Tóm tắt: Nguyễn Văn Tố (bút danh Ứng Hòe) là một học giả uyên bác có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội; một nhà văn hóa lớn, một trí thức yêu nước tiêu biểu của Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX1. Với những kết quả nghiên cứu và những hoạt động, đóng góp tích cực, Nguyễn Văn Tố đã góp phần hình thành nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam hiện đại, như: Lịch sử, văn học, ngôn ngữ,…; đồng thời qua đó góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc trong các tầng lớp nhân dân.

Từ khóa: Nguyễn Văn Tố; trí thức yêu nước; tiêu biểu

1. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học ở Hà Nội, thuở nhỏ Nguyễn Văn Tố theo học chữ Hán và nổi tiếng thông minh, học giỏi. Được gia đình cho sang Pháp du học, sau khi tốt nghiệp Trung học, lấy bằng Thành chung tại Pháp quốc, Nguyễn Văn Tố trở về nước. Năm 1911, Nguyễn Văn Tố được nhận vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ2 - một cơ quan nghiên cứu văn hóa hàng đầu của chính quyền Pháp ở Đông Dương; nơi có nhiều nhà trí thức nổi tiếng đương thời như Trần Văn Giáp, Trần Hàm Tấn, Nguyễn Văn Huyên...đang làm việc thời kỳ đó.

Với nền tảng tri thức tinh thông cả về văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây; sử dụng thành thạo Hán Nôm và Pháp ngữ, thái độ làm việc, nghiên cứu nghiêm túc, Nguyễn Văn Tố đã nhanh chóng trở thành một học giả nổi tiếng uyên thâm trong nhiều ngành khoa học xã hội lúc bấy giờ. Những công trình nghiên cứu, những bài viết của học giả Nguyễn Văn Tố về lịch sử, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa dân gian...thường xuyên được đăng tải trên các ấn phẩm, báo chí như: Nam Phong Tạp chí; Đông Thanh Tạp chí; Báo Thanh Nghị; Tạp chí Tri Tân...rất có sức thuyết phục đối với người đọc, trở thành những công trình khoa học đầu tiên khai phá trong nghiên cứu và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam thời hiện đại. Đặc biệt, học giả Nguyễn Văn Tố đã soạn thảo  hai bộ sử học đồ sộ “Đại Nam dật sử”“Sử ta so với sử Tàu” rất công phu; các nhân vật, sự kiện lịch sử đã được nghiên cứu, đối chiếu từ nhiều nguồn thư­ tịch; một số vấn đề lịch sử có sự tranh luận quyết liệt với các nhà sử học Pháp về Đông Dư­ơng để khẳng định tính khách quan, chân thực vốn có của lịch sử3.

Cùng với những đóng góp về nghiên cứu khoa học làm thức tỉnh tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Văn Tố đã cùng với nhiều trí thức yêu nước đương thời tham gia vào cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc, đặc biệt là việc vận động, tổ chức phong trào “Truyền bá quốc ngữ”.

Cho đến những năm cuối thập niên 30 thế kỷ XX, do “chính sách ngu dân” của thực dân Pháp, những ng­ười biết chữ quốc ngữ ở Việt Nam vẫn còn rất hiếm hoi, trình độ dân trí bởi vậy rất thấp, nhất là ở vùng nông thôn, (theo con số thống kê của Báo Đông Pháp, cho đến năm 1938, 95% dân chúng Việt Nam không biết chữ). Bởi vậy, một yêu cầu bức xúc và cũng là trách nhiệm của các nhà trí thức yêu nước, là phải tổ chức tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ phong trào học chữ quốc ngữ; phổ biến cách học cho nhanh trong các tầng lớp nhân dân.

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng và yêu cầu đòi hỏi của các tầng lớp nhân dân, từ đầu năm 1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương thành lập một tổ chức công khai, hợp pháp để thúc đẩy phong trào học chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ. Thực hiện chủ trương đó, đầu năm 1938, đồng chí Trư­ờng Chinh đã cử đồng chí Trần Huy Liệu cùng Giáo sư Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh...đứng ra vận động một số trí thức tiêu biểu như: Bùi Kỷ, Hoàng Xuân Hãn, Quan Xuân Nam, Lê Th­ước, Nguyễn Văn Tố... và nhiều nhân sĩ, trí thức khác, tổ chức hội nghị thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ4  và nhất trí cử nhà trí thức Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng. Hội truyền bá quốc ngữ nêu rõ mục đích của Hội là: “Dạy cho người Việt Nam biết đọc, biết viết và giúp cho họ thâu thái những kiến văn thường thức cần cho cuộc sống mới”. Sau khi Hội được thành lập, chính quyền thực dân tìm cách “gây khó dễ”, nhằm cản trở hoạt động, nhưng trước áp lực đấu tranh của quần chúng, ngày 29-7-1938, Thống sứ Bắc Kỳ Saten buộc phải ký giấy chính thức công nhận sự hoạt động hợp pháp của Hội Truyền bá quốc ngữ.

Trên cương vị Hội trưởng, cùng với uy tín và tài năng, Nguyễn Văn Tố đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhân sĩ, trí thức và sự đồng tình ủng hộ của đồng bào trên cả nước. Bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền, Hội Truyền bá chữ quốc ngữ đã vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia học tập, tạo thành một phong trào học chữ quốc ngữ rộng khắp cả nước5. Sự phát triển sôi nổi của phong trào truyền bá quốc ngữ, học chữ quốc ngữ, đã góp phần quan trọng chống lại chính sách ngu dân phản động của thực dân Pháp. Đồng thời, khơi dậy ý thức tự cường dân tộc và nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, thông qua phong trào Truyền bá quốc ngữ, nhiều cán bộ của Đảng đã được tôi luyện, trưởng thành trong thực tiễn. Về số lượng người tham gia học và biết chữ, tính từ tháng 9-1938 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1945, đã có gần 7 vạn ngư­ời thoát nạn mù chữ. Có thể nói, Hội Truyền bá quốc ngữ đã đặt nền tảng vững chắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các phong trào “Bình dân học vụ”; “Diệt giặc dốt” của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động sau đó. Trong thành công to lớn của phong trào Truyền bá quốc ngữ, có công lao đặc biệt của ngư­ời Hội trưởng - nhà trí thức yêu nước tiêu biểu Nguyễn Văn Tố.

2. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước bộn bề công việc, cần người có tài tham gia gánh vác. Với tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ”; “trọng dụng những kẻ hiền năng”, Hồ Chí Minh viết bài: “Nhân tài và kiến quốc”, (đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 14-11-1945), Người nêu rõ: “Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài”6, Người kêu gọi những người tài - đức tham gia vào công cuộc “kháng chiến và kiến quốc”. Nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ, trí thức đã tham gia đảm đương những chức vụ quan trọng trong Chính phủ lâm thời, trong đó có ông Nguyễn Văn Tố được giao giữ chức Bộ trư­ởng Bộ Cứu tế xã hội.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Nguyễn Văn Tố đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, vận động các giới đồng bào trong cả nước hưởng ứng lời kêu gọi cứu đói của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái, thực hiện quyên góp tiền, vàng, lương thực, thực phẩm, sẻ cơm nhường áo, cứu giúp những gia đình nghèo đói, kịp thời cứu trợ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn bởi thiên tai, hoạn nạn, đặc biệt là những người đang bị nạn đói đe dọa đến sinh mệnh.

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức, bầu ra Quốc hội khoá I, Nguyễn Văn Tố đã trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu của tỉnh Nam Định. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I, Nguyễn Văn Tố được bầu làm Trưởng Ban Thường trực của Quốc hội - Chủ tịch đầu tiên của Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong bối cảnhvận nước lâm nguy”, 20 vạn quân Tưởng và các lực lượng phản động “Việt quốc”, “Việt cách” kéo vào miền Bắc núp dưới danh nghĩa “giải giáp quân đội Nhật”, nhưng thực chất là thực hiện âm mưu “Diệt Cộng, cầm Hồ”. Ở miền Nam, đi sau 16 ngàn quân Anh là đạo quân viễn chinh Pháp do tướng Lơcơléc chỉ huy, nổ súng đánh chiếm Nam Bộ. Trước tình hình đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, bản lĩnh của vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố không hề dao động, ông đã cùng các vị trong Ban Thường trực Quốc hội sát cánh bên cạnh Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh “chèo lái con thuyền cách mạng”; “chống thù trong, giặc ngoài”, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ.

Dưới sự điều hành của Trưởng Ban Thường trực Nguyễn Văn Tố, Quốc hội đã tỏ rõ thái độ ủng hộ những quyết sách của Chính phủ; ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định Sơ bộ (ngày 6-3-1946), đuổi 20 vạn quân Tưởng và các đảng phái phản động rút về Trung Quốc; đồng ý cử phái đoàn Quốc hội Việt Nam sang thăm Quốc hội Pháp, khẳng định nền độc lập của Việt Nam; Quốc hội thể hiện quan điểm đồng tình với các điều khoản trong bản Tạm ước (14-9-1946), do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Bộ thuộc địa của Pháp Mutê; thực hiện hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ...Quốc hội ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc tích cực xây dựng lực lượng và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống âm mưu xâm lược của thực dân Pháp sắp xảy ra.

Trước hành động tái xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ, Quốc hội khoá I đã họp dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Thường trực Nguyễn Văn Tố (từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946). Tại kỳ họp, thực hiện chức năng và quyền hạn của Quốc hội, Trưởng Ban Thường trực Nguyễn Văn Tố công bố quyết nghị của Quốc hội: uỷ quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ mới. Theo quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh thành lập theo nguyên tắc đoàn kết, tập hợp nhân tài không đảng phái. Cùng nhiều nhân sỹ, trí thức yêu nước, Nguyên Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố được mời tham gia Chính phủ kháng chiến, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với chức vụ Bộ tr­ưởng không Bộ.

Trên cương vị mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố tích cực tham gia xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng đời sống mới. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, trên cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã chỉ đạo tổ chức tản cư cho nhân dân ra vùng tự do, thực hiện “vườn không, nhà trống”, không cho địch lợi dụng về lương thực thực phẩm ở những vùng tạm bị chiếm; nhanh chóng tổ chức vận chuyển trang thiết bị, máy móc lên chiến khu Việt Bắc an toàn.

Ngày 8-10-1947, thực dân Pháp tấn công vào thị xã Bắc Cạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã sa vào tay giặc và lẫm liệt hy sinh trước mũi súng quân thù. Nghe tin Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tầng lớp nhân dân ta vô cùng tiếc thương nhà lãnh đạo tài năng, nhà trí thức yêu nước nhiệt thành Nguyễn Văn Tố không còn nữa. Trong lễ truy điệu Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời điếu:

 “Nhớ cụ xưa,

Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu

Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết

Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng

Phú quý, công danh, cụ nào có thiết….

Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt….

Cho nên Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”7.

Nghiêng mình trước anh linh liệt sĩ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đã hứa:

“Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn.

Quyết tranh thống nhất, độc lập cho nước nhà Nam Việt.

Để anh linh cụ và những liệt sĩ đã hy sinh đều vui sướng ở chốn suối vàng.

Và nền dân chủ cộng hòa của nước sẽ vững như vầng nhật nguyệt”8.

Nguyên Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Cứu tế; Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Văn Tố - một nhân cách đạo đức cao đẹp, một học giả uyên bác, một trí thức yêu nước tiêu biểu đã hy sinh trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Sự nghiệp hoạt động và những cống hiến to lớn của nhà cách mạng, nhà lãnh đạo tài năng Nguyễn Văn Tố được ghi tạc trong những trang vàng của lịch sử Việt Nam, tên tuổi của danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Tố mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam, hôm nay và mai sau.

Ngày gửi: 7-6-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 18-6-2024; ngày duyệt đăng: 28-6-2024

1. Đầu thế kỷ XX, Nguyễn Văn Tố, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn đư­ợc xếp vào loại “tứ danh kiệt” ở Việt Nam

2. Ngày 20-1-1900, Toàn quyền  Đông Dương Pôn Đume ký Quyết định thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient viết tắt là EFEO), là viện ở nước ngoài thứ 5 của Pháp, chuyên nghiên cứu về châu Á, đặc biệt là Đông Dương

3.  Bộ sách “Sử ta so với sử Tàu” do học giả Nguyễn Văn Tố biên soạn (chỉ đến đến cuối đời nhà Lý), còn đang dang dở thì ông hy sinh

4. Trụ sở của Hội Truyền bá quốc ngữ  đặt tại “Hội quán Trí Tri”, số nhà 59, phố Hàng Đàn, (nay số là 47, phố Hàng Quạt)

5. Hội Truyền bá quốc ngữ ở Trung Kỳ được thành lập ngày 5-1-1939;  Hội Truyền bá quốc ngữ ở Nam Kỳ  thành lập ngày 18-8-1944

6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 114

7, 8.  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5,  tr. 544-545, 545.