Thông qua các bài viết đề cập từ nhiều khía cạnh về vấn đề dân tộc và tôn giáo qua các giai đoạn cách mạng, Tạp chí Lịch sử Đảng không chỉ đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng về dân tộc, tôn giáo, mà còn góp phần tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm và giải pháp sát thực, hữu ích cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Từ khóa: Tạp chí Lịch sử Đảng; tuyên truyền; chủ trương, chính sách; dân tộc; tôn giáo

 

Tạp chí Lịch sử Đảng tặng quà các gia đình chính sách tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La

1. Đóng góp của Tạp chí Lịch sử Đảng đối với việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng về dân tộc, tôn giáo
Sự quan tâm của Tạp chí Lịch sử Đảng đối với việc tuyên truyền chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo trước hết thể hiện ở số lượng bài viết được đăng tải trên Tạp chí. Trong gần 6 năm (1-2013 đến 6-2018), chưa tính các bài giới thiệu hội thảo, Tạp chí đã cho đăng tải 49 bài viết về vấn đề dân tộc, tôn giáo, trong đó có 38 bài về vấn đề dân tộc và 11 bài về vấn đề tôn giáo. Số lượng các bài viết về chủ đề dân tộc, tôn giáo nhìn chung khá ổn định qua các năm: Năm 2013 có 5 bài, trong đó có 2 bài về chủ đề dân tộc và 3 bài về chủ đề tôn giáo; năm 2014 có 11 bài, trong đó có 9 bài về chủ đề dân tộc và 2 bài về chủ đề tôn giáo; năm 2015 có 11, trong đó có 8 bài về chủ đề dân tộc và 3 bài về chủ đề tôn giáo; năm 2016 có 7 bài, đều về chủ đề dân tộc; năm 2017 có 10 bài, trong đó có 9 bài về chủ đề dân tộc và 1 bài về chủ đề tôn giáo; sáu tháng đầu năm 2018, Tạp chí đăng tải 4 bài, trong đó có 3 bài về chủ đề dân tộc và 1 bài về chủ đề tôn giáo. Tác giả các bài viết gồm những nhà quản lý và nhiều nhà khoa học có chuyên môn, am hiểu sâu về vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Các bài viết về chủ đề dân tộc, tôn giáo được đăng tải trên Tạp chí Lịch sử Đảng có nội dung khá phong phú, bao quát nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo. Một số bài viết bàn sâu về lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc, như: “Quan điểm của Ph.Ăngghen về đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc” (số 11-2015)-tác giả Vũ Thị Xuân Mai; “Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh” (số 9-2016)-tác giả Phạm Hồng Chương; “Quan điểm của Hồ Chí Minh về đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc ở Việt Nam” (số 12-2016)-tác giả Lê Văn Yên; “Quan điểm của Hồ Chí Minh về quan hệ dân tộc và việc vận dụng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay” (số 4-2017)-tác giả Trương Minh Dục.
Trong các bài viết này, các tác giả đã đi sâu phân tích quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân tộc, trong đó cốt lõi là quan điểm xây dựng khối đoàn kết giai cấp, dân tộc dựa trên sự thống nhất lợi ích chính đáng, các dân tộc bình đẳng, tương trợ nhau cùng phát triển vì mục tiêu CNXH. Nhiều bài viết đã phân tích làm rõ sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác-Lênin về dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những giá trị lịch sử và thực tiễn của tư tưởng của Người trong xây dựng khối đại đoàn kết hiện nay. Nội dung chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo cũng đã được một số bài nghiên cứu, như: “Tìm hiểu quan điểm của Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn trước năm 1945” (số 5-2013)-tác giả Nguyễn Phú Lợi; “Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức tôn giáo” (số 8-2014)-tác giả Đặng Văn Luận; “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong giai đoạn hiện nay” (số 5-2018)-tác giả Lê Văn Lợi;...  Trong các bài viết này, các tác giả đã đi sâu phân tích chính sách làm nổi bật tinh thần nhân văn, khoan dung tôn giáo cùng những giá trị to lớn của chính sách “tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong cách mạng dân tộc dân chủ và đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay. Bên cạnh các bài viết trên, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn được các tác giả đề cập đến trong các bài viết khác với tư cách là cơ sở lý luận, phương pháp luận cho việc phân tích vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Thống kê các bài viết về dân tộc, tôn giáo đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng từ năm 2013 đến nay cho thấy, có 11/49 bài nghiên cứu về quá trình hình thành, nội dung, vai trò, ý nghĩa các chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo. Một số bài viết đề cập đến chính sách dân tộc của Đảng qua các thời kỳ, như: “Chính sách định cư, định canh và chuyển dịch lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam” (số 6-2016)-tác giả Nguyễn Trọng Phúc; “Chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các văn kiện Đại hội (1976-2016)” (số 10-2017)-tác giả Trần Hậu v.v. Một số bài đề cập đến những nguyên tắc nhất quán và những bước phát triển trong nhận thức của Đảng về dân tộc và công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, như: “Một số vấn đề về chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay” (số 7-2014)-tác giả Lưu Văn Quảng; “Đại đoàn kết toàn dân tộc-Đường lối chiến lược nhất quán của Đảng, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (số 6-2017)-tác giả Trần Thị Thu Hương;... Các tác giả đã khẳng định: trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn nhất quán với quan điểm “các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”; trong thời kỳ đổi mới, chính sách dân tộc của Đảng từng bước được hoàn thiện, đã có tác dụng to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về vấn đề tôn giáo, các bài viết chủ yếu bàn sâu về chính sách đổi mới của Đảng đối với tôn giáo như: “Tìm hiểu quá trình đổi mới về chính sách tôn giáo của Đảng qua một số văn kiện Đảng” (số 4-2013)-tác giả Nguyễn Thị Hiền; “Nhận thức mới về “văn hóa tôn giáo”-Một thành công trong chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước” (số 5-2014)-tác giả Đỗ Quang Hưng. Các tác giả đã phân tích và chỉ rõ, công tác tôn giáo là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nhất sự đổi mới đột phá về tư duy, nhận thức của Đảng trong thời kỳ đổi mới.
Cùng với việc tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa các chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo, Tạp chí Lịch sử Đảng còn cho đăng tải nhiều bài viết về việc triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm đó trong thực tiễn. Về vấn đề thực hiện chính sách dân tộc, một số bài viết đề cập đến sự lãnh đạo tổ chức thực hiện của các đảng bộ địa phương hoặc quá trình thực hiện và kết quả đạt được, từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm cho công tác dân tộc hiện nay. Về thực hiện chính sách tôn giáo, có bài viết: “Công tác phát triển Đảng trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên (2005-2012)” (số 9-2013)-tác giả Phan Sỹ Thanh; “Vài nét về công tác tôn giáo ở tỉnh Yên Bái (2001-2005)-Kết quả và một số kinh nghiệm” (số 5-2015)-tác giả Quách Thị Thương. Các tác giả đi sâu phân tích thực trạng vấn đề và rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác tôn giáo và công tác xây dựng Đảng trong vùng đồng bào có đạo.
Bên cạnh đó, Tạp chí Lịch sử Đảng đã đăng tải một số bài viết về các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn liên quan đến dân tộc, tôn giáo và các đề xuất giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới. Liên quan đến dân tộc, các bài viết đề cập đến nhiều vấn đề từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng sinh trong đời sống thực tiễn của đồng bào dân tộc, như: “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (1986-2016)” (số 12-2014)-tác giả Võ Thị Hồng Hoa; “Giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ” (số 10-2014)-tác giả Bùi Thị Ngọc Lan; “Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (số 5-2015)-tác giả Lý Trung Thành; “Xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn hiện nay” (số 2-2017)-tác giả Nguyễn Thị Lan Hương,.. Về vấn đề tôn giáo, tuy số lượng bài viết ít nhưng các tác giả đi vào những vấn đề thực tiễn phức tạp, nhạy cảm cần có sự luận giải, như: “Phát huy nguồn lực văn hóa tôn giáo ở Việt Nam hiện nay” (số 2-2017)-tác giả Nguyễn Xuân Trung; “Vài nét về vấn đề tôn giáo và nhân quyền trong quan hệ Việt-Mỹ” (số 3-2015)-tác giả Nguyễn Anh Cường;...
Như vậy, mặc dù số lượng không nhiều nhưng các bài viết về chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng được đăng tải trên Tạp chí Lịch sử Đảng đã bao quát những nội dung cốt lõi của công tác dân tộc, tôn giáo. Các bài viết không chỉ phong phú về nội dung mà còn phân tích các vấn đề sâu sắc và đặc biệt là giàu tính thực tiễn. Nhờ vậy, các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng về dân tộc tôn giáo trên Tạp chí luôn mang hơi thở của cuộc sống và có sức thuyết phục cao.
 
2. Một số vấn đề đặt ra và những gợi mở tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của Tạp chí
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc tuyên truyền chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo trên Tạp chí Lịch sử Đảng còn một số vấn đề đặt ra cần khắc phục để mang lại hiệu quả cao hơn.
Một là, số lượng bài đăng về chủ đề tôn giáo còn ít. Số lượng các bài viết về vấn đề dân tộc khá lớn và được duy trì đều đặn qua các năm, tuy nhiên số lượng các bài viết về chủ đề tôn giáo rất ít, trung bình 6 số mới đăng tải 1 bài. Số lượng các bài viết về chủ đề tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số càng ít hơn với chỉ 1 bài duy nhất trong 5 năm.
Hai là, còn nhiều nội dung và vấn đề liên quan mật thiết với chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo chưa được tổ chức tuyên truyền. Mặc dù số lượng các bài viết về chủ đề dân tộc khá lớn, nhưng trong khi nhiều bài tập trung vào một số nội dung nhất định thì còn những nội dung khác vẫn chưa được tuyên truyền. Kết quả khảo sát cho thấy, từ năm 2013 đến nay, chưa có bài viết nào về quan điểm của C.Mác, V.I.Lênin hay các Công ước quốc tế về vấn đề dân tộc và quyền dân tộc. Ngoài ra, một số nội dung quan trọng khác cũng ít được quan tâm, như: sự phát triển nhận thức của Đảng về vấn đề dân tộc; dân tộc thiểu số với vấn đề hội nhập quốc tế; di cư và hôn nhân xuyên biên giới; phân bổ nguồn lực, tài nguyên và bảo vệ tài nguyên môi trường;... Với vấn đề tôn giáo, vắng bóng nhiều nội dung quan trọng như: chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo; Hiến chương và pháp luật quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chủ trương của Đảng về giải quyết vấn đề tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số; quá trình hoàn thiện pháp luật về tôn giáo;... Một số nội dung quan trọng khác cũng có ít bài viết đề cập như: chính sách đối ngoại tôn giáo của Đảng; sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương trong giải quyết vấn đề tôn giáo; quá trình thực hiện chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng ở những địa bàn trọng điểm;...
Ba là, việc cho đăng tải chưa thật bám sát với các chương trình công tác của Trung ương và các sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo. Từ năm 2013 đến nay có nhiều NQTƯ của Đảng liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo được ban hành, nhưng khảo sát các bài đăng trên Tạp chí cho thấy có rất ít bài về dân tộc, tôn giáo được đăng tải trước hoặc ngay sau khi nghị quyết ra đời. Qua các lần tổng kết 10 năm, 15 năm thực hiện NQTƯ 7 khóa IX “Về công tác dân tộc và tôn giáo”, hầu như vắng bóng các bài viết tham gia tổng kết. Tương tự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1-1-2018, nhưng 6 tháng qua Tạp chí chỉ mới đăng 1 bài về vấn đề tôn giáo và cũng không phải là về việc triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Bốn là, chưa có những bài viết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo. Ngoại trừ một số ít bài đề cập đến vấn đề đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề dân tộc, tôn giáo, trong 6 năm không có bài nào được đăng tải về vấn đề này. Trong khi đó, cùng với dân chủ, nhân quyền, dân tộc và tôn giáo là những lĩnh vực thường xuyên bị các thế lực lợi dụng để tuyên tuyền xuyên tạc chống phá chế độ ta.
Để việc tuyền truyền chủ trương, chính sách của Đảng về dân tộc, tôn giáo thật sự có hiệu quả, trong thời gian tới, theo chúng tôi, Tạp chí cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, nội dung tuyên truyền cần bao quát toàn diện các vấn đề cốt yếu của công tác dân tộc, tôn giáo. Nội dung tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc trình bày các quan điểm, chủ trương, quan điểm của Đảng mà còn phải làm rõ quá trình hình thành, cơ sở lý luận và thực tiễn; những điểm mới, mang tính đột phá; việc thể chế hóa thành pháp luật và quá trình thực hiện với những thành tựu và hạn chế, những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện; những vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn và những bất cập của chính sách; những đề xuất giải pháp bổ sung, hoàn thiện chủ trương, quan điểm để phù hợp với bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thứ hai, bám sát chương trình công tác của Trung ương Đảng và các sự kiện lịch sử liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền. Thời điểm tuyên tuyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền về chủ trương, quan điểm dân tộc, tôn giáo của Đảng. Từ nay đến năm 2020 có nhiều ngày lễ lớn kỷ niệm các kiện sự kiện lịch sử trọng đại, như kỷ niệm 100 năm ngày ra đời Quốc tế Cộng sản, 70 năm Hiến Chương Liên hợp quốc, 200 năm Ngày sinh Ph.Ăngghen, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,... Khi tuyên truyền về những sự kiện nêu trên, cần đưa nội dung lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc, tôn giáo và sự vận dụng của Đảng vào kế hoạch tuyên truyền. Từ nay đến năm 2020 cũng là khoảng thời gian toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ Đại hội XII của Đảng đề ra, đồng thời tích cực tổng kết thực tiễn để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng. Trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, chúng ta đang tiến hành tổng kết 3 nghị quyết của HNTƯ 7 khóa IX: về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về công tác dân tộc và về công tác tôn giáo. Tạp chí Lịch sử Đảng cần tham gia tích cực vào việc tổng kết các nghị quyết nêu trên cũng như tuyên truyền những kết quả nghiên cứu đạt được cho cán bộ, đảng viên nhằm tạo bước chuyển về nhận thức chuẩn bị cho việc đón nhận những chủ trương, quan điểm mới của Đảng về dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, Tạp chí cũng cần tham gia tích cực vào việc tuyên truyền về các nội dung tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển kinh tế,... trong vùng dân tộc, tôn giáo để góp phần đưa các NQTƯ về các vấn đề đề nêu trên vào cuộc sống.
Thứ ba, cùng với việc tuyên truyền chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo, cần chú trọng đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Dân tộc, tôn giáo là những vấn đề thường bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Trên trận địa tư tưởng, chúng thường tìm cách bóp méo, xuyên tạc lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; xuyên tạc các sự kiện lịch sử, vu khống Đảng, Nhà nước ta đàn áp dân tộc, tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền; kích động tư tưởng ly khai, bạo loạn lật đổ trong các dân tộc, tôn giáo. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Tạp chí Lịch sử Đảng cần tổ chức nghiên cứu và cho đăng tải các bài viết đấu tranh chống lại các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, nhất là những quan điểm xuyên tạc, bóp méo các sự kiện lịch sử liên quan đến dân tộc, tôn giáo.
Thứ tư, đổi mới phương thức đặt bài để có những bài viết thật sự chất lượng và định kỳ có sự tổng kết để việc tuyên truyền hiệu quả hơn. Dân tộc, tôn giáo là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, số người nghiên cứu chuyên sâu không nhiều. Vì vậy, để có những bài viết có chất lượng, cần chủ động đặt các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học am hiểu sâu về những lĩnh vực này viết bài theo những chủ để cụ thể nhất định. Đồng thời, cần tăng cường  tổng thuật các hội thảo khoa học, giới thiệu các công trình khoa học về vấn đề dân tộc, tôn giáo; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, bộ, ban, ngành và các địa phương tổ chức các hội thảo, tọa đàm về vấn đề dân tộc, tôn giáo, trên cơ sở đó lựa chọn những bài viết có chất lượng để đăng tải trên Tạp chí. Bên cạnh đó, định kỳ có sự tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng ngày càng hiệu quả, góp phần làm chuyển biến nhận thức, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.




Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 6-2018