Tóm tắt: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là môn học cứng trong chương trình đào tạo bậc đại học, việc nâng cao chất lượng môn học vừa là yêu cầu tự thân, vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng là nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài viết khái quát về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xác định vị trí, vai trò môn Lịch sử Đảng trong chương trình đào tạo, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong giảng dạy môn học này.
Từ khoá: Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; kiểm định chất lượng giáo dục
1. Khái quát về kiểm định chất lượng giáo dục đại học và vị trí của môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Kiểm định chất lượng giáo dục là công tác thường xuyên để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Ở Việt Nam, khái niệm kiểm định chất lượng được đề cập lần đầu trong Luật Giáo dục năm 2005 với nội hàm còn chung trong hệ thống giáo dục, chưa có sự tách riêng kiểm định giáo dục đại học với các cấp học. Điều 17, Luật Giáo dục năm 2005 xác định: “kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát”1.
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, công tác kiểm định chất lượng ngày càng được hoàn thiện, đưa ra tiêu chuẩn kiểm định riêng cho các bậc học. Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua ngày 19-11-2018 nêu rõ: “mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục đại học là: Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học; xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn; làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo; cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực”2.
Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học, ngày 14-3-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 04/2016/TT-BGDÐT, ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá, chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (gọi tắt là Thông tư 04). Tiếp đó, ngày 19-5-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT, ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là Thông tư 12)3. Thông tư 04 xác định chất lượng của chương trình đào tạo trong giáo dục đại học “là sự đáp ứng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ở trình độ cụ thể, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật giáo dục đại học và của Khung trình độ Quốc gia, phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của địa phương, của ngành và xã hội”4. Đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học là “đánh giá đối với toàn bộ các hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các tiêu chuẩn về: mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; bản mô tả chương trình đào tạo; cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; phương pháp tiếp cận trong dạy và học; đánh giá kết quả học tập của người học; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; đội ngũ nhân viên; người học và hoạt động hỗ trợ người học; cơ sở vật chất và trang thiết bị; nâng cao chất lượng và kết quả đầu ra”5. Phương pháp đánh giá trong kiểm định chất lượng là phương pháp định lượng, các tiêu chuẩn trên phải được đo lường và chứng minh. Phương pháp này giúp cho hoạt động dạy và học theo quy chuẩn bài bản, chặt chẽ.
Kết quả kiểm định chất lượng “được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; là một trong các tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ, thực hiện phân tầng, xếp hạng, giao quyền tự chủ và sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục. Các tín chỉ mà người học tích lũy ở cơ sở giáo dục đã được kiểm định được công nhận và chuyển đổi”6. Cơ sở giáo dục tham gia kiểm định chất lượng “nhưng chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bị hạn chế quyền tự chủ. Nếu liên tục 03 năm sau đó mà vẫn không thực hiện cải tiến chất lượng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ bị áp dụng chế tài hạn chế hoặc đình chỉ việc tuyển sinh”7.
Việc sử dụng chế tài như trên đối với chương trình đào tạo không đạt yêu cầu kiểm định chất lượng cho thấy tầm quan trọng của kiểm định đối với giáo dục đại học. Nó là công cụ để đánh giá thực trạng chất lượng và cũng là biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, kiểm định chất lượng là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn kiểm định chất lượng theo chuẩn trong nước, có thể lựa chọn kiểm định chất lượng theo chuẩn nước ngoài. Đánh giá kiểm định theo chuẩn trong nước hay chuẩn nước ngoài về cơ bản là đánh giá các tiêu chuẩn như đã nêu ở trên. Đối với các môn lý luận chính trị được đánh giá chuẩn trong nước theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến ngày 31-3-2023 cả nước đã có 1.141 chương trình đào tạo được đánh giá kiểm định, trong đó có 752 chương trình đánh giá theo chuẩn trong nước của 128 trường đại học và 4 trường cao đẳng; 389 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài của 55 trường đại học8.
Chất lượng của mỗi môn học (học phần) liên quan chặt chẽ đến chương trình đào tạo. Đóng góp của các môn học trong một chương trình đào tạo là quá trình hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu của môn học để đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là môn học cứng trong cấu trúc và nội dung chương trình dạy học bậc đại học của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chất lượng môn Lịch sử Đảng gắn liền với chất lượng chương trình đào tạo, góp phần đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng. Đối với các chương trình đào tạo ở bậc đại học không chuyên khối lý luận chính trị, môn Lịch sử Đảng có vai trò trang bị kiến thức nền, lập trường tư tưởng, phát triển kỹ năng và hình thành thái độ đúng đắn cho người học. Đối với chương trình đào tạo khối chuyên lý luận chính trị, môn Lịch sử Đảng có vai trò trang bị kiến thức ngành và chuyên ngành, lập trường tư tưởng, phát triển kỹ năng, hình thành thái độ đúng đắn cho người học.
2. Chất lượng môn Lịch sử Đảng theo yêu cầu kiểm định chất lượng
Trên cơ sở tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng môn Lịch sử Đảng được cụ thể hóa ở các tiêu chí sau: mục tiêu môn học; mô tả môn học; chuẩn đầu ra môn học; đề cương chi tiết; phương pháp dạy và học; phương pháp đánh giá kết quả học tập; vai trò của giảng viên; cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và học tập; quá trình cải tiến nâng cao chất lượng môn học Lịch sử Đảng. Các tiêu chí trên có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau. Trong khuôn khổ bài viết, tập trung các nội dung quan trọng sau:
Xác định rõ mục tiêu và chuẩn đầu ra môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cơ sở để xây dựng mục tiêu và chuẩn đầu ra môn Lịch sử Đảng là Luật Giáo dục đại học và Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam dành cho bậc đại học hệ chuyên lý luận chính trị và bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị do Nhà xuất bản CTQGST xuất bản năm 2021. Giáo trình này được biên soạn theo Kết luận số 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, mục tiêu của nghiên cứu, học tập môn học Lịch sử Đảng “là nâng cao nhận thức, hiểu biết về Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam đưa đến những thắng lợi, thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Qua học tập, nghiên cứu lịch sử Đảng để giáo dục lý tưởng, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc, củng cố, bồi đắp niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, tự hào về Đảng và thế hệ trẻ gia nhập Đảng, tham gia xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, tiếp tục thực hiện sứ mệnh vẻ vang của Đảng lãnh đạo bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”9.
Xuất phát từ đặc thù môn học, chuẩn đầu ra môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: phần kiến thức; phần tư tưởng; phần kỹ năng và thái độ.
Về kiến thức: Học xong môn lịch sử Đảng, sinh viên phải đạt được chuẩn sau:
- Trình bày được sự vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930-1945); Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến, hoàn thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945-1975); Đảng lãnh đạo cả nước quá độ lên CNXH và tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1975 đến nay).
- Phân tích được ý nghĩa sự ra đời của Đảng; tính chất, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; phân tích được ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975); đánh giá được thành tựu công cuộc đổi mới, phân tích được những kinh nghiệm trong quá trình đổi mới và những bài học lớn về sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến nay.
Đối với hệ đại học chuyên lý luận chính trị, yêu cầu chuẩn đầu ra cao hơn. Ngoài những kiến thức cơ bản đã nêu ở trên, sinh viên chuyên lý luận chính trị nghiên cứu, phân tích được các tác phẩm kinh điển của Karl Marx, Friedrich Engels và V.I. Lenin, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Cương lĩnh của Đảng, nghiên cứu sâu về xây dựng Đảng ở các thời kỳ lịch sử, “tiếp cận và chủ động phát triển tính độc lập trong nghiên cứu, học tập, tham gia tổng kết kinh nghiệm, bài học lịch sử, những quy luật và lý luận của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo”10.
Về tư tưởng: Chuẩn đầu ra về tư tưởng là rất quan trọng đối với các môn lý luận chính trị nói chung và Lịch sử Đảng nói riêng. Tư tưởng của người học được hình thành trên cơ sở nhận thức. Nhận thức trên cơ sở khoa học thì tư tưởng, thái độ càng được củng cố vững chắc. Học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là “nhận thức đầy đủ, có hệ thống những tri thức lịch sử lãnh đạo, đấu tranh và cầm quyền của Đảng, nhận thức rõ về Đảng với tư cách một Đảng chính trị-tổ chức lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Đảng là tổ chức lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Nhận thức quy luật của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”11. Từ nhận thức đó, giúp cho người học nâng cao tư tưởng, trình độ lý luận, vững tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn: độc lập dân tộc đi lên CNXH.
Về kỹ năng: Học xong môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh viên phải có phương pháp tư duy biện chứng, có khả năng lập luận, thuyết trình, làm việc nhóm, có bản lĩnh trong cuộc sống, hành động sáng tạo, biết lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, định hướng đúng giá trị trong cuộc sống.
Việc xây dựng chuẩn đầu ra môn Lịch sử Đảng như trên bảo đảm sự logic giữa các phần: kiến thức; tư tưởng; kỹ năng theo tiến trình nhận thức từ thấp đến cao, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Từ trình bày được những kiến thức cơ bản về Lịch sử Đảng, đi tới nhận thức cao hơn là phân tích, đánh giá tìm ra bản chất của vấn đề, hình thành lập trường, tư tưởng, quan điểm cách mạng, tư duy biện chứng khoa học để đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử; đấu tranh phê phán những biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ hiện nay. Đồng thời, giúp cho sinh viên có thái độ đúng, sống có hoài bão, lý tưởng, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng để đóng góp nhiều hơn vào xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xác định đúng mục tiêu và chuẩn đầu ra có ý nghĩa hàng đầu trong nâng cao chất lượng môn học, nó định hướng các hoạt động tiếp theo của quá trình dạy và học. Để hiện thực hóa mục tiêu và chuẩn đầu ra thì người thầy có vai trò quyết định trực tiếp với các hoạt động cụ thể là xây dựng đề cương môn học, thực hiện phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập, cải tiến nâng cao chất lượng môn học.
Xây dựng đề cương môn học Lịch sử Đảng theo chuẩn kiểm định chất lượng
Xây dựng đề cương môn học là bước căn bản để thực hiện mục tiêu môn học, nâng cao chất lượng giảng dạy. Có nhiều hình thức xây dựng đề cương môn học theo chuẩn kiểm định, nhưng điểm chung là đề cương phải thể hiện được nội dung môn học, quá trình hoạt động của người dạy và người học, bao gồm những mục cơ bản: mô tả tóm tắt, mục tiêu, chuẩn đầu ra, kiểm tra, đánh giá, kế hoạch học tập, tài liệu học tập.
Trong đề cương môn học, kế hoạch học tập phải đảm bảo logic, chặt chẽ trong từng mục, từng chương của bài học. Ví dụ: kế hoạch học tập (trong mục II Chương 1 Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam): “Đảng lãnh đạo quá trình đấu tranh giành chính quyền (1930-1945)” thì chuẩn đầu ra của nó là:
Về kiến thức: Trình bày được quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930-1945). Phân tích được tính chất, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Về tư tưởng: Nhận thức đúng quy luật, con đường giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Củng cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Về kỹ năng: Hình thành tư duy biện chứng, lập luận chặt chẽ đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Về thái độ: Có thái độ sống tích cực, định hướng đúng giá trị cuộc sống.
Để đạt được chuẩn đầu ra trên, kế hoạch học tập phải nêu rõ tài liệu học tập phục vụ nội dung bài học, phương pháp dạy và học phù hợp với nội dung bài học, đưa ra được chủ đề thảo luận phù hợp là: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”12. Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử cho rằng: Cách mạng Tháng Tám là sự ăn may, “Dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa vẫn giành được độc lập mà ít tốn xương máu”13.
Qua kế hoạch giảng dạy sinh viên biết được yêu cầu của chuẩn đầu ra, thời gian học tập, tài liệu học tập, nội dung học ở lớp, nội dung chủ đề thảo luận, phương pháp dạy và học, hình thức kiểm tra đánh giá trong từng chương, từng mục của bài học. Điều đó giúp sinh viên chủ động trong quá trình học tập, tập trung đọc những tài liệu có giá trị khoa học, học có trọng tâm, trọng điểm đi sâu vào nội dung bài học, chuẩn bị nội dung bài học có hiệu quả. Việc kiểm tra đánh giá cho điểm về nội dung làm bài tập, tham gia thảo luận phát biểu ý kiến xây dựng bài cũng là động lực cho sinh viên tích cực học tập trong từng buổi học. Sinh viên có chủ động học tập thì “kiến thức họ học được mới trở thành tri thức của bản thân, mới chuyển thành hành động và thói quen hàng ngày của họ”14. Việc xây dựng kế hoạch học tập một cách logic, khoa học sẽ nâng cao chất lượng môn Lịch sử Đảng, nó là bản đề cương phác họa nối mạch gắn kết từ kiến thức môn học đến tư tưởng, kỹ năng và thái độ của sinh viên trong từng mục, từng chương của bài học.
Sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Phương pháp giảng dạy tích cực là “những phương pháp, cách thức, kỹ thuật khác nhau giúp cho giờ học trở nên sinh động và hấp dẫn, tạo cơ hội cho người học được làm việc một cách chủ động và sáng tạo”15. Giảng dạy tích cực có nhiều phương pháp, tiêu biểu như: phương pháp nêu ý kiến ghi lên bảng; phương pháp hỏi - đáp; phương pháp đặt tình huống nêu vấn đề; phương pháp thuyết trình có minh họa; phương pháp làm việc nhóm, tổ chức thảo luận; phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề. Áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong môn học Lịch sử Đảng, sinh viên phải phát huy khả năng tự học, chủ động nắm các kiến thức, kỹ năng mới và làm quen với nghiên cứu để làm sáng tỏ các câu hỏi, chủ đề thảo luận trong kế hoạch giảng dạy. Việc tự học, chủ động trong học tập giúp sinh viên tự tin khi học ở trên lớp, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài, nhanh chóng tiếp thu được bài giảng, đặt được những câu hỏi sâu sắc trong quá trình thảo luận. Khi thảo luận, sinh viên được chia sẻ những kiến thức, sự hiểu biết của mình cho mọi người, được khám phá tiềm năng của chính mình; đồng thời, được bổ sung những kiến thức từ người thầy và các thành viên khác trong lớp, nên họ có niềm vui được sáng tạo và được thể hiện. Đây là yếu tố rất quan trọng làm cho buổi học trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người học; hình thành cho sinh viên khả năng tư duy độc lập, lập luận logic và khả năng phản biện; đồng thời khắc phục hiện tượng dạy và học nặng về mô tả sự kiện, khô cứng, dẫn đến định kiến không đúng về môn Lịch sử Đảng là môn học thuộc, thiên về nhớ, không cần tư duy.
Thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực, người học là đối tượng trung tâm, người dạy giữ vai trò hướng dẫn và giúp đỡ, nhưng vai trò của người thầy không hề giảm mà càng phải được nâng cao trước đòi hỏi của chất lượng đào tạo, từ sự chủ động của người học và áp lực liên tục về cập nhật thông tin, kết quả nghiên cứu mới. Người thầy phải có kiến thức sâu rộng, có năng lực sư phạm, có khả năng tổ chức lớp học thì mới thực hiện tốt việc giảng dạy bằng phương pháp giảng dạy tích cực. Vai trò của người thầy trong giảng dạy Lịch sử Đảng là xây dựng được đề cương môn học với kế hoạch giảng dạy một cách khoa học trong từng mục của chương, giới thiệu tài liệu, lựa chọn nội dung tiêu biểu để thảo luận. Trong quá trình giảng dạy phải biết đặt câu hỏi, nêu vấn đề phù hợp cho nhiều đối tượng, khuyến khích, lôi cuốn người học tham gia phát biểu xây dựng bài giảng. Đặt câu hỏi quá dễ, người học sẽ chán. Đặt câu hỏi quá khó, người học ngại trả lời.
Trong thảo luận, người thầy phải biết điều khiển các hoạt động thảo luận, phân xử, đánh giá khách quan, chính xác, đưa ra đáp án đúng nhất các vấn đề được thảo luận. Người thầy phải dẫn dắt vấn đề theo mục tiêu, chuẩn đầu ra của môn học, gắn nội dung bài học với thực tiễn theo trình tự logic từ trang bị kiến thức bài giảng đến hình thành tư tưởng, phát triển kỹ năng của sinh viên. Một buổi học mà thầy dạy sinh viên chăm chú nghe giảng, nhưng không kết nối được mạch kiến thức thì buổi học chưa thành công. Bởi trong thực tế, nhiều giảng viên có năng lực thuyết trình, giảng cuốn hút, sinh viên chăm chú nghe, nhưng những vấn đề thầy nói “ngoài lề” nhiều hơn nội dung bài giảng, nên không đạt được yêu cầu về chuẩn đầu ra của bài học. Điều đó nói lên sự chuẩn mực, bài bản về kiến thức và phương pháp giảng dạy của kiểm định chất lượng.
Kiểm định chất lượng là một khâu trong giáo dục đại học. Để đáp ứng yêu cầu kiểm chất lượng môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đạt chuẩn đầu ra, người thầy cần xây dựng được đề cương chi tiết đối với mỗi bài học và tổ chức dạy học theo phương pháp tích cực. Sự tác động tích cực, chủ động hai chiều dạy và học, giữa người thầy và sinh viên là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 6-2023
1. Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 38/2005/QH 11, ngày 14-6-2005
2. Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật số 34/2018/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, ngày 19-11-2018
3. Thông tư 12 xác định: Chuẩn đầu ra (Expected Learning Outcome) là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở giáo dục cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện
4, 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thông tư số: 04/2016/TT-BGDÐT, ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá, chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, ngày 14-3-2016
6, 7. Bộ giáo dục và Đào tạo: Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT, ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, ngày 19-5-2017
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Danh sách các chương trình đào tạo được đánh giá/công nhận (cập nhật đến ngày 31-3-2023), nguồn: https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/khao-thi-va-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc/Pages/Default.aspx?ItemID=8487
9, 10. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Dành cho bậc đại học hệ chuyên lý luận chính trị), Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 32, 30
11. Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 18, 19
12. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 11, tr. 30
13. Dẫn theo: Ban tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch (Lưu hành nội bộ), H, 2005, tr. 27
14, 15. Đinh Văn Tiến và cộng sự: Cẩm nang phương pháp sư phạm, Nxb Tổng hợp TP HCM, TP HCM, 2018, tr. 19, 18.