1. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản
Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2-2-1908 trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Một trong yếu tố quan trọng nuôi dưỡng, tô bồi lòng yêu nước nồng nàn, tình cảm thương dân sâu sắc của Nguyễn Đức Cảnh chính xuất thân từ quê hương Thái Bình, nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, người dân Thái Bình dưới sự chỉ huy của những sĩ phu yêu nước như Đề Hiện, Bang Tốn, Đốc Nhưỡng, Nguyễn Mậu Kiến, Nguyễn Thái Phúc, Phạm Huy Quang, Đốc Đen, Lãnh Hoan, Lãnh Nhàn, Doãn Khuê, Lãnh Bí... đã đứng lên chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Đầu thế kỷ XX, tham gia và trở thành những nhân vật xuất sắc của phong trào Đông Du, phong trào Đông kinh nghĩa thục Thái Bình có thủ khoa Phạm Tư Trực, Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, Cả Cương, Ấm Đoan...
Từ tuổi ấu thơ, Nguyễn Đức Cảnh đã từ tiếp thụ truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình đặc biệt tư tưởng tiến bộ của người cha - thầy cử Nguyễn Đức Tiết1, cùng truyền thống hiếu học của quê mẹ - Cổ Am, Vĩnh Bảo. Đó là những nhân tố khởi nguồn hình thành tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí, bản lĩnh sẵn sàng đón nhận tư tưởng yêu nước và cách mạng với một sự sáng tạo riêng có của người thanh niên Nguyễn Đức Cảnh.
Sinh trưởng trong gia đình có học, có khí phách, luôn sống trọng nghĩa tình, tiếp thụ những đức tính quý báu của cha anh và các nghĩa sĩ bạn hữu của cha, đó là yếu tố quan trọng để Nguyễn Đức Cảnh hình thành nhân cách, tố chất của một con người sống nghĩa tình, giàu lòng yêu nước, thương dân sâu sắc.
Từ những năm 1925-1926, khi còn là học sinh Trường Thành Chung, Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia phong trào yêu nước. Ông kết bạn với những thanh niên yêu nước như Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường-Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều... Nguyễn Đức Cảnh và những người bạn đồng chí hướng rất say sưa tìm hiểu và kính trọng những hoạt động chống thực dân Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
Cuối năm 1925 đầu năm 1926, cả nước dấy lên phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và tổ chức làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, Nguyễn Đức Cảnh cùng Đặng Xuân Khu và Nguyễn Khắc Lượng tham gia Ban lãnh đạo bãi khóa của học sinh hưởng ứng lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Lo sợ một làn sóng cách mạng mới trỗi dậy, thực dân Pháp tìm cách đàn áp và đuổi học những học sinh tham gia phong trào bãi khóa này. Sau khi bị đuổi học, Nguyễn Đức Cảnh cùng một số học sinh bãi khóa lại tổ chức hoạt động diễn kịch ở thành phố Nam Định và thị xã Thái Bình, lấy tiền giúp đỡ đồng bào bị lụt.
Cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội kiếm việc làm và tiếp tục tìm con đường thực hiện chí hướng làm cách mạng. Nguyễn Đức Cảnh đã làm thư ký hiệu ảnh, giáo viên trường tư, rồi làm công nhân sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư (sau này là nhà in Lê Văn Tân). Nguyễn Đức Cảnh thường xuyên tìm đọc sách báo tiến bộ của tổ chức Nam Đồng thư xã2 - tổ chức tiền thân của Việt Nam quốc dân Đảng.
Tháng 9-1927, Nguyễn Đức Cảnh cùng với Lý Hồng Nhật được cử đi Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên3 do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp huấn luyện. Tuy không trực tiếp nghe Nguyễn Ái Quốc giảng bài, nhưng qua lớp huấn luyện, Nguyễn Đức Cảnh đã sáng rõ nhiều điều như: Sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò của Đảng Cộng sản, của mặt trận đoàn kết dân tộc, quốc tế... Cuối năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh về nước4. Đầu năm 1928, Nguyễn Đức Cảnh được tham gia Kỳ bộ Bắc Kỳ.
Ngày 28 và 29-9-1928, Kỳ bộ Hội thanh niên cách mạng Bắc Kỳ tổ chức Hội nghị tại một địa điểm ở Hà Nội, sau đó chuyển về nhà đồng chí Ngô Gia Tự (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội nghị bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ chính thức. Tại Hội nghị, Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia bàn luận sôi nổi, nêu vấn đề đưa cán bộ đi “vô sản hóa” được đặt ra và được coi là biện pháp thích hợp để tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng trong công nhân. Trên thực tế, đến thời điểm này, cơ sở Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã phát triển mạnh, thành lập được các tỉnh bộ ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định. Phần lớn các hội viên xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản, chủ yếu gồm giáo viên, học sinh, tiểu thương, hội viên là công nhân ít, các đoàn thể quần chúng quá mỏng. Do vậy, Hội nghị chủ trương tăng cường vận động công nông. Hội nghị quyết định đưa các hội viên đi “vô sản hóa”, để mọi người trong tổ chức đều cùng một ý chí, một lối sống, một tiếng nói chung. Hội nghị quyết định giao cho Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh - Ủy viên Kỳ bộ phụ trách vấn đề “vô sản hóa”.
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh cũng như các nhà lãnh đạo khác của Kỳ bộ Bắc Kỳ đều nhận thấy điều kiện cấp thiết là phải thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Theo đó, những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ đã quyết định thành lập một tổ chức cộng sản. Với tinh thần trên, các đồng chí Kỳ bộ Bắc Kỳ trong đó có Nguyễn Đức Cảnh đã gấp rút cho việc thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước. Tháng 3-1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập, tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội). Chi bộ gồm các đồng chí: Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Dương Hạc Đính, Ngô Tuân, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc5.
2. Trưởng thành trong phong trào cách mạng, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Ở Bắc Kỳ từ năm 1926 đến năm 1929, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Do những hoạt động sôi nổi của các cấp bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng diễn ra sôi động ở nhiều vùng đô thị, khu công nghiệp và nông thôn. Sau khi được thành lập, Chi bộ 5D Hàm Long đã phân công đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đảm nhiệm công tác vận động phụ nữ buôn bán tại chợ Đồng Xuân tổ chức bãi thị, đưa kiến nghị lên Đốc lý Hà Nội yêu cầu giảm thuế. Cuộc đấu tranh này có tiếng vang lớn, cung cấp những kinh nghiệm quý cho các tổ chức cộng sản trong công tác vận động tiểu thương ở đô thị.
Ở Bắc Kỳ từ năm 1926 đến năm 1929, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Do những hoạt động sôi nổi của các cấp bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng diễn ra sôi động ở nhiều vùng đô thị, khu công nghiệp và nông thôn. Sau khi được thành lập, Chi bộ 5D Hàm Long đã phân công đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đảm nhiệm công tác vận động phụ nữ buôn bán tại chợ Đồng Xuân tổ chức bãi thị, đưa kiến nghị lên Đốc lý Hà Nội yêu cầu giảm thuế. Cuộc đấu tranh này có tiếng vang lớn, cung cấp những kinh nghiệm quý cho các tổ chức cộng sản trong công tác vận động tiểu thương ở đô thị.
Tình hình trong nước ngày càng cấp thiết yêu cầu thành lập tổ chức Đảng cộng sản lãnh đạo phong trào cách mạng, theo đó, ngày 17-6-1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ, thành lập cơ quan truyên truyền, ra báo chí, Bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên. Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Nguyễn Đức Cảnh trở thành là một trong người sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Nguyễn Đức Cảnh và những sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng đã có đóng góp quan trọng về lý luận đó là sớm xác định sự khác nhau về vị trí các giai cấp trong xã hội; có sự đánh giá cấp tiến về các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, ngoài hai giai cấp công, nông, đã đánh giá vai trò giai cấp tư sản, tiểu tư sản tri thức. Đây là cơ sở cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng trong tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Đông Dương Cộng sản Đảng về thành lập công hội nêu trong Tuyên ngôn, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được giao nhiệm vụ thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ6. Ngày 28-7-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời phụ trách phong trào công nhân đã triệu tập Hội nghị đại biểu công nhân Bắc kỳ lần thứ nhất tại Nhà số 15 phố Hàng Nón (Hà Nội). Hội nghị đã định ra nhiệm vụ mới cho phong trào công nhân và thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tổ chức tiền thân Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Hội nghị thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động của Tổng Công hội Đỏ, quyết định xuất bản báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ. Bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm bảy Ủy viên, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Sự ra đời của Tổng Công hội Đỏ đặc biệt có ý nghĩa đối với phong trào công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn.
Sau khi thành lập, Đông Dương Cộng sản Đảng khẩn trương xây dựng và phát triển cơ sở Đảng tại các địa phương trên phạm vi cả nước. Cuối tháng 6-1929, với sự hoạt động năng nổ, tích cực của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, trên cơ sở chuyển hóa và phát triển thêm được 95 đảng viên, Đảng bộ Hải Phòng thành lập với 14 chi bộ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư7.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Hải Phòng, các cuộc đấu tranh chống thu thuế quá mức quy định, chống địa chủ cướp đất và bãi bồi đã giành nhiều kết quả. Điển hình là cuộc rải truyền đơn vận động Hoa kiều ở Hải Phòng cùng với một số tỉnh thành phố trong cả nước như Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Chợ Lớn... viết thư gửi về Quảng Châu yêu cầu Chính phủ Tưởng Giới Thạch trả tự do cho những người Việt Nam bị bắt sau vụ công xã Quảng Châu.
Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (ngày 17-6-2029) cũng như sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng (ngày 15-11-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (cuối tháng 12-1929)8, đã tác động mạnh mẽ đến phong trào công nhân, phong trào yêu nước trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với cương lĩnh khác nhau, đặc biệt đến cuối năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng đã tranh chấp ảnh hưởng trong quần chúng, bài xích lẫn nhau, giành quần chúng cách mạng, mỗi đảng đều muốn đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản. Trước tình thế đó, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đã về Trung Quốc, triệu tập đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng để tiến hành Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc9. Dự Hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu. Hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu. Vì chưa nắm thông tin Đông Dương Cộng sản liên đoàn mới thành lập, nên Nguyễn Ái Quốc không triệu tập đại biểu tham dự Hội nghị thành lập Đảng.
Tại Hội nghị các đại biểu dự hội nghị đều nhất trí với đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đã thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Về thời điểm tiến hành Hội nghị, trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Công tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh Niên Cách Mạng bị tan rã; những người cộng sản bị chia thành nhiều phái, v.v...
Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày 6-1... Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2”10.
Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách là đại diện của Đông Dương cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tán thành việc thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua các văn kiện đầu tiên của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đã góp phần vào thành công của Hội nghị và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong số những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội II của Đảng (2-1951) đã phát biểu: “Lúc đó chỉ có một nhóm nhỏ con con đồng chí. Số người tuy ít nhưng lòng kiên quyết rất to, nhưng hy vọng chắc chắn rất to. Tuy số người con con nhưng đã tin tưởng Đảng sẽ giải phóng dân tộc và giúp vào cuộc giải phóng thế giới”11.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vô cùng to lớn và quan trọng trong suốt quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Cộng sản Đảng thành một đảng cộng sản duy nhất là điều kiện cực kỳ quan trọng cho thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đưa đất nước tiến lên trên con đường CNXH.
Sự kiện Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930 là dấu mốc đặc biệt. Đối với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham dự sự kiện này là vinh dự vô cùng lớn lao. Khẳng định từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã phấn đấu và trưởng thành, có những cống hiến lớn lao đối với cách mạng Việt Nam, trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, một trong thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh xứng đáng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu danh: “những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai... cùng trăm nghìn đồng chí khác... Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to; và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”12.
Những cống hiến lớn lao, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam học tập và nêu gương.
1. Ông Nguyễn Đức Tiết là một trong những thành viên tích của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược, đã cùng tướng quân Tạ Quang Hiện dấy binh chống Pháp ở vùng duyên hải Bắc Bộ
2. Nam Đồng thư xã tổ chức tiền thân của Việt Nam Quốc dân Đảng
3. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Thanh niên) tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam
4. Đây cũng là thời điểm Nam Đồng thư xã đổi thành Việt Nam Quốc dân Đảng (tháng 12-1927)
5, 9. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, T. 1 (1930-1954), quyển 1 (1930-1945), Nxb CTQGST, H, 2018, tr. 101, 137
6. Tên tổ chức này, ngoài cách viết phổ biến và chính thống như trên, hiện còn lưu tồn một số cách viết khác như: Công hội Đỏ Bắc Kỳ, Công hội Bắc Kỳ, Tổng Công hội Đỏ. Đây là tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam. Nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
7. Bao gồm Thành phố Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và khu mỏ Hồng Quảng- như Khu mỏ than Quảng Ninh hiện nay
8. Ngày 14-12-2016, Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 240/VLSĐ thống nhất kết luận về thời gian thành lập các tổ chức tiền thân của Đảng như sau: 1. Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời vào ngày 17- 6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, thành phố Hà Nội. 2. An Nam Cộng sản Đảng được thành lập vào ngày 15-11-1929, trụ sở đóng tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). 3. Đông Dương Cộng sản liên đoàn được thành lập vào “những ngày cuối tháng 12-1929”
10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 13
11. Sđd, T. 6, tr. 4-5.