Tóm tắt: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (1904-1979) là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sớm giác ngộ với lý tưởng cộng sản, trải qua thực tiễn cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những đóng góp quan trọng, góp phần tác động đến phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cống hiến hết mình, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Từ khoá: Nguyễn Lương Bằng; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin

1. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng trước khi tham gia hoạt động cách mạng

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh là: Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân…) thường được các đồng chí cùng thời gọi là Anh Cả. Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2-4-1904, tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình nhà nho nghèo, cha làm nghề dạy học. Đồng chí là con út trong một gia đình, trên có 3 người chị gái. Hoàn cảnh nghèo khó, nên chỉ có Nguyễn Lương Bằng được gia đình cho đi học. Từ rất sớm, năm 1917, thân phụ của Nguyễn Lương Bằng qua đời. Sau khi cha mất, Nguyễn Lương Bằng phải nghỉ học, ở nhà cùng mẹ và chị làm nghề hàng xáo để mưu sinh. Từ đó, Nguyễn Lương Bằng trải qua thời niên thiếu vô cùng vất vả, thiếu thốn, đồng chí phải làm nhiều nghề, bươn trải để kiếm sống; được gia đình cho đi học nghề thợ may ở địa phương. Năm 18 tuổi, Nguyễn Lương Bằng bỏ nghề may, theo một người anh họ ra Hải Phòng tìm việc làm, cuộc sống hết sức khó khăn “tìm mãi không được việc làm, đồng chí phải sống lang thang, có cái quần, tấm áo nào còn tốt cũng phải đem bán để sống qua những ngày thiếu thốn, khó khăn”1. Nhờ người quen giúp đỡ, Nguyễn Lương Bằng xin được vào làm phụ bếp trong một khách sạn, rồi đi làm bếp cho một gia đình quan chức người Pháp. Những người chủ này đều đối xử tàn nhẫn, hành hạ, mắng nhiếc người làm công. Nguyễn Lương Bằng quyết định bỏ việc, đi làm công cho một chủ cửa hàng vải người Ấn Độ tại Hải Phòng. Trong khoảng 1 năm làm việc tại đây, với tinh thần ham học và nghị lực vươn lên, đồng chí tranh thủ vừa làm việc, vừa học thêm văn hóa và học tiếng Pháp. Nhờ sự cố gắng đó, trong thời gian không lâu, đồng chí đã đọc và viết thư được bằng tiếng Pháp.

Để thực hiện quyết tâm và hoài bão của mình, năm 1925, Nguyễn Lương Bằng xin làm bồi bếp trên tàu Căng tông của Pháp, chạy tuyến Hải Phòng - Hồng Kông (Trung Quốc); sau đó chuyển sang làm công trên một chiến thuyền của Pháp ở Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc). Khi ấy, Quảng Châu là Thủ đô cách mạng của Trung Quốc và là địa bàn hoạt động cách mạng rất sôi nổi của những người yêu nước Việt Nam. Nguyễn Lương Bằng tới Sa Diện giữa lúc tiếng vang sự kiện đánh bom của Phạm Hồng Thái vẫn còn đang gây xôn xao dư luận. Đồng chí kể lại rằng: “Tôi tới Sa Diện giữa lúc tiếng bom của liệt sĩ Phạm Hồng Thái còn đang làm chấn động dư luận. Bọn Pháp thì hoảng hốt. Thế giới bắt đầu chú ý đến cách mạng Việt Nam. Nhân dân Trung Quốc có thêm cảm tình với ta. Đối với những người Việt Nam có lòng yêu nước, tiếng bom Sa Diện càng cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng. Gương hy sinh vì nước của liệt sĩ Phạm Hồng Thái kích thích tôi mạnh mẽ”2. Nhưng cũng như lứa thanh niên đương thời, Nguyễn Lương Bằng “chưa biết lựa chọn con đường nào để đi. Nhiều lúc ruột gan rối bời”3, bởi các phong trào đấu tranh trong nước đều thất bại.

Được tiếp xúc với những người cách mạng, với bầu nhiệt huyết yêu nước của tuổi trẻ, Nguyễn Lương Bằng từng bước làm quen và kết bạn với những người cùng chí hướng, hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng. Nguyễn Lương Bằng đã gặp Cẩm Xuỳn, một người Trung Quốc từng ở Việt Nam, nói tiếng Việt khá thành thạo, có tinh thần cách mạng rất hăng hái, thường khoác khăn đỏ đi tuyên truyền vận động trong công nhân. Hai người nhanh chóng trở nên thân thiết, vì đều là những thanh niên yêu nước có tư tưởng chống thực dân quyết liệt (Cẩm Xuỳn vốn là một đồng chí trong Hải viên công hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có tư tưởng chống Anh). Trong một lần cùng Cẩm Xuỳn đi viếng mộ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương, Nguyễn Lương Bằng rất xúc động và thôi thúc ý nghĩ muốn hoạt động cách mạng. Cẩm Xuỳn liền giới thiệu Nguyễn Lương Bằng với Hồ Tùng Mậu (khi ấy bí danh là Ích), một trong những thành viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thông qua Hồ Tùng Mậu, không bao lâu, Nguyễn Lương Bằng được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Vương). Nguyễn Lương Bằng sớm cảm phục Nguyễn Ái Quốc bởi tinh thần yêu nước và hiểu biết về đường lối đấu tranh cách mạng của Việt Nam. Sau một thời gian ngắn tiếp xúc và tìm hiểu, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tùng Mậu nhận thấy Nguyễn Lương Bằng là một thanh niên có nhiệt tình yêu nước, nên quyết định kết nạp đồng chí vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 12-1925). Từ đây, người thanh niên yêu nước Nguyễn Lương Bằng chính thức tham gia hoạt động cách mạng cứu nước. 

2. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng tham gia hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam

Sau khi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Lương Bằng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó, mỗi tuần hai kỳ, Nguyễn Lương Bằng tham dự lớp huấn luyện chính trị cùng với một số thành viên của Hội, do Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tùng Mậu hướng dẫn. Tài liệu học tập do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (những tài liệu này về sau được in thành cuốn Đường Kách mệnh). Ngoài giờ huấn luyện chính trị, đồng chí còn được học thêm văn hóahọc tiếng Anh, do Nguyễn Ái Quốc dạy. Trong hồi ký Nhờ nhân dân mà trưởng thành, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã viết: “Mỗi lần tôi ra khỏi được tô giới Pháp, các đồng chí Ích và Vương kéo chúng tôi vào trụ sở công hội ở bất cứ khu phố nào, mượn ngay các trụ sở của bạn, mở lớp huấn luyện chúng tôi ở đấy”4. Ngoài các địa điểm kể trên, nhà thuê của các đồng chí trong Hội cũng trở thành cơ quan để họp và học tập. “Cũng có khi đồng chí Vương hẹn gặp chúng tôi ở một chỗ rồi kéo chúng tôi đi trên hè phố nói chuyện. Những lúc gần gũi như thế, tôi thấy đồng chí Vương không bỏ qua một việc gì, dù nhỏ, nhằm uốn nắn, giáo dục chúng tôi”5.

Trong các buổi học tập, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề cập nhiều đến nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: đánh đổ đế quốc, phong kiến và bọn tư sản mại bản, giải phóng dân tộc, đưa nhân dân đến chỗ ấm no, hạnh phúc, xây dựng một chế độ mới, thật sự công bằng, không có áp bức bóc lột. Để thực hiện được điều đó, người cách mạng phải có quyết tâm cao, dám hy sinh vì nhân dân, vì đất nước, phải rèn luyện đạo đức và phẩm chất cách mạng. Người cách mạng không được hiếu danh, tư lợi, phải gần gũi quần chúng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Người còn nhấn mạnh: muốn đưa cách mạng đến thắng lợi phải biết tổ chức và đoàn kết các lực lượng cách mạng, phải có phương pháp cách mạng đúng đắn, trước hết phải có Đảng cách mạng lãnh đạo; Đảng có vững thì cách mạng mới thành công; Đảng muốn vững thì phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cốt…

Theo một số tài liệu tiếng Pháp, sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra kế hoạch hoạt động, theo đó:

“Ở ngoài nước:

a) Đào tạo những người xuất dương trẻ tuổi.

b) Chuẩn bị tài liệu tuyên truyền và bảo đảm một cách đáng kể việc xuất bản đều đặn tờ báo của Hội.

c) Lập ra và duy trì hệ thống liên lạc một mặt với Đông Dương, mặt khác, với các tổ chức cộng sản và các tổ chức cách mạng nước ngoài có thiện cảm.

d) Giữ cho tất cả các hội viên trung thành với chủ nghĩa và bảo đảm kỷ luật mà Tổng bộ đề ra.

e) Tung về nước những thanh niên đã được huấn luyện ở Quảng Châu.

Ở trong nước:

a) Tổ chức nhiều chi bộ; phải hiểu rằng mỗi một hội viên mới được kết nạp vào Hội phải theo đúng nguyên tắc là phải trở thành một phần tử mới của một chi bộ mới.

b) Lập những tổ chức đã nêu ra trong bản Điều lệ và xây dựng một đảng thống nhất, có kỷ luật nghiêm minh6.

Năm 1926, để thực hiện “kế hoạch” của mình, trong một buổi họp chung, Nguyễn Ái Quốc có đề cập rằng hiện nay trong nước đang cần người về hoạt động. Nguyễn Ái Quốc gặp riêng Nguyễn Lương Bằng và hỏi về vấn đề này. Đang độ tuổi thanh niên hăng hái hoạt động, Nguyễn Lương Bằng - một trong những lứa thanh niên đầu tiên được đào tạo ở Quảng Châu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ về nước hoạt động. Trước khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn kỹ Nguyễn Lương Bằng về cách thức hoạt động, gặp gỡ tiếp xúc quần chúng, vận động và hướng quần chúng đến với cách mạng, mở rộng tổ chức các cơ sở phát triển phong trào, đặc biệt chú ý đến vấn đề giữ bí mật… Khoảng tháng 9-1926, Nguyễn Lương Bằng từ biệt các đồng chí ở Quảng Châu lên đường trở về nước.

Nhiệm vụ chính mà Nguyễn Ái Quốc giao cho Nguyễn Lương Bằng là tổ chức đường giao thông từ Hải Phòng đến Hồng Kông, để đưa thanh niên trong nước ra nước ngoài học tập và chuyển tài liệu, sách báo từ nước ngoài về nước. Trước tiên, Nguyễn Lương Bằng tìm đến những người bạn cũ để thăm hỏi, rồi bắt đầu từng bước tuyên truyền, vận động và tổ chức những người yêu nước tham gia vào Hội Tương tế và tổ chức được các Hội Tương tế ở Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình, kết nạp được một số hội viên như Nguyễn Mạnh Bổng, Lưu Bá Ngữ, hai chú cháu anh Trọng Cù,…7

Đầu năm 1927, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thực hiện thành công nhiệm vụ lập đường dây liên lạc sang Trung Quốc, nối liền Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu và hình thành được mối liên lạc giữa Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở trong nước với Tổng bộ Hội ở Quảng Châu. Đến mùa thu năm 1927, đường dây liên lạc do Nguyễn Lương Bằng xây dựng đã đưa đón gần 200 cán bộ cách mạng, tiếp chuyển 250 tờ báo Thanh niên và sách Đường Kách mệnh, cùng với một số tài liệu từ trong nước ra nước ngoài8. Các tài liệu, sau đó sao nhân thành nhiều bản để lưu hành bí mật ở Hải Phòng và đem phân phối ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hòn Gai,… Thông qua sự chuyển tải của đường dây liên lạc, do Nguyễn Lương Bằng phụ trách, báo Thanh niên và sách Đường Kách mệnh, được phân phối khắp trong nước, đã nhanh chóng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản. Đồng thời, trong thời gian trên, Nguyễn Lương Bằng cũng đã thiết lập được cơ sở liên lạc ở Sa Diện (Quảng Châu). Mỗi khi tàu đến, việc trao đổi tài liệu được người của cơ sở này thực hiện ngay tại bến tàu, nên việc tiếp chuyển tài liệu rất bí mật và thuận tiện.

Tuy mới hoạt động ở Hải Phòng được khoảng 4 đến 5 tháng, nhưng Nguyễn Lương Bằng đã hoàn thành được nhiệm vụ mà Nguyễn Ái Quốc giao như: tổ chức quần chúng, lập các hội Tương tế, hoạt động theo sự chỉ đạo của Tổng bộ Thanh niên và đã thành công trong nhiệm vụ xây dựng được đường dây liên lạc từ trong nước ra ngoài nước và ngược lại.

Thực hiện chủ trương “vô sản hoá” của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Lương Bằng chủ động tìm việc làm trong một nhà máy Hải Phòng, nhưng không thành, nên phải đi kéo xe. Đối với Nguyễn Lương Bằng, mục đích chính của việc đi kéo xe không phải là tìm đón khách, mà là tìm đến chỗ anh em kéo xe để tụ tập, hỏi chuyện, nêu lên sự bất công của xã hội, sự bóc lột dã man của chủ xe và tuyên truyền, giáo dục ý thức cách mạng cho họ. Nhìn chung, chủ trương “vô sản hoá” đã nhanh chóng có tác dụng trực tiếp, phong trào đấu tranh của công nhân ngày một phát triển. Điển hình cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Avia và Nhà máy Dệt Nam Định. Không chỉ các cuộc đấu tranh của công nhân ở miền Bắc, mà công nhân ở Trung Kỳ và Nam Kỳ cũng lần lượt nổ ra: cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Staka (Trung Kỳ), công nhân Nhà Bè và công nhân đồn điền Dầu Tiếng (Nam Bộ). Riêng đối với công nhân kéo xe, dưới sự vận động, lãnh đạo của Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác đã thúc đẩy và nổ ra cuộc đình công của 2.000 công nhân xe kéo Hải Phòng giành được thắng lợi, buộc chủ xe phải chấp nhận giảm thuế9.

Giữa năm 1929, Nguyễn Lương Bằng được Tổng bộ Thanh niên điều động đi nhận công tác mới ở Trung Quốc. Tháng 10-1929, tại Quảng Châu, Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, đồng chí được điều động đến Thượng Hải10 (trên phần tô giới Pháp) để xây dựng cơ sở cách mạng trong Việt kiều; đồng thời tiến hành công tác vận động cách mạng trong binh lính, thiết lập đường dây liên lạc từ Thượng Hải (Trung Quốc) về Việt Nam.

Chỉ sau gần 1 tháng đến Thượng Hải, Nguyễn Lương Bằng đã gây dựng được cơ sở trong lực lượng công nhân và binh lính, sau đó phát triển cả trong những người buôn bán... hình thành mạng lưới cơ sở cách mạng. Vận động thành lập các Hội Tương tế trong công nhân và tiểu thương; Hội binh lính trong các đơn vị quân đội ở đây.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng các đồng chí Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu), Lưu Quốc Long... đã bí mật in một số tờ báo ở Thượng Hải để tuyên truyền trong Việt kiều và binh lính người Việt và cả binh lính người Pháp.

Có thể thấy, không chỉ là người sớm đi theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là một trong những người đầu tiên tích cực chuẩn bị tiến tới thành lập Đảng, “đồng chí có nhiều dịp được ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một người cộng sự đắc lực trong việc xây dựng Đảng ta, giáo dục đảng viên, chăm lo sự vững vàng của Đảng về tư tưởng và tổ chức”11.

Đi từ chủ nghĩa yêu nước, là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng kiên cường thời dựng Đảng, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Đảng và phát triển của cách mạng Việt Nam. Trên các cương vị khác nhau của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn thể hiện là một nhà chính trị tài năng.

Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng cho đến lúc từ giã cõi đời, đồng chí Sao Đỏ-Nguyễn Lương Bằng luôn là tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bất khuất, kiên trung, tận tụy, hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, xứng đáng là người cán bộ, đảng viên mẫu mực, có đủ phẩm chất đức độ và tài năng: Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm của một nhà lãnh đạo cộng sản, đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với những cống hiến to lớn của mình, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng mãi được khắc ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.


Ngày nhận bài: 23-4-2024; ngày thẩm định: 15-5-2024; ngày duyệt đăng: 25-5-2024


1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Đồng chí “Sao đỏ” Nguyễn Lương Bằng”, Nxb ST, H, 1982, tr. 6

 

2, 3.5. Nguyễn Lương Bằng: Những lần gặp Bác, in trong tác phẩm Đầu Nguồn, Nxb Văn học, H, 1975, tr.15, 15, 19

4. Nguyễn Lương Bằng: Nhờ nhân dân mà trưởng thành, in trong cuốn Nhân dân ta rất anh hùng, Nxb Văn học, H, 1976, tr.18

6. Góp phần vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Pháp, 1933, tập 4 tr.18 (tiếng Pháp). Dẫn theo Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Nxb Thông tin lý luận, H, 1985, tr.82-83

7.8. Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Nguyễn Lương Bằng - Tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2015, tr. 45, 46, 56

10. Trong Hồi ký cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể lại: “Thanh niên ưa công tác khó khăn, mới mẻ, tôi không ngần ngại xin đi Thượng Hải, nơi chưa có cơ sở cách mạng, tự mình xây dựng lấy... Cầm vé tàu, lòng tôi tràn ngập niềm vui sướng được làm nhiệm vụ vinh quang mà Đảng tin tưởng giao cho mình; đồng thời cũng rất lo đến công việc đầy khó khăn, gian khổ đang chờ đợi mình. Ở Thượng Hải có 4.000 lính khố xanh và khố đỏ. Ngoài ra, có một số công nhân, cộng cả gia đình, kể cả binh lính thì có khoảng 6.000 người Việt Nam. Khoảng 1.000 lính Pháp... Có thể nói, Thượng Hải là một địa điểm rất quan trọng về đường thủy lẫn đường bộ”.

11. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại lễ tang đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Báo Nhân Dân, ngày 24-7-1979.