Tóm tắt: Công các tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, tăng cường bồi đắp tinh thần yêu nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, trong những năm 2018-2024, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương.
Từ khóa: Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc; tuyên truyền, giáo dục; Lịch sử Đảng; lịch sử truyền thống cách mạng; 2018-2024
1. Chủ trương của Đảng và Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng
Công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương có vai trò rất quan trọng trong công tác tư tưởng chính trị đối với mỗi tổ chức Đảng, đảng viên và xã hội. Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” chỉ rõ công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương nhằm giúp cấp uỷ địa phương nghiên cứu, tổng kết những vấn đề thuộc về Lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cho việc giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng ở địa phương1. Ban Bí thư Trung ương yêu cầu: “Phải nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử Đảng, góp phần tích cực vào công tác tổng kết thực tiễn và công tác tư tưởng, lý luận của Đảng”2; “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng trong Đảng và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ với phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; làm tốt công tác thông tin, giới thiệu Lịch sử Đảng ta với bạn bè quốc tế. Chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc Lịch sử Đảng”3.
Qua 16 năm (2002-2018) thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần tổng kết thực tiễn Lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng qua các thời kỳ, rút ra kinh nghiệm, bài học, quy luật của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên công tác này vẫn còn có những hạn chế, trong đó “công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ chưa được chú trọng đúng tầm mức”4. Trước thực tế đó, ngày 18-1-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ra Chỉ thị số 20-CT/TW “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng”. Như vậy, so với Chỉ thị số 15-CT/TW, công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng chỉ được nêu trong phần nội dung của chỉ thị thì đến Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 nội dung này đã được Ban Bí thư Trung ương đưa vào phần tên của Chỉ thị. Điều đó cho thấy Ban Bí thư Trung ương đã yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng ngang hàng với công tác nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Chỉ thị số 20-CT/TW nêu rõ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng nhằm phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Về công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng trong Đảng và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ với phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; làm tốt công tác thông tin, giới thiệu Lịch sử Đảng ta với bạn bè quốc tế. Chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc Lịch sử Đảng ta”5.
Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Thông tri số 16-TT/TU ngày 10-4-2018 “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tỉnh”. Thông tri nêu rõ: Các cấp ủy, trực tiếp và thường xuyên là Thường trực cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác Lịch sử Đảng. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử ở các cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương, với hình thức đa dạng, nhằm nâng cao nhận thức và lòng tự hào về Đảng, dân tộc, về truyền thống lịch sử và những thành tựu của quê hương Vĩnh Phúc, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, nhân cách sống và ý chí vươn lên của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân6.
Những chủ trương trên đã được Đảng ủy và lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc đến các khoa, phòng, cán bộ, giảng viên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc thù của nhà trường, nhất là quán triệt qua hội nghị của cơ quan, đoàn thể; sinh hoạt chuyên đề nhân các ngày lễ, kỷ niệm ngày truyền thống; thông qua các hoạt động nghiên cứu thực tế, thăm quan các khu di tích lịch sử cách mạng của học viên các lớp bồi dưỡng, các lớp Trung cấp Lý luận chính trị của nhà trường. Đảng ủy và lãnh đạo nhà trường yêu cầu nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kết hợp đấu tranh chống quan điểm sai trái, xuyên tạc quan điểm, đường lối và Lịch sử của Đảng. Giáo án của giảng viên giảng dạy về Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ tỉnh phải tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
2. Một số kết quả đạt được
- Công tác tuyên truyền
Thực hiện những chủ trương trên, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về kế hoạch giảng dạy những nội dung về Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương và lịch sử truyền thống cách mạng trong nhà trường. Đồng thời triển khai những nội dung tuyên truyền, giáo dục lịch sử theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Trong đó, nhà trường tập trung tuyên truyền về tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng của Đảng; vị trí, vai trò và thành quả của Đảng Cộng sản Việt Nam; truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương; sự ra đời và những chặng đường lịch sử của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ nhà trường; những thành tựu, thắng lợi mà nhân dân địa phương và nhà trường đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh; những sự kiện, địa danh, nhân vật lịch sử cách mạng ở địa phương; những bài học, kinh nghiệm lịch sử; tuyên truyền nhân kỷ niệm năm chẵn ngày sinh, ngày mất của các lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tuyên truyền các tấm gương tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc và xây dựng đất nước. Tùy tính chất, yêu cầu của sự kiện, nhà trường phân công cán bộ, giảng viên xây dựng đề cương tuyên truyền, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn theo hình thức thích hợp.
Hình thức tuyên truyền được thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ và sinh hoạt chuyên môn của các khoa; tuyên truyền trên Bản tin Lý luận và Thực tiễn, Trang Thông tin điện tử, Trang Fanpage. Lãnh đạo nhà trường phân công cán bộ, giảng viên viết bài gửi tuyên truyền trên báo, tạp chí, bản tin của Trung ương, tỉnh; chỉ đạo cá nhân giảng viên, học viên tuyên truyền mạng xã hội, trong đó quan tâm công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử, truyền thống của dân tộc, quê hương, bôi nhọ các nhân vật lịch sử.
Chỉ đạo các khoa, phòng tổ chức các hoạt động tọa đàm, hội thảo khoa học về những vấn đề Lịch sử Đảng bộ tỉnh; gặp gỡ nhân chứng lịch sử; thực hiện chuyên mục Lý luận và Cuộc sống có nội dung về tuyên truyền Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của tỉnh.
Nhà trường đã xây dựng, thường xuyên bổ sung tư liệu cho Phòng Truyền thống của nhà trường; bổ sung sách, báo, tạp chí về Lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, Lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử truyền thống cách mạng,… cho Thư viện của Trường và tổ chức khai thác hiệu quả các tài liệu về lịch sử tại Thư viện.
- Công tác giáo dục- đào tạo
Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện công tác giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương, đơn vị chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do nhà trường thực hiện.
Ngoài thực hiện giảng dạy theo giáo trình Trung cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã kịp thời biên soạn giáo trình, tài liệu, bài giảng về lịch sử địa phương. Triển khai nghiên cứu, biên soạn, xuất bản tập bài giảng Tình hình, nhiệm vụ tỉnh Vĩnh Phúc (xuất bản năm 2019); tập bài giảng Thực tiễn, kinh nghiệm xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc (xuất bản năm 2021), trong đó, có chuyên đề về Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo quy định của nhà trường, Tổ bộ môn Lịch sử Đảng, thuộc Khoa Xây dựng Đảng có từ 3-5 người. Tuy nhiên, từ tháng 3-2023 đến nay, do nhiều nguyên nhân, đến nay Tổ bộ môn Lịch sử Đảng chỉ còn 2 người7. Ngoài giảng dạy tại trường, giảng viên của trường còn tham gia Hội đồng thẩm định các công trình Lịch sử Đảng bộ; lịch sử truyền thống của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng bài giảng, bên cạnh việc nắm chắc nội dung giáo trình, các giáo viên dạy môn Lịch sử Đảng đã chủ động, tích cực tìm hiểu thêm nội dung lịch sử qua các sách tham khảo, bài viết, phim, ảnh lịch sử, kể cả tư liệu lưu trữ,…
Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, có các bài giảng liên quan trực tiếp đến Lịch sử Đảng gồm: Học phần II: Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Học phần này được kết cấu thành 4 bài, 52 tiết (40 tiết giảng, 8 tiết thảo luận, 4 tiết hệ thống) khái quát xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ năm 1930 đến nay, những thành tựu và bài học kinh nghiệm qua các giai đoạn lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Các giảng viên bộ môn Lịch sử Đảng đã chủ động nghiên cứu giáo trình của Học viện; tập bài giảng Thực tiễn, kinh nghiệm xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc; tham khảo các sách, báo, tài liệu, học liệu chính thống của các cơ quan như: Viện Lịch sử Đảng, Tạp chí Lịch sử Đảng, Hội đồng lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh,…
Trước khi lên lớp, tất các các giảng viên của nhà trường đều nghiêm túc thực hiện soạn đề cương bài giảng. Việc giảng bài trên lớp được thực hiện theo phương pháp dạy học hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm thời gian và kiến thức. Ngoài giảng dạy trên lớp, giáo viên còn tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, kết hợp giữa giảng dạy trên lớp giáo trình với tiếp cận thực tiễn lịch sử tại Khu di tích ATK Định Hóa (Thái Nguyên); K9 Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội); đền Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội),…
Ngoài các bài giảng, chuyên đề về Lịch sử Đảng, các giảng viên giảng dạy các học phần khác cũng đã chủ động lồng ghép nội dung giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, phù hợp với nội dung của mỗi bài giảng, mỗi học phần. Trong quá trình giảng dạy đó, tất cả giáo viên của nhà trường đã chủ động tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
2. Một số hạn chế
Những kết quả về công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng của cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm 2018-2024 là rất quan trọng, tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là:
Sự phối hợp giữa các cơ quan trong nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Nguồn tài liệu, tư liệu về lịch sử địa phương, lịch sử truyền thống của các địa phương, đơn vị chưa phong phú. Nội dung, hình thức tuyên truyền có nơi, có lúc chưa hấp dẫn. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử địa phương còn nhiều hạn chế.
Trong công tác giáo dục-đào tạo, số chuyên đề về Lịch sử Đảng trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số chương trình. Nội dung về Lịch sử Đảng chỉ có 4 bài, 52 tiết; chuyên đề Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc còn 8 tiết. So với trước năm 2018, số lượng bài giảng và số tiết dành cho việc giảng dạy những nội dung này giảm 1/3. Việc cắt giảm này yêu cầu giáo viên giảng dạy nội những dung này phải có năng lực khái quát cao hơn, gây ra khó khăn nhất định đối với giáo viên giảng dạy về Lịch sử Đảng.
Tập bài giảng do nhà trường biên soạn chưa kịp thời cập nhật những trí thức mới về Lịch sử Đảng và Lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương Công tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Lịch sử Đảng của nhà trường còn nhiều bất cập. Nhà trường chưa tổ chức được nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học về công tác Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương.
Đội ngũ giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành Lịch sử Đảng của nhà trường đang thiếu hụt lớn. Hiện nay, toàn trường có duy nhất 1 giáo viên đúng chuyên ngành Lịch sử Đảng, do đó có những lớp giảng viên giảng cả 4 bài, 52 tiết, cùng với thảo luận và ôn tập liên tục trong 7 ngày. Nhiều tiết giảng vẫn nặng về lý thuyết, ít thực tiễn; nhiều bài giảng về lịch sử chưa đủ sức hấp dẫn. Đối với những giảng viên không trực tiếp giảng dạy Lịch sử Đảng thường ít quan tâm nghiên cứu, tích lũy kiến thức để lồng ghép tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng trong các bài giảng thuộc các học phần khác.
Đối với học viên của nhà trường, nhiều người chưa thực sự quan tâm đến việc học Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương. Nhiều học viên chỉ tiếp cận kiến thức trong các buổi học, giáo trình, chưa tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu chuyên đề, nghiên cứu thực tế.
3. Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp; sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và sự phối hợp đồng bộ của các ban, sở, ngành, địa phương
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học nội dung về Lịch sử Đảng và Lịch sử Đảng bộ địa phương, đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, điều chỉnh Khung Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, tăng số tiết, số chuyên đề về Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương. Thống nhất chương trình, nội dung truyên truyền, giảng dạy lịch sử ở các địa phương và các nhà trường, trong đó có trường chính trị cấp tỉnh. Viện Lịch sử Đảng và các cơ quan chuyên môn tăng cường giới thiệu nguồn tài liệu, tư liệu về Lịch sử Đảng cho các trường chính trị cấp tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quan tâm chỉ đạo tuyển dụng giảng viên được đào tạo chuyên môn về Lịch sử Đảng, có học vị tiến sĩ lịch sử, thạc sĩ, có kinh nghiệm giảng dạy Lịch sử Đảng về làm giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh. Bên cạnh đó, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc cần chủ động, tích cực tạo điều kiện cho các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ đi đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành Lịch sử Đảng, nhằm không ngừng tăng cường nâng cao chất lượng nguồn giáo viên tại chỗ.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư kinh phí tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; nâng cấp phòng truyền thống, thư viện của Trường Chính trị tỉnh theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sở Văn hóa và Thông tin, sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên quan tâm phối hợp chặt chẽ với Trường Chính trị tỉnh trong công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống của đơn vị, địa phương; cung cấp tài liệu thông tin về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, các hội thi, hội thảo, tọa đàm về lịch sử, truyền thống của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, khảo sát việc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng.
Lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo khoa chuyên môn tăng cường dự giờ, góp ý cho giảng viên giảng dạy Lịch sử Đảng.
Hai là, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên và học viên về công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của cơ quan, đơn vị, địa phương
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, Kết luận của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương tại Hội nghị sơ kết 5 năm công tác nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW.
Quán triệt công tác Lịch sử Đảng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, của cấp ủy các cấp, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Viện Lịch sử Đảng về công tác Lịch sử Đảng.
Kết hợp giảng dạy Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương với các môn khoa học khác như: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội,… nhằm mở rộng phông kiến thức, giúp học viên khắc sâu hơn kiến thức Lịch sử Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả bài học.
Ba là, nâng cao chất lượng giảng viên giảng dạy môn Lịch sử Đảng
Mỗi giảng viên, nhất là giảng viên giảng dạy Lịch sử Đảng phải chủ động tích lũy kiến thức, tìm tòi thông tin tư liệu về Lịch sử Đảng; sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại để cung cấp đầy đủ, chính xác tri thức lịch sử cách mạng. Giảng viên Lịch sử Đảng cần phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, khảo sát thực địa, gặp gỡ nhân chứng lịch sử,… để bổ sung kiến thức thực tiễn lịch sử.
Trong giảng dạy về Lịch sử Đảng, giảng viên phải quán triệt sâu sắc tính đảng, nội dung bài giảng phải bám sát giáo trình, đồng thời nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử; chú trọng tuyên truyền truyền thống của nhà trường
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học về Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, cơ quan, đơn vị. Mời các cộng tác viên, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử cùng với nhà trường, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. Tăng cường giao lưu, kết nối giữa các thế hệ người lớn tuổi với trẻ tuổi trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử.
Phát huy những lợi thế của khoa học, công nghệ, nền tảng số để tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. Mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, cơ quan, đơn vị trên Bản tin, Trang Thông tin điện tử, Trang Fanpage của Trường. Trong phong trào thi đua chào mừng các sự kiện lịch sử, nhà trường có hình thức tuyên truyền phù hợp như tổ chức thi sưu tầm hiện vật lịch sử, thi tìm hiểu về Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, hội thi sân khấu hóa về chủ đề lịch sử,...
Đối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị, lớp Cao cấp lý luận chính trị, lớp liên kết đào tạo tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ đầu khóa học, nhà trường tổ chức cho các học viên thăm quan Phòng Truyền thống, Thư viện của nhà trường, nghe giới thiệu về truyền thống của nhà trường; thăm các di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Công tác Lịch sử Đảng nói chung, công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên. Mặc dù các khâu trong công tác Lịch sử Đảng, từ nghiên cứu, biên soạn đến tuyên truyền, giáo dục đều có tầm quan trọng của riêng nó, nhưng rõ ràng, mục đích cuối cùng là đưa kiến thức lịch sử đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; và điều này chỉ được thực hiện thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục. Tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng là nhiệm vụ của nhiều cấp, nhiều ngành, song các trường chính trị cấp tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, cùng nhau xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Ngày gửi: 13-4-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 22-6-2024; ngày duyệt đăng: 28-6-2024