18/06/2023 - 04:05 PM - 317 lượt xem
Lời Ban biên tập: Đồng chí Võ Văn Ngân, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con quê hương Long An anh hùng. Quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí trong điều kiện bí mật, bị địch kiểm soát gắt gao, chiến tranh ác liệt, không lưu trữ được nhiều tài liệu, nên một số vấn đề liên quan đến đồng chí còn nhiều luồng ý kiến chưa thống nhất như: năm sinh; năm mất; đồng chí có bị địch bắt năm 1932 không? Bài viết thống kê một số công trình đã xuất bản, tài liệu của gia đình cung cấp, các số liệu chưa thống nhất, về các vấn đề nêu trên, thêm tư liệu, căn cứ để các nhà nghiên cứu tham khảo.
Từ khóa: Võ Văn Ngân; lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; năm sinh, năm mất, bị địch bắt; Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng
Võ Văn Ngân sinh trưởng tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, bên nội, bên ngoại đều tham gia chống Pháp và nhiều người bị giặc sát hại. Hai cụ thân sinh đều là nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn Vườn Trầu năm 1885. Bảy anh chị em gia đình Võ Văn Ngân lớn lên đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; gia đình có bốn người con đã hy sinh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngay sau sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Văn Ngân tham gia vào đội ngũ của Đảng. Ngày 6-3-1930, Võ Văn Ngân cùng Võ Văn Tần nhóm họp bí mật tại nhà Hương hộ Thỏ ở làng Đức Hòa nhất trí chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, “Chi bộ gồm 7 đồng chí: Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Thỏ, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Sậy, do đồng chí Tần làm Bí thư”1. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn. Đứng trong hàng ngũ Đảng, trong thời gian đầy cam go, thử thách, từ những năm đầu thành lập Đảng, đồng chí có cống hiến xuất sắc, luôn đi tiên phong trong các phong trào cách mạng, có nhiều đóng góp quan trọng xây dựng tổ chức Đảng, lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Kỳ, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Định; Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tại Đại hội I (tháng 3-1935) của Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa I. Sau Đại hội I của Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Kỳ (tháng 4-1935). Tháng 9-1937, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng2.
Đến nay, đã có nhiều công trình xuất bản đề cập đến thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân. Qua khảo sát từ các công trình đã xuất bản, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề chưa thống nhất về đồng chí Võ Văn Ngân.
1. Về năm sinh: Hiện có nhiều nguồn tài liệu phản ánh chưa thống nhất về năm sinh của đồng chí Võ Văn Ngân, có tài liệu viết là năm 1898; có tài liệu viết là năm 1902; có tài liệu viết là năm 1906. Cụ thể như sau:
- Cuốn Những hạt giống đỏ trên đất Long An, Nxb Long An, xuất bản năm 1991, viết Võ Văn Ngân sinh năm 1898.
- Cuốn Gia phả Họ Võ, Ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, thực hiện năm 1998, viết: Võ Văn Ngân sinh năm 1902 và đặt dấu chấm hỏi, phần nội dung ghi: “Có một số tư liệu của Đảng cho biết ông Ngân sinh năm 1906. Ông Ngân phải sinh sớm hơn. Ít ra ông cũng bằng hay hơn tuổi vợ của ông, vì bà sinh 1902”. Phần viết về ông Võ Văn Sự và bà Nguyễn Thị Toàn (là cha, mẹ đồng chí Võ Văn Ngân) nội dung ghi các con của ông bà, về Võ Văn Ngân ghi sinh năm 1906.
- Cuốn Địa chí Long An, Nxb Long An, Nxb KHXH, xuất bản năm 1989, tr. 617, viết: Võ Văn Ngân (1906-1939); tức là sinh năm 1906.
- Tại cuộc Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Ngân, quá trình hoạt động từ người yêu nước trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực” do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng-Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An tổ chức ngày 4-10-2019, ông Nguyễn Đô Lương, cháu ngoại đồng chí Võ Văn Ngân, cho biết đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902.
2. Về năm mất: Các công trình đã xuất bản có 2 thời điểm về năm mất của đồng chí Võ Văn Ngân, đó là năm 1938 và năm 1939. Cụ thể:
- Cuốn Những hạt giống đỏ trên đất Long An, Nxb Long An, xuất bản năm 1991, tr. 81 ghi: “Đầu năm 1938, vì bệnh tình ngày một trầm trọng, Võ Văn Ngân được Xứ ủy đưa về gia đình làng Bình Tả, xã Đức Hòa. Nơi đây đồng chí Võ Văn Ngân... đã trút hơi thở cuối cùng”.
- Cuốn Gia phả Họ Võ, Ấp Bình Tả, xã Đức Hoà Đông, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An viết: “Năm 1938, Võ Văn Ngân bị ốm nặng, bệnh lao đã tàn phá sức khỏe của ông, ngày 7-9-1939 cướp đi sinh mạng của ông ở tuổi 37”.
- Cuốn Địa chí Long An, Nxb Long An, Nxb KHXH, xuất bản năm 1989, tr. 617 viết: Võ Văn Ngân (1906-1939); tức là mất năm 1939 và ở tr.618 viết: “Nhưng đến giữa năm 1939 thì đồng chí Lê Hồng Phong cũng bị bắt, công tác của Đảng gặp rất nhiều khó khăn. Cùng thời gian này đồng chí Võ Văn Ngân bị ốm nặng, và bệnh tình đã cướp mất đồng chí ở tuổi 32...”.
- Báo cáo thành tích truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà Nguyễn Thị Toàn (mẹ đồng chí Võ Văn Ngân) do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký, ghi đồng chí Võ Văn Ngân mất năm 1938.
- Tham luận của ông Nguyễn Đô Lương, cháu ngoại đồng chí Võ Văn Ngân, tại cuộc Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Ngân, quá trình hoạt động từ người yêu nước trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực”, ngày 4-10-2019, tại Long An, viết: “Giữa năm 1937, sau thời gian dài hy sinh gian khổ cho hoạt động cách mạng, ông Võ Văn Ngân lâm trọng bệnh... ông Võ Văn Ngân đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7-9 âm lịch năm Mậu Dần (tức ngày 29-10-1938)”.
3. Có hay không việc đồng chí Võ Văn Ngân bị địch bắt năm 1932?
Đến nay các công trình đã xuất bản, công bố phản ánh không giống nhau về vấn đề đồng chí Võ Văn Ngân có bị địch bắt hay không? Cụ thể:
- Cuốn Địa chí Long An, Nxb Long An, Nxb KHXH, xuất bản năm 1989, tr. 232 viết: “giữa năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân và một số đồng chí Tỉnh ủy viên bị địch bắt, Tỉnh ủy Chợ Lớn tan rã”.
- Cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Nxb CTQG, tr. 41, phần chú thích, viết: “đồng chí Võ Văn Ngân bị địch bắt giữa năm 1932, nay chưa tìm được tài liệu nói lúc nào đồng chí được thả”.
- Cuốn Chợ Lớn-Lịch sử chín năm kháng chiến Nxb QĐND, H, 1995, tr. 28, viết: giữa năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân và một số đồng chí Tỉnh ủy viên bị địch bắt và không có thông tin về thời gian được thả ra.
Một số công trình xuất bản liên quan đến cuộc đời hoạt động của Võ Văn Ngân về công tác xây dựng Đảng ở Nam Kỳ những năm 1930-1945, không đề cập đến nội dung này. Cụ thể:
- Cuốn Những hạt giống đỏ trên đất Long An, Nxb Long An, xuất bản năm 1991, tr. 75-76 viết: “đầu năm 1932 do nhu cầu công tác, Võ Văn Ngân lại được điều qua làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, thay cho đồng chí Võ Văn Tần... được cơ sở và quần chúng tin yêu hết lòng bảo vệ vì vậy địch không bao giờ phát hiện được đồng chí. Cuối năm 1932, thực dân Pháp phản kích... bắt được cả Hồ Văn Long, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Mặc dù vậy các chi bộ ở Chợ Lớn do Võ Văn Ngân lãnh đạo vẫn tiếp tục giữ vững”.
- Cuốn Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb CTQG, H, 2015, tr. 97 viết: “Ngay từ giữa năm 1932, hai đồng chí Võ Văn Ngân và Võ Văn Tần đã thành lập lại Tỉnh ủy Gia Định với hai Huyện ủy Gò Vấp và Hóc Môn. Đồng chí Võ Văn Ngân đã là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định trước khi đồng chí đi dự Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao”.
- Cuốn Võ Văn Tần-Tiểu sử Nxb CTQG, H, 2015, tr. 82 viết: “Giữa năm 1932, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí Võ Văn Ngân trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định”
- Bài tham luận của ông Nguyễn Đô Lương, cháu ngoại đồng chí Võ Văn Ngân, ghi: “năm 1932, ông Võ Văn Ngân được phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn... được Chi bộ Đảng và nhân dân Tân Thới Nhất-Bà Điểm bảo vệ, che giấu an toàn” và không đề cập đến sự kiện ông Võ Văn Ngân bị bắt vào giữa năm 1932.
4. Một số nhận xét
- Thứ nhất là, về năm sinh
Qua nghiên cứu, đối chiếu các tư liệu, chúng tôi thấy rằng các công trình đã xuất bản viết đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1898 và năm 1906 không ghi chú thích là căn cứ vào tài liệu hoặc kết quả khoa học nào? Đến nay, việc xác định năm sinh chính xác bằng văn bản pháp lý là rất khó khăn do không tìm thấy tư liệu. Chúng tôi cho rằng, việc xác định năm sinh của đồng chí Võ Văn Ngân từ nguồn các tư liệu gia đình cung cấp là đáng tin cậy. Hơn nữa, năm sinh của từng thành viên trong gia đình là anh chị ruột của đồng chí Võ Văn Ngân được ghi rất chi tiết, trong đó năm sinh của anh trai Võ Văn Tần cũng được khẳng định qua cuốn Võ Văn Tần-Tiểu sử Nxb CTQG, H, 2015. Tài liệu cho biết: ông Võ Văn Sự và bà Nguyễn Thị Toàn (cha mẹ ông Võ Văn Ngân sinh được 11 người con), trong đó 4 người mất từ nhỏ (Người thứ 2, thứ 3, thứ 6, thứ 8). 7 người còn lại là: Người thứ 4: ông Võ Văn Mẫn, sinh năm 1885, mất năm 1931; Người thứ 5: bà Võ Thị Cân, sinh năm 1887; Người thứ 7: ông Võ Văn Tần, sinh năm 1891, hi sinh năm 1941; Người thứ 9: ông Võ Văn Tây, sinh năm 1895, hi sinh năm 1940; Người thứ 10: bà Võ Thị Phiên, sinh năm 1897, mất năm 1975; Người thứ 11: bà Võ Thị Phái, sinh năm 1899, hi sinh năm 1940. Người thứ út: ông Võ Văn Ngân, sinh năm 1902, mất năm 1938.
Vậy theo chúng tôi, có thể xác định đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902.
- Thứ hai là, về năm mất
+ Theo tài liệu gia đình lưu giữ và cung cấp, đồng chí Võ Văn Ngân mất năm 1938. Sinh thời, mẹ đồng chí Võ Văn Ngân là bà Nguyễn Thị Toàn đã nói Võ Văn Ngân mất năm 1938. Trên tấm bia của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng-Bà Nguyễn Thị Toàn-Mẹ đồng chí Võ Văn Ngân, cũng ghi rõ Võ Văn Ngân sinh năm 1902, mất năm 1938; bia này thời gian lập năm 1995.
+ Tại Hội thảo khoa học ngày 4-10-2019, ông Nguyễn Đô Lương cháu ngoại Võ Văn Ngân cho rằng, gia đình và nhân dân Bà Điểm-Hóc Môn từ trước đến nay, đặc biệt những người đã từng chăm sóc đồng chí Võ Văn Ngân lúc bị bệnh nặng, luôn xác nhận Võ Văn Ngân mất năm 1938. Gia đình cũng xác định ngày 7-9 âm lịch năm Mậu Dần, tức ngày 29-10-1938 (dương lịch) là ngày mất của đồng chí Võ Văn Ngân. Hằng năm, gia đình vẫn lấy ngày này làm ngày giỗ đồng chí tại Nhà thờ Võ Văn Ngân, số 12/5M, ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
Vậy theo chúng tôi, có thể xác định đồng chí Võ Văn Ngân mất năm 1938.
- Thứ ba là, về việc đồng chí Võ Văn Ngân có bị địch bắt năm 1932 hay không?
Nghiên cứu các công trình đã xuất bản về việc đồng chí Võ Văn Ngân bị địch bắt năm 1932, chúng tôi nhận thấy chỉ nêu thông tin bị bắt, không ghi nguồn tư liệu, cũng không ghi thời gian bị giam giữ, địa điểm giam giữ, khi nào được thả ra? Hơn nữa, qua các tài liệu của mật thám Pháp ở Nam Kỳ mà chúng tôi tiếp cận được không có bất cứ thông tin nào về đồng chí Võ Văn Ngân bị bắt năm 1932. Qua các nghiên cứu tài liệu có liên quan đến đồng chí Võ Văn Ngân cũng như nghiên cứu phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Kỳ, nhân dân các tỉnh Chợ Lớn, Gia Định... thời kỳ 1930-1945, chúng tôi nhận thấy thời gian hoạt động của đồng chí Võ Văn Ngân năm 1931-1932 là liên tục. Như vậy, thông tin đồng chí Võ Văn Ngân bị địch bắt giữa năm 1932 là không đủ cơ sở. Việc Võ Văn Ngân vắng mặt trong thời gian từ giữa năm 1932 có thể do giặc vây ráp quá gắt, nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy Chợ Lớn bị bắt, nên Võ Văn Ngân tạm lánh đi nơi khác.
Vậy theo chúng tôi, việc đồng chí Võ Văn Ngân bị địch bắt năm 1932 là chưa có cơ sở.
Tóm lại, qua nghiên cứu, có thể khẳng định, đồng chí Võ Văn Ngân một chiến sĩ cộng sản trung kiên, xuất sắc, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, có công gây dựng, duy trì, phát triển cơ sở Đảng và tổ chức lãnh đạo hoạt động phong trào cách mạng mạnh mẽ ở khắp Chợ Lớn, Gia Định và cả Nam Kỳ trong khoảng thời gian những năm 1930-1938. Do có những khó khăn về tài liệu lưu trữ, nên còn một số vấn đề có liên quan đến cuộc đời, hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, mong các nhà nghiên cứu tiếp tục quan tâm, làm rõ để Tiểu sử đồng chí Võ Văn Ngân sớm hoàn thành, chân thực và chuẩn xác.

1. Những hạt giống đỏ trên đất Long An, Nxb Long An, 1991, tr. 73
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-1954) quyển 1, Nxb CTQG, H, 2018, tr. 404.