Cách đây hơn 78 năm, đã diễn ra một cuộc hành trình đầy gian khổ của một đoàn cán bộ Việt Minh, bí mật vượt qua suối đèo để bắt nối liên lạc với vị lãnh tụ cách mạng-Hồ Chí Minh. Cuối cùng, cuộc gặp đã diễn ra một cách bí mật và nhanh chóng tại Bách Sắc (thuộc Khu Tự trị Choang (Quảng Tây, Trung Quốc), có chung đường biên giới với tỉnh Hà Giang và Cao Bằng của Việt Nam) vào một ngày tháng 4-1945. Trong thời gian ngắn ngủi đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo sát sao chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

1. Bối cảnh của cuộc gặp lịch sử và sách lược tranh thủ lực lượng Đồng minh của Hồ Chí Minh
Năm 1945-Những giải pháp về Việt Nam
Từ năm 1944, đội quân phát xít Đức liên tiếp thất bại trước những đòn tiến công của Hồng quân Liên Xô ở mặt trận phía Đông và của liên quân Anh-Mỹ ở mặt trận phía Tây. Nguy cơ sụp đổ của Đế chế Đức là điều không tránh khỏi và trên thực tế chính quyền Quốc xã chấp nhận đầu hàng vào đầu tháng 5-1945. Cùng thời gian đó, quân đội phát xít Nhật bị đánh tan tác trên mặt trận Đông Á-Thái Bình Dương, chịu thất bại tại nhiều nước Đông Nam Á. Đề phòng bị Pháp đánh sau lưng khi quân Đồng minh đổ bộ Đông Dương, Nhật tiến hành cuộc đảo chính đêm 9-3-1945, hất cẳng Pháp, chấm dứt chế độ cộng trị Nhật-Pháp được thiết lập trên xứ sở này từ năm 1940. Nhưng hành động của Nhật cũng không cứu vãn được tình hình. Đầu tháng 8, chịu hai đòn tấn công từ vụ Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), cùng cuộc tiến công của Hồng quân Liên Xô trên mặt trận Mãn Châu, ngày 10-8, nhà vua Nhật Hirohito phải chấp nhận Tuyên cáo Potsdam, đến ngày 15-8 chính thức tuyên bố đầu hàng. Thế chiến II kết thúc trong sự thất bại của phe Trục và thắng lợi của phe Đồng minh.
Trong giai đoạn cuối Thế chiến II, trước sự thất bại của phe phát xít, vận mệnh của thuộc địa Đông Dương sẽ được định đoạt như thế nào? Có thể kể đến 3 giải pháp của những người đứng đầu các nước TBCN.
Trước hết là, giải pháp De Gaulle. Tướng De Gaulle là người lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng nước Pháp khỏi ách chiếm đóng của quân Đức. Ngày 25-8-1944, ông tiến vào Pari trong tư thế người anh hùng, đứng đầu Chính phủ lâm thời Pháp. Nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của Đế quốc Pháp, De Gaulle chủ trương giành lại và khôi phục quyền cai trị ở các thuộc địa của nước Pháp, trong đó có Đông Dương. Ngay từ đầu năm 1944, ông đưa ra Tuyên bố Brazzaville1 nêu chính sách duy trì nguyên vẹn hệ thống thuộc địa của Pháp với một vài cải cách nới lỏng cho người dân bản địa. Đến ngày 24-3-1945, hai tuần lễ sau khi bị Nhật làm đảo chính, De Gaulle ra Tuyên bố về vấn đề Đông Dương2, chủ trương thành lập Chính phủ Liên bang do Toàn quyền người Pháp đứng đầu; thành lập Quốc hội có đại diện các xứ thuộc Đông Dương chỉ có quyền bàn bạc vấn đề thuế khóa, ngân sách và các dự thảo luật; Đông Dương trở thành một bộ phận của Liên hiệp Pháp, quyền ngoại giao thuộc về nước Pháp. Học giả người Mỹ J.Buttinger nhận xét: “Hình như tinh thần thực dân thời Paul Doumer vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào”3. Cùng với Tuyên bố đó, Chính phủ Pháp ráo riết chuẩn bị đội quân viễn chinh với sự trợ giúp của nước Anh để trở lại tái chiếm Đông Dương.
Hai là, giải pháp Roosevelt. Franklin Roosevelt là vị Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ, cầm quyền từ tháng 3-1933 đến khi qua đời tháng 4-1945. Tại Hội nghị Tehran (từ ngày 28-11 đến ngày 1-12-1943), ông đã nói với hai vị nguyên thủ Liên Xô (J.Stalin) và Anh (W.Churchill) là “sau một trăm năm nước Pháp cai trị Đông Dương, người dân ở đây vẫn phải sống tồi tệ như họ đã từng chịu đựng trước đây”, ông đưa ra giải pháp “thiết lập chế độ ủy trị quốc tế để chuẩn bị cho người địa phương tiến tới độc lập trong một thời hạn được xác định chừng 20-30 năm”. Ý tưởng này nhiều lần được nhắc lại cho thấy lập trường ban đầu của nước Mỹ nhưng do sự vận động ráo riết của Pháp và Anh, sau này quan điểm của Roosevelt có sự điều chỉnh có lợi cho De Gaulle. Tháng 8-1944, nước Mỹ đưa ra phương án mới, trong đó quy định chế độ ủy trị quốc tế sẽ được thiết lập “nếu lãnh thổ đó được các nước có trách nhiệm quản lý hành chính tự nguyện đặt dưới chế độ ủy trị quốc tế”. Có nghĩa là nếu nước Pháp đồng ý thì Đông Dương mới đặt dưới chế độ ủy trị quốc tế, do đại diện một số nước quản lý4. Chắc chắn rằng không bao giờ nước Pháp muốn điều đó và số phận Đông Dương sẽ không có gì thay đổi.
Ba là, giải pháp Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch là Tổng thống Trung Hoa Dân quốc đã bày tỏ sự tán đồng quan điểm của Roosevelt trong cuộc gặp ở Cairo giữa ba vị nguyên thủ Mỹ, Anh và Trung Hoa (từ ngày 22-11 đến ngày 26-11-1943). Điều đó có nghĩa là Pháp không được trở về Đông Dương, nhờ vậy sẽ tạo nên một khoảng trống để Trung Hoa thực hiện chính sách chiếm đóng theo kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”.
Rõ ràng cả ba giải pháp trên đều không mang lại độc lập thực sự cho Việt Nam. Cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam chỉ có thể do người Việt Nam tiến hành. HNTƯ 8 (5-1941) đã quyết định đường đi nước bước cho tiến trình đó.
Hồ Chí Minh và sách lược tranh thủ lực lượng Đồng minh
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới bùng nổ ở châu Âu, tháng 6-1940, Chính phủ Pháp do Pétain đứng đầu đã đầu hàng quân Đức. Đó là cơ hội để Nhật gây sức ép với chính quyền của Pháp ở Đông Dương. Tháng 9-1940, quân Nhật tiến vào Lạng Sơn, mở đầu quá trình xâm nhập Việt Nam buộc Pháp phải nhượng bộ, tạo nên hình thái thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng cai trị và bóc lột nhân dân Việt Nam. Trong tình hình mới, HNTƯ 8 (5-1941) họp dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã khẳng định cách mạng Đông Dương hiện tại chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, “trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”5. Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân yêu nước, tập trung mục tiêu đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương, trong đó Ban Thường vụ có 3 đồng chí là Trường-Chinh làm Tổng Bí thư, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) và Hoàng Văn Thụ. Mặt trận Việt Minh gửi thư kêu gọi các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở hải ngoại “Phải mau chóng thống nhất các lực lượng cách mạng trong ngoài dưới một danh hiệu chung để kịp kêu gọi nhân dân ra trường chiến đấu cho có hiệu quả”6.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Nhật-Pháp, về khách quan là một bộ phận của cuộc đấu tranh chống phát xít trên toàn thế giới, phù hợp với mục tiêu của các lực lượng Đồng minh. Do vậy, cuộc vận động tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước Đồng minh là điều rất quan trọng.
Trong thời gian này, vùng Hoa Nam (Trung Quốc) là nơi tụ hội nhiều lực lượng chính trị quan tâm đến vấn đề Đông Dương. Đại diện cả ba lực lượng Mỹ, Pháp, Trung Hoa đều có mặt, chủ yếu là ở Côn Minh (Vân Nam) và Bách Sắc (Quảng Tây) để theo dõi tình hình Đông Dương, chuẩn bị kế hoạch thời hậu chiến. Nơi đây cũng có nhiều người Việt hoàn cảnh khác nhau và xu hướng chính trị khác nhau. Cho nên đó cũng là địa bàn hoạt động của nhiều nhóm phái người Việt nhằm đón thời cơ khi quân Đồng minh vào Việt Nam, có mặt nhiều tổ chức chính trị nhưng đáng chú ý là Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (gọi tắt là Việt Cách).
Tháng 3-1945, Hồ Chí Minh đưa Trung úy người Mỹ tên là William Shaw (viên phi công đã nhảy dù xuống Việt Bắc được nhân dân cứu giúp) đi Côn Minh để giao cho Bộ Tư lệnh không quân Mỹ, tạo cớ để tiếp cận với người Mỹ. Đúng vậy, như Charles Fenn ghi lại: “Chính sự trở về an toàn của trung úy Shaw dường như là cầu nối cho cuộc gặp gỡ sau này của Hồ Chí Minh với những thành viên chủ chốt của cộng đồng người Mỹ tại Côn Minh” và coi cuộc giải cứu Shaw như “chiếc khóa thần kỳ đã mở toang những cánh cửa kiên cố”7 của các cơ quan Hoa Kỳ tại đây. Trong thời gian đó, Người đã gặp gỡ, trao đổi về tình hình Đông Dương với các sĩ quan Mỹ như Ch.Fenn, Bernard... Ch.Fenn có ấn tượng sâu sắc trong lần gặp Hồ Chí Minh sáng ngày 17-3-1945, bởi “cách nói chuyện khúc chiết và sự điềm tĩnh như đức Phật” và rõ ràng, “Hồ Chí Minh đang trở thành bậc thầy trong giao thiệp với người Mỹ, thậm chí cả những người Mỹ gốc Anh”8. Ngày 29-3-1945, Hồ Chí Minh gặp tướng Chennault-Chỉ huy Bộ Tư lệnh không quân số 14 của Mỹ tại Trung Quốc, được tiếp đón ân cần và được tặng bức ảnh chân dung vị tướng với dòng chữ “Thân ái, Claire L. Chennault”. Chính tấm ảnh và dòng chữ đó “sau này sẽ mang lại những kết quả cực kỳ quan trọng cho Hồ Chí Minh”9, được coi như một minh chứng về mối quan hệ giữa phong trào Việt Minh với lực lượng Đồng minh chống phát xít. Với sự thỏa thuận của Cơ quan tình báo chiến lược OSS, Hồ Chí Minh đã bước đầu thành công trong việc giành được sự giúp đỡ của Hoa Kỳ về điện đài, thuốc men, vũ khí nhẹ. Một số người Mỹ trong đội Con Nai được cử sang Chiến khu Việt Bắc huấn luyện quân sự cho du kích Việt Minh. Song, thành quả lớn nhất chính là tạo được danh nghĩa của Việt Minh trong quan hệ với lực lượng Đồng minh và uy tín của Việt Minh trong con mắt của Đồng minh: “đây là một phong trào thực tế, năng động và nhất định giành được thắng lợi”, “được tổ chức tốt, có mục tiêu chiến đấu rõ rệt và được sự ủng hộ của dân chúng” mà trong số các phong trào quốc gia thì “Hồ Chí Minh là một trong những người có ảnh hưởng và hoạt động có hiệu quả hơn hết”10.
Về phía Pháp, sau vụ Nhật làm đảo chính ngày 9-3-1945, hệ thống cai trị của thực dân Pháp bị sụp đổ, hầu hết quan chức Pháp, kể cả Toàn quyền đều bị bắt giữ. Một bộ phận quân lính Pháp bỏ chạy theo hai hướng chính sang Lào và sang Trung Quốc (tụ lại ở vùng Hoa Nam). Viên sĩ quan tình báo Sainteny được chính phủ De Gaulle cử đứng đầu mạng lưới gián điệp của Pháp mang tên Phái bộ 5 (Mission 5)11 hoạt động tại khu vực biên giới Việt-Trung, đặt trụ sở tại Côn Minh. Nhiệm vụ chính của Phái bộ là thu thập tin tức tình báo về Đông Dương và góp nhặt những tàn binh từ Bắc Kỳ chạy sang để tập hợp thành lực lượng quân sự chuẩn bị tái chiếm Đông Dương. Nước Pháp không có tư cách là một nước trong khối Đồng minh nên gặp nhiều trở ngại trong mối liên hệ với các phái đoàn Mỹ và Trung Hoa. Hạ tuần tháng 7-1945, Hồ Chí Minh lúc này đang ở Côn Minh đã nhờ Charle Fenn đưa cho Sainteny để chuyển về Pháp một bản đề nghị 5 điểm mà sau này Sainteny nhận xét là “khá khiêm tốn, hoàn toàn có thể chấp nhận được”12. Nhưng hồi đó, Pari không trả lời. Hồ Chí Minh cũng đề xuất hai cuộc hẹn gặp trực tiếp với Sainteny nhưng ông ta không đến, đổ lỗi cho trời mưa! Thế là những cố gắng đầu tiên trong sự liên hệ với Pháp không thành, bộc lộ thái độ ngoan cố của đối phương chỉ muốn tìm cách tái lập ách thống trị thực dân tại Đông Dương.
Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc tranh thủ Trung Hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống. Từ tháng 9-1943, Hồ Chí Minh được trả tự do sau hơn một năm bị cầm tù tại nhiều nhà giam Trung Quốc. Tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu, nhân vật đầy quyền lực ở vùng Hoa Nam, được coi như “cánh tay phải” của Tưởng Giới Thạch, đề nghị Hồ Chí Minh tham gia Hội nghị đại biểu hải ngoại của “Việt Nam Cách mạng đồng minh hội”-một tổ chức người Việt thuộc nhiều xu hướng chính trị chịu sự chi phối của Quốc dân đảng Trung Hoa. Hội nghị được triệu tập vào tháng 3-1944. Hồ Chí Minh nhận lời với chủ ý tranh thủ tập hợp những hội viên thực sự có tinh thần yêu nước để chuẩn bị cho công cuộc giải phóng nước nhà, đồng thời xác định: “Không nên có ảo tưởng vào Tưởng Giới Thạch nhưng phải lấy Trung Quốc làm cái cầu để tranh thủ các nước Đồng minh”13. Trong Hội nghị này, Hồ Chí Minh cùng Lê Tùng Sơn là đại biểu cộng sản được bầu vào Ban Chấp hành Việt Nam Cách mạng đồng minh hội cùng nhiều nhân vật thuộc Việt Nam Quốc dân đảng, đảng Phục Quốc14, v.v.
Đầu tháng 4-1945, Hồ Chí Minh trở lại Bách Sắc, liên hệ trực tiếp với tướng Trương Phát Khuê và trao đổi công việc với Ban lãnh đạo Việt Nam Cách mạng đồng minh hội. Như vậy, từ đầu năm 1945, Hồ Chí Minh đã hai lần sang Trung Quốc. Lần đầu đến Côn Minh giành được sự quan tâm và giúp đỡ của người Mỹ, lần sau đến Bách Sắc để tranh thủ Trung Hoa. Trong điều kiện khó khăn của cách mạng, Người rất quan tâm tới việc liên hệ với các lực lượng Đồng minh nhằm tạo nên một vị thế nhất định cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam như một bộ phận của cuộc đấu tranh chống phát xít trên thế giới.
 
2. Cuộc gặp ở Bách Sắc và những chỉ thị của Hồ Chí Minh
Từ cuối năm 1944, cùng với đà thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và quân đội Đồng minh trên các mặt trận, cách mạng Việt Nam bước vào một cao trào mới. Vào lúc đó, Trung Hoa cũng ráo riết chuẩn bị kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Tướng Trương Phát Khuê gửi giấy mời đại biểu Việt Minh sang dự hội nghị của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội vì họ thấy rằng chỉ có Việt Minh mới là lực lượng có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân. Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn tính, mặc dầu thành phần tổ chức Việt Cách rất phức tạp, lại chịu sự chi phối của Trung Hoa nhưng ta cần tranh thủ để nắm chắc nội tình của tổ chức này, vận động Việt kiều ở Trung Quốc, bắt liên lạc với những người có tinh thần yêu nước thực sự để chuẩn bị lực lượng cho giai đoạn sắp tới. Đồng thời cũng có nhiệm vụ đi tìm tin tức về Hồ Chí Minh khi đó đang ở Trung Quốc.
Ban Thường vụ cử một đoàn đại biểu Việt Minh do đồng chí Hạ Bá Cang làm Trưởng đoàn cùng đại diện các thành phần xã hội trong Mặt trận Việt Minh. Đoàn gồm các đồng chí: Hạ Bá Cang (từ đây lấy tên Hoàng Quốc Việt), Đặng Việt Châu-đại biểu giới công thương nghiệp, Dương Đức Hiền-đại biểu Đảng Dân chủ, Phạm Văn Bỉnh tức Trịnh Khiêm-đại biểu trí thức và thanh niên, Nguyễn Thượng Biểu-đại biểu nông dân15. Để tránh sự theo dõi của bọn mật thám, đoàn khởi hành đúng ngày Noel năm 1944, chia làm 2-3 nhóm đi đường bộ theo hướng Hải Phòng, rồi từ Đồ Sơn đến Móng Cái, từ đó đi thuyền sang Đông Hưng thuộc Trung Quốc. Đoàn hội đủ người đến Biện sự sứ, thực chất là trạm liên lạc của Việt Cách, trong đó có bí mật gài người của Việt Minh. Từ đây đoàn đi về Bách Sắc, khi đó là một thị trấn khá khang trang. Tướng Trương Phát Khuê tiếp, hỏi han từng người có ý thăm dò xét nét. Sau đó diễn ra cuộc họp giữa đại biểu Việt Cách và đoàn đại biểu Việt Minh.
Chính trong cuộc họp vào một ngày tháng 4-1945 đã diễn ra sự kiện bất ngờ với sự xuất hiện đột ngột của Hồ Chí Minh. Theo lời kể lại của Hoàng Quốc Việt16, chỉ trong ngày hôm đó đã có ba lần gặp gỡ. Đó là:
 Buổi sáng, khi cuộc họp đang diễn ra giữa đại biểu của Việt Cách với đoàn Việt Minh, “bỗng nhiên một ông cụ mặt gầy, để râu, vầng trán cao, đôi mắt sáng, đội mũ cát két, mặc bộ đồ xanh nhạt, chân đi giày vải, bước vào. Thoáng nhìn, tôi giật mình, toan đứng dậy định kêu tiếng “Bác” thì Cụ nhanh trí ra hiệu cho tôi đừng nói. Tôi hiểu ý, ngồi yên, làm như không biết gì về Cụ…”. Người “đi phía sau dãy ghế ngồi của anh em bên Việt Cách nhìn sang dãy ghế của bên chúng tôi. Chắc Người muốn điểm mặt số thành viên của đoàn”. Người tự kéo ghế ngồi chừng 30 phút rồi nói: “Các đồng chí khai hội như vậy là tốt, tỏ rõ mối thiện chí giữa hai bên”, xin phép đi có việc. Trừ đồng chí Hoàng Quốc Việt biết Cụ già là ai, còn những người trong đoàn tuy chưa rõ nhưng cũng cảm nhận điều gì đó đặc biệt, có người liên tưởng đến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
Buổi trưa, khi mọi người đang ăn cơm, Người đến, nói vui: “Còn cơm cho tôi ăn cùng”. So với hồi năm 1941, Người già và gầy đi nhiều, riêng có đôi mắt vẫn sáng. “Bác nhìn tôi rất thiện cảm, y hệt cái nhìn của Bác đối với tôi hồi ở Pác Bó. Bác nheo mắt lại, có ý dặn dò tôi phải giữ kín việc đã quen nhau”.
Buổi tối, khoảng 10 giờ, được báo ra ngoài có người cần gặp, đồng chí Hoàng Quốc Việt ra phía sau nhà, nơi kín đáo, vắng vẻ đã thấy Hồ Chí Minh đứng ở đó. Không giấu nổi cảm xúc, đồng chí Hoàng Quốc Việt ôm chầm lấy Người với bao nỗi mừng vui.
Người hỏi: các chú sang đây làm gì? Sau khi nghe nói mục đích cuộc đi, Người bảo: “Không thể trông cậy gì ở họ. Họ nói giúp chúng ta, nhưng thực chất lại muốn nuốt chúng ta. Trong nước đang có biến động”. Người phân tích diễn biến của tình hình thế giới: quân đội Liên Xô đang thắng lớn, ngoài việc giải phóng lãnh thổ của mình, còn đem quân giúp cho Ba Lan, Lỗ (Rumani), Bảo (Bungari), Tiệp Khắc, Hung, giúp Nam Tư, Na Uy, Hy Lạp giải phóng và đang ào ạt tiến vào Beclin. Người dặn dò: “Chiến tranh sắp kết thúc, Nhật sẽ bị thất bại. Nhân cơ hội này chúng ta giành chính quyền. Vì vậy, các chú liệu thu xếp công việc để về cho nhanh, sớm ngày nào hay ngày ấy. Nhưng phải bí mật, cẩn thận, cảnh giác vì chúng ta đang ở trước miệng hùm đấy”. Người còn dặn thêm: “Liệu mà cáo về đi thôi. Nó sẽ tìm cách lôi kéo đấy, lôi kéo không được thì sẽ thủ tiêu cho triệt nọc. Phải khôn khéo thoát khỏi chúng nó, sớm chừng nào hay chừng ấy”.
Hồ Chí Minh cảnh báo về kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Khuê: “không trông cậy gì chúng nó được đâu. Nó sẽ nói như xẻ cửa xẻ nhà cho ta nhưng đang chuẩn bị nuốt tươi chúng ta đấy”, “trước sau họ cũng mang quân sang nước ta, tiếng là để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật nhưng kỳ thực là xâm lược và vơ vét. Chúng ta không hy vọng gì ở họ đâu. Tuy vậy cũng cần tranh thủ cho tới khi không thể tranh thủ được”.
Đối với bà con người Việt tham gia tổ chức Việt Cách, Người dặn dò cần nói rõ cho bà con hiểu nhưng phải cảnh giác. Cần đoàn kết, chọn những người có lòng yêu nước nồng nàn, thu nạp họ vào Việt Minh, tạo điều kiện cho họ về nước góp phần cùng nhân dân làm cuộc giải phóng.
Thời gian trôi quá nhanh, thoáng chốc trời đã về khuya, Hồ Chí Minh chia tay, nhanh chóng hòa lẫn vào bóng đêm.
Ít ngày sau, Hồ Chí Minh cùng một số người bí mật rời Bách Sắc, đi bộ về Pắc Bó, vừa đi vừa nghỉ mất sáu ngày. Các đồng chí ở nhà được tin, lên cột mốc biên giới đón Người trở về trực tiếp lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám. Còn đoàn đại biểu Việt Minh rời Bách Sắc vào cuối tháng 4, sau cuộc hành trình vất vả qua Thiên Bảo, Tĩnh Tây về đến Cột Mà-biên giới Việt-Trung, được Tỉnh ủy Cao Bằng đón, cử người đốt đuốc băng rừng đưa về nơi nghỉ ngơi. Hôm sau được đưa đến địa điểm Lam Sơn, bước vào nhà sàn đã thấy Người ngồi ở đó. Anh em sung sướng reo lên Bác! Bác! Người vui vẻ hỏi thăm, bắt tay từng người. Người nhìn đồng chí Hoàng Quốc Việt, nói vui: “Vất vả gian lao làm cho Ông hoàng nước Việt trẻ khỏe hẳn ra”. Tất cả cười ồ, hiểu ý Bác muốn “dịch” cái tên chữ Hán của đồng chí Trưởng đoàn Việt Minh!
Những lời dặn dò của Hồ Chí Minh trong cuộc gặp chớp nhoáng ở Bách Sắc vào một đêm tháng 4-1945 đã toát lên 3 ý cơ bản. Đó là: Thời cơ-Tranh thủ-Cảnh giác.
Hồ Chí Minh phân tích tình hình, khẳng định Nhật sẽ thất bại, chiến tranh sẽ kết thúc, đó là thời cơ để giành chính quyền về tay nhân dân. Cho nên đoàn cần về ngay để chủ động chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ có một không hai. Ngay sau đó, Người cũng rời Bách Sắc trở về Pắc Bó trực tiếp chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa.
Hồ Chí Minh nhắc sách lược tranh thủ các lực lượng Đồng minh, cụ thể lúc này là Mỹ và Trung Hoa, “cần tranh thủ cho tới khi không tranh thủ được”. Thành công của sách lược này chính là việc tổ chức OSS của Mỹ đã cử đội Con Nai sang Chiến khu Việt Bắc để giúp Việt Minh điện đài, thuốc men và huấn luyện quân sự, nhưng quan trọng hơn chính là danh nghĩa của cách mạng Việt Nam ủng hộ Đồng minh, hợp tác cùng Đồng minh chống phát xít Nhật. Cũng vậy, Hồ Chí Minh tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Hoa Dân quốc mà người có quyền lực cao nhất ở vùng Hoa Nam thuộc Đệ tứ chiến khu là Trương Phát Khuê. Viên tướng họ Trương luôn tỏ lòng kính trọng Hồ Chí Minh, tạo điều kiện nhất định cho hoạt động của người Việt, kể cả việc tạo điều kiện cho Đoàn đại biểu Việt Minh rời Bách Sắc về nước sau khi nhận được thư yêu cầu của Người.
Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề cảnh giác, phải bí mật, thận trọng vì “chúng ta đang ở trước miệng hùm đấy”. Hồ Chí Minh chỉ rõ thực chất của kế hoạch “Hoa quân nhập Viêt”, “tiếng là để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật nhưng kỳ thực là xâm lược và vơ vét”. Do vậy, “Chúng ta không hy vọng gì ở họ đâu”. Sau này, sự quấy phá của đội quân Trung Hoa ở Việt Nam dưới danh nghĩa quân Đồng minh sang giải giáp quân Nhật hồi năm 1945-1946 đã làm sáng tỏ lời nhận định của Người.
Do những dự báo sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà cách mạng Việt Nam luôn giữ thế chủ động trong việc chuẩn bị điều kiện đón thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa, trong các phương án xử lý đúng đắn mối quan hệ với các cường quốc để hạn chế mặt tiêu cực của họ, tranh thủ tối đa những khả năng thuận lợi cho ta. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, thành công trong đối sách với các cường quốc trong năm 1945-1946 để vững vàng ứng phó với mọi tình huống khó khăn chính là kết quả của tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng từ những ngày tiền khởi nghĩa.
Với nội dung đã phân tích, cuộc gặp Bách Sắc tháng 4-1945, giữa Hồ Chí Minh với Hoàng Quốc Việt và đoàn đại biểu Việt Minh là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong những ngày tiền khởi nghĩa nên được phân tích kỹ. Tiếc rằng sự kiện lịch sử quan trọng này còn trống vắng trong cuốn Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử 17 và nhiều sách lịch sử Đảng. Thiết nghĩ  điều đó rất nên được bổ sung.


 
Bài đăng trên Tạp chí Lich sử Đảng số 8-2017
1. Xem Speech of De Gaulle 30 Janvier 1944. http://en, Wikipedia.org/wiki/Brazzaville_conference_of_1944
2. Xem Paul Isoart: Aux origins d’une guerre trong sách L’Indochine Francaise 1940-1945, Ed.Press Universitaire de France (PUF), p. 46-47
3. Joseph Buttinger: Vietnam-a political history, New York, 1968, p. 205. Chú thích: Paul Doumer là Toàn quyền Pháp ở Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1902
4. Xem W.J. Duiker: Les États Unis et l’ Indochine Francaise, trong sách L’ Indochine Francaise 1940-1945, Ed. PUF, p. 190-191
5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 118-119, 510
7, 8, 9. Dixee R. Bartholomew-Feis: OSS và Hồ Chí Minh-Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến tranh chống phát xít (Lê Lương Giang dịch), Nxb Thế giới, H, 2007, tr. 238, 240, 245
10. Archimedes L.A. Patti: Tại sao Việt Nam (Lê Trọng Nghĩa dịch), Nxb Đà Nẵng, 2008, tr. 253-254
11. Dẫn theo Jean Sainteny: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Lê Kim dịch), Nxb CAND, H, 2003, tr. 9-28
12. J.Sainteny: Face à Hochiminh, Ed. Seghers  P, 1970, p. 55
13. Lê Tùng Sơn: Nhật ký một chặng đường, Nxb Văn học, H, 1978, tr. 126
14. Dẫn theo King C Chen: Vietnam and China 1938-1954, Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 69; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2008, T. 2, tr. 212, 236
15. Trong vai “ông chủ lớn”, đồng chí Trưởng đoàn chăm chút ngoại hình với bộ ria con kiến, quần áo “đooc-mơi”, mũ phớt “phơ lê sê”, kính gọng vàng, giày giôn bóng nhoáng, khác hẳn anh cán bộ Việt Minh sống giữa núi rừng, thường ngày ăn mặc xuềnh xoàng (Hoàng Quốc Việt: Con đường theo Bác, Nxb Thanh niên, H, 1990, tr. 65-66). Chú thích: quần áo Dormeuil, mũ phớt Fléchet là loại thời trang sang trọng, đắt tiền thời đó, nay gọi là “hàng hiệu”
16. Xem Hoàng Quốc Việt: Chặng đường nóng bỏng, Nxb Lao động, H, 1985, tr. 261-270; Con đường theo Bác, Nxb Thanh niên, H, 1990, tr. 95-105
17. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2006, T. 2, tr. 235-239 có viết về hoạt động của Hồ Chí Minh ở Bách Sắc nhưng không đề cập đến cuộc gặp này.