Tóm tắt: Đồng chí Trần Quý Kiên (tên khai sinh là Đinh Xuân Nhạ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, còn có những tên gọi hoặc bí danh là Đinh Nhạ, Dương Văn Ty…) là một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng, nhà hoạt động cách mạng “có công lao to lớn đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”1. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945), đồng chí Trần Quý Kiên có những đóng góp to lớn trong khôi phục, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh hướng tới mục tiêu giành chính quyền.

Từ khóa: Hoạt động; đóng góp; nhà cách mạng Trần Quý Kiên


Đồng chí Trần Quý Kiên (ngồi đầu tiên, từ trái sang) thăm Nhà tù Sơn La, năm 1963.

1. Đồng chí Trần Quý Kiên sinh tháng 9 - 1911, tại làng Yên Phụ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), trong một gia đình lao động, cha là thợ cầu đường, mẹ buôn bán nhỏ và nội trợ. Ngay trong những năm tháng theo học tiểu học, tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân, phong trào đấu tranh của nhân dân, tiêu biểu như cuộc đấu tranh đòi thả chí sĩ Phan Bội Châu (cuối năm 1925), lễ truy điệu nhà đại ái quốc Phan Chu Trinh (đầu năm1926) của nhân dân Hà Nội, Trần Quý Kiên đã sớm nảy nở tinh thần yêu nước và muốn theo gương các trang dũng liệt. Với bản tính khảng khái, nhiệt huyết dấn thân hoạt động, Trần Quý Kiên thôi học và bắt đầu cuộc đời người thợ điện, rồi thợ máy từ năm 1927. Bị thu hút bởi luận thuyết chống Pháp, dùng bạo lực để lật đổ ách đô hộ thực dân, thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ và ngưỡng mộ tấm gương quả cảm của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, người thợ trẻ tuổi Trần Quý Kiên đã bí mật bỏ việc 3 tháng tìm bắt liên lạc với các lãnh tụ “Việt Nam Quốc dân Đảng” để tham gia hoạt động, tuy nhiên, việc liên lạc không thành.
Trong khi Trần Quý Kiên đang trăn trở tìm đường hoạt động để thực hiện hoài bão làm cách mạng, thì phong trào đấu tranh theo khuynh hướng cách mạng vô sản có bước phát triển mạnh mẽ. Hoạt động của các tổ chức cộng sản và phong trào đấu tranh do các tổ chức cộng sản ở Hà Nội... đã tác động và có sức hấp dẫn lớn đối với Trần Quý Kiên. Với tinh thần yêu nước và lòng căm ghét bóc lột hình thành từ những trải nghiệm trong những năm tháng làm thợ, Trần Quý Kiên nhanh chóng giác ngộ, “đầu óc quốc gia hẹp hòi và anh hùng rơm đã nhường chỗ cho tư tưởng về quyền lợi giai cấp”2, tự nguyện tham gia hoạt động cách mạng khi được những người cộng sản tuyên truyền, vận động vào cuối năm 19293. Tháng 5-1930, đồng chí Trần Quý Kiên được kết nạp vào Đảng, sinh hoạt trong Chi bộ Học sinh thuộc Đảng bộ Hà Nội. Đứng vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 19 tuổi là một bước ngoặt trong cuộc đời của đồng chí Trần Quý Kiên: từ thanh niên yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.
Được giao nhiệm vụ tham gia Đội Tuyên truyền xung phong của Thành ủy Hà Nội, đồng chí Trần Quý Kiên hăng hái thâm nhập vào nhiều địa bàn nội thành, vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội để “rải truyền đơn, treo cờ, dán biểu ngữ” tuyên truyền chủ trương của Đảng, vận động công nhân, nông dân, nhân dân lao động, học sinh, các giới tham gia đấu tranh cách mạng. Đồng chí Trần Quý Kiên đã tích cực cùng Đội tuyên truyền xung phong của Thành ủy Hà Nội tiến hành nhiều hoạt động sôi nổi và táo bạo, như tổ chức mít tinh, truyền đơn, treo biểu ngữ trên các đường phố, kêu gọi các giới đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, giảm sưu, hoãn thuế, yêu cầu chính quyền thuộc địa “Không được động đến công nông Nghệ-Tĩnh”.
Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh ngày càng dâng cao của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực dân Pháp khủng bố, truy lùng những chiến sĩ cộng sản hòng dập tắt phong trào cách mạng trong cả nước. Một ngày tháng 10-1930, trong lúc đồng chí Trần Quý Kiên đang treo cờ đỏ búa liềm tại cuộc mít tinh công khai tổ chức trước cổng Trường Bách Nghệ Hà Nội (ở phố Carô nay là phố Lý Thường Kiệt) thì mật thám Pháp ập tới. Đồng chí Trần Quý Kiên bị địch bắt4. Tại sở mật thám Pháp, đồng chí Trần Quý Kiên đã thể hiện tinh thần kiên trung và quả cảm trước nhiều lần tra tấn dã man của địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí5. Không khuất phục được người cộng sản trẻ tuổi mà “gan lỳ”, chính quyền thuộc địa đưa ra xét xử và kết án Trần Quý Kiên 10 năm tù giam (détention).
 
2. Từ cuối năm 1930 đến năm 1936, đồng chí Trần Quý Kiên lần lượt bị giam giữ, đày ải tại các nhà tù khét tiếng tàn bạo của thực dân Pháp: Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Nhà lao Hải Phòng, Nhà đày Sơn La. Trong môi trường nhà tù khắc nghiệt, đồng chí Trần Quý Kiên tiếp tục hoạt động, phát huy vai trò của chiến sĩ cộng sản tiên phong.
Trong những lần bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, vượt lên chế độ giam giữ rất hà khắc, đồng chí Trần Quý Kiên cùng những tù chính trị cộng sản giữ vững bản lĩnh và khí tiết, tập hợp đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn bạo, đòi cải thiện chế độ giam giữ, giúp đỡ, chăm lo tù nhân ốm đau, tiến hành tuyên truyền giác ngộ, cảm hóa tù nhân; đấu tranh bảo vệ lẽ phải và lý tưởng cộng sản, chống các luận điệu phản động... Từ yêu cầu của cuộc đấu tranh, Chi bộ Đảng Nhà tù Hỏa Lò được thành lập vào khoảng cuối năm 1931 đầu năm 1932, các tổ chức quần chúng như Hội Lao tù, Đoàn Thanh niên cộng sản, Ban trật tự, Ban tranh đấu... cũng được thành lập.
Tại Nhà lao Hải Phòng, đồng chí Trần Quý Kiên cùng 71 đồng chí mới chuyển tới, đã lập tức đấu tranh đòi các quyền lợi của tù chính trị, buộc cai ngục phải nhượng bộ. Đặc biệt, vào tháng 12-1931, đồng chí Trần Quý Kiên cùng các tù nhân bị giam giữ đấu tranh quyết liệt, chống lại cai tù khi chúng lấy cớ chống tù vượt ngục để cùm chân tù chính trị. Chính quyền thuộc địa đã phải huy động cả bộ máy cai tù, lính khố xanh, lính lê dương đàn áp.
Đầu năm 1933, đồng chí bị phát lưu lên Nhà đày Sơn La, mang số tù 289. Thực dân Pháp lợi dụng điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Sơn La, “vi trùng sốt rét” kết hợp với chế độ ăn uống kham khổ, lao động cực nhọc để giết dần giết mòn cả thể xác và tinh thần người tù. Trái ngược với toan tính của chính quyền thực dân, các thế hệ cộng sản bị đày ải tại Nhà đày Sơn La đã biến nhà tù thành trường học, trường đấu tranh cách mạng. Tiếp nối truyền thống đấu tranh của các thế hệ đi trước, được những nhà lãnh đạo, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng như Trường-Chinh, Nguyễn Lương Bằng,... huấn luyện, dìu dắt, giúp đỡ, đồng chí Trần Quý Kiên đã sát cánh cùng các đồng chí bị giam giữ, tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi, bảo vệ tính mạng người tù. Tháng 10-1933, Công sứ Sơn La đưa Trần Quý Kiên vào danh sách những tù chính trị không được trả tự do vì thái độ thụ án “tạm được hoặc xấu”. Nhằm tăng hiệu quả đấu tranh và giúp đỡ lẫn nhau, tù chính trị cộng sản Nhà đày Sơn La chủ trương hình thành một “Hội đồng thống nhất” (cũng gọi là Ủy ban nhà tù) vừa có tính chất mặt trận vừa là hình thức tự quản để lãnh đạo mọi hoạt động trong tù. Được giao nhiệm vụ là Trưởng Ban Hợp tác xã, đồng chí Trần Quý Kiên đã có sáng kiến làm “kinh tế”, đề xuất thành lập “Tổ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa” để tạo kinh phí lập “Quỹ cứu tế” và cải thiện đời sống tù nhân. Với vai trò Trưởng Ban Hợp tác xã và qua những hoạt động năng nổ, tinh thần lạc quan, đồng chí Trần Quý Kiên là một nhân tố để những người cộng sản nắm giữ những vị trí cốt cán, đóng vai trò lãnh đạo “Hội đồng thống nhất” trên thực tế6; đồng thời góp phần làm cho tình người, tình đồng chí yêu thương, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong nhà tù thêm sâu sắc; cũng như thúc đẩy công tác “dân vận” trong tù. Trong lý lịch tự khai ngày 15-8-1952, đồng chí Trần Quý Kiên viết: “Khi vào nhà pha tôi đã tham gia tất cả các cuộc tranh đấu. Lúc nào tôi cũng trong chi bộ, trong tổ chức quần chúng của nhà pha”7. Trong tóm tắt lý lịch, ngày 10-6-1960, đồng chí Trần Quý Kiên cho biết thêm ở trong tù đã “tham gia mọi công tác”8. Trong Nhà đày Sơn La, đồng chí Trần Quý Kiên đã tranh thủ học tập, nâng cao tri thức và trình độ lý luận chính trị: tham gia các lớp học văn hóa, ngoại ngữ, các lớp huấn luyện lý luận mà “giảng viên” là những đồng chí, những nhà cách mạng “đàn anh” có trình độ lý luận cao và kinh nghiệm tổ chức thực tiễn như Trường-Chinh, Nguyễn Lương Bằng... Những kiến thức về chủ nghĩa cộng sản, về đấu tranh giải phóng con người khỏi áp bức,... mà đồng chí Trần Quý Kiên tiếp thu bước đầu khi được kết nạp vào Đảng, tiếp tục được bồi đắp. Đồng chí cho biết: “Tôi rất chịu khó học văn hóa và chính trị. Tôi được đồng chí Thận (tức đồng chí Trường-Chinh - TG) và nhiều đồng chí khác huấn luyện về giai cấp đấu tranh và chủ nghĩa Mác-Lênin”9. Có thể thấy, dưới sự hoạt động của những người cộng sản, trong đó có đóng góp của Trần Quý Kiên, địa ngục trần gian Nhà đày Sơn La trở thành trường tranh đấu, trường học đấu tranh cách mạng, nơi sáng lên tinh thần bất khuất, kiên định, lạc quan, bản lĩnh và phẩm giá của người Việt Nam.
Từ giữa năm 1936, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương tiến hành một số cải cách chính trị-xã hội, luật đại xá được ban hành ở Đông Dương. Đồng chí Trần Quý Kiên được “đại xá”, ra tù vào tháng 8-1936.
 
3. Đồng chí Trần Quý Kiên được trả tự do trong bối cảnh phong trào cách mạng sau những năm bị khủng bố bắt đầu khôi phục và phát triển, song rất thiếu cán bộ, cơ quan lãnh đạo các cấp chưa được kiện toàn. Đồng chí nhanh chóng tìm đến tòa soạn báo Le Travail ở Hà Nội, từ đầu mối này bắt liên lạc với các đồng chí từ Liên Xô, từ các nhà tù Côn Đảo, Sơn La trở về để cùng bàn phương hướng hoạt động. Đồng chí Trần Quý Kiên cùng các đồng chí khác đều nhận thấy cần phải có một cơ quan lãnh đạo thống nhất toàn xứ Bắc Kỳ vốn đã thiếu từ năm 1932 khi Xứ ủy bị đánh phá. Cuối năm 1936, sau nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, Trần Quý Kiên cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Minh..., hình thành cơ quan lãnh đạo của toàn xứ Bắc Kỳ lấy tên là “Ủy ban sáng kiến”, làm việc như một Xứ ủy lâm thời. Với bề ngoài là một thợ sửa xe đạp tại một cửa hiệu “tuềnh toàng” ở Bến Nứa, đồng chí Trần Quý Kiên đã bí mật cùng các đồng chí tiến hành bắt mối với các đảng viên, các cơ sở Đảng nhiều địa phương. Ủy ban sáng kiến mở một hiệu buôn bán thực phẩm lấy tên là “Sống” tại số 16 - bis, phố Hàng Da (Hà Nội) để làm địa điểm liên lạc, chắp mối với các nơi, đưa đón các tù chính trị. Dưới sự nỗ lực của các đồng chí trong Ủy ban sáng kiến, các cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng được khôi phục ở nhiều địa phương.
Sau khi đóng góp vào công tác xây dựng tổ chức Đảng ở Hà Nội, dẫn đến tái lập Thành ủy Hà Nội mà đồng chí là ủy viên (đầu năm 1937), Trần Quý Kiên được tăng cường cho Hải Phòng. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ lên cao, nhu cầu tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ trở nên bức thiết và có điều kiện thực hiện, tháng 5-193710, đồng chí Trần Quý Kiên tham gia cuộc họp gồm các đồng chí trong Ủy ban sáng kiến và đại biểu các tổ chức đảng ở các địa phương tổ chức cuộc họp tại Hà Nội thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ. Đồng chí Trần Quý Kiên được bầu vào Xứ ủy.
Được Xứ ủy phân công phụ trách Thành phố Hải Phòng, đồng chí đã khôi phục, xây dựng cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng ở Nhà máy xi măng Hải phòng, Nhà máy chai, Nhà máy sợi, máy khuy...; trong các giới thợ xẻ, thợ mộc, thợ cạo, xe thổ mộ, thợ may, trong các tiểu thương buôn bán ở chợ Sắt Hải Phòng11. Hoạt động của đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc tái lập Thành ủy Hải Phòng vào đầu năm 1937, làm hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh đang phát triển tại thành phố cảng. Trong thời gian hoạt động tại Hải Phòng, đồng chí Trần Quý Kiên tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức (kiện toàn tháng 9-1937); Ủy viên Liên Xứ ủy Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ (thành lập tháng 11-1937).
Đầu năm 1938, đồng chí Trần Quý Kiên nhận nhiệm vụ trở về hoạt động tại Hà Nội, trực tiếp phụ trách các hội quần chúng, gây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các Hội Ái hữu của thợ dệt, thợ mộc, thợ mũ, công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm... Đồng chí đã trực tiếp tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hà Đông tại làng La Cả gồm 3 đồng chí; công nhận chi bộ dự bị Đa Phúc (Quốc Oai, Sơn Tây) là chi bộ chính thức, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào cách mạng trên địa bàn Hà Đông, Sơn Tây. Thực hiện trách nhiệm của Xứ ủy viên, đồng chí Trần Quý Kiên tham gia xây dựng nhiều chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ, nhất các biện pháp về xây dựng, phát triển Mặt trận Dân chủ, củng cố hệ thống tổ chức đảng, phát triển đảng viên.
Tháng 1-1939, đồng chí Trần Quý Kiên được phân công tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ12, trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hà Nội13 thay đồng chí Lương Khánh Thiện (được phân công trách nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ do đồng chí Hoàng Văn Nõn bị bắt). Trên cương vị mới, đồng chí Trần Quý Kiên có nhiều đóng góp cùng Xứ ủy củng cố tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ, gấp rút chuẩn bị đề phòng khi chính quyền thuộc địa tăng cường khủng bố. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy do đồng chí Trần Quý Kiên đứng đầu, tổ chức đảng tiếp tục được xây dựng, phát triển mạnh mẽ và củng cố ở Hà Nội, các huyện thuộc Hà Đông, Sơn Tây (lúc này đều thuộc Đảng bộ Hà Nội). Đến năm 1939, Đảng bộ Hà Nội có khoảng 20 chi bộ với hơn 100 đảng viên14.
Là một nhân cốt trong Ủy ban sáng kiến, đồng chí Trần Quý Kiên tích cực tham gia phát động, lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống,... thông qua các hình thức hợp pháp như tổ chức “đi đón rước” các nhà cầm quyền, như cuộc đón Gô Đa (tháng 1-1937), đón Brêviê sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương (2-1937)... Đồng chí cùng tập thể Ủy ban sáng kiến, các đảng viên hoạt động ở Bắc Kỳ quan tâm lãnh đạo phong trào công nhân, nông dân. Từ cuối năm 1936 đầu năm 1937, hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, nhằm mục tiêu đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi lập nghiệp đoàn... Đồng chí còn tham gia lãnh đạo các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ, đưa người tham gia tranh cử vào Viện dân biểu Bắc Kỳ...
Trên cương vị là Xứ ủy viên, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy, là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Bắc Kỳ, đồng chí Trần Quý Kiên có nhiều đóng góp đối với tổ chức và thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ. Từ tháng 1-1939, dưới sự lãnh đạo của đồng chí và Thành ủy Hà Nội, phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động các giới, thanh niên học sinh ở nội thành và phong trào đấu tranh của nông dân giáp ranh Hà Nội phát triển rất mạnh mẽ.
Cuối năm 1939, sau khi Chiến tranh thế giới II nổ ra, để bảo vệ cán bộ, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Xứ ủy Bắc Kỳ bố trí một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy tạm lánh khỏi Hà Nội. Chấp hành sự chỉ đạo của Đảng, đồng chí Trần Quý Kiên thôi trách nhiệm Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng đồng chí Lương Khánh Thiện đi gây cơ sở ở vùng Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) thuộc khu căn cứ của Đề Kiều trước đây.
 
4. Tháng 6-1940, trên đường công tác tại Bắc Giang, đồng chí Trần Quý Kiên bị lính tuần bắt tại xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, bị giam tại Nhà lao Bắc Giang. Biết rõ đồng chí là cựu tù chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, mật thám Pháp đưa đồng chí về Hỏa Lò tra tấn để khám phá tổ chức Đảng, song không khuất phục được tinh thần đồng chí. Tòa án chính quyền thuộc địa một lần nữa kết án đồng chí 5 năm tù giam về “tội hoạt động chính trị” và 1 năm tù giam về tội chúng vu cho là “trộm cướp”. Trong thời gian bị giam tại Nhà lao Bắc Giang, đồng chí Trần Quý Kiên cùng các đồng chí một mặt khôn khéo vận động và lãnh đạo tù tư pháp chống giám ngục, đấu tranh đòi cải thiện chế độ giam giữ; mặt khác, tiến hành tuyên truyền đường lối của Đảng và dạy chữ quốc ngữ cho tù nhân. Do cuộc đấu tranh của tù nhân diễn ra mạnh mẽ, lo sợ  tù nhân nổi dậy, nên đầu năm 1942, chính quyền thuộc địa chuyển đồng chí Trần Quý Kiên và một số đồng chí mà chúng cho là tù nhân nguy hiểm, về giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, đồng chí Trần Quý Kiên tiếp tục tham gia các cuộc đấu tranh. Đồng chí viết: “Lần ở tù này cũng như lần trước, tôi tham gia mọi cuộc đấu tranh chống chế độ áp bức của nhà tù và luôn luôn ở trong tổ chức của Đảng và tổ chức quần chúng”15.
Đầu năm 1944, bị đày lên Nhà đày Sơn La, đồng chí đã tham gia đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù. Cuối năm 1944, sau gần 5 năm thụ án tù giam, đồng chí bị địch chuyển về quản thúc tại căng Bá Vân; tháng 2-1945 chuyển đến căng Nghĩa Lộ. Tại những nơi này, đồng chí tham gia hoạt động của các đảng viên bị giam giữ tuyên truyền, vận động cách mạng, tiếp xúc lính gác làm công tác binh vận, bắt mối liên lạc giữa nhà tù và nhân dân trong vùng... 
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị bị quản thúc tại căng và đồn Nghĩa Lộ đã tiến hành thuyết phục quân Pháp phải thả tù chính trị và trang bị vũ khí để cùng chống Nhật nhưng không được chấp nhận. Thực hiện chủ trương của tổ chức đảng, tù chính trị đã bạo động nổi dậy phá căng và đồn tự giải thoát vào ngày 17-3-1945. Báo Cờ Giải phóng, số 12, ra ngày 12-4-1945, đã đưa tin về cuộc bạo động ở căng Nghĩa Lộ: “Non 100 anh chị em bị nhốt ở căng Nghĩa Lộ (Yên Bái) thừa cơ Nhật Pháp bắn nhau, nổi dậy phá căng”.
Thoát khỏi căng Nghĩa Lộ, trong không khí đấu tranh sục sôi của cao trào kháng Nhật cứu nước, mặc dù sức khỏe yếu sau những năm tháng bị tù đày, đồng chí Trần Quý Kiên vẫn nhanh chóng tìm bắt liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ vào tháng 5-1945.
Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (ngày 15 đến ngày 20-4-1945) ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự, chủ trương: “vạch rõ và phân định nhiệm vụ các chiến khu... Ủy ban quân sự cách mạng phải chấn chỉnh chiến khu Quang Trung”16. Do có kinh nghiệm trong lãnh đạo phong trào cách mạng, trong xây dựng tổ chức đảng, được rèn luyện và thử thách trong tù, đồng chí Trần Quý Kiên được Xứ ủy phân công làm Bí thư Khu Quang Trung; đồng thời tham gia Ủy Ban quân sự cách mạng Chiến khu Quang Trung (chính thức thành lập tháng 5-1945, gồm địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa). Đồng chí Trần Quý Kiên đã góp phần quan trọng trong phát triển các đoàn thể cứu quốc, xây dựng lực lượng vũ trang, thúc đẩy phong trào kháng Nhật, trong lãnh đạo chiến đấu bảo vệ Chiến khu; mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ chính trị, quân sự cho các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình; chú trọng công tác xây dựng Đảng. Chiến khu Quang Trung đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cao trào kháng Nhật cứu nước trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa; các căn cứ Quỳnh Lưu, Diềm-Tu Lý, Mường Khói, Cao Phong-Thạch Yên trực thuộc chiến khu đóng vai trò quyết định trong thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Ninh Bình và Hòa Bình.
Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, một số địa phương ở Tây Bắc, chính quyền chưa được thiết lập, hoặc cần phải củng cố để hoạt động theo đúng quỹ đạo của chính quyền cộng hòa, dân chủ. Tại Sơn La, “địa phương chưa có tổ chức đảng; hệ thống chính quyền cách mạng chưa được kiện toàn, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh”17, liên lạc với Trung ương Đảng, Chính phủ còn gián đoạn. Do đã từng hoạt động ở địa bàn Tây Bắc, tháng 9-1945, đồng chí Trần Quý Kiên được Trung ương Đảng, Chính phủ cử làm Phái viên dẫn đầu đoàn cán bộ gồm 11 đồng chí lên giúp các địa phương Tây Bắc giải quyết khó khăn trong bối cảnh quân Tưởng đã tràn vào, bọn phản động địa phương ngóc đầu dậy, quân Pháp lăm le xâm lược.
Sau khi đến Sơn La vào ngày 3-10-1945, đồng chí Trần Quý Kiên và đoàn cán bộ đã “góp phần nhanh chóng củng cố lại bộ máy chính quyền. Bằng nhiều biện pháp cấp bách trước mắt, hệ thống chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang được củng cố một bước”18. Đối với Lai Châu, nơi chưa có đảng viên, chưa có tổ chức quần chúng, đồng chí Trần Quý Kiên có những ý kiến chỉ đạo để lực lượng yêu nước, tiến bộ ở châu Quỳnh Nhai (hiện nay thuộc tỉnh Sơn La) khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 18-10-1945. Đồng chí cũng cùng với những cán bộ do Bộ Nội vụ và Ủy ban Hành chính Bắc Bộ cử lên tiến hành thương thuyết để thành lập chính quyền nhân dân tại Lai Châu, song, do lúc này quân đội Tưởng đã tràn vào Lai Châu và sự ngoan cố của các thế lực cũ nên việc thương thuyết không thành. Tuy vậy, sự hiện diện của các đồng chí cũng như những hoạt động tuyên truyền tại thị trấn tỉnh lỵ Lai Châu đã làm cho nhân dân trong tỉnh lần đầu tiên được tiếp xúc với đại diện của Chính phủ và bước đầu nắm bắt được chủ trương của Đảng. Trong thời gian làm Phái viên của Chính phủ tại Tây Bắc, đồng chí Trần Quý Kiên đã quan tâm công tác phát triển đảng. Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, ngày 9-9-1948, viết: “Trong thời gian công tác thì đồng chí Ty hợp lực với một số cán bộ, các đồng chí trong bộ đội tổ chức được một đồng chí chính thức, một đồng chí dự bị”19. Tháng 6-1946, thực hiện chỉ đạo của Đảng, đồng chí Trần Quý Kiên rời Tây Bắc, về xuôi, khép lại một chặng đường hoạt động đầy gian khổ, song rất vinh quang, bắt đầu một hành trình hoạt động cách mạng mới.
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945), đồng chí Trần Quý Kiên đã hoạt động cách mạng liên tục 15 năm, trong đó có 11 năm bị đày ải qua 6 nhà tù, trại giam đế quốc. Là đảng viên thế hệ đầu tiên khi tuổi đời còn rất trẻ, với trách nhiệm và vị trí lãnh đạo được Đảng tin tưởng giao phó, đồng chí Trần Quý Kiên đã có công lao to lớn, đóng góp vào công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí luôn tự giác rèn luyện, học tập, nỗ lực vươn lên; vững vàng, kiên định với con đường đã lựa chọn và dấn thân; luôn trung thành và nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng; chân thành, tôn trọng, thương yêu giúp đỡ đồng chí, giản dị, hòa mình với nhân dân; kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Bản lĩnh, kinh nghiệm, ý chí chiến đấu và phẩm chất cách mạng được rèn luyện trong thời kỳ hoạt động đấu tranh giành độc lập dân tộc tiếp tục được đồng chí phát huy, có những đóng góp xuất sắc cho Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và xây dựng miền Bắc XHCN cho đến khi từ trần vào năm 1965.
Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng và truy tặng, như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (năm 1961), Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng, năm 2003), Huân chương Sao Vàng (truy tặng, năm 2018)..., tên hai con đường mang tên nhà cách mạng tiền bối Trần Quý Kiên (ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và ở thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) là sự trân trọng lưu danh đồng chí vì những đóng góp cho cách mạng, cho dân tộc, trong đó có những cống hiến xuất sắc trong thời kỳ hoạt động 1930-1945.
 
 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 9-2021
1. Quyết định số 262/QĐ-CTN, ngày 28-2-2018, của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Sao vàng Đồng chí Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ), Nguyên Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi
2. Biên bản Tổng kiểm thảo công tác của đồng chí Trần Qúy Kiên tại cuộc họp ngày 11-8-1952 của Tổ kiểm thảo Lớp chỉnh Đảng khóa I của Trung ương. Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
3. Trong: “Lý lịch tự khai” ngày 15-8-1952, tại Lớp chỉnh Đảng khóa I của Trung ương, được Ban Tổ chức Trung ương xác nhận ngày 10-10- 1952, đồng chí Trần Quý Kiên cho biết: “Do tinh thần yêu nước và sự bóc lột của chủ trong làm thợ, nên tôi rất dễ giác ngộ cách mạng”. Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
4. Có tài liệu viết đồng chí Trần Quý Kiên bị bắt ngày 30-7-1931
5. Trong Lý lịch tự khai ngày 15-8-1952, tài liệu đã dẫn, đồng chí Trần Qúi Kiên cho biết: “Bị bắt quả tang nên bị tra tấn nhiều, nhưng tôi giữ vững tinh thần, không khai và không nhận một ai, một mình một vụ”
6. Có tài liệu viết: thời gian này tại Nhà đày Sơn La hình thành chi bộ cộng sản, trong đó, có Nhạ (tức Đinh Xuân Nhạ)
7, 9, 11, 15. Trần Quý Kiên: “Lý lịch tự khai” ngày 15-8-1952. Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
8. Trần Quý Kiên: “Tóm tắt lý lịch”, ngày 10-6-1960. Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
10. Có tài liệu viết là tháng 3-1937
12. Có tài liệu viết đồng chí được phân công tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy từ tháng 4-1938, trước khi được phân công đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội
13. Có tài liệu viết đồng chí làm Bí thư Thành ủy Hà Nội từ cuối 1938
14. Xem: Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb Hà Nội, 2004, tr. 228
16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T.7, tr. 391-392
17. Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La: Lịch sử Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La (1945-2010), Nxb CTQG, H, 2011, tr. 27
18. Tỉnh ủy-Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La: Tỉnh Sơn La 110 năm (1895-2005), Nxb CTQG, H, 2005, tr. 97 
19. Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, do Bí thư Tỉnh ủy Trần Quyết, ký ngày 9-9-1948. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La.