Tóm tắt: Năm 1938, Hội Truyền bá quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội, sau đó lan rộng ra cả nước và hoạt động đến năm 1945. Trong 7 năm hoạt động, Hội Truyền bá quốc ngữ đã góp phần quan trọng vào phổ biến chữ quốc ngữ trên khắp cả nước. Hội đã đóng góp rất lớn cho Đảng và cách mạng bằng việc tuyên truyền giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh trong toàn thể quần chúng nhân dân lao động trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Những thành tựu mà Hội Truyền bá quốc ngữ trong suốt quá trình thành lập và hoạt động luôn gắn chặt với vai trò đặc biệt quan trọng của vị Hội trưởng - Nguyễn Văn Tố.
Từ khóa: Nguyễn Văn Tố; Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ
1. Bối cảnh lịch sử và sự ra đời Hội Truyền bá quốc ngữ
Cuối thế kỷ XIX, từ sau Hiệp ước Patơnốt (6-6-1884), thực dân Pháp bắt đầu áp đặt chính sách cai trị ở Việt Nam, trong đó có việc hạn chế giáo dục đối với nhân dân Việt Nam. Để thực hiện chủ trương trên, chính quyền thực dân dần dần thu hẹp việc mở trường lớp đến mức tối thiểu và kiểm soát gắt gao. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Ngoài mục đích giáo dục để đào tạo tuỳ phái, thông ngôn và viên chức nhỏ đủ số cần thiết phục vụ cho bọn xâm lược - người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ một lòng "trung thực" giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một Tổ quốc không phải là Tổ quốc của mình và đang áp bức mình. Nền giáo dục ấy dạy cho thanh thiếu niên khinh rẻ nguồn gốc dòng giống mình. Nó làm cho thanh thiếu niên trở nên ngu ngốc. Vấn đề nào có liên quan đến chính trị, xã hội và có thể làm cho người ta tỉnh ngộ đều bị bóp méo và xuyên tạc đi”1. Do đó, hậu quả là dưới ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến có hơn 90% người dân Việt Nam không biết chữ. Cùng thời điểm này, ở Việt Nam, quá trình hình thành chữ quốc ngữ kéo dài hơn 300 năm, tuy nhiên cũng chỉ phổ biến trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Phải đợi đến năm 1865, khi tờ Gia Định báo - tờ báo đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ xuất bản thì chữ quốc ngữ mới đi vào công chúng tương đối rộng. Thời gian sau đó, các trường dạy chữ quốc ngữ lần lượt mở, chữ quốc ngữ dần đi vào đời sống xã hội Việt Nam.
Đến những thập niên đầu thế kỷ XX, những người biết chữ quốc ngữ vẫn còn rất ít, nhất là ở khu vực nông thôn. Trình độ dân trí rất thấp, người dân muốn viết đơn, thư cũng phải đi nhờ, đi thuê viết hộ. Bởi vậy, một yêu cầu cấp thiết đối với các tầng lớp trí thức là làm sao có thể cải tiến chữ quốc ngữ để dễ học, dễ đọc, dễ viết… để quảng đại quần chúng nhân dân có thể học được. Tính ưu việt học chữ quốc ngữ so với chữ Hán, chữ Nôm là rất rõ ràng, nhưng việc phổ biến trong nhân dân không dễ dàng, vì thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn cản để dễ bề thực hiện chính sách ngu dân.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đề ra chủ trương mới, đánh dấu sự phát triển giáo dục Việt Nam. “Chánh cương văn tắt của Đảng” đã khẳng định: “Phổ thông giáo dục theo công nông hóa”2. Theo đó, giáo dục là quyền lợi của tất cả người dân Việt Nam không phân biệt địa vị, tuổi tác và giới tính, mọi người có quyền bình đẳng như nhau. Từ đó, các lớp học phổ biến chữ quốc ngữ bắt đầu được mở. Đến những năm 1936-1939, thời kỳ Mặt trận Dân chủ, các quyền tự do được nới lỏng, việc mở lớp và học chữ quốc ngữ có điều kiện phát triển hơn. Năm 1936, khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra hoạt động công khai, nhiều sách báo bằng chữ quốc ngữ, truyền đơn, khẩu hiệu bằng tiếng Việt xuất hiện. Năm 1937, báo chí tiến bộ tiếng Việt và tiếng Pháp đã nhiều lần nêu lên sự cấp thiết phải thành lập một hội chống mù chữ3. Để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị... thì việc dạy chữ quốc ngữ càng trở nên cấp thiết.
Nắm bắt yêu cầu của thực tiễn và tranh thủ tình hình chính trị thuận lợi ở Đông Dương từ khi Mặt trận bình dân lên cầm quyền ở Pháp, cuối năm 1937, đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Ủy viên Trung ương Đảng và đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Xứ ủy viên Bắc Kỳ, phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng ở Bắc Kỳ, đã họp bàn và đề ra chủ trương thành lập một tổ chức chống nạn mù chữ trong nhân dân. Tuy nhiên, để thành lập được một tổ chức hoạt động công khai, hợp pháp tuyên truyền, giác ngộ tinh thần tiến bộ không phải là việc đơn giản, dù tình hình có thuận lợi hơn so với trước. Để được sự đồng ý của chính quyền thực dân cho thành lập và hoạt động được thuận lợi, tổ chức chống nạn mù chữ phải do những nhân sĩ và trí thức tiến bộ đứng ra xin thành lập. Nguyễn Văn Tố - người có uy tín rất lớn trong giới học giả và có nhiều mối quan hệ rộng rãi trong xã hội, nổi tiếng về tài văn chương, ngôn ngữ và tinh thần yêu nước được chọn là người đứng đầu Hội. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, Nguyễn Văn Tố đã nhận lời và tích cực tham gia quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của tổ chức chống nạn mù chữ4.
Hồi ký của Trần Huy Liệu viết: “Theo nghị quyết của Đảng, để tiến tới một tổ chức chống nạn thất học, chúng tôi, một số đồng chí đã họp với một số nhân sĩ để bàn về việc này. Buổi họp tại nhà anh Phan Thanh, trong đó có các anh Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và tôi cùng mấy nhân sĩ là Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim… Hội nghị đi tới việc xin phép thành lập một hội, trước định là Hội Chống nạn thất học”5 và cử học giả Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội Trí Tri đứng ra đảm nhiệm việc làm thủ tục, thành lập và trực tiếp làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ. Với uy tín rất cao của Nguyễn Văn Tố, chủ trương lập Hội Truyền bá Quốc ngữ được giới trí thức hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều nhà trí thức có tên tuổi như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn... đã nhận lời và tích cực tham gia hoạt động của Hội. Theo Điều lệ Hội, việc tổ chức các lớp học, các buổi hội thảo không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh. Thành viên của Hội gồm tất cả các cá nhân, mọi quốc tịch, không phân biệt giới tính, không hạn chế số lượng.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 25-5-1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ ở Bắc Kỳ6, do Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng, chính thức làm lễ ra mắt nhân dân tại Hội quán thể thao An Nam, đường Charles Coulier (nay là phố Khúc Hạo, Hà Nội) và được hàng nghìn người đến tham dự, hưởng ứng. Ông Phan Thanh, Thư ký Hội thay mặt Ban Vận động Trung ương nói về nạn thất học và những mục tiêu, tôn chỉ của Hội. Mặc dù đến ngày 29-7-1938, Thống sứ Bắc Kỳ mới ra quyết định số 3622-A phê duyệt đơn xin lập Hội ngày 8-4-1938 của học giả Nguyễn Văn Tố, nhưng ngày 25-5-1938 đã được coi là ngày chính thức đánh dấu sự ra đời của Hội Truyền bá Quốc ngữ7. Trụ sở của Hội tại số 59 Hàng Quạt chính là trụ sở của Hội Trí Tri, do Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng. Ngày 9-9-1938, Hội đã khai giảng khóa học đầu tiên ở hai khu trường Trí Tri và Thăng Long (Hà Nội) với hơn 800 học sinh. Tiếp sau Hà Nội, Hội Truyền bá Quốc ngữ ở Trung Kỳ được thành lập theo giấy phép ngày 5-1-1939 và Hội Truyền bá Quốc ngữ ở Nam Kỳ ngày 18-8-1944.
2. Đóng góp của Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ
Trên cương vị Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ, Nguyễn Văn Tố có nhiều đóng góp từ quá trình thành lập, hoạt động, phát triển đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chuyển giao sang hình thức tổ chức mới. Quá trình đó thể hiện rõ trên các vấn đề sau:
Xác định rõ mục đích, tôn chỉ, tính chất và chương trình của Hội
Trong quá trình tham gia thành lập Hội, Hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã xác định rõ mục đích, tôn chỉ, tính chất của Hội - một trong những yêu cầu quan trọng để duy trì và hoạt động đúng hướng. Mục đích, tôn chỉ, tính chất của Hội được xác định rõ ràng để nâng cao dân trí, truyền bá những tư tưởng tiến bộ trong nhân dân:
“a. Dạy cho đồng bào Việt Nam biết đọc, biết viết tiếng của mình để dễ học được những điều thường thức cần dùng cho sự sinh hoạt hàng ngày.
b. Cốt cho mọi người viết chữ Quốc ngữ giống nhau…
Chương trình hoạt động của Hội là:
a. Mở lớp học: Có hai loại lớp học cho hai bậc học:
- Lớp học bậc sơ đẳng dạy vỡ lòng cho học viên đọc, viết chữ quốc ngữ và làm được hai phép tính cộng, trừ.
- Lớp học bậc cao đẳng luyện cho học viên đọc, viết thông chữ quốc ngữ và dạy thêm ít điều thường thức và bốn phép tính.
Để việc truyền bá chữ quốc ngữ được mau chóng, Hội yêu cầu những người đã được Hội dạy cho biết chữ phải cố gắng dạy lại cho một số người thất học khác xung quanh mình.
b. Tổ chức các cuộc diễn thuyết: nhằm giảng dạy, phổ biến những điều thường thức cho đồng bào ta.
c. Xuất bản sách: Nhằm bổ khuyết việc học ở lớp. Hội chủ trương biên soạn và xuất bản loại sách thường thức phổ thông về sử ký, địa lý, vệ sinh, khoa học,… để phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
d. Lập thư viện bình dân: Hội định tổ chức hai loại thư viện:
- Thư viện mở ở những nơi nhất định vừa cho mượn sách, vừa tổ chức việc đọc sách tại chỗ.
- Thư viện luân chuyển, lưu động.
… Chương trình hành động của Hội rất phong phú và phạm vi hoạt động của Hội rất rộng”8.
Về việc học chữ quốc ngữ, Nguyễn Văn Tố khẳng định rằng: “Học không những để biết các lẽ hành động của quốc gia, biết những điều chân lý cốt yếu cho đạo xử thế, lại còn để biết mê sự đạo đức bằng người ta mê người đàn bà đẹp, biết đời người có những mục đích cao thượng, nên ra công cố sức mà sống cho xứng đáng. Thực tế: Có học thì mới biết những lý tưởng làm gốc cho quốc hồn: lý tưởng yêu nước, lý tưởng ham học, lý tưởng ăn ở theo đạo đức. Một nhà thông thái nước Pháp đã nói rằng: “Hễ có một cái lý tưởng cao như thế, thì bụng nghĩ việc làm như có ánh sáng vô hạn chiếu qua vào”9.
Như vậy, ngay từ khi thành lập, Hội đã xác định rõ được mục đích, tôn chỉ, tính chất và chương trình… quá trình hoạt động và phát triển của Hội đã chứng minh những điều trên là đúng.
Mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tổ chức của Hội phát triển khắp cả nước
Sau ngày Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời, trên cương vị Hội trưởng, Nguyễn Văn Tố tổ chức các hoạt động của Hội nhằm xóa nạn mù chữ trong nhân dân, chủ yếu là những người dân nghèo, người lao động, người đang phục dịch trong các gia đình quyền quý,... Đồng thời, chỉ đạo mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tổ chức của Hội không chỉ lan rộng ra toàn Bắc Kỳ, mà còn phát triển khắp Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Ngày 5-1-1939, tại Trung Kỳ, Hội Truyền bá quốc ngữ được thành lập. Báo cáo tại Hội nghị giáo khoa toàn quốc tổ chức kỉ niệm 6 năm thành lập Hội từ ngày 29 đến ngày 30-7-1944 nêu rõ: Hội Truyền bá quốc ngữ Trung ương đã mở được 17 chi nhánh ở Bắc Kỳ với 820 lớp học, có 2.903 giáo viên tham gia giảng dạy cho 41.118 người biết đọc, biết viết. Ở Trung Kỳ đã thành lập được 11 chi nhánh. Tại Hà Nội, trong hai năm 1938 - 1939 đã mở được 4 khóa học với hơn 4.000 học viên, học viên tham gia học phần lớn là công nhân, nhân dân lao động ngoại thành10. Tiếp sau Trung Kỳ, ngày 18-8-1944, tại Nam Kỳ, Hội Truyền bá Quốc ngữ chính thức ra đời.
Đến cuối năm 1944, với sự nỗ lực của Hội trưởng Nguyễn Văn Tố và các cộng sự vượt qua muôn vàn khó khăn, cản trở do chính quyền thực dân Pháp gây ra, Hội Truyền bá quốc ngữ đã phát triển và thành lập được 20 chi hội ở Bắc Kỳ, 11 chi hội ở Trung Kỳ và 8 chi hội ở Nam Kỳ. Số giáo viên của Hội lên tới 5.000 người. Hội đã phát triển thành một phong trào rộng ở nhiều nơi trong cả nước, dẫn đến thành lập Tổng Hội. “Trong suốt thời gian ngắn chính thức sinh hoạt, kể từ năm 1939 cho đến 1944, mọi công việc đối nội và đối ngoại của Hội đều hanh thông nhờ biết phát huy tinh thần tự nguyện vì nghĩa lớn dân tộc, cho nên Hội đã sớm được nâng cấp Tổng Hội để đưa được hơn năm vạn người thất học thoát khỏi nạn mù chữ. Đó là một kỳ tích đọng lại nhiều ấn tượng sâu lắng trong lòng quần chúng đang khát khao được học tiếng mẹ đẻ, viết đúng tiếng Việt để có cơ hội tốt đọc được sách báo mở mang dân trí, nâng cao dân khí”11.
Người đi đầu trong phong trào xóa nạn mù chữ và mở rộng tri thức phổ thông
Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Nguyễn Văn Tố còn là người đi đầu trong tổ chức xóa nạn mù chữ và mở rộng tri thức phổ thông. Trong quá trình mở rộng hoạt động của Hội, nhằm đẩy mạnh phong trào xóa nạn mù chữ, Nguyễn Văn Tố cùng những người sáng lập Hội thường xuyên đổi mới cách thức tổ chức, đa dạng trong truyền bá chữ quốc ngữ như: tổ chức các cuộc diễn thuyết nhằm giảng dạy, phổ biến những điều thường thức cho nhân dân; xuất bản sách thường thức phổ thông về sử ký, địa lý, vệ sinh, khoa học,… để phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhằm bổ khuyết việc học ở lớp; lập thư viện bình dân với hai loại: Thư viện mở ở những nơi nhất định vừa cho mượn sách, vừa tổ chức việc đọc sách tại chỗ và Thư viện luân chuyển, lưu động.
Hội Truyền bá quốc ngữ đã có những đóng góp quan trọng đối với việc phát triển văn hóa nói riêng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nói chung. Ngoài việc mở lớp dạy chữ quốc ngữ, Hội Truyền bá quốc ngữ còn tổ chức các buổi diễn thuyết phổ biến kiến thức phổ thông, khoa học thường thức về địa lí, lịch sử,… cho nhân dân để nâng cao dân trí, xây dựng nền tảng vững chắc cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Hội đã giúp hơn 7 vạn người dân thoát khỏi nạn mù chữ, trong đó có 1 vạn người đọc thông viết thạo và biết làm 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia và nắm được một số kiến thức phổ thông về sử kí, địa lí, vệ sinh,…12. Phong trào truyền bá chữ quốc ngữ được đánh giá là một công cuộc phát triển văn hóa quan trọng như Nghị quyết Xứ ủy Bắc Kỳ, tháng 8-1938, nhận định, và như báo Tin tức của Đảng đánh giá: đây là “trường học văn hóa rất rộng lớn cũng là trường học yêu dân, yêu nước”13.
Dưới sự lãnh đạo của Hội trưởng, Hội đã biên soạn và phát hành sách giáo khoa Vần quốc ngữ. Sách gồm hai phần: Phần một hướng dẫn cho giáo viên phương pháp dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ theo cách mới do Hội sáng tạo ra; phần hai dạy tập vần vỡ lòng dành cho học viên. Phương pháp mới của Hội được áp dụng là “phương pháp đọc lên thành tiếng” thay cho phương pháp cũ là “đánh vần từng chữ”14. Sách giáo khoa Vần Quốc ngữ dễ học, dễ nhớ hơn. Do đó, số lượng lớp học, học viên không ngừng được mở rộng thêm về cả số lượng cũng như chất lượng dạy và học. Để việc truyền bá chữ quốc ngữ được mau chóng, Hội yêu cầu những người đã được Hội dạy cho biết chữ phải cố gắng dạy lại cho một số người không biết chữ xung quanh mình.
Với tinh thần ham học, cầu tiến của quần chúng và sự nỗ lực của các hội viên gồm trí thức, học sinh, sinh viên yêu nước, đặc biệt là vai trò của Hội trưởng Nguyễn Văn Tố, truyền bá chữ quốc ngữ mau chóng trở thành một phong trào quần chúng có tổ chức, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Quá trình phổ biến chữ quốc ngữ của Hội thực sự trở thành một phong trào sâu rộng và mạnh mẽ, để lại những tác động, ảnh hưởng to lớn đến xã hội Việt Nam.
Duy trì, kiên định và bảo vệ sự phát triển của Hội
Trước sức ảnh hưởng lớn của Hội Truyền bá quốc ngữ, thực dân Pháp đã ra thông tri mật cho công sứ Pháp ở các tỉnh phải điều tra kỹ lưỡng rồi mới cho lập Chi hội ở địa phương. Hội trưởng Nguyễn Văn Tố nhiều lần bị Sở Mật thám triệu tập ra tra hỏi. Mặc dù dùng mọi thủ đoạn tra xét, áp đặt vô cớ,… nhưng trước những câu trả lời đanh thép và thuyết phục của Nguyễn Văn Tố, chính quyền thực dân không vin được cớ gì để ngăn cản công việc và sự phát triển của Hội. Với ý nghĩa như trên, Hội Truyền bá quốc ngữ thực sự là một tổ chức hoạt động công khai hiệu quả của Đảng. Điều đó cũng cho thấy vai trò và đóng góp quan trọng của Nguyễn Văn Tố trong việc nâng cao dân trí và tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng của dân tộc.
Nguyễn Văn Tố còn thẳng thắn vạch trần âm mưu xuyên tạc lịch sử, tuyên truyền sai sự thật của thực dân Pháp trong buổi lễ khánh thành tượng đài Alexandre de Rhodes ở sau đền Bà Kiệu, gần hồ Hoàn Kiếm. Mặt khác, khi chính quyền thực dân ngỏ ý muốn trợ cấp nhằm thực hiện âm mưu lôi kéo Hội, Nguyễn Văn Tố đã khôn khéo vô hiệu hóa âm mưu đó; đồng thời, uốn nắn kịp thời những hành vi quá khích của một số thanh niên quá “tả” để duy trì và bảo vệ được tổ chức Hội. Luật sư Vũ Đình Hòe đã nhận xét về Nguyễn Văn Tố như sau: “cụ khéo ngoại giao với các cụ lớn Tây, Ta, sách lược khi cương khi nhu, có lùi có tiến, nhờ vậy, Hội nhiều phen vượt thác ghềnh suôn sẻ”15.
Trong 7 năm hoạt động, Hội Truyền bá quốc ngữ đã gây được một phong trào rộng lớn trong cả nước, dạy được khoảng 8 vạn người biết đọc, biết viết và một số điều thường thức cần biết, là “vườn ươm” cho ngành Bình dân học vụ được lập ra sau ngày Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hội trưởng Nguyễn Văn Tố chủ động bàn với Ban Trị sự quyết định và tuyên bố: chuyển toàn bộ tổ chức cùng toàn bộ tài sản vật chất và tinh thần của Hội Truyền bá quốc ngữ sang ngành Bình dân học vụ16. Như vậy, Hội Truyền bá quốc ngữ đã kết thúc sứ mệnh và chuyển sang hình thức mới.
Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ trong toàn dân và sự nghiệp chống nạn mù chữ, vì đã tổ chức được một phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân, đã khơi dậy lòng nhiệt huyết của quần chúng, nhất là lòng yêu nước, tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Hội trưởng Nguyễn Văn Tố là người xác định rõ mục đích, tôn chỉ, tính chất và chương trình của Hội Truyền bá quốc ngữ; mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tổ chức của Hội phát triển khắp cả nước; người đi đầu trong phong trào xóa nạn mù chữ và mở rộng tri thức phổ thông; duy trì, kiên định và bảo vệ sự phát triển của Hội. Trong suốt 7 năm hoạt động, Hội Truyền bá quốc ngữ phải đương đầu với không ít những khó khăn, nhưng với vị thế và trọng trách của mình, Hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã lãnh đạo Hội hoạt động đúng mục đích, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác giáo dục cách mạng của Đảng, nhiều thanh niên đã được giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và trở thành những hội viên các đoàn thể cứu quốc, đoàn viên và đảng viên ưu tú, tích cực tham gia chuẩn bị cho thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sự ra đời, hoạt động, phát triển của Hội Truyền bá quốc ngữ và những thành tựu của Hội đối với sự nghiệp giáo dục, văn hóa, cách mạng của Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng của Hội trưởng Nguyễn Văn Tố.
Ngày nhận bài: 9-8-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 20-10-2024; ngày duyệt đăng: 28-10-2024