Bài viết dựa trên cơ sở nghiên cứu những bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được đăng tải trên Tạp chí Lịch sử Đảng (từ năm 2003 đến năm 2017), trên cơ sở đó đề xuất một số ý kiến nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng của Tạp chí.

Từ khoá: Tạp chí Lịch sử Đảng; Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh; Nhân vật-sự kiện

Cán bộ Tạp chí Lịch sử Đảng nghiên cứu thực tế tại Nhà tù Côn Đảo


1. Một số nét về các bài nghiên cứu về Hồ Chí Minh
Nhìn chung, các bài nghiên cứu về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng tải trên chuyên mục cố định của Tạp chí Lịch sử Đảng với chủ đề là Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do tính chất long trọng, vào những tháng, năm kỷ niệm chẵn của ngày sinh, sự kiện nổi bật trong hoạt động của Người (như ngày ra đi tìm đường cứu  nước; ngày thành lập Đảng, Mặt trận, lực lượng vũ trang và thành  lập Nhà  nước mới ở nước ta; ngày về nước...), cũng như các sự kiện hoạt động khác có ý nghĩa lớn trên các phương diện như sự ra đời của các tác phẩm quan trọng đánh dấu sự hoàn thiện, phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh (Đường Cách mệnh, các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, Tuyên ngôn Độc lập), Tạp chí Lịch sử Đảng đã dành chuyên mục đầu tiên để đăng tải các bài viết về Người, bên cạnh đó vẫn duy trì chuyên mục Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trong bài viết, chúng tôi chỉ xem xét từ những chỉ số thông kê và nội dung của các bài đăng tải trong chuyên mục Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh trên Tạp chí Lịch sử Đảng, từ năm 2003, thời điểm bắt đầu phát động cuộc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn quốc, đến hết năm 2017 để thấy những đóng góp của Tạp chí Lịch sử Đảng và sự chuyển mình của giới nghiên cứu về Hồ Chí Minh trong 15 năm qua.      
Theo thống kê, chuyên mục Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 2003 đến hết năm 2017, Tạp chí Lịch sử Đảng đã đăng tải 351 bài, cụ thể: năm 2003 là 17 bài; năm 2004-4 bài; năm 2005-5 bài; năm 2006-9 bài; năm 2007-15 bài; năm 2008-32 bài; năm 2009-26 bài; năm 2010-47 bài; năm 2011-34 bài; năm 2012-37 bài; năm 2013-36 bài; năm 2014-29 bài; năm 2015-30 bài; năm 2016-35 bài và năm 2017-25 bài.
Từ thống kê trên cho thấy số bài đăng trên chuyên mục này đã tăng lên, năm cao nhất là 47 bài (năm 2010). Đặc biệt những năm, những tháng có ngày kỷ niệm chẵn, số lượng bài đăng tải tăng lên, như: năm 2010 kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 47 bài; số 5-2003: 9 bài; số 6-2008: 6 bài; số 5-2010: 19 bài; số 6-2011: 4 bài; số 2-2012: 4 bài; số 5-2012: 6 bài; số 10-2012: 5 bài; số 6-2013: 5 bài; số 7-2013: 5 bài. Những năm sau, số bài viết về Hồ Chí Minh trải đều trong các số (riêng tháng 5 thường số bài có tăng hơn do có kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí  Minh).            
Về số lượng và phân bố các bài viết đăng tải trên chuyên mục Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh: trung bình mỗi năm có 23,4 bài, mỗi số/tháng có 1,95 bài. Điều này cho thấy, Tạp chí đã luôn giữ đúng tôn chỉ mục đích, thường xuyên đăng bài và duy trì đều đặn các bài nghiên cứu về Hồ Chí Minh trong mỗi số.
Cùng với duy trì số lượng bài đăng giữ chuyên mục, Tạp chí đã duy trì và giữ vững được số cộng tác viên nghiên cứu khoa học đóng góp cho chuyên mục này. Số lượng cộng tác viên tăng lên cùng với chất lượng bài được đăng tải cho thấy sự trưởng thành của nhiều nhà khoa học trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh.
Hầu hết tác giả của những bài đăng viết được đăng tải trên chuyên mục là các nhà nghiên cứu, giảng dạy ở các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học, kể cả quân đội, công an, có học hàm, học vị cao. Một số tác giả chưa có học hàm, học vị nhưng lại là những nhà nghiên cứu, sưu tầm tư liệu lâu năm, có kinh nghiệm và cung cấp nhiều tư liệu mới, quý giá. Ngoài ra, cũng có một số ít bài của nghiên cứu sinh và học viên cao học đăng tải trên chuyên mục này. Điều đó cho thấy đội ngũ cộng tác viên của chuyên mục có tính chuyên nghiệp cao và khá tập trung.
Tác giả các bài trong chuyên mục Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều nhà nghiên cứu ở khá nhiều lĩnh vực. Những nhà nghiên cứu, dù được đánh giá cao, nhưng cũng chỉ xuất hiện 2-3 lần/năm ở chuyên mục này. Điều này phản ánh chất lượng của các bài viết trên nhiều vấn đề của chuyên mục được lựa chọn chặt chẽ và các tác giả cũng ý thức cao về chất lượng của chuyên mục.
Chuyên mục là Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh có thể phân loại các bài viết theo các nội dung cơ bản sau: một là, các bài viết về tiểu sử, sự nghiệp Hồ Chí Minh: 82 bài; hai là, các bài viết về tư tưởng Hồ Chí Minh: 228 bài (nhiều nhất); ba là, các bài viết về sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh 42 bài (ít nhất).
Các bài viết về tiểu sử, sự nghiệp Hồ Chí Minh đã có sách xuất bản chính thống nhưng vẫn được chú ý hơn, chú trọng đi sâu vào những sự kiện cụ thể như các bài: “Có hay không sự kiện đồng chí Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Lào trong những năm 1928-1929?” (Đỗ Đức Hinh); “Nguyễn Ái Quốc không có bút danh là Nguyễn Ố Pháp” (Nguyễn Thành); “Chuyện còn chưa biết về vị ân nhân của Bác Hồ” (Nguyễn Thị Cúc); “Khách sạn Nam Dương -di tích về hoạt động của Hồ Chí Minh  tại Liễu Châu, Quảng Tây Trung Quốc” (Nguyễn Thị Liên); “Hồ Chí Minh và sự ra đời của một số tờ báo cách mạng trước năm 1945” (Nguyễn Thị Lai); “Nguyễn Ái Quốc đã từng tới Lào trong những năm 1928-1930?” (Chu Đức Tính). “Bối cảnh lịch sử và diễn biến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Cam Ranh” (Nguyễn Văn Nhật); “Góp phần làm rõ hơn thời điểm Bác Hồ về  thăm quê hương Nghệ An năm 1957” (Trần Văn Thức); “Sự kiện Bác Hồ đến Mỹ” (Song Thành); “Mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với những nhà yêu nước Triều Tiên trong những năm 20 của thế kỷ XX” (Phan Ngọc Liên); “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ trưởng Lê Văn Hiến” (Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Thị Thu Hà); “Nguyễn Ái Quốc với phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp” (Nguyễn Thúy Đức); “Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian tham gia Đảng Xã hội Pháp (1919-1920)” (Vũ Thị Nhị); “Nguyễn Ái Quốc với việc thiết lập đường dây liên lạc giữa Quốc tế Cộng sản với cách mạng Việt Nam (1923-1927)” và “Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1934-1938” (qua một số tài liệu mới sưu tầm) (Chu Đức Tính); “Nguyễn Ái Quốc với tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp” (Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Văn Công); “Hồ Chí Minh với nước Nga” (E.Côbêlép). “Ngày Bác Hồ về nước” (Chu Đức Tính); “Hành trình về nước của Nguyễn Ái Quốc” (Nguyễn Huy Hoan); “Tìm hiểu thêm về Nguyễn Ái Quốc với Hội Liên hiệp thuộc địa  bị áp bức” (Trương Thị Bích Hạnh); “Tìm hiểu thêm về sự kiện Bác Hồ gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Vécxây năm 1919” (Trần Viết Nghĩa); “Thêm một số thông tin về hành trình của Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập” (Phạm Xanh); “Người cố vấn chính trị ở Liễu Châu” (Đỗ Hoàng Linh); “Những năm tháng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sống và hoạt động ở nước Nga” (Lê Văn Tích); “Con đường đến Quảng Châu, Trung Quốc của Nguyễn Ái Quốc” (Phạm Hồng Chương); “Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội ngày 14-10-1954” (Chu Đức Tính)... và một số bài khác có liên quan. Những vấn đề được đặt ra và giải quyết ở mảng nghiên cứu này là cụ thể và trên căn bản đã giải đáp khoa học những câu hỏi đặt ra. Những người viết đều là những người có bề dày làm tư liệu ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh trước đây, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Các bài viết nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh được đề cập trên tất cả các lĩnh vực, tập trung chủ yếu: một là, nghiên cứu tư tưởng về đường lối cách mạng Việt Nam; hai là, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng cách mạng (Xây dựng Đảng, Mặt trận đoàn kết dân tộc, Lực lượng vũ trang và đoàn kết quốc tế); ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội mới (CNXH và thời kỳ quá độ lên CNXH) với các nghiên cứu quan điểm Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao; bốn là, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và xây dựng con người mới xung quanh các chuẩn mực đạo đức con người mới, đạo đức cán bộ, đảng viên, chuẩn mực đạo đức công vụ...; năm là, tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp cách mạng. Trong mỗi nội dung về những vấn đề căn bản trên có nhiều vấn đề xác định giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh và những sáng tạo của Người đối với chủ nghĩa Mác-Lênin trên từng vấn đề. Với số lượng nhiều nhất cho thấy đây là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm hơn cả trong thời gian 15 năm vừa qua.
Các bài viết về sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh tuy rất gắn bó với thực tiễn nhưng số lượng không nhiều. Có thể lý giải vì đây là Tạp chí Lịch sử Đảng. Mặt khác, các bài thường không viết chuyên về vận dụng mà trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng rồi mới chỉ ra sự vận dụng. Sự giao thoa đó làm cho số lượng các bài viết theo thống kê không nhiều, nhưng như vậy không nói lên sự ít chú ý của giới nghiên cứu vào chủ đề này của Tạp chí. Nhưng rõ ràng, nghiên cứu sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều bài sẽ tốt hơn.
     
2. Nghiên cứu về các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước
Nghiên cứu về các nhà lãnh đạo của Đảng và cách mạng nước ta được Tạp chí Lịch sử Đảng dành riêng một chuyên mục là Nhân vật-sự kiện.
Cũng giống chuyên mục Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyên mục Nhân vật-sự kiện dành riêng đăng bài về các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Số lượng bài được đăng trong 15 năm qua là 157 bài. Mỗi năm trung bình có hơn 10 bài.    
Nhìn tổng thể về số lượng bài chưa thật nhiều so với các nhân vật lịch sử của Đảng và cách mạng Việt Nam. Phải chăng do giới hạn về số trang và số lượng các nhân vật lịch sử? Chúng tôi cho rằng, lịch sử của Đảng và cách mạng nước ta là sự góp phần của nhiều cá nhân, do đó cần tìm phương thức giải quyết vấn đề này vì đây là vấn đề lịch sử và lại là lịch sử của Đảng. Làm tốt vấn đề này chắc chắn sẽ làm cho bức tranh lịch sử Đảng trở nên rõ ràng hơn bởi tổ chức hoạt động được là do con người cụ thể.
Một vấn đề khác cũng dễ thấy là, phần lớn những nhân vật lịch sử được các nhà nghiên cứu tập trung và được đăng tải gồm các đồng chí lãnh đạo giữ vị trí cao của Đảng và cách mạng nước ta như: Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trường-Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, Văn Tiến Dũng... Tuy nhiên, các nhân vật lịch sử của Đảng và cách mạng nước ta cần được khai thác thêm ở các vị trí khác nữa mới làm cho chuyên mục này phong phú và toàn diện hơn.   
Mặt khác, các bài viết về các nhân vật lịch sử thường chỉ đăng trong các dịp kỷ niệm ngày sinh thuộc năm chẵn và vì thế số bài viết và đăng về một nhân vật chưa phản ánh toàn diện để độc giả tham khảo. Nên chăng cần mở rộng số trang của chuyên mục này để tăng cường số lượng bài thường xuyên hơn, phong phú hơn.
 
3. Đôi điều suy nghĩ
Một là, phải khẳng định những ưu điểm của chuyên mục Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh và Nhân vật-sự kiện đăng tải trên Tạp chí Lịch sử Đảng trong thời gian 2003-2017, đặc biệt là những năm gần đây. Đó là sự nghiêm túc trong thực hiện tôn chỉ mục đích được thể hiện qua số lượng bài viết và chất lượng nội dung của các bài viết. Chúng tôi cho rằng cần phát huy những ưu điểm này để giữ đúng tôn chỉ mục đích của Tạp chí xét riêng đối với hai chuyên mục Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh và Nhân vật-sự kiện.
Hai là, sự nghiêm túc nói đây chỉ ra một ưu điểm khác là Tạp chí đã có một đội ngũ cộng tác viên phong phú, chất lượng cao để có thể giải quyết những vấn đề về nội dung trong một thời gian dài. Điều này cần được duy trì, phát triển hơn nữa đội ngũ cộng tác viên trong tương lai để các chuyên mục này tiếp tục nối tiếp được những ưu điểm về nội dung.    
Ba là, nghiên cứu Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoài nghiên cứu cơ bản về tư tưởng ngày càng đi vào chiều sâu là cần thiết, tuy nhiên cần chú ý cân đối mảng nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện hiện nay thì sẽ có nhiều giá trị nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của đội ngũ cộng tác viên cũng như sự chú ý của đội ngũ cán bộ biên tập-xuất bản Tạp chí trong việc đặt bài theo chủ đề hàng năm; thậm chí hàng số.
Bốn là, cần mở rộng việc nghiên cứu các nhân vật lịch sử. Làm tốt điều này sẽ giúp rõ hơn không chỉ sự cống hiến của các nhân vật lịch sử, mà thông qua đó làm sáng tỏ hơn nữa bức tranh hoạt động của Đảng ở trên mọi lĩnh vực, qua các thời kỳ lịch sử; bằng những luận cứ khoa học và thực tiễn của Đảng góp phần đấu tranh chống lại những luận điệu tuyên truyền chống phá nhằm vào các nhân vật lịch sử để hạ uy tín của Đảng, của lãnh tụ. 
Nghiên cứu về Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh và các nhân vật lịch sử của Đảng và cách mạng là một quá trình và điều đó cũng có nghĩa là việc đăng tải của Tạp chí Lịch sử Đảng với hai chuyên mục được nêu trên đây cũng không thể làm trong thời gian ngắn khi số lượng trang đăng tải có hạn. Bởi vậy, những ý kiến trên của chúng tôi là vấn đề mong mỏi đặt ra để Tạp chí Lịch sử Đảng có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, toàn diện. Tin chắc rằng, trong thời gian tới, Tạp chí Lịch sử Đảng sẽ duy trì được những ưu điểm, có nhiều đổi mới theo hướng phát triển trong việc thực hiện hai chuyên mục đặc biệt này.