ cuối thập kỷ 50 đã chứng minh tính đúng đắn của những luận điểm được nêu trong Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân quốc tế năm 1957; đồng thời, đặt ra nhu cầu phát triển kịp thời nội dung của những luận điểm đó nhằm thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng trên phạm vi thế giới.
Sau khi dự Lễ kỷ niệm 43 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-1960), tại Thủ đô Mátxcơva, các đại biểu đã tổ chức Hội nghị 81 đảng cộng sản, công nhân. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất giữa các lực lượng cộng sản, công nhân; đã thông qua Tuyên bố chung và Lời kêu gọi nhân dân toàn thế giới. Các văn kiện này nêu lên một cách toàn diện nội dung và tính chất của thời đại; trình bày quan điểm về các vấn đề nóng hổi nhất như: chiến tranh, hòa bình, cùng tồn tại hòa bình; đã tổng kết những kinh nghiệm cơ bản của cách mạng XHCN và sự nghiệp xây dựng CNXH, trong đó nhấn mạnh phải kết hợp đúng đắn những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng XHCN và xây dựng CNXH với những đặc điểm dân tộc, phải kết hợp chặt chẽ lợi ích của dân tộc mình với lợi ích của toàn hệ thống XHCN thế giới…
Để tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phong trào cộng sản quốc tế, bản Tuyên bố nhấn mạnh phải tiếp tục đấu tranh trên cả hai mặt trận: chống chủ nghĩa xét lại hiện đại là nguy cơ chủ yếu; đồng thời chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa biệt phái. Ngoài ra, cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các đảng anh em. Tất cả các đảng đều độc lập, bình đẳng, đồng thời có nghĩa vụ ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, tự nguyện tuân theo những kết luận đã nhất trí thông qua sau khi thảo luận dân chủ trong các hội nghị quốc tế, các đảng anh em phải bảo vệ hệ thống XHCN thế giới.
Sau Hội nghị năm 1960, hoạt động lý luận và thực tiễn của các đảng cộng sản, công nhân được tăng cường triển khai: vừa tổng kết phong trào cách mạng, vạch ra những vấn đề lý luận cơ bản, cấp bách và xây dựng đường lối, con đường tiến lên CNXH. Mặt khác, các trào lưu tư tưởng cơ hội hữu khuynh, xét lại hiện đại cũng lan rộng trong nội bộ đội ngũ cộng sản thế giới, đe dọa khối đoàn kết thống nhất của toàn bộ phong trào. Nghiêm trọng hơn, đó là mối bất đồng giữa một số nước XHCN, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc trên các phương diện tư tưởng, lý luận, đường lối, chiến lược cách mạng. Lãnh đạo Trung Quốc công bố thư ngỏ, công khai thể hiện quan điểm cho rằng: cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Á, Phi, Mỹ La tinh mới là nhân tố quyết định xu thế phát triển của thế giới; chiến tranh thế giới tất yếu phải nổ ra và đó là con đường để tiêu diệt CNĐQ; trung tâm cách mạng thế giới đã chuyển từ châu Âu sang châu Á và Trung Quốc mới xứng đáng là đội tiền phong lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới...
Từ ngày 5 đến ngày 17-6-1969, Hội nghị quốc tế 75 đảng cộng sản và công nhân đã được tổ chức tại Mátxcơva. Hội nghị đã thông qua văn kiện “Nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn hiện nay và sự thống nhất hành động của các đảng cộng sản và công nhân, của tất cả các lực lượng chống đế quốc”. Văn kiện xác định cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội đối lập tùy thuộc vào những thành tựu và sự đoàn kết của hệ thống XHCN thế giới. Phương hướng chính trong đoàn kết hệ thống XHCN là thực hiện trong cuộc sống những nguyên tắc của CNQT XHCN. Do vậy, việc bảo vệ CNXH là nghĩa vụ của tất cả các đội ngũ cộng sản trên thế giới.
Hội nghị cho rằng khối đoàn kết của các đảng cộng sản, công nhân là nhân tố quan trọng nhất để thống nhất tất cả các lực lượng chống đế quốc. Xuất phát từ điều kiện lịch sử và nhiệm vụ cụ thể khác nhau, mỗi đảng phải tự định ra chính sách, phương hướng, hình thức và phương pháp đấu tranh cụ thể. Cơ sở của mối quan hệ giữa các đảng anh em là những nguyên tắc của CNQT vô sản, đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền và bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việc kết hợp đúng đắn lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế có ý nghĩa hàng đầu để mỗi đảng có thể làm tròn trách nhiệm của mình trước GCCN nước mình và GCCN quốc tế. Văn kiện Hội nghị nhấn mạnh: Trách nhiệm dân tộc và trách nhiệm quốc tế của mỗi đảng cộng sản, công nhân là không thể chia rẽ. Những người mácxít lêninnít vừa là những người yêu nước, vừa là những người quốc tế chủ nghĩa, họ bác bỏ tính hẹp hòi dân tộc và cũng phản đối việc phủ nhận hay đánh giá thấp lợi ích dân tộc và bác bỏ cả khuynh hướng bá quyền.
Sau Hội nghị năm 1969, các lực lượng cộng sản trên thế giới đã tăng cường gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động. Các hội nghị đại biểu các đảng cộng sản, công nhân các nước Ả rập, các nước châu Phi, các nước Mỹ La tinh, các nước Bắc Âu, các nước châu Âu… liên tiếp được tổ chức, góp phần củng cố phong trào cộng sản quốc tế như một thực thể hoạt động thống nhất.
3 Cuộc khủng hoảng của hệ thống XHCN thế giới, sự sụp đổ của các chế độ XHCN ở Đông Âu từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX và sự tan rã của Liên Xô, tháng 12-1991, là tổn thất nặng nề nhất của phong trào cộng sản quốc tế kể từ khi ra đời vào giữa thế kỷ XIX. Nguyên nhân gây ra thảm họa này rất đa dạng, trong đó có tình trạng vi phạm nghiêm trọng đối với CNQT của GCCN-cả trong tư tưởng, nhận thức, lý luận và cương lĩnh, đường lối cũng như hoạt động thực tiễn của các đảng cộng sản cầm quyền.
Như hậu quả không tránh khỏi, toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế sau năm 1991 bị lún sâu vào khủng hoảng, tan vỡ và phải đối mặt với nhiều thách thức nghiệt ngã nhất của lịch sử. Từ giữa thập niên 90, diễn ra quá trình phục hồi của các đảng cộng sản, công nhân ở không gian của Liên Xô cũ, khu vực Đông Âu và trên thế giới. Điểm sáng nhất trong toàn cảnh phong trào cộng sản quốc tế sau năm 1991 đó là quá trình cải cách, mở cửa, đổi mới, cập nhật mô hình XHCN về phát triển kinh tế-xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Lào. Chế độ XHCN đã trụ vững trước các đảo lộn địa chính trị toàn cầu, phá tan huyền thoại về sự cáo chung của CNCS; đồng thời, đã năng động vượt qua các hạn chế, sai lầm của bản thân, thích ứng với các xu thế phát triển của thế giới hiện đại, đem lại sinh lực mới cho tư duy lý luận và hiện thực XHCN.
Tuy nhiên, với tính cách là thực thể trong thế giới đương đại, phong trào cộng sản quốc tế còn phải khắc phục những hạn chế và vượt qua các thách thức lớn. Một là, mặc dù số lượng khá đông đảo, nhưng các lực lượng cộng sản, các quốc gia XHCN chưa tạo thành một đội ngũ thống nhất, đoàn kết, chưa thể hiện được ý chí và năng lực phối hợp hành động chung; bởi vậy, chưa trở thành một lực lượng vật chất toàn thế giới đủ sức đối trọng với CNTB đế quốc. Hai là, những thắng lợi của một số đảng cộng sản trong bầu cử, tuy là to lớn, nhưng chưa thể làm thay đổi chế độ kinh tế, xã hội và chính trị ở những nước đó, càng chưa thể nghĩ tới việc giành chính quyền về tay quần chúng cách mạng, về tay nhân dân lao động. Ba là, sự nghiệp cải cách, đổi mới CNXH vẫn còn rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến mô hình, con đường đi lên CNXH cần được làm sáng tỏ; nguy cơ chệch hướng, tự diễn biến, tự chuyển hóa vẫn nghiêm trọng. Bốn là, cuộc khủng hoảng về lý luận và thực tiễn của CNXH trên phạm vi thế giới, sự thoái trào của phong trào cộng sản quốc tế vẫn chưa được khắc phục, thậm chí có mặt đáng lo ngại hơn. Năm là, các thế lực đế quốc, phản động chống phá ngày càng tinh vi, ngày càng lợi hại, gây ra cho phong trào cộng sản quốc tế nguy cơ, thách thức chưa hề có tiền lệ.
Trong bối cảnh của thế giới ngày nay và đứng trước nhiệm vụ mới của sự nghiệp cách mạng, những mối quan hệ vì lợi ích giai cấp giữa các lực lượng cộng sản cần được cấu trúc lại một cách phù hợp, khả thi cả về nội dung và hình thức thực hiện:
Trước hết, tăng cường giáo dục CNQT vô sản, CNQT của GCCN cho đảng viên và quần chúng cách mạng ở mỗi nước, nhất là cán bộ, đảng viên đang giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rằng, tuy sức mạnh tự thân là yếu tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng ở từng quốc gia, nhưng không đội ngũ cộng sản nào, không quốc gia XHCN nào có thể một mình đi lên CNXH được. Sự nghiệp ấy nhất định phải là một sự nghiệp mang bản chất quốc tế sâu rộng. Kể cả Đảng và nhân dân Việt Nam, Trung Quốc…, tuy có thể trụ vững, đổi mới, cải cách CNXH với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng nếu cách mạng thế giới còn khó khăn, thoái trào, thì cũng không thể giành được thắng lợi cuối cùng; ngược lại, sẽ thường xuyên bị các lực lượng phản động, chống cộng toàn thế giới chống phá một cách bài bản, không thể xem thường.
Hai là, tăng cường thông tin, tuyên truyền tình hình đội ngũ cộng sản ở các nước và trên toàn thế giới để các lực lượng cộng sản hiểu biết lẫn nhau kịp thời, đầy đủ, đúng đắn trước các chiến dịch thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch. Lịch sử phong trào cộng sản quốc tế chứng minh rất rõ, mỗi khi thiếu thông tin về nhau, các lực lượng cộng sản trên thế giới đã bị rơi vào nhiều căn bệnh, từ ấu trĩ “tả” khuynh đến cơ hội hữu khuynh, xét lại, bá quyền đảng lớn, bè phái cục bộ…Mặt khác, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông có sức mạnh và tác động vô cùng lợi hại như trong thế giới ngày nay. Bởi vậy, mỗi tổ chức cộng sản cần chủ động, sáng tạo chia sẻ thông tin về mình cho cộng sản toàn thế giới thông qua các phương tiện truyền thông (báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, xuất bản…) và các phương tiện hiện đại (hộp thư điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, báo chí điện tử, sách điện tử, truyền thông đa phương tiện-đa nền tảng công nghệ…).
Ba là, trong quá trình xây dựng cương lĩnh, đường lối, chính sách và trong hoạt động thực tiễn của mình, mỗi lực lượng cộng sản phải đảm bảo tôn trọng lợi ích của toàn bộ GCCN và nhân dân lao động thế giới, phòng tránh các xu hướng cục bộ hẹp hòi, tuyệt đối hóa lợi ích riêng của GCCN nước mình. Đã có thời, lực lượng công nhân, cộng sản ở các nước khác nhau đều nhân danh lòng ái quốc bỏ phiếu tán thành ngân sách chiến tranh cho chính phủ tư sản ở nước mình, vô tình đã trở thành đồng lõa với các thế lực đế quốc châm lên ngọn lửa Chiến tranh thế giới I! Bài học đắt giá này còn nguyên giá trị cảnh báo trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, khi mỗi chính sách mời gọi đầu tư nước ngoài, chính sách lao động-tiền lương, chính sách thuế, chiến lược xuất nhập khẩu, chính sách đối ngoại… do Chính phủ ở mỗi nước ban hành đều tác động trực tiếp đến người lao động ở các nước khác, trước hết là những nước đối tác.
Bốn là, ủng hộ và bảo vệ CNXH cần trở thành nhiệm vụ chung quy tụ, tập hợp, gắn kết và đoàn kết, thống nhất của các lực lượng cộng sản toàn thế giới. Các quốc gia XHCN đã vượt qua chồng chất khó khăn, thách thức từ sau năm 1991, không chỉ thành công trong bảo vệ chế độ XHCN ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Lào…, mà còn đem lại sức mạnh, vị thế mới cho CNXH. Đây là thắng lợi và niềm hy vọng chung của công nhân, cộng sản và cách mạng toàn thế giới. Chính vì vậy, các lực lượng cộng sản, GCCN và quần chúng cách mạng thế giới, trước hết là các đảng cộng sản cầm quyền, cần gác lại mọi mâu thuẫn, bất đồng, khác biệt để ưu tiên nhiệm vụ và lợi ích chung là ủng hộ, bảo vệ CNXH như một thực thể quyền lực ngày càng hùng mạnh trong thế giới đầy nghịch lý hiện nay. Cũng cần trân trọng, tôn trọng và thực sự cầu thị nghiên cứu từng sáng tạo trong nỗ lực chung xây dựng những mô hình XHCN phù hợp và làm sáng tỏ con đường của từng quốc gia đi lên CNXH.
Năm là, xây dựng cơ chế, thiết chế và diễn đàn, tổ chức quốc tế phù hợp của các lực lượng cộng sản trên thế giới hiện nay. Tuy có đội ngũ đảng viên đông đảo nhất so với các đảng chính trị khác, nhưng cái yếu nhất của các đảng cộng sản và công nhân hiện nay là chưa biết tập hợp nhau lại thành một đội ngũ thông qua hình thức tổ chức quốc tế phù hợp. Trong khi đó, các thế lực tư bản độc quyền, tư bản đế quốc tỏ ra khôn ngoan xiết chặt đội hình thông qua các thiết chế chung như: NATO, G7, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos…, cùng nhau chi phối các tổ chức quốc tế toàn cầu như WTO, IMF, WB…
Có thể kết luận rằng, CNQT của GCCN là một quy luật của cách mạng XHCN và sự nghiệp xây dựng CNXH, CNCS. Từ chỗ là ước mơ không tưởng, “một bóng ma” ám ảnh châu Âu, CNCS đã trở thành lý luận khoa học và cách mạng soi đường cho công nhân, lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới lật đổ ách thống trị của tư bản, thực dân, đế quốc và xây dựng chế độ xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thế giới từ năm 1917 đến nay không còn là thế giới độc tôn của CNTB. Hình thái kinh tế CSCN, với biểu hiện ban đầu là CNXH, đã trở thành hiện thực sống động trên một phần đáng kể của trái đất và đã, đang là cuộc sống thực tại của hàng tỷ con người. Những thành tựu vĩ đại này có được, trên ý nghĩa rất lớn, là nhờ đội ngũ công nhân toàn thế giới dưới sự lãnh đạo của các chính đảng tiền phong đã nhận thức đúng đắn và hành động tự giác theo các quy luật của cách mạng vô sản, trong đó có CNQT của GCCN. Ngược lại, những đổ vỡ, mất mát và những trang sử xót xa nhất của phong trào cộng sản quốc tế đều là hậu quả của việc xem nhẹ, xa rời, phản bội lại các quy luật ấy.
Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, CNTB càng ngày càng trở thành một lực lượng toàn cầu trên mọi phương diện: cả phương thức sản xuất, chế độ xã hội và chủ thể quốc tế... Điều này đặt ra đòi hỏi tự nhiên rằng, cuộc đấu tranh giai cấp của GCCN cũng nhất thiết phải được nhận thức và tổ chức triển khai với tư duy toàn thế giới, cho dù trong chiến lược và sách lược của mình, đội ngũ công nhân ở mỗi nước đều phải “tự mình biến thành dân tộc”, “giành lấy dân tộc”. Mỗi bước tiến vào xã hội tương lai (international) lại đòi hỏi những người cộng sản phải thực hiện một cách hiệu quả CNQT của GCCN trên cơ sở ý thức sâu sắc rằng, chỉ có toàn bộ GCCN trên thế giới mới có khả năng hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, đó là lật đổ CNTB, tiến hành giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng lao động và giải phóng con người.
1. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, T. 2, tr. 115
2. C.Mác và Ph.Ăngghen Tuyển tập, Nxb ST, H, 1980, T. 3, tr. 51
3. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb ST, 1995, T. 4, tr. 611
4, 5. C.Mác và Ph.Ăngghen Tuyển tập, Nxb ST, H, 1980, T. 1, tr. 534, 517
6. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, T. 23, tr. 194
7. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb ST, H, 1980, T. 1, tr. 513
8. Sđd, T. 3, tr. 24-25
9. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, T. 38, tr. 278.
PGS, TS NGUYỄN VIẾT THẢO
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh