Toạ đàm khoa học: Tạp chí Lịch sử Đảng với công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương
đường lối của Đảng trong 35 năm xây dựng, trường thành - thực trạng và một số giải pháp

Tạp chí Lịch sử Đảng là diễn đàn khoa học của ngành Lịch sử Đảng trong cả nước. Những người làm công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng xem Tạp chí Lịch sử Đảng như một kênh thông tin khoa học, nghiệp vụ, tư liệu quan trọng phục vụ cho công tác chuyên môn của mình.
Từ ngày ra số đầu tiên (1983), Tạp chí Lịch sử Đảng luôn cung cấp những thông tin quý báu về khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và những kết quả nghiên cứu, tư liệu mới về Lịch sử Đảng ta, về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước; những kinh nghiệm nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy và học tập Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam... Đối với công tác nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, Tạp chí là “cầu nối” giữa các nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành với người làm công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương trong cả nước về tiếp cận phương pháp nghiên cứu, thông tin tư liệu mới và trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ... góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ, nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, phát huy lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương.
Suốt 30 năm qua, cùng vói sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Viện Lịch sử Đảng thì Tạp chí Lịch sử Đảng là người bạn đồng hành luôn gắn bó chặt chẽ với những người làm công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương. Các chuyên mục: Những vấn đề chung về Lịch sử Đảng; Đảng trong công cuộc đổi mới; Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh; Nhân vật - Sự kiện; Diễn đàn trao đổi; Tư liệu; Dạy và học Lịch sử Đảng... đóng góp quan trọng cho công tác tư tưởng - chính trị của Đảng, những thông tin tư liệu khoa học giúp những người làm công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương nghiên cứu, tìm hiểu, bổ sung, điều chỉnh tư liệu cho các công trình nghiên cứu, biên soạn, giáo dục và giảng dạy tại các trường, trung tâm bồi dưỡng chính trị của địa phương. Vì vậy, các địa phương đã xuất bản nhiều ấn phẩm lịch sử truyền thống, lịch sử đảng bộ với nội dung và chất lượng đảm bảo được tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất của lịch sử toàn Đảng; đặc biệt, thể hiện được tính đặc thù của từng đảng bộ địa phương, phản ánh một cách chân thực và sinh động lịch sử, khắc phục được tình trạng đề cao thành tích, cường điệu hóa thắng lợi, né tránh những thiếu sót, khuyết điểm. Mặt khác, nhiều công trình chú ý tổng kết thực tiễn, rút ra kinh nghiệm ở từng địa phương, góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng lý luận của Đảng và thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ địa phương trong sự nghiệp đổi mới; cũng như tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Trong những thành tựu đạt được đó, Tạp chí Lịch sử Đảng cung cấp nguồn thông tin góp phần to lớn vào việc định hướng một số vấn đề chính trị - tư tưởng và khoa học cho người trực tiếp nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giảng dạy và giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ ở địa phương.
1. Đối với công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử đảng bộ địa phương
Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ là tái hiện và làm sống lại những trang sử vàng về sự lãnh đạo của Đảng, đảng bộ các địa phương. Tạp chí Lịch sử Đảng đã hướng dẫn, định hướng để người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương biên soạn một cách đúng đắn, phù hợp và chính xác các thông tin tư liệu lịch sử của địa phương đơn vị; đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ địa phương đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và đời sống của nhân dân địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tạp chí đã đăng tải những thông tin về quá trình hình thành đường lối của Đảng; quá trình tổ chức thực hiện và kiểm nghiệm đường lối đó trong thực tiễn cách mạng của quần chúng nhân dân; tổng kết kinh nghiệm, rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai có hệ thống, chân thật. Cùng với những sự kiện tư liệu địa phương, những sự kiện, tư liệu chung của toàn quốc có liên quan, như: đường lối, chủ trương của Trung ương, của Xứ ủy, Khu ủy, phong trào cách mạng của cả nước, các địa phương lân cận tác động đến phong trào cách mạng của địa phương khá đầy đủ và có tính khoa học cao... là những sự kiện có liên quan tác động, ràng buộc lẫn nhau trong mối quan hệ giữa cả nước với địa phương. Những thông tin tư liệu, sự kiện có liên quan trực tiếp đến địa phương giúp cho người làm công tác nghiên cứu, biên soạn có thể chọn lọc, viết ngắn gọn, cô đọng, phản ánh đúng đắn, phân tích đậm nét những sự kiện liên quan trực tiếp, những ảnh hưởng sâu sắc có tinh quyết định đối với phong trào cách mạng, những nét đặc thù ở địa phương mà cấp ủy đảng bộ và quần chúng đã tìm tòi, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng.
Những sự kiện đó được Tạp chí thể hiện trong các chuyên mục: Những vấn đề chung về Lịch sử Đảng; Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới; Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Thực tiễn - kinh nghiệm... giúp những người nghiên cứu, biên soạn lịch đảng bộ địa phương tim hiểu, chỉnh sửa, bổ sung tư liệu phục vụ cho nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương đảm bảo chất lượng nội dung.
Những năm gần đây, nhiều địa phương triển khai kế hoạch nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình nghiên cứu biên soạn, bên cạnh thành tựu về đường lối lãnh đạo của Đảng trong xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị cũng có những sai lầm, khuyết điểm. Do đó, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương gặp nhiều lúng túng, phải trình bày như thế nào đúng với thực tế lịch sử.
Giải quyết vấn đề trên, chuyên mục Diễn đàn trao đổi của Tạp chí Lịch sử Đảng đã trao đổi những vấn đề có tính định hướng giúp cho người nghiên cứu, biên soạn phản ánh trung thực Lịch sử Đảng qua từng thời kỳ theo quan điểm đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, đảm bảo tính đảng, tính khoa học. Từ thực tế quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của mình, Đảng dũng cảm thừa nhận thiếu sót, sai lầm trong thực hiện xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, rút ra bài học, từng bước khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, sai lầm. Những vấn đề đó được các bài viết phân tích một cách khoa học trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp người đọc hiểu đúng vấn đề; đặc biệt những khuyết điểm được đặt đúng trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, từ đó thấy rõ nguồn gốc của khuyết điểm, sai lầm và đánh giá khuyết điểm một cách khách quan, tránh suy diễn, gán ghép hoặc đơn giản hóa. Trên cơ sở đó, những người nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng có thể áp dụng trong công tác của mình nhằm nâng cao giá trị khoa học và giáo dục của các công trình Lịch sử Đảng bộ địa phương.
Ngoài ra, chuyên mục Thông tin của Tạp chí cũng giúp người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương trong cả nước liên kết gắn bó nhau qua thông tin kết quả nghiên cứu; trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, biên soạn, cũng như thẩm định các công trình lịch sử; góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.
2. Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương nhằm tổng kết thực tiễn lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng địa phương, rút ra kinh nghiệm thực tế của địa phương, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục tư tưởng lý luận, lãnh  đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng trong sự nghiệp đổi mới cũng như tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Đáp ứng yêu cầu này, các chuyên mục của Tạp chí đã đăng nhũng bài nghiên cứu về Lịch sử Đảng, bài viết về những ngày kỷ niệm lớn trong năm, nhân vật lịch sử tiêu biểu, những việc làm hay về công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ các địa phương. Đây là một phần nội dung lịch sử góp phần quan trọng vào việc giúp các địa phương có thế tìm hiểu, học tập lẫn nhau và tổ chức thi tìm hiểu, lồng ghép vào sự kiện của địa phương để tuyên truyền, phổ biến lịch sử đảng bộ địa phương đã được xuất bản.
Công tác giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương cũng được Tạp chí đăng tải với nội dung khá đa dạng, như: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy một số sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của địa phương trong chương trình học của các trường trung học, các lớp trung cấp chính trị ở các trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị của quận, huyện... Đặc biệt, có bài nêu cụ thể phương pháp chia lịch sử đảng bộ địa phương thành từng tiết trong công tác giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương, hoặc lồng ghép lịch sử đảng bộ địa phương vào trong nội dung tiết giảng lịch sử chung với một thời lượng nhất định giúp cho việc vận dụng đưa lịch sử đảng bộ địa phương vào trong các chương trình giáo dục, tùy theo tình hình cụ thể ở địa phương.
Với những nội dung thông tin khoa học phong phú và đa dạng, Tạp chí Lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào công tác tuyền truyền, giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương đạt được kết quả, phát huy vai trò giáo dục của các công trình lịch sử đảng bộ địa phương đã được xuất bản. Thông qua việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước nâng cao nhận thức và khơi dậy lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Để đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyên, giáo dục và giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương trong giai đoạn tiếp theo, Tạp chí cần tăng cường các bài viết về:
- Phương pháp nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng, nhất là phương pháp nghiên cứu, biên soạn ở các đảng bộ chia tách theo đơn vị hành chính; phương pháp tổng kết kinh nghiệm và bài học Lịch sử Đảng (nêu cụ thể phương pháp, giảm bớt phần lý luận).
- Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng với nhiều hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng trong sinh hoạt các tổ chức đảng, đoàn thể, trường chính trị, các trung tâm bồi dưỡng chính trị, trường học... đề các địa phương học tập nhằm phát huy tác dụng các công trình lịch sử đảng bộ địa phương trong củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
- Tăng cường thông tin tư liệu mới về những sự kiện, nhân vật lịch sử giúp người nghiên cứu có điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu mới phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương.




Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 2-2013