Tóm tắt: Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp hai bằng cử nhân và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Pháp, sau đó về Việt Nam tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Sau khi Việt Nam giành được độc lập, ông được Chính phủ giao giữ chức Tổng Giám đốc Đại học Vụ kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1946 ông được giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (sau này là Bộ Giáo dục) và giữ chức vụ này đến khi qua đời, năm 1975.

Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975) học tú tài toàn phần rồi đỗ Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne, Paris (Pháp). Trong thời gian học nghiên cứu sinh ở Pháp, ông dạy học tại Trường Ngôn ngữ Đông phương. Năm 1934, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne với luận án chính "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam" và luận án phụ "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Hai bản luận án này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan... Vì sự kiện này, vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã phải thốt lên: Đây là sự kiện lớn lao đáng ghi nhớ trong lịch sử trường đại học Sorbone! Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Nguyễn Văn Huyên trở về nước không ra làm quan mà chỉ dạy học và nghiên cứu khoa học. Thời gian đầu, ông dạy ở trường Bưởi rồi làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ và tham gia Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương, đồng thời bắt đầu xây dựng bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam. Với nhiệt tình và lòng say mê đối với nền văn hoá dân tộc, trong 10 năm liên tục, ông đã hoàn thành 45 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, đặc biệt là cuốn Văn minh Việt Nam xuất bản năm 1944. Tên tuổi và uy tín của ông rất được vị nể trong giới trí thức và con đường công danh của ông cũng vì thế mà có nhiều thay đổi.  Năm 1938, Nguyễn Văn Huyên tham gia Ban trị sự Hội truyền bá quốc ngữ, một cuộc vận động do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương và tham gia các hoạt động của Đảng Xã hội Việt Nam. Trong quá trình diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Tám, chiều 22-8-1945, Nguyễn Văn Huyên đã cùng ba nhà trí thức nổi tiếng ở Hà Nội là Nguyễn Xiển, Nguỵ Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường đứng tên dưới một bức điện gửi Hoàng đế Bảo Đại nêu rõ: “Một Chính phủ nhân dân lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập của nước nhà”1.
Sau ngày độc lập 2-9-1945, ông được giao giữ chức Tổng Giám đốc Đại học Vụ kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ. Đúng 9h sáng ngày 15-11-1945 tại Hà Nội, với sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị trong Chính phủ lâm thời, đã diễn ra lễ khai giảng khoá đầu tiên của trường Đại học Việt Nam gồm 5 ban: Y khoa, khoa học, văn khoa, chính trị - xã hội và mỹ thuật tại 19 Lê Thánh Tông. Nguyễn Văn Huyên cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và đọc diễn văn, có đoạn: “Buổi lễ hôm nay, anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết rằng, trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam”2.
Ngày 9-2-1946, tại Hà Nội, Giám đốc Trường Đại học Việt Nam Nguyễn Văn Huyên và các cán bộ Viện Bác Cổ mở cửa triển lãm những tài liệu lịch sử của văn hoá Việt Nam. Đó là lần đầu tiên, nhân dân được tận mắt nhìn thấy nhiều tư liệu, hiện vật quý của đất nước mà trước đó chỉ biết qua nghe, nói. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều vị trong Chính phủ đã đến dự và chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ của Viện. Tuy không nhận mình là một nhân tài nhưng Nguyễn Văn Huyên rất vui mừng nhận thấy rằng ông và các trí thức du học thời Pháp thuộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, dìu dắt với “một sự quan tâm liên tục, cụ thể và hết sức đặc biệt”. Nguyễn Văn Huyên còn được Chính phủ cử tham gia phái đoàn đàm phán của hai cuộc hội nghị lịch sử có quan hệ đến vận mệnh đất nước: là thành viên trong Ban cố vấn Hội nghị Đà Lạt và thành viên trong phái đoàn dự Hội nghị Fontainebleu (Pháp). Ngày 1-7-1946, trong buổi tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà văn, nhà thơ Pháp: Triolet, Aragon, Bloch, Moussinac, Emmanuel… Nguyễn Văn Huyên cũng tham dự buổi gặp cùng các ông Phạm Văn Đồng, Dương Bạch Mai, Hoàng Minh Giám… Từ Paris, Nguyễn Văn Huyên đã viết thư về Việt Nam có đoạn: “Tương lai là ở chúng ta. Chúng ta phải cố. Xưa, cổ nhân tin 500 năm Rồng mới hé miệng một lần! Tổ quốc ta không biết đến bao giờ mới lại có dịp như ngày hôm nay…”3



Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà tham dự
Hội nghị Fontainebleu tại Pháp năm 1946 (GS-TS Nguyễn Văn Huyên ngồi thứ hai từ trái qua)

Sau chuyến đi Pháp trở về, đầu tháng 11-1946, Nguyễn Văn Huyên nhận được danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến Bắc Bộ Phủ bàn công việc. Trước đó, đã có một số nhà trí thức nổi tiếng đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã mời GS Ngụy Như Kon Tum - Giám đốc Trung học Vụ đến gặp và ngỏ ý muốn giao cho ông giữ chức bộ trưởng bộ này nhưng GS Ngụy Như Kon Tum xin từ chối và tiến cử: “Người làm Bộ trưởng Giáo dục tốt nhất là GS, TS Nguyễn Văn Huyên”4. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến đồng chí Võ Nguyên Giáp (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và đã nhận được sự ủng hộ. Vì thế, Người gặp GS, TS Nguyễn Văn Huyên để thuyết phục ông đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Người nói: “Tôi thấy chú chăm chỉ, có đạo đức nên đã giới thiệu với đoàn thể và được chấp nhận”5. Sau đó, GS, TS Nguyễn Văn Huyên bắt đầu nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ kháng chiến từ ngày 3-11-1946, vào năm 38 tuổi. Ngày 28-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 225 cử ông Hồ Đắc Di giữ chức Tổng Giám đốc Đại học Vụ thay ông Nguyễn Văn Huyên và ông Ngụy Như Kon Tum giữ chức Đổng lý Sự vụ Bộ quốc gia Giáo dục.
Tháng 12-1946, thực dân Pháp ngang nhiên khiêu khích ở Hải Phòng và Hà Nội, súng nổ khắp nơi, tình hình rất căng thẳng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Lê Văn Hiến (Bí thư Việt Minh đoàn của các cơ quan Chính phủ) đưa xe ô tô đến tận nhà cụ Vi Văn Định (bố vợ GS, TS Nguyễn Văn Huyên) ở phố Hàng Da đón cụ về quê cụ Bùi Bằng Đoàn ở Ứng Hòa, Hà Tây rồi sau đó đưa cả hai cụ cùng linh mục Phạm Bá Trực lên ATK Định Hóa. (Gia đình riêng của GS, TS Nguyễn Văn Huyên cùng gia đình riêng của các ông Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng đã được Phạm Văn Đồng báo tin, di chuyển trước ra khỏi Hà Nội, tản cư đến Vân Đình (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) từ tháng 7-1946 để bảo đảm an toàn và tiện cho Chính phủ đối phó với bọn phản động).
Như vậy, chỉ một tháng sau khi nhận chức, GS, TS Nguyễn Văn Huyên đã cùng Chính phủ bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục cùng với cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, vô cùng khó khăn. Ngày 6-10-1947, tại làng Ải bên con ngòi Quẫng thuộc Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chủ toạ buổi lễ khai giảng năm học mới của trường Y, nhưng đúng một ngày sau, quân Pháp đã ồ ạt tấn công lên Việt Bắc, các cơ quan được lệnh lên bè nứa, rời đến làng Bình ở gần rừng, chờ đến khi quân Pháp rút đi mới quay về địa điểm cũ. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, hình ảnh của vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục được ghi lại trên những nẻo đường Việt Bắc: “Khoác balô, mang theo vài bộ quần áo, chăn màn, không quên túi bột cà phê và cái phin cà phê, anh cưỡi xe đạp đi hàng trăm cây số, vượt qua đèo, qua suối, mang tình yêu tới bao đồng nghiệp, các anh chị em và lớp trẻ học sinh”6. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, hệ thống giáo dục của ta vẫn phát triển trong muôn vàn gian nan, vất vả. Từ các lớp bình dân học vụ đến giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học đều mở rộng, năm 1950 đã có 10 triệu người được xoá mù chữ, học sinh phổ thông tăng lên 44 vạn. Tính đến 1954, nền giáo dục trong vùng giải phóng có nhiều tiến bộ hơn từ khi có chính sách cải cách, số học sinh phổ thông tăng 1 triệu, hàng nghìn cán bộ kỹ thuật được đào tạo, một số lớn sinh viên, cán bộ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài…
Trong những năm làm Bộ trưởng, vì là trí thức không phải đảng viên cộng sản nên ông gặp nhiều trở ngại trên cương vị quản lý, một số người có chức trách còn tỏ thái độ phân biệt đối xử. Đã có lần GS, TS Nguyễn Văn Huyên gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục để làm công tác chuyên môn. Nhận được lá đơn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp ông, ân cần giải thích và khuyên ông cứ tiếp tục công việc, Người nhấn mạnh: “Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng”7. Nghe lời Người, ông tiếp tục đảm trách chức vụ Bộ trưởng. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho gọi một số đảng viên lãnh đạo của ngành giáo dục đến gặp Người để nhắc nhở, phê bình họ về bài học mà C.Mác đã dạy: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng viên chỉ là số ít, người ngoài Đảng thì hàng triệu, hàng chục triệu, đoàn kết với nhau mới đưa cách mạng đến thắng lợi”8. Năm 1960, đồng chí Nguyễn Sỹ Tỳ, Bí thư Đảng ủy Bộ Giáo dục đã gặp và xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị về việc giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Lúc đó GS, TS Nguyễn Văn Huyên đã làm đơn xin vào Đảng, hoàn thành bản lý lịch tự thuật và chi bộ Văn phòng Bộ Giáo dục nhất trí đề nghị kết nạp Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Đề nghị đã được Đảng uỷ cơ quan Bộ Giáo dục và Đảng uỷ Dân chính Văn phòng Trung ương đồng ý. Nhưng khi thông qua Ban Bí thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý rằng: “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”9. Biết tin này, GS, TS Nguyễn Văn Huyên rất xúc động, bởi không ai hiểu rõ tấm lòng ông hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh: dù ở cương vị nào, tổ chức nào cũng suốt đời làm việc vì lợi dân, ích nước. Từ năm 1946 cho đến khi qua đời vào tháng 10-1975, suốt 28 năm và 350 ngày giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS, TS Nguyễn Văn Huyên liên tục là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khóa V, là Uỷ viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông cũng là một vị Bộ trưởng giữ chức vụ lâu nhất, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, đi cùng hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam cho đến ngày thắng lợi.
 



Ngày nhận bài: 3-11-2023;  Ngày thẩm định, đánh giá: 22-2-2024; Ngày duyệt đăng: 28/2/2024
1, 3, 4, 6. Bác Hồ cầu hiền tài, Nxb Thông Tấn 2006, tr.152, 110, 106, 178.
2, 5, 8. Bác Hồ với nhân sĩ trí thức, Nxb Thông Tấn 2005, tr.110, 105, 120.
7, 9. Bác Hồ - con người và phong cách, Nxb Lao động 1999, tr.156.