Tóm tắt: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913 – 1997) là một trí thức yêu nước tiêu biểu của Nam Bộ, một tấm gương sáng về lối sống giản dị, thanh bạch, đồng cam cộng khổ cùng đồng đội, đồng nghiệp và nhân dân; cống hiến sức lực và trí tuệ cho đất nước, góp phần vào thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong xây dựng đất nước. Cuộc đời sự nghiệp của ông đã truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ Việt Nam về nghị lực và sự dấn thân, vì khoa học, vì trọng trách và vì tình yêu Tổ quốc.

Từ khóa: Trần Đại Nghĩa; trí thức yêu nước; khát vọng cống hiến

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa
tại 
một công binh xưởng sản xuất vũ khí trong kháng chiến chống Pháp

1. Tuổi trẻ ham học, thành tài
Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913 tại làng Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông được sinh ra trong gia đình nghèo, có truyền thống yêu nước và hiếu học, cha là cụ Phạm Quang Mùi dạy học ở tỉnh Vĩnh Long, mẹ là cụ bà Phạm Thị Diệu. Sinh ra trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân phải sống trong cảnh bần cùng, lên 6 tuổi Phạm Quang Lễ mồ côi cha. Để có thể tiếp tục đi học, người chị gái là Phạm Thị Nhẫn đã phải nghỉ học để cùng mẹ nuôi em theo nghiệp đèn sách. Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Quang Lễ đã nuôi chí phải đánh đuổi thực dân Pháp để cho dân mình bớt khổ. Ở cấp bậc tiểu học, ông luôn phấn đấu học thật giỏi. Năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ hạng ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho (College de Mytho), được nhận học bổng 4 năm học (1926 - 1930). Năm 1930, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh) và tiếp tục được học bổng liên tục 3 năm liền.
Với ý chí và quyết tâm vươn lên, giữa năm 1933, Phạm Quang Lễ đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Tây. Tuy nhiên, vì nhà nghèo Phạm Quang Lễ quyết định tạm thời dừng việc học để đi làm giúp mẹ, giúp chị và tiếp tục nuôi chí học cao hơn. Ngày 5-9-1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp học đại học. Trong thời gian ở Pháp, ông đã học tại các trường Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris và nhận bằng tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học.
Với mong muốn nghiên cứu về vũ khí trong hoàn cảnh Chính phủ Pháp cấm người dân thuộc địa học tại các trường dạy nghề về vũ khí hay vào làm việc ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí, Phạm Quang Lễ chỉ có thể tự mò mẫm và bí mật học hỏi, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí trong quá trình học tập tại các trường đại học ở Pháp. Ngoài ra, ông còn tự học tiếng Đức để đọc các tài liệu của Đức từ nguyên bản. Năm 1939, Phạm Quang Lễ làm việc tại Hãng điện khí Thomson rồi Viện Nghiên cứu chế tạo máy bay và vũ khí của Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong Xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không. Sau đó ông trở lại Pháp làm việc ở một hãng nghiên cứu chế tạo máy bay.
2. Trí thức yêu nước, dấn thân vì Tổ quốc
Tư tưởng yêu nước của Phạm Quang Lễ được hình thành từ rất sớm, bắt đầu từ những phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp tại Sài Gòn và Nam Bộ. Những phong trào này đã tác động đến tình cảm và quyết tâm, quyết chí học hành để giúp dân, giúp nước. Được hun đúc bằng ý chí của một trí thức yêu nước, được gặp và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về nước, ý thức dân tộc và tình cảm yêu nước của Phạm Quang Lễ càng nồng nàn, sâu sắc. Ngoài những đóng góp cho dân tộc trong hai cuộc kháng chiến, ông còn có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng nền khoa học trẻ tuổi của Việt Nam.
Chính tình yêu đất nước, lấy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống; chính trí tuệ và bầu nhiệt huyết cách mạng đã đưa Phạm Quang Lễ - Trần Đại Nghĩa vào hàng ngũ những nhà khoa học có cống hiến to lớn cho sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo vũ khí. Trong hàng nghìn người Việt Nam sang Pháp du học lúc bấy giờ, chỉ có duy nhất ông là quyết tâm nghiên cứu về chế tạo vũ khí. Bởi ông biết Việt Nam đang thiếu các nhà khoa học về lĩnh vực này nên ông đã mò mẫm nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí để sau này phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Từ năm 1936, khi đang học tập tại Pháp, sinh viên Phạm Quang Lễ đã được nghe và biết đến tên tuổi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, đến tháng 6-1946, chuyến công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp bàn về vấn đề giữa Việt Nam với Pháp, là dịp may hiếm có cho Phạm Quang Lễ (lúc này là kỹ sư trưởng chế tạo máy bay của Pháp) được đón vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam sang Pháp1. Với sự cảm mến, kính phục, tin yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh, người có nhiều am hiểu về giới trí thức Việt Nam tại Pháp lúc bấy giờ, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã được tháp tùng, đi cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc gặp gỡ, làm việc với kiều bào.
Trong những tháng ngày Phạm Quang Lễ tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sự giản dị, lối làm việc khoa học, nhân cách sống, tài năng và đức độ cũng như sự linh hoạt ứng biến trong mọi tình huống của Người đã làm cho Phạm Quang Lễ cảm phục, một lòng tin tưởng theo Bác. Đặc biệt, trong một lần gặp gỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Phạm Quang Lễ rằng: Nguyện vọng của chú lúc này là gì? Phạm Quang Lễ trả lời ngay: Dạ thưa, nguyện vng cao nhất của cháu bây giờ là được trở về quê hương cống hiến hết năng lực và tinh thần2. Hiểu được tâm tư của Phạm Quang Lễ, từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phạm Quang Lễ có nhiều cuộc trò chuyện thân mật. Phạm Quang Lễ đã trao đổi với Người về những hiểu biết của mình về tình hình quốc tế, đặc biệt là về quá trình làm việc, học tập, nghiên cứu khoa học của bản thân với mong muốn được trở về phục vụ Tổ quốc.
Cuộc hòa đàm giữa Việt Nam và Pháp tại Hội nghị Fontainebleau không đạt kết quả. Ngày 13-9-1946, phái đoàn Việt Nam rời cảng Marseille trên chiếc tàu biển mang tên Pasteur trở về nước3. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại Pháp và thông báo cho Phạm Quang Lễ biết nước Pháp không chịu thừa nhận nền độc lập của Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ này Người nói: Bác chuẩn bị về nước, chú chuẩn bị về nước với Bác, vài ngày nữa chúng ta lên đường. Nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói vậy, Phạm Quang Lễ rất vui sướng, bởi vì Phạm Quang Lễ đã chờ đợi ngày này 11 năm rồi! Phạm Quang Lễ đã từ bỏ Paris với cuộc sống giàu sang và nhiều cơ hội thăng tiến (kỹ sư trưởng chế tạo máy bay, được trọng đãi, được hưởng lương mỗi tháng 5.500 franc (tương đương 22 lượng vàng), cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước tham gia kháng chiến4.
Sau khi về nước, Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu bazooka của Mỹ. Ngày 5-12-1946, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp gặp Phạm Quang Lễ, giao nhiệm vụ cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới và chính Người đã đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa - theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là để giữ bí mật cho ông và để bảo vệ cho gia đình, ông còn ở lại trong miền Nam. Kể từ đây, Trần Đại Nghĩa được toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, nhân dân.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, những tri thức về chế tạo vũ khí, khí tài trang bị cho quân đội của kỹ sư Trần Đại Nghĩa trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ông đã thành công trong việc chế tạo vũ khí, kịp thời phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Quá trình bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo vũ khí, Trần Đại Nghĩa cùng đồng nghiệp, đồng đội, cộng sự quên ăn, quên ngủ, luôn chủ động, sáng tạo để có thành công sớm nhất. Sau ba tháng nghiên cứu, tháng 2-1947, việc thử nghiệm bazooka thành công. Những vũ khí do ông và các đồng nghiệp nghiên cứu chế tạo thành công như: lựu đạn, súng phóng lựu, súng cối 50,8 mm, mìn phá xe, bazooka  đã góp phần đánh thắng quân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947. Với đóng góp lớn cho năm đầu kháng chiến, Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên năm 1948 và năm 1949 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, một lần nữa, với sự đóng góp to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Việt Nam đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản như: Ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm; đặc biệt là những cải tiến trên pháo phản lực ĐKB-H12 của Liên Xô….
Từ khi trở về nước năm 1946, cho đến cuối đời, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại biểu Quốc hội khóa II, III. Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với những cương vị, chức vụ công tác khác nhau ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Trần Đại Nghĩa luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của Trần Đại Nghĩa đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học.
Với những thành tích quan trọng đối với đất nước, Trần Đại Nghĩa đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Danh hiệu Anh hùng Lao động; được Liên Xô vinh danh làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1966. Năm 1996, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và cộng sự được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
Có thể nói, đối với Giáo sư Trần Đại Nghĩa, được trở về phụng sự Tổ quốc, nhân dân,cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề vẫn là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn. Ngày đất nước thống nhất, 30-4-1975, ông ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Nhiệm vụ của Bác giao cho tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã hoàn thành…”5. Sinh thời ông từng nói: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”6.
Cuộc đời của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa chính là cuộc đời của một trí thức yêu nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông cũng là người con tiêu biểu của Nam Bộ với khí phách hào sảng, lòng nhiệt thành yêu nước và nghĩa khí. Trở về nước, phụng sự Tổ quốc, nhân dân khi tuổi thanh xuân của ông đang hứa hẹn nhiều tương lai rộng mở ở trời Âu… Sự lựa chọn trở về của ông chính là sự thể hiện khát vọng cống hiến, trở thành gương sáng cho tuổi trẻ Việt Nam noi theo. Ông là đại diện của một thế hệ thanh niên đã gan góc đấu tranh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, một dân tộc thông minh, sáng tạo, đã hun đúc cho mình hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước. Ông đã, đang và sẽ trở thành biểu tượng cho thanh niên Việt Nam luôn nguyện cống hiến cho khát vọng đất nước độc lập và phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Những đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với đất nước đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khái quát trong Điện chia buồn gửi đến gia đình Viện sĩ ngày ông qua đời (9-8-1997): “… Suốt đời làm việc vì đại nghĩa, không biết mệt mỏi, dù ở cương vị nào, là Cục Trưởng Cục quân giới đầu tiên hay Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, ở những trọng trách trong ngành kinh tế, khoa học, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã có những cống hiến xứng đáng đối với quân đội, đối với dân tộc. Anh ra đi để lại một tấm gương sáng của một trí thức tiêu biểu, mẫu mực và đức độ: liêm khiết, công tâm; về tài năng: thông minh và sáng tạo; ăn ở đoàn kết, thủy chung, có thể nói là đã không phụ lòng Bác Hồ đã đưa anh về nước”7.
 


 Ngày nhận bài 3/8/2023; ngày thẩm định 13/9/2023; ngày duyệt đăng 19/9/2023
1, 2, 6,7. Xem: Tỉnh ủy Vĩnh Long, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2013, tr. 56, 57, 46, 328 – 329
3. Vũ Dương Ninh: Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940 - 2010, Nxb. CTQG, H, 2014, tr. 96.
4. Cùng trở về nước với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có 3 trí thức yêu nước khác là Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và Trần Hữu Tước, trong đó Phạm Quang Lễ là người Nam Bộ.
5. Tỉnh ủy Vĩnh Long: Trần Đại Nghĩa chân dung nhà khoa học anh hùng, Nxb CTQGST, H, 2023, tr.189