Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử ĐảngHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Đồng chí Võ Văn Ngân (1902-1938), một trong những chiến sĩ cách mạng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu xuất sắc của Đảng, đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao cả vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, từ một đảng viên đến đảm trách các cương vị Bí thư tỉnh ủy, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam, để lại tấm gương cao đẹp của người cộng sản.
Từ khóa: Võ Văn Ngân; 120 năm ngày sinh; Nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu; của Đảng
1. Đồng chí Võ Văn Ngân - Nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng
Ngày 6-3-1930, tại Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa (nay thuộc xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Đức Hòa được thành lập. Đồng chí Võ Văn Ngân là 1 trong 7 đảng viên đầu tiên của Chi bộ1. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn2. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Đức Hòa đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Võ Văn Ngân, từ một thanh niên yêu nước chân chính, Võ Văn Ngân sớm trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ sau hơn một tháng kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những năm 1930-1931, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển Đảng, Võ Văn Ngân đã lăn lộn với phong trào cách mạng, ra sức gây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên3. Cuối tháng 5-1930, tại Hội nghị thành lập Đảng bộ quận Đức Hòa (thuộc tỉnh Chợ Lớn)4, Võ Văn Ngân được bầu là Quận ủy viên.
Là quận ủy viên, qua hoạt động thực tiễn, Võ Văn Ngân đã tỏ rõ là cán bộ đảng viên năng nổ nhiệt tình trách nhiệm và rất sáng tạo. Cuối năm 1931, Võ Văn Ngân được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Giữa năm 1932, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí Võ Văn Ngân được cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn5. Đồng chí Võ Văn Tần được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Gia Định6. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Ngân đã chú trọng khôi phục xây dựng phát triển Đảng, bởi đây là địa bàn địch tăng cường truy sát, khủng bố cán bộ, đảng viên, phong trào cách mạng nhiều nơi bị tổn thất rất nghiêm trọng. Đồng chí Võ Văn Ngân kiên trì, khéo léo chắp nối, từng bước gây dựng phong trào cách mạng và cơ sở Đảng. Theo đó, hệ thống tổ chức Đảng trên địa bàn Chợ Lớn từng bước được gây dựng.
Cùng với gây dựng cơ sở Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Ngân cũng rất chú trọng các hoạt động đấu tranh của giai cấp công nhân. Khoảng giữa năm 1932, tại Sài Gòn-Chợ Lớn, công nhân thuộc các ngành nghề khác nhau như: công nhân nhà máy in Ácđanh (Ardin), Tetxalanh (Testalin), Opinông (Opinion), công nhân lò sát mổ lợn trâu bò, gia cầm Chợ Lớn, công nhân xe lửa Gia Định đã đấu tranh. Đáng chú ý cuộc đấu tranh của 13 xưởng dệt khăn ở Chợ Lớn, với 500 công nhân nữ công nhân Hoa Kiều bãi công phản đối chủ giảm 50% tiền công. Tháng 10-1932, công nhân nhà in Tetxtalanh bãi công phản đối chủ hạ tiền công và đưa thêm một số yêu sách. Trong các cuộc đấu tranh đó đều có vai trò quan trọng của đồng chí Võ Văn Ngân.
Nhờ những hoạt động tích cực, năng động sáng tạo sát với thực tiễn của Tỉnh ủy Chợ Lớn do đồng chí Võ Văn Ngân đứng đầu, phong trào cách mạng ở Chợ Lớn đến cuối năm 1934 đầu năm 1935 từng bước được khôi phục; tổ chức đảng từ tỉnh xuống cơ sở được củng cố và phát triển7.
Với những đóng góp tích cực và những hoạt động hiệu quả trong phong trào cách mạng giai đoạn 1930-1935, khoảng đầu năm 1935, đồng chí Võ Văn Ngân được tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, xứ ủy viên, phụ trách Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Đồng chí Võ Văn Ngân, đồng chí Nguyễn Chánh Nhì, Trần Văn Giàu được cử là đại biểu của Đảng bộ Nam Kỳ đi dự Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương, tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Dự Đại hội có 138 đại biểu. Đồng chí Võ Văn Ngân là một trong 13 đại biểu chính thức tham dự Đại hội; là một trong đại biểu của Đảng bộ Nam Kỳ đại diện cho 97 đảng viên của Đảng bộ Nam Kỳ (bao gồm Đông Nam Kỳ: 80 và Tây Nam Kỳ: 17)9. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu là 1 trong 9 Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 đồng chí. Do đồng chí Lítvinốp (đồng chí Lê Hồng Phong) làm Tổng Thư ký (Tổng Bí thư). Trong “Thư của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương (ngày 31-3-35), gửi Quốc tế Cộng sản”, đã nêu rõ: “Cấu tạo Ban Trung ương. Đại hội đã bầu một Ban Trung ương gồm 13 đồng chí”10 ( gồm 9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết). Trong “Báo cáo của Ban Chỉ huy ở ngoài giữa tháng 5-1935 và tháng 6-1936”, có nêu: “Ban Thường vụ gồm năm đồng chí: Lítvinốp, Đinh Tân, Hoang, Ngo và Tho. Lang đã thay thế Tho sau khi đồng chí này bị bắt, Lítvinốp luôn vắng mặt, sau khi Ngo bị bắt, Đinh Tân biến mất và Hoang về Bắc Kỳ và Lang về Nam Kỳ...”11. Trong báo cáo các đại biểu đều được dùng bí danh.
2. Lãnh đạo tổ chức các phong trào cách mạng tại Nam Kỳ (1935-1937)
Lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị ở Nam Kỳ. Sau Đại hội I của Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân trở về nước, trong bối cảnh địch khủng bố ác liệt các cơ sở và phong trào cách mạng. Đầu tháng 5-1935, Xứ ủy Nam Kỳ bị tan vỡ, các mối liên lạc với bên ngoài gần như bị cắt đứt12. Tháng 11-1935, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Võ Văn Ngân triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức Đảng khu vực Sài Gòn- Chợ Lớn và các tỉnh Nam Kỳ. Hội nghị quyết định thành lập “Nam Kỳ lâm thời Chấp ủy” (tức Xứ ủy Nam Kỳ). Trong tình hình mới, Nam Kỳ lâm thời Chấp ủy chủ trương chú trọng đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị.
Với cách thức chỉ đạo sâu sát thực tiễn, hoạt động năng nổ, xông xáo của người đứng đầu Xứ ủy Võ Văn Ngân, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ không những được củng cố, duy trì mà một số nơi có sự phát triển vượt bậc. Các đảng bộ chú trọng hình thức đấu tranh bãi công. Từ tháng 5 đến tháng 11-1935, có 4 cuộc đấu tranh của công nhân xe thổ mộ (xe ngựa kéo) ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Cuộc thứ nhất ngày 4-5, có 1.000 người tham gia. Cuộc thứ 2 ngày 3-11, có 1.500 người tham gia. Cuộc thứ 3 ngày 7-11, đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, các cuộc bãi công đã thu hút 2.500 người tham gia13. Ngày 26-12-1935, cuộc bãi công lần thứ tư của anh em đánh xe thổ mộ. Một đồng chí của ta là thành viên Hội đồng thành phố Sài Gòn cùng mấy đại biểu công nhân đến gặp Thống đốc Nam Kỳ, đề nghị giải quyết quyền lợi chính đáng của anh em. Cuộc đấu tranh này có tiếng vang đến tận Paris-Thủ đô nước Pháp. Đồng chí Gabriel Péri - nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp đã chất vấn Chính phủ Pháp về cuộc bãi công và về việc nhà cầm quyền Nam Kỳ bắt giữ đại biểu công nhân khi họ làm phận sự đại biểu cho dân14. Về sự kiện này, trong Báo cáo của Sở Mật thám Đông Dương năm 1935 nêu rõ: “Hoạt động của họ (tức đại biểu công nhân) là trung tâm thu hút mọi hoạt động chính trị ở Sài Gòn-Chợ Lớn và vùng ngoại ô. Họ đã trở thành những cố vấn chính thức của giai cấp cần lao, của công nhân xe thổ mộ, xe kéo, của viên chức Sở Xe điện, của những người tiểu thương”15.
Lãnh đạo phong trào Đại hội Đông Dương. Đầu năm 1936, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mới. Tháng 5-1936, tại Pháp, Mặt trận nhân dân Pháp thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Đông Dương bước sang giai đoạn mới, đấu tranh vì dân sinh, dân chủ. Nắm bắt thời cơ đó, ngày 30-6-1936, dưới sự chủ trì của Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Ngân, Hội nghị đại biểu Xứ ủy Nam Kỳ được tổ chức. Hội nghị đã ban hành Nghị quyết chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh bằng cách thống nhất tất cả các lực lượng của Xứ; tổ chức ủy ban tuyên truyền và tổ chức các cuộc mít tinh làm cho quần chúng hiểu được lợi ích các cuộc đấu tranh mà họ được kêu gọi tham gia16.
Tháng 7-1936, Hội nghị các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài do Lê Hồng Phong chủ trì ở Thượng Hải (Trung Quốc), dựa trên Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh. Hội nghị xác định: Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và phong kiến. Nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống nguy cơ chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương17. Ban Chấp hành Trung ương công bố Thư ngỏ gửi tất cả các đảng phái và các dân tộc Đông Dương18 chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân chống đế quốc, thành lập Ủy ban Hành động để tiến hành Đại hội Đông Dương. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, cả nước sôi nổi phong trào vận động và tổ chức nhân dân thảo ra bản dân nguyện gửi tới phái đoàn Chính phủ Pháp, tiến tới triệu tập Đại hội Đông Dương (8-1936).
Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương, để có điều kiện lãnh đạo trực tiếp phong trào đấu tranh trong tình hình mới, cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển về trong nước. Theo đó, trung tuần tháng 8-1936, sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, đồng chí Hà Huy Tập và Trung ương Đảng đã về trú đóng tại Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Để tiến tới Đại hội Đông Dương, ngày 13-8-1936, cuộc họp trù bị Ủy ban lâm thời triệu tập Đại hội Đông Dương được tổ chức tại tòa soạn báo Việt Nam (Sài Gòn). Hơn 400 đại biểu đến dự, phần lớn là những người lao động. Ủy ban Trù bị Đại hội Đông Dương được thành lập gồm 19 đại biểu (3 đại biểu công nhân, 3 nông dân, 3 phụ nữ, 4 đại biểu báo chí và 6 đại biểu trí thức, tư sản). Đây là hình ảnh đầu tiên về hình thức mặt trận rộng rãi được hình thành. Đó là một thắng lợi quan trọng của Đảng19.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Ngân, các tổ chức Đảng ở Nam Kỳ đã chú trọng đẩy mạnh công tác vận động, lôi cuốn quần chúng tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ, hòa bình, tham gia Ủy ban hành động. Đến tháng 9-1936, riêng trên địa bàn Sài Gòn-Chợ Lớn đã có 31 ủy ban hành động, tỉnh Gia Định đã có 70 ủy ban hành động. Ủy ban hành động hoạt động trong các xí nghiệp in, đường sắt, tàu điện, hãng thuốc lá, Nhà máy rượu Bình Tây, Xưởng đóng tàu Ba Son, khu xăng dầu Nhà Bè, khu vực cảng, trong thợ thủ công, thợ đóng giày, tiểu thương, học sinh, nông dân. Ở thành phố Ủy ban hành động được lập theo khu phố; còn ở nông thôn, ủy ban hành động lập theo làng20.
Tính đến cuối năm 1936, “Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ Ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư, phong trào Đông Dương Đại hội phát triển mạnh mẽ khắp Nam Kỳ với 600 Ủy ban hành động được thành lập những cuộc bãi công liên tiếp dài ngày của công nhân Nam Kỳ nổ ra với quy mô và số lượng lớn có 5-6 vạn người tham gia”21. Trong số hơn 600 Ủy ban hành động, gần một nửa có trụ sở công khai. Các ủy ban hành động phát hành báo chí, truyền đơn, tổ chức mít tinh, hội họp quần chúng phổ biến tình hình, thảo luận những yêu cầu về dân sinh, dân chủ, trao đổi về phương pháp và hình thức đấu tranh...
Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào nhân dân hưởng ứng Đại hội Đông Dương lan nhanh từ Nam ra Bắc. Ngày 15-9-1936. Chính quyền thuộc địa ra lệnh giải tán các ủy ban hành động, cấm nhân dân hội họp, bắt giam những người cầm đầu các ủy ban hành động, tịch thu các báo cổ động cho Đại hội Đông Dương. Trong “Thư của Ban Chỉ huy ở ngoài gửi các đồng chí” ngày 3-10-1936 viết về phong trào Đông Dương Đại hội ở Nam Kỳ có nêu: “Hoạt động của các tổ chức Đảng ta và của các đồng chí ở Nam Kỳ phụ trách việc chuẩn bị Đại hội Đông Dương đã mở rộng ảnh hưởng của chúng ta trên toàn bộ đất nước. Đó là một kết quả tốt thu được nhờ sự kết hợp hoạt động công khai với hoạt động bí mật của Đảng ta”22.
Lãnh đạo phong trào dân sinh, dân chủ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Ngân và tập thể Xứ ủy, phong trào dân sinh, dân chủ được đẩy mạnh và diễn ra trên hầu hết các tỉnh Nam Kỳ, đặc biệt là ở khu vực thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn: “Ở Nam Kỳ, phong trào đấu tranh của công nhân và của quần chúng đã phát triển nhanh”23. Chỉ tính trong năm 1936, ở Sài Gòn-Chợ Lớn có 20 cuộc bãi công lớn của công nhân. Tiêu biểu như đường sắt Sài Gòn (28-9-1936), Nhà máy xay lúa Nguyễn Thành Liên (5-10-1936), các lò nhuộm, trại cưa, xe thổ mộ... ở Bà Điểm, Quán Tre, Chợ Cầu, Trung Chánh (5-11-1936), hiệu may Adam Mốt (20-11-1936), xe điện, xe buýt (7-12-1936), hãng xà phòng Trương Văn Bền (16-12-1936), sở Vệ sinh Chợ Lớn (31-12-1936)... Đặc biệt có cuộc đấu tranh của 4.500 công nhân Ba Son (4-12-1936) nhân dịp có một số công nhân trong xưởng bị bắt và bị đuổi việc do đã tham gia các cuộc họp thành lập ủy ban hành động của Đại hội Đông Dương. Cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son đã làm nổi bật sức mạnh đoàn kết của giai cấp công nhân, tác động mạnh đến tinh thần đấu tranh của nhân dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, gây tiếng vang rộng khắp cả nước.
Trước tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, nhà cầm quyền Đông Dương đã buộc phải ra Nghị định ngày 11-10-1936 đáp ứng một số đòi hỏi về quyền lợi của công nhân như thời gian lao động không được quá 10 giờ trong một ngày kể từ ngày 1-11-1936, không được quá 9 giờ kể từ ngày 1-1-1937, không được quá 8 giờ kể từ ngày 1-1-1938. Công nhân được nghỉ chủ nhật và nghỉ phép hằng năm, những ngày nghỉ được hưởng lương. Cấm bắt phụ nữ, trẻ em làm việc ban đêm. Ngày 30-12-1936, Chính phủ Pháp quy định thêm một số chế độ lao động như: tiền lương tối thiểu, chế độ học nghề, chế độ nghỉ đẻ và cho con bú của nữ công nhân trong thời gian làm việc.
Ngày 12-10-1936, Ban Trung ương đã được tổ chức tại Nam Kỳ24. Là người trực tiếp lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Ngân đã chỉ đạo các tổ chức Đảng các địa phương đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng ở nông thôn. Ngày 1-11-1936, Xứ ủy Nam Kỳ gửi Thông cáo đến tất cả các cấp bộ Đảng trong xứ hướng dẫn về tổ chức đấu tranh ngày mùa nhằm bảo vệ lợi ích của nông dân. Bản thông cáo nêu ra tình trạng cùng khổ của quần chúng, đặc biệt là nông dân và khẳng định: “Đảng ta phải dung đủ mọi phương pháp để bênh vực quyền lợi cho hết thảy các tầng lớp dân chúng. Riêng về nông dân lao động, Xứ ủy của Đảng đề nghị cho các đồng chí những phương pháp sau này về cuộc tranh đấu ngày mùa”25.
Trước tình hình thế giới và trong nước diễn biến mau lẹ, để đẩy mạnh phong trào cách mạng trong bối cảnh mới, tại ấp Tân Thới Trung, dưới sự chủ trì của Bí thư Xứ ủy Võ Văn Ngân, ngày 25 và ngày 26-12-1936, Xứ ủy Nam Kỳ tiến hành Hội nghị toàn thể bàn công tác phát triển tổ chức và phong trào quần chúng. Hội nghị quyết định củng cố, kiện toàn Xứ ủy, gồm 9 ủy viên. Đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư Xứ ủy; thành lập các Liên tỉnh ủy để lãnh đạo phong trào các địa phương. Hội nghị lần này nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Nhằm đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong công nhân, tháng 12-1936, Xứ ủy Nam Kỳ ra Thông cáo hướng dẫn tổ chức phong trào đấu tranh trong công nhân. Bản Thông cáo yêu cầu tổ chức Đảng các địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung về công tác công vận”26.
Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Xứ ủy Võ Văn Ngân phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ được đẩy mạnh ở cả địa bàn nông thôn cũng như thành thị và ở hầu hết các tỉnh Nam Kỳ. Tại Gia Định, năm 1936 có cuộc biểu tình đông tới 8.000 người kéo vào huyện lỵ Hóc Môn đòi tự do dân chủ, giảm thuế, thả tù chính trị27. “Ở Nam Kỳ, phong trào đấu tranh của công nhân và của quần chúng đã phát triển nhanh”28.
Hưởng ứng lời kêu gọi Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ngày 1-1-1937, Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, Tỉnh ủy Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định đã huy động 20.000 công nhân và các tầng lớp nhân dân thành phố nghỉ việc để đón Gôđa đưa đề nghị và nguyện vọng của nhân dân, lao động nội ngoại thành, có 6.000 được vào bên trong khu vực bến Nhà Rồng. Cuộc tiếp đón Gôđa trở thành cuộc biểu dương ý chí, lực lượng quần chúng lao động là một cuộc vận động chính trị rộng lớn, đoàn kết đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ và cải thiện đời sống.Qua đó, thể hiện uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của Đảng trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng đấu tranh.
Gần nửa tháng sau, ngày 14-1-1937, khi chính quyền thuộc địa tổ chức đón Brévié sang làm Toàn quyền Đông Dương, Đảng bộ Sài Gòn-Gia Định huy động quần chúng tổ chức cuộc biểu dương lực lượng lớn tại bến cảng Nhà Rồng với hàng vạn quần chúng tham gia: 40.000 nông dân, tiểu điền chủ, tá điền và người dân ở các miệt Hóc Môn, Bà Điểm, Bà Quẹo, Phú Lâm, tiểu thương, thầy thợ, cu li giúp việc các xưởng, các hãng, học sinh các trường học mang khẩu hiệu tập trung tại khu vực bến cảng đón Toàn quyền Brévié29. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đón Brévié trở thành cuộc biểu dương lực lượng và ý chí đoàn kết đấu tranh của nhân dân Nam Kỳ.
3. Lãnh đạo công tác phát triển Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng trong tình hình mới
Công tác phát triển Đảng. Là người luôn bám sát thực tiễn, sát phong trào cách mạng của quần chúng, Võ Văn Ngân đã góp phần quan trọng tạo nên một không khí cách mạng sôi sục, một đặc điểm điển hình của giai đoạn này ở Nam Kỳ đó là: gần hết các cuộc vận động công khai và bí mật đều có Đảng trực tiếp tổ chức và chỉ đạo. Qua lãnh đạo phong trào quần chúng, đội ngũ cán bộ đảng viên ngày càng trưởng thành. Tính đến tháng 2-1937, Đảng bộ Nam Kỳ có Xứ ủy, 2 Liên tỉnh ủy và 16 cơ quan lãnh đạo ở 16/21 tỉnh, thành phố thuộc Nam Kỳ. Xứ ủy Nam Kỳ còn lãnh đạo “Đặc ủy” của 60 đảng viên người Hoa thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương30. Báo cáo thường kỳ số 49 về hoạt động cách mạng tháng 2-1937, Ban Giám đốc Sở mật thám Đông Dương viết: “những người lãnh đạo Xứ ủy này hoạt động mỗi ngày tích cực hơn và có nhiệt tình mỗi ngày một tăng, các tổ chức được phát triển và củng cố”. Báo cáo của Quan tư Nôblô (No Blot) gửi lên Thống đốc Nam Kỳ đầu năm 1937 có đoạn: “Hồi 11 giờ ngày 11-2-1937, Võ Văn Ngân ở Tân Thới Nhứt - Gia Định, Ủy viên Ủy ban Hành động cũ của Bà Điểm tổ chức họp quần chúng”31.
Quán triệt sâu sắc nội dung Hội nghị Trung ương (mở rộng), ngày 13 và ngày 14-3-1937, ngay sau Hội nghị, đồng chí Võ Văn Ngân đã chỉ đạo phổ biến Thông cáo ngày 20-3-1937 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới các Đảng bộ trong Xứ để cán bộ đảng viên quán triệt và thực hiện những chủ trương của Đảng trong tình hình mới; xác định chủ trương phải lợi dụng hoàn cảnh công khai và bán công khai mà tổ chức quần chúng, không câu nệ về tên gọi, miễn là bênh vực được quyền lợi cho các tầng lớp dân chúng, với một số vấn đề quan trọng: về tổ chức, về thanh Đảng, tham gia các đợt tuyển cử, phong trào thỉnh nguyện, việc thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương, công tác tuyên truyền và cổ động, thái độ đối với chính phủ Blum. Một sự kiện đáng chú ý là, ngày 1-5-1937, lần đầu tiên nhân dân lao động Sài Gòn tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động chính thức và công khai ở rạp Thành Xương, với hơn 3.000 người đến dự, gây tiếng vang lớn trong cả nước32.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 3-1937, với những hoạt động sáng tạo, năng nổ tràn đầy khí thế của đồng chí Võ Văn Ngân, đội ngũ cán bộ, đảg viên, phong trào cách mạng Nam Kỳ thời kỳ này đã phát triển mạnh mẽ. Đến tháng 9-1937, tổng số đảng viên trong cả nước có 925 đồng chí, trong đó Nam Kỳ có 590 đồng chí, Trung Kỳ có 218 đồng chí, Bắc Kỳ có 117 đồng chí33.
Công tác xây dựng các tổ chức quần chúng trong tình hình mới. Quán triệt chủ trương của Đảng “việc tổ chức các đoàn thể quần chúng cũng nằm trong phạm vi công việc tổ chức của Đảng, cũng là một việc phải chú ý, lưu tâm như là việc tổ chức của Đảng vậy”34, đồng chí Võ Văn Ngân và Đảng bộ Nam Kỳ đã luôn gắn liền quá trình xây dựng tổ chức Đảng với củng cố các tổ chức quần chúng. Thời kỳ này ở Nam Kỳ các tổ chức quần chúng công khai, bán công khai ra đời và phát triển. Hội cứu tế bình dân thay cho hội cứu tế đỏ, các hội Ái hữu dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, như Thanh niên Cộng sản Đoàn, Công hội, Nông hội Hội Phản đế đồng minh, Hội Cứu tế, Hội tương tế, Hội Ái hữu...Mặt trận dân tộc phản đế phải trở thành tổ chức công khai nhất của đông đảo quần chúng. Các tổ chức đảng “phải giáo dục quần chúng tinh thần chủ nghĩa cộng sản. Mặt khác, các đồng chí phải giải thích cho quần chúng sự khác nhau giữa đường lối của Đảng ta và của các đảng khác, để tăng thêm ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng”35.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Ngân rất chú trọng chỉ đạo xuất bản các báo chí công khai để trở thành mũi nhọn xung kích trong cuộc vận động dân chủ, dân sinh. Trên lĩnh vực báo chí, tính đến tháng 9-1937, “cả nước có 16 tờ báo bất hợp pháp (hai tờ ở Bắc Kỳ, một ở Trung Kỳ, 13 ở Nam Kỳ) của Đảng và của các tổ chức quần chúng”36. Trong Báo cáo của Trung ương gửi Quốc tế Cộng sản, tháng 9-1937, nêu rõ: “Vài năm trước, chỉ nghe nói từ chủ nghĩa cộng sản là đã có thể bị bắt. Nhưng hiện nay, các tờ báo hợp pháp-bằng tiếng Pháp cũng như bằng chữ quốc ngữ-nói chủ nghĩa cộng sản công khai… Ngày nay có thể xuất bản mọi sách về chủ nghĩa Mác...”37.
Một thời gian sau Hội nghị Trung ương tháng 3 -1937, đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh. Trung ương Đảng quyết định để đồng chí Võ Văn Ngân nghỉ dưỡng bệnh và chỉ định đồng chí Võ Văn Tần đảm trách nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ38. Khi bệnh tình ngày càng trầm trọng, đồng chí Võ Văn Ngân được tổ chức đưa về gia đình ở làng Bình Tả, xã Đức Hòa. Nơi đây, đồng chí Võ Văn Ngân đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 29-10-1938 (tức ngày 7-9 âm lịch năm Mậu Dần)39.
36 tuổi đời, đồng chí Võ Văn Ngân đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của đồng chí Võ Văn Ngân là một tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản tiên phong, kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, tiền bối tiêu biểu, xuất sắc của Đảng, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về lý tưởng sống để cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 10/2022
1. Chi bộ gồm 7 người: Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Thỏ; Võ Văn Tần (Bí thư), Nguyễn Văn Sậy (Phó Bí thư)
2. Tỉnh ủy Long An - Ban Tuyên giáo: Tóm tắt lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Long An (1930-2005), Long An, 11-2005, tr. 30
3. Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bà Điểm (1930-2005), Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2005, tr. 35
4, 6. Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Võ Văn Tần - Tiểu sử, Nxb CTQG-ST, H 2015, tr. 67, 83
5. Về chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thời gian này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, sđd, tr. 949-950, viết: Đồng chí Hồ Văn Long làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn từ cuối năm 1931 đến đầu năm 1932; đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn từ tháng 10-1932 đến năm 1933. Có tài liệu viết: Đồng chí Lê Quang Sung Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn bị bắt tháng 5-1931, đồng chí Võ Văn Ngân được phân công giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Chợ Lớn (thay Lê Quang Sung) đến giữa năm 1932. Do đó, chúng tôi cho rằng, đồng chí Võ Văn Ngân được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn sau khi đồng chí Hồ Văn Long đảm nhiệm chức vụ Bí thư Xứ ủy, giữa năm 1932
7, 13, 19, 29, 32. Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, T. 1 (1930-1954), Quyển 1 (1930-1945), Nxb CTQGST, H, 2018, tr. 277, 333, 391, 398, 405
8. Theo Hồi ký của Nguyễn Chánh Nhì, có 10 đại biểu đến dự Đại hội, tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng
9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1999, T. 5, tr. 192, 192
11, 12, 16, 18. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 6, tr. 49, 49-50, 26-27, 97-98
14. Xem: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb CTQG, 2014, tr. 100-101
15. Xem: Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb ST, H, 1976, T.1 (1920-1945), tr. 346-348
17. Tháng 3-1938, đổi thành Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương (Mặt trận Dân chủ Đông Dương)
20. Xem Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tập 1 (1930-1954), Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr.76-77
21. Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2008, T. 2, tr. 554
22, 23, 24, 28, 33, 35, 36, 37. Sđd, 2000, T. 6, tr. 127, 134, 300, 134, 300, 91-92, 302, 302-303
25. Thông cáo bí mật của Ban Xứ ủy của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ, ngày 1-11-1936, tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
26. Thông cáo bí mật của Ban Xứ ủy của Đảng Cộng sản Đông Dương Ở Nam Kỳ, tháng 12-1936, tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
27. Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, H, 2010, T.1, tr.96
30. Đề tài khoa học cấp Bộ: Xây dựng hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Kỳ từ năm 1930 đến năm 1945, tài liệu lưu tại Lưu trữ Viện Lịch sử Đảng, tr.65
31. Nguyễn Thành: Cuộc Vận Động Đại Hội Đông Dương năm 1936, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1985, tr.103
34. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1999, T. 3, tr. 104
38. Xem Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Võ Văn Tần - Tiểu sử, Nxb CTQG, H 2015, tr. 119. Về sự kiện này có sách cho rằng, đến tháng 9-1937, Võ Văn Ngân được cử vào Thường vụ Trung ương, xem: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), quyển 1 (1930-1945), Nxb CTQGST, H, 2018, tr.404, có ghi: “Hội nghị tháng 9-1937 đã tiến hành củng cố Ủy ban Trung ương gồm 11 đồng chí. Ngày 4-9-1937, Ban Trung ương họp, cử Ban Thường vụ Trung ương, gồm 5 đồng chí”; chú thích 5 đồng chí: Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Cừ
39. Về năm mất của đồng chí Võ Văn Ngân có một số sách viết khác nhau. Bài viết này chúng tôi viết ngày 29-10-1938 (tức ngày 7-9 âm lịch năm Mậu Dần) là căn cứ theo nguồn gia đình cung cấp của gia đình; theo bia (ghi năm sinh năm mất) đặt trên mộ đồng chí Võ Văn Ngân và căn cứ theo lý lịch khai của Mẹ đẻ đồng chí Võ Văn Ngân khai hồ sơ Mẹ Việt Nam anh hùng;. Báo cáo thành tích truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà Nguyễn Thị Toàn (mẹ đồng chí Võ Văn Ngân) do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký, ghi đồng chí Võ Văn Ngân mất năm 1938. Tham luận của ông Nguyễn Đô Lương, cháu ngoại đồng chí Võ Văn Ngân, tại cuộc Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Ngân, quá trình hoạt động từ người yêu nước trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực”, ngày 4-10-2019, tại Long An, viết: “Ông Võ Văn Ngân đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7-9 âm lịch năm Mậu Dần (tức ngày 29-10-1938)”.