Tạp chí Lịch sử Đảng tặng quà vinh danh các cộng tác viên tiêu biểu năm 2016

Tạp chí Lịch sử Đảng luôn là người bạn đồng hành của giới nghiên cứu lịch sử nói chung và của những người quan tâm đến Lịch sử Đảng, lịch sử hiện đại nước nhà nói riêng. Trong các trường đại học, Tạp chí Lịch sử Đảng là địa chỉ tin cậy để sinh viên, nghiên cứu sinh tìm đến tham khảo, học tập. Trên bước đường tiếp tục phát triển, người đọc đặt nhiều hy vọng vào chất lượng không ngừng nâng cao của Tạp chí, cũng như của từng bài viết.
Cầm một số Tạp chí mới trên tay, ai cũng muốn đi tìm cái mới trong các bài, có thể mới ngay từ đầu đề, cũng có thể cái mới ẩn chứa trong các vấn đề tưởng như đã cũ.
Cái mới đó, trước hết là nguồn tài liệu mới, bài viết đem đến cho người đọc những thông tin mới sưu tầm từ các nguồn lưu trữ các đợt khảo sát thực địa hoặc từ các nhân chứng, những người đã tham gia sự kiện lịch sử.
Nhà nước đã ban hành Luật lưu trữ1 với thời hạn giải mật là 40 và 60 năm, tuy có dài hơn các nước khác, nhưng cũng là cơ sở pháp lý để công bố các tài liệu lịch sử góp phần cho việc nghiên cứu. Do vậy, Tạp chí Lịch sử Đảng nên có một chuyên mục thường xuyên công bố các văn kiện, các tài liệu sưu tầm từ các nguồn tư liệu đã được giải mật. Các văn bản này nên là “nguyên chất”, không cắt xén, không “pha chế”, không bình luận, giúp cho người nghiên cứu đọc được nguyên bản và qua đó có thể đưa ra những đánh giá, nhận xét của riêng mình. Nếu chuyên mục này công bố đều đặn các văn kiện, tài liệu có giá trị, chắc chắn Tạp chí Lịch sử Đảng sẽ được người đọc chờ đón và hoan nghênh.
Lợi thế của các nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực này là được khảo sát các địa điểm lịch sử, tiếp xúc các nhân vật lịch sử ngay trên đất nước mình. Đó chính là kho tài liệu phong phú, đa dạng, bổ sung vào những hiểu biết đã có và phản ánh cách nhìn từ nhiều khía cạnh. Cho nên đây chính là nguồn thông tin mới, đương nhiên cần được sàng lọc, thẩm định và cân nhắc khi sử dụng. Trong những bài viết về các sự kiện lịch sử hiện nay, chưa nhiều lắm các khảo sát, các phỏng vấn, tác giả thường diễn giải trên các sự kiện có sẵn. Người nước ngoài khi đến nghiên cứu ở Việt Nam rất chú ý khâu đi thực địa và tiếp xúc nhân chứng, nên trong nội dung công trình của họ có phần nào cụ thể và sinh động.
Lợi thế của học giả nước ngoài là họ có thể đến đọc tài liệu ở các trung tâm lưu trữ lớn của các nước, kể cả các kho lưu trữ của Quốc hội, Tổng thống và của cá nhân. Họ thường khai thác tài liệu ở Mỹ, Nga, Pháp Nhật, Trung Quốc và nhiều nước khác, do đó công trình của họ có nhiều thông tin khá chi tiết. Trong khi đó, phần lớn các nhà nghiên cứu nước ta có rất ít cơ hội đến được các nơi đó để đọc trực tiếp nên thường phải dẫn lại những điều đã công bố ở bên ngoài. Trong điều kiện hạn hẹp của ta, việc trích lại như vậy là cần thiết để bổ sung các nguồn thông tin, các sử liệu khác với những cái ta vốn có, đương nhiên phải được trích dẫn nghiêm túc, có xuất xứ rõ ràng.
Sẽ là không đầy đủ nếu chỉ lo việc sưu tầm nhiều thông tin mới mà không thể hiện chính kiến của bài viết phản ánh luận điểm mới của tác giả. Các sự kiện lịch sử có tính khách quan của nó nhưng việc khai thác và sử dụng các sử liệu đó lại ít nhiều mang tính chủ quan của người viết. Do vậy, người đọc chờ đợi ở luận điểm của tác giả khi sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Có thể là bày tỏ sự đồng tình với những người đi trước, cũng có thể là sự phản bác một phần hoặc toàn bộ luận điểm của họ và qua đó, tác giả thể hiện luận điểm của riêng mình. Nhất là với sách báo bên ngoài, đứng từ một góc độ khác để nhìn nhận sự việc, có thể làm sáng tỏ một điều gì đó mà ta chưa thấy, nhưng cũng có thể có cách lập luận tưởng như lôgic nhưng không đúng với thực tiễn lịch sử. Người viết chúng ta cần có tư duy phê phán để tiếp nhận cái hay của họ, đồng thời làm rõ những vấn đề cần xem xét, đánh giá theo ta là đúng đắn hơn. Trong sinh hoạt hoa học, việc tiếp nhận hoặc phê phán ý kiến, luận điểm của người khác là công việc bình thường và sự trao đổi, tranh luận, cọ xát sẽ làm các bên nhận rõ vấn đề hơn. Thường thường, các cuộc tranh luận không có kết thúc, cũng không chỉ thu hẹp trong phạm vi hai người mà sẽ được nhiều người quan tâm, tham gia tranh luận.
Vì vậy, Tạp chỉ Lịch sử Đảng tuy đã có nhưng nên đặt thường xuyên chuyên mục Giới thiệu sách mới, trong đó có các cuốn sách nước ngoài viết về lịch sử hiện đại nước nhà. Qua đó, người giới thiệu chẳng những chuyển tải thông tin mà còn thể hiện luận điểm cỉa riêng mình đối với những điều mình cho là sai trái, cần làm rõ. Có thể nói, việc phê phán những luận điểm không đúng trong các tác phẩm nước ngoài viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở Việt Nam vẫn còn đang là “trận địa bỏ trống”.
Trong thực tế, không phải không có các vấn đề đã được trao đi đổi lại giữa các nhà nghiên cứu, nhưng thường tản mạn, đây đó xuất hiện trong một vài bài viết hoặc một vài cuộc hội thảo rồi bỏ lửng, rơi vào quên lãng. Điều đó sẽ không tạo nên một nếp sinh hoạt khoa học lành mạnh, chuyên sâu, có chất lượng. Có bài, được diễn đạt có đầu có đuôi, khá tròn trịa nhưng để hỏi cho rõ luận điểm của những người khác là gì và điểm gì là thực sự mới của riêng mình thì tác giả đôi khi cũng lúng túng.
Có nhiều điều trong lịch sử rất cần được làm sáng tỏ, phải qua nhiều cuộc tìm tòi công phu, đối chiếu, so sánh để tìm ra sự thực. Những cuộc trao đổi, tranh luận là hết sức cần thiết. Song, không nên nghĩ rằng đã “có ý kiến chỉ đạo” thì không được bàn luận nữa, vấn đề đã kết luận rồi. Cũng đừng vin vào cớ “vấn đề tế nhị” mà gọt rũa bài viết cho tròn trặn, được đánh giá là “không có vấn đề”. Cũng không nên chờ đợi việc thuyết phục hoàn toàn người đối thoại vì khi đã viết ra điều gì, họ cũng có lý lẽ của riêng họ. Cho nên việc trao đổi học thuật với đúng tính chất của sinh hoạt khoa học sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển khoa học xã hội nước nhà. Thảng hoặc có ai đó muốn lợi dụng cuộc trao đổi để làm một điều gì không chính trực thì chắc chắn, cộng đồng các nhà khoa học chân chính sẽ nhận biết và có thái độ rõ ràng.
Cho nên, nếu Tạp chí Lịch sử Đảng nắm trúng vấn đề để khơi gợi và dẫn dắt cuộc thảo luận, sẽ thu hút nhiều người tham gia, bổ sung nhiều sự kiện và xuất hiện nhiều lập luận khác nhau. Lịch sử đã qua rồi, không thể làm lại được, song những cuộc tranh luận sẽ minh chứng nhiều sự kiện, xác minh nhiều nhân vật, làm sáng tỏ những khả năng, những cơ hội và qua đó có thể rút ra nhiều kinh nghiệm thiết thực cho sau này. Nhờ vậy, Tạp chí Lịch sử Đảng sẽ trở nên sinh động hơn, có tác dụng hữu ích đối với sự phát triển của khoa học và được đông đảo bạn đọc hưởng ứng, đón đợi.
 



Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 2-2013
1.
Luật Lưu trữ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 11-11-2011 quy định: Tài liệu lưu trữ thuộc Danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp sau đây:
a. Được giải mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
b. Sau 40 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu mật nhưng chưa được giải mật;
c. Sau 60 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật.