Quan hệ đối ngoại của nước Việt Nam từ khi tuyên bố độc lập (1945) là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài quan tâm. Một số ít công trình nghiên cứu đề cập xuyên suốt quá trình lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, còn phần lớn tập trung vào từng giai đoạn nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, xoay quanh hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời kỳ đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập quốc tế cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả, nhiều công trình viết về quan hệ đa phương và song phương của Việt Nam.
Bài viết này giới thiệu khái quát một số công trình của các tác giả Việt Nam và nước ngoài được trình bày theo từng thời kỳ lịch sử.

Từ khoá: Lịch sử; quan hệ đối ngoại

I. NGHIÊN CỨU CHUNG VỀ LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM

1. Trước khi đề cập đến các công trình nghiên cứu về quan hệ đối ngoại Việt Nam thời hiện đại, cần điểm qua những cuốn sách viết về lịch sử bang giao Việt Nam thời phong kiến để có cái nhìn toàn cảnh về mối quan hệ của Việt Nam với bên ngoài thời cổ trung đại. Có thể kể đến 2 công trình Ngoại giao Đại Việt (Lưu Văn Lợi - 2000) và Lược sử ngoại giao Việt Nam qua các thời trước (Nguyễn Lương Bích - 2000).

Cuốn Ngoại giao Đại Việt đặt trọng tâm vào những sự kiện nổi bật của mỗi thời kỳ như thời Bắc thuộc, buổi đầu dựng nước, đối sách với các triều đại phương Bắc. Tác giả cũng dành sự quan tâm đến mối bang giao với Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp, Xiêm. Từ thực tiễn lịch sử, tác giả rút ra hai kết luận: 1. Đường lối đối ngoại nhất quán của Đại Việt là giữ vững độc lập, chủ quyền, sống hòa mục với các nước, trước hết là các nước láng giềng, góp phần an ninh khu vực; 2. Đại Việt bao giờ cũng kiên trì ngoại giao hòa bình nhưng kiên quyết phản đối ngoại giao phục vụ chiến tranh xâm lược, sẵn sàng giáng trả những đòn đích đáng đối với kẻ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Cuốn Lược sử ngoại giao Việt Nam qua các thời trước, viết về các hoạt động ngoại giao theo tiến trình lịch sử các triều đại, từ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến thời Lê Lợi, Quang Trung và cuối cùng là triều Nguyễn. Từ các sự kiện lịch sử, tác giả dẫn lời nhà sử học Phan Huy Chú: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù là rất quan hệ không thể xem thường. Người có quyền trị nước phải nên cẩn thận” như một sự nhắc nhở kinh nghiệm bang giao của các vương triều Đại Việt. Và lời truyền của vua Lê Thánh Tông cho các sứ thần “Mỗi thước núi, mỗi tấc sông của ta không nên vất bỏ… Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì phải tội tru di” vẫn là sự cảnh báo về trách nhiệm của ngoại giao đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho muôn đời sau.

Có thể nói đây là hai cuốn sách quý giúp người đọc hiểu biết một cách hệ thống và sâu sắc hoạt động ngoại giao - chủ yếu là với phương Bắc và từ đó rút ra những kinh nghiệm mang ý nghĩa thiết thực của cha ông về quan hệ bang giao với một nước láng giềng vừa lớn, vừa nhiều tham vọng. Đây là điều rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử đối ngoại thời hiện đại và là bài học kinh nghiệm cho phương cách ứng xử ngày nay.

2. Dưới thời thuộc địa, triều đình phong kiến bị tước đoạt hoàn toàn quyền tiếp xúc với nước ngoài, hoạt động ngoại giao của xứ Đông Dương nằm trong tay chính quyền thực dân Pháp (sau là phát xít Nhật) nên không có cuốn sách nào bàn riêng về vấn đề này.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập (15 tập, xuất bản năm 2011), đã sưu tầm và công bố nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến quan hệ đối ngoại Việt Nam trong suốt cuộc đời hoạt động của Người. Cũng có thể tìm đọc các nghị quyết, chỉ thị, thông tri của Đảng về các vấn đề đối ngoại qua từng thời kỳ lịch sử trong Văn kiện Đảng Toàn tập của Đảng Cộng sản Việt Nam (54 tập). Cả hai bộ sách trên đều được công bố qua các đĩa CD-Rom. Đây là những tư liệu quý thể hiện tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Đến nay, có thể kể đến 2 cuốn sách khá hoàn chỉnh về lịch sử ngoại giao của nước Việt Nam độc lập là Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam (Lưu Văn Lợi, xuất bản năm 1998) và Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000 của Bộ Ngoại giao (Nguyễn Đình Bin chủ biên, xuất bản năm 2002). Hai cuốn sách trên phản ánh quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đề cập một cách hệ thống các sự kiện ngoại giao với nhiều văn kiện, tư liệu được trích dẫn, phân tích sâu sắc đối sách của ta trước các biến động về quan hệ đối ngoại. Cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao (Viện Quan hệ quốc tế, xuất bản năm 1990) là một tài liệu quan trọng về hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được giới thiệu theo trình tự thời gian lịch sử từ năm 1941 đến 1969. Có thể coi các cuốn sách là những kiến thức nền tảng mà người đọc cần quan tâm nghiên cứu để có cái nhìn xuyên suốt hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ sau khi giành độc lập.

Ngoài ra, các trường đại học có chuyên ngành quan hệ quốc tế đều biên soạn tài liệu riêng về vấn đề này, thường lưu hành nội bộ để phục vụ việc giảng dạy và học tập như: Giáo trình Chính sách đối ngoại Việt Nam (Trường Đại học dân lập Đông Đô, xuất bản năm 2006); Chính sách đối ngoại Việt Nam (Học viện Quan hệ quốc tế, xuất bản năm 2007, hai tập) gồm những bài tuyển chọn ý kiến của nhiều nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao và nhà nghiên cứu viết về quan hệ đối ngoại của Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2006.

3. Về vấn đề lý luận, một số sách chuyên khảo đi sâu phân tích quan điểm của Đảng, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại. Có thể kể đến: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh (Nguyễn Dy Niên, xuất bản năm 2002), Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao (Vũ Dương Huân, xuất bản năm 2005), Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược đoàn kết quốc tế (Vũ Dương Ninh, trong cuốn Việt Nam, Thế giới và sự hội nhập, xuất bản năm 2007), Hồ Chí Minh với chiến lược đoàn kết quốc tế trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc (Lê Văn Yên, xuất bản năm 2008), Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao (Vũ Khoan, xuất bản năm 2010), Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh (Võ Văn Sung, xuất bản năm 2010). Các cuốn sách này phân tích cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao, những quan điểm cơ bản về ngoại giao Việt Nam, sự thực hiện chiến lược và sách lược trong hoạt động đối ngoại và sự vận dụng những quan điểm đó vào công cuộc đổi mới ngày nay.

Kỷ yếu của các cuộc Hội thảo về công tác ngoại giao như Năm mươi năm ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Viện Quan hệ quốc tế, xuất bản năm 1995), Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc (Viện Quan hệ quốc tế, xuất bản năm 1995), Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại giao, xuất bản năm 2000) bao gồm tham luận của các nhà ngoại giao và nhiều học giả đề cập đến các khía cạnh hoạt động đối ngoại, phân tích nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao, những bài học kinh nghiệm của từng giai đoạn lịch sử và sự vận dụng vào thực tiễn đổi mới hiện nay. Cần đặc biệt lưu ý bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh (trong cuốn Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh) trình bày một cách hệ thống và sâu sắc ba vấn đề: Một số nội dung lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh; Những nội dung lớn của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phân tích từ góc độ lý luận, cuốn Thế giới 50 năm qua (1945-1995) và thế giới trong 25 năm tới (1996-2020) (Nguyễn Cơ Thạch, xuất bản năm 1998) gợi mở cách tư duy mới về thế giới, phác họa xu thế phát triển và sự thích ứng của Việt Nam. Không đi sâu trực tiếp những vấn đề cụ thể, cuốn sách đã cung cấp cho người đọc tầm nhìn chiến lược trên bình diện quốc tế và suy nghĩ về sự đổi mới của đường lối ngoại giao Việt Nam. Cuốn Một số vấn đề quan hệ quốc tế. Chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam (Vũ Dương Huân xuất bản năm 2009) phân tích một số vấn đề lý luận quan hệ quốc tế, chiến lược đối ngoại của các nước lớn và những vấn đề ngoại giao hiện đại.

II. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI TRONG THỜI KỲ 1945 -1954

1. Các cuốn Hoạt động đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ 1945-1954 (Nguyễn Trọng Hậu, xuất bản năm 2004), Ngoại giao Việt Nam từ Việt Bắc đến Geneva (Nguyễn Phúc Luân, xuất bản năm 2004) và Tìm hiểu chủ trương đối ngoại của Đảng thời kỳ 1945-1954 (Vũ Quang Hiển, xuất bản năm 2005) trình bày một cách hệ thống và khá chi tiết về công tác ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuốn Quan hệ Việt Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám (Trần Hữu Đính, Lê Trung Dũng, xuất bản năm 1997) công bố một số bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống, Ngoại trưởng Mỹ và giới thiệu mối quan hệ bang giao Việt - Mỹ trong những ngày sau Cách mạng Tháng Tám.

2. Về Hiệp định Sơ bộ và những hoạt động đối ngoại năm 1946 có thể tìm đọc trong Từ Đà Lạt đến Paris (Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, xuất bản năm 1996) gồm hồi ký của một số thành viên phái đoàn Việt Nam như: Hội nghị Đà Lạt (Võ Nguyên Giáp), Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt (Hoàng Xuân Hãn), Nhật ký ghi chép của phái đoàn Quốc hội Việt Nam từ Đà Lạt đến Ba Lê (Nguyễn Tấn Gi Trọng)... Cuốn Hoàng Minh Giám, con người và lịch sử (xuất bản năm 1995) có một phần hồi ký về Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946. Đặc biệt cuốn Hiệp định Giơnevơ 50 năm nhìn lại (Bộ Ngoại giao, xuất bản năm 2008) là kỷ yếu cuộc hội thảo tại Hà Nội nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Hội nghị Genève (1954-2004). Các nhà ngoại giao và các học giả bàn luận về bối cảnh lịch sử, thời cơ hòa bình, thành công và hạn chế, ý nghĩa quốc tế của Hiệp định Genève. Vấn đề được đặt ra trong tranh luận là tác động của các nước lớn và vai trò chủ động của Việt Nam tại hội nghị, đánh giá mức độ các kết quả đạt được, nhất là vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tiến tới tổng tuyển cử. Từ những vấn đề trên, ngoại giao Việt Nam đã rút ra nhiều kinh nghiệm được vận dụng vào cuộc đàm phán Pari sau này.

Cũng nên nhắc đến một vài cuốn sách của các tác giả thuộc chính quyền “Quốc gia Việt Nam” như: Con rồng Việt Nam; Hồi ký chính trị 1913 - 1987 (Bảo Đại, xuất bản năm 1990), Thời đại của tôi, Nhìn lại 100 năm lịch sử (Vũ Quốc Thúc, xuất bản năm 2010)… Đứng trên lập trường theo Pháp chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân, các cuốn sách trên viết về việc Bảo Đại dựng lên chính quyền tay sai với bản Hiệp định Elysée 1949, theo đó Pháp “trao trả” nền độc lập giả hiệu cho Bảo Đại. Cuốn Hội nghị Geneve 1954 (Trần Văn Tuyên, xuất bản năm 1964) viết về hoạt động của đoàn đại biểu chính quyền Bảo Đại tại Hội nghị Genève năm 1954.

3. Sách nước ngoài1 viết về giai đoạn 1945-1954, phải kể đến các cuốn Tại sao Việt Nam? (L.A.Patty - Why Vietnam?), Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Jean Sainteny - Histoire d’une paix manquée). Các tác giả là những người trực tiếp tham gia các cuộc tiếp xúc với phong trào cách mạng nước ta. L.A. Patty là sĩ quan tình báo Mỹ đã cùng đồng đội tham gia phong trào Việt Minh từ chiến khu Việt Bắc cho đến khi về Hà Nội. Có thể thấy ở đây thái độ đánh giá tương đối khách quan về những sự kiện hợp tác Việt - Mỹ trong thời kỳ chống phát xít Nhật đến sau ngày Tổng khởi nghĩa. J. Sainteny là sĩ quan tình báo Pháp, sau là Ủy viên Cộng hòa đại diện cho Chính phủ Pháp trong cuộc đàm phán và ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Với ý đồ tái chiếm Đông Dương, J.Sainteny thực hiện chỉ thị của chính phủ Pari đã từng dùng nhiều thủ đoạn để móc nối lực lượng phản động, gây sức ép trong cuộc thương thuyết kéo dài từ cuối năm 1945 và thực hiện việc phá hoại Hiệp định sơ bộ dẫn tới sự bùng nổ cuộc chiến tranh trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, trong hồi ký được viết vào những năm sau chiến tranh, tác giả đã bộc lộ sự ngạc nhiên đến bất ngờ khi thấy phong trào quần chúng ủng hộ cách mạng với rừng cờ đỏ sao vàng khắp nơi trong những ngày tháng Tám 1945 và bày tỏ sự cảm phục về ý chí và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là một nhà báo chiến tranh ở Đông Dương, sau trở thành giáo sư chuyên ngành Việt Nam học ở Pháp, Philippe Devillers đã tìm tòi trong các kho lưu trữ của Pháp những bằng chứng để giải thích nguồn gốc dẫn đến cuộc chiến tranh Việt - Pháp. Cuốn Lịch sử Việt Nam từ 1946 đến 1952 (Histoire du Vietnam de 1946 à 1952) và nhất là cuốn Paris - Saigon - Hanoi. Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947 (Paris - Saigon - Hanoi. Les archives de la guerre 1944-1947) đã công bố các văn bản, chỉ thị, thư từ của giới cầm quyền và quân sự Pháp trong những năm 1944-1947 để khẳng định dã tâm của thực dân Pháp là nguyên nhân thực sự gây ra cuộc chiến tranh Đông Dương. Các cuốn Indochine francaise 1940-1945 (Đông Dương thuộc Pháp 1940-1945), Le Général de Gaulle et l’Indochine (Tướng De Gaulle và Đông Dương)… gồm nhiều bài nghiên cứu về nguồn gốc của chiến tranh, sự chuẩn bị lực lượng quân sự của De Gaulle để tái chiếm Đông Dương, tình hình quân đội Pháp ở Đông Dương trong Thế chiến 2, thái độ của nước Mỹ đối với vấn đề Đông Dương thuộc Pháp… Cũng có nhiều nhà Việt Nam học người Pháp đã dành công sức nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam với quan điểm khá tiến bộ, lên án sự ngoan cố của chính phủ Pari như các cuốn: Hochiminh: de l’Indochine au Vietnam - D. Héméry (Hồ Chi Minh: từ Đông Dương đến Việt Nam), Indochine, la colonisation ambigue - P. Brocheux (Đông Dương, chế độ thuộc địa nước đôi) và một số cuốn của A. Ruscio như Les communistes francais et la guere d’ Indochine 1944-1954 (Những người cộng sản Pháp và chiến tranh Đông Dương 1944-1954), La guerre d’ Indochine 1945-1954 (Cuộc chiến tranh Đông Dương 1945-1954), Dienbienphu - Mythes et réalités (Điện Biên Phủ - huyền thoại và thực tiễn). Nhiều cuốn sách của các tướng lĩnh Pháp, đặc biệt các cuốn của tướng H. Navarre như Đông Dương hấp hối (Agonie de l’Indochine), Thời điểm của những sự thật (Le temps des Vérités) đã nêu lên thực trạng bi thảm của phía Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Tác giả cũng có ý bào chữa cho trách nhiệm về sự thất trận ở Đông Dương nói chung và ở Điện Biên Phủ nói riêng là do hoàn cảnh khách quan, chủ yếu do tình hình khủng hoảng chính trị, nội các thay đổi liên tục và sự thiếu hụt tài chính ở nước Pháp trong khi đối phương là Việt Minh chỉ có một Chính phủ Hồ Chí Minh và một vị tướng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Ngoài người Pháp, học giả nhiều nước khác cũng quan tâm đến Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp mà họ gọi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Hai công trình của Stein Tonesson: The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Hochiminh and de Gaulle in a World at War (Cách mạng Việt Nam năm 1945: Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh) và Vietnam 1946: How the war began (Việt Nam năm 1946: Cuộc chiến tranh đã bắt đầu như thế nào) đã phân tích tính chất phức tạp của cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ với các cường quốc dẫn đến cuộc chiến tranh tàn khốc. Công trình của David Marr Vietnam 1945: The Quest for Power (Việt Nam năm 1945: Sự tìm kiếm quyền lực - 1995) và Vietnam - State, War, and Revolution (1945-1946) (Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng 1945-1946) phân tích cuộc cách mạng và chiến tranh trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, đã đưa ra nhận xét riêng về cuộc Tổng khởi nghĩa và sự bùng nổ chiến tranh đêm 19-12-1946.

Lưu ý rằng các tác giả nước ngoài trong khi khai thác nhiều nguồn tài liệu chủ yếu từ phía các nước phương Tây, ít tiếp xúc với tài liệu Việt Nam, lại ít hiểu hết tình hình thực tiễn Việt Nam nên không tránh khỏi có những quan điểm và suy luận cần được kiểm định và trao đổi.

Hội nghị Geneve được trình bày trong công trình của học giả Pháp Francois Joyeaux: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất: Geneve 1954 (La Chine et le règlement du premier conflit d’Indochine: Genève 1954) đã chỉ ra sự tính toán của Trung Quốc trong việc đàm phán với Pháp giải quyết vấn đề Đông Dương. Cuốn Chu Ân Lai và Hội nghị Genève (tiếng Trung, Bắc Kinh, xuất bản năm 2005) mô tả khá chi tiết hoạt động của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Hội nghị Genève và những kết quả Bắc Kinh thu lượm được trong mối quan hệ quốc tế khi lần đầu tiên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham dự vào chính trường thế giới.

III. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI TRONG THỜI KỲ 1954 - 1975

1. Cuộc đấu tranh ngoại giao trong những  năm 1964-1967 được trình bày khá chi tiết trong cuốn Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris (Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ, xuất bản năm 2000) cho thấy ý đồ của Mỹ dưới thời Tổng thống Johnson. Qua các kịch bản “công thức Baltimore”, “Kế hoạch 14 điểm”, “Bông cúc Vạn thọ”, “công thức San Antonio”…, chính quyền Mỹ tuyên truyền về “thiện chí” tìm kiếm hòa bình ở Việt Nam. Nhưng lập trường kiên quyết của Việt Nam đòi Mỹ phải rút quân không điều kiện, ngừng đánh phá miền Bắc không điều kiện thì mới có thể đàm phán. Chỉ đến cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Hoa Kỳ mới chịu thực sự ngồi vào bàn đàm phán tại Pari. Cuốn Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam 1968-1973 (Nguyễn Thành Lê, xuất bản năm 1998) trình bày một cách hệ thống đường lối, chủ trương của Việt Nam, giải pháp của các bên và khái quát về các giai đoạn trong quá trình đàm phán với Hoa Kỳ. Cuốn Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris (Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ, xuất bản năm 1996) đi sâu vào từng cuộc tranh luận bí mật và công khai, qua đó toát lên không khí đấu trí quyết liệt trong hơn 4 năm đàm phán. Có thể nói đây là những cuốn sách cơ bản và hệ thống giúp người đọc hiểu biết về chủ trương, chính sách, sự chỉ đạo sát sao của Đảng và những cuộc đối thoại, tranh luận với đối phương trong sự kiện ngoại giao quan trọng này.

Bình luận và cung cấp thêm các sự kiện xung quanh Hội nghị Pari có Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam (Bộ Ngoại giao, xuất bản năm 2004), Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam (Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả, xuất bản năm 2001), Cuộc đàm phán lịch sử - Kỷ niệm 35 năm Hiệp định Paris 1973-2008 (Kỷ yếu hội thảo, xuất bản năm 2009). Đây là tập hợp nhiều bài viết nhận định của các nhà ngoại giao và các nhà khoa học phân tích nội dung, ý nghĩa và những kinh nghiệm của cuộc đấu tranh ngoại giao ở Pari. Trong sách này cũng có một số bài mang tính chất hồi ký của nhiều người đã tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào công việc của Hội nghị. Bộ sách 2 tập của Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II: Hiệp định Paris về Việt Nam 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn (xuất bản năm 2012) giới thiệu nhiều văn bản phản ánh chủ trương, thái độ và đối sách của Việt Nam Cộng hòa trong quá trình diễn ra Hội nghị Pari.

Ba cuốn Ngoại giao Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử (Nguyễn Phúc Luân, xuất bản năm 2005), Ngoại giao Việt Nam - Phương sách và nghệ thuật đàm phán (Nguyễn Khắc Huỳnh, xuất bản năm 2006), Ngoại giao Việt Nam - Góc nhìn và suy ngẫm (Nguyễn Khắc Huỳnh, xuất bản năm 2011) được coi như những công trình chuyên khảo nghiên cứu về chiến lược và sách lược đối ngoại, về sức mạnh tổng hợp và biện pháp ngoại giao trong cuộc đấu trí đầy căng thẳng với đối phương, đặc biệt nhấn mạnh tính độc lập tự chủ của Việt Nam trong suốt quá trình thương lượng.

2. Về các tác giả nước ngoài, trước hết phải kể đến Hồi ký của các nhân vật chủ trì Nhà Trắng: Tổng thổng L. Johnson, Tổng thống R. Nixon, Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara, Ngoại trưởng H. Kissinger. Hồi ký của hai Tổng thống Mỹ đã dành nhiều trang viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam với những chiến lược quân sự, phương sách ngoại giao và những tính toán nhằm kết thúc chiến tranh “trong danh dự” mặc dầu hết sức tàn bạo, ác liệt. Đặc biệt, Hồi ký Richard Nixon (The Memoires of Richard Nixon) nói khá rõ “tâm địa” của Tổng thống Mỹ khi quyết định đợt “ném bom Lễ Giáng sinh” cuối năm 1972 hòng đảo ngược thế cờ ở Pari.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara với cuốn Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam đã nhận ra những sai lầm của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và rút ra 11 nguyên nhân dẫn tới thảm kịch của nước Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger, người trực tiếp tham gia các sự kiện trong quan hệ với Việt Nam, đã đề cập khá chi tiết về cuộc đàm phán ngoại giao ở Pari cho đến khi cuộc chiến hoàn toàn kết thúc năm 1975. Có thể thấy những toan tính, những nước cờ và kết quả của nó trong cuốn Những năm ở Nhà Trắng (The White House Years), Kết thúc chiến tranh Việt Nam (The End of the War in Vietnam) đã dẫn giải vấn đề nước Mỹ dính líu vào chiến tranh Việt Nam từ năm 1950 đến năm 1975. Cũng nghiên cứu cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam phải kể đến Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ (G. Herring - A longest War of USA), Nước Mỹ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon (A. Poole - The United States and Indochina from FD Roosevelt to Nixon), Lời phán quyết về Việt Nam (Joseph A. Amter), Giải phẫu một cuộc chiến tranh. Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại (Gabriel Kolko - Anatomy of a War. Vietnam, the United States and the Modern Historical Experiences). Với nguồn tài liệu khá phong phú, các tác giả đã phân tích cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam với sự phê phán những sai lầm của giới cầm quyền Washington.

Giai đoạn cuối của cuộc hòa đàm Pari được bàn đến trong các cuốn Nền hòa bình mỏng manh. Washington, Hà Nội và tiến trình của Hiệp định Paris (Pierre Asselin - A bitter War. Washington, Hanoi and the Process of Paris Agreement), Không Hòa bình, chẳng Danh dự. Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam (Larry Berman - No Peace, No Honour. Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam). Và công trình xuyên suốt thời gian chiến tranh ở Việt Nam gồm 4 tập của sử gia người Anh Ralph Smith: An International History of the Vietnam War (Một lịch sử quốc tế về Chiến tranh Việt Nam). Các cuốn sách trên cho thấy nhiều tài liệu của Nhà Trắng và của các Trung tâm lưu trữ nước ngoài, qua đó hiểu rõ hơn cuộc đấu tranh ngoại giao quyết liệt giữa hai bên đối thủ. Nhưng đây đó cũng xuất hiện những lập luận thiếu chính xác về chủ trương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về tác động của cuộc oanh kích bằng B.52 cuối tháng 12-1972 với việc kết thúc Hòa đàm Pari.

Chiến tranh Việt Nam là cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, vừa mang tính chất giải phóng dân tộc, vừa phản ánh thế trận hai phe XHCN và TBCN trên trường quốc tế. Cho nên về mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, ngoài phần được đề cập đến trong các cuốn sách nói trên, nhất là trong hồi ký của các nhân vật hàng đầu nước Mỹ, còn phải kể đến các công trình của nhà nghiên cứu người Nga Ilya Gaidyk: Liên bang Xôviết và chiến tranh Việt Nam (The Soviet Union and the Vietnam War), của học giả người Mỹ gốc Trung Quốc Qiang Zhai: China and the Vietnam War 1950-1975 (Trung Quốc và cuộc Chiến tranh Việt Nam 1950-1975). Quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô có liên quan đến Việt Nam được đề cập trong cuốn hồi ký của Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoli Dobrynine: Đặc biệt tin cậy. Vị đại sứ ở Washington qua sáu đời Tổng thống Mỹ. Đây là một trong những kênh ngoại giao quan trọng để qua Mátxcơva, Chính phủ Mỹ thăm dò lập trường của Việt Nam cũng như nhờ chuyển thông điệp của Washington đến Hà Nội.

Ở Mỹ, trong dự án lớn có tên gọi The Cold War International History Project thuộc Woodrow Wilson International Center for Scholars (Washington D.C) có nhiều trang web công bố những bài viết về đề tài quan hệ ba nước như Chen Jian: China - Involvement in the Vietnam War 1964-1969 (Trung Quốc - Sự dính líu vào chiến tranh Việt Nam 1964-1969); Stephen Morris: The Soviet Union - Chinese - Vietnamese Triangle in 1970’s: The View from Moscow (Tam giác Liên Xô - Trung Quốc - Việt Nam trong những năm 1970. Cái nhìn từ Mátxcơva); Yang Kuisong: Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War 1949-1973 (Sự thay đổi thái độ của Mao Trạch Đông đối với chiến tranh Đông Dương 1949-1973)… Nội dung của các nghiên cứu trên được giới thiệu trong công trình khoa học của Phạm Quang Minh: Quan hệ tam giác Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954-1975  (Đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2008).

IV. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI TRONG THỜI KỲ ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT, ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ (1975 - 2010)

1. Sau khi đất nước thống nhất, ngoại giao Việt Nam đạt được một số thành tựu trong việc gia nhập Liên hợp quốc, thiết lập quan hệ chính thức với nhiều nước và bước đầu triển khai các hoạt động thương mại, giáo dục và giao lưu văn hóa. Nhưng ngay sau đó Việt Nam bước vào những năm tháng khó khăn bởi cuộc chiến tranh biên giới ở phía Tây Nam và phía Bắc, rơi vào tình trạng bị bao vây cô lập trên trường quốc tế. Còn quá ít công trình của các tác giả Việt Nam nghiên cứu về giai đoạn 1975 - 1986 và rõ ràng, đây là một khoảng trống lớn cần được khỏa lấp. Cuốn Sự thật về quan hệ Việt Nam trong ba mươi năm qua (xuất bản năm 1979) đề cập đến vấn đề Việt Nam trong chiến lược toàn cầu và chính sách khu vực của Trung Quốc, thái độ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam qua từng giai đoạn và chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Một tài liệu chưa xuất bản chính thức nhưng được nhiều người tìm đọc là Hồi ức và suy nghĩ (Trần Quang Cơ, năm 2006) cung cấp thông tin về quá trình đàm phán với Hoa Kỳ, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong thời gian nửa sau thập kỷ 70, đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về vấn đề thời cơ và đối sách của Việt Nam. 

Một số tác giả nước ngoài nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở Đông Dương đã nêu rõ tội ác của tập đoàn Khmer Đỏ ở Campuchia và mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc - Campuchia cùng sự dính líu của Mỹ. Đó là các cuốn Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam của W. Burchett, Chân lý thuộc về ai (Grant Evants, Kelvin Rowlet - Red Brotherhood at War). Trong Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơme Đỏ, cựu Quốc trưởng Norodom Sihanouk kể lại tình trạng bi thảm của xã hội Campuchia và Hoàng gia dưới chế độ diệt chủng của tập đoàn Polpot. Cuốn Cambodge 1975-1983 (Micheal Vickery), bằng sự khảo sát thực địa từ Năm số không (The Zero Years) tức là thời gian hồi phục đất nước trên đống tro tàn do Khmer Đỏ để lại, đã phân tích nguồn gốc của chế độ Polpot và những hậu quả do chúng gây nên đối với xã hội Campuchia.

2. Chỉ từ khi thực hiện đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa thì vấn đề đối ngoại mới được quan tâm nhiều. Báo cáo Tổng kết: Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới 1986 - 2006 (Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2005) đã dành nhiều trang viết về thành tựu và kinh nghiệm công tác đối ngoại, xác định rõ những quan điểm về đối tác, đối tượng và nêu phương hướng đối ngoại trong thời kỳ mới. Các cuốn sách của Bộ Ngoại giao: Biên niên ngoại giao Việt Nam 20 năm đổi mới (xuất bản năm 2008), Vận dụng tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh thời kỳ hội nhập quốc tế (xuất bản năm 2009) gồm nhiều bài viết về chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cuốn Chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam (1986 - 2010) (Phạm Quang Minh, xuất bản năm 2012) trình bày một cách hệ thống đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng qua các kỳ đại hội và các nghị quyết Trung ương từ Đại hội VI đến Đại hội XI. Bài “Hai mươi năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại” (Vũ Khoan, năm 2006) cung cấp một cái nhìn toàn cảnh với sự phân tích chiến lược về những bước đi đối ngoại trên tiến trình hội nhập quốc tế. Cuốn Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến 2020 (Phạm Bình Minh - Chủ biên, xuất bản năm 2010) bao gồm nhiều bài nghiên cứu có tính lý luận về công tác đối ngoại trong thời kỳ đổi mới. Cuốn Quá trình đổi mới đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam 1986 - 2012 (Đinh Xuân Lý, xuất bản năm 2013) điểm lại quá trình hình thành tư duy đối ngoại đổi mới và mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong thời gian trên. Những cuốn sách kể trên cung cấp cho người đọc cái nhìn bao quát về khái niệm, đường lối chính sách và thành tựu chung về quan hệ đối ngoại trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế.

Đã xuất bản một khối lượng khá đồ sộ các cuốn sách viết về quan hệ đối ngoại đa phương và song phương của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong khuôn khổ của bài này, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến quan hệ Việt Nam - ASEAN.

Về quan hệ Việt Nam - ASEAN, cuốn Tiến tới một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển bền vững (Nguyễn Duy Quý, xuất bản năm 2001) trình bày khái quát và hệ thống về hoạt động và vai trò ASEAN từ khi ra đời. Kỷ yếu Hội thảo ASEAN - 40 năm nhìn lại và hướng tới (năm 2007) của Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội gồm nhiều tham luận phản ánh khá toàn diện quá trình phát triển của ASEAN và vai trò của Việt Nam với tư cách thành viên của tổ chức này. Cơ chế hợp tác giữa ASEAN với ba đối tác Đông Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) được phân tích trong hai tác phẩm Hợp tác đa phương ASEAN+3: Vấn đề và triển vọng (Hoàng Khắc Nam, xuất bản năm 2008) và Hợp tác ASEAN + 3. Quá trình phát triển, thành tựu và triển vọng (Nguyễn Thu Mỹ - Chủ biên, xuất bản năm 2008). Vấn đề liên kết giữa các thành viên ASEAN được đề cập trong Liên kết ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trần Khánh - Chủ biên, xuất bản năm 2002), Việt Nam - Lào - Campuchia: Hợp tác hữu nghị và phát triển (Nguyễn Duy Dũng - Chủ biên, xuất bản năm 2012). Quan hệ giữa Việt Nam với ASEAN và các thành viên ASEAN được giới thiệu trong Việt Nam - ASEAN: quan hệ đa phương và song phương (Vũ Dương Ninh Chủ biên, xuất bản năm 2004) và các cuốn về quan hệ Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Lào... Cuốn Tri thức Đông Nam Á (Lương Ninh, Vũ Dương Ninh - đồng Chủ biên, xuất bản năm 2008) giúp việc tra cứu thuận tiện các thuật ngữ, các nhân vật và sự kiện về ASEAN.

Trong quan hệ song phương với Mỹ, có thể kể đến Quan hệ Việt - Mỹ thời kỳ sau chiến tranh lạnh (Lê Văn Quang, xuất bản năm 2005), Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, thực trạng và triển vọng (Trần Nam Tiến, xuất bản năm 2010), Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 1994-2010 (Bùi Thị Phương Lan, xuất bản năm 2011). Về quan hệ với Nga có Hợp tác chiến lược Việt Nga. Những quan điểm, thực trạng và triển vọng (Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hoàng Giáp, xuất bản năm 2008). Về quan hệ với Trung Quốc có Những vấn đề nổi bật trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI và triển vọng đến năm 2020 (Đỗ Tiến Sâm, Kurrihara Hrohidi, xuất bản năm 2013)… Và nhiều cuốn sách đề cập đến quan hệ giữa Việt Nam với EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…

3. Trong giai đoạn từ sau năm 1986, đã có nhiều công trình của người nước ngoài viết về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Liên quan trực tiếp đến đề tài này có một số công trình quan trọng như Vietnam’s Foreign Relations - Dynamics of Change” (Frank Frost - Quan hệ đối ngoại của Việt Nam - Sự thay đổi năng động) phân tích những thay đổi của Việt Nam trong những năm đầu đổi mới; cuốn sách do Carlyle Thayer và Ramses Amer - Chủ biên Vietnamese Foreign Policy in Transition (Chính sách đối ngoại chuyển đổi của Việt Nam). Các tác giả cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam đang chuyển từ mô hình chính sách đối ngoại nặng về hệ tư tưởng sang mô hình lấy lợi ích quốc gia làm trọng tâm, nhấn mạnh đến tính chất đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại và là một quá trình dài có nhiều điều chỉnh. Một công trình tập hợp bài viết của nhiều học giả được James W. Morley và Masashi Nishihara chủ biên có tên gọi Vietnam Joins the World (Việt Nam gia nhập thế giới) được xuất bản năm 1997 tại London. Năm 2007, Stephanie Balme and Mark Sidel cùng chủ biên một công trình tập hợp các bài viết của các học giả trong và ngoài nước có tên Vietnam’s New Order: International Perspectives on the State and Reform in Vietnam (Trật tự mới của Việt Nam: Quan điểm quốc tế về nhà nước và cải cách).

Năm 2012 xuất hiện một chuyên khảo về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam do David Elliott công bố và được Đại học Oxford xuất bản có tên Changing Worlds: Vietnam’s Transition from Cold War to Globalization (Thế giới đổi thay: Việt Nam chuyển đổi từ Chiến tranh lạnh sang Toàn cầu hóa), đã phân tích sự thay đổi trong nhận thức của tầng lớp tinh hoa ở Việt Nam từ trật tự hai cực chịu ảnh hưởng nặng về ý thức hệ sang một giai đoạn mới bị chi phối bởi yếu tố toàn cầu hóa và kinh tế thị trường.

Điểm chung và nổi bật của tất cả các công trình nghiên cứu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của các học giả nước ngoài là cách tiếp cận liên ngành, khai thác nguồn tài liệu đa dạng và phong phú, có tính khái quát cao. Tuy nhiên, do sự khác biệt về quan điểm nên các công trình này cần được giới thiệu và trao đổi một cách thấu đáo ở Việt Nam để có được sự hiểu biết cặn kẽ và đầy đủ. 

4. Trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nổi lên thành một vấn đề nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài.

Về vấn đề biên giới trên đất liền, một số công trình trong nước đã trình bày khái quát trong: Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng (Trương Như Vương và nhiều tác giả, xuất bản năm 2007) đề cập đến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Về đường biên giới Việt - Trung, sau nhiều năm đàm phán, Hiệp định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được ký ngày 30-12-1999. Cuốn Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (Vũ Dương Ninh - Chủ biên, xuất bản năm 2010) đã phác họa những nét lớn trong vấn đề biên giới giữa hai nước qua từng thời kỳ lịch sử cổ trung đại, phân tích Công ước Pháp Thanh được coi là cơ sở cho cuộc đàm phán Việt - Trung. Cuốn sách dành nhiều trang cho quá trình đàm phán đi tới Hiệp định ngày 30-12-1999 và quá trình cắm mốc biên giới, hoàn thành vào ngày 30-12-2008. Các nhà nghiên cứu người Pháp và người Việt ở Pháp dưới sự chỉ đạo của P.B. Lafont đã công bố một công trình có giá trị Les frontières du Vietnam (Những biên giới của Việt Nam, xuất bản năm 1989). Cuốn sách đề cập đến khái niệm về biên giới phía Đông của bán đảo Đông Dương, nhận thức về biên giới của nước Việt xưa qua bản đồ của người Việt và phương Tây. Nhiều bài viết đi sâu vào biên giới Việt - Trung qua các thời kỳ từ thế kỷ XI - XVII, XIII - XIX, từ đầu XIX đến năm 1874 hoặc các bài viết dưới góc độ quản lý hành chính trên biên giới Việt - Trung, biên giới Việt - Trung trong quan hệ Pháp - Trung thời kỳ Pháp chinh phục Trung Quốc, biên giới Việt - Trung từ năm 1895 - năm 1896 đến nay. Cuốn sách cũng dành một phần về biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào. Phần cuối cuốn sách đề cập đến biên giới biển của Việt Nam, đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Với nội dung phong phú trên, cuốn sách có ý nghĩa quan trọng đối với đề tài về biên giới đất liền và hải đảo của Việt Nam.

Về vấn đề biển đảo, cuốn sách Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Lưu Văn Lợi, xuất bản năm 1995) đã căn cứ vào nguồn sử liệu cổ Trung Quốc để bác bỏ cái gọi là “chủ quyền pháp lý và lịch sử” của Trung Quốc đối với hai quần đảo này (họ gọi là Tây Sa và Nam Sa), khẳng định chủ quyền của Việt Nam là điều không thể chối cãi. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam qua Luận án tiến sĩ lịch sử “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Nguyễn Nhã, xuất bản năm 2002), cuốn Việt Nam quốc hiệu và cương vực - Hoàng Sa và Trường Sa (Nguyễn Đình Đầu, xuất bản năm 2013), Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam (Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Nhã, Phạm Hoàng Quân, xuất bản năm 2013) và nhiều cuốn sách khác. Cuốn Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông (Trần Công Trục Chủ biên, xuất bản năm 2012) nêu bật quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phân tích thực trạng và giải pháp về cuộc tranh chấp ở Biển Đông hiện nay.

Nhiều học giả nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Cuốn Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của học giả người Pháp Monique Chemillier Gendreau (xuất bản năm 1996) là công trình nghiên cứu rất công phu, đề cập đến các dữ kiện chung liên quan đến hai quần đảo, việc thụ đắc danh nghĩa ban đầu, sự tiến triển tiếp theo từ Hiệp ước Pháp - Trung 1887 và những kết luận về thực chất các quyền đối với các quần đảo. Đây là cuốn sách có giá trị, ngoài phần biện giải chung có phần phụ lục gồm 49 văn bản của chính quyền Pháp cũng như các văn thư gửi đại diện Trung Hoa, xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên. Nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu nước ngoài và Việt Nam được tuyển chọn trong cuốn Xung đột trên Biển Đông không còn là nguy cơ tiềm ẩn (Nhiều tác giả, xuất bản năm 2012) phân tích tham vọng và các biện pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông, vạch rõ tính vô lý của cái gọi là đường chữ U và những phản ứng quốc tế.

 Các Kỷ yếu của 2 cuộc hội thảo quốc gia về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông (năm 2009, 2011) và 4 cuộc hội thảo quốc tế về Biển  Đông được tổ chức tại Việt Nam (từ năm 2009 đến năm 2011) đã công bố nhiều bài nghiên cứu của các tác giả trong nước và nước ngoài lên án sự phi lý của cái gọi là “đường 9 đoạn”, “đường lưỡi bò” do Trung Quốc nêu ra, khẳng định cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam, đưa ra các giải pháp bảo vệ hòa bình và an ninh trên Biển Đông.

Thật khó nắm bắt được đầy đủ các công trình nghiên cứu của các tác giả ở trong nước và nước ngoài viết về lịch sử hiện đại Việt Nam, trong đó có đề cập đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Trên cơ sở các nguồn tài liệu tiếp cận được, có thể phác họa những nét chính về hoạt động đối ngoại của Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử, từ đường lối, quan điểm chỉ đạo đến đối sách cụ thể trong từng vấn đề. Qua đó, có thể tìm thấy những sự kiện và quan điểm trùng hợp nhau, nhưng cũng bắt gặp không ít quan điểm và sự kiện khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chính từ đó đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, cần lý giải.

Lưu ý rằng còn có những hạn chế nhất định trong việc khai thác những nguồn tài liệu gốc do chưa tận dụng được các kho lưu trữ, báo chí hàng ngày và các cuộc phỏng vấn. Nhưng mặt khác, các nguồn lưu trữ bên ngoài tuy phong phú, có giá trị, song các tác giả nước ngoài cũng gặp khó khăn do việc khai thác tài liệu chủ yếu từ phương Tây, ít có điều kiện tiếp xúc với thực tế Việt Nam và cảm nhận được tinh thần Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Có thể có những nhận định tưởng như lôgich nhưng không phản ánh đúng tình hình của Việt Nam, nhất là không đánh giá đầy đủ ý chí của Việt Nam. Do vậy, việc khai thác các nguồn tài liệu một cách thận trọng, đánh giá các sự kiện một cách khách quan, tiếp nhận các ý kiến trên tinh thần chọn lọc và phê phán sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn lịch sử, hiểu rõ hơn những thành tựu và kinh nghiệm trong quan hệ đối ngoại Việt Nam.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã cung cấp cho người đọc nhiều nguồn tài liệu phong phú với những quan điểm đa dạng, đa chiều. Tham khảo và sử dụng những công trình đó, rất cần một sự tư duy độc lập để chọn lựa các sự kiện đáng tin cậy, đánh giá các quan điểm khác nhau, từ đó có thể tiếp cận sự thực khách quan của lịch sử và rút ra những kết luận đúng đắn.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 6, 7/2014
1. Về sách của các học giả nước ngoài, nếu là sách đã dịch thì để tên tiếng Việt trước, tên nguyên bản để trong ngoặc; nếu là sách chưa dịch thì để tên nguyên bản trước, chú giải tên dịch sang tiếng Việt để trong ngoặc. Trong khuôn khổ bài báo tác giả không thể đưa danh mục tài liệu tham khảo dài 6 đến 7 trang.