Tóm tắt: Hòn Khoai là một cụm gồm 5 đảo nhỏ (Hòn Lớn, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Khô), tổng diện tích khoảng 4 km2, cách Mũi Cà Mau khoảng 20 km về phía Tây Nam. Ở đây, thực dân Pháp xây dựng một hải đăng thuộc quyền quản lý của Sở Hàng hải đèn biển và cọc tiêu. Vào thời điểm nổ ra khởi nghĩa, Pháp bố trí ở đây hai người có tên là Olivier và Rócker để trông coi đèn biển, đồng thời cai quản cụm đảo và theo dõi nhân dân trong đất liền ra đảo khai thác hải sản, lâm sản. Cuối năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, ở hầu hết các tỉnh Nam Kỳ, nhân dân nhất tề nổi dậy đánh rã chính quyền của thực dân Pháp và tay sai. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Tỉnh ủy Bạc Liêu1 lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng.

Từ khóa: Khởi nghĩa Hòn Khoai; tỉnh Bạc Liêu; 80 năm

Năm 1939, Chiến tranh thế giới II bùng nổ ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện chính trị ở Đông Dương. Trước tình hình đó, tháng 11-1939, HNTƯ 6, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, đã đề ra chủ trương thay đổi chiến lược, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Ðông Dương, “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”2. Đồng thời kêu gọi:

“Các đồng chí hãy siết chặt hàng ngũ lại!

Muôn nghìn người cố kết như một!

Tiến lên thực hiện Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương!

Tiến lên lật đổ ách đế quốc, tranh lấy độc lập, giải phóng, tự do, bình đẳng, hoà bình, hạnh phúc!”3.

Từ chủ trương trên của Trung ương Đảng, tháng 7-1940, diễn ra Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ (mở rộng) tại nhà bà Năm Dẹm (Lê Thị Lợi) ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, quận Châu Thành (Mỹ Tho). Hội nghị đề ra nhiệm vụ cần kíp chuẩn bị khởi nghĩa như: kiện toàn cơ quan lãnh đạo đảng ở các cấp, bổ sung cán bộ đối với một số ban cần thiết chuẩn bị cho khởi nghĩa4.

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã đẩy mạnh công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc nổi dậy tại địa phương. Về tổ chức, Tỉnh ủy đã củng cố khôi phục được hầu hết các chi bộ xã, thị trấn trước đây gặp khó khăn do địch khủng bố và phát triển thêm chi bộ mới. Tỉnh lỵ Bạc Liêu và thị trấn Giá Rai đã thành lập được chi bộ Đảng. Riêng chi bộ tỉnh lỵ Bạc Liêu được cấp trên tăng cường thêm nhiều cán bộ để làm công tác vận động quần chúng và binh vận, như nữ đồng chí Hai Thà và Ba Son, Thái Ngọc Sanh, Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước,... Thường vụ Tỉnh ủy cử đồng chí Phan Ngọc Hiển cùng hai quần chúng cốt cán là Nguyễn Văn Giai và Nguyễn Thị Quýt ra Hòn Khoai để gây dựng cơ sở, chờ thời cơ khởi nghĩa.

Về công tác tuyên truyền cổ động, các cơ sở dùng nhiều hình thức: rải truyền đơn, dán biểu ngữ, treo cờ, tuyên truyền xung phong... ở những nơi đông người như chợ, đám ma, đám cưới, tố cáo tội ác của đế quốc và kêu gọi nhân dân gia nhập Hội phản đế, đứng lên đánh đổ đế quốc cướp nước, giành độc lập.

Về lực lượng khởi nghĩa, nhiều xã đã thành lập được đội tự vệ, du kích, trang bị gươm giáo, kiếm, dao găm, mã tấu... luyện tập võ thuật sôi nổi. Các xã Tân Hưng Tây, Phong Lạc, Khánh Bình... có đội du kích thường xuyên luyện tập quân sự, cách đánh du kích...

Giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 20-11-1940, Ban Thường vụ Xứ ủy quyết định phát động tất cả các địa phương nổi dậy. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy thông báo cho các cấp ủy về cuộc khởi nghĩa được bắt đầu vào lúc 24 giờ ngày 22-11-1940 và lệnh khởi nghĩa sẽ được phát đi từ thành phố Sài Gòn.

Đêm 23-11-1940, Ban khởi nghĩa tỉnh Bạc Liêu mới nhận được Lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy. Xứ ủy yêu cầu Bạc Liêu đón đợi xe vũ khí từ Sài Gòn về để trang bị cho du kích của tỉnh và đợi tin cuối cùng của Xứ ủy. Thường vụ Tỉnh ủy cử nữ đồng chí Tám Nhân lên cơ quan Liên Tỉnh ủy ở Cần Thơ để lấy tin tức các nơi và xin lệnh của Xứ ủy.

Chờ đợi mấy ngày không thấy liên lạc trở về, ngày 26, 27-11-1940, Tỉnh ủy quyết định triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Lung Lá, Nhà Thể, ấp Rạch Mũi, xã Tân Hưng (nay thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước)5 bàn kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị đã nhất trí khởi nghĩa ở 3 khu vực: Khu vực I: Vùng Năm Căn (thị trấn Năm Căn), một số làng xung quanh và Hòn Khoai, do đồng chí Quách Văn Phẩm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách. Đồng chí Phan Ngọc Hiển trực tiếp lãnh đạo Khởi nghĩa Hòn Khoai. Trong kế hoạch khởi nghĩa, phân công đồng chí Quách Văn Phẩm chịu trách nhiệm đón trung đội du kích của Tân Hưng Tây do đồng chí Trần Văn Yến (Năm Kim) chỉ huy tại Tắc Năm Căn để phối hợp với lực lượng của đồng chí Phan Ngọc Hiển sau khi khởi nghĩa ở Hòn Khoai về tiếp tục tiến vào đánh chiếm chợ Năm Căn. Khu vực II: Thị trấn Cà Mau và một số làng xung quanh do đồng chí Trần Văn Thời, Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp phụ trách và đồng chí Võ Hoành, Phan Khắc Nhượng chịu trách nhiệm, có nhiệm vụ đốt dinh quận, phán nhà đèn, kìm chân địch ở Cà Mau. Khu vực III: Thị xã Bạc Liêu và các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu do đồng chí Trần Văn Phán, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng các đồng chí Nguyễn Văn Đàng và Trần Văn Sớm phụ trách6, có nhiệm vụ đánh Khám lớn, cứu cán bộ của ta đang bị giam ở đây, hoạt động kìm chân địch trong tỉnh, không cho chúng đưa quân cứu viện các nơi.

Hội nghị quyết định chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cuộc khởi nghĩa của tỉnh, vì ở đây ta có khả năng giành thắng lợi trọn vẹn, tăng cường vũ khí, trang bị và tạo khí thế cho các khu vực khác tiến hành khởi nghĩa giành thắng lợi. Ban chỉ huy khởi nghĩa chung toàn tỉnh gồm 2 đồng chí Trần Văn Thời, Trần Văn Phán.

Ngay sau Hội nghị, các các đồng chí trở về địa phương, khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa. Đợi mấy ngày vẫn chưa có tin từ Xứ ủy, người được cử đi liên lạc cũng chưa trở về, ngày 5-12-1940, Ban khởi nghĩa họp tại địa điểm cũ: Lũng Lá, Nhà Thể. Cuộc họp này không có mặt đồng chí Phan Ngọc Hiển, vì ở xa không triệu tập kịp. Ban khởi nghĩa quyết định cuộc nổi dậy ở tỉnh sẽ nổ ra vào đêm 13-12-1940, mở đầu ở Hòn Khoai7.

Mọi việc được sắp xếp chu đáo, chờ đến giờ hành động, nhưng đến ngày 12-12-1940, Ban khởi nghĩa nhận được lệnh đình chỉ khởi nghĩa của cấp trên gửi về, đồng thời được biết cuộc khởi nghĩa của các tỉnh xung quanh đã bị đàn áp. Ban khởi nghĩa chỉ kịp báo cho các quận, còn Hòn Khoai ở xa, không thể báo kịp.

Một góc đảo Hòn Khoai (ảnh Lâm Anh)

Ngày 12-12-1940, lệnh khởi nghĩa do đồng chí Bông Văn Dĩa8 là đảng viên Chi bộ Tân Ân chuyển đến cho đồng chí Phan Ngọc Hiển. Chi bộ Hòn Khoai cùng đồng chí Bông Văn Dĩa họp tại suối Ông Hành, phía Dồ Tre, vào lúc 21 giờ ngày 12-12-1940, để thảo luận kế hoạch và thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy. Chi bộ quyết định giờ khởi nghĩa từ 20 đến 23 giờ, ngày 13-12-1940 là thuận lợi nhất, vì khoảng thời gian này Olivier phải đến phòng điện đài để gửi báo cáo bằng điện tín về Sài Gòn, ta bố trí lực lượng phục sẵn và bắt Olivier đưa về đất liền xét xử.

Trước 20 giờ, đồng chí Phan Ngọc Hiển tổ chức họp lần cuối để thống nhất hành động. Cuộc họp tiến hành ở nhà đồng chí Đỗ Văn Sến, cạnh chân núi tháp đèn Hòn Khoai, gồm tất cả những người tham gia cuộc nổi dậy, phân phối bố trí lực lượng .

Cũng ngay tại cuộc họp này, sau khi lấy ý kiến của tất cả đảng viên, đồng chí Phan Ngọc Hiển tuyên bố kết nạp hai đồng chí Đỗ Văn Sến và Nguyễn Văn Đắc vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đúng theo kế hoạch, 21 giờ ngày 13-12-1940, Olivier đến phòng điện đài để chuyển công điện về Sài Gòn, thì lực lượng của ta đã bố trí phục sẵn sau cửa, nhảy tới quật ngã Olivier xuống sàn nhà. Tên thực dân chống cự quyết liệt cắn đứt 1 ngón tay của đồng chí Đức (Đạt). Đồng chí Cẩn dùng đá đập vào đầu Olivier. Viên đá đập vào đầu quá mạnh, làm Olivier chết tại chỗ. Theo kế hoạch bắt Olivier đưa về đất liền xét xử không thành.

Đồng chí Cự và một số anh em phá phòng điện đài. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai diễn ra nhanh chóng và kết thúc thắng lợi. Lực lượng khởi nghĩa đã thu được 1 súng lục, 2 súng lửa, 2 quả mìn, nhiều đạn và 1 chiếc Ca nô9. Tất cả lực lượng về đất liền, đồng chí Phan Ngọc Hiển chỉ đạo lực lượng đến nhà bếp khiêng tấm thép dài 2m, ngang 1m, trên đỉnh hòn xuống thuyền để làm tấm chắn đạn đề phòng khi gặp tàu tuần tra của địch trên biển. Khi về gần tới đất liền, lực lượng khởi nghĩa trương cờ đỏ búa liềm và tấm băng vải có dòng chữ lớn: “Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế muôn năm”. Nhân dân Rạch Gốc vô cùng phấn khởi hò reo đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Bọn tề ngụy khiếp sợ bỏ chạy vào rừng. Tuy nhiên, khi lực lượng khởi nghĩa Hòn Khoai về đến đất liền vào sáng ngày 14-12-1940, không liên hệ được với lực lượng và Ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh. Đồng chí Phan Ngọc Hiển đã linh hoạt dẫn đoàn quân khởi nghĩa đánh tiếp trạm kiểm lâm của Pháp ở Thủ Tam Giang vào lúc 9 giờ sáng ngày 15-12-1940, khống chế tên Lê Toàn Đông (dân ở đây thường gọi là Đốc Đông, phụ trách trạm kiểm lâm Tân Ân) thu toàn bộ vũ khí. Đồng chí Phan Ngọc Hiển lệnh cho ca nô, thuyền máy trở về Rạch Gốc.

Trưa ngày 14-12-1940, chủ tỉnh Bạc Liêu Pierre Paris nhận được tin về mất Hòn Khoai, ngay chiều hôm đó, Paris mang theo chủ sự bưu điện Vallot, cò cảnh sát pháp lý lưu động Miền Tây R.Coltelloni, cảnh sát mật thám Lovichi cùng một đơn vị lính tập người Miên dùng ca nô, xà lúp đến Rạch Gốc để truy lùng các chiến sĩ cách mạng. Các chiến sĩ ta dựa vào rừng cây rậm rạp bố trí phục kích. Vừa thấy tàu địch, nghĩa quân nổ súng làm một tên lính bị thương, bọn còn lại hốt hoảng núp trong tàu dùng súng liên thanh bắn lại, rồi tìm cách rút dần.

Trong rừng Rạch Gốc, chi bộ họp kiểm điểm tình hình và bàn chủ trương đối phó với địch. Có ý kiến nêu ra nghĩa quân nên rút đi Phú Quốc, nếu gay quá rút sang vùng biển Thái Lan. Đồng chí Phan Ngọc Hiển cho rằng phải chờ liên lạc với cấp ủy để xin ý kiến, hơn nữa đây là vùng sở trường của ta có thể dựa vào để tránh địch. Ngày 17-12-1940, ta dùng ghe để đến Xẻo Già, bị địch theo dõi nên phải làm bè vượt sông đến Kinh Ba. Tại đây lương thực hết, nước uống không còn, phải tìm nước trong bọng cây để uống, phải chuyển sang Rẫy Khai Long. Địch dùng ghe xuồng máy tiếp tục truy lùng, có tề và tay sai địa phương chỉ lối. Ngày 22-12-1940, sau nhiều ngày đêm lẩn tránh trong rừng rậm, sông, biển, địch đã bắt được các đồng chí Phan Ngọc Hiển, Đỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Cự, Ngô Kinh Luân, Nguyễn Văn Giữ, Bông Văn Nở. Hai đồng chí Dương Văn Giai, Diệp Văn Búp chạy thoát, nhưng sau đó địch truy lùng bắt được. Đồng chí Bông Văn Dĩa và một số đồng chí khác có nhiệm vụ ở lại giúp đồng bào Rạch Gốc sơ tán cũng bị địch bắt.

Hải đăng Hòn Khoai (ảnh Lâm Anh)


Ngày 27-2-1941, Pháp đưa 52 người tham gia cách mạng ở Rạch Gốc-Cà Mau và đánh chiếm Hòn Khoai ra xử trước tòa án. Chúng kết tội: 10 người tử hình, 5 người chung thân, 1 người 20 năm tù khổ sai và 20 năm quản thúc, 3 người 20 năm tù khổ sai và 10 năm quản thúc, 3 người 15 năm tù khổ sai và 15 năm quản thúc, 12 người 10 năm tù khổ sai và 10 năm quản thúc, 5 người 8 năm tù khổ sai và 8 năm quản thúc, 2 người 5 năm tù khổ sai và 5 năm quản thúc, 11 người được tha.

Ngày 12-7-1941, Pháp đưa 10 đồng chí: Quách Văn Phẩm, Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo khởi nghĩa khu vực I; Phan Ngọc Hiển, chỉ huy đánh chiếm Hòn Khoai; Nguyễn Văn Cự; Đỗ Văn Sến; Nguyễn Văn Cẩn (Đặng Văn Cát); Đỗ Văn Biên; Võ (Lê) Văn Bình; Lê Tôn (Văn) Khuyên; Nguyễn Văn Đắc (Đạt); Ngô Kinh Luân, Bí thư Chi bộ Rạch Gốc; ra sân vận động Cà Mau để xử bắn. Các đồng chí tỏ thái độ bình tĩnh, hiên ngang trước kẻ thù. Đồng chí Phan Ngọc Hiển hô to: “Đả đảo đế quốc Pháp! Đông Dương độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.

Chiến thắng Hòn Khoai là mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân Cà Mau.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 12/2020

1. Trước năm 1945, tỉnh Bạc Liêu có bốn quận: Cà Mau, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai và tỉnh lỵ Bạc Liêu

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 6, tr. 536, 566

4. Từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, HNTƯ Đảng tại Đình Bảng (Phủ Từ Sơn, Bắc Ninh) do đồng chí Trường Chinh chủ trì, có đồng chí Phan Đăng Lưu, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ tham dự. Hội nghị  nhận định Nam Kỳ chưa có đủ điều kiện bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi, nên quyết định hoãn việc phát động khởi nghĩa ở Nam Kỳ. Đảng bộ Nam Kỳ cần chờ tình hình phát triển ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, sẽ phát động khởi nghĩa theo kế hoạch chung của Trung ương. Đồng chí Phan Đăng Lưu được giao trách nhiệm truyền đạt chủ trương này cho Xứ ủy Nam Kỳ;  Phan Đăng Lưu mới về tới Sài Gòn và bị địch bắt. Thường vụ Xứ ủy đã hạ lệnh khởi nghĩa và gửi đi khắp các địa phương, nên nhiều nơi, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch

5, 6, 7. Xem Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau (1930-1975), Nxb Mũi Cà Mau, 2004, T. 1, tr 87, 86-87, 88

8. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Bông Văn Dĩa có công trong việc vận chuyển vũ khí bằng đường biển từ Bắc vào Nam được Chính phủ phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang

9. Xem Lịch sử Đảng bộ huyện Ngọc Hiển-Sơ thảo (1930-2010), In tại Công ty CPDV-in Trần Ngọc Hy Cà Mau, 2017, tr. 30.