Tóm tắt: Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên. Sự nghiệp và lý tưởng cộng sản cao đẹp của đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi là niềm tự hào, tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Từ khóa: Hoàng Văn Thụ; Chi bộ cộng sản Thụy Hùng, Hoàng Văn Thụ, tỉnh Lạng Sơn

1. Đồng chí Hoàng Văn Thụ tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, bí danh là Lôi Minh Hạ, Lý, Giáo, Vân..., sinh ngày 4-11-1909, trong một gia đình nông dân người dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, giáp với nước Trung Quốc.

Từ những năm tháng học Trường Tiểu học Pháp - Việt tại Lạng Sơn, đồng chí đã bắt đầu hoạt động yêu nước bằng việc tham gia thành lập nhóm học sinh yêu nước tại trường. Trong những năm 1925 -1926, những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lan rộng ảnh hưởng đến Lạng Sơn như làn gió mới thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong trái tim đầy nhiệt huyết của Hoàng Văn Thụ và sớm đưa đồng chí đến với cách mạng.

Năm 1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ bí mật qua biên giới sang Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Tháng 12-1929, tại Long Châu (thuộc Quảng Tây, Trung Quốc - địa bàn biên giới giáp với Việt Nam), đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Lễ kết nạp được tổ chức tại xưởng cơ khí Nam Hưng. Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng liên tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn được thành lập ở Long Châu do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư1, chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở cách mạng ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Sau khi được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ bắt đầu hoạt động, xây dựng, phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn. Đồng chí đã đến địa bàn huyện Văn Uyên, trong đó có vùng đất Hạ Lũng và Chu Quyển gây dựng phong trào cách mạng. Trên cơ sở tổ chức yêu nước và phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương, đồng chí Hoàng Văn Thụ mở các lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên yêu nước. Thông qua những lớp học này, đồng chí Hoàng Văn Thụ truyền đạt những phương pháp, cách thức hoạt động bí mật, cách đối phó với kẻ thù cho những thanh niên yêu nước. Từ đó, phong trào cách mạng dần dần lan rộng ra nhiều nơi ở Văn Uyên như Thụy Hùng, Hồng Phong, Phú Xá và các địa phương xung quanh.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Từ giữa năm 1930, đồng chí Hoàng Văn Thụ tổ chức các lớp huấn luyện, giác ngộ chính trị cho quần chúng ở Văn Uyên, thành lập tổ chức trung kiên trên địa bàn. Qua đó, quần chúng được thức tỉnh tinh thần yêu nước, hiểu rõ về mục tiêu cách mạng của Đảng là giải phóng người lao động khỏi ách áp bức bất công của chính quyền thực dân, phong kiến, khơi dậy tinh thần đoàn kết đấu tranh, trang bị các biện pháp hoạt động tuyên truyền và đối phó với kẻ thù.

Cuối năm 1930, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tuyên truyền, vận động, giác ngộ tập hợp được 3 tổ trung kiên, gồm hơn 30 quần chúng cốt cán. Từ đó, mở rộng địa bàn hoạt động vào các xã Hồng Phong, Phú Xá, Thụy Hùng2… Cuối năm 1931, trên 10 tổ chức quần chúng trung kiên với 30 người ở các làng biên giới thuộc Văn Uyên được thành lập, từ đó mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng xung quanh3… Đến cuối năm 1932, đã xây dựng thêm 9 tổ chức trung kiên với 27 hội viên thuộc các xã Thụy Hùng, Tân Thanh và Hồng Phong.

Tháng 4-1932, tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong bắt liên lạc chắp nối với các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn..., thành lập một tổ công tác ở Long Châu (Trung Quốc, vào tháng 12-1932) để chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng ở Việt Nam thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, huấn luyện cán bộ từ trong nước sang4.

 

2. Đầu năm 1933, được sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Hoàng Văn Thụ, phong trào quần chúng cách mạng phát triển tới Vĩnh Dật và các xã khác trên địa bàn Văn Uyên. Trước sự phát triển lớn mạnh không ngừng của phong trào quần chúng cách mạng ở Văn Uyên, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Đoàn Viết Thọ đã tới thôn Khòn Pheo (Còn Pheo) xã Hạ Lũng (nay là xã Thụy Hùng), châu Văn Uyên (nay là huyện Cao Lộc), tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng, đây là chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư5.

Chi bộ Thụy Hùng ra đời, đảm nhận vai trò quan trọng, làm nòng cốt chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn6. Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là cột mốc đầu tiên, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, ghi nhận một hiện thực sinh động: Hạt giống đỏ của Đảng nảy mầm trên quê hương xứ Lạng. Sự kiện này được xem là ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn7.

Việc thành lập Chi bộ Thụy Hùng gắn liền với vai trò to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ, người con ưu tú của xã Nhân Lý, châu Điềm He, huyện Văn Uyên (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng).

Tháng 8-1934, đồng chí Lê Hồng Phong, Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đã triệu tập và chủ trì cuộc họp với Chi bộ Đảng Thụy Hùng tại hang Áng Cúm. Sau khi đánh giá và nhận định tình hình phát triển của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, thay mặt Ban Chỉ huy ở ngoài, đồng chí Lê Hồng Phong tuyên bố thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn, nòng cốt là Chi bộ đảng Thụy Hùng, gồm các đồng chí Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo, Mã Khánh Phương8. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng phân công phụ trách Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn.

Sự ra đời của Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn đang trên đà phát triển trong phạm vị toàn tỉnh. Đảng bộ Lạng Sơn tích cực lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng, phát triển cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, thiết lập đường giao liên trong tỉnh và sang Long Châu (Trung Quốc), đưa người sang dự các lớp huấn luyện do Ban Chỉ huy ở ngoài tổ chức.

Cuối năm 1934, tỉnh Lạng Sơn đã có 25 đảng viên9. Đến đầu năm 1935, các cơ sở cách mạng ở Văn Uyên đã liên hệ, mở rộng địa bàn sang khu vực Thất Khê (Tràng Định), bước đầu thu nhận được một số quần chúng tích cực ở Thất Khê như Bế Văn Bính, Mỗ Văn Hải...

Đánh giá về cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới phía Bắc nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, Đại hội I (1935) của Đảng ra Nghị quyết “về công tác trong các dân tộc thiểu số” nêu rõ:: “Điều rất đặc sắc là cuộc tranh đấu của công nông người Thổ, người Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn có tính chất tổ chức chu đáo và theo những khẩu hiệu cộng sản rất rõ rệt... Công nông các dân tộc thiểu số chẳng những đã vào hàng ngũ Đảng Cộng sản và các đoàn thể cách mạng khác do Đảng chỉ đạo mà thôi, mà họ đã giữ một địa vị rất quan trọng trong các cơ quan chỉ đạo từ hạ cấp cho tới thượng cấp... ở các xứ và miền dân tộc thiểu số đã có điều kiện khách quan sẵn sàng cho sự phát triển cách mạng vận động”10.

Chi bộ Đảng ở Thụy Hùng không chỉ đảm nhận trách nhiệm chỉ đạo phong trào cách mạng ở Văn Uyên, mà còn đảm nhận vai trò làm nòng cốt lãnh đạo, tổ chức xây dựng phong trào cách mạng trong toàn tỉnh Lạng Sơn. Trên cương vị là Bí thư Chi bộ đầu tiên tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng với các đồng chí đảng viên trong Chi bộ Thụy Hùng đảm nhận vai trò làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng toàn tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Chi bộ Thụy Hùng đã đề ra nhiệm vụ: tiếp tục vận động, tổ chức quần chúng ở Văn Uyên tham gia phong trào cách mạng, phát triển mở rộng những cơ sở quần chúng trung kiên, mở rộng phạm vi hoạt động của Đảng; thiết lập những con đường giao liên bí mật, tạo điều kiện cho cán bộ của Đảng ta đi lại hoạt động giữa hai bên, thuộc vùng biên giới Việt - Trung; đẩy mạnh tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng ra nhiều địa bàn khác, tiến tới phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng của quần chúng trong toàn tỉnh. Các trạm liên lạc bí mật hoàn thành công tác đưa đón đại biểu đi dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) an toàn.

Giữa năm 1935, thực dân Pháp bắt đầu tập trung lực lượng tiến hành khủng bố ác liệt trung tâm cách mạng ở Văn Uyên. Với sự cấu kết giúp sức của một số tên tay sai phản động như: Tô Văn Hoan, Phó tổng Đồng Riêu Liên, Chánh tổng Hoàng Như Ngạn, Tri châu Dương Thiệu Chinh,… thực dân Pháp tiến hành đàn áp phong trào cách mạng, phá vỡ cơ sở quần chúng ở Vĩnh Dật và các xã khác trên địa bàn. Nhiều cán bộ và quần chúng cách mạng bị bắt, cầm tù, bị sát hại. Trong thời gian này, các đồng chí Chu Viết Rào, Chu Viết Ỷ, Chu Viết Chén của xã Thụy Hùng (xã Châu Quyển, xã Hạ Lũng) đã đưa nhiều đồng chí sang Trung Quốc lánh sự truy sát của thực dân Pháp như: Liễu Đức Minh, Nông Viết Keo, Hà Viết Vàng, Nông Ích Khánh, Hoàng Viết Thừng…11.

Do cuộc khủng bố, đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng ở Thụy Hùng nói riêng và Văn Uyên nói chung, từ cuối năm 1935, phong trào cách mạng ở Văn Uyên tạm thời lắng xuống, một số quần chúng trung kiên còn lại chuyển hướng vào hoạt động bí mật. Sau khủng bố, thực dân Pháp cho tăng cường binh lính, đồn bốt, kiểm soát gắt gao địa bàn Văn Uyên.

Tuy nhiên sự khủng bố và đàn áp của thực dân Pháp càng làm cho lòng căm thù giặc của nhân dân các dân tộc ở Thụy Hùng nói riêng và nhân dân châu Văn Uyên nói chung ngày càng sâu sắc. Nhân dân Thụy Hùng cùng với nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn vẫn giữ vững niềm tin, luôn hướng về Đảng, về cách mạng, sẵn sàng chờ thời cơ đứng lên đấu tranh, giải phóng quê hương.

Việc thành lập Chi bộ Thụy Hùng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn... Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đầu tiên, lớp lớp cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh Lạng Sơn không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng đấu tranh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Ngày nhận: 9-11-2024; ngày thẩm định, đánh giá; 14-5-2025; ngày duyệt đăng: 15-5-2025

1, 8. Chương trình Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Hoàng Văn Thụ tiểu sử, Nxb CTQG ST, H, 2015, tr. 47, 70

2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cao Lộc: Lịch sử Đảng bộ huyện Cao Lộc (1930 - 2020), Huyện ủy Cao Lộc xuất bản, 2022, tr. 29

3, 6. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1930-1985), Nxb CTQG ST, H 2023, tr. 46, 46

4. Trần Trọng Thơ: Xây dựng cơ quan lãnh đạo cấp trung ương, xứ uỷ của Đảng thời kỳ 1930 - 1945, Nxb CTQG-ST, 2014, tr. 29

5. Chi bộ gồm các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo và Mã Khánh Phương

7. Xem: Nghị quyết số 101-NQ/TU, ngày 22-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn “về việc lấy ngày 15-6-1933 là Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn”; Xem thêm: Nguyễn Văn Biểu: Xác định ngày thành lập, ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, in trong: Tỉnh ủy Lạng Sơn, Viện Lịch sử Đảng: Hội thảo khoa học: Xác định ngày thành lập ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, Tỉnh ủy Lạng Sơn xuất bản, 12-9-2022.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, T. 4, 1999, tr. 185

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 1999, T. 5, tr. 71-72

11. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thụy Hùng: Lịch sử Đảng bộ xã Thụy Hùng 1930-2015, Đảng bộ xã Thụy Hùng xuất bản, 2015, tr. 32 - 33.