Lời Ban Biên tập: Phan Thanh (1908-1939) là nhà báo, nhà hoạt động xã hội. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Phan Thanh đã gặp gỡ, giao lưu với nhiều trí thức yêu nước, hòa nhập vào bầu không khí của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thập kỷ 30 thế kỷ XX. Ông gia nhập Đảng Xã hội Pháp (SFIO) và được cử làm Phó Thư ký Chi nhánh Bắc Đông Dương, Thư ký Chi đảng Hà Nội của SFIO; tham gia thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ và được cử làm Thư ký của Hội. Năm 1937, ông trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ và được cử vào Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương. Sau đó, ông tiếp tục trúng cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội với số phiếu cao. Tạp chí Lịch sử Đảng trân trọng giới thiệu bài viết của GS, TS Tạ Ngọc Tấn với góc nhìn: Phan Thanh là một “chiến sỹ xã hội” và một nhà báo lành nghề và lão luyện.

Nhà báo Phan Thanh; chiến sĩ xã hội

1. Phan Thanh - Một “chiến sĩ xã hội”

Phan Thanh sinh ngày 1-6-1908 ở làng Bảo An, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Bảo An quê ông nằm bên bờ sông Thu Bồn, là một trong số 24 làng thuộc vùng Gò Nổi, một vùng đất nổi tiếng với những nhân vật đã đi vào lịch sử dân tộc như Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ... 

Gia đình dòng họ nhà Phan Thanh có truyền thống yêu nước, Nho học, có nhiều người học hành đỗ đạt. Ông nội Phan Thanh là Phan Khắc Nhu đỗ cử nhân năm 1847, làm quan đến chức án sát tỉnh Nam Định rồi từ quan về sống ở quê. Bác ruột ông là Phan Trần (cha nhà văn Phan Khôi), đỗ phó bảng năm 1895, đang làm tri phủ ở Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cũng từ quan về làng dạy học. Cha Phan Thanh là Phan Định (1868-1929) theo học chữ Nho nhưng không đi thi, làm thư ký cho một hãng bán thuốc Bắc. Ông Phan Định là một người yêu nước, ghét Tây, tính tình khẳng khái. Có lần, ông đã từng dùng ô làm gậy đánh lại tên chủ đồn điền hống hách người Pháp.

Mẹ Phan Thanh là bà Lê Thị Tiếu (1871-1947), con cử nhân Lê Đăng Cung, một nhà nho nổi tiếng ở xã Nông Sơn, huyện Điện Bàn. Ông đã đỗ cử nhân, từng là thầy dạy của Trần Quý Cáp, Phạm Liệu.

Ông bà Phan Định và Lê Thị Tiếu sinh được 12 người con, 7 trai, 5 gái, trong đó có 2 con trai và 2 con gái mất từ khi còn nhỏ. Ba người chị gái của Phan Thanh đều là đảng viên Đảng Cộng sản. Phan Thanh có 4 người anh, em trai, cả 4 người đều tham gia hoạt động yêu nước, cách mạng, trong đó người em kế ông là Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam (1911-1947) là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (dưới thời Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng) đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phan Thanh được cha mẹ cho ăn học chu đáo. Lên 8 tuổi, Phan Thanh vào học trường tiểu học ở làng. Sau khi tốt nghiệp Sơ học yếu lược, ông được ra Hội An học tiếp. Ông học giỏi, tốt nghiệp xuất sắc và nhận bằng tiểu học Pháp - Việt, rồi thi đỗ vào trường Quốc học Huế. Trường Quốc học Huế được chính quyền thực dân Pháp sử dụng làm nơi đào tạo công chức cho bộ máy cai trị của mình, nhưng nó lại trở thành một trong những trung tâm của phong trào thanh niên, học sinh yêu nước. Nhiều thế hệ thanh niên yêu nước đã trưởng thành từ mái trường này, dấn thân vào con đường cách mạng. Những năm tháng học tại Trường Quốc học Huế không chỉ mang lại cho Phan Thanh mảnh bằng, mà còn giúp cho ông tiếp xúc nhiều với sách báo tiến bộ, mở rộng tầm hiểu biết về tình hình đất nước và các phong trào xã hội, kết nối bạn bè với nhiều thanh niên học sinh có tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, giải phóng quê hương, đất nước.

Năm 1926, Phan Thanh tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, nhận bằng Cao đẳng Trung học Pháp - Việt. Mặc dù có học lực tốt, giỏi tiếng Pháp và có chứng chỉ về năng lực sư phạm, song đầu năm 1927, ông được điều đi dạy tại Trường tiểu học ở châu Ngọc Lặc, miền núi xa xôi phía tây Thanh Hóa. Người Pháp muốn đẩy ông đi xa khỏi các trung tâm đô thị để hạn chế điều kiện tham gia hoạt động chính trị. Tuy ở xa nhưng ông vẫn giữ liên lạc với bạn bè và một số tờ báo đã cộng tác. Mấy tháng sau khi Phan Thanh nhận việc, một cuộc bãi khóa nổ ra tại trường. Do nghi ngờ có liên quan đến cuộc bãi khóa đó, Phan Thanh bị Khâm sứ Trung kỳ quyết định cách chức giáo học và sa thải ngay trong năm 1927.

Sau khi rời khỏi trưởng tiểu học ở châu Ngọc Lặc, Thanh Hóa, Phan Thanh trở về quê sống với gia đình. Trong thời gian này, được gia đình vun vén, ông kết hôn với Lê Thị Xuyến, nữ sinh Trường Đồng Khánh đã tốt nghiệp Thành trung và được giữ lại trường làm giáo viên1. Năm 1928, sau khi cưới vợ, Phan Thanh một mình ra Hà Nội. Thời gian đầu, ông ở nhà riêng của người em họ ngoại là nhà thơ Lê Hằng Phương có chồng là học giả Vũ Ngọc Phan. Được hai người này giới thiệu, ông bắt đầu đi dạy Pháp văn cho các trường tư. Lúc đầu là Trường Gia Long, sau chuyển sang dạy Pháp văn cho Trường Thăng Long2.

Ở Hà Nội, Phan Thanh vừa dạy học kiếm sống, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông tham gia thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ và được cử làm Thư ký của Hội; gia nhập Đảng Xã hội Pháp (SFIO) được cử làm Phó Thư ký Chi nhánh Bắc Đông Dương, Thư ký Chi đảng Hà Nội của SFIO. Năm 1937, Phan Thanh được Mặt trận Dân chủ, một tổ chức do Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo, giới thiệu tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông đã trúng cử với số phiếu cao và được cử vào Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương. Cuối năm 1938 và đầu năm 1939, Phan Thanh hai lần ứng cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội đều trúng cử với số phiếu cao. Trong các diễn đàn công khai thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936-1939, Phan Thanh nổi lên như một chiến sỹ xã hội nổi tiếng, với tinh thần yêu nước, tiếng nói nhiệt huyết bảo vệ quyền lợi của nhân dân, của đất nước. Trần Huy Liệu, một người cộng sản thuộc nhóm Tin tức đã nhận xét: “trong cuộc đấu tranh tại nghị viện Trung, Bắc Kỳ và Hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương, nổi bật lên chỉ có Phan Thanh là người của chúng ta”3.

Ngày 1-5-1939, Phan Thanh đột ngột ra đi mãi mãi do bạo bệnh khi mới 31 tuổi. Báo Tiếng Dân số ra ngày 6-5-1939 đưa tin: “ông Phan Thanh, dân biểu Trung Kỳ (địa hạt Đại Lộc, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã hai lần dự Đại hội đồng Kinh tế - Tài chinh Đông Dương, tạ thế tại nhà thương Hà Nội buổi sáng ngày 1-5 vì bệnh đau mụn ở sau lưng hưởng thọ 31 tuổi”. Báo Notre Voix đưa tin với 2 dòng tít lớn: “Một lễ tang đồ sộ và cảm động. Hơn 10.000 người đã vĩnh biệt trọng thể đồng chí Phan Thanh”. Trong phát biểu nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mất của Phan Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại một kỷ niệm thật xúc động rằng, ngày Phan Thanh mất, chị Nguyễn Thị Quang Thái đã chuyển cho đại diện gia đình là ông Phan Nhụy một chiếc huy hiệu búa liềm, biểu trưng của Đảng Cộng sản, để đặt lên ngực ông Phan Thanh lúc khâm liệm. Và, Đại tướng khẳng định: “Đối với tất cả những người Cộng sản chúng tôi lúc đó thì từ đấy Phan Thanh đã thực thụ là người Cộng sản”4.

2. Nhà báo Phan Thanh - “Một cây bút lành nghề và lão luyện”

“Ở tuổi 30 mà anh Phan Thanh đã xuất hiện trong báo trường như một cây bút lành nghề và lão luyện...”5. Đó là nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà giáo đồng nghiệp cùng dạy tại Trường Thăng Long, một nhà báo cùng lăn lộn trên mặt trận báo chí công khai thời kỳ 1936-1939 với Phan Thanh.

Là người học giỏi, ham hiểu biết, quan tâm nhiều đến tình hình chính trị-xã hội của đất nước, ngay từ khi đang học ở trường Quốc học Huế, Phan Thanh đã rất chú ý tìm đọc các sách, báo tiến bộ. Ông có cảm tình đặc biệt với tờ La Cloche Fêlée6 (Tiếng Chuông rè) của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Tờ báo như một luồng gió mới, mang đến cho anh thanh niên Phan Thanh nhiều điều mới mẻ về thế giới bên ngoài, từ những tư tưởng triết học, những học thuyết cách mạng, đến sự tồn tại của chế độ xã hội tốt đẹp ở Liên bang Xô viết, nơi không có áp bức, bóc lột, con người sống tự do, bình đẳng. Trong một bài viết của mình, Phan Thanh nói rằng ông đã “đọc ngấu nghiến” những bài trên tờ báo đó. Sau khi báo La Cloche Fêlée đổi tên thành L’Annam (tháng 5-1926) và Phan Văn Trường làm Giám đốc báo, Phan Thanh vẫn là độc giả trung thành. Những bài báo đầu tiên của ông với bút danh Trạc Anh được đăng trên tờ báo này. Theo tác giả Phan Vịnh, có thể có không ít bài báo với bút danh Trạc Anh được đăng tải trên báo L’Annam, tuy nhiên mới tìm thấy 2 bài là: “Quel singulier Resgime dans un college” (Chế độ lạ lùng ở một trường trung học) đăng năm 1926 và bài “Entretien avec Français nouvellement débarqué” (Nói chuyện với một người Pháp vừa cập bến) đăng ngày 12-5-1927. Bài “Chế độ lạ lùng ở một trường trung học” phê phán đích danh Giám đốc Trường Quốc học Huế Bourotte, người đã lén lút theo dõi, bóc trộm thư từ, bưu phẩm, tịch thu sách báo, đe dọa và trừng phạt những học sinh yêu nước. Trong bài báo “Nói chuyện với một người Pháp vừa cập bến”, Phan Thanh kể câu chuyện về cuộc gặp gỡ, đối thoại với một người Pháp vừa tới Việt Nam, đang tìm đường đến bưu điện thành phố. Khi thấy tác giả cầm trên tay tờ báo L’Annam, vị khách người Pháp hỏi:

- “Xin lỗi, anh cũng đọc tờ báo này ư? Ở Bắc Kỳ, tôi cũng thấy tờ báo này trong tay những người trẻ trạc tuổi anh. Này, nếu tôi không nhầm thì đây là một tờ báo chống lại những người Pháp, có phải thế không?”

- “Không phải tất cả mà chỉ chống lại những người không công bằng và vô nhân đạo thôi”7.

Cuộc gặp gỡ và đối thoại đó có thể chỉ là màn kịch hư cấu, không có thật, nhưng quan điểm, thái độ của tác giả về chế độ cai trị của thực dân Pháp, về những người đại diện cho nước Pháp đang làm việc trong bộ máy cai trị đó, thì rất thật. Đó là thái độ phản đối, lên án thẳng thắn, không úp mở. Đây là hai bài báo được viết khi Phan Thanh còn rất trẻ, mới khoảng 17-18 tuổi, báo hiệu sự khởi đầu cho một cuộc đời đấu tranh không khoan nhượng của một chiến sỹ xã hội, chống áp bức ngoại bang, vì dân tộc độc lập, dân sinh ấm no, hạnh phúc.

Theo Phan Vịnh, ông còn tìm thấy 25 bài báo ký tên Phan Thanh đăng trên báo L’écho Annamite (Tiếng vọng An Nam) của Nguyễn Phan Long xuất bản ở Sài Gòn chủ yếu vào các năm 1924-1925 và còn rải rác đến năm 1930. Đây là thời kỳ Phan Thanh còn rất trẻ, mới chỉ 16-17 tuổi, đang trên ghế nhà trường trung học. Các bài báo này viết về những chủ đề đa dạng, từ chính trị, kinh tế đến xã hội, văn hóa, quốc tế. Ví dụ các bài về kinh tế: “La Cochinchine importatrice de café” (Nam Kỳ nhập khẩu càphê); “La taxe excessive de marchés constitue une entrave au commerce” (Thuế chợ tăng gây cản trở cho thương mại); “La visite đe la mission Japonnaise” (Cuộc đi thăm của phái bộ Nhật Bản); các bài về văn hóa như “Pour la statue de Pétrus Ky”(Về xây dựng tượng Petrus Ký); “Supertitions et occultisme chez les annamites” (Mê tín dị đoan và khoa học thần bí ở người Việt Nam); hay về lĩnh vực chính trị: “Une controverse au Conseil colonial” (Một cuộc tranh luận ở Hội đồng thuộc địa); “Communisme ou sociétés secrètes” (Chủ nghĩa cộng sản hay là những hội kín), v.v..

Song, theo ý ông Phan Vịnh “vẫn phân vân Phan Thanh ký tên dưới những bài báo trên có phải là Phan Thanh con cụ Phan Định không?” với các lý do: Thứ nhất, các bài báo đó đều viết về những chuyện trong Nam Kỳ, trong khi Phan Thanh đang ở Huế, làm sao có được thông tin. Thứ hai, năm 1924 Phan Thanh mới 16 tuổi, với tuổi ấy liệu Phan Thanh đã viết báo tiếng Pháp chưa? Thứ ba, theo thông tin đã rõ, trong thời kỳ đó Phan Thanh đang đọc và chuẩn bị cộng tác với tờ La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh và L’Annam của Phan Văn Trường, mà chưa có ai nói rằng ông đã viết cho L’Écho Annamite.

Tuy nhiên, theo chúng tôi có thể tin rằng các bài báo đó là của tác giả Phan Thanh con cụ Phan Định bởi các lý do sau: Thứ nhất, thời kỳ những năm 1924-1930, báo chí Sài Gòn đã phát triển khá phong phú, thu hút cả một số nhà báo từ miền Bắc vào đây hành nghề. Theo nhà nghiên cứu báo chí Nguyễn Thành, năm 1925, cả nước ta có 121 tờ báo, riêng Nam Kỳ đã có 49 tờ, trong đó 29 báo tiếng Pháp, 10 báo tiếng Việt. Bằng đường bưu điện, báo Sài Gòn có thể phát hành đến những bạn đọc thường xuyên ở Huế sau vài ba ngày đến 1 tuần. Và qua các tờ báo ở Sài Gòn, Phan Thanh có thể có được thông tin về các vấn đề, sự kiện từ Nam Kỳ. Hơn nữa, các bài viết của Phan Thanh là các bài bình luận, phân tích vấn đề, nên yêu cầu cập nhật thông tin không phải là quá cấp thiết. Thứ hai, bắt đầu viết báo ở lứa tuổi 16 như Phan Thanh không phải là quá hiếm. Những người như Võ Nguyên Giáp viết báo từ khi học trung học, Lưu Quý Kỳ - 16 tuổi đã có truyện ngắn đăng báo, Vũ Bằng - 17 tuổi đã xuất bản tác phẩm Lọ văn, v.v.. Thứ ba, việc đọc và hợp tác với La Cloche Fêlée, L’Annam không phải là lý do để để Phan Thanh không viết cho L’Écho Annamite. Ngược lại, có thể đó lại là chất kích thích để anh thanh niên Phan Thanh đang hừng hực bàu nhiệt huyết, giỏi Pháp văn, muốn viết báo để thử sức và thể hiện năng lực của mình. Tất nhiên ý kiến của chúng tôi cũng chỉ là suy luận, không thể coi là câu trả lời chưa thật chắc chắn.

Khi ra Hà Nội, người thanh niên yêu nước, đầy lòng tự trọng Phan Thanh có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với nhiều trí thức yêu nước, hòa nhập bầu không khí của cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến, lúc âm thầm, lúc bùng nổ sôi nổi nhưng chưa bao giờ ngưng nghỉ ở trung tâm chính trị hàng đầu của đất nước. Khi phong trào Mặt trận dân chủ mở ra, Phan Thanh lại càng có điều kiện thuận lợi để thi thố tài năng, thể hiện hoài bão đấu tranh của mình. Cùng với các hoạt động chính trị - xã hội khác, ông liên tục cộng tác và viết bài cho các tờ báo, nhất là các tờ báo tiến bộ, cách mạng do Đảng Cộng sản chủ trương như: Le Travaille, Ressemblement, Le Peuple, An Avant, Demain, Notre Voix, La Vie Républicaine, Thời thế, Tin tức, Đời nay, v.v..

Là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, nhà hoạt động chính trị-xã hội nổi tiếng khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ, người giỏi tiếng Pháp, nhiều bài báo của Phan Thanh gây được tiếng vang, được nhiều người tìm đọc. Vì điều kiện đặc biệt của những người hoạt động cách mạng, để tránh bị mật thám theo dõi, bắt bớ nên phần lớn các bài báo của ông đều lấy bút danh bí mật. “Do đó mà biết rất ít Phan Thanh đã viết gì và viết như thế nào” đúng như nhận xét của Phan Vịnh. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, Phan Bôi - người em trai của Phan Thanh, cũng đang hoạt động ở Hà Nội trong nhóm những người cộng sản đang sử dụng diễn đàn báo chí công khai và nửa công khai làm vũ khí đấu tranh, tập hợp lực lượng cách mạng. Phan Bôi chính là một trong số những người trực tiếp tổ chức làm các tờ báo Le Travaille, Notre Voix, Tin tức... Phan Thanh và Phan Bôi là anh em, cũng là đồng chí, cùng chung lý tưởng đấu tranh cách mạng. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để Phan Thanh tham gia viết nhiều hơn cho các báo do những người cộng sản chủ trì.

Mặt khác, có một kênh thông tin có thể cho chúng ta biết được một phần về hoạt động báo chí của Phan Thanh thời kỳ này. Đó là các tài liệu theo dõi, các báo cáo của mật thám và chính quyền cai trị. Sogny - Chánh mật thám Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã viết trong một báo cáo: “Báo Notre Voix sống được là nhờ tinh thần hy sinh của một số chiến sỹ cách mạng và người cảm tình như mấy người sau đây đã giành một phần lương của mình, nộp vào quỹ báo khoảng 80 đồng/tháng: Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Phan Thanh...”8. Cũng theo tài liệu của mật thám Pháp, Phan Thanh còn tham gia hoạt động báo chí ở miền Trung, nhất là thời gian ông tham gia Viện Dân biểu Trung Kỳ. Nhất cử, nhất động của Phan Thanh liên quan đến báo chí đều bị mật thám Pháp theo dõi. Báo cáo của Chánh mật thám Sogny ngày 17-6-1938 ghi rõ “Theo nguồn tin đáng tin cậy, gần đây Phan Thanh dân biểu Trung Kỳ, giáo sư trường Thăng Long đã đến Huế làm việc với các đồng chí của mình để tổ chức lại tờ báo Dân của Nguyễn Đan Quế”. Cũng Sogny trong báo cáo N.391 ngày 7-9-1938 còn cho rằng, Phan Thanh là thành viên “Ban Trị sự, biên tập, tư vấn của báo Dân”.

Với tư cách là đảng viên Đảng Xã hội - SFIO, Phan Thanh cùng các đồng chí của mình là Phan Tử Nghĩa, Trần Đình Tri, phối hợp với các đảng viên người Pháp để ra báo Demain (Ngày mai). Báo Demain cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Xã hội ra số đầu tiên tháng 11-1938. Mặc dù báo công khai truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đưa nhiều tin tức, bài viết theo hướng bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động, song cũng có khi đăng tải các bài viết bảo thủ, đứng về phía nhà cầm quyền, phê phán những người cộng sản. Điều đó là không tránh khỏi vì bí thư tổ chức SFIO, cũng là người chủ trì báo là Capuýt (Caput), rồi đến Lơme (Lemaire), những người Pháp đang phục vụ trong hệ thống chính trị của thực dân Pháp tại Đông Dương. Ngoài ra, trong tòa soạn còn có cả những phần tử cơ hội chủ nghĩa, tơrôtkít. Trong báo Demain cũng như tổ chức Đảng Xã hội ở phía Bắc, Phan Thanh là người luôn đứng về phía cách mạng, bảo vệ đường lối hợp tác và ủng hộ những người cách mạng. Trong hồi ký của mình khi nói về tình hình đội ngũ các đảng viên Đảng Xã hội làm việc ở báo Demain, Trần Huy Liệu cho rằng, chỉ có một số người “là anh em ta như Phan Thanh, Phan Tử Nghĩa và mấy người nữa có cảm tình với ta”9.

Cuộc đời hoạt động xã hội và làm báo của Phan Thanh tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại dấu ấn rất đậm nét trong xã hội đương thời cũng như trong lịch sử báo chí yêu nước, cách mạng Việt Nam.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 6/2023

 

1. Bà Lê Thị Xuyến kém Phan Thanh 1 tuổi, người xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Về sau, bà tham gia Cách mạng Tháng Tám, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, được bầu làm đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa V, giữ chức Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiều năm. 10 năm sau khi Phan Thanh mất, bà Lê Thị Xuyến tái giá với ông Lê Văn Hiến, một nhà hoạt động cách mạng kỳ cựu, cũng là đại biểu Quốc hội từ khóa I, đã giữ nhiều chức vụ cao cấp trong chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Lào

2. Trong lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, Trường Thăng Long như một địa chỉ đỏ, một mái ấm nuôi dưỡng chở che cho nhiều nhà cách mạng. Nhiều lãnh tụ cách mạng, trí thức yêu nước nổi tiếng đã từng làm việc ở đây như: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hòe, Bùi Kỷ, Phan Anh, Nguyễn Xiển, Nguyễn Xuân Yêm, Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Bùi Kỷ, Nguyễn Lân, Nguyễn Cao Luyện, v.v.. Nhiều học sinh của Trường Thăng Long đã đi theo con đường cách mạng, hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hay trở thành cán bộ trung kiên của Đảng Cộng sản và Nhà nước dân chủ nhân dân sau này như: Đào Duy Kỳ, Trần Đình Tri, Nguyễn Thọ Trân, Lê Quang Đạo, Trần Quang Huy, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Nguyễn Thành Lê, Lý Chính Thắng, Đào Thiện Thi, v.v..

3, 9. Phạm Như Thơm (sưu tầm, tuyển chọn và chỉnh lý): Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb Khoa học xã hội và Maihabooks, H, 2020, tr. 220, 230

4, 5. Phan Vịnh: Phan Thanh - anh là ai? (xuất bản lần thứ hai có chỉnh sửa, bổ sung), Nxb CTQG, H, 2019, tr. 15, 14

6. Báo La Cloche Fêlée do Nguyễn An Ninh sáng lập và làm Chủ nhiệm, ra số đầu ngày 10-12-1923. Tháng 6-1925, Phan Văn Trường thay Nguyễn An Ninh làm Chủ nhiệm. Tháng 5-1926, báo đổi tên thành L’Annam và đình bản ngày 2-2-1928

7. Trích theo: Phan Vịnh: Phan Thanh, anh là ai?, Sđd, tr. 440. Nguyên văn tiếp Pháp: “Pardon, mais vous lizez aussi ce journal, vous? Je l’ai vu au Tonkin entre les mains des jeunes gens de votre âge. Tiens, si je me trompe, c’est un organe d’attaque contre les Français, pas vrai? Non pas contre tous, mais contre les injustes et les inhumains”

8. Các tài liệu của mật thám Pháp trong bài viết này đều trích dẫn từ sách: Phan Vịnh:  Phan Thanh - anh là ai? (xuất bản lần thứ hai có chỉnh sửa, bổ sung), Nxb CTQG, H, 2019.