Tóm tắt: Phương pháp luận là bộ phận quan trọng giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng, nhưng hiện nay vẫn chưa thực sự được chú trọng. Phương pháp luận Lịch sử Đảng trước hết phải dựa vào phương pháp luận chung của Sử học, nhưng tính đặc thù có tầm quan trọng này chưa được nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên quan tâm đúng mức. Do thiếu chuyên gia và thiếu đầu tư hợp lý nên kết quả còn rất hạn chế. Từ thực tế đó, bài viết làm rõ hai vấn đề cụ thể về những tồn tại của phương pháp luận Lịch sử Đảng và một số vấn đề cần bàn luận.
1. Nội dung phương pháp luận Lịch sử Đảng - Một số vấn đề đặt ra
Sự kiện và hiện tượng lịch sử là đối tượng nghiên cứu hay khách thể nghiên cứu? Vấn đề này trong nghiên cứu Lịch sử Đảng còn mơ hồ trong khi quan điểm chung đã xác định đó là khách thể. Đây là bộ phận mà hoạt động nghiên cứu tác động vào để tìm ra bản chất và quy luật vận động của nó. Một khách thể có thể thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau nghiên cứu. Sự kiện và hiện tượng Lịch sử Đảng có thể là khách thể nghiên cứu của ngôn ngữ học, dân tộc học, kinh tế học... Nhưng mỗi khoa học có đối tượng nghiên cứu riêng của mình. Bản chất và quy luật vận động của sự vật nào được nhận thức là trí thức lý luận cao nhất chỉ riêng khoa học đó nghiên cứu. “Trong lĩnh vực nhận thức cần phân biệt đối tượng nghiên cứu và khách thể nghiên cứu. Khách thể nghiên cứu là lĩnh vực hiện thực mà mỗi bộ môn khoa học nào đó nghiên cứu, còn đối tượng nghiên cứu là khía cạnh của khách thể ấy mà bộ môn khoa học đó tập trung nghiên cứu. Mỗi ngành khoa học có đối tượng nghiên cứu riêng của mình. Đó là những quy luật tác động trong lĩnh vực mà ngành khoa học đó cần nghiên cứu”1.
Về đối tượng của khoa học Lịch sử Đảng. Vấn đề này đã được nhận thức nhất quán. Đó là quy luật về sự lãnh đạo của Đảng và quy luật về xây dựng Đảng. Tuy nhiên, trong thực tế chưa ai nói rõ nội dung những quy luật đó là gì, mặc dù khoa học Lịch sử Đảng tồn tại từ lâu. Vấn đề thường thấy là nêu những bài học kinh nghiệm ở phần tổng kết chương trình Lịch sử Đảng. Có phải đây là những quy luật được xác định bằng cách diễn đạt thận trọng? Tại sao không nói trực tiếp là quy luật để nâng cao niềm tin có căn cứ khoa học? Khoa học càng phát triển, nhận thức kinh nghiệm hay quy luật ngày càng được bổ sung, nâng cao hoặc thay đổi là chuyện bình thường, không đáng ngại. Tri thức kinh nghiệm không thể đánh giá ngang trí thức lý luận cho dù đề cao hết mức. Nói kinh nghiệm hay quy luật đều nhằm vận dụng vào thực tiễn. Tính nguyên tắc trong vận dụng lý luận cao hơn vận dụng kinh nghiệm.
Vậy có thể chuyển gọi tên những bài học kinh nghiệm thành những quy luật lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam trong phần tổng kết của chương trình Lịch sử Đảng để nâng tầm lý luận khoa học lên được không?
Về quy luật xây dựng Đảng. Đây là vấn đề gốc của mọi vấn đề về sự lãnh đạo của Đảng. Ai cũng hiểu tầm quan trọng của nó nhưng lại bị để trống trong nội dung khoa học Lịch sử Đảng. Lịch sử xây dựng Đảng của Đảng rất phong phú và hấp dẫn, đã để lại nhiều tư tưởng lý luận có tầm quốc tế. Các thế hệ đảng viên rất cần được trang bị tri thức này để góp phần xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới. Nâng cao vai trò xây dựng và bảo vệ Đảng của quần chúng cũng đòi hỏi như vậy. Khoa học Lịch sử Đảng có nhiệm vụ rõ ràng và tất yếu về điều đó nhưng lại không đề cập tới là điều khó chấp nhận, trong khi đáng lẽ nó chiếm tỷ trọng đáng kể trong trình bày và phổ biến Lịch sử Đảng. Vì vậy, nên thêm phần Lịch sử xây dựng Đảng trong các giai đoạn cách mạng và chỉ rõ quy luật xây dựng Đảng ở phần tổng kết của chương trình. Đây là đặc trưng rõ nhất của khoa học Lịch sử Đảng so với lịch sử dân tộc.
Về phương pháp nghiên cứu và trình bày. Phương pháp logic và phương pháp lịch sử, nguyên tắc tính đảng và tính khoa học đã được đề cập với tầm quan trọng hàng đầu trong phương pháp luận sử học. Vận dụng những lý luận chung đó đã không dễ. Nhưng đòi hỏi của khoa học còn phải nêu rõ những vấn đề riêng của chuyên ngành Lịch sử Đảng. Đây là sợi dây trực tiếp gắn lý luận với hoạt động thực tiễn cụ thể. Nối liền khoảng cách này là thử thách đáng kể. Về nguyên tắc tính đảng và tính khoa học, đây không phải chỉ nói riêng của sử học Việt Nam mà có tính lý luận phổ biến. Nói tính đảng không phải theo quan điểm biệt phái, độc tôn mà là khách quan khoa học. Vì thực chất của tính đảng là tính giai cấp. Bất kỳ nền sử học của quốc gia nào cũng theo quan điểm của giai cấp cầm quyền - quan điểm chính thống. Vì vậy, cần trình bày kỹ nội dung của nguyên tắc này, không né tránh trong chuyên ngành Lịch sử Đảng để soi sáng chân lý lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Ngoài phương pháp và nguyên tắc nói trên còn cần vận dụng nhiều phương pháp cụ thể khác: phân tích và tổng hợp, diễn dịch và quy nạp, phương pháp thống kê, phương pháp cấu trúc, phương pháp so sánh... Tính phong phú của những phương pháp cụ thể chưa được giải trình ở mức độ cần thiết nên khó vận dụng trực tiếp. Khiếm khuyết này làm cho người nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng bị bó hẹp trong hoạt động tự phát, lúng túng trong nâng cao chất lượng.
Phương pháp sư phạm trong giảng dạy cũng là vấn đề không thể bỏ qua. Vì chưa được chú trọng trong đào tạo giảng viên các môn lý luận nên thường bị vấp váp đối với người mới vào nghề và dễ tùy tiện đối với những người trong nghề lâu năm.
Nhìn chung, phương pháp luận Lịch sử Đảng còn nhiều vấn đề cần phải bàn luận. Trước hết, cần có tỷ lệ tương xứng trong bố trí chương trình, cần đầu tư nghiên cứu đúng tầm quan trọng của nó. Trong hoàn cảnh thực hiện cách mạng công nghệ hiện nay cần vận dụng nhiều biện pháp kĩ thuật hiện đại đi liền với đổi mới phương pháp trình bày trên lớp làm cho vấn đề đã nêu khó khăn hơn trước. Thêm vào đó, để đấu tranh chống những luận điệu sai lầm, chống phá cách mạng cũng cần có phương pháp hướng dẫn nhằm tạo sức thuyết phục, tránh áp đặt, thô cứng, nhất là tránh sơ hở gây phản tác dụng.
2. Một số vấn đề cần bàn luận
Về cấu trúc bài giảng: Thông thường loại bài giảng các giai đoạn lịch sử được cấu trúc theo trình tự: hoàn cảnh lịch sử, đường lối chủ trương của Đảng, tổ chức thực hiện, kết quả và tồn tại, nguyên nhân, ý nghĩa, kinh nghiệm. Những đề mục này tạo sự hợp lý về nhận thức. Bắt đầu từ những điều kiện đến quá trình vận động, hiệu quả, cuối cùng nâng nhận thức tổng quát có tính chất lý luận. Tuy nhiên, do gồm nhiều bộ phận nên dễ chồng chéo, trùng lặp nội dung hoặc rơi vào tình trạng rời rạc. Do vậy, cần chỉ rõ vai trò, nhiệm vụ của từng phần nhất là quan hệ của các phần nhằm thể hiện trọng tâm và chủ đề tư tưởng của toàn bài. Trong đó, các phần nguyên nhân, ý nghĩa, kinh nghiệm thường bị lúng túng khi xác định nội dung vì thiếu phương pháp hướng dẫn, thiếu căn cứ cụ thể làm chỗ dựa để phát hiện vấn đề. Những quan hệ ấy chi phối đến từng đoạn, từng tầng vấn đề, từng sự kiện và những nhận xét về nó. Đồng thời phải đặt tổ hợp này trong quan hệ với toàn bộ chương trình để góp phần làm rõ những bài học kinh nghiệm được tổng kết có tính khái quát tư tưởng, lý luận. Cần thành thạo tay nghề mới kiến trúc sự phức tạp ấy thành bài giảng hấp dẫn. Thực tế cho thấy cùng khối lượng nội dung, nhưng có khi do thiết kế khác nhau nên hiệu quả khác nhau khi lên lớp. Đây là công việc đòi hỏi năng lực tư duy vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật. Mới nhìn qua tưởng có vẻ đơn giản, nhưng xem xét kỹ mới thấy không giản đơn chút nào.
Phần cách mạng XHCN. Cái khó của phần này trước hết là giải thích sự đúng đắn của đường lối sau khi trình bày nội dung cụ thể. Không thể kết luận bằng áp đặt một công thức: Đường lối của Đảng là độc lập tự chủ, đúng đắn và sáng tạo, trong khi không chỉ rõ lý lẽ của những nhận xét đó. Bằng thực tiễn thắng lợi được chứng minh là cần thiết. Đó là cách nhìn đúng, là một điểm tựa nhưng chưa đủ vai trò thuyết phục. Điều cần thiết đối với những vấn đề chiến lược là lý giải trên cơ sở tư tưởng, lý luận ở tầm cao của Đảng. Càng khó hơn khi cần làm rõ sự sáng tạo lý luận của đường lối. Đảng sáng tạo trong vận dụng lý luận Mác-Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh là có thật, ai cũng cảm nhận được điều đó, vì cách mạng vững bước đi lên qua nhiều thử thách. Nhưng đến nay vẫn chưa hình dung rõ nét nên chưa đáp ứng nhu cầu nhận thức chung. Đây là vấn đề quá sức của các nhà sử học, là giới hạn của hoạt động lý luận hiện nay. Nhưng ít ra là nêu vấn đề, định hướng vấn đề để phát huy trí tuệ của công luận, để nâng cao ý thức của người nghe đối với sự lãnh đạo của Đảng. Cần tránh việc chỉ trình bày dài dòng về nội dung đường lối để thành bài giảng chính trị hoặc nặng kể lể số liệu thành tích để thành bản thống kê hay nói chuyện thời sự.
Vấn đề giai cấp trong thời kỳ định hướng XHCN ở Việt Nam là một đặc thù đáng kể. Việt Nam đang tồn tại hai giai cấp cơ bản là công nhân và nông dân, cùng với hai tầng lớp là trí thức và doanh nhân. Trong nền kinh tế nhiều thành phần còn có tư bản nước ngoài kinh doanh, nhưng tất cả đều cùng xây dựng đất nước theo vị trí của mình, không có xung đột để giải quyết mâu thuẫn giai cấp như quy luật phổ biến của lịch sử xã hội. Quan hệ công nhân và doanh nhân trong quá trình sản xuất theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nên vấn đề bóc lột giá trị thặng dư không đặt ra như quan hệ tư sản - vô sản, quan hệ giữa chủ và thợ ở các nước tư bản. Doanh nghiệp tư nhân được thừa nhận là một động lực phát triển kinh tế đất nước. Ngày nay, xác định đoàn kết giai cấp, dân tộc và tôn giáo là động lực phát triển xã hội thay thế quy luật đấu tranh giai cấp. Vấn đề đặc biệt quan trọng này phải được trình bày đậm nét trong phần lịch sử cách mạng XHCN.
Lịch sử phát triển bao giờ cũng theo quy luật giải quyết mâu thuẫn xã hội. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, mâu thuẫn đó là giữa cái cũ đang tồn tại và cái mới đang nảy sinh. Hội nghị giữa nhiệm kỳ, khóa VII (năm 1994) của Đảng đã chỉ rõ 4 nguy cơ là mâu thuẫn cần vượt qua mới thúc đẩy đất nước đi lên. Cụ thể: Tụt hậu về kinh tế; đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa (sai lầm về đường lối); tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí; “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Những nguy cơ này đến nay vẫn tồn tại. Đại hội XIII (2021) của Đảng chỉ rõ: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng vối biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối vói nước ta trong thời gian tới”2. Cuộc đấu tranh này là dòng chủ lưu thúc đẩy lịch sử phát triển đúng hướng, đúng quy luật, tạo không khí sôi động. Sử học cần tập trung phản ánh trực tiếp, toàn diện. Xa rời trục vận động này sẽ không làm rõ bản chất của lịch sử.
Khoảng trống dễ thấy trong trình bày phần cách mạng XHCN là vắng bóng các nhân vật điển hình của quần chúng. Vai trò của quần chúng trong phần cách mạng dân tộc dân chủ hào hùng bao nhiêu thì trong phần cách mạng XHCN im ắng bấy nhiêu gây nên hụt hẫng cảm xúc và nhận thức của người nghe. Vai trò của quần chúng trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử cũng cần phải trình bày đậm nét. Không ai nghi ngờ điều đó, nhưng vì sao lại là điểm yếu trong trình bày phần cách mạng XHCN. Có lẽ vì thiếu những công bố chính thức về các nhân vật điển hình của cách mạng. Chẳng lẽ trong cuộc sống hôm nay thiếu những mẫu người tiêu biểu. Mặc dù có những người hôm qua là anh hùng, hôm nay là tội phạm, nhưng không phải mọi anh hùng đều như thế. Có lẽ loại nhân vật vừa nêu là sản phẩm khó tránh khỏi của giai đoạn định hướng XHCN, giai đoạn ban đầu của kinh tế thị trường ở Việt Nam. Con người đang nằm trong vòng xoáy của xã hội quá độ nên khó tránh khỏi sự chìm nổi thất thường. Lịch sử cũng cần phản ánh kiểu người này để góp phần xây dựng bản lĩnh của con người mới. Tuy nhiên, những hình mẫu tích cực, tiên tiến của cá nhân, đơn vị và địa phương vẫn chiếm đa số, có tính phổ biến cần phải tô đậm để rõ mặt chính diện của xã hội mới. Điều này thuộc trách nhiệm của nhiều ngành nhưng Lịch sử Đảng vẫn đóng vai trò quan trọng. Tuy khó khăn về tài liệu và phải thận trọng về phương pháp trình bày, nhưng chậm trễ là điều đáng trách.
Những vấn đề nêu trên chỉ nhằm một mục đích là phải đầu tư nhiều công sức hơn để bổ sung, làm giàu nội dung phương pháp luận và phương pháp giảng dạy chuyên ngành Lịch sử Đảng nhằm xứng đáng với vai trò quan trọng của nó trong xây dựng xã hội hiện nay.
1. Từ điển triết học giản yếu, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, 1987, tr. 157
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. I. tr. 108.
PGS LÊ THẾ LẠNG