Tóm tắt: Là lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”2. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trước khi về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng, Người quan tâm trước hết đến việc đào tạo, huấn luyện cán bộ để đưa về nước xây dựng thí điểm các đoàn thể cách mạng, lập căn cứ địa. Sau khi về nước, Người tiếp tục mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ chuẩn bị tiền đề tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Từ khóa: Nguyễn Ái Quốc; Hồ Chí Minh; đào tạo cán bộ; Cao Bằng
Cuối những năm 30 thế kỷ XX, tình hình thế giới và Đông Dương có những chuyển biến lớn, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đang phát triển mạnh, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy đây là cơ hội thuận lợi để Việt Nam đấu tranh giành quyền độc lập và gấp rút chuẩn bị về nước thực hiện khát vọng đã ấp ủ từ năm 1923: “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”3.
Đầu năm 1940, với các bí danh “Hồ Quang”, “ông Trần”, Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), bắt liên lạc với các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đang hoạt động tại đây như: Vũ Anh (Trịnh Đông Hải), Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp…, chuẩn bị điều kiện về nước hoạt động.
Tháng 6-1940, Nguyễn Ái Quốc (mang bí danh Vương) bắt liên lạc và cử hai đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (vừa từ trong nước sang) đi học trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Diên An. Sau khi được tin quân Đức tràn vào Pari, Người điện cho Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi Diên An nữa, mà chuẩn bị về nước hoạt động. Đồng thời, Người viết báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản yêu cầu giúp đỡ những điều kiện để lập các căn cứ địa cách mạng cho cuộc đấu tranh giải phóng. “Nếu chúng tôi có được: (1) Tự do hành động ở biên giới. (2) Một ít súng đạn. (3) Một chút kinh phí. (4) Vài vị cố vấn, thì chúng tôi nhất định có thể lập ra và phát triển một căn cứ địa chống Pháp, chống Nhật… Nếu chúng tôi có thể mở rộng Mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức, có thể lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước đế quốc thì tiền đồ tươi sáng là có thể nhìn thấy được. Tôi rất hy vọng các đồng chí giúp tôi nhanh chóng giải quyết vấn đề này”4.
Tháng 10-1940, “được tin hơn 40 thanh niên Cao Bằng vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Quốc) lánh địch khủng bố, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho các đồng chí cùng hoạt động “tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào ở Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”5. Cũng trong thời gian này, nhận thấy vị thế quan trọng và phong trào cách mạng khá vững của Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn nơi đây đặt đại bản doanh để từ đó chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc. Người cho rằng: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”6.
Đầu tháng 1-1941, Nguyễn Ái Quốc về sát biên giới Việt-Trung. Tại Tĩnh Tây, Người đã gặp và chỉ thị cho đồng chí Hoàng Văn Thụ (do Trung ương lâm thời cử sang) về việc chuẩn bị tổ chức cuộc hội nghị toàn quốc của Đảng. Trước khi vượt biên giới, Người tiến hành huấn luyện cho hơn 40 thanh niên Cao Bằng tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Người trực tiếp biên soạn tài liệu huấn luyện, sau này được in thành sách Con đường giải phóng. Nội dung gồm: Đường lối, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới; chủ trương, nhiệm vụ, hình thức tổ chức, phương thức hoạt động, phương pháp công tác của cán bộ Mặt trận Việt Minh, đây là lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho phong trào Việt Minh ở Cao Bằng. Các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng,… trực tiếp giảng dạy. Sau khi được huấn luyện, hơn 40 cán bộ với nhiệt huyết cách mạng sôi sục, được trang bị những kiến thức cách mạng, được đưa về quê hương gây dựng những đoàn thể cứu quốc đầu tiên của cả nước.
Ngày 28-1-1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế Anh, Đặng Văn Cáp,… rời đất Trung Quốc qua qua cột mốc 108 trên biên giới Việt-Trung, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngay sau khi về nước, Người đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa. Người đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, vì đây là lực lượng lãnh đạo cách mạng, là lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân, là nhân tố chủ yếu đảm bảo cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi.
Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, nhấn mạnh: “việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này… dù phải đình đốn rất nhiều ngành khác, về việc đào tạo các cán bộ cũng không thể sao nhãng được… làm sao cho đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng”7.
Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm tới đào tạo cán bộ để họ nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Mặt trận Việt Minh, trang bị về lý luận và phương pháp công tác, đây là “cẩm nang” giúp cho họ có năng lực hoạt động. Ngoài việc đào tạo về lý luận và phương pháp cách mạng, Người đặc biệt chú ý bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ. Theo Người, cán bộ tốt là người phải gương mẫu chịu hy sinh gian khổ, đi đầu trong mọi khó khăn, không tự kiêu, tự mãn, phải là một người hết lòng vì dân, vì nước, biết kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, dân tộc với lợi ích của gia đình…“muốn làm công tác tốt… thì mỗi cán bộ phải xây dựng tu dưỡng cho mình đạo đức cách mạng”8, “phải làm cho dân tin, dân yêu, dân phục”9.
Các lớp huấn luyện được tổ chức cho nhiều đối tượng, nội dung các bài giảng Nguyễn Ái Quốc biên soạn phù hợp với đối tượng và trình độ học viên. Sau mỗi bài giảng, Người đều tổng kết, đánh giá, nhận xét, giải đáp thắc mắc của các học viên. Trong khi rất coi trọng công tác cán bộ về mặt tư tưởng, lý luận, Nguyễn Ái Quốc còn trực tiếp bắt tay vào công việc đào tạo đội ngũ cán bộ kiên trung làm nòng cốt cho phong trào. Khi ở Pác Bó (Hà Quảng) cũng như lúc ở Hòa An hoặc Nguyên Bình, Người mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn ngày cho cán bộ các địa phương. Đặc biệt, tháng 5 và tháng 6-1942, tại hang Pó Tháy (còn gọi là hang Lênin) ở Lũng Hoài thuộc xã Phúc Tăng, khu Lam Sơn (nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An) và hang Kéo Quảng (còn gọi là hang Các Mác) thuộc tổng Ngần, xã Gia Bằng (nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình), Người mở 2 lớp huấn luyện cho 20 đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh và các châu thuộc tỉnh Cao Bằng, thời gian mở lớp khoảng một tuần10. Các lớp học thường mở vào ban đêm, không đèn, không sách vở, giấy tờ, giảng viên và học viên ngồi quây quần bên bếp lửa với những phương pháp truyền thụ vừa cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ vừa toàn diện, đầy đủ và sâu sắc. Những cán bộ được huấn luyện trở về về lăn lộn với phong trào góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng ở địa bàn phụ trách.
Sau HNTƯ 8 (5-1941), theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lĩnh,… hoạt động ở Cao Bằng, tích cực tham gia vào công tác đào tạo cán bộ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mở 3 lớp huấn luyện cán bộ ở Nguyên Bình, 6 lớp tại Hòa An để đào tạo cán bộ Việt Minh cho phong trào Hòa An và các địa phương khác trong tỉnh. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã chọn 10 thanh niên Cao Bằng đi học lớp “Đệ tứ chiến khu vô tuyến điện, điệp báo ban” tại Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Thời gian học một năm, mãn khóa về nước tham gia cao trào tổng khởi nghĩa11.
Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự giúp đỡ của các cán bộ Trung ương, chỉ tính từ tháng 6-1941 đến tháng 4-1942, ở Cao Bằng đã có 300 cán bộ được bồi dưỡng, huấn luyện12. Từ những hạt giống này, các cơ sở cách mạng, các tổ chức cứu quốc nhanh chóng phát triển khắp địa phương trong tỉnh. Để chuẩn bị cho lực lượng vũ trang, đội tự vệ, đội du kích và quân đội cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng chọn các hội viên cứu quốc tích cực, có năng lực đi học dài hạn ở Trung Quốc. Tỉnh ủy Cao Bằng đã chọn 42 người ở huyện Hòa An, 22 người ở Hà Quảng và 2 người ở Nguyên Bình. Gần 70 cán bộ này được học quân sự từ tháng 4-1941 đến tháng 10-1944 tại các trường quân sự ở Tĩnh Tây, Điền Đông (Quảng Tây)13. Đây là những hạt nhân quan trọng trong lực lượng vũ trang ở Cao Bằng cũng như của căn cứ địa cách mạng Cao-Bắc-Lạng và khu giải phóng sau này. Một số học viên cán bộ này, tháng 12-1944, được chỉ định vào Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 10-1941, đội du kích tập trung đầu tiên được thành lập tại Pác Bó.
Tháng 6-1943, Trung ương bắt đầu mở các lớp “quân chính”, khóa I mở tại Pác Bó với 40 học viên, khóa II ở U Mả (Hòa An) có 100 học viên, khóa III tại Nguyên Bình có 30 học viên, khóa IV tại Hà Quảng dành riêng cho cán bộ Cao-Bắc-Lạng, chương trình chủ yếu theo sách huấn luyện du kích của Nguyễn Ái Quốc14. Sau lớp huấn luyện, các học viên này về mở lớp huấn luyện tại cơ sở. Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức một số lớp huấn luyện về Chương trình Việt Minh cho các hội cứu quốc trong vùng dân tộc Mông. Nhiều tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc theo lối “tam tự kinh, ngũ tự kinh”, ca dao để đồng bào dễ học, dễ thuộc. “Việt Minh ngũ tự kinh” của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được dịch ra tiếng Tày, Dao.
Mặc dù bận nhiều việc nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn dành thời gian trực tiếp đến giảng bài ở nhiều lớp huấn luyện quân sự. Người giới thiệu kinh nghiệm đánh du kích của Liên Xô, Trung Quốc và vận dụng kinh nghiệm đó vào hoàn cảnh nước ta. Các lớp học, các khóa học được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện ở Ngàm Tảy, Nặm Quang (Tịnh Tây, Trung Quốc), ở Pác Bó (Hà Quảng), ở Lam Sơn (Hòa An),… thể hiện phương pháp truyền thụ đặc sắc, dù lớp học dài hay ngắn ngày, nhiều hay ít học viên, Người luôn chuẩn bị kỹ nội dung huấn luyện, nắm chắc tình hình, hiểu rõ trình độ học viên để lớp học đạt hiệu quả huấn luyện cao, “học viên nghe đến đâu, hiểu đến đấy, giản dị mà sâu sắc, dễ nhớ, lại sáng tỏ như có đèn rọi vào trong tim óc”15.
Những vấn đề trừu tượng, phức tạp, Nguyễn Ái Quốc diễn giải với hình thức giản dị, dễ hiểu, bằng những hình ảnh quen thuộc như cách nói của nhân dân lao động, phù hợp với các đối tượng học viên có trình độ nhận thức khác nhau. Người chú ý lý luận liên hệ với thực tiễn, học kết hợp chặt chẽ với vận dụng, học đến đâu vận dụng đến đấy. Sau mỗi bài giảng, mỗi khóa học, Người thường hỏi học viên: học xong về địa phương làm gì? bước I thế nào? bước II thế nào?... Trong nội dung huấn luyện, Người thực hiện từng bước, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ những mục tiêu đấu tranh trước mắt đến mục đích cao cả, lâu dài. Vì vậy, trong lớp có học viên mới biết chữ, có học viên đã là giáo viên nhưng nghe Người giảng tất cả đều hiểu được vì rõ ràng, cô đọng, sâu sắc.
Nguyễn Ái Quốc không chỉ chú trọng giáo dục, đào tạo cán bộ ở trên lớp mà còn được tiến hành trong công tác, trong sinh hoạt hằng ngày. Qua đó người cán bộ được bồi dưỡng về ý thức làm việc có kế hoạch, về tinh thần phấn đấu không mệt mỏi vì lý tưởng, về tinh thần cảnh giác cách mạng, về công tác quần chúng, về tình thương yêu đối với cán bộ và nhân dân. Đối với học viên, Người yêu cầu phải giữ vững những vấn đề thuộc về nguyên tắc, kiên trì thực hiện bằng được những mục tiêu đề ra. Những cán bộ được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện hoặc được sống gần Người đều thấy mình trưởng thành về sự hiểu biết, khả năng công tác và đạo đức cách mạng. Những cán bộ được Người đào tạo, bồi dưỡng trở về địa phương, đi sâu vận động quần chúng, đưa quần chúng vào các tổ chức cách mạng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao.
Trong những năm 1941-1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dành nhiều tâm huyết trong việc đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Đội ngũ cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo và huấn luyện tại Cao Bằng đã sớm trưởng thành, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến và xây dựng đất nước sau này.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 3/2019
1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 309, 280
3. Sđd, T. 1 tr. 209
4. Sđd, T. 3 tr. 204
5. Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, H, 1969, tr. 33
6. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, H, 1977, tr. 38-39
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 133
8, 9. Võ Nguyên Giáp: Đầu nguồn, Nxb Văn học, H, 1972, tr. 379, 385
10. Xem Tỉnh ủy Cao Bằng-Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Cao Bằng (1941-1945), Kỷ yếu Hội thảo khoa học-thực tiễn, 1995, tr. 178
11, 13. Xem Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng: Bác Hồ với căn cứ địa cách mạng Cao Bằng (1941-1945), 1995, tr. 87, 87
12, 14. Xem Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930-2000), Nxb CTQG, H, 2003, tr. 75, 78
15. Vũ Anh: Từ Côn Minh về Pác Bó, Nxb Văn học, H, 1975, tr. 148.