Tóm tắt: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam đầy ắp những sự kiện, nhân vật lịch sử rất phong phú, sinh động. Một trong những những nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mang và kháng chiến của dân tộc Việt Nam đó là Nguyễn Văn Tố. Với sự tin tưởng, trọng dụng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên nhiều cương vị khác nhau: Bộ trưởng Bộ cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời, Trưởng ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và nhiều chức vụ khác trong Chính phủ, Nguyễn Văn Tố đã trực tiếp góp phần vào sự phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ khóa: Nguyễn Văn Tố; Chính phủ; Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

1. Cùng Chính phủ giải quyết nạn đói

Mùa Thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Để lo việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ, và đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chế độ thực dân, nhất là hậu quả trực tiếp của chính sách kinh tế thời chiến của Pháp và Nhật trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II đã làm cho nền kinh tế, tài chính đất nước xơ xác, tiêu điều. Nạn đói từ cuối năm 1944 đầu năm 1945 đã làm 2 triệu người Việt Nam chết còn chưa khắc phục được, thì nạn đói mới đang có nguy cơ xảy ra. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ, ngày 3-9-1945, Chính phủ đã quyết định phải chống “giặc đói”, phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất.

Tại buổi khai mạc Lễ phát động phong trào cứu đói được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngày 11-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem phần gạo nhịn ăn của mình đóng góp trước tiên cho “đoàn quân tiễu trừ giặc đói”. Nhân dân khắp nơi tự nguyện thực hiện, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, tháng nhịn ăn ba bữa, đem số gạo đó ủng hộ người nghèo. Trong Lễ phát động đầu tiên, Bộ Cứu tế xã hội đã vận động nhân dân tích cực tham gia và thu được kết quả khả quan. Báo cáo tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 13-10-1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố báo cáo kết quả mà đội quân tiễu trừ giặc đói thực hiện, đã quyên góp được 5 tấn gạo ngay trong ngày đầu tiên ra quân (ngày 11-10).

Ngày 2-11-1945, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội Cứu đói được tổ chức xuống tận các làng. Ban đầu, Hội được thành lập ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Phương pháp hoạt động chủ yếu là tìm nguồn thực phẩm, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ; khuyến khích phát triển sản xuất, mở mang công việc đồng áng và trông nom đê điều; giúp đỡ nhân dân trong việc khai khẩn đất hoang hóa để đưa vào sản xuất.

Thành viên của Hội Cứu đói bao gồm: Hội đỡ đầu (các thành viên phụ giúp hội trong việc mở mang và bảo trợ các công việc); Hội cố vấn (gồm các Bộ trưởng Bộ cứu tế, Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế, Bộ Tài chính,…); và hội viên là những nhà từ thiện, hảo tâm giúp đỡ hội1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp thực hiện chuyến “vi hành” đến các địa phương tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, trực tiếp chỉ đạo thành lập Hội Cứu đói. Vào thời điểm này, đi đâu cũng thấy sự hoạt động không mệt mỏi của Hội Cứu đói. Từ các làng, xã, thôn, bản đến các xí nghiệp sản xuất, các cơ quan đều thành lập các hội lớn, nhỏ để vận động đồng bào đóng góp lương thực ủng hộ người nghèo.

Việc thành lập Hội cứu đói và các hoạt động kêu gọi sự đoàn kết, tương thân tương ái của Chính phủ, đặc biệt là Bộ trưởng Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố, đã khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân ái, đồng cam cộng khổ, đoàn kết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của toàn dân tộc trong hoàn cảnh hiểm nghèo.

Ngày 21-11-1945, Nguyễn Văn Tố tham gia cuộc họp của Hội đồng Chính phủ. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế, Nguyễn Văn Tố đã nêu lên những thành tựu của Bộ Cứu tế trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11-1945. Chỉ trong thời gian 2 tháng, Bộ Cứu tế đã quyên tiền ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tổng cộng tiền ở quỹ cứu tế là 160.000.000. Đồng thời, Bộ Cứu tế đã giao người phụ trách đưa gạo từ Nam ra Bắc và giao gạo cho Hội Cứu đói. Việc sẻ cơm, nhường áo ở một số tỉnh, thành phố đạt nhiều kết quả, nhất là ở Hà Nội2.

Có thể khẳng định chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Cứu tế xã hội đã có đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói có thể còn tái diễn.  

Ngày 28-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 67-SL thành lập Ủy ban tối cao cứu tế và tiếp tế của Chính phủ. Xét thấy yêu cầu và nhiệm vụ của Chính phủ đặt ra là phải thực hiện ngay các biện pháp cứu tế xã hội, ngày 31-12-1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố ký ban hành Sắc lệnh 63 về thành lập Hội cứu tế xã hội. Sắc lệnh yêu cầu ở mỗi miền Bắc-Trung-Nam phải thành lập một cơ sở y tế ở địa phương để có thể thực hiện tốt công tác cứu tế khi đời sống của nhân dân tại địa phương gặp khó khăn. Người dân khi có vướng mắc có thể liên lạc với Hội Cứu tế xã hội của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố và Bộ Cứu tế xã hội đã phát động nhiều cuộc vận động quyên góp ủng hộ người lao động nghèo. Tiêu biểu là cuộc vận động ủng hộ quỹ cứu đói của nhân dân Bắc Bộ do Bộ Cứu tế phát động. Nổi bật là cuộc quyên góp ủng hộ của nhân dân Hà Nội đối với đồng bào nghèo ở trại Giáp Bát đã đạt được: “Tiền: 13.000 đồng; gạo: 2.400 tạ; ngô: 82 tạ; khoai: 17 tạ; sắn: 132 tạ”3. Ngày 29-12-1945 tại xã Phúc Xá và Phúc Tân, Hà Nội đã diễn ra cuộc phát chẩn tiền cho khoảng 4.000 dân nghèo. Số tiền này do Chính phủ giao cho Bộ Cứu tế để làm việc nghĩa.

Nhằm tuyên truyền khích lệ tinh thần quyết tâm đẩy lùi nạn đói, Nguyễn Văn Tố với tư cách là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội quyết định tổ chức nhiều triển lãm về chủ đề “nạn đói” tại phòng truyền thống. Ngày 3-1-1946, Bộ Cứu tế xã hội tổ chức triển lãm “đói” tại phòng truyền thống của Bộ. Tại triển lãm, nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 do phát xít Pháp - Nhật gây ra được tái hiện bằng những hình ảnh rùng rợn. Có thể nói “Đói còn dai dẳng. Chúng ta hãy tưởng tượng đến năm ngoái, cũng hồi này. Và nghĩ xa hơn chút nữa, từ nay đến tháng 6. Đói! Hãy nhắm mắt và tưởng tượng thêm nữa đi… Còn đói! Nhưng chúng ta không thể căm tức để mà căm tức được nữa. Chúng ta phải tự mang bàn tay có thể làm được của chúng ta để giúp nạn đói cho đỡ trầm trọng”4. Thông qua các buổi triển lãm “Đói” đã phần nào tố cáo tội ác của thực dân Pháp - Nhật đối với nhân dân ta. Đồng thời, tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ lạc quyên của đông đảo đồng bào đối với nhân dân lao động.

Để đánh tan giặc đói không chỉ thực hiện những giải pháp cấp cứu trước mắt mà điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề từ gốc: tăng gia sản xuất. Chính phủ đã lập Ủy ban Trung ương phụ trách sản xuất. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Nguyễn Văn Tố đã tích cực chỉ đạo nhân dân tăng gia sản xuất.

Trong nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Nguyễn Văn Tố đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét để tạo điều kiện giúp đỡ tài chính cho việc mua thóc giống, tăng gia sản xuất. Đồng thời, Bộ Cứu tế xã hội đã trực tiếp giúp nông dân mua thóc giống nhằm tăng gia sản xuất. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 29-10-1945, Nguyễn Văn Tố phân tích tình hình và cho rằng “hiện nay, thiếu thóc giống nên cần khuyến khích trồng ngô, khoai sắn và cần BThanh niên lập một bộ đội để gây nên phong trào giồng giọt”5.

Mặt trận quyết định nhất của tăng gia sản xuất cuối năm 1945 đầu năm 1946 là trồng màu. Lúa không còn kịp thời vụ nữa, phải dành phần lớn đất đai để tranh thủ trồng liên tiếp hai vụ màu bù cho phần thiếu hụt về lúa. Đây là giải pháp sáng suốt. Phải trồng màu ngay từ tháng 11-1945 để tháng Giêng đã có thu hoạch khoai lang. Tháng Hai đã có thu hoạch ngô, đậu. Ngay sau đó, trồng tiếp một vụ nữa có thể cho thu hoạch bổ sung vào tháng Ba và tháng tư để chịu đựng được suốt thời kỳ giáp hạt cho đến vụ thu hoạch lúa chiêm vào tháng năm. Kết quả sản lượng màu đã tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Chỉ trong 5 tháng, từ tháng 11-1945 đến tháng 5-1946, đã đạt 614.000 tấn, qui ra thóc là 506.000 tấn, hoàn toàn có thể bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bằng chứng rõ nhất là dân không đói, giá thóc gạo không tăng mà lại giảm. Giặc đói đã bị đánh lui.

Với sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân khắp cả nước cùng đánh đuổi giặc đói, đến cuối năm 1946, nạn đói đã gần được giải quyết. Đánh giá thành tích này trong lễ kỷ niệm một năm độc lập, Quốc khánh 2-9-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”6.

2. Góp phần diệt giặc dốt

Hậu quả của chế độ thực dân để lại trong xã hội ta về lĩnh vực văn hóa thực dân khá nặng nề: hơn 90% dân số không biết chữ, các tệ nạn xã hội như nạn nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, mê tín, dị đoan… rất trầm trọng và phổ biến. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là diệt “giặc dốt” và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần xã hội.

Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân từng bước thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt giặc dốt”, một trong ba thứ giặc đang đe dọa sự tồn vong của nước Việt Nam độc lập.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội đồng thời là một trong những thành viên đã từng hoạt động tích cực trong Hội truyền bá chữ quốc ngữ, Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn cho phong trào diệt giặc dốt.

Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của Nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để đưa dân trí đến với hàng triệu đồng bào. Bộ Cứu tế xã hội phối hợp với Nha bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ chuyên trách và cử về các địa phương để gây dựng cơ sở. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Cứu tế xã hội và Nha Bình dân học vụ đã tổ chức 3 lớp huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ bình dân học vụ cho cấp tỉnh, trong đó có một số khoá dành đào tạo cán bộ cốt cán cho các dân tộc ít người. Khoá huấn luyện đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội mang tên là “Khoá học Hồ Chí Minh” (từ ngày 8 đến ngày 24-11-1945), tại trường Kĩ Nghệ. Khoá học chủ yếu dành cho cán bộ tỉnh từ Thanh Hoá trở ra. Về dự khoá học này có 79 người, trong số đó có 15 là nữ. Tiếp đó, khoá huấn luyện mang tên “Phan Thanh” (mở từ ngày 18 đến ngày 24-11-1945) với 67 người thuộc các tỉnh Trung Bộ. Đặc biệt, một khoá huấn luyện dành cho đồng bào miền núi gọi là khoá học “đoàn kết” (mở từ ngày 28-6 đến ngày 27-7-1946) cho 75 đại biểu thuộc đồng bào dân tộc ít người tham dự. Như vậy, tham dự các khoá huấn luyện bao gồm đầy đủ các giới, đã kinh qua các lớp trong Hội Truyền bá chữ quốc ngữ. Sau khi tham gia huấn luyện, cán bộ, học viên về các địa phương trong cả nước tích cực tuyên truyền, vận động và trực tiếp tham gia dạy chữ cho hàng triệu đồng bào.

Trong lịch sử, người dân chưa bao giờ Việt Nam ham học và đi học đông đến như thế. Nhờ đó, tỉ lệ người không biết chữ giảm xuống, dân trí được nâng lên rõ rệt. Hàng triệu đồng bào được tham gia học tập. Lúc này, học tập trở thành nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân. Nhờ sự đồng sức đồng lòng của quần chúng nhân dân mà nạn mù chữ nhanh chóng được thanh toán với hàng triệu người biết đọc, biết viết. Thành công đó có đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Tố.

3. Góp phần to lớn vào tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946), Nguyễn Văn Tố đã được cử tri tỉnh Nam Định bầu làm đại biểu Quốc hội. Ngày 2-3-1946, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá I đã họp tại Nhà hát lớn, thành phố Hà Nội. Nguyễn Văn Tố được bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị này Nguyễn Văn Tố cùng với tập thể Ban Thường trực Quốc hội có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này.

Về công tác lập hiến, lập pháp, Ban Thường trực Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Tố đã cho ý kiến vào nhiều dự án quan trọng trình Quốc hội như Dự án Luật Lao động, Dự thảo Hiến pháp, đặc biệt là bản Hiến pháp năm 1946.

Tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã dành nhiều thời gian chỉ đạo các tiểu ban của Quốc hội cho ý kiến về các dự án sắc lệnh của Chính phủ; xét 98 dự án Sắc lệnh; thông qua nhiều nghị quyết về nội trị, ngoại giao.

Về công tác đối ngoại, Nguyễn Văn Tố đã cùng Ban Thường trực Quốc hội, Chính phủ thi hành nhiều phương sách thích hợp để cho nhân dân thế giới biết và ủng hộ về khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trong đó, điển hình là việc Ban Thường trực Quốc hội đã cử một phái đoàn của Quốc hội Việt Nam sang thăm Cộng hòa Pháp vào năm 1946; ủng hộ Chính phủ thông qua chủ trương ký Hiệp định Sơ bộ, “giảng hòa với Pháp nhằm giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới...”.

Với vai trò là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Nguyễn Văn Tố đã điều hành những phiên họp quan trọng của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa I vào tháng 11-1946 với sự nghiêm túc và tinh thần dân chủ cao trong Quốc hội. Tại phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam, Nguyễn Văn Tố trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội, trong đó có vấn đề liên quan đến Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nhiều người dân quan tâm. Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện một niềm tin sắt đá: “Nước ta, với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể đồng bào, sẽ giành được độc lập và đi tới vinh quang, hạnh phúc”.

Ngày 3-11-1946, tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá I, một lần nữa Nguyễn Văn Tố lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng không Bộ. Chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội được chuyển cho Bùi Bằng Đoàn7.

4. Người lãnh đạo sâu sát thực tiễn

Sau khi được thành lập, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4-11-1946, Chính phủ kháng chiến họp phiên đầu tiên. Tại cuộc họp, Nguyễn Văn Tố có ý kiến quan trọng, cùng các thành viên Chính phủ góp ý về “Những điểm chính trong chương trình của Chính phủ Việt Nam”. Theo đó, Chính phủ phải tranh thủ được thống nhất và độc lập, kiến thiết quốc gia về phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa và xã hội… Trong những vấn đề đó, có hai vấn đề quan trọng hơn cả là ngoại giao và kinh tế tài chính. Trong lĩnh vực ngoại giao, kiên quyết tranh thủ thống nhất và độc lập. Trong lĩnh vực tài chính kinh tế phải giữ vững chủ quyền quan thuế và ngoại thương. Hai vấn đề này không chỉ có tính quyết định đến tương lai của nước Việt Nam mà còn định đoạt đến quan hệ Việt-Pháp. Chương trình của Chính phủ Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam không có ý định ly khai trong quan hệ hợp tác với Pháp mà sẵn sàng hợp tác với Pháp vì sự thịnh vượng chung cả hai nước. Tuy nhiên sự hợp tác đó phải dựa trên những nguyên tắc tôn trọng tự do và bình đẳng của nước Việt Nam”8.

Sau khi những điểm chính trong Chương trình của Chính phủ Việt Nam được xác định, ngày 12-11-1946, Hội đồng Chính phủ họp bàn về chương trình làm việc 3 tháng của các Bộ. Trên cương vị Bộ trưởng, Nguyễn Văn Tố đã tham gia và có nhiều ý kiến về chương trình làm việc của các bộ. Về công việc Tư pháp, Hội đồng Chính phủ thảo luận các vấn đề: lựa chọn những thẩm phán ở các cấp huyện, tổ chức thanh tra hội các tòa án, trừ nạn hối lộ, lạm thu, lạm tiền công quỹ, thống nhất và giản dị hóa luật tố tụng. Về công việc y tế, Hội đồng Chính phủ tán thành đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế gồm 3 điều: Phổ cập y tế về thôn quê, truyền bá vệ sinh, khuếch trương công việc của Viện Vi trùng học Thuận Hóa. Về giáo dục, khuếch trương bình dân học vụ, phát triển nền đại học mới. Về thanh niên, tổ chức và huấn luyện thanh niên theo hướng về công tác xã hội thiết thực. Về văn hóa, liên lạc với các cơ quan văn hóa ngoại quốc để tìm cách mở mang nền văn hóa Việt Nam…

Một tuần sau cuộc họp trên, ngày 19-11-1946, Nguyễn Văn Tố tham dự cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn về việc bổ nhiệm cán bộ, dự thảo của các bộ và một số vấn đề khác. Hội đồng Chính phủ tiếp tục xét chương trình dự thảo của các bộ: Tài chính, Lao động, Cứu tế, Giao thông Công chính và Canh nông. Ngoài ra, Hội đồng Chính phủ đề cập vấn đề các bộ trưởng đi kinh lý để tiếp xúc trực tiếp với dân chúng…

Thực hiện chủ trương của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố được cử đi Phú Thọ. Trong những ngày kinh lý tại địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã đi sâu, đi sát tìm hiểu cuộc sống nhân dân, tìm hiểu những nhận thức của nhân dân về chế độ mới, về những thuận lợi, khó khăn của nhân dân gặp phải từ đó có cái nhìn sát thực để báo cáo Hội đồng Chính phủ nhằm có chỉ đạo sát đúng hơn.

Ngày 17-12-1946, Hội đồng Chính phủ họp thảo luận những vấn đề do những bộ, sở, quận nêu lên: 1. Vấn đề thưởng phạt các viên chức. 2. Vấn đề giúp đỡ các đồng bào đi lánh nạn. 3. Vấn đề cứu tế. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố sau khi đi công tác tại Phú Thọ về đã đề nghị Hội đồng Chính phủ thảo luận ba vấn đề: Một, đặt một chương trình trồng trọt chung cho các tỉnh; Hai, vấn đề giồng chè và tiêu thu chè ở Phú Thọ; Ba, vấn đề chi tiêu ở các xã9. Sau khi thảo thuận, Chính phủ đã có những quyết định cụ thể về những vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố nêu lên.

Trước ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, các cơ quan chức năng đã chủ động chuẩn bị địa bàn để đón Trung ương, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chiến sự bùng nổ. Đến cuối tháng 12-1946, chiến sự bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cán bộ, viên chức trong cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước đã rời Hà Nội lên căn cứ Việt Bắc10.

Để đảm bảo nguồn lực cho cuộc kháng chiến đấu lâu dài, ngày 31-12-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 5/SL thành lập Ủy ban tản cư và di cư Trung ương; Ủy ban tản cư của các tỉnh, phủ, huyện có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch tản cư, di cư và đề nghị với các bộ kế hoạch sản xuất và động viên nhân dân. Đến ngày 22-1-1947, Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 8/SL cử các thành viên của Ủy ban tản cư và di cư. Ủy ban tản cư và di cư gồm các vị: Bùi Bằng Đoàn: Chủ tịch; Nguyễn Văn Tố: Phó Chủ tịch; Phan Anh: Thư ký; và 8 Ủy viên11.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã cùng Ủy ban thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra trong điều kiện thực dân Pháp đẩy mạnh đánh phá các kho tàng cơ sở vật chất của ta, chỉ đạo sâu sát việc di chuyển cơ sở vật chất quan trọng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và con người lên Chiến khu an toàn, bảo đảm cho kháng chiến lâu dài.

Bước vào Thu Đông 1947, tình hình cuộc kháng chiến có nhiều chuyển biến quan trọng. Về phía Pháp, sau khi mở rộng chiếm đóng ra các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Bộ chỉ huy Pháp ráo riết xúc tiến một cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc. Sáng sớm ngày 7-10-1947, Bộ chỉ huy quân Pháp phát động cuộc tiến công lên Việt Bắc, cánh thứ nhất là nhảy dù xuống Bắc Kạn, Chợ Mới12. Trong cuộc tấn công vào thị xã Bắc Kạn, thực dân Pháp đã bắt được Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố.

Nhìn thấy người có bộ râu thưa, trông chững chạc, nói tiếng Pháp giỏi, lại yêu cầu Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh, một tên đội tây lai nhầm Nguyễn Văn Tố với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến vỗ vai nói: Oh! Monsieur le President! (Ồ! Ngài Chủ tịch). Ngay lập tức Nguyễn Văn Tố bị đưa đến sở chỉ huy của Pháp; đồng thời tin bắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền báo ngay cho Raun Xalăng, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương và tin đã “bắt gọn Chính phủ Hồ Chí Minh” cũng được báo ngay vào Sài Gòn cho Bôla, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương. Nhưng rồi, trước mặt Bôla, chính Xalăng đã báo cáo: “đã bị lầm”13. Khi biết người bị bắt không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Pháp đã bắn chết Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố khi cụ tìm cách chạy trốn.

Nguyễn Văn Tố là vị Bộ trưởng đầu tiên và duy nhất hy sinh trong những năm đầu (1947) của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về sự hy sinh oanh liệt của cụ như sau: "Bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chúng chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố… một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta..."14.

Tin cụ Nguyễn Văn Tố, vị Bộ trưởng đáng kính và là người đại biểu nhân dân qua đời đã làm Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếc thương và xúc động. Trong phiên họp “tất niên” của Hội đồng Chính phủ chuẩn bị đón Tết Mậu Tý - 1948 diễn ra giữa núi rừng Việt Bắc, tất cả thành viên Chính phủ đều có mặt đông đủ (trừ ông Đặng Phúc Thông bị ốm), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bật khóc vì tưởng nhớ cụ Nguyễn Văn Tố. Ðến năm 1948, sau khi vượt qua giai đoạn cầm cự của cuộc kháng chiến, Chính phủ, Quốc hội đã tổ chức lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố tại núi rừng Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố" bằng những lời lẽ trân trọng, thống thiết  với tình cảm tiếc thương sâu sắc:

"Nhớ cụ xưa,

Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu

Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết

Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng

Phú quý công danh, cụ nào có thiết

Ðến ngày dân tộc giải phóng thành công

Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc

Giữ chức Bộ trưởng thì cụ ngày ngày gần gũi nhân dân

Ðại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết".

"Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt

Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ,

thế giới mất một người danh nho.

Cho nên Chính phủ khôn xiết nỗi buồn rầu,

đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc"15 .

Như vậy, chưa đầy một năm giữ chức Bộ trưởng không Bộ, cụ Nguyễn Văn Tố đã bị thực dân Pháp bắt và giết hại, đây là tổn thất to lớn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời điểm quan trọng của cuộc kháng chiến, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Dù trên bất kỳ cương vị nào: Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Trưởng Ban thường trực Quốc hội, Bộ trưởng không Bộ… cụ Nguyễn Văn Tố cũng luôn đem hết tâm sức, trí tuệ và tài năng góp phần vào sự nghiệp kháng chiến. Những đóng góp to lớn cùng tên tuổi Nguyễn Văn Tố còn mãi với non sông, đất nước, mãi được lịch sử khắc khi; gắn với tên đất, tên đường, tên trường học, có sức lay động và thôi thúc lòng người. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, suốt đời vì nước, vì dân của cụ Nguyễn Văn Tố, chung sức, đồng lòng dựng xây đất nước mạnh giàu, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.


Ngày nhận bài: 19-5-2024; ngày thẩm định:22-6-2024; ngày duyệt đăng: 28-6-2024

1.Công báo năm 1945, số 09, ngày 17-11-1945, Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng

2.Biên bản Hội đồng Chính phủ năm 1945, H32C1/01, Bản sao  tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tr 122-133.

3, 4. Báo Cứu quốc số 132, ngày 3-1-1946; Trung tâm lưu trữ quốc gia III.

5.Hồ sơ biên bản Hội đồng Chính phủ năm 1945, H32C1/01, Bản sao lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tr. 81-82

6. Báo Cứu quốc, số ra ngày 19-5-1948.

7. Kỷ niệm 65 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, chiều 4-1-2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã long trọng tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho cụ Nguyễn Văn Tố.

8. Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2005), Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2006, T. 1, tr.278-279

9. Báo Cứu quốc, số 349, ngày 18-12-1946.

10. Khi chiến sự diễn ra ác liệt, hàng ngàn tấn thiết bị máy móc, tài liệu ở trong thành phố được di chuyển về vùng hậu phương. Những máy móc, thiết bị quan trọng nhất được chuyền về Việt Bắc an toàn và đưa vào hoạt động ngay tại địa bàn căn cứ địa chiến lược của cả nước.

11. Việt Nam dân quốc công báo, số 1-1947, tr.3, Tài liệu lưu tạiTrung tâm lưu trữ Quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng.

12. Cánh thứ hai xuất phát từ Lạng Sơn theo Quốc lộ số 4 lên Cao Bằng, sau đó dự định theo quốc lộ 3 tiến xuống Bắc Kạn; cánh thứ ba theo đường thủy từ sông Hồng lên sông Lô, sông Gâm và tìm cách hội quân với hai cánh kia tại Đài Thị, từ đó tỏa ra càn quét các đại phương trong khu căn cứ địa.

13. Vĩnh Thạch:  Sự kiện và Nhân chứng, số 166, tháng 10-2007, tr.9.

14. Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb QĐND,  H, 1995, tr 201.

15. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5,  tr. 545.