Đồng chí Nguyễn Văn Cừ thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ với những đóng góp quan trọng, đặc biệt thể hiện qua các HNTƯ tháng 3-1938, HNTƯ tháng 11-1939 tạo nên những chuyển biến mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam những năm cuối thập kỷ 30 đầu thập kỷ 40 thế kỷ XX.
1. Nguyễn Văn Cừ ngay từ khi còn học ở Trường Bưởi1, với sự nỗ lực của bản thân, đã không chỉ trưởng thành trong việc tiếp thu kiến thức văn hóa, mà còn được bồi dưỡng tinh thần yêu nước và cách mạng. Nguyễn Văn Cừ bí mật tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu quan trọng, như cuốn Đường Cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc và nhiều sách, báo bí mật khác, đồng thời tích cực tham gia công tác của hội. Tại Hội nghị thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ngày 17-6-1929, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Hạ Bá Cang... là những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Trong thời gian bị đày ở Côn Đảo, là người hoạt động thực tiễn, thực hiện khẩu hiệu “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, Nguyễn Văn Cừ tranh thủ học tập, nghiên cứu lý luận. Những năm tháng trong nhà tù đế quốc là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Cừ, cho phép ông có điều kiện nghiền ngẫm, soi xét kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, gắn lý luận với thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận. Đây là giai đoạn chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho giai đoạn kế tiếp của Nguyễn Văn Cừ trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Có thể nói, Nguyễn Văn Cừ là tấm gương say mê học tập lý luận Mác-Lênin, vượt qua những thử thách tù đày, trong hoạt động bí mật, trở thành nhà lý luận mác xít của Đảng, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, giải quyết sáng tạo những vấn đề chiến lược và sách lược đặt ra cho cách mạng Việt Nam.
Tại HNTƯ tháng 3-1938, Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, Đảng đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sục sôi trong cả nước, tạo ra cục diện phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
Ngày 3-9-1939, Chiến tranh thế giới II bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa thi hành chính sách phát xít hóa bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong xứ; ban bố lệnh tổng động viên, thực hiện chính sách kinh tế thời chiến nhằm tăng cường vơ vét sức người, sức của ở Đông Dương phục vụ cho chiến tranh đế quốc. Không khí khủng bố bao trùm, các tổ chức quần chúng có liên hệ với Đảng bị giải tán, báo chí công khai của Đảng bị đóng cửa, nhiều người làm báo bị bắt.
Sự khủng bố của kẻ thù đã gây ra một cảnh sống ngột ngạt về chính trị, gây tổn thất nghiêm trọng cho phong trào cách mạng và cho hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương. Chỉ trong tháng 9-1939, ở Bắc Kỳ có tới 1.051 vụ khám xét, bắt bớ. Tổng số người bị bắt trên cả nước trong tháng 9-1939 là 2.000 người, riêng Nam Kỳ là 800 người2, đa số họ là cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Cả nước có 44/56 đảng bộ tỉnh, thành phố bị đánh phá.
Sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh thế giới II và chính sách cai trị phản động của đế quốc, phát xít Pháp-Nhật đã làm cho sự phân hóa trong các giai cấp, tầng lớp ngày càng sâu sắc; các mâu thuẫn vốn đã chất chồng trong xã hội Đông Dương và Việt Nam ngày càng gay gắt hơn, nổi bật lên là mâu thuẫn giữa đế quốc Pháp-phát xít Nhật và tay sai của chúng với toàn thể các giai tầng trong cộng đồng các dân tộc Đông Dương. Mâu thuẫn đó chi phối sự vận động của lịch sử dân tộc ở Đông Dương thời kỳ này.
Những chuyển biến lớn lao của tình hình thế giới và trong nước đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải đưa ra những quyết sách mới, những phương thức hoạt động mới.
Là người có tư duy chính trị nhạy bén, trước Chiến tranh thế giới II bùng nổ, tháng 8-1938, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nhận định: “cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa sắp tới sẽ là một cuộc chiến tranh do các nước phát xít tiến hành chống các nhà nước dân chủ để phân chia lại thị trường thế giới. Đó sẽ đồng thời là một cuộc chiến tranh chống cách mạng, chống Liên Xô-Tổ quốc của chủ nghĩa xã hội”3.
Ít ngày khi chiến tranh bùng nổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ đề ra chủ trương và các biện pháp bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, chuẩn bị những cơ sở vững chắc, chủ yếu là ở vùng nông thôn, miền núi làm nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, củng cố lực lượng lâu dài. Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí quyết định rút ngay một số cán bộ vào hoạt động bí mật, phân công một số cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ bí mật của Đảng. Nhờ sự nhạy bén đó, khi Toàn quyền Đông Dương ra lệnh đàn áp, khủng bố các hoạt động cách mạng thì các tổ chức đảng đã rút vào hoạt động bí mật, giảm những tổn thất về tổ chức, về cán bộ; một bộ phận cốt cán của các đảng bộ địa phương, của các xứ ủy đã vượt qua sự bắt bớ của kẻ thù, chắp nối lại liên lạc, gây dựng lại tổ chức đảng và phong trào cách mạng.
Ngày 29-9-1939, Trung ương Đảng gửi thông cáo cho các cấp bộ đảng vạch ra những nét đầu tiên về phương hướng và biện pháp hoạt động trong tình hình mới. Thông cáo nêu rõ: “tình hình đã thay đổi nhiều. Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng”4.
Những thay đổi bước đầu phương hướng và biện pháp hoạt động trong tình hình mới đã thể hiện sự nhạy bén về thời cuộc của Đảng, trước hết là của Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tuy nhiên, sự biến đổi nhanh chóng của thời cuộc đòi hỏi Đảng phải tập trung trí tuệ hoạch định những chủ trương mới toàn diện và cơ bản hơn.
2. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn cùng một số cán bộ khác bí mật vào Nam Bộ chuẩn bị cho HNTƯ. HNTƯ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939, được tổ chức tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định), quyết định những chủ trương mới về giải phóng dân tộc, trong đó có công tác bảo vệ, xây dựng Đảng một cách căn bản và toàn diện hơn. Dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (chủ trì) và các Ủy viên Trung ương: Lê Duẩn, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu…
Tài liệu Chính sách mới do Nguyễn Văn Cừ soạn thảo là văn kiện chính thức của hội nghị. Các đại biểu đã thảo luận Tài liệu Chính sách mới, góp nhiều ý kiến bổ sung và thông qua với sự nhất trí cao. Những nội dung cơ bản của Chính sách mới được đưa thành nghị quyết của hội nghị.
Hội nghị quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của Đảng sang hoạt động bí mật; chuyển khẩu hiệu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đổ chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc; thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương…
Hội nghị nhận định Chiến tranh thế giới II là một cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa; từ đó khẳng định: dân chúng bị áp bức sẽ thừa cơ nổi dậy đánh đổ giai cấp thống trị; ở các nước thuộc địa, hết thảy dân tộc bị áp bức sẽ vùng dậy tranh đấu “liều sống, liều chết với đế quốc xâm lược để cởi ách nô lệ”.
Hội nghị phân tích thái độ các giai cấp trong xã hội, xu hướng chính trị của các đảng phái, tôn giáo và xác định rõ mâu thuẫn chủ yếu, gay gắt nhất ở Đông Dương lúc này là mâu thuẫn giữa các dân tộc ở Đông Dương với đế quốc Pháp.
Nghị quyết hội nghị nhận định trong lúc này, tất cả các dân tộc, giai cấp trừ bọn phong kiến tay sai và một bộ phận địa chủ, tư sản phản động; tất cả các đảng phái, trừ bọn phản bội quyền lợi dân tộc đều phải gánh chịu những tác hại to lớn của chiến tranh và càng căm thù đế quốc chủ nghĩa5. Từ đó xác định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập... Sự bóc lột tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh sẽ làm cho dân Đông Dương ngày càng cách mệnh hóa. Cuộc cách mệnh đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ nổ bùng”6.
Hội nghị cho rằng chủ trương, chính sách của Đảng trong thời kỳ vận động Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa. Do đó “chiến lược cách mệnh tư sản dân quyền bây giờ cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới. Cách mệnh phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không thể giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa-cái nguyên tắc chính ấy không bao giờ thay đổi được, nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo thế nào để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc”7.
Trước sự tồn vong của vận mệnh các dân tộc trong xứ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra và thực hiện quyết sách: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương. Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, đặt quyền lợi dân tộc lên hàng đầu cho nên tất cả các vấn đề của cuộc cách mệnh lúc này, kể cả vấn đề ruộng đất, cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết. Trước mắt, Đảng chủ trương chỉ “tịch ký ruộng đất của những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc”8.
Hội nghị đã đưa vấn đề dân tộc vào vị trí trung tâm trong chiến lược của Đảng. Trên cơ sở đó nhận định các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác là đánh đuổi đế quốc, chống tất cả ách ngoại xâm. Đây là một nhận định rất quan trọng của Đảng, đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi chiến lược của cách mạng Việt Nam cho phù hợp yêu cầu khách quan.
Hội nghị chủ trương: phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thực hiện là “một kiểu của cách mạng tư sản dân quyền”. Kết quả của cuộc cách mạng ấy là việc thiết lập được chính quyền dân chủ cộng hoà chứ không phải là chính quyền Xô viết công nông binh như đã đề ra trước đó.
Lực lượng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đoàn kết trong Mặt trận bao gồm tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng dân tộc, thực hiện Đông Dương hoàn toàn độc lập với quyền dân tộc tự quyết, trong đó công nông là lực lượng chính, đặt dưới quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Hơn lúc nào hết, lúc này công nông phải giương cao ngọn cờ dân tộc, vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc mà sẵn sàng bắt tay với tiểu tư sản và những tầng lớp tư sản bản xứ, trung nông, trung tiểu địa chủ căm tức đế quốc vì sự căm tức ấy có thể làm cho họ ít nhiều có tinh thần chống đế quốc.
Một vấn đề quan trọng lần đầu tiên được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đề cập đến trong Dự thảo và được HNTƯ nhất trí thông qua là vấn đề khởi nghĩa vũ trang: Đảng phải cương quyết lãnh đạo phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nhằm vào mục tiêu chung, phản đối đế quốc chiến tranh, chống đế quốc Pháp và bè lũ đế quốc “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”9. Trong đó, đặc biệt quan tâm nhiệm vụ xây dựng Đảng. Trong tình hình địch đang đánh phá ác liệt, tổ chức đảng nhiều nơi bị vỡ, liên lạc không thông suốt, hội nghị chủ trương “Phải lập tức khôi phục hệ thống Trung-Nam-Bắc và làm cho các đảng bộ từ chi bộ đến Trung ương mật thiết liên lạc”10.
Cùng với chủ trương tăng cường các dân tộc đoàn kết thống nhất đánh đổ đế quốc Pháp để đòi Đông Dương hoàn toàn độc lập, hội nghị đã chú ý đề cao “tinh thần dân tộc chính đáng”, tinh thần tự quyết định vận mệnh của phong trào cách mạng ở mỗi nước. Với sự khẳng định tính chất và nhiệm vụ cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc, chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, Hội nghị tháng 11-1939 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã mở ra một thời kỳ đấu tranh mới: thời kỳ trực tiếp chuẩn bị lực lượng mọi mặt để giành chính quyền.
Ngay sau khi kết thúc hội nghị, các đại biểu về ngay các cơ sở để phổ biến và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, mặt khác kịp thời lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của địch. Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Cừ cũng thường xuyên đi kiểm tra trực tiếp các cơ sở, nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn cần khắc phục để đưa phong trào tiến lên. Tuy đã nhiều lần thoát khỏi sự vây ráp của lính kín, mật thám, nhưng do sự truy lùng ráo riết của địch, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sa vào tay kẻ thù ngày 17-1-1940. Mặc dù địch khủng bố, phần lớn ủy viên Trung ương và một số đồng chí lãnh đạo cốt cán của Đảng bị bắt, song các cấp bộ đảng trên cả nước vẫn đẩy mạnh chuyển hướng hoạt động, tích cực chống khủng bố, khôi phục tổ chức, thành lập các tổ chức phản đế theo tinh thần NQTƯ tháng 11-1939.
Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đã nhận thức và xử lý đúng mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng dân tộc dân chủ. Các quyết định của hội nghị ở những vấn đề quan trọng nhất: đường lối chiến lược cách mạng, mục tiêu và động lực cách mạng... đã trở lại đúng quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930. Quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc và đưa vấn đề khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trở thành điều kiện cốt tử cho sự thành công của công cuộc đánh đuổi xâm lược giành lại độc lập, tự do là cống hiến vô cùng quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Nghị quyết của HNTƯ nhanh chóng được phổ biến đến các cấp ủy đảng, trở thành quyết tâm hành động cho toàn Đảng trong thời cuộc mới. NQTƯ tháng 11-1939 được phổ biến trong cả nước, Đảng bộ Nam Kỳ được tiếp thu sớm nhất. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất tất cả các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thể hiện rõ tính chất nhân dân rộng rãi trên cơ sở liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu chống đế quốc Pháp-Nhật, giải phóng dân tộc giành lại quyền độc lập, tự do. Cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học vô giá, đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ, tổ chức hàng vạn quần chúng qua thử thách.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới về năng lực tư duy, sáng tạo và sự nhạy bén chính trị của Đảng. Việc đặt nhiệm vụ phản đế lên trên trước, nhận rõ tính độc lập của nhiệm vụ phản đế đối với nhiệm vụ phản phong chính là sự phát triển quan điểm về vấn đề dân tộc và nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã từng được Đảng đề cập trong “chiến sách mới” vào năm 1936. Sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược thể hiện sự kịp thời sáng suốt về tư duy của Thường vụ Trung ương Đảng, trong đó đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Những nhận định sáng suốt, chủ trương nhạy bén và sáng tạo do hội nghị vạch ra đã được các HNTƯ tháng 11-1940, đặc biệt là HNTƯ tháng 5-1941, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bổ sung, phát triển lên một bước mới, đưa tới thắng lợi lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại năm 1945.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 7-2017
1. Vào những năm này, phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh. Nhiều thanh niên yêu nước, sau khi dự lớp huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã trở về nước hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thành lập các cơ sở cách mạng ở nhiều địa phương, trong đó Trường Bưởi là một cơ sở cách mạng bí mật
2. Xem Huỳnh Kim Khánh: “Chủ nghĩa cộng sản Việt Nam 1925-1945”, Bản dịch lưu tại Viện Lịch sử Đảng
3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 6, tr. 418, 756, 533-534, 536-537, 538, 539, 552, 560.