05/12/2023 - 02:15 PM - 1.349 lượt xem
Tóm tắt: Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng với những phẩm chất tốt đẹp góp phần quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những tấm gương tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là Nguyễn Bình, nhà cách mạng trung kiên, nhà chỉ huy quân sự tài ba, Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ khóa: Nguyễn Bình; nhà cách mạng kiên trung; Trung tướng đầu tiên
Quang cảnh Hội thảo khoa học: “Trung tướng Nguyễn Bình - Nhà quân sự tài năng, đức độ” ngày 21-7-2023
1. Đồng chí Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30-7-1908, trong một gia đình trung lưu, yêu nước ở thôn An Phú, xã Tịnh Tiến, nay là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 17 tuổi, Nguyễn Phương Thảo đã sớm tham gia phong trào chống thực dân Pháp xâm lược; tích cực tham gia tổ chức cho học sinh, sinh viên ở Hải Phòng đấu tranh bãi khóa, làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và nhiều hoạt động yêu nước khác.
Được sự vận động của Nguyễn Huy Liệu, năm 1928, ông tham gia tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng và nhanh chóng được bầu vào Ban chấp hành xứ bộ, phụ trách quân sự của đảng này. Tháng 2-1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng nổ ra và thất bại. Thực dân Pháp khủng bố ác liệt và truy bắt gắt gao những người cầm đầu khởi nghĩa. Nguyễn Thái Học và một số lãnh tụ của Việt Nam quốc dân Đảng bị thực dân Pháp xử tử; Nguyễn Phương Thảo, Trần Huy Liệu bị Tòa đại hình Sài Gòn kết án 6 năm tù. Cuối năm 1930, ông và nhiều đồng chí của ông bị đày ra Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Phương Thảo cùng khoảng 2000 tù nhân thuộc các đảng phái, tổ chức chính trị khác nhau kiên cường đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, bóp siết đời sống người tù, giữ vững niềm tin vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng mọi yêu sách của tù chính trị đều bị đáp lại bằng những hình phạt, tra tấn dã man, khốc liệt. Trong hoàn cảnh đó, các đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương và các chiến sĩ yêu nước vẫn siết chặt hàng ngũ, đoàn kết đấu tranh giữ vững khí tiết; biến địa ngục trần gian thành trường học cách mạng, rèn luyện ý chí đấu tranh. Bằng nhiều cách khác nhau (nhờ sự giúp đỡ của các binh lính, thủy thủ và công chức tiến bộ ở Bưu Điện, Nhà thương, Nhà Đèn, thân nhân, cơ sở đất liền gửi ra, chuyển từ Banh I sang Banh II…), những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng đã được tiếp xúc với những tác phẩm lý luận như Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Chống Đuyrinh, Làm gì,… Qua các bài giảng, tuyên truyền và được tiếp xúc với những người cộng sản ưu tú như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)…, Nguyễn Phương Thảo cùng một số yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng bị giam ở Banh II như Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Đức Chính, Trần Huy Liệu,… cùng với Tô Hiệu, Tô Chấn ở Banh I đã giác ngộ, chuyển biến lập trường tư tưởng, tích cực đấu tranh hướng theo lý tưởng cộng sản.
Nhận thấy sự chuyển hướng tư tưởng, chính trị của Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo, nhóm cầm đầu “cực hữu” trong Việt Nam Quốc dân Đảng kết án tử hình hai ông vì tội “phản đảng”. Hai ông may mắn thoát chết nhưng Nguyễn Phương Thảo bị một kẻ trong Quốc dân Đảng dùng bàn chải đánh răng đâm vào mắt trái trong lúc đang ngủ, làm ông thương tật suốt đời. Cũng từ đây, ông thấy “sáng hơn” về bản chất của những kẻ mang chủ nghĩa tam dân tốt đẹp ra làm khẩu hiệu hòng mê hoặc quần chúng nhân dân, mà mục đích thực chỉ để “vinh thân, phì gia”, không ngần ngại thủ tiêu những người không đồng quan điểm chính trị, lập trường với họ. Sau nhiều suy nghĩ, trăn trở, Nguyễn Phương Thảo đoạn tuyệt với con đường cũ, rời bỏ Việt Nam Quốc dân đảng, tiếp thu chủ nghĩa cộng sản, dấn thân trên con đường cách mạng của các chiến sĩ cộng sản; để tránh sự theo dõi của mật thám, ông đổi tên thành Nguyễn Bình.
Sự chuyển biến nhận thức, dứt khoát lập trường tư tưởng và xác định con đường cách mạng đúng đắn của Nguyễn Phương Thảo - Nguyễn Bình cũng là sự thành công trong cuộc đấu tranh về lập trường, tư tưởng của những người tù chính trị cộng sản tại Nhà tù Côn Đảo. Tại đây, những đảng viên cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học lớn, nơi rèn luyện, đào tạo những cán bộ có trình độ lý luận vững vàng, kiên trung bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì nghiệp cách mạng của Đảng. Daniel Hémery trong tác phẩm Những người cách mạng Việt Nam và chính quyền thuộc địa ở Đông Dương viết: Nhà tù chính trị là nơi tôi luyện bản lĩnh chính trị cho những người cộng sản. Trong đó Banh II của Nhà tù Côn Đảo là nơi quan trọng nhất. Đây là nơi đào tạo cộng sản lớn nhất tại Đông Dương1.
Sau khi ra tù, năm 1936, Nguyễn Bình bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi Sài Gòn, trở về quản chế tại Hải Phòng, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động bí mật trong phong trào bình dân ở nhiều địa phương. Ông từng bị địch bắt ở Hưng Yên, ở Thái Nguyên, nhưng vẫn tìm mọi cách thoát ngục, trở về hoạt động và liên lạc được với đồng chí Hoàng Quốc Việt vào năm 1942.
Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chủ trương giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng. Trước yêu cầu cấp bách của cách mạng cần phải có vũ khí, Nguyễn Bình được Hoàng Quốc Việt cử lên Lai Châu khảo sát, tìm nguyên liệu để chế tạo lựu đạn. Từ năm 1943, Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ giao Nguyễn Bình phụ trách nhiệm vụ mua sắm vũ khí cho cách mạng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Ông năng nổ hoạt động ở nhiều địa bàn: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Đông Triều, Quảng Yên, Hòn Gai, tìm mọi cách, tận dụng mọi cơ hội, khai thác các mối quan hệ để mua sắm súng đạn, vũ khí. Không chỉ mua sắm, chế tạo vũ khí, ông còn làm tốt công tác binh vận, vận động binh lính các đồn Thủy Cửa Ông, thị xã Kiến An cung cấp vũ khí. Nhờ có vũ khí và tài năng quân sự, Nguyễn Bình đã có những đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và phát triển nhanh chóng Chiến khu Đông Triều.
Trong quá trình tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, 1945, Nguyễn Bình tiếp tục phát huy được tài năng quân sự của mình. Từ đầu năm 1945, Ông trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh, trong đó có những trận đánh để lại tiếng vang như trận đánh Đồn Bần, Yên Nhân, Hưng Yên, ngày 12-3-1945, mang về nhiều lương thực và vũ khí cho cách mạng. Đây là trận đánh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, 20-7-1945 Nguyễn Bình chỉ huy lực lượng vũ trang giành chính quyền ở thị xã Quảng Yên. Đây là thị xã cấp tỉnh giành được chính quyền sớm nhất cả nước. Trận đánh tỉnh lỵ Quảng Yên đêm 20-7-1945 là trận đánh lớn nhất của lực lượng vũ trang Chiến khu Đông Triều, kể từ ngày thành lập (tháng 6-1945). Chiến thắng Quảng Yên đã có tiếng vang và ảnh hưởng khá rộng lớn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của Đảng, trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, quân cách mạng đã đánh chiếm một tỉnh lỵ ở vùng Đông Bắc, phá bỏ bộ máy chính quyền bù nhìn cấp tỉnh.
Ở nhiều cương vị khác nhau, Nguyễn Bình đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ công tác binh vận, chuẩn bị vũ khí, đến chỉ huy chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 và bảo vệ chính quyền non trẻ mới giành được.
2. Chỉ 3 tuần, sau Lễ độc lập, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Sài Gòn lần thứ hai. Nhân dân Nam Bộ đứng lên chống thực dân Pháp trong điều kiện lực lượng vũ trang còn phân tán thuộc nhiều tổ chức với sự hiện diện của nhiều đảng phái, tổ chức khác nhau như Bình Xuyên, Hòa Hảo…, đứng đầu là những người nổi tiếng giang hồ như Bảy Viễn, Ba Dương, Mười Trí... Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần bổ sung những cán bộ quân sự tài ba, có uy tín, ảnh hưởng vào Nam để tổ chức thống nhất lại lực lượng vũ trang. Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, cử vào Nam cùng với các đồng chí Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ này, mặc dù lúc này ông chưa chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản: “Bác nghĩ các lực lượng trong đó đang cần một vị chỉ huy tài năng, có thể tập hợp các đơn vị vũ trang lại. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “Thập nhị sứ quân” rất bất lợi cho cách mạng. Người chỉ huy đó, theo Bác phải biết rõ miền Nam, lại phải là người có bản lĩnh thu phục được cả những tay giang hồ kiểu Bình Xuyên… Tổ quốc trên hết! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục”2.
Nhà Sử học Christopher Goscha cũng đã đánh giá về Trung tướng Nguyễn Bình: Do có kinh nghiệm chiến đấu ở miền Nam, tài năng quân sự, sức lôi cuốn, cái mác không cộng sản và các mối quan hệ trong tù sẽ cho phép ông đoàn kết một cách dễ dàng cả các nhà lãnh đạo cộng sản…, cả những người theo chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo khác nhau thành một lực lượng quân sự dưới sự kiểm soát của Việt Nam dân chủ cộng hòa3. Những phẩm chất cá nhân, sự lôi cuốn, bản lĩnh và kiến thức của Nguyễn Bình về miền Nam nói chung và Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng được tích lũy trước đây đã giúp ích nhiều trong việc thống nhất các lực lượng quân sự phức tạp này4.
Vì lợi ích chung của nhân dân Nam Bộ và cả nước, khi được giữ cương vị mới, Nguyễn Bình luôn khắc ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mọi việc đều đặt lợi quyền của Tổ quốc lên trên để thực hiện đại đoàn kết giữa quân và dân cũng như trong quân đội”5. Ông viết bản Thông cáo số 1 gửi nhân dân Nam Bộ để phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Đây là cuộc toàn dân kháng chiến cứu nước, không phân biệt già, trẻ, giá, trai. Đồng bào hãy đồng tâm quyết đánh và quyết thắng”6. Bản Thông cáo không chỉ khích lệ nhân dân Nam Bộ kháng chiến mà còn thể hiện quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược của Nguyễn Bình.
Ở mỗi cương vị khác nhau, Nguyễn Bình đều để lại nhiều dấn ấn nổi bật. Với cương vị là Tổng Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ (tháng 11-1945), Nguyễn Bình đã viết Thông cáo số 2, chỉ rõ “Ngoài lực lượng chính quy, các tỉnh còn tổ chức các đơn vị trợ chiến gồm địa phương quân và dân quân du kích gọi tắt là dân quân. Các tổ chức vũ trang nhiều hay ít, tập thể hay cá nhân không nằm trong hệ thống quân Giải phóng kể trên coi như hoạt động bất hợp pháp, phải giải tán để tránh tình trạng manh động, vô chính phủ”7. Với cương vị là Khu trưởng Khu bộ Khu 7 (tháng 12-1945), Nguyễn Bình có những chỉ đạo quan trọng “tránh đối đầu trực tiếp và nhanh chóng xây dựng lực lượng Việt Minh lớn mạnh”8, lực lượng vũ trang vừa huấn luyện, vừa chiến đấu. Cách đánh du kích, cách đánh đặc công đã được phát huy, lực lượng biệt động được xây dựng. Nguyễn Bình đã chỉ huy “các đơn vị chủ lực lùi vào các khu vực căn cứ xa xôi và chỉ thực hiện các cuộc giao tranh nhỏ như phục kích, phá hoạt và tấn công vào các vị trí canh phòng yếu”9. Vì vậy, “khiến người Pháp phải dàn lực đối phó, khó có thể mở rộng công cuộc bình định và lực lượng Việt Minh có thời gian xây dựng căn cứ địa, phát triển tiềm lực chiến tranh”10. Bên cạnh đó, Nguyễn Bình quyết định thành lập Trường Quân chính miền Đông (nay là Trường Quân sự Quân khu 7), mở các lớp đào tạo cán bộ quân sự. Từ khi thành lập đến năm 1948, trường đã tổ chức huấn luyện, đào tạo được gần 1000 cán bộ quân sự, trở thành lực lượng nòng cốt trong ở các địa phương, đơn vị.
Khi được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Nam Bộ (năm 1948) và Ủy viên Quân sự trong Ủy ban kháng chiến - Hành chính Nam Bộ, Nguyễn Bình đã chỉ đạo xây dựng hệ thống căn cứ địa, trở thành nơi cung cấp phần lớn nhu cầu của cán bộ, từ đó phát triển lực lượng vũ trang lớn mạnh, có thể phối hợp với chiến trường chung cả nước.
Với phẩm chất kiên trung của một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng, chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, tháng 6-1946, Nguyễn Bình được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong toàn bộ hoạt động quân sự, Nguyễn Bình là một vị tướng tài ba. Ngày 25-1-1948, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên, Nguyễn Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng, là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong chuyến công tác từ Nam Bộ ra Bắc, ngày 29-9-1951, Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh trên đất Campuchia, khi mới 43 tuổi. Cuộc đời của Trung tướng Nguyễn Bình tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, những cống hiến lớn cho cách mạng Việt Nam. Tháng 2-1952, Chủ tịch Hồ Chủ Chí Minh ký Sắc lệnh số 84/SL truy tặng Trung tướng Nguyễn Bình Huân chương Quân công hạng Nhất. Ông là người đầu tiên trong quân đội được nhận huân chương cao quý này. Sau đó, Trung tướng Nguyễn Bình đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bình là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên noi theo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ở ông, toát lên phẩm chất kiên trung của một chiến sĩ cách mạng, một người cán bộ tuyệt đối trung thành và luôn xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, vì lợi ích của nhân dân; một vị tướng tài ba, khí phách hiên ngang trong đấu tranh, kiên trì xây dựng lực lượng và quyết đoán trong chỉ huy, để lại những dấu ấn nổi bật trong lịch sử kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Ngày nhận: 23-8-2023, Ngày thẩm định đánh giá: 3-12-2023 ; Ngày duyệt đăng: 5-12-2023
1.Daniel Hémery: Révolutionnaires Vietnamiens et pouvoir colonial en Indechine, Franscois Maspero, Paris, 1975, p.188
2. Dẫn theo: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Danh nhân quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2014, T.5, tr.78 - 79.
3. Christopher E.Goscha: “A Popular Side of the Vietnamese Army: General Nguyễn Bình and War in the South” in Naissance d’un Etat-parti: le Viet Nam depuis 1945 (The Birth of a Party-State: Vietnam in 1945), eds. Goscha and Benoit de Tréglodé (Paris: Les Indes Savantess, 2004), p.335
4, 10. Christopher Goscha, “La Guere par d’autres moyens: reflexion sur là Guere fu Viet Nam dans Le Sud-Vietnam de 1945 à 1951”, Pressess Universitaires de France “Guerres mondiales et conflits contemporains” 2002-2, N006; 37
5. Mật điện số 947/TRT “Mật điện gửi Khu V, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam gửi Trung tướng Nguyễn Bình”. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.5, tr.490
6, 7. Dẫn theo Nguyễn Thị Nương: “Trung tướng Nguyễn Bình và ba văn kiện lịch sử những ngày đầu kháng chiến”, Tạp chí Xưa và nay, số 448, tháng 6-2014, tr.38
8, 9. William McFall Waddell III: In the Year of the Tiger: the War for Conchinchina, 1945-1951, The Ohio State University, 2014, p.127