Tóm tắt: Công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục bậc đại học trở thành một yêu cầu bắt buộc, một nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng. Giáo dục Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Lịch sử Đảng) góp phần củng cố bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, phương pháp, kỹ năng nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua nghiên cứu quá trình dạy và học môn Lịch sử Đảng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam bài viết làm rõ thực trạng và bước đầu nêu kiến nghị và đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử Đảng.

Từ khoá: Lịch sử Đảng CSVN, kết quả học tập, kiến nghị giải pháp, sinh viên; Học viện Nông nghiệp Việt Nam

1. Kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Học viện NNVN) có 43 ngành với hơn 70 chuyên ngành đào tạo. Những năm gần đây, số lượng tuyển sinh đại học của Học viện trung bình khoảng hơn 5.000 sinh viên. Trước đây, thế mạnh của Học viện Nông nghiệp đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ, đặc biệt là các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi, thú y, khoa học cây trồng… nhưng trong những năm trở lại đây, lượng sinh viên các khối ngành kỹ thuật - công nghệ có xu hướng giảm. Trong khi đó, Học viện mở thêm nhiều ngành đào tạo mới thuộc khối kinh tế - xã hội như tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, ngôn ngữ anh, luật kinh tế… nên số lượng sinh viên các khối ngành này đã tăng nhanh chóng.

Với mục tiêu đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng bộ, Ban Giám đốc Học viện NNVN đã rất quan tâm đến vấn đề đào tạo chuyên môn cho người học. Bên cạnh đó, Học viện cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục sinh viên về tư tưởng, lập trường chính trị. Tuy nhiên, kết quả học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên Học viện nói chung, trong đó có môn Lịch sử Đảng nói riêng còn chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý đào tạo, kết quả học tập học phần Lịch sử Đảng của sinh viên Học viện NNVN trong học kỳ 1 năm học 2022-2023, tỉ lệ sinh viên đạt điểm A chỉ chiếm 0,6 %, điểm B+ và điểm B chiếm 20,3 %, điểm C+ và điểm C chiếm 42,9 %, điểm D+ và điểm D chiếm 34,4 %, F chiếm tỉ lệ với 1,8 %. Sang năm học 2023-2024, tỉ lệ sinh viên điểm A giảm dần trong khi đó kết quả điểm D lại có xu hướng tăng.

Biểu đồ tổng hợp điểm tổng kết môn Lịch sử Đảng của sinh viên theo năm học (tỉ lệ %)
Nguồn: Ban QLĐT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

 

Kết quả học tập (điểm) môn Lịch sử Đảng minh chứng cho mức độ sinh viên đạt được về mục tiêu kiến thức, kỹ năng, năng lực và thái độ. Ngoài kết quả điểm Lịch sử Đảng của sinh viên toàn Học viện NNVN, để xác định được những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên, tác giả đã tiến hành khảo sát kết quả học tập (điểm tổng kết học phần) Lịch sử Đảng của 250 sinh viên khoá 66 thuộc các khối ngành kỹ thuật - công nghệ và kinh tế - xã hội. Kết quả học tập tác giả thu được từ 250 sinh viên tương đương với số liệu của sinh viên toàn Học viện trong 2 năm học 2022-2023 và 2023-2024 đã cho thấy số mẫu và kết quả khảo sát thu về chính xác và tin cậy. Ngoài điểm số tổng kết học phần, để đánh giá chính xác hơn kết quả học tập môn học của sinh viên, tác giả còn tiến hành khảo sát mức độ đạt được các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ của sinh viênsau khi kết thúc học phần.

Về mức độ ghi nhớ1, có 62,4% sinh viên cho rằng ghi nhớ phần nhiều kiến thức môn học, số không nhớ chút ít chỉ có 0,04% và nhớ rất ít chiếm 26%. Đặc thù của môn Lịch sử Đảng rất nhiều mốc thời gian, địa điểm và sự kiện, do vậy đa phần các bạn học thiên về khối khoa học tự nhiên ngại nhớ ngày tháng, địa điểm, sự kiện.

Về kiến thức, có 68,4 % sinh viên hiểu khá nhiều về những vấn đề cơ bản của Đảng sau khi kết thúc môn học, chỉ có 16% hiểu rất ít, còn lại 15,6% đều cho rằng có thể hiểu được. Như vậy số sinh viên hiểu rất ít chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng số sinh viên đã học môn Lịch sử Đảng, tuy nhiên để nâng cao hiệu quả dạy học hơn nữa, những người có trách nhiệm và liên quan vẫn cần tìm giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Về tư tưởng, với học phần Lịch sử Đảng vấn đề tư tưởng của sinh viên có liên quan đến kiến thức, khi người học có kiến thức tốt và nhận thức trên cơ sở khoa học thì tư tưởng, thái độ càng được củng cố vững chắc. Học Lịch sử Đảng cho sinh viên: nhận thức quy luật của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nhận thức rõ về Đảng với tư cách một Đảng chính trị-tổ chức lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; Đảng là tổ chức lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam; Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Trong cuộc sống toàn cầu hoá hiện nay, đặc biệt với sự phát triển của mạng xã hội, sinh viên có thể gặp phải nhiều luận điệu phản động, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò của Đảng. Học tập nghiên cứu Lịch sử Đảng giúp cho người học nâng cao tư tưởng, trình độ lý luận, vững tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Về kỹ năng, sinh viên từ nắm được những kiến thức cơ bản về Lịch sử Đảng, đi tới nhận thức cao hơn là phân tích, đánh giá tìm ra bản chất của vấn đề, hình thành lập trường, tư tưởng, quan điểm cách mạng, tư duy biện chứng khoa học để tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử; đấu tranh phê phán những biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ hiện nay. Đồng thời, giúp cho sinh viên có thái độ đúng, sống có hoài bão, lý tưởng, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng để đóng góp nhiều hơn vào xây dựng nước Việt Nam.

Khi tác giả điều tra có câu hỏi “Khả năng anh/chị nhận diện những biểu hiện sai lầm về Lịch sử như xét lại, xuyên tạc, bôi đen lịch sử… trong nhận thức và thực tiễn như thế nào?”, kết quả chỉ có 2,8% sinh viên được hỏi không nhận ra những biểu hiện sai lầm trên. Trong một câu hỏi khác “Mức độ quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH của anh/chị?” cho kết quả thu về với 98% sinh viên đều trả lời có từ quyết tâm đến rất quyết tâm trong việc tin tưởng và bảo vệ đường lối của Đảng. Kết quả điều tra cho thấy phần đông sinh viên sau khi kết thúc môn học Lịch sử Đảng đã đạt phần nào yêu cầu về mục tiêu và kỹ năng mà mục tiêu môn học đề ra.

2. Một số giải pháp nâng cao kết quả học tập học phần Lịch sử Đảng trong sinh viên

Theo kết quả nghiên cứu2, có đến 80,8 % sinh viên khẳng định những nhân tố thuộc về chủ quan là đóng vai trò quyết định nhất đến kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên. Khi được hỏi “để nâng cao kết quả học tập môn học, cần tập trung nhiều nhất vào nhóm giải pháp nào?”, 220/250 sinh viên ý kiến nên tập trung vào nhân tố chủ quan. Có nhiều giải pháp nhằm nâng cao kết quả học tập học phần Lịch sử Đảng trong sinh viên. Riêng về đối với sinh viên, chúng tôi kiến nghị nêu một số giải pháp sau:

Thứ nhất, sinh viên cần phải có động cơ học tập môn học: động cơ học tập môn học là một trong những nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên. Qua khảo sát, có đến 10,8% sinh viên không có động cơ học tập, hoặc nếu có chỉ là nhằm qua môn, dẫn đến kết quả học tập môn học của sinh viên chưa cao. Nghiên cứu đã cho thấy, kết quả học tập môn học của sinh viên kém một phần do sinh viên không có động cơ học tập hoặc động cơ học tập chưa cao. Vì vậy, để nâng cao kết quả học tập môn học, đòi hỏi bản thân sinh viên cần phải xây dựng, xác định đúng động cơ học tập. Sinh viên cần phải nhận thức rằng việc học tập môn Lịch sử Đảng không chỉ để qua môn mà còn hiểu biết hơn về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Không chỉ như vậy, sinh viên cần phải cố gắng học tập tốt môn Lịch sử Đảng nhằm xây dựng lý tưởng cách mạng, biết nhận diện và đấu tranh chống những biểu hiện sai trái, những âm mưu thù địch, chống phá nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả của công cuộc xây dựng CNXH của nhân dân. Bản thân những sinh viên được điều tra, khảo sát cũng đã nhận ra nguyên nhân của tình trạng kết quả học tập môn học kém; do vậy, theo ý kiến của 57,7% sinh viên, để có kết quả học tập môn học cao, sinh viên cần xây dựng, xác định động cơ học tập đúng đắn.

Thứ hai, sinh viên cần có tính kiên định học tập: môn học Lịch sử Đảng có khối lượng kiến thức lớn, nhiều sự kiện ngày tháng, ngoài ra nhiều văn kiện Đảng cũng cần được phân tích, lý giải nên có thể ảnh hưởng đến định kiến sai về môn học. Đây chính là rào cản tâm lí, khiến sinh viên cảm thấy thiếu hứng thú học tập. Qua khảo sát, có đến 38% sinh viên không sẵn sàng, quyết tâm gạt bỏ những khó khăn khi học tập môn học, dẫn đến kết quả học tập không đạt được như mong muốn, vì vậy giải pháp hàng đầu sinh viên cần nỗ lực, kiên định trong học tập. Qua điều tra 60% (150/250 sinh viên) cũng cho rằng bản thân sinh viên cần phải luôn kiên định, luôn quyết tâm vượt qua những rào cản để đạt kết quả môn học cao.

Thứ ba, sinh viên cần có phương pháp học tập tích cực, chủ động: Đặc thù của việc dạy và học ở đại học nhấn mạnh đến sự tự giác, chủ động và sáng tạo của người học. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy đa số sinh viên (39,2% sinh viên thuộc đối tượng khảo sát) tự thừa nhận bản thân chưa tích cực, chủ động khi học tập Lịch sử Đảng, nguyên nhân này có thể dẫn đến kết quả học tập Lịch sử Đảng kém. Do vậy, theo ý kiến đóng góp của 72,4% sinh viên được hỏi đã học qua học phần Lịch sử Đảng, giải pháp quan trọng hàng đầu là thay đổi phương pháp học tập, từ phương pháp học tập thụ động sang phương pháp học tập tích cực, chủ động. Bản thân sinh viên luôn phải tự giác, chủ động học tập ngay cả trước khi buổi học bắt đầu, trong buổi học và sau buổi học. Sinh viên phải chủ động tìm hiểu về môn học, chủ động tìm kiếm tài liệu học tập; đọc, chuẩn bị bài trước khi đến giờ học, tích cực tương tác với giảng viên và những sinh viên khác trong và cả sau giờ học, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, có như vậy sinh viên mới có thể đạt được kết quả cao trong môn học.

Nhìn chung, qua số liệu thống kê kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên Học viện NNVN do Ban Quản lý đào tạo cung cấp cho thấy kết quả học tập của sinh viên đạt điểm A chưa cao, tỉ lệ sinh viên đạt điểm tổng kết học phần ở mức trung bình, trung bình khá còn nhiều. Từ kết quả nghiên cứu tác giả đã tìm ra các nhân tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên. Về mặt chủ quan, kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên kém một phần do đa số sinh viên không chăm chỉ, không tích cực học tập môn học, sinh viên chưa có động cơ học tập hoặc động cơ học tập chưa đúng đắn. Chính vì vậy, nhiều sinh viên không có tính kiên định khi học tập môn học, bên cạnh đó, sinh viên chưa có phương pháp học tập tích cực, chủ động. Trong tất cả các yếu tố, phương pháp học tập thụ động của đa phần sinh viên chính là nhân tố tác động mạnh nhất đến kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên kém. Từ những phân tích về mặt lý luận và nghiên cứu trường hợp cụ thể những nhân tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên Học viện NNVN, tác giả đã đưa ra những khuyến nghị về giải pháp nhằm nâng cao kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên Học viện NNVN.

Nghiên cứu, học tập môn học Lịch sử Đảng giúp sinh viên nâng cao nhận thức, hiểu biết về Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam đưa đến những thắng lợi, thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Qua học tập, nghiên cứu lịch sử Đảng để giáo dục lý tưởng, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc, củng cố, bồi đắp niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, tự hào về Đảng và thế hệ trẻ gia nhập Đảng, tham gia xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, tiếp tục thực hiện sứ mệnh vẻ vang của Đảng lãnh đạo bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hy vọng nội dung, kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp của tác giả có thể trở thành nguồn tham khảo cho những nghiên cứu sau này, là cơ sở lý luận và thực tiễn cho các nhà quản lý giáo dục, các giảng viên và sinh viên đưa ra những phương hướng, giải pháp hành động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập môn Lịch sử Đảng tại Học viện NNVN nói riêng và tại các trường đại học, học viện trên cả nước nói chung.

 

Ngày gửi: 12-11- 2024; ngày thẩm định: 1-12;  ngày duyệt đăng 10-12-2024

1. Nghiên cứu được thực hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thông tin thứ cấp được tác giả thu thập từ các nguồn như: Báo cáo tình hình học tập của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam của Ban Quản lý đào tạo; các công trình nghiên cứu, bài báo, tạp chí, luận văn… trong nước có liên quan. Thông tin sơ cấp được tác giả thu thập thông qua các nguồn: Điều tra bằng bảng hỏi 250 sinh viên; phỏng vấn sâu sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý; thảo luận nhóm sinh viên.

Các tài liệu thứ cấp sau khi thu thập được hệ thống hóa theo các nội dung nghiên cứu của đề tài. Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để phân tích thực trạng kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên, các nhân tố chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến kết quả học tập môn học. Các số liệu tần suất và tỷ lệ phần trăm được tính toán và thể hiện qua các bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ minh họa. Sử dụng phần mềm Stata 17 thực hiện hồi quy đa biến để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập môn Lịch sử Đảng của sinh viên.Tác giả thực hiện việc thu thập thông tin từ các bài báo, tạp chí, luận văn… của các nhà nghiên cứu trong nước liên quan đến đề tài trong phạm vi từ năm 2000 đến 2024; kết quả học tập của sinh viên trong 2 năm học (2022-2023, 2023-2024). Tác giả thực hiện thu thập thông tin sơ cấp trong khoảng thời gian năm 2024.

2. Theo kết quả tác giả đã điều tra khảo sát thu thập từ các nguồn như: Báo cáo tình hình học tập của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam của Ban Quản lý đào tạo; các công trình nghiên cứu, bài báo, tạp chí, luận văn… trong nước có liên quan. Thông tin sơ cấp được tác giả thu thập thông qua các nguồn: Điều tra bằng bảng hỏi 250 sinh viên; phỏng vấn sâu sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý; thảo luận nhóm sinh viên.